Ngày 27-05, tôi nhận được một bài viết của ông Lữ Giang , tức Tú Gàn gửi cho, với nhan đề: Về linh mục không được thừa nhận Phan Văn Lợi. Theo ông Tú Gàn thì linh mục Phan Văn Lợi là linh mục chui nên không được giáo hội nhìn nhận. Đồng thời học hành cũng không đến nơi đến chốn, không được huấn luyện đầy đủ nên ăn nói lạng quạng, không đúng chỗ.
Chỉ chừng ấy dòng nhận xét của ông Tú Gàn, tôi thấy đã có biết bao điều sai trái, nhận xét bất công ngược đời!
Nhưng tôi không có ý tranh luận phải trái với ông Tú Gàn vì chưa bao giờ có được điểm đồng thuận nên mọi tranh luận với ông tôi cho là đều vô ích.
Hãy để ông tiếp tục viết những điều ông muốn viết ..viết cho chán thì thôi.
Nhưng nhân dịp này, tôi muốn được trình bày một bộ mặt khác của giáo hội Thiên Chúa giáo, bộ mặt chìm trong bóng tối của giáo hội hầm trú dưới bầu trời cộng sản: Đó là hoàn cảnh các linh mục chui sống trong lòng chế độ cộng sản mà kéo dài nếp sống đọa đầy, bị đặt ra bên lề.
Nhưng họ lại tiêu biểu cho sức mạnh tiềm ẩn của giáo hội Thiên Chúa Giáo trong cái thế phải đương đầu với chế độ cộng sản.
Giáo hội miền Bắc, một giáo hội thầm lặng, chịu đựng và kiên trì như lời phát biểu của cố Hồng Y Trịnh Văn Căn như sau:
“ Ngày chủ nhật, các nhóm người già, thanh niên, trẻ em, đôi khi thức dạy vào nửa đêm và tay cầm đèn, kéo nhau tới nhà thờ có linh mục. Họ đi qua các làng mạc không công giáo và những người ngoài công giáo này tự hỏi không biết họ là ai và họ đi đâu . Những người này có ngay câu trả lời: họ đi lễ, họ thờ ông Giê Su . Một người ngoài công giáo phản ứng :” Mất thời giờ ! Nhưng họ lại vui vẻ và hạnh phúc”.-
Trích Việt Nam Con Đường Hy vọng, Nhà sách Tòa Giám Mục Hà Nội ngày 18/6/2009 .
Và một điều rõ nét là trong hai năm gần đây, những đòi hỏi cho tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, đòi đất đều xuất phát từ những vùng đất do cộng sản chiếm lĩnh từ thập niên 1945-1954
Và trái ngược với những điều ông Tú Gàn viết, họ là những cơ may của giáo hội Thiên Chúa giáo. Họ là những tu sĩ can trường, có nhân cách và sống đứng thẳng, không chịu khuất phục.
Không có họ, giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam sẽ bị cỏ lùm hay củi mục xâm lấn. Họ chính là lương tâm của người Thiên Chúa giáo. Họ biết việc họ làm và họ biết họ phải làm gì?
Và tôi xin được trích dẫn nhận xét của ông Trần Phong Vũ trong lời mở đầu cuốn sách của ông: Phan Văn Lợi, Người là Ai?
“Phan Văn Lợi, người mục tử không giáo xứ, không giáo dân và cũng là người công dân bị tù không ở tù, người lữ hành bị chặn hết những nẻo đường đi tới. Dù vậy, trong mắt và trong hồn người linh mục Chui họ Phan, giáo xứ của ông là khắp cả địa cầu, là khoảng không gian cao rộng, bát ngát mây trời, giáo dân của ông là bàn dân thiên hạ, là cả triều đình thần thánh.
“ Giáo xứ con là thế giới trần hoàn,
Dự lễ con là cả triều đình thần thánh”
[Linh mục là Hy Lễ]
-- Trích "Phan Văn Lợi, Người là ai ?"
Trần Phong Vũ, trang mở đầu
Nhưng có lẽ hàng giáo phẩm ngoại quốc như phái đoàn của Hồng y Roger Etchegaray khi viếng thăm Việt Nam. Họ không khỏi sửng sốt và xúc động khi nhìn đến giáo hội Việt Nam đang bị bức bách. Họ đã không dằn được những cảm xúc và lòng mến phục giáo dân Việt Nam, đặc biệt là giáo dân miền Bắc.
Điển hình là Hồng Y Roger Etchegaray vốn quen thuộc với giáo dân Việt Nam sau nhiều lần ông thăm viếng Việt Nam. Ông có viết một cuốn sách nhan đề: J‘ai Senti Battre le Coeur du Monde. Conversations avec Bernard Lecomte, Trái tim tôi đập cùng nhịp với trái tim của thế giới, xuất bản Fayard, 2007, 455 trang ..
