TÂM THỨC GIÁNG SINH TRONG THƠ LINH MỤC SẢNG-ĐÌNH NGUYỄN HY THÍCH (1891-1978)

Trong một bài viết phổ biến trên mạng Vietcatholic.net ngày 25.12.2010, chúng tôi đã có dịp nói về Linh mục Sảng Đình Nguyễn Hy Thích và bài Vè Đôm Đốm vốn là một tư liệu được đăng tải trên báo Vì Chúa khoảng năm 1937. Trong hơn hai trăm bài thơ còn để lại trong Sảng Đình Thi Tập của J. M. Thích có một số bài thuộc chủ đề Giáng Sinh được lưu hành trước đây dưới hình thức thơ mà cũng có bài được phổ thành nhạc, đúng hơn là cổ nhạc cung đình Huế, và hầu hết được phổ biến sâu rộng trong các giáo xứ thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên của Địa phận Huế. Chủ đề Giáng Sinh trong các bài thơ của Linh mục Sảng Đình tuy không có gì mới lại như là các chủ đề nói về ngôi sao lạ, nhạc thiên thần, máng cỏ, quà tặng, lời than thở (khấn nguyện) v.v... tuy nhiên tính cách tiên khởi của việc đưa các chủ đề thần học công giáo vào lãnh vực thi ca cùng lúc với sự ra đời của thơ mới trên thi đàn Việt Nam mà nổi tiếng là sự đóng góp của nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) với các tuyệt phẩm như các bài Ra đời, Ave Maria chứng tỏ sức sống mãnh liệt của các nguồn thi hứng (inspiration) chắt lọc qua ảnh hưởng tôn giáo.

1.- Người đi tiên phong trong lãnh vực thi ca Công giáo tại Việt Nam là ai ?

Trước đây, trong tác phẩm Nhà Văn Hiện Đại, một nhà văn kiêm phê bình gia văn học, Vũ Ngọc Phan khi nhắc đến việc Hàn Mặc Tử sử dụng nhiều ngôn từ mang dấu ấn Công giáo hay Phật giáo như “Chúa Giêsu, Thánh nữ, Gabriel, tông đồ, phúc âm, cầu nguyện, Đao-ly, Đâu suất, Phượng trì, Giao trì v.v...” trong thơ của ông đã cho rằng Hàn Mặc Tử là người đi đầu trong lãnh vực thi ca tôn giáo.

Trên báo điện tử Người Việt Online với bài viết mang tựa đề Nghĩ về Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử và Thanh Tuệ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã nhắc lại rằng: “Hàn Mặc Tử là nhà thơ đầu tiên mang không khí Phúc âm vào thi ca Việt Nam.” [1]
Trong số ý kiến đã được mặc nhiên chấp nhận đó gần đây đã vọng lên một phản biện đáng chú ý đó là ý kiến của Giáo sư Võ Long Tê. Giáo sư Võ Long tê đã có quan điểm khác với Vũ Ngọc Phan hay Nguyễn Mộng Giác khi cho rằng Hàn Mặc Tử không phải là người đầu tiên làm thơ lấy ý từ đức tin Công Giáo. Người có sáng kiến tiên khởi đó không phải là Hàn Mặc Tử mà là Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích hay Nguyễn Hy Thích.

Trên Tạp chí Định Hướng [2], Giáo sư Võ Long Tê có đăng một bài nghiên cứu nhan đề “Sảng Đình Thi Tập “ của Linh mục Nguyễn Văn Thích”. Sau đây là những lời của Giáo sư Võ Long Tê:

“Năm 1939, Hàn-mạc-tử sáng tác bài “Ave Maria”được nhiều nhà phê bình xem như khai nguyên thơ Công giáo trong thi sử Việt Nam. Thiết tưởng nên xét lại nhận định này, chỉ riêng về lời ca tụng Đức Mẹ, linh mục Sảng Đình có nhiều bài khả ái sáng tác khá lâu trước bài của Hàn-mạc-tử, chẳng hạn:

Lời chúc tụng Đức Bà Maria
Auprès d’elle, la nature
Perd sa grace et sa beauté
Le printemps est sans parure
Le soleil est sans clarté.
 
Cantique

Rất thánh Đồng trinh Mẹ Chúa Trời
Nguồn ân bể ái tát khôn vơi.
Thơm thay mùi huệ nơi thanh vắng,
Tốt bấy hoa hường chốn gốc gai.
Nhựt nguyệt hai vừng nhường ánh sáng,
Thiều quang chín chục kém màu tươi.
Lưỡi nào kể xiết lời khen ngợi
Rất thánh Đồng trinh Mẹ Chúa Trời.

