Sứ điệp Hòa Bình 2011: Trường hợp Việt Nam

Sứ điệp Hòa Bình 2011: Trường hợp Việt Nam
VietCatholic News (01 Jan 2011 17:45)
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày hoà bình thế giới 01.01.2011, mang chủ đề ‘Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình’ ký ngày 08.12.2010, được giới thiệu với giới truyền thông trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh ngày 16.12.2010 bởi Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, và Đức Cha Mario Toso SDB, Tổng thư ký.

Nhân cơ hội này, chúng ta hãy nhìn lại sự thực thi Tự do tôn giáo trên Quê hương để thấy Việt Nam chưa có Hòa bình, một nền Hòa bình như Đức Thánh Cha định nghĩa trong phần cuối Sứ điệp: « … hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, … Trái lại, hòa bình là kết quả của một tiến trình thanh tẩy và nâng cao văn hóa, luân lý và tinh thần của mỗi người và mỗi dân tộc, trong đó phẩm giá con người được hoàn toàn tôn trọng. » 

I. SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH 2011.

1. Sau khi gởi lời chúc mừng Bình An đến mọi người nhân dịp Năm Mới, Đức Thánh Cha lấy làm tiếc vì, năm qua, đã có những cuộc bách hại, kỳ thị về tôn giáo, như vụ khủng bố tại Nhà thờ chính tòa ‘Mẹ Hằng Cứu Giúp’ ở Baghdad, giết 2 linh mục và hơn 50 giáo hữu trong khi dâng Thánh Lễ, ngày 31.10.2010. Tại nhiều miền trên thế giới, người ta không thể tuyên xưng tôn giáo của mình, vì nguy cơ bị mất mạng. Ở những miền khác, có những hình thức âm thầm và tinh vi hơn qua những thành kiến và chống đối các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo. Do đó, Đức Thánh Cha mời chúng ta suy tư về ‘Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình’.

2. Quyền tự do tôn giáo có cội nguồn từ phẩm giá con người, là bản tính siêu việt của con người vì Thiên Chúa đã dựng nên con người nam nữ theo hình ảnh giống Ngài (x. Sáng thế 1,27). Do đó, phẩm giá con người được Thiên Chúa dựng nên chỉ kém thần linh, với quyền thánh thiêng là có một cuộc sống vẹn toàn về phương diện tinh thần. Tự do tôn giáo giúp con người có khả năng 

tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa và về chính mình để kiến tạo một xã hội trần thế công bằng, hòa bình và hạnh phúc. Như vậy, việc bảo vệ tự do tôn giáo trong thế giới đa văn hóa, đa tôn giáo và bị tục hóa ngày nay như một trong những cách thức để bảo vệ hòa bình thế giới.

3. Tự do tôn giáo, nhờ hướng về chân lý và sự thiện, mang lại phẩm giá trọn vẹn cho mỗi người và bảo đảm sự tôn trọng giữa con người với nhau vì ‘luật luân lý buộc mọi người và mọi nhóm xã hội, khi thi hành các quyền của mình, phải để ý tới các quyền của người khác, cũng như tới những nghĩa vụ của mình đối với người khác và công ích của mọi người’. Chúng ta cần phải biết cả hai chiều kích trong con người: chiều kích tôn giáo và chiều kích xã hội. Như thế, không thể chấp nhận chủ trương các tín hữu ‘phải loại bỏ một phần, thí dụ đức tin của mình, để trở thành công dân tốt; không cần phủ nhận Thiên Chúa để có thể hưởng các quyền của mình’.

4. Nếu tự do tôn giáo là con đường dẫn đến hòa bình, thì giáo dục tôn giáo là con đường ưu tiên để giúp giới trẻ có khả năng nhận biết tha nhân là anh chị em của mình, cùng tiến bước và cộng tác để tất cả mọi người và cảm thấy mình là những phần tử sinh động của cùng một gia đình nhân loại mà không ai bị loại khỏi gia đình này.

