(Trích Bản tin Ultreya Giáo Phận Orange, tháng 7 năm 2010)
Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bầy về: cộng đồng quốc tế, việc bảo vệ môi trường, cổ vũ hòa bình, học thuyết xã hội và hoạt động của Giáo hội, và sau hết, về một nền văn minh tình yêu.
Chương IX: Cộng Đồng Quốc Tế
1. Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia. Lấy con người làm trọng tâm và thiết lập các mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau theo khuynh hướng tự nhiên, đó chính là những yếu tố căn bản cần thiết để xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực, mà cộng đồng này phải nhắm đến việc bảo đảm cho có công ích toàn cầu cách hữu hiệu. Việc sống chung giữa các dân tộc được xây dựng dựa trên các giá trị từng làm nền tảng để xây dựng các mối quan hệ giữa người với người: đó là sự thật, công lý, liên đới tích cực và tự do.
2. Huấn Quyền nhìn nhận tầm quan trọng của chủ quyền mỗi quốc gia, được hiểu chủ quyền đó như biểu hiện sự tự do cần có để điều khiển các quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Để giải quyết những căng thẳng giữa các cộng đồng chính trị khác nhau mà có thể làm phương hại đến sự ổn định của các quốc gia và an ninh thế giới, cần phải sử dụng các luật chung khi tham gia thương thảo, đồng thời dứt khoát gạt bỏ ý nghĩ có thể tìm được công lý bằng cách sử dụng chiến tranh.
3. Giáo hội là người bạn đường trong cuộc hành trình nhằm thành lập một “cộng đồng” quốc tế đích thực, một cộng đồng đã có một hướng đi rõ rệt khi Tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945. Vì quan tâm tới việc chung sống hoà bình và trật tự trong gia đình nhân loại, nên Huấn Quyền đã phải nhấn mạnh tới nhu cầu thiết lập “một thẩm quyền chung mang tính quốc tế nào đó, được mọi quốc gia nhìn nhận và được trao cho quyền lực hữu hiệu, để bảo vệ an ninh nhân danh mọi quốc gia, chăm lo cho công lý và tôn trọng nhân quyền”.
4. Huấn Quyền đánh giá cách tích cực các hiệp hội được hình thành trong xã hội dân sự nhằm hướng dẫn công luận nhận thức các khía cạnh khác nhau của đời sống quốc tế.
5. Tinh thần hợp tác quốc tế đòi hỏi mọi người không những phải có tư duy đúng đắn về thị trường, mà còn có khả năng nhận thức về bổn phận phải liên đới, bảo vệ công lý và bác ái phổ quát. Vào đầu thiên niên kỷ mới này, sự nghèo đói của hàng tỷ người nam cũng như nữ chính là “một vấn đề thách thức nhất cho các lương tâm con người cũng như các lương tâm Kitô hữu”. Cuộc đấu tranh chống nghèo đói tìm được một động cơ mạnh mẽ khi biết rằng Giáo hội chọn lựa và dành tình thương ưu tiên cho người nghèo. Học thuyết xã hội Công giáo cổ vũ các hình thức cộng tác nào có thể giúp các nước nghèo và kém phát triển tham gia thị trường quốc tế. Giáo hội cổ võ việc giảm nợ và xóa nợ cho các nước nghèo không có khả năng hoàn trả.
Chương X: Bảo vệ Môi trường
1. Quan điểm của Thánh Kinh sẽ soi sáng cho người Kitô hữu biết phải có thái độ nào trong việc sử dụng trái đất, cũng như đối với các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật. Những gì Huấn Quyền suy nghĩ về khoa học và công nghệ nói chung đều có thể áp dụng cho vấn đề môi trường và nông nghiệp. Một điểm quan trọng mà mỗi khi ứng dụng khoa học và công nghệ, người ta phải tham chiếu là phải tôn trọng con người, và cũng kèm theo đó là thái độ cần phải tôn trọng các sinh vật khác.
2. Thiên nhiên xuất hiện như một công cụ trong tay con người, và như một thực tại mà con người phải liên tục vận dụng. Hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được sử dụng và khai thác tuỳ ý. Đồng thời, chúng ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, đặt nó lên trên cả phẩm giá con người.
3. Huấn Quyền nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người. Trong tinh thần liên đới quốc tế, cần phải sử dụng các biện pháp khác nhau đối với việc ứng dụng các công nghệ sinh học mới. Trước hết, phải tạo điều kiện để có sự trao đổi thương mại cách công bằng, không áp đặt những điều khoản bất công.
4. Các nhà chính trị, lập pháp và quản lý hành chính phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá các lợi ích tiềm tàng và rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ sinh học. Đối với vấn đề sinh thái, giáo huấn xã hội Công giáo nhắc lại rằng của cải trên trái đất là do Thiên Chúa tạo thành để mọi người sử dụng cách khôn ngoan. Chúng phải được chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với công lý và bác ái.