Huế, 1911

Nếu trong “Ave Maria”họ Hàn tôn vinh Đức Mẹ là đấng “tinh tuyền thánh vẹn”thì trong thơ Sảng Đình đã có nhiều tước hiệu mới khen Đức Mẹ, chẳng hạn trong bài sau đây, được chính tác giả soạn thành ca khúc phổ biến rộng rãi trước khi đưa vào thi tập:

Kính Đức Mẹ Lên Trời
Bao giờ tôi được lên trời,
Ở cùng Đức Mẹ thì tôi phỉ nguyền.
Ôi ! lòng tôi yêu đương,
Ôi ! lòng tôi mến thương,
Ôi ! lòng tôi mong ước,
Trông xem mặt Mẹ cho tường.

Mẹ là biển mênh mông,
Mẹ là mạch suối trong,
Mẹ là nguồn ơn thánh,
Tắm tôi sạch mát tâm hồn.

Mẹ, vừng hồng cao quang,
Mẹ, dịu dàng yếng trăng,
Mẹ, rạng ngời sao sáng,
Ôi ! Mẹ là cửa Thiên Đàng.

Mặt Mẹ ánh trời tươi,
Lời Mẹ tiếng đàn vui,
Lòng Mẹ đầy êm ái,
Nơi con nghỉ yên đời đời.

Mẹ là phần của tôi,
Mẹ là phần phước tôi.
Mẹ phần tôi vinh quý,
Dưới đất bằng ở trên trời
. [3]

Dầu sao, nhận định của Giáo sư Võ Long Tê cũng cần được chú ý để xác định lại một quan điểm văn học đã có từ trước. Dĩ nhiên những bài thơ tôn giáo của nhà thơ Hàn Mặc Tử là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam không gì có thể so sánh được, tuy nhiên trong lãnh vực đức tin, thơ cùa Hàn Mặc Tử như bài Ave Maria chẳng hạn vẫn còn những điều bất túc, chưa nói lên hết được ý nghĩa liên hệ đến lãnh vực thần học, khiến cho có nhà bình luận đã nhận xét rằng “Hàn Mặc Tử là một thi nhân cao tài, nhưng chưa phải là một tín đồ đắc đạo.” [4] 

2.- Một số bài thơ tiên khởi thấm nhuần tâm thức Giáng Sinh.

Sau đây là những bài thơ của Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích sáng tác từ năm 1918 cho đến về sau gồm một số viết về chủ đề Giáng Sinh, ngoại trừ bài Vè Đốm Đốm mà chúng tôi đã đề cập.

2.1.- Nhạc thiên thần
Gloria in excelsis Deo, et in terra 
pax hominibus bonae voluntatis.
Dặc dặc đêm dài lúc vắng tanh,
Bỗng đâu văng vẳng dịp ca canh.
Cung đàn phảng phất đoanh mây biếc, [5]
Tiếng hát xôn xao dội núi xanh.
“Chúa cả chín trời danh sáng rạng,
Người ngay bốn biển phúc hòa bình”.
Cho hay là nhạc triều thần thánh,
Mầng Chúa Ngôi Hai mới giáng sinh.
 
An-Ninh chủng viện 1918

2.2.- Máng cỏ
Quyền cao Chúa cả chín tầng trời,
Vì nỗi nao nên mới lạc lài ?
Hang đá lạnh lùng khăn thế áo,
Tàu lừa trống trải cỏ làm nôi.
Lòng vàng lắm lúc đà chua xót,
Lụy ngọc đòi cơn lại sụt sùi.
Dám hỏi bấy nhiêu tâm sự ấy ?
Rằng: vì chút nghĩa mến thương tôi.

