Người Công giáo tốt cũng là Công dân tốt

Cách đây hai năm, lúc 12 giờ trưa ngày 27.06.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã tiếp kiến chung Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhân dịp ‘Ad Limina’, gồm 29 vị và ban Diễn từ bằng tiếng Pháp. Trong đó, Đức Thánh Cha đã khích lệ người Công giáo Việt hãy thực hành trong cuộc sống hàng ngày bằng tình bác ái, sự chân thật và tình yêu mãnh liệt của họ cho công ích của xã hội để mọi người nhận ra chân lý là ‘Một người Công giáo tốt cũng là một người công dân tốt’ (un bon catholique est aussi un bon citoyen).

Trong hai năm vừa qua, người cộng sản không từ chối một cơ hội nào để bóp méo lời khuyên này của vị Lãnh đạo Giáo hội Công giáo theo chiều hướng có lợi cho họ hay đảng phái và đi ngược lại với Giáo huấn xã hội Giáo hội để gây nhiều hoang mang, hiểu lầm ngay nơi Kytô hữu chúng ta.

I. NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT.

Khi tự do thuận nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta gia nhập Giáo hội Công giáo và trở thành người Công giáo hay tín hữu Đức Kitô. Người Kitô hữu được mời gọi Nên Thánh để sau khi, chấm dứt đời sống trần gian, linh hồn được vào Thiên Quốc, như các Thánh tiền nhân chúng ta. Đó là những người Công giáo tốt.

Nên lưu ý, các Thánh mà chúng ta nói trên không chỉ là các Thánh mà Giáo hội Công giáo đã tôn phong như 117 Thánh và một Chân phước Tử đạo (Anrê Phú Yên) nước Việt, nơi hạt giống Tin Mừng được gieo vào từ năm 1533, tức đã 478 năm qua. Nếu kết quả chỉ như vậy thì thật là một thất bại cho Đức Kitô và Hội thánh Người. Các Thánh và Chân phước là những Kitô hữu có đời sống anh hùng theo như Chúa Giêsu đáng là những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi Nên Thánh. Trong gần năm thế kỷ qua, nhiều triệu ông bà, cha mẹ chúng ta đã âm thầm sống đời Nên Thánh bằng tuân giữ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, có thể tóm tắt trong ‘Kính Chúa, Yêu Người’ và được hoàn thiện bởi đời sống và lời dạy của Ngôi Hai Thiên Chúa được mặc khải trong bốn Phúc âm (x. Khải huyền 7, 9 và 14-17).

Ngoài ra, người Công giáo tốt, để chiến đấu và thắng Sự Dữ trên đường lữ thứ trần gian, còn có những hướng dẫn được ghi trong Sáu Điều Luật Hội Thánh và những tín điều phải tin được viết trong ‘Kinh Tin Kính’. Giáo luật dành những điều khoản từ số 208 đến 223 để qui định những ‘Nghĩa Vụ và Quyền Lợi của các Tín Hữu’. Giáo luật cũng qui định những điều khoản khác liên hệ đến các Giáo sĩ, đặc biệt các Linh mục, những người Công giáo nhận Ơn Thánh để thi hành chức năng của chính Chúa Giêsu.

Các Đức Giáo Hoàng thường ban hành các văn kiện, luôn cập nhật hóa với thời gian, nhưng vẫn theo đúng Phúc âm, về Giáo huấn xã hội để người Công giáo và những người thiện chí dựa vào đó mà đối xử với nhau hầu tạo một xã hội Công Bằng và vì Công Ích.

II. NGƯỜI CÔNG DÂN TỐT.

1. Công dân tốt là người biết thực thi hoàn hảo quyền chính trị của mình.

Tham gia bầu cử trong một quốc gia dân chủ và tự do, công dân cử tri dùng lá phiếu của mình để ủy nhiệm quyền chính trị của mình cho một (hay nhiều) ứng cử viên để, thay mặt mình, quản trị quốc gia theo những điều đã hứa hẹn. Khi đắc cử, sau khi nhậm chức, công dân ứng cử viên phải thực hiện những điều đã hứa nhưng phải nhằm xây dựng và phát triển xã hội Công Bằng và vì Công Ích.