Ông là một trong những người cộng tác chính của Giáo hoàng Jean-Paul II được phong Hồng Y năm 1979, sau hơn hai thập niên làm Tổng giám mục ở Marseille và ông đã được coi như đặc sứ của Giáo Hoàng gửi đi trước đến những nơi mà Giáo Hoàng sẽ đến thăm viếng trong các chuyến công du.
Ông cũng được gửi đến các nơi để giải quyết những vấn đề khó khăn mà Vatican phải đương đầu như vụ Giám Mục Lefebvre, các vấn đề còn tồn đọng đối với các nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam và Cuba hay các sứ vụ ở những nơi đang diễn ra nạn diệt chủng ngay giữa những vùng tranh chấp ở Sarajevo, Rwanda hay Trung Đông.
Riêng ở Việt Nam, ông có nhận xét tương tự như giám mục Phao Lô Lê Đắc Trọng là giáo dân miền Bắc mặc dầu bị bách hại tỏ ra « kiên cường» hơn ai hết.
Trong vòng 13 ngày đi thăm viếng các giáo phận, ông đã đi thăm 11 nơi mà trong đó có bốn giáo phận khốn khổ nhất ở phía Bắc như Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu và Hải Phòng.
Tại Bùi Chu, ông không thể nào ngờ được đã có khoảng 200 ngàn giáo dân dự lễ, và đón tiếp ông, Tại Phát Diệm có 100 ngàn người. Tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn có 45 ngàn người.
Những con số ấy làm ông không cầm lòng được. Những người ngoại quốc như ông mới cảm nghiệm được hết cái sức sống của đạo nơi những người tín hữu thế hệ sau 1975 ở miền Bắc. Chiều kích tâm linh và lòng mộ đạo đã hẳn làm ông băn khoăn suy nghĩ về nếp sống đạo Tây Phương đang trên đà suy thoái!
Điều gì đã làm cho những con người ấy thêm kiên trì sắt đá, vững niềm tin .. Có những tu sĩ không được truyền chức vẫn đeo đuổi ơn gọi mà nay tuổi đời đã ở xế chiều của tuổi 60, 70 ! Làm linh mục năm 65 tuổi !!
Và xin ghi lại đoạn bá cáo gửi Giáo hoàng về tình hình giáo hội miền Bắc:
« Điều làm con ngạc nhiên hơn hết, chính là lòng sốt sắng nguyên thủy của các Kitô hữu phía Bắc [dưới vỏ bọc chì của cộng sản từ năm 1954]. Cộng đồng tín hữu không chỉ sống sót mà còn sống một cách toàn vẹn lòng tin của mình. Cộng đồng này đã chỉ sống trong thần khí và bởi Thần Khí, gần như không có sự nâng đỡ của thừa tác vụ của Giáo hội, vì thiếu linh mục và thiếu các phương tiện..[..] Ở ngoài Bắc, rất ít linh mục, tất cả đều ngập công việc [con có nói chuyện với một linh mục một mình phải lo cho 40.000 bổn đạo tại 9 họ đạo khác nhau, họ đạo xa nhất là 200 cây số và chỉ có chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển».
Phần sau đây liên quan đến điều mà ta gọi các linh mục chui được đặt ra ở đầu bài.
« Khoảng 60 chục linh mục được truyền chức « chui » và không được phép thi hành chức vụ của mình. Một chủng viện tại Hà Nội, không có người đào tạo chuyên nghiệp. Một vài giám mục, được chỉ định trong thời kỳ khó khăn, chỉ có trình độ của giáo lý viên. Giám mục Lạng Sơn, đức cha Phạm Văn Dụ được phong chức chui, từ 30 năm nay, phải sống trong tình trạng chỉ định cư trú, cách tòa giám mục của mình 100 cây số : giáo phận của ngài, sát biên giới Trung Quốc, chỉ có hai linh mục già và ba nữ tu ». -Trích Việt Nam Con Đường Hy Vọng, ngày 8/162009, Web Nhà Sách Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.
Một giáo hội hầm trú như thế, chịu đựng biết bao điều chèn ép, đe dọa. Dĩ nhiên, họ không có cơ may được học chính quy, bài bản. Họ sống chui nhủi, lấy chữ nghĩa ở đâu ra để so đo với hàng tu sĩ chính thống trong giáo hội được nhà nước công nhận.
Nhưng lấy kích thước nào để đo lòng đạo hạnh và con đường tu đức của họ? Việc học chính quy đôi khi lại là cái cớ cho người cao ngạo và mất bản chất?
Vậy mà có kẻ dám mang lời xúc phạm đến họ, những người con thân yêu và trung thành nhất của giáo hội.
Cũng trong cái tinh thần «hợp thức hóa» các giáo sĩ và chủng sinh «chui» mà năm 2007, vào ngày 9-6, Giám Mục dòng Don Boisco Hoàng Văn Tiệm của Bùi Chu đã phong chức linh mục cho 45 thầy thuộc giáo phận Bùi Chu và năm thầy thuộc giáo phận Bắc Ninh ..