Chương XI: Cổ vũ Hòa bình
1. Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn. Nỗ lực xây dựng hoà bình là một việc không bao giờ được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng, vì đây đúng là “Tin Mừng hoà bình”. Hoà bình không phải chỉ là không có chiến tranh, cũng không phải hạ thấp xuống tới mức chỉ là giữ cho các bên thù địch nhau cân bằng về quyền lực; mà đúng hơn, hoà bình được xây dựng trên việc hiểu rõ con người và đòi phải thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý và bác ái.
2. Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được khai sinh từ thảm kịch Thế Chiến Thứ Hai nhằm tránh cho các thế hệ tương lai khỏi tai hoạ chiến tranh, là một bản văn dựa trên một lệnh cấm chung không cho phép nhờ đến vũ lực để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia, ngoại trừ hai trường hợp: đó là sự tự vệ chính đáng và những biện pháp do Hội đồng Bảo an đưa ra trong phạm vi trách nhiệm gìn giữ hoà bình.
3. Giáo huấn xã hội Công giáo đề nghị mục tiêu “giải trừ quân bị toàn bộ, có cân đối và có kiểm soát”. Sự gia tăng vũ khí một cách kinh khủng là một đe doạ lớn cho sự ổn định và nền hoà bình. Những vũ khí có sức huỷ diệt hàng loạt “ bằng sinh học, hoá học hay hạt nhân “ đang là một mối đe doạ đặc biệt nghiêm trọng. Những ai đang sở hữu những vũ khí ấy phải chịu trách nhiệm rất lớn trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.
4. Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa. Thật là một điều báng bổ và phạm thượng khi tự xưng mình là kẻ khủng bố nhân danh Thượng Đế.
5. Giáo hội dạy rằng chỉ có thể kiến tạo một nền hoà bình đích thực bằng cách tha thứ và hoà giải. Tha thứ cho nhau không có nghĩa là loại bỏ nhu cầu về công lý và càng không phải là ngăn chặn con đường dẫn đến sự thật. Ngược lại, công lý và sự thật là những đòi hỏi cụ thể để có được sự hoà giải. Ngoài ra, chính qua việc cầu nguyện mà Giáo hội dấn thân vào mặt trận hoà bình.
PHẦN III
Chương XII: Hoc thuyết Xã hội và hoạt động của Giáo hội
1.Trong học thuyết xã hội của mình, Giáo hội trước tiên đưa ra một cái nhìn tổng thể về con người và một sự am hiểu trọn vẹn về những chiều hướng cá nhân và xã hội của con người. Trên hết mọi sự, hoạt động mục vụ của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội phải làm chứng cho sự thật về con người.
2. Trong bối cảnh của việc dạy giáo lý, điều quan trọng trước hết là phải giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội thế nào để thôi thúc người học làm cho các thực tại trần thế thấm nhuần Tin Mừng và mang tính nhân bản. Học thuyết xã hội của Giáo hội phải là nền tảng của một công trình đào tạo sâu sắc và bền bỉ, đặc biệt cho giáo dân. Một sự đào tạo như thế phải để ý đến những bổn phận của họ trong xã hội dân sự.
3. Việc tận dụng học thuyết xã hội để đào tạo các linh mục và các ứng viên chức linh mục cũng không kém phần quan trọng. Các ứng viên này là những người, trong bối cảnh chuẩn bị cho thừa tác vụ, cần phải trau dồi một kiến thức toàn diện về giáo huấn của Giáo hội và về mối quan tâm của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội cũng như sự chú ý sâu sắc đối với những vấn đề xã hội của thời đại họ sống.
4. Học thuyết xã hội của Giáo hội là một công cụ ưu việt cho việc đối thoại giữa các cộng đồng Kitô giáo với cộng đồng dân sự và chính trị. Công tác mục vụ trong lĩnh vực xã hội cũng được hiểu là dành cho tất cả các Kitô hữu, những người được mời gọi trở nên những chủ thể sống động để làm chứng cho học thuyết xã hội này.
5. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế. Tín hữu giáo dân cần hành động theo tiếng gọi của sự thận trọng, một đức tính làm cho ta có thể nhận ra được sự thiện đích thực trong mọi trường hợp và chọn ra được những phương tiện đúng đắn để đạt được sự thiện đó. Nhờ đức tính này, những nguyên tắc luân lý được áp dụng cách chính xác trong những trường hợp riêng biệt.
6. Học thuyết xã hội của Giáo hội vô cùng quan trọng đối với các hiệp hội và phong trào của Giáo hội mà mục tiêu của chúng là hoạt động mục vụ trong xã hội. Sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội được tiêu biểu bởi việc phục vụ; đó là dấu hiệu và sự biểu lộ của tình yêu, được thể hiện trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị theo những khía cạnh đặc trưng. Trong những lĩnh vực dấn thân xã hội của giáo dân, việc phục vụ con người chiếm ưu thế hàng đầu.
7. Cổ vũ một nền văn hoá xã hội và chính trị được gợi hứng từ Tin Mừng phải là một phạm vi hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt đối với tín hữu giáo dân. Các Kitô hữu phải hoạt động sao cho toàn bộ giá trị về chiều hướng tôn giáo của văn hoá được nhìn nhận. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách đối với phẩm chất của cuộc sống con người, cả về mức độ cá nhân lẫn xã hội.