Công Bằng cần thiết để bảo đãm Hòa bình trong nước và tránh những tranh chấp trong xã hội. Công ích hướng tới việc thăng tiến con người; ‘trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại’. Trật tự này đặt nền tảng trên chân lý, được thiết lập trong công bằng, được sinh động bởi tình yêu (x. GLHTCG, các số 1910-1912).

Người công giáo còn nhìn xa hơn : làm sao để cho dân tộc mình chẳng những được hạnh phúc trần thế, mà còn được hạnh phúc vĩnh viễn, điều mà mọi người đều mong ước. ‘Công ích’ đời đời vĩnh cửu. Vì thế, Đức Phaolô VI đã dám quả quyết : ‘làm chính trị là một việc bác ái có tầm vóc quốc gia’. Đức Piô XI còn quả quyết trước rằng : ‘Lãnh vực chánh trị là phạm vi mênh mông của bác ái, bác ái chánh trị’ (18.12.1927).

2. Tại Việt Nam, người cộng sản biến Quê hương thành quốc gia độc đảng.

Tại Việt Nam, người cộng sản biến Quê hương thành quốc gia độc đảng, nơi đó, chỉ có việc ‘đảng cử, dân bầu’ khiến cử tri không tìm thấy ứng cử viên có thể đáp ứng nguyện vọng của mình, nên những công dân tốt có tự do từ chối đầu phiếu.

Hơn nữa, từ ngữ ‘chánh trị’ được người cộng sản làm sai lạc ý nghĩa để coi như đó là một cái gì xấu xa và là một độc quyền của họ. Từ đó, người ta tạo ra biết bao bất công : các Linh mục xin xỏ Đảng để có những chức vụ trong công quyền, dù trái Giáo luật, vẫn được nể nang, trong khi các Linh mục như Cha Nguyễn văn Lý lên tiếng theo lương tâm hay Đức cha Nguyễn văn Thuận (trong thời gian đầu cộng sản chiếm Miền Nam) đã bị đội cho cái mũ ‘làm chánh trị’, dù không một lần tranh cử hay tham chánh. Chưa hết, ngày nay, khi người Công giáo hiệp thông cầu nguyện hay thắp nến vì hoà bình, công lý, tự do và bình an cho những người bị tù oan như tiến sĩ Cù huy Hà Vũ, bị giam cầm trái luật như luật sư Lê quốc Quân, bác sĩ Phạm hồng Sơn, cùng những buổi cầu nguyện tại Thái Hà, Tam Toà, Cồn Dầu… là họ đang làm chính trị… Phải chăng đó là thực thi kinh ‘Thương người có mười bốn mối’, nhất là khi những người không Công giáo đến hiệp thông cầu nguyện với chúng ta.

Đến đây, chúng tôi xin phép Chị Maria Tạ phong Tần để trích một đoạn trong bài viết của Chị có tựa đề ‘Chính trị và Quyền Phản đối theo Lương tâm’ :

« Nguyên tôi có mua quyển Đại Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (NXB Từ Điển Bách Khoa - 2007) bự tổ chảng, nặng hơn 2 kg, giá 280 ngàn đồng. Sách dày 1476 trang, mỗi trang chia làm ba cột chữ nhỏ lít nhít. Lúc mua tôi nghĩ sách bự chữ nhỏ như vầy chắc là chữ nào cũng có hết. Hôm nay lấy sách ra tra tìm chữ “chính trị” để “nói có sách mách có Từ điển” tôi mới biết mình lầm. Ở trang 195, vần Ch- tr thấy liệt kê có mấy chữ: “chính trung, chính truyền, chính trực” là chuyển sang Ch-v (chính văn, chính vị) rồi. Than ôi! Đại Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ mà không có từ “chính trị”. Thế mới biết nền giáo dục què quặt mấy chục năm nay đã “thành công tốt đẹp” về mục tiêu bưng bít, ngu dân. Hậu quả là dân chúng không hiểu biết (hoặc hiểu biết mơ hồ) về khái niệm chính trị, tạo điều kiện cho “phe ta” cứ đem “con ngáo ộp” chính trị ra nhát ma hay khủng bố.

