Linh mục Anrê Đỗ Xuân Quế trả lời phỏng vấn nhân dịp 50 năm thành lập tu viện Mai Khôi

Chắc hẳn qúy vị độc giả VietCatholic quá quen thuộc với những bài viết chỉ dẫn quan trọng về Phụng vụ và Thánh nhạc, và cộng thêm những bài thơ mà LM Anrê Đỗ Xuân Quế đã sáng tác để ca tụng tình yêu Thiên Chúa và những cảm nghiệm huyền nhiệm về cuộc đời, và đã trở thành một mục đăng thường xuyên trên các bản tin hằng ngày của Thông tấn xã Công Giáo Việt Nam. Hôm 19/01/2006 vừa qua, VietCatholic đã có cuộc trao đổi nhân dịp tu viện Mai Khôi, nơi Cha Quế đã gắn bó gần hết đời mình vào đời tu, mừng kỷ niệm 50 thành lập tại Sài Gòn. Qua cuộc nói truyện này chúng ta được hiểu thêm về những thăng trầm và đoạn đường đã qua của tu viện này.

Quốc Ngọc: Xin Cha cho độc giả VietCatholic biết đôi nét về tu viện Mai Khôi trong 50 năm qua? linh mục

Cha Quế: Ban đầu tu viện Mai Khôi chỉ là mấy phòng trong doanh trại Hạ sĩ quan Không quân Pháp về nước nhường lại. Nhà lợp mái tôn xi-măng. Ba lm Đỗ Minh Vọng (Michel Alexis Cras), Vinh Sơn Nguyễn Huy Lịch và Đỗ Minh Bình (Marie-Bernard Pineau) ở đất thánh Cầu Kho dọn về đây ngày 07/10/1955, vừa làm nơi cho sinh viên và các linh mục ở. Sinh viên ở phía ngoài, các lm ở phía trong, không có tường rào ngăn cách gì cả. Bên ngoài là Câu lạc bộ cũng gọi là cư xá Phục Hưng. Câu lạc bộ này có từ năm 1940 ở Hà-nội, nay người sáng lập ra nó là lm Đỗ Minh Vọng vào Nam nên cũng đưa nó vào theo. Ngày 19/01/1956, nơi các linh mục ở được gọi là tu xá, đơn vị nhỏ ít người dưới cấp tu viện. Mãi đến ngày 11/02/1969, tu xá mới được nâng lên hàng tu viện, vì lúc bấy giờ có đủ túc số như Hiến pháp ấn định, nghĩa là phải có 6 tu sĩ được bổ nhiệm và ở thường xuyên tại đây, 5 người có quyền bỏ phiếu và tối thiểu 4 người là linh mục. Từ 1965 trở đi, các linh mục Việt Nam đứng đầu tu viện thay vì các lm người Pháp, tuy các linh mục này vẫn ở trong tu viện. Vì thế từ 1966-67 cho đến 1975 vẫn có các linh mục người Pháp như Arbogaste Haag và Henri Lorry ở đây. Năm 1963, lm Phạm Long Tiên. Năm 1965, lm Trần Hiền Lương, lm Đỗ xuân Quế. Năm 1967, lm Thiện Cẩm. Năm 1972, lm Mai Văn Hùng, lm Nguyễn Văn Hòa về nước. Với đội ngũ này, các linh mục chia nhau coi sóc cư xá, làm tuyên úy sinh viên, giảng dạy tại hai trường Đại học Sài-gòn và Đà-lạt, chủng viện Vĩnh Long, giảng tĩnh tâm, tổ chức các khóa hội thảo diễn thuyết, điều khiển hai tạp chí Nhà Chúa và Tri Thức. Biến cố là các cuộc ra đi của lm Đỗ Minh Vọng 1962, Thiên Phong Bửu Dưỡng 1987, Trần Hiền Lương 1992, Phạm Long Tiên 1994, Mai Văn Hùng 1995, Đỗ Minh Lộ 2000, Nguyễn Huy Lịch 2000. Hai cột mốc chính là: 1965 tu viện được trao quyền vào tay linh mục Việt Nam và 1975 không còn linh mục ngoại quốc nào trong tu viện.

Quốc Ngọc: Còn về chuyến thăm tu viện của Mẹ Têrêsa Calcuta?

Cha Quế: Thực ra, Mẹ Têrêsa không thăm tu viện mà chỉ dự lễ một vài lần vào buổi chiều tại nhà thờ cũ Mâi Khôi, khoảng 1995 (?) khi Mẹ đến thăm các chị em của Mẹ tạm trú ở 38 Tú Xương với hy vọng mong manh có thể lập nhà được ở Việt Nam. Có mấy người bổn đạo chụp hình. Người ta cũng chụp cha Trần Phúc Nhân chung với Mẹ và cả cha Nguyễn Huy Lịch ngồi trên xe lăn nữa.

Quốc Ngọc: Đôi nét về cá nhân Cha, là một tu sĩ Đa Minh, trong hành trình 50 năm đó?