Gia đình, trường dạy tự do và tôn giáo, xây dựng trên hôn nhân, do sự kết hiệp thân mật và bổ túc giữa người một người nam và một người nữ. Đây là trường học đầu tiên để huấn luyện và làm tăng trưởng con cái về mặt xã hội, văn hóa, luân lý và tinh thần. Chúng phải luôn luôn có thể tìm được nơi cha mẹ những chứng nhân đầu tiên về một cuộc sống hướng tới sự tìm kiếm chân lý và tình thương Thiên Chúa. Cha mẹ phải luôn được tự do và với tinh thần trách nhiệm thông truyền gia sản đức tin, các giá trị và văn hóa của mình cho con cái mà không bị cưỡng bách. Gia đình, tế bào đầu tiên của xã hội loài người, vẫn là môi trường đầu tiên để huấn luyện về những quan hệ hòa hợp ở mọi cấp độ của sự sống chung giữa con người, quốc gia và quốc tế. Đây là con đường phải theo một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội vững chắc và liên đới, để chuẩn bị người trẻ đảm nhận trách nhiệm của họ trong cuộc sống, giữa một xã hội tự do, trong một tinh thần cảm thông và an bình.

5. Khi tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong căn cội của nó và luân lý cũng như các định chế của các dân tộc được củng cố. Nếu làm trái đi tức xúc phạm đến phẩm giá con người thì công lý và hòa bình bị đe dọa vì trật tự xã hội không được xây dựng dưới ánh sáng của Sự Thật và Sự Thiện Tối Cao. Qui định quốc tế nhìn nhận rằng các quyền về tôn giáo có cùng qui chế như quyền sống và tự do cá nhân, vì đó là các quyền phổ quát và tự nhiên không ai có thể chối bỏ. Tự do tôn giáo không là độc quyền của các tín hữu mà là của mọi người, là một yếu tố không thể thiếu trong một Nhà nước pháp quyền. Tự do này là thước đo để kiểm chứng mức tôn trọng các nhân quyền khác. Đồng thời nó tạo nên tiền đề cần thiết để thực hiện sự phát triển toàn diện con người.

6. Tự do tôn giáo tuy ở trong lãnh vực bản thân, nhưng cũng được thực hiện trong tương quan với tha nhân, vì không có tính chất cộng đoàn thì chỉ là một tự do không đầy đủ. Đặc tính có quan hệ là một yếu tố quyết định của tự do tôn giáo để thúc đẩy cộng đoàn các tín hữu thực thi tình liên đới để mưu cầu công ích. Mỗi người giữ nguyên tính đặc thù của mình và đồng thời được bổ túc để đạt tới sự trọn vẹn, củng cố sự đoàn kết xã hội, sự hội nhập và liên đới. Tự do tôn giáo không chỉ thu hẹp vào việc tự do phụng tự. Không thể phủ nhận là sự đóng góp mà cộng đoàn tôn giáo mang lại cho xã hội. Điều quan trọng là sự đóng góp của tôn giáo về luân lý đạo đức trong lãnh vực chính trị. Một đóng góp giá trị cho sự thăng tiến công ích. Trong viễn tượng này cần lưu ý đến chiều kích tôn giáo của văn hóa, được hình thành qua bao thế kỷ nhờ những đóng góp của tôn giáo về mặt xã hội và nhất là về luân lý đạo đức. Nó không gây nên một sự kỳ thị những người không chia sẻ cùng một tín ngưỡng, trái lại nó củng cố sự đoàn kết xã hội, sự hội nhập và liên đới.

Phủ nhận quyền được tuyên xưng tôn giáo nơi công cộng và chân lý đức tin để nâng đỡ đời sống xã hội sẽ đưa tới những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển thực sự. Việc thực thi quyền tự do tôn giáo như con đường dẫn đến hòa bình bao hàm việc nhìn nhận sự hòa hợp cần phải có giữa hai lãnh vực và hình thức cuộc sống: riêng tư và công cộng, cá nhân và cộng đoàn. Một tín hữu Công giáo không phải chỉ là một chủ thể có quyền tự do tôn giáo, nhưng còn là thành phần của một tập thể, nên khi tùng phục tập thể ấy không phải là mất tự do. Đây là sự trung thành với tập thể và chính là sự phát triển tự do.