An-Ninh chủng viện 1918

2.3.- Lời than thở cùng Đ.C.G. Hài Đồng
Phước cho tôi biết chừng nào!
Nỗi mừng nầy nói làm sao bây giờ?
Ai chê tôi dại tôi khờ,
Ai khinh tôi ở bơ vơ một mình?
Nầy tôi có Mẹ Đồng Trinh,
Cha tôi vua cả hiển vinh muôn đời,
Anh tôi là Chúa Ngôi Hai,
Vì thương tôi mới làm người như tôi.
Cũng bé hèn, cũng nhỏ nhoi, [6]
Khi buồn cũng khóc, khi vui cũng cười.
Khi học tập, lúc nghỉ ngơi,
Mọi sự vưng lời chìu lụy mẹ cha.
Mồ hôi, nước mắt đổ ra
Tuổi dầu còn bé đã già gian nan.
Ơ Giêsu rất dịu dàng,
Càng nhìn xem Chúa dạ càng mến yêu.
Khác nào đồng nội quạnh hiu,
Chợt xem hoa huệ trăm chìu tốt tươi.
Nầy Chiên Con Đức Chúa Trời,
Cam lòng mang lấy tội loài người ta.
Nầy hình ảnh Đức Chúa Cha,
Nầy là gương mặt Đức Bà chẳng sai.
Dẫu rằng mặc tính loài người,
Nhưng mà tính Đức Chúa Trời ẩn trong.
Ơ Chúa Giêsu Hài Đồng,
Ơ anh nhỏ nhỏ đầy lòng mến thương.
Cho em ngay thật khiêm nhường,
Vâng lời chịu lụy mọi đường như anh.
Xin gìn giữ lấy tuổi xanh,
Giữ lòng tinh sạch như ngành huệ tươi.
Nghe em bé mọn mấy lời,
Giúp em giữ nghĩa trọn đời cùng anh.
Mai sau trên cõi thường sinh, [7]
Gặp nhau muôn kiếp phỉ tình mến nhau.

Dòng Trường-An 1930

2.4.- Lễ quà của em
Lúc chầu Máng-cỏ tối hôm qua,
Em thấy hai tay Chúa ngã ra.
Hai tay trắng muốt dễ thương lắm,
Như muốn đòi em một món quà.

Em về em cứ nghĩ liên miên:
Trằn trọc đêm nằm ngủ chẳng yên.
Nghèo khó phần em có chi có,
Muốn mua lễ vật lại không tiền.

Mai nay Thiên thần bảo em hay
Em sẵn món quà thật rất may,
Quà em dâng Chúa đố ai biết?
Một tấm lòng đơn lửa mến đầy.


2.5.- Ngôi sao lạ và nhạc thiên thần
Trên thành Bethlêem
Có một ngôi sao lạ
Tia vàng rơi lã chã
Xé toác bức màn đêm

Sao Gia-cọp là đó, [8]
Điềm Cứu-Thế giáng sinh,
Mà Do-thái vô tình
Còn mê mờ chưa rõ.

Giữa đêm khuya lặng lẽ,
Tiếng nhạc dội đầy nơi,
“Vinh danh Chúa trên trời
Bình yên người dưới thế.”

Mảng tình dục say mê,
Cứ ngủ hoài chưa dậy,
Tiếng Evang lừng lẫy
Do-thái vẫn không nghe.

Ai nghe tiếng nhạc thần?
Ai thấy ngôi sao lạ?
Ai người trong thiên hạ
Được gặp Chúa cõi trần?


2.6.- Ngôi sao lạ
(Bài này phổ theo nhạc cung đình Huế hát với thể điệu Đăng đàn cung, trước đây được tập cho các ca đoàn thuộc Địa phận Huế, nhiều giáo hữu đến nay vẫn còn nhớ thuộc)
Vidimus stellam ejus in oriente...
Lạ lạ lạ kìa ánh (quang) hào quang
Vầng sao mới rực rỡ huy hoàng!
Rạng ngời trong đêm mờ mịt,
Đêm mờ mịt rày bóng đà tan.
Điềm Thiên Chúa hạ giáng nhân hoàn, [9]
Nghiệm lời Thánh Kinh đà nghiệm,
Nay đà nghiệm (phân) mười phân,
Chính sao dòng Gia-cọp,
Nay đà nghiệm (phân) mười phân.
Chính sao dòng Gia-cọp,
Đêm mờ mịt rày bóng đà tan.


Et venimus adorare Eum...
Lòng khoan khoái vội bước lên đường,
Lạnh lùng xa xuôi nào ngại,
Muôn ngàn dặm dầm tuyết giày sương.
Từ quê vức vượt núi băng rừng,
Một lòng quyết cho tìm đặng,
Lo tìm đặng Chúa lòng thương,
Bước ta cùng gắng bước,
Lo tìm đặng Chúa lòng thương.
Bước ta cùng gắng bước,
Muôn ngàn dặm dầm tuyết giày sương
.

Surge, illuminare, Jerusalem, quia venit lumen tuum,et Gloria Domini super te orta est...
Dậy, dậy, dậy! Thành thánh Jérusalem!
Nầy ơn Chúa giọi sáng êm đềm,
Một vùng vinh quang ngời rạng,
Cung và điện rực rỡ càng thêm
Đoàn xa giá chật trước sân thềm.
Một nhà cháu con vầy mặt,
Vui vầy mặt xem kìa xem,
Bốn phương đều đưa đến, 
Xe và ngựa nêm dường nêm.
Lễ hương vàng dâng tiến,
Vang lời nguyện nhà Chúa ngày đêm.


