Thánh Phaolô & Ephêsô (Ephesus)

Mang danh nghĩa là người có...đạo, và đã nhiều chục năm đi lễ - từng nghe thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Corintô, Ephêsô, Roma v.v... nhưng chỉ khi đến Ephesô trong chuyến du thuyền theo "Dấu Chân Thánh Phaolô" ở duyên hải Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây, người viết mới hình dung được một phần nào công cuộc truyền giáo của Thánh Nhân cách nay 2000 năm!

Ephesus nằm trên trục đường truyền giáo từ Jerusalem sang Châu Âu

Ephêsô

Êphêsô (Ephesus) nằm sát thành phố Selcuk và cách hải cảng Kusadasi của Thổ Nhĩ Kỳ 45 phút lái xe, là một một thành phố cổ hình thành từ 1100 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, bị đế quốc Roma cai trị từ năm 190 BC – phồn thịnh sung túc trong khoảng thời gian 1-4 AD – (ngang hàng với Roma thời bấy giờ) và là một trong các điểm đến trong 12 năm truyền giáo của Thánh Phaolô.  Ephêsô ngày xưa từng có đến 250 ngàn cư dân - ngày nay là một khu bảo tàng ngoài trời toàn các phế tích đổ nát hoang tàn.  Nếu không có các đoàn xe buýt  lui tới di chuyển khách du lịch đa số từ Châu Âu và Châu Mỹ đến xem các hàng cột trơ trụi và các đống gạch đổ nát do thiên tai và thời gian tàn phá, khu vực này sẽ trở nên hoang vắng.

Những điểm chánh ở thành phố Ephêsô

Con người Thánh Phaolô

Thánh nhân là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin.  Khi chịu phép cắt bì Ngài được đặt tên là Saolô.  Theo một số học giả, vào năm 171 BC, để phát triển thương mại tại Tarsus (ngày nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ), Roma hứa cho người Do Thái nhập tịch nếu di dân đến nơi này.  Đó là lý do tại sao Thánh Phaolo có quốc tịch Roma (Cv 22:26–28)­­.

Thánh nhân là người phái Pharisêu, nói rành các ngôn ngữ, Aramic, Hêbrơ, Hy Lạp và biết cả tiếng Latin – có nghề làm lều do cha truyền dạy.  Thuở thiếu thời đã được gởi đến Jerusalem học lề luật Do Thái. Có thể nói Thánh nhân là người trí thức rất nhiệt thành trong việc giữ gìn tập tục cha ông (Gl 1:14).

Hình Thánh Phaolô do chuyên gia của LKA NRW (Đức Quốc) tạo dựng

Bối cảnh thành Êphêsô thời Thánh Phaolô

Là một trung tâm tri thức, tôn giáo và thương mại, phồn thịnh và giàu có, Êphêsô có nhiều thành phần dân chúng cũng như nhiều hạng tư tế thuộc các tôn giáo khác nhau, cộng với các pháp sư, thầy cúng, lang băm v.v...Niềm kiêu hảnh của Êphêsô là Đền thờ Artemis vốn là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Ngày nay đền thờ này chỉ còn lại duy nhất một cây cột!

Những gì còn lại của đền thờ Artemis và tượng thần Artemis

-

Giàu có, quyến rủ và nhiều tà giáo – Êphêsô là nơi có nhiều cơ hội cũng như thách đố cho thánh Phaolô. 

Cơ hội

Trong chuyến truyền giáo lần thứ ba, khoảng năm 53 đến năm 57, Thánh Phaolô đã ở tại Ephêsô ít là 2 năm 3 tháng. Chuyến đi này được kể rỏ trong Tông Đồ Công Vụ chương 18 câu 23 đến chương 21 câu 26.  Riêng đoạn 19 nói về những gì xảy ra tại Ephêsô.

Ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ. Nhưng có một số người cứng lòng, không chịu tin, lại còn nói xấu Đạo trước mặt cộng đoàn, nên ông tuyệt giao với họ, tách các môn đệ ra ; ngày ngày ông thảo luận trong trường học của ông Ty-ran-nô. Cứ như thế trong vòng hai năm, khiến mọi người ở A-xi-a, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều được nghe lời Chúa. (Cv 19, 8-10)

Giờ sinh hoạt chính ở Ephêsô là buổi sáng, lúc nhiệt độ ít nóng bức.  Sau 11 giờ là thời gian nhàn rỗi.. Có thể dung để giải trí, thể thao hay văn nghệ v.v... Có vẽ như thánh Phaolô được cho mượn, một phòng lớp để sử dụng từ sau 11 giờ trưa đến chiều khoảng 4 giờ chiều.  Hãy tưởng tượng dạy giáo lý 5 tiếng mỗi ngày và trong vòng 2 năm – Như thế không ngạc nhiên khi mọi người ở A-xi-a, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều được nghe lời Chúa.  Thời nay chắc hiếm có ai dạy giáo lý, hay nói về Đức Giêsu 5 tiếng mỗi ngày! 

Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất. (Cv 19, 11-12)

Như thế thiên hạ đi theo thánh nhân là phải rồi – vì có ai làm được bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất. Đến nỗi có những thày pháp thày bùa thấy thế nên làm theo kiểu hàng nhái "cáo mượn oai hùm" cũng nhân danh thần Giêsu để trừ quỷ. Nhưng các con quỷ này - rất bực tức và bẽ mặt sau khi bị thánh Phaolô qua uy quyền của Đức Giêsu bắt xuất ra khỏi các người bị ám – rất ... tiểu nhân, lợi dụng cơ hội các thầy bùa tay non hay múa máy, bèn phản pháo bằng cách chất vấn lại: "Cho tụi tao xem thẻ chứng nhận chúng bây là ai – Giêsu và Phaolô chúng tao biết rồi, còn đồ giả danh như tụi bây thì hãy xem đây..."  Vừa dứt lời các tà thần hô biến xông vào lũ thày bùa ăn theo đánh đấm tơi bời hoa lá đến nỗi áo sống rách toang phải bỏ nhà mà chạy mình mẩy trần truồng thương tích tùm lum tà la!

Họ nói : "Nhân danh Đức Giê-su mà ông Phao-lô rao giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi !" Ông Xi-kêu-a nọ, thượng tế Do-thái, có bảy con trai thường làm như vậy. Nhưng tà thần đáp : "Đức Giê-su, tao biết ; ông Phao-lô, tao cũng tường ; còn bay, bay là ai ?" Rồi người bị tà thần ám xông vào họ, đè cả bọn xuống đánh túi bụi, khiến họ phải bỏ nhà ấy mà chạy trốn, trần truồng và đầy thương tích. Mọi người ở Ê-phê-xô, Do-thái cũng như Hy-lạp, đều biết chuyện ấy ; ai cũng sợ hãi, và thiên hạ tán dương danh Chúa Giê-su. (Cv 19, 13-17) 

Thử tưởng tượng thành phố Ephêsô thời đó khoảng 250 ngàn dân cư đều biết chuyện này – cộng với dân chúng ở Do Thái và Hy Lạp ... Có thể nói được là thánh Phaolô đã rất nổi tiếng ở Ephêsô và số người từ bỏ tà thần để tin vào Đức Giêsu rất nhiều!  Còn các tay pháp sư sau khi lành lặn thương tích đã tuyên bố giải nghệ, đốt toàn bộ cách sách cẩm nang trừ quỷ và có lẽ từ đó tin vào Đức Giêsu – là Đấng các quỷ thần phải run sợ!

Khá đông người làm nghề phù thuỷ đem gom sách vở mà đốt trước mặt mọi người ; tổng cộng số sách ấy trị giá tới năm mươi ngàn đồng bạc. (Cv 19, 19) 

Thách Đố

Tuy nhiên lớn thuyền lớn sóng.