7. Sự lợi dụng tự do tôn giáo vì những lợi lộc, như chiếm hữu tài nguyên hay duy trì quyền bính cho một phe nhóm, tạo nên những tai hại lớn cho xã hội. Sự cuồng tín hoặc hành động trái với phẩm giá con người không bao giờ có thể biện minh được và càng không thể nhân danh tôn giáo. Vì thế, các quốc gia và các cộng đồng con người không bao giờ được quên rằng tự do tôn giáo là điều kiện để tìm kiếm sự thật và không thể bị áp đặt sự thật bằng bạo lực nhưng bằng ‘sức mạnh của chính sự thật’. Theo ý nghĩa đó, tôn giáo là sức mạnh tích cực và là động lực thúc đẩy xây dựng xã hội dân sự và chính trị. Trong xã hội hoàn cầu hóa, Kitô hữu cần góp phần vào công trình cho công lý, cho sự phát triển toàn diện con người và cho trật tự đúng đắn của các thực tại con người. Sự loại trừ tôn giáo ra khỏi lãnh vực công cộng thì khó hướng xã hội về những nguyên tắc luân lý đạo đức và khó thiết lập các trật tự quốc gia và quốc tế trong đó các quyền và tự do cơ bản được nhìn nhận và thực thi, như mục tiêu của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948. Tuy nhiên, các mục tiêu ấy không được tôn trọng đầy đủ.

8. Sự lên án mọi hình thức cuồng tín và tôn giáo cực đoan cũng cần phải chống lại mọi hình thức thù nghịch chống lại tôn giáo, chúng giới hạn vai trò công cộng của các tín hữu trong đời sống dân sự và chính trị. Xã hội nào muốn dùng bạo lực để áp đặt hay phủ nhận tôn giáo là một xã hội bất công đối với con người và Thiên Chúa, và đối với cả chính mình. Xã hội không thể thiết lập các luật lệ và định chế mà không lưu ý tới niềm tin tôn giáo của các công dân.

9. Sự tôn trọng chiều kích công cộng của tôn giáo phải đi kèm với niềm tôn trọng đặc tính đời tích cực của các tổ chức quốc gia. Với mục đích đó, một điều cơ bản là phải thiết lập sự đối thoại lành mạnh giữa các tổ chức dân sự và tôn giáo để phát triển toàn diện con người và sự hòa hợp xã hội.

10. Thế giới hoàn cầu hóa tạo cho xã hội ngày càng thêm đa chủng tộc và đa tôn giáo. Các tôn giáo lớn có thể là một yếu tố quan trọng giúp đoàn kết và mang lại hòa bình cho gia đình nhân loại. Từ những xác tín tôn giáo của mình và tìm kiếm công ích hợp lý, tín đồ các tôn giáo được mời sống dấn thân với tinh thần trách nhiệm trong một bối cảnh tự do tôn giáo. Giữa các nền văn hóa tôn giáo khác nhau, cần loại bỏ những gì trái ngược phẩm giá người nam và người nữ, và đối lại, cần phải đón nhận tất cả những gì là tích cực cho sự sống chung dân sự như một kho tàng quí giá về một ‘cuộc sống tốt đẹp’.

11. Đối với Giáo hội, việc đối thoại giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau là một điều kiện quan trọng để cộng tác với tất cả các cộng đoàn tôn giáo hầu mưu cầu công ích. Giáo hội cũng không loại bỏ những gì là chân thật và thánh thiêng trong các tôn giáo khác. Thực vậy, Giáo hội loan báo và bó buộc phải loan báo Đức Kitô ‘là đường, là sự thật và là sự sống’ (Ga 14,6). Điều này không loại bỏ đối thoại và sự cùng nhau tìm kiếm sự thật trong các lãnh vực sinh tử, như một câu nói thường được thánh Tômasô Aquinô sử dụng ‘Mọi chân lý, bất kỳ do ai nói lên, đều đến từ Thánh Linh’.