Bèn lôi quyển Từ điển Trung Việt to chẳng kém của Viện Khoa Học Xã Hội (NXB Khoa Học Xã Hội - 2000) thì thấy:

Chữ “chính” (政,dùng trong từ chính trị), là chữ “chính” (正, giữa, ngay thẳng) được ghép thêm bộ “phộc” (攵, đánh sẽ), được giải thích nghĩa là: là nghiệp vụ của cơ quan nhà nước, công việc. Chữ “chính” có thêm “phộc” tức công việc này phải ngay thẳng, chính danh và có tính bắt buộc (nếu không thực hiện có thể bị “phộc”). Chữ “trị” (治) gồm bộ “thủy” (氵) bên trái, chữ “đài” (台, lầu, cái đài) bên phải, nghĩa là: sắp đặt, quản lý, mở mang, chữa trị. Chữ “trị” có bộ “thủy” (nước) là phải thuận theo nước, nước ở đây có nghĩa là dân, theo đạo “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (民為貴, 社稷次之, 君為輕). Vì vậy, chính trị đơn giản chỉ là công việc quản lý xã hội, thuận theo lòng dân chớ chẳng có gì phức tạp, khó hiểu cả. »

3. ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’

Chương 8 có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’ giúp chúng ta hiểu thêm về ‘Quyền Hành Chánh Trị’ :

a. Nền tảng của quyền hành chính trị.

Giáo Hội luôn xem xét những cách khác nhau để hiểu quyền hành, đồng thời cố gắng đưa ra và bênh vực một mô hình quyền hành dựa trên bản tính xã hội của con người. Chính vì thế, quyền hành chính trị rất cần thiết vì những trọng trách được giao cho quyền hành ấy. Quyền hành chính trị vốn là và phải là một nhân tố tích cực tới mức không thể thay thế được làm nên đời sống dân sự (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 393).

Quyền hành chính trị phải bảo đảm cho có được một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước đoạt sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng phải điều tiết và định hướng cho sự tự do ấy bằng cách tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được ích chung. Đây là một công cụ để phối hợp và điều khiển, nhờ đó nhiều cá nhân và đoàn thể trung gian sẽ tiến tới một trật tự, trong đó mọi mối quan hệ, mọi định chế và mọi tiến trình làm việc đều nhằm giúp con người phát triển toàn diện. Quyền này phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành’ (số 394).

Chủ thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền. Nhân dân chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được họ tự do bầu chọn làm đại biểu của mình, nhưng vẫn giữ đặc quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm cai trị, đồng thời thay thế những người ấy nếu họ không chu toàn thoả đáng vai trò được giao phó. Dù đây là quyền đang được thi hành trong mọi quốc gia dưới mọi chế độ chính trị, nhưng quyền ấy sẽ được thi hành một cách bảo đảm và đầy đủ nhất bởi một chính phủ theo một hình thức dân chủ nào đó, nhờ các thủ tục kiểm tra của thể chế dân chủ này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sự ưng thuận của nhân dân mà thôi thì chưa đủ để đánh giá các phương cách thực thi quyền hành chính trị là ‘công bằng’ (số 395).

b. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý.

Quyền hành phải được hướng dẫn bởi luật luân lý, nên có phẩm giá nhờ được thi hành trong khuôn khổ của trật tự luân lý, ‘trật tự này lại do Thiên Chúa làm nguồn gốc đầu tiên và làm mục tiêu cuối cùng của mình’. Vì quy chiếu về trật tự luân lý, như một trật tự vừa có trước vừa là nền tảng, và vì mục tiêu của quyền hành và vì nhân dân mà quyền hành này hướng tới, nên quyền hành không thể được hiểu là một sức mạnh chỉ được đánh giá theo những tiêu chuẩn mang tính xã hội hay lịch sử. Trật tự này không thể có ở ngoài Thiên Chúa nên, khi dựa vào nó, nhà cầm quyền mới có uy lực để đề ra các nghĩa vụ, có tính hợp pháp luân lý, không phải nhờ vào một ý muốn tuỳ tiện của ai hay do sự khao khát quyền lực, mà chỉ nhằm những hành vi cụ thể để đem lại công ích (số 396).

Chính quyền phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu. Đó là những giá trị bẩm sinh, “phát xuất từ chính sự thật của con người, phản ánh và bảo vệ phẩm giá con người; là những giá trị mà không cá nhân, tập thể hay Nhà Nước nào có thể tạo ra, sửa đổi hay huỷ bỏ”.

Các giá trị này được nhìn nhận, tôn trọng và phát huy như những yếu tố làm nên trật tự luân lý khách quan, làm nên luật tự nhiên được khắc ghi trong tâm hồn con người (x. Rm 2,15) và được coi là điểm tham chiếu chuẩn mực cho các luật lệ dân sự (số 397).

Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức là những luật phù hợp với phẩm giá con người và phù hợp với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi. ‘Luật con người chỉ là luật bao lâu nó phù hợp với lý trí đúng đắn, và bởi đó, luật ấy được rút ra từ luật vĩnh cửu. Tuy nhiên, khi luật đi ngược lại lý trí, nó được xem là luật bất công; trong trường hợp ấy, nó không còn là luật mà thay vào đó, nó trở thành một hành vi bạo lực’ (số 398). Sự cai trị theo lý trí đặt công dân vào một mối quan hệ, không phải lệ thuộc người kia nhưng là mối quan hệ mà mọi người tùng phục trật tự luân lý, tức tùng phục Thiên Chúa, nguồn gốc tối hậu của trật tự luân lý. Khi chính quyền, vốn có nền tảng nơi bản tính con người và thuộc về một trật tự do Thiên Chúa quy định trước, không chịu theo đuổi công ích, tức đã bỏ qua mục tiêu riêng của mình, và như thế đã vô tình biến mình thành bất hợp pháp (số 398).

c. Quyền phản đối theo lương tâm.

Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng. Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối. Đây vừa là một nghĩa vụ luân lý lẫn một quyền căn bản của con người, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy.

Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm. Thật vậy, không bao giờ người ta có thể biện minh cho những sự cộng tác như thế, không phải bằng cách viện cớ phải tôn trọng tự do của người khác, cũng không phải bằng cách cho rằng điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Không ai có thể tránh được trách nhiệm luân lý về những hành vi ấy, và Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12) (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 399).

d. Quyền phản kháng.

Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định, điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Thánh Tôma Aquinô viết rằng “người ta có bổn phận phải tùng phục quyền hành… bao lâu trật tự công lý đòi hỏi điều ấy”. Bởi đó, luật tự nhiên là nền tảng cho phép con người có quyền phản kháng.

Quyền này có thể được thi hành bằng nhiều cách cụ thể và có những mục tiêu khác nhau mà chúng ta có thể theo đuổi. Phản kháng nhà cầm quyền là cho thấy mình được phép có một cách nhìn khác về sự việc, bất kể nhằm chủ đích thay đổi phần nào, sửa chữa một vài luật hay tranh đấu để có sự thay đổi triệt để trong một tình huống nào đó (Số 400).

Học thuyết xã hội của Giáo Hội có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: “Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền chỉ chính đáng khi hội đủ các điều kiện sau đây:

1/ có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài;

2/ đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả;

3/ phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn;

4/ có hy vọng thành công với những lý do vững chắc;

5/ theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn”.

Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt ‘một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước’. Vì những nguy hiểm trầm trọng của việc sử dụng bạo lực nên, hiện nay, người ta chọn biện pháp kháng cự thụ động hơn, một phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng có nhiều cơ may thành công (Số 401).

e. Gương ‘Công dân tốt’ của Thầy Chí Thánh Giêsu được diễn tả qua :

« Dù không đồng ý với sự cầm quyền đàn áp và chuyên chế của các nhà lãnh đạo quốc gia (x. Mc 10,42), cũng như phản đối tham vọng của họ là muốn mọi người gọi mình là ân nhân (x. Lc 22,25), nhưng Đức Giêsu cũng không trực tiếp chống đối các nhà cầm quyền đương thời. Khi đưa ra ý kiến về việc nộp thuế cho hoàng đế (x. Mc 12,13-17; Mt 22,15-22; Lc 20,20-26), Người cũng khẳng định rằng phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi mọi sự từ phía con người. Nhưng đồng thời quyền bính trần gian cũng được quyền đòi những gì thuộc về mình: Đức Giêsu không coi việc nộp thuế cho hoàng đế là chuyện bất công.

Đức Giêsu – vị Mêsia được hứa trước – đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình (x. Mt 4,8-11; Lc 4,5-8). Người là Con Người xuất hiện “để phục vụ và để hy sinh tính mạng mình” (Mc 10,45; x. Mt 20,24-28; Lc 22,24-27). Khi nghe các môn đệ tranh cãi xem ai lớn nhất, Đức Giêsu đã dạy họ phải biến mình thành người nhỏ bé nhất và làm tôi tớ mọi người (x. Mc 9,33-35); Người đã chỉ cho hai con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, đang muốn xin giữ hai vị trí tả hữu bên Người, con đường thánh giá phải đi (x. Mc 10,35-40; Mt 20,20-23) Ừ (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 379).