Ảnh chụp với cha Jean-Pierre Lintanf (Cựu Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Lyon)

 

Cha Quế: Tôi có viết một bài đề là "Lần đầu đến với Mai Khôi", trong đó tôi nói đến bước đầu vào dòng Đa Minh của tôi. Tôi phải mất hai năm lui tới với dòng, rồi ngày 15/5/1956 mới được chính thức nhận để cho đi Pháp vào nhà tập của tỉnh Dòng Lyon lúc ấy ở Angers. Tôi xuống tầu Flaminia của Ý do Pháp thuê để đưa những người lính cuối cùng trong đoàn quân viễn chinh Pháp về nước, vào một buổi chiều mưa tầm tã ngày 02/7/1956. Tôi ở nhà tập Angers một năm, về học viện Eveux gần Lyon 6 năm, rồi lên Paris học thêm 2 năm. Đến ngày 29/4/1965, về lại Mai Khôi làm việc cho đến ngày nay. Trừ một năm tu nghiệp ở Paris 1971-72, gần một năm coi sóc cư xá Phục hưng Cần thơ 1974. Một năm lên xuống Đà-lạt (1975-1976) dạy tại Đại Chủng viện Minh Hòa và Giáo Hoàng Học Viện. Ngoài ra, tôi còn dạy ở Đại Chủng viện Vĩnh Long, Long Xuyên, Xuân Bích Huế và hiện nay tại Lớp Bồi dưỡng Thần học Phao-lô Nguyễn văn Bình và Trung tâm học vấn Đa Minh Gò-vấp. Từ 1972 đến nay, tôi làm việc trong Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ mỗi tuần lề hai ngày.

Quốc Ngọc: Thưa Cha, cha đã từng giữ những trách vụ nào tại tu viện Mai Khôi và hiện nay?

Cha Quế: Tôi làm Tu viện trưởng hai khóa 1982-1985 và 1993-1996. Bề trên Phụ Tỉnh 1993-1999. Hai khóa làm Phó Tu viện trưởng 1999-2002, 2002-2005. Và hiện nay là Phó Tu viện trưởng lưu nhiệm.

Quốc Ngọc: Xin Cha cho biết sự khác nhau giữa: Bề trên Phụ Tỉnh, Bề trên Nhà, Tu viện trưởng, rồi Giám Tỉnh tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo VN v.v…?

Cha Quế: Thường mỗi Tỉnh Dòng đều có các Phụ Tỉnh, như Tỉnh Việt Nam có Phụ Tỉnh bên Canada. Phụ Tỉnh là Bề Trên khu vực thuộc Phụ Tỉnh nhưng vẫn liên lạc và trực thuộc Bề Trên Tỉnh, cũng như trước đây Mai Khôi là Phụ Tỉnh thuộc Tỉnh Lyon. Mai Khôi có những quyền hạn được ghi trong qui chế của Phụ Tỉnh, còn ngoài ra vẫn liên lạc và trực thuộc Lyon trong những vấn đề lớn và quan trọng. Bề Trên nhà quyền hạn hẹp hơn, chỉ thu gọn lại trong một nhà do Hiến Pháp Dòng qui định, lại phải tùy thuộc vào Tu viện trưởng vì nhà nào cũng phải trực thuộc một tu viện, như hiện nay nhà Cần Thơ phải tùy thuộc tu viện Mai Khôi. Tu viện trưởng là bề trên tu viện có từ 6 tu sĩ trở lên trong đó ít nhất phải có 4 linh mục như nói ở trên. Tu viện là đơn vị chính của Tỉnh Dòng. Một Tỉnh Dòng gồm có nhiều tu viện. Giám Tỉnh là Bề Trên cao cấp có quyền hạn trên các tu viện trong Tỉnh Dòng. Các Tu viện trưởng đều phải tùy thuộc Cha Bề Trên Giám Tỉnh do các luật lệ được ban hành và ấn định trong Hiến Pháp Dòng.

Quốc Ngọc: Cha có thể cho chúng con biết về ý nghĩa của việc hợp nhất tu viện Mai Khội và tỉnh dòng Đa Minh VN năm 1999?

Cha Quế: Hợp quần tạo nên sức mạnh. Phụ tỉnh Mai Khôi ít người, ít phương tiện. Nay Bề Trên Cả, bề Trên Giám Tỉnh Lyon, rồi Paris đề nghị và khuyên mời Mai Khôi nên hợp nhất với các Cha Dòng Đa Minh tại nhà thờ Ba Chuông cho mạnh mẽ và bền chặt hơn. Sau mấy năm suy nghĩ, cân nhắc bàn bạc giữa đôi bên, cuối cùng đôi bên bỏ phiếu chấp thuận đi tới hợp nhất ngày 22.5.1999.

Quốc Ngọc: Cha có cho rằng cần có một kế hoạch phát triển toàn diện Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình (cư xá Phục Hưng cũ) sao cho xứng với ý nghĩa lịch sử của trung tâm? Thực tế hiện nay còn rất chệch choạc: cơ sở vật chất, thiếu định hướng, cũng như chưa tận dụng tốt ưu thế mặt bằng khá lý tưởng của trung tâm?