12. Chính trị và ngoại giao phải nhìn gia sản luân lý và tinh thần do các tôn giáo lớn trên thế giới mang lại để công nhận và khẳng định chân lý, các nguyên tắc và các giá trị phổ quát của phẩm giá con người. Trong thực hành, thăng tiến sự thật luân lý trong giới chính trị và ngoại giao có nghĩa là hành động theo tinh thần trách nhiệm từ nhận thức khách quan và đầy đủ về các sự kiện, tức là giải tỏa các ý thức hệ chính trị đảo lộn chân lý và phẩm giá con người, và muốn cổ võ các giá trị giả tạo dưới chiêu bài hòa bình, phát triển và bảo vệ các quyền con người và tạo điều kiện thuận tiện cho sự dấn thân liên lỷ để thiết lập các luật lệ tích cực dựa trên các nguyên tắc của luật tự nhiên như phê chuẩn trong Hiến chương Liên hiệp quốc năm 1945. 

13. Con người cần Thiên Chúa, những giá trị luân lý đạo đức và tinh thần. Tôn giáo giúp chúng ta tìm kiếm các giá trị ấy để xây dựng một trật tự xã hội công chính và hòa bình, trên bình diện quốc gia và quốc tế. 

Hòa bình là một hồng ân của Thiên Chúa và là một tiến trình cần phải thực hiện, dù không bao giờ hoàn tất trọn vẹn. Một xã hội biết hòa giải với Thiên Chúa thì gần gũi với hòa bình hơn, và hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, không chỉ là thành quả của sự thống trị kinh tế hoặc chính trị và càng không phải là kết quả của những gian xảo lừa đảo hoặc những lèo lái khéo léo. Trái lại, hòa bình là kết quả của một tiến trình thanh tẩy và nâng cao văn hóa, luân lý và tinh thần của mỗi người và mỗi dân tộc, trong đó phẩm giá con người được hoàn toàn tôn trọng. 

Đức Thánh Cha mời chúng ta xây dựng hòa bình bằng lắng nghe tiếng nói trong nội tâm để tìm thấy nơi Thiên Chúa điểm tham chiếu vững bền hầu đạt tới tự do chân chính, sức mạnh vô tận để định hướng thế giới với một tinh thần mới mẻ, có khả năng không tái phạm những lỗi lầm quá khứ. ‘Trước tiên cần mang lại cho hòa bình những vũ khí khác, không phải những vũ khí nhắm giết hại và tàn sát nhân loại. Nhất là cần những võ khí tinh thần, mang lại sức mạnh và uy tín cho công pháp quốc tế; trước tiên là tuân giữ các hiệp ước’. Tự do tôn giáo đề cao giá trị và làm cho những phẩm tính và tiềm năng sâu xa nhất của con người được kết quả, có khả năng thay đổi và cải tiến thế giới.

II. TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM.

1.- Sau khi người cộng sản chiếm miền Bắc nước Việt năm 1955, những hình thức bách hại các tôn giáo, nhất là Công giáo, được du nhập từ Liên xô và các quốc gia chư hầu. Xin ghi lại vài trường hợp: 

a- Các Cha và Thầy Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách mục vụ tại Thái Hà đã phải chịu bách hại dã man của Nhà nước vô thần:

- ngày 07.05.1955, Thầy Marcel Nguyễn tấn Văn bị bắt và bị kết án 15 năm khổ sai và, ngày 09.07.1959, qua đời trong tù, kiệt sức lúc 31 tuổi. Hồ sơ Phong Chân phước cho Thầy Marcel Văn đang có tại Toà Thánh.

- Thầy Clément Phạm văn Đạt bị bắt hôm 09.10.1963 và qua đời trong trại giam Yên Bái ngày 07.10.1970. 

b. Tuy thế, người cộng sản luôn muốn thế giới thấy là ở Việt Nam, người Công giáo tự do hành đạo qua các tổ chức những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Chúa Giáng sinh, họ tự động cho người đến trang hoàng đèn quanh Nhà Thờ Lớn. Sau đó, đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công.

