Tản mạn chuyến đi Đami

Tản mạn chuyến đi Đami
VietCatholic News (08 Mar 2011 07:27)
PHAN THIẾT - Tĩnh tâm tháng 3 năm 2011, Đức Cha Giuse Giám Mục Giáo Phận cùng với 18 anh em Linh Mục, 3 Thầy Phó Tế trong Giáo Hạt Phan thiết làm một chuyến đi thăm 5 giáo điểm truyền giáo thuộc địa bàn Giáo Hạt trên núi ngàn Đami là Đaguri, Đatro, Ladày, Đakim I, Đakim II.

Xem hình ảnh

Xe đón các cha tại Chính tòa và Ma lâm. Theo tỉnh lộ Phan thiết – Di linh, chúng tôi đi lên vùng núi chập chùng uốn lượn quanh co. Đường ghồ ghề sỏi đá chông chênh xuyên qua núi rừng trùng điệp. Bụi mịt mù suốt đoạn đường dài gần 100 cây số. Chúng tôi đến Đami, làng kinh tế mới của Huyện Hàm Thuận Bắc. Dân cư thưa thớt, chỉ thấy núi thẳm rừng xanh. Xã Đami có hơn 6.000 dân sống rãi rác khắp mọi ngóc ngách của đại ngàn. Dân di cư từ các miền xa xôi phía Bắc như Thanh Hoá, Nam Định đến những miền sông nước phía Tây như Bến Tre, Vĩnh Long cũng tề tựu về đây khai khẩn đất mới. Dân chúng sống với nương rẫy, ở với rừng núi. Khí hậu nơi đây tuyệt vời như Đà lạt. Mây mù phủ kín đồi núi chập chùng, tiết trời se lạnh. Đất đai màu mỡ, vườn cây xanh ngát. Lâu lâu mới thấy thấp thoáng vài căn nhà. Đường đi khó khăn hiểm trở, mới có điện và chẳng có sóng điện thoại. Không có chợ búa, chỉ có trường học cấp 1&2 nhỏ bé sơ sài. Đami hoang sơ hấp hẫn những ai thích khám phá. Từ đỉnh Đami đi Malâm 70km, xuôi về Thành phố Phan thiết 90km và lên Thị xã Bảo Lộc 50km. 

Thời nào cũng thế, dân đi trước mở đường đem theo đức tin, Giáo hội đến sau quy tụ lại, thăng tiến đức tin, thiết lập giáo xứ. Có hơn 3.000 tín hữu Công Giáo từ khắp mọi miền về đây tìm kế sinh nhai. Đức Giám Mục Phan Thiết đã đưa các linh mục và tu sĩ đến miền đất mới và thành lập các cộng đoàn truyền giáo. 

Lm Phanxicô Assidi Nguyễn Đức Quang tiếp nối công việc các vị tiền nhiệm. Sau 4 năm miệt mài khai phá, ngài đã thiết lập được 5 giáo họ: Đaguri, Ladày, Đatro, Đakim I, Đakim II. Nhờ tai điếc nên chính quyền không làm gì được với ngài. Cứ vậy mà ngài xây nhà thờ này đến nhà thờ khác. Mỗi nhà thờ chỉ xây vài tháng là xong. Những ngôi nhà thờ nhỏ bé xinh xắn giữa núi rừng hùng vĩ như hình ảnh Giáo hội giữa lòng trần thế. 

Cha Quang một thời là giáo sư triết học Đại chủng viện thánh Giuse, Sài gòn. Từ khi tình nguyện lên miền sơn cước, ngài không dạy học nữa mà chuyển sang sứ vụ mở mang các cộng đoàn. Sống giữa đàn chiên tản mác. Hoà nhịp cùng người nghèo, cùng làm việc, cùng chia sẽ những khó khăn vất vả của họ. Cử hành Thánh Lễ, ban các bí tích giúp cho Giáo dân giữ đạo, sống đức tin. Để đến với bà con, phải đi bộ vì đường xá chưa thành hình, nhiều lúc phải cuốc bộ vào tận các Buôn làng người Cùi 7km, xa hơn là làng người Tày hơn 10km. Người Dân tộc trên miền sơn cước vẫn còn man khai lắm. Các vị trong hội đồng giáo xứ kể chuyện đám tang, người ta quấn chiếu đem chôn, chân người chết lòi ra trên đất. Cha xứ cho quan tài, người sống ngồi trên quan tài uống rượu bên người chết vui vẻ hàn huyên. Khi có người chết, gia đình làm heo gà, cả xóm đến uống rượu nên khi đem chôn chỉ sơ sài, một cơn mưa xác người lại lộ thiên. Bà con nghèo mặc toàn áo quần siđa do cha xứ đi xin các nơi đem về. Cha Quang say sưa kể chuyện truyền giáo và những dự phóng tương lai mua đất, mở thêm nhà nguyện để bà con khỏi phải đi lễ xa xôi vất vả. Nơi nào có hơn 30 gia đình có đạo là chuẩn bị để thiết lập giáo họ…