III. NGƯỜI CÔNG GIÁO: CON CÓ MỘT TỔ QUỐC.

Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, đáp lời mời gọi Hồn thiêng Sông Núi, đã viết :

« Là người Công giáo Việt Nam,

Con phải yêu tổ quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,

Cha mong dòng máu ái quốc,

Sôi trào trong huyết quản con. »

Điều 4 trong ‘Mười Điều Răn Đức Chúa Trời’ dạy : Thảo Kính Cha Mẹ mà gia tài của Cha Mẹ để lại là Quê Hương Đất Việt. Do đó, không ai hay tập thể nào có thể nhân danh bất cứ lý do gì để cắt dâng đất và biển cho ngoại bang.

Người Công giáo chỉ tốt khi ghi nhớ và thực thi lời Đức Chúa Trời dạy. Đồng thời, là Công dân tốt khi :

«Con có một tổ quốc: Việt Nam,

Quê hương yêu quí ngàn đời,

Con hãnh diện, con vui sướng.

Con yêu non sông gấm vóc,

Con yêu lịch sử vẻ vang,

Con yêu đồng bào cần mẫn,

Con yêu chiến sĩ hào hùng.

Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.

Núi cao cao, xương chất cao hơn.

Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.

Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.

Con phục vụ hết tâm hồn,

Con trung thành hết nhiệt huyết,

Con bảo vệ bằng xương máu,

Con xây dựng bằng tim óc.

Vui niềm vui của đồng bào,

Buồn nỗi buồn của Dân tộc. »

IV. NHỮNG LỢI DỤNG LỜI ĐỨC THÁNH CHA.

A. Đại diện Đảng và Nhà nước.

Mạng lưới thông tin ‘Chinhphu.Việt Nam’ loan tin : ngày 05.01.2011, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn thiện Nhân đã tới dự Lễ bế mạc năm Thánh 2010 tổ chức tại nhà thờ La Vang tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, Ông trích lời Đức Thánh Cha : « Nhà nước Việt Nam đánh giá cao lời giáo huấn của Giáo hoàng Bênêđíctô 16 với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam khi tiếp đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2009: ‘Người Công giáo phải chứng tỏ bằng cuộc sống của chính mình, dựa trên lòng bác ái lương thiện coi trọng lợi ích cộng đồng, rằng một giáo dân tốt đồng thời cũng là một công dân tốt. Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của Chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước vì lợi ích của toàn dân’ ».

Chỉ trích dẫn bao nhiêu đó, chúng ta cũng có thể rút ra nhiều nhận định :

1. Quen sống thời Việt Nam Cộng Hòa và học biết về nguyên tắc phân quyền : hành, lập và tư pháp, chúng tôi bất ngờ khi thấy ông Phó Thủ tướng phải thay mặt Quốc hội và Chính phủ cùng bao nhiêu đoàn thể khác. Đâu phải vì thế chứng tỏ tính cách dân chủ của chế độ.

2. Không biết ông Phó Thủ tướng, cố tình hay vì không biết, đã thay chữ ‘người Công giáo’ của Đức Thánh Cha bằng chữ ‘giáo dân’. Trong nhiều trường hợp, hai chữ có những qui định khác nhau vì ‘người Công giáo’ bao gồm ‘giáo sĩ’ lẫn ‘giáo dân’. Thí dụ, trong lãnh vực chánh trị, giáo dân được Giáo hội khuyến khích nhưng giáo sĩ thì được Giáo luật khuyên đừng nhập đảng hay tham chính.

3. Ông Phó Thủ tướng nói rằng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao lời giáo huấn của Giáo hoàng Bênêđíctô 16 như ‘Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của Chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước vì lợi ích của toàn dân’. Nhưng, trong thực tế, Nhà nước đang dự trù thay thế Nghị định 22/2005 (lần 5) tạo một sự thụt lùi nặng nề so với các văn kiện pháp lý hiện có với ý muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế này vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà nước vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.