Et tu, Bethleem, nequaquam minima es in principibus Juda; ex te enim exiet dux qui regar populum meum Israel...
Lời Kinh Thánh, lại chỉ đem đàng,
Nọ thành Betlem hèn mọn,
Nơi hèn mọn đầy yếng hào quang.
Nầy hang đá, một Trẻ đơn hèn,
Nệm nằm nắm rơm và rạ,
Rơm và rạ ôi (sang) giàu sang.
Yếng sao mầu soi đến,
Nơi hèn mọn đầy yếng hào quang.


Quia melior est dies una in atriis tuis super millia (Ps. 83)
Ngày ơn phước nặng giá muôn vàng,
Một ngày hơn trăm ngàn vạn,
Hơn ngàn vạn ngày phước trần gian.
Vì trông thấy mặt Chúa thiên đàng,
Gội nhuần ơn quang mầu nhiệm,
Tâm hồn đặng (an) bình an.
Trí khôn đầy ánh sáng,
Hơn ngàn vạn ngày phước trần gian.


Et procidentes adoraverunt Eum: et apertis thesauris suis, obtulerunt ei munera aurum, thus et myrrham.
Quì dâng hiến một lễ phi thường,
Nọ vàng, nhũ hương, một-dược,
Hương, một-dược cùng tấm lòng đơn.
Vàng yêu mến, dạ mến khôn lường,
Một đời đắng cay một-dược,
Thêm lời nguyện (hương) mùi hương.
Chúa Hài Đồng thương đoái,
Thêm lời nguyện (hương) mùi hương.
Chúa Hài Đồng thương đoái,
Hương một-dược cùng tấm lòng đơn
. [10]

Ngày nay, an giấc nghìn thu ở nghĩa trang Giáo phận Huế trên núi Thiên Thai, chắc hẳn cố Linh mục Sảng Đình Nguyễn Hy Thích, bậc tôn sư khả kính của tôi và của một số anh chị em ở hải ngoại cũng như trong nước, còn nghe văng vẳng trong Mùa Giáng Sinh các điệu nhạc thánh đã từng nâng tâm hồn mình trên những cung bậc ngất ngây của ngày Chúa sinh ra đời Gloria in excelsis Deo...

New Jersey, Ngày lễ CácThánh Anh Hài, 28-12-2010.

CHÚ THÍCH:
1.- Nguyễn Mộng Giác, Nghĩ về Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử và Thanh Tuệ, Người Việt Online, ngày 19-8-2004.
2.- Bài viết của Giáo sư Võ Long Tê có tên Sảng Đình Thi Tập của Linh mục Nguyễn Văn Thích đặng trên Tam Nguyệt San Định Hướng số 9, mùa xuân 1996.
3.- Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, Tập I, Nhà xuất bản Nhật Lệ, 2006, trang 331.
4.- Nguyễn Đức Cung, Sđd, trang 333. Trong tác phẩm Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, chúng tôi có in lại bài báo của cố linh mục Nguyễn Phương (1920-1993) nhận xét về bài Ave Maria của Hàn Mặc Tử, đăng trong báo Văn Nghệ Tiền Phong, năm 1983, Virginia với những nhận định rất tinh tế, độc đáo xưa nay ít người đưa ra khi bình luận về thơ tôn giáo của họ Hàn.
5.- Đoanh: quấn quýt, quanh quẩn, ràng buộc, như nói: “Uốn éo rồng đoanh mấy khúc” hay “nước mắt đoanh tròng”. 
6.- Nhỏ nhoi: một tí chút, không đáng chi; có nghĩa như nhỏ mọn; cách nói khiêm tốn.
7.- Cõi thường sinh: nơi sống đời đời, nơi không hề chết.
8.- Sao Gia-cọp: Gia-cọp hay cũng viết là Gia-cóp. Tin M?ng Thnh Mt-Thu 2: 2 v 9 nĩi v? ngơi sao l? d?n du?ng cho cc chim tinh gia d?n vi?ng Cha Hi Nhi. 
9.- Nhân hoàn: thế giới loài người, chỉ tất cả các nước trên thế giới.
10.- Các bài thơ về Giáng Sinh cùng các chú thích từ số 4 đến 8 là trích từ Sảng Đình Thi Tập của J.M.Thích, Giáo sư Đoàn Khoách biên tập – thực hiện, Thanh Tịnh xuất bản, California, USA, 2001.
Nguyễn Đức Cung