Khi số lượng bỏ tà thần tin theo lời thánh Phaolô giảng dạy ngày càng nhiều – lập tức ảnh hưởng đến – không phải các tôn giáo khác – nhưng đến nồi cơm của các tay thợ bạc! Như đã nói ở trên – Ephêsô hảnh diện vì đền thờ Artemis. Khách thập phương đến đây khấn cầu và mua các ảnh tượng có hình đền thờ và thần Artemis.  Nhưng từ khi thánh Phaolô giảng về Đức Giêsu, tại trung tâm thương mại nhu cầu mua hình tượng sụt giảm nhiều khiến cho thu nhập của các tay thợ bạc tuột dốc như lúc thị trường chứng khoán lao đao!  Trong số đó cay cú nhất là Demitrius!  Ông này tụ tập nhiều người trong đó có các  đồng nghiệp và nhân công thợ bạc.  Khuyến cáo họ không phải vì nồi cơm đang bể nhưng dưới chiêu bài tôn giáo rằng nữ thần Artemis đang bị hạ bệ và rồi đền thờ sẽ vắng như chùa bà Đanh – không ai cúng bái và thần sẽ hết linh thiêng.

Đền thần Artemis

Vào thời kỳ ấy, xảy ra một vụ rối loạn khá trầm trọng liên quan đến Đạo. Số là có một người thợ bạc tên là Đê-mết-ri-ô, chuyên làm mô hình đền nữ thần Ác-tê-mi bằng bạc, và nhờ đó đem lại cho các người thợ một nguồn lợi không nhỏ. Ông ta tập hợp họ và những người làm nghề tương tự, và nói : "Thưa các bạn, các bạn thừa biết là nhờ việc làm ăn này mà chúng ta phát tài. Thế mà, như các bạn thấy và nghe biết : không những ở Ê-phê-xô này, mà gần như trong khắp cả A-xi-a, tên Phao-lô ấy đã thuyết phục và làm cho một đám đông đáng kể thay lòng đổi dạ, khi hắn nói rằng thần linh do tay người làm ra không phải là thần. Như vậy, có nguy cơ là không những ngành nghề của chúng ta bị chê bai, mà cả đền thờ đại nữ thần Ác-tê-mi cũng bị người ta coi chẳng ra gì, và rốt cuộc vị nữ thần mà toàn A-xi-a và cả thiên hạ tôn thờ cũng chẳng còn gì là vĩ đại nữa." (Cv 19, 23-27)

Kết quả là đám đông kéo đến hí trường, có nhiều người không biết tại sao mình đến đó.  Và toàn hí trường 25 ngàn chổ vang dội tiếng hò hét: "Vĩ đại thay thần Artemis của người Ephêsô - Vĩ đại thay thần Artemis của người Ephêsô..." liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Sau đó vì sợ bị kết án gây bạo loạn trong thành phố, và lúc đó sự hung hãn cũng giảm bớt phần nào, đám đông được giải tán êm thắm! Trong vụ này Thánh Phaolô bình an vô sự vì nghe theo lời khuyên không đến hý trường.

Hý trường nơi đám đông hò hét phản đối Thánh Phaolô suốt 2 tiếng

Cả thành đầy hỗn loạn, người ta ùn ùn kéo đến hí trường, lôi theo ông Gai-ô và ông A-rít-ta-khô là những người Ma-kê-đô-ni-a, bạn đồng hành của ông Phao-lô. Ông Phao-lô muốn ra trước đại hội toàn dân, nhưng các môn đệ không cho. Có mấy vị chức sắc tỉnh A-xi-a, là bạn của ông Phao-lô, cũng sai người đến khuyên ông đừng liều mình đến hí trường. Dân chúng hò la, kẻ thế này, người thế nọ, đại hội trở nên hỗn loạn và phần đông không biết mình họp nhau để làm gì .(Cv 19, 29-32)

Sau vụ lộn xộn đó thánh Phaolô rời Ephêsô qua Hy Lạp tiếp tục rao giảng về Đức Kytô

Ngày nay – tại Ephêsô người ta có thể đến đi dọc theo con đường chính Curetes(hình dưới) sau khi qua khu trung tâm hành chính (State Agora) từ cổng Magnesian.

