Phục Hưng Công Giáo Việt Nam

-Bình luận về việc Ô. Bộ Trưởng Truyền Giáo của Công Giáo La Mã từ Vatican đến Việt Nam Cộng Sản làm lễ truyền chức cho 57 linh mục ở Miền Bắc, tờ báo La Croix ở Pháp cho đó là sự kiện lịch sử đánh dấu bước đầu thời đại Phục Hưng của Công Giáo La Mã ở Việt Nam. Cộng Sản Hà Nội cởi mở hơn với Công Giáo La Mã tại Việt Nam. Thật là điều đáng mừng cho các tôn giáo Việt Nam nói chung vì tôn giáo nào được một bước cùng mừng cho một bước; tự do tôn giáo sau trước cũng sẽ thành.

Thực vậy, hơn 50 năm ở Miền Bắc và 30 năm ỏ Miền Nam, từ ngày Cộng Sản Hà Nội nắm chủ quyền, các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Công Giáo La Mã, trải qua một thời kỳ pháp nạn nghiệt ngã nhứt trong lịch sử nước nhà Việt Nam. Năm 1954 khi Pháp rút, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, một triệu người Việt từ Bắc di cư vào Nam tìm tự do, trong đó có 700.000 theo đạo Công Giáo La Mã. Những người còn kẹt ở lại phải chịu đựng vô vàn bách hại. Năm 1975, Saigon sụp đổ, trong cuộc di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt, ba triệu người Việt đi tìm tự do ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ người Công Giáo cũng cao hơn người theo các đạo khác. Còn trong nước nhiều giám mục, linh mục, nhiều chức sắc giáo dân của Công Giáo cùng chịu chung số phận với các tôn giáo khác, trong kế hoạch diệt đạo của Cộng Sản Hà Nội. Suốt thời gian này Hà Nội- Washington không có bang giao. Cộng Sản Hà Nội như Trung Cộng mưu định lập Giáo Hội Công Giáo Việt Nam do nhà nước "quản lý", nhưng thất bại. Cộng Sản Hà Nội càng nghi và ngại Công Giáo hơn sau khi Ba Lan nước giáo dân Công Giáo nhiều nhứt ở Âu Châu và sau chuyến đi về thăm quê hương của Đức Cố Giáo Hoàng khuyên dân đừng sợ, và sau đó Ba Lan giải kềm Cộng Sản. Trong thập niên 1980, để tự cứu Cộng Sản Hà Nội chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào, và có đường lối dù sao cũng cởi mở hơn đối với các tôn giáo. Tuy thế Cộng Sản Hà nội vẫn cố giành tiếng nói quyết định trong việc bỗ nhiệm và đào tạo những lãnh đạo tinh thần của Công Giáo ở Việt Nam.

Còn Cộng Sản Hà Nội từ chỗ coi Công Giáo La Mã là thù địch, rồi lạnh lùng, tiến dần đến sưởi ấm gần đây. Trong việc xích lại gần nhau, Cộng Sản Hà Nội đi đến Vatican nhanh hơn Trung Cộng. Trong khi đó, Công Giáo La Mã từng là một tôn giáo trưởng thành từ và trong thời đại bị đàn áp có nhiều kinh nghiệm để giữ đức tin và tổ chức. Ở Âu châu bị bách hại suốt nhiều thế kỷ của Đế Quốc La Mã. Ở Việt Nam bị bách hại vào thế kỷ 18, vua Minh Mạng, Tự Đức và thời Cộng Sản Hà Nội. Một nghịch lý, trong thời bị bách hại, phải cầu nguyện dưới các hầm mộ, linh mục bị cấm phải cởi áo choàng mặc thường phục đi vào dân, và thời trả lại cho César những gì thuộc César, trả lại Chúa những gì thuộc Chúa, tỷ lệ số người theo Công Giáo La Mã cao hơn thời Công Giáo nắm luôn chánh quyền hay "quá thân" chánh quyền nên có chữ Catholique, (cathos = nhà nước). Nhờ nhiều kinh nghiệm uốn mình qua ngỏ hẹp để tồn tại và để giữ đức tin, Công Giáo La Mã ở Việt Nam, cắn răng chịu đựng, ít nói những chữ Cộng Sản dễ dị ứng, như “tự do, dân chủ", chờ ngày Phục Hưng.

Và ngày ấy đã đến và đến chánh yếu nhờ ảnh hưởng từ bên ngoài. Theo Báo La Croix lễ truyền chức mới đây cho 57 linh mục Miền Bắc là một dấu chỉ rõ ràng Công Giáo La Mã ở Việt Nam đã phục hưng. 50 năm ở Miền Bắc, 30 năm ở Miền Nam, mới có Ông Bộ Trưởng Truyền Giáo từ Tòa Thánh La Mã được công pháp quốc tế xem như một quốc gia, đến truyền chức ở thủ đô Việt Nam Cộng Sản. Công Giáo còn mở thêm được một giáo phận Bà Rịa. Cộng Sản Hà Nội không cử nhân vật nào đến dự, coi như là chuyện của các tôn giáo nhà cầm quyền không xen vào. Cộng Sản Hà Nội trục xuất một linh mục người Mỹ gốc Việt giám đốc một tờ báo điện tử của Công giáo Việt Nam hải ngoại từ Mỹ về tường trình buổi lễ dù đã cấp chiếu khán. Tuy thế vẫn phải nói trong gọng kềm Cộng Sản, sự kiện nói trên là những dấu chỉ nói lên Công Giáo La Mã đã phục hưng được ở Việt Nam.

Cũng tờ báo này nói sở dĩ Cộng Sản Hà Nội nhượng bộ như thế là do nhu cầu kinh tế và chánh trị. Cộng Sản cần đầu tư ngoại quốc, viện trợ quốc tế, phát triển du lịch. Cộng Sản bị áp lực chánh trị ngày càng mạnh về tự do tôn giáo Việt Nam. Liên Âu đã đưa vấn đề tự do tôn giáo Việt Nam vào ngoại giao. Mỹ đã liệt Việt Nam Cộng Sản vào một trong 8 nước "cần phải quan tâm đặc biệt" vì lý do vi phạm tự do tôn giáo, bước qua năm thứ hai. Và chính cán bộ ngoại giao cao cấp của Cộng Sản Hà Nội cũng công nhận vấn đề tự do tôn giáo là trở ngại trung tâm trong bang giao Hà Nội- Washington.

Công Giáo La Mã ở Việt Nam được phục hưng, là một điều đáng mừng. Mừng đối với các tôn giáo Việt Nam nói chung. Dù sự cởi mở đó chỉ là bước đầu, chỉ đối với Công Giáo La Mã thôi, Cộng Sản Hà Nội cũng không thể giữ đối sách bất bình đẳng ấy cho riêng Công Giáo được. Muốn hay không muốn những cởi mở ban đầu đó cũng phải áp dụng đồng đều, nếu Cộng Sản Hà Nội không muốn mang thêm tiếng chia rẻ tôn giáo để trị. Mừng đối với người Việt đã đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do, dân chủ nhân quyền Việt Nam, thấy được hiệu quả của công cuộc quốc tế vận. Vấn đề tôn giáo là chìa khóa giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Cộng Sản. Áp lực của quốc tế rất lớn trong quyết định chính sách của Cộng Sản Hà Nội. Cộng Sản không sợ trong nước mà sợ ngoài nước. Và từ đó quốc nội và quốc ngoại, giáo lẫn lương, người Việt lên tinh thần, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân chủ, nhân quyền Việt Nam.

(Việt Báo 2/12/2005)

Vi Anh