4. Nhà nước biết và đánh giá cao lời giáo huấn rằng ‘Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của Chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước vì lợi ích của toàn dân’, tại sao Chính phủ không tiến hành thực hiện điều đó với Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại diện Giáo hội Công giáo, vì lợi ích của toàn dân mà Nhà nước và Giáo hội có nhiệm vụ phục vụ.

B. Các ông linh mục ‘quốc doanh’.

Đồng bào chúng ta thật chính đáng khi gắn cho tĩnh từ ‘quốc doanh’ vì nhiệm vụ của họ là nhận tiền từ công quỹ để cưỡng bách Bề Trên và đánh phá Giáo hội. Dù là linh mục, một người Công giáo không còn tốt khi không tuân giữ Giáo luật.Khi là thành viên Ủũy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, họ vi phạm điều 287.2 Giáo luật và khi đắc cử các cơ quan nhà nước, họ vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật. Bởi vậy, người Việt khinh khi nên gọi họ là ‘quốc doanh’ để đồng hóa họ với xí nghiệp quốc doanh.

Trong thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết : « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Điều lệ của Ũy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ghi rõ: « UBĐKCGVN ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản dựng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân. »

Đến nay, linh mục Cần đã qua đời, ba người còn lại đều thật giàu. Những số tiền họ và UBĐK nhận từ ngân sách, những số tiền người dân đóng thuế, góp phần gia tăng lạm phát, làm khốn khổ thên cho đồng bào nghèo. Sự giàu sang của các linh mục làm ‘mờ mắt’ các linh mục khác như Nguyễn công Danh, Nguyễn tấn Khóa, Trần mạnh Cường, Lê ngọc Hoàn… gia nhập UBĐK, trở thành Đại biểu Quốc hội lãnh tiền để ‘gật’… Khả năng làm luật của Linh mục Cường và Hoàn không thể so sánh với Luật sư Lê quốc Quân, một người ‘Công giáo tốt cũng là Công dân tốt’ bị chế độ cộng sản đánh phá và cấm không cho ứng cử không ? Ngoài ra, họ còn làm giàu do độc quyền in và bán sách báo đạo.

Linh mục Phan khắc Từ, người có tình trạng gia đình không rõ rệt, khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trả lời phỏng vấn báo Người Công giáo Việt Nam, nói : « Là linh mục Công giáo, tôi gắn bó với Giáo hội và vâng phục đấng bản quyền,… » và khoe « Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã chọn Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm cẩm nang cho mọi hoạt động. Tôi nguyện tiếp tục đi tiên phong trong sứ mạng này. ». Rồi, với Đài Á châu Tự do, ứng cử viên tuyên bố : « Trước hết tôi rất quan tâm tới người nghèo, người khuyết tật cơ nhỡ, người bị thiệt thòi trong xã hội. Đây là một lĩnh vực có thể nói từ trước tới giờ tôi vẫn quan tâm ». Nhưng khi bị thất cử, ông chiếm đoạt tài sản của Giáo xứ Vườn Xoài khoảng 10 tỷ đồng bằng sửa sổ sách.

V. NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT CŨNG LÀ CÔNG DÂN TỐT.

Người Công giáo thông thường là những Công dân tốt vì chính Chúa Giêsu dạy ‘Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa’ (Mc 12, 17). Người Công giáo tốt biết ‘kính Chúa yêu người’, tóm gọn Giáo lý cả Cựu ước lẫn Tân ước.

Người công dân tốt phải :

- sống bác ái, biết sống vì lợi ích chung của quốc gia, khu vực và quốc tế ;

- chẳng những tuân theo pháp luật hiện hành mà còn phải đóng góp xây dựng một hệ thống luật pháp công bình ;

- tôn trọng chính quyền, nhưng khi chính quyền sai trái thì phải theo Ý Chúa, theo tiếng lương tâm.

Gương sáng nơi Tổ Tiên Dân Tộc Việt vô cùng phong phú. Trước hết, phải kể đến Ông Bà, Cha Mẹ chúng ta đã âm thầm và nhẫn nại sống cuộc đời ‘kính Chúa yêu người’, vui với niềm vui của đồng bào và buồn chung nỗi buồn của Dân tộc.

Trên đó, chúng ta có quyền hãnh diện 117 Thánh Tử đạo được Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phao lô II giới thiệu cho Giáo hội Hoàn vũ cùng một Chân phước Tử đạo (kính trên Quê hương) như là những chứng nhân ‘Công giáo tốt cũng là Công dân tốt’.