Cha Quế: Tất nhiên là có. Trong một buổi họp mới đây, tu viện đã đề cập đến vấn đề này và sẽ có một ngày bàn bạc thảo luận chung để đưa ra một kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh và tình thế. Nếu có chuệch choạch thì chẳng qua cũng vì còn thiếu người thích đáng và hoàn cảnh chưa thuận lợi cho một cuộc bố trí tương đối hoàn chỉnh. Có lẽ phải đợi một thời gian khi có người được chuẩn bị thích hợp để làm công việc này.

Quốc Ngọc: Theo Cha, trước những nhu cầu của người Công giáo Việt Nam tại đây thì có nên có một học viện Thần học hay không, thưa Cha?

Cha Quế: Rất nên. Chính vì vậy Trung Tâm Học Vấn Đa Minh (Gò Vấp) đang chuẩn bị dần để tiến tới giai đoạn đó. Hiện Trung tâm đã sáp nhập vào Trường đại học Thánh Tôma (Manila, Philipine) và thứ Bảy 21/01/2006 sẽ phát bằng thần học lần đầu tiên do một giáo sư ở Manila sang cấp...

Quốc Ngọc: 50 năm, một dịp để dừng lại ca khen, tạ ơn chúc tụng Chuá, và tiếp tục dấn bước. Theo Cha con đường nào là thích hợp nhất cho tu viện trong hành trình… 50 năm tới?

Cha Quế: Ngay từ đầu Mai Khôi được lập ra để giúp sinh viên cả vật chất lẫn tinh thần. Các tu sĩ linh mục trong tu viện này được chuẩn bị và nhắc nhở để làm việc cho giới sinh viên và trí thức. Đường hướng của Mai Khôi là như vậy và ý của các bề Trên tiền nhiệm cũng là như thế. Mai Khôi phải cố giữ cho được sắc thái này. Đó phải là nét riêng của Mai Khôi. Bởi vì từ đầu Mai Khôi đã được lập ra theo hướng đó.

Quốc Ngọc: Người nghèo trong xã hội chúng ta đang sống có vị trí nào trong linh đạo phục vụ anh em của tu viện? thưa cha

Cha Quế: Tuy hướng về sinh viên và các sinh hoạt trí thức nhưng không phải vì thế mà Mai Khôi lơ là với những người nghèo. Bằng chứng là hiện nay tu viện có những tu sĩ đồng hành với những người mắc bệnh Sida, ít may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt mà tượng trưng là phòng khám miễn phí, tủ thuốc cho người nghèo và những người nhiễm HIV cũng như các cuộc đi thăm viếng trọng điểm những người cai nghiện ở Bình Phước. Những người thiên về nghiên cứu, viết lách trong tu viện chắc chắn sẽ không có thời giờ và cơ hội tiếp cận cách thiết thực với người nghèo như một số người thiên về hoạt động xã hội. Nhưng theo linh đạo phục vụ thì hẳn là người nghèo phải ở trong tâm thức những người nói trên bằng cách này hay cách khác.

Quốc Ngọc: Là tu sĩ dòng “Anh Em Giảng Thuyết”, Cha đã từng suy nghĩ thế nào về câu nói của ĐTC Gioan Phaolô II: “Thế giới ngày nay cần những chứng nhân hơn là những nhà thuyết giảng.”?

Cha Quế: Tôi nghĩ rằng “Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”. Lối giảng hay hơn cả là giảng bằng đời sống và lời cầu nguyện. Ngày xưa, mỗi lần giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris, cha Lacordaire đã phải cầu nguyện và đánh tội.

Quốc Ngọc: Câu hỏi cuối cùng, “trót cả tâm tình” Cha có đôi lời với các bạn trẻ, mà hiện cũng như Cha 50 năm trước “ra bến tàu vào một chiều mưa tầm tã... mà lòng vẫn chưa yên, vẫn còn thấp thỏm trước tương lai mịt mờ”, với ơn gọi Đa Minh?

Cha Quế: Dâng mình cho Chúa đúng là một ơn gọi. Phải cảm thấy Chúa gọi mới đi tu được. Rồi lại phải chiến đấu và từ bỏ nữa. Sự đời bây giờ có nhiều cái quyến rũ người trẻ lắm. Phải tìm thấy ở ơn gọi một sức mạnh, một sự thúc đẩy nâng cao cuộc đời mình lên. Và làm cho mình thấy đời tu là một cảnh đời có giá trị và mang lại hạnh phúc cho mình nhờ sự dấn thân và từ bỏ dưới sức hấp dẫn của ơn Chúa.

Quốc Ngọc: Xin chân thành cảm ơn cha. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tu viện và năm mới Bính Tuất, thay mặt Ban Biên tập cùng qúy độc giả VietCatholic, xin gửi đến cha lời chúc sức khoẻ và ơn lành của Chúa, Đức Mẹ Mai Khôi & thánh Tổ phụ dòng.

Cha Quế: Xin cảm ơn anh!