Tinh thần nhà giáo của ngài vẫn đập rộn rã. Thương các em học sinh không có điều kiện để đi học vì quá xa xôi cách trở. Cha Quang xây lưu xá gần trường học, rồi mời các Nữ tu Dòng Ánh sáng Phúc âm đến chăm sóc dạy dỗ. Hơn 100 em học sinh nam nữ nội trú. Cha mẹ các em chỉ đóng góp chút ít, phần lớn Cha Quang ngược xuôi đi xin các ân nhân để nuôi các em ăn học. Vài tháng, ba mẹ mới đến đón con về nhà chơi. Họ đi hàng chục cây số, cắt rừng băng suối, dù vậy cha mẹ rất vui sướng vì con cái đựơc đi học.

Đức Giám Mục thương cha xứ quá vất vả nên gởi thêm cha Antôn Nguyễn Bá Thiện đến cùng chia sẽ công việc. Hiện nay cha Quang phụ trách Đaguri, Đatro. Cha Thiện phụ trách Ladày, Đakim I, Đakim II. Ngài cũng kêu gọi các hội dòng dấn thân truyền giáo. Các cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá Phan Thiết, Phúc Âm Sự Sống, Tu đoàn Bác Ái Xã Hội đựơc thiết lập để sống với dân, ở giữa dân, đem Tin mừng yêu thương, gieo trồng niềm hy vọng. Phục vụ miền núi cao là chấp nhận thiếu thốn trăm bề. Các linh mục tu sĩ còn chăm lo mục vụ cho anh chị em tín hữu thuộc Giáo xứ Đại Lộc, Đà lạt. Những người nghèo đi khai phá mở đất, họ tìm đến nơi “đèo heo hút gió”, ‘khỉ ho cò gáy” phá rừng làm nương rẫy. Di dân từ các vùng Bảo lộc, Di linh đến đây lập nghiệp, họ đựơc chăm lo mục vụ tận tình chu đáo. 

Tâm sự với chúng tôi, cha Quang bộc bạch những dự định sắp tới, sẽ mua thêm đất để làm nhà nguyện cho anh em Dân Tộc K’Ho vùng Đông Giang, nhà nguyện cho anh em người Kinh miền La Ngâu, gởi các em học sinh về Phan thiết học trung học, hàng tháng tổ chức cho bà con giáo dân xuôi về Tàpao 30km hành hương kính Đức Mẹ, mời thêm các nhà dòng đến mở trung tâm linh thao…bao ưu tư làm trăn trở trái tim mục tử. 

Bữa cơm trưa thật ngon miệng vì đi nhiều nơi và đường quá xấu. Món cá tầm đặc sản có nguồn gốc từ Nga chỉ nuôi được trên nước lạnh đập Đami và thịt heo rừng làm tăng thêm hương vị núi rừng. Mỗi người còn được cha xứ tặng một chai mật ong rừng làm quà.

Rời Đami chúng tôi mang theo bao thao thức truyền giáo. 

Một chuyến đi thăm những xứ đạo xa xôi, kết hợp tĩnh tâm tháng, một sáng kiến hay. Một năm có vài chuyến đi như vậy thật đáng quý. Thăm các linh mục đang vất vả nơi các giáo điểm, thêm trợ lực tinh thần cho nhau. Anh em linh mục trong giáo hạt có dịp đi chung với nhau, sống tình huynh đệ, chia sẽ mục vụ, trao đổi thao thức, trò chuyện vui đùa, làm tăng thêm tình bằng hữu linh mục, nâng đỡ nhau trên hành trình phục vụ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An