Dọc theo hai bên đường là di tích các đền thờ, tượng đài và các kiến trúc trang trí cho thành phố cổ xưa. Cuối đường Curetes là thư viện Celsus có 2 tầng, được coi là trung tâm thành phố.

Có lẽ với quan niệm thư viện là nơi lưu trữ kiến thức và sự khôn ngoan của nhân loại nên kiến trúc này được đặt ở trung tâm. Một điều khá thú vị là đối diện với thư viện là khu...nhà thổ. Tại sao biết được: tượng thần Priapus được tìm thấy trong khu vực được ngăn chia thành nhiều phòng nhỏ này!

Trong khu nhà thổ nhìn ra thư viện

Gần đó khoa khảo cổ còn tìm thấy khu vệ sinh công cộng

Kế bên thư viện Celsus là cổng vào khu trung tâm thương mại, một khu vực vuông vức mỗi cạnh 110 m.  Hãy hình dung tại đây mỗi sáng tay thợ bạc Demitrius rao bán các hình tượng thần và đền thờ Artemis cho khách thập phương đến cúng bái vị thần này – giống như các cửa hàng lưu niệm hay các người bán dạo chung quanh các khu du lịch.  Và cũng tại đây thánh Phaolô có thể đã có một chổ buôn bán hay chế tạo lều bạt để mưu sinh (Thánh Phaolô có nghề làm lều). 

Hý trường Ephesô phía sau trung tâm thương mại (commercial agora)

Một địa điểm khác có liên quan trực tiếp đến Thánh Phaolô: khu hý trường. Đây là nơi theo truyền thống được tin là Thánh Phaolô đã giảng cho dân chúng là không được thờ phượng tà thần. Và vụ nổi loạn xách động do các tay thợ bạc vì kinh tế bị ảnh hưởng. Việc này có đề cập trong sách Tông Đồ Công Vụ như đã nói trên.

Có 2 địa điểm được đề cập trong sách TĐCV nhưng hiện nay khoa khảo cổ chưa tìm ra: Hội đường Do Thái và trường Tyrannus! Đây là nơi Thánh Phaolô đã rao giảng về Đức Giêsu. Đầu tiên là ở Hội Đường Do Thái 3 tháng nhưng sau đó tách ra và sử dụng trường học Tyrannus trong 2 năm.

Có thể suy ra trong 2 năm 3 tháng ở Ephêsô, Thánh Phaolô đã tiếp xúc với rất nhiều người và đã thiết lập một Hội Đồng Giáo Xứ để quản nhiệm cộng đoàn.

Trong chuyến trở về từ Hy Lạp, thay vì ghé Ephêsô, Ngài đã ghé vào Miletus nằm về hướng Nam cách Ephêsô 80 km (đường xe hiện nay) và cho người mời các "quới chức" từ Ephêsô tới để nói lời giả biệt rất thống thiết (Cv 20, 17-38).

Chương trình tour có sẳn diễn viên đóng vai Thánh Phaolô nói tiếng Anh

Hý trường Miletus nơi Thánh Phaolô giả biệt các trưởng lão Ephêsô

Đường vào hý trường phế tích Miletus

Video Thánh Phaolô giả biệt các trưởng lão Ephêsô (4' 53")

Từ Miletus, Thánh Phaolô trở về Giêrusalem sau khi ghé qua Tyrô và Caesarea. Tại Giêrusalem, để tránh âm mưu ám sát của các kỳ mục Do Thái, chính quyền Roma giải Thánh Phaolô về Caesarea. Từ đó Ngài kháng cáo lên Hoàng Đế César và bị giải về Roma.

Từ việc ngã quỵ lần thứ nhất trên đường đi Damascus (Cv 9:3), tại Roma Thánh Nhân gục ngã lần thứ hai để từ đó Tin Mừng Chúa Ky-tô được tiếp tục rao giảng đến ngày nay.

Hien Quang

[Nguồn: www.40giayloichua.net]