Năm 1958, họ cũng làm thế, Cha xứ Trịnh Văn Căn không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Cha Căn cho kéo chuông nhà thờ cấp báo và giáo dân kéo đến rất đông ủng hộ Cha xứ. Khi hai bên to tiếng, Cha Căn nhờ Cha Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh ra can thiệp. Không kết quả, cha Vinh kéo nhân viên Nhà nước để chính Cha leo lên thang, đưa cao hai tay trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt cho nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn: ‘Tự do thế này!’.

Sau đó, hai Cha Căn và Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án: Cha Căn chịu án 12 tháng tù treo. Cha Vinh bị 18 tháng tù giam vì ‘Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân”(!).

Cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, rồi Chợ Ngọc, Yên Bái và Cổng Trời, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội. Khi đến trại Yên Bái, Cha Vinh được ở chung với các tù nhân khác, nên nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế Cha bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau khi được ra, Cha lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: ‘Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?’. Cha đáp: ‘Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!’. Ở tù đói rét là đương nhiên, nhưng khi Cha Vinh nhận gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, Cha đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân. 

Cha Vinh can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, Cha lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, Cha đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn Cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp Hà Nội lên Cổng Trời gặp Cha, nói: « Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn thế Vịnh (Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi ». Cha đáp: « Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi ». Do đó, bản án cho Cha từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim biệt giam và án tử cho vị Linh mục của Đức Kitô. Năm 1971, khi Cha lìa trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức cha Khuê và Cha Cương quản lý Nhà Chung: « Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh! ».

Nước Việt mất một danh tài, Nước Trời đón nhận một linh hồn thánh thiện.

2.- Sau khi chiếm được Nam nước Việt năm 1957, người cộng sản đã thành lập ‘Ủy ban Liên lạc Công giáo’ với nhiều danh xưng khác nhau và, cuối cùng mang tên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam như hiện nay. Dưới sự điều khiển của Linh mục Huỳnh công Minh, Đức Khâm sứ Toà Thánh Henri Lemaitre, hai Đức Tổng Gíám mục Nguyễn văn Thuận và Nguyễn kim Điền đều là nạn nhân của Nhóm linh mục và tu sĩ quốc doanh nầy. Linh mục Minh giữ chức Tổng đại diện Tổng Giáo phận Sài gòn vì cưởng bách Đức Tổng Giám mục, chứ không phải vi tài đức. Bằng cớ, khi Đức cha Huỳnh văn Nghi giữ nhiệâm vụ Giám quản đã cử Cha Phan văn Thăm cùng là Tổng đại diện. Linh mục Minh nhờ tay Nhà nước tạo bao nhiêu khó khăn cho Đức cha Nghi. Giờ đây, khi Linh mục còn sống, bao nhiêu người chạy theo. Mai kia, khi qua đời thì cũng sớm được quên như linh mục Trương bá Cần vậy thôi. 

3.- Trong năm 2010, những cuộc đàn áp đã leo thang với cái chết dã man của Anh Nguyễn Năm do công an đánh đập.

a. Sáng sớm ngày 06.01.2010, nhiều trăm công an cộng sản hạ xuống và phá tan Thánh Giá trên Núi Thờ (Đồng Chiêm). Họ không ngần ngại dùng võ khí đã thương các giáo dân ngăn cản hành động chống lại biểu tượng Đạo Công giáo chỉ 24 ngày sau khi ông Nguyễn minh Triết đến Vatican và nói với Đức Thánh Cha là Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Sau đó, chúng còn hành hung nhiều giáo dân và tu sĩ hành hương đến Giáo xứ Đồng Chiêm.

b. Sự kiện Đức cha Giuse Ngô quang Kiệt phải từ chức Tổng Giám mục Hà nội đã cho thấy sự thiếu đoàn kết trong Hội đồng Giám mục đúng như ý muốn của người cộng sản. Thế hệ mai sau sẽ tìm hiểu và kết luận.