Các tân chức này nằm trong số 83 phó tế và chủng sinh được đào tạo «chui» mà tuổi đời chênh lệnh từ 31 đến 67 vừa kết thúc khóa đào tạo hàm thụ thần học một năm tại Trung tâm Mục Vụ bên cạnh tòa Giám mục Bùi Chu.
Đại chủng viện Thánh GiuSe ở Hà Nội mở khóa đào tạo này năm 2006 nhằm hợp thức hóa các chủng sinh được đào tạo bên ngoài các đại chủng viện địa phương, nhưng không được chính quyền cho phép.
Tân linh mục Gioan Nguyễn Văn Giao, 67 tuổi, người lớn tuổi nhất trong lớp hàm thụ, gọi đợt phong chức đông kỷ lục này là «biến cố lịch sử của giáo hội địa phương sau cuộc di cư vào Nam năm 1954.
Linh mục Giuse Nguyễn Đức Dung, chính xứ Đại Đồng, cho UCA News biết trong số các tân chức của Bùi Chu được truyền chức công khai đợt này có 10 thầy đã chịu chức phó tế « chui» từ năm 1999 dưới thời cố giám mục Giuse Vũ Duy Nhất.
Ngài cho biết Đức Cha Nhất đã phong chức 46 linh mục và phó tế không thông qua chính quyền.
Một nguồn tin giáo phận cho UCA News biết là từ năm 1987-2000, giáo phận đã gửi khoảng 100 chủng sinh tu học tại các chủng viện Hà Nội cho mỗi khóa học hai năm một lần. Nguồn tin này lưu ý rằng Bùi Chu có nhiều ơn gọi nhưng lại thiếu linh mục trầm trọng.
Tình trạng ở trên cho thấy giáo hội địa phương đã bị các chính quyền địa phương kiểm soát và giới hạn việc đào tạo các tu sinh như thế nào?
Trong khi đó, giáo hội miền Nam, thiếu kinh nghiệm tranh đấu với cộng sản, cho thấy có nhiều sai phạm như thay vì có linh mục Chui, họ có một đội ngũ linh mục bị hủ hóa, lo đút lót cho quan chức địa phương. Để được chịu chức !!
Sau đây là chứng từ thư trả lời của Tòa Giám mục Xuân Lộc, 70 Hùng Vương Long Khánh, trả lời về những cáo buộc rằng: chịu chức linh mục, thuyên chuyên chuyển linh mục, xây nhà thờ vv.. đều có giá? Sự thực ra sao ? Do chủ trương của tòa giám mục hay do các linh mục, gia đình có con chịu chức? Có phổ biến không hay chỉ có vài vụ? Nếu có mà không phải chủ trương của tòa giám mục thì tòa giám mục có thái độ nào?
Giám mục Xuân lộc giải thích:
«Chúng tôi đôi khi cũng có nghe nói đến chuyện có mua chuộc bằng cách này cách nọ, điều này không bao giờ chúng tôi chấp nhận. Bằng cớ là trước khi lập danh sách để xin tổ chức lễ phong chức, các chủng sinh có tên đều được gọi lên Tòa Giám mục để chúng tôi đặt thẳng vấn đề: Không được phép chạy chọt để chịu chức, nếu có sẽ bị ngưng ngay. Và trong thông cáo riêng gửi cho các cha trong giáo phận mang số 10-89/TC đề ngày 15/6/1980, tôi đã viết: Xin các cha lưu tâm và nhắc bảo cho giáo dân. Để bảo toàn sự thánh thiện và giá trị siêu nhiên của thánh chức linh mục khỏi bị phàm tục hóa bởi những hành động đổi chác» «chạy chọt», tuy chưa phải là «simonia» trong những dịp sắp có lễ phong chức » …
--Xuân Lộc ngày 19 tháng 1 năm 1992
Trích thư Giám mục gửi cho NVT, địa chỉ 57/31 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh
Mặc dầu có sự giải thích của giám mục Xuân Lộc … Điều đó cho thấy là hiện trạng chạy chức, chạy quyền để được phép làm linh mục là điều có thực.
*
Một linh mục do hối lộ quan chức để chính thức được phép chịu chức linh mục và môt linh mục được truyền chức «chui », xét về mặt giá trị siêu nhiên, ai sẽ là người xứng đáng chăn dắt đàn chiên? Ai là chính, ai là tà? Ai sẽ là người mục tử chăn dắt đàn chiên
Sự hủ hóa trong viêc chạy chức chạy quyền nay lên đến hàng giám mục? Đây là một lời báo động gửi đến Hội Đồng Giám mục và các vị lãnh đạo trong giáo hội Thiên Chúa giáo.
Phần tôi, tương lai Giáo Hội không nằm ở các phẩm trật, các chức quyền mà ở những kẻ không may mắn và đạo hạnh .
Những linh mục “chui “.
Những kẻ làm chứng tá.
Nguyễn văn Lục