Thám hiểm hẻm Sài Gòn

 

 

 

Thám hiểm hẻm Sài Gòn

 

SGTT.VN - Từ ba năm nay, tôi không ngừng khám phá Sài Gòn và Việt Nam. Tôi đến Sài Gòn lần đầu lúc trời chạng vạng tối và còn nhớ như in cảm giác khi đi từ sân bay về nhà cô bạn đồng nghiệp để lưu trú vài ngày. Tiếng ồn, ánh đèn của bảng hiệu trên đường và dòng xe cộ đông nghịt vây quanh taxi của tôi. Xe dừng lại, cô bạn dẫn tôi đi vào con hẻm nhỏ. Tôi bắt đầu khám phá một diện mạo khác của Sài Gòn: mạng lưới hẻm. Chỉ mới vào hẻm được vài bước, tiếng ồn của con đường lớn phía ngoài đã mất dần. Một khung cảnh mới hiện ra: nhiều gia đình ngồi ăn cơm tối ngay bậc cửa, bọn trẻ chạy chơi dưới ánh mắt nhìn chăm chú của hàng xóm.

 

 

Hôm sau, trong ánh nắng ban mai, tôi khám phá màu sắc của các căn nhà và không khí nhộn nhịp của các chợ trong hẻm. Mọi thứ đều rất lạ lẫm. Tôi quyết định dạo một vòng trong hẻm và bước đi trong ánh mắt ngạc nhiên của mọi người. Trong suốt nhiều tháng, tôi đi dạo rất nhiều lần trong các con hẻm, khi thì đi một mình, khi thì đi cùng với các bạn sinh viên hoặc chuyên gia quy hoạch đô thị ViệtNam. Lúc đầu, tôi chỉ đi dạo cho vui, sau đó là để làm đề tài tốt nghiệp ngành địa lý đô thị. Hiện nay, tôi đang làm luận án tiến sĩ với đề tài hẻm Sài Gòn. Dần dần, tôi nhận thấy mạng lưới hẻm ở đây thật rộng lớn. Hẻm là cấp đường nhỏ nhất trong hệ thống đường đô thị, nhưng trên hết, hẻm là nơi giao lưu, trao đổi, nơi cuộc sống diễn ra và mỗi khu vực có nét đặc trưng riêng. Mỗi lần đi dạo trong hẻm, tôi đều thấy nhiều điều ngạc nhiên: khi thì một ngôi chùa cổ (rất nhiều ở Chợ Lớn), khi thì tôi nhận ra cuộc sống cộng đồng của những người làm cùng nghề. Ở quận 3, tôi gặp con hẻm của những người chuyên làm bánh, mứt phục vụ tết; ở quận 6, tôi phát hiện hẻm nghề in và ở quận Tân Bình có hẻm thợ may. Theo lẽ thường, người thành phố không biết nhiều về hàng xóm của mình. Thế nhưng, trong hẻm, tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái gắn kết mọi người với nhau. Một người dân trong hẻm nói với tôi: “Khi có người hỏi, tôi ở đâu, tôi luôn trả lời bằng tên hẻm của mình trước. Con hẻm đối với tôi như một đại gia đình”.

 

 

Mỗi con hẻm đều có lịch sử, kiến trúc và đặc trưng riêng. Giữa hẻm chính và hẻm nhánh có sự khác biệt khá rõ nét. Chợ và hàng quán thường gắn với hẻm chính. Hẻm nhánh như những cánh tay vươn ra từ hẻm chính, thường rất yên tĩnh và được tô điểm bằng các chậu hoa do người dân đặt ở hai bên. Hẻm nhánh thường hẹp hơn và có khi là hẻm cụt. Khi vào hẻm, tôi cứ thế bước đi, bước đi và… rất nhiều lần bị lạc. Nhiều khi thấy tôi đi vào một con hẻm, mọi người cứ nhìn tôi rồi cười. Vài phút sau, tôi hiểu được ý nghĩa của những nụ cười đó: hết đường rồi, tôi đang ở trong hẻm cụt. Chẳng sao cả, tôi quay trở ra và tiếp tục đi, sẵn sàng bị lạc trong mê cung đô thị đầy sức sống và cũng lắm bất ngờ. Đi vào hẻm là đắm mình vào gia đình Việt. Tôi không nhớ hết số lần mình được mọi người niềm nở mời vào tham quan nhà, uống trà và vui cười cùng các em nhỏ. Các bác lớn tuổi rất thích kể về lịch sử và những thay đổi trong con hẻm của mình. Một số bác sống ở đó từ hơn 50 năm nay. Theo năm tháng, ngôi nhà được nâng cấp, xây thêm tầng lầu, nâng nền để chống ngập vào mùa mưa. Tuy môi trường sống có được cải thiện, nhưng nhiều người vẫn luyến tiếc thời con hẻm còn có những bụi tre hai bên, mỗi nhà đều có góc vườn nhỏ và mỗi người đều quen biết với nhau.



Những năm gần đây, dân số Sài Gòn gia tăng nhanh chóng, do đó mật độ xây dựng cũng tăng cao. Các lô đất tại các quận trung tâm và ven trung tâm thường có mật độ xây dựng lên đến 100%. Điều này lý giải tại sao trong khu vực này mật độ đô thị rất cao và có hàng ngàn con hẻm nhỏ với chiều rộng chỉ vài mét.

Tuy kế thừa những gì quá khứ để lại, nhưng các con hẻm cũng không ngừng thay đổi để phù hợp với lối sống của người dân đô thị. Ngày nay, số người sống và làm việc trong con hẻm của mình ngày càng ít vì mỗi sáng họ đi làm ở phường hoặc quận khác bằng xe gắn máy. Một số người đã chuyển nhà đi và căn nhà của họ bị đổi thành cơ sở sản xuất. Hẻm không chỉ gắn với nơi ở mà còn gắn với hoạt động kinh tế ở đô thị. Hiện nay, chính quyền các quận đang tiến hành chương trình nâng cấp, cải tạo hẻm nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá đô thị. Trước mắt, các hạng mục nâng cấp gồm lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước và nâng cao hẻm. Mục tiêu xa hơn là mở rộng hẻm để xe hơi có thể vào được và tạo thuận lợi cho giao thông. Nhiều lúc, khi giao thông trên các tuyến đường bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm, người điều khiển xe máy không ngần ngại đi vào hẻm để tìm lối đi tắt. Điều này đôi khi gây ra xung đột trong việc sử dụng hẻm giữa một bên là phục vụ cho giao thông và một bên là phục vụ cho hoạt động thương mại như chợ, hàng quán (người dân có thể ngồi uống càphê mỗi sáng trong hẻm trong không khí nhộn nhịp). Thách thức hiện nay đối với những nhà quy hoạch và quản lý đô thị là rất lớn: làm thế nào để vừa hiện đại hoá hẻm vừa giữ được sự đa dạng và phong phú về văn hoá – xã hội của nó.

 

bài: marrie gibert
ảnh: trần việt đức

http://sgtt.vn/Thoi-su/136947/Tham-hiem-hem-Sai-Gon.html