c. Tính chất tôn giáo trong vụ Cồn Dầu. Giáo dân bị cưởng bách rời khỏi giáo đường mà cha ông họ đã bỏ tiền ra tu bổ. Họ phải đau lòng, nhất là họ biết khi không còn giáo dân thì nhà thờ còn ai đến cầu nguyện, dâng Thánh Lễ. Khi đó, nếu nhà thờ không bị san bằng thì cũng dùng làm nơi nuôi trâu bò… Trong Thông cáo của Tòa Giám mục Đà nẳng vế Cồn Dầu ngày 01.02.2010, với Linh mục Chưởng ấn Hoàng gia Thành đồng ký, có viết: « Hai tiêu chuẩn cho mọi hành động tương quan của con người là công bằng và công ích. Nếu chỉ đề cập đến công bằng mà coi nhẹ tính công ích, thì sẽ đẩy xã hội dân sự đến đường cùng. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân Lý) của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI vừa ban hành vào cuối năm ngoái ». Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân này có tính cách Công Ích không, hay chỉ phục vụ cho người giàu? Vì bất công quá rõ ràng và được các giáo dân vô tội gõ cửa, Đức cha Nguyễn thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, ngày 22.10.2010, đã gởi văn thư cho giới thẩm quyền Đà nẳng để xin giải đáp một số ‘uẩn khúc’ và đề nghị: hoãn việc xét xử, đối thoại giữa những gia đình bị giải tỏa và Công ty Mặt Trời với sự tham dự của đại diện Nhà nước và Giáo hội. Đức cha không nhân được trả lời. Hiện nay, các giáo dân đang lo sợ sự đàn áp của lực lượng công an võ trang đầy đủ. 

d. Chúa nhật ngày 07.11.2010, Đức cha Micae Hoàng đức Oanh đến dâng lễ đầu tiên tại xã Yang Trung (Gialai), Giáo phận Kontum thuộc thẩm quyền của mình. Sau thánh lễ, Đức cha bị Công An huyện đến đe doạ rằng nếu lần sau còn làm lễ sẽ bị bắt. Sau đó, Đức cha đến dâng lễ ở xã An Trung. Cán bộ xã đến lập biên bản, Đức cha ký vào. Buổi chiều, Đức cha vào xã Sơn Lang, nhưng bị một đám “quần chúng tự phát” khoảng 40-50 tên, tay cầm dùi cui để chặn đường… Đức cha đành quay trở về Pleiku khoảng 10 giờ đêm. 

Bản tin Vietcatholic ngày 26.12.2010 loan tin Đức Giám mục Kontum đã bị cấm dâng Thánh Lễ Giáng Sinh với đồng bào Thượng ở làng Lang Son. 

Ngoài tiếng Pháp và tiếng Anh, Đức cha còn nói các ngôn ngữ người Thượng (Bana, Jarai, Sedang. ..), và đã có làn sóng người Thượng theo đạo ào ạt: 30000 trong năm 2008 và 20000 năm 2009.

e. Thực hiện tình liên đới như Đức Thánh Cha đề cập trong Sứ điệp, ngày 10.12.2010, Cha Vinh sơn Phạm trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đến làm việc với bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 3, và 4 cộng sự viên. Cùng đi với Cha Giám tỉnh có Cha Giuse Đinh hữu Thoại, Thư ký Hội đồng Quản trị Tỉnh, và thầy Phêrô Phạm Công Thuận, Quản lý Tu viện. Lúc đầu, họ đặt giới hạn: « Chúng ta làm việc trên tinh thần công khai, cởi mở nhưng có một số quy định. Vì trong thư bà Lệ chủ tịch chỉ mời linh mục Phạm trung Thành làm việc, nên những vị đi cùng với linh mục Giám tỉnh chỉ được phát biểu khi có sự đồng ý của bà chủ tịch. ». Tiếp theo, họ cáo buộc một số linh mục, tu sĩ DCCT VN có một số hoạt động vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, vi phạm Nghị định 22/2005, Nghị định 97/2008, gắn liền với trách nhiệm của linh mục Giám tỉnh. Nhưng khi đối đáp, hai Cha đã thay phiên trả lời và khi họ không tìm được lý lẽ thì đề nghị ký biên bản, Cha Giám tỉnh không ký vì Cha không cần giữ.
Hà Minh Thảo
See Also