8. Tín hữu giáo dân sẽ coi các phương tiện truyền thông như những công cụ tạo nên và tăng cường sự liên đới. Đối diện với những phức tạp của bối cảnh kinh tế ngày nay, tín hữu giáo dân sẽ được các nguyên tắc của Huấn Quyền về xã hội dẫn dắt trong những hành động của họ. Việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu lộ sự dấn thân của Kitô hữu trong việc phục vụ người khác.
Kết Luận: Một nền Văn minh Tình Yêu
1. Trong xã hội hiện đại, con người càng ngày càng kinh nghiệm về một nhu cầu mới là tìm lại ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người. Giáo hội trả lời qua việc công bố Tin Mừng của Đức Kitô, Tin Mừng này giải thoát phẩm giá con người khỏi những tư tưởng đang thay đổi và bảo đảm cho quyền tự do của những người, mà không có luật lệ nào của con người có thể làm được.
2. Giáo hội dạy mọi người, nam cũng như nữ, rằng Thiên Chúa ban tặng cho họ một khả năng thực sự để vượt qua sự dữ và đạt tới sự thiện. Niềm hy vọng của Kitô hữu cho họ một năng lực lớn lao để dấn thân vào lĩnh vực xã hội vì niềm hy vọng này tạo ra sự tự tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù sẽ không bao giờ có “một thiên đàng hạ giới”.
3. Mục tiêu trước mắt của học thuyết xã hội của Giáo hội là đề nghị những nguyên tắc và giá trị có thể duy trì một xã hội xứng đáng với con người. Trong số những nguyên tắc ấy, nguyên tắc liên đới bao gồm tất cả mọi nguyên tắc khác một cách chắc chắn. Tình yêu phải hiện diện và thâm nhập vào bên trong mọi quan hệ xã hội. Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem lại một giá trị mới cho tình yêu trong đời sống xã hội “ bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá “ bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. Chỉ có tình yêu mới có thể biến đổi hoàn toàn con người. Bản chất của đời sống đạo của người kitô hữu chính là sống tốt ba thứ tương quan: tương quan siêu vị (transpersonal relationship: với Chúa), tương quan liên vị (interpersonal relationship: với tha nhân), và tương quan bản vị (intrapersonal relationship: với chính mình).
4. Học thuyết xã hội của Giáo hội đề ra những nguyên tắc cho sự suy nghĩ (xem); nêu lên những tiêu chuẩn cho sự phán đóan (xét); đưa ra những định hướng cho hành động (làm) (sách Giáo Lý, số 2423)
Tham khảo:
- “Nouveau Regard sur la Doctrine Sociale de l’Église”, Hervé Carrier, S.J., Conseil Pontifical Justice et Paix, Cité du Vatican, 1990. Bản tiếng Việt:”Một Cái Nhìn về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo”, bản dịch của Nguyễn Đăng Trúc, Định Hướng, 1999.
- Sưu tập những văn bản của huấn quyền về Học thuyết Xã hội Công giáo của Hội Đồng Giáo Hòang về Công Lý và Hòa Bình, ấn bản Anh văn“The Social Agenda, A Collection of Magisterial Texts”, Rev. Robert A. Sirico & Rev. Maciejo Zieba, Libreria Editrice Vaticana, 00120 Citta Del Vaticano, 2000, bản dịch của Đức Ông Nguyễn Quang Sách, Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản, 2004.
- Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, ấn bản Anh văn « Compendium of the Social Doctrine of the Church », 2004 bản dịch của Ủy Ban Bác Ái thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2007.
- Các Thộng điệp Xã hội, Đại Chủng viện Thánh Giuse, 878 trang, 2000.
- Các tài liệu trong cuộc Hội nghị quốc tế về đề tài: Công bằng xã hội, Trách nhiệm Xã hội và Liên đới Xã hội do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Tổ chức Công giáo Đức Misereor (German Catholic Action For Human Development ) đồng tổ chức, từ ngày 15 đến 16-10-2007, tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Các tài liệu trong cuộc Hội thảo về Học thuyết Xã hội Công giáo được Uỷ Ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đứng ra tổ chức, do tổ chức Công giáo Misereor của Đức quốc tài trợ, từ 12 đến 13. 03.2008, tại Toà Giám mục Xuân Lộc.
- Tài liệu làm việc chuẩn bị cho hội thảo từ ngày 12 đến ngày 13.03.2008 tại Toà Giám Mục Xuân Lộc do Uỷ Ban Bác ái Xã hội soạn thảo, 360 trang.
- Các chủ đề liên hệ của : LM Nguyễn Hữu An, Phan Anh, HY O’Brien, GM Bùi Văn Đọc, LM Nguyễn Hồng Giáo, LM Nguyễn Thái Hơp, Christopher Kaczor, HY Phạm Minh Mẫn, SH Huynh Quảng, Andrea Riccardi, LM Nguyễn Ngọc Sơn, LM Vinh Sang, ĐO Nguyễn Văn Tài, LM Phan Tấn Thành, LM Lê Quang Uy, Lê Quang Vinh.
- Tài liệu của các Giáo Phận Sàgòn, Vĩnh Long, Vinh, St Paul and Minneapolis.