Nhận định bài viết "Không có thiên đàng" về Giáo-sư Stephen Hawking của BBC News

Bạn thân mến,

Không như những nhà bác học đại tài khác như Paster, Ampère, Einstein, v.v... là tin có Đấng Tạo Hóa, Stephen Hawking là một nhà bác học đại tài đương thời không tin có Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên vũ trụ, vạn vật và con người, nên ông ta chỉ có một điểm tựa duy nhất để bám víu: thuyết "Big Bang". Điều đó cũng dễ hiểu, vì:

1) Ông ta dành hết thì giờ vào việc tìm tòi học hỏi để chứng minh cho thuyết "Big Bang", và ông ta phải tìm hiểu về nhiều vấn đề trong vũ trụ như black holes, dark matters, v.v.. và về những gì đã xảy ra cách đây hàng tỷ tỷ năm ánh sáng nên ông đâu còn thì giờ để nghiên cứu và hoc hỏi Kinh Thánh!

2) Nếu ông ta có nghiên cứu và học hỏi Kinh Thánh, thì có thể ông ta cũng không hiểu nổi, vì chỉ có những ai có thiện ý muốn đi tìm chân lý thì mới hiểu được, còn những người muốn tìm hiểu chỉ vì tò mò thì sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" mà thôi!

3) Có thể vì hơn nửa cuộc đời ông ta phải mang bệnh liệt phải ngồi xe lăn, nên ông ta đã chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế? Vì ông ta nghĩ rằng nếu như có Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thì Ngài sẽ không để cho ông phải chịu cảnh bệnh tật như vậy!

4) Vì ông ta không tin có Thượng Đế, thì vấn đề Thiên Đàng và Hỏa ngục đối với ông là hoàn toàn vô lý.

Là người Kytô hữu, nhất là những người Công Giáo, chúng ta nên cầu nguyện cho ông để ông được nhận ra chân lý, vì ông cũng đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại trong lãnh vực khoa học.

Joseph V. Bùi

-----------------------


" Không có thiên đàng " bài viết về Giáo-sư Stephen Hawking của BBC News
Giáo sư Stephen Hawking quả quyết thay vì bước qua một thế giới khác, khi chết não bộ của con người sẽ tắt đi như ''máy vi tính bị hỏng" vậy.
Vị giáo sư nổi tiếng với tác phẩm A Brief History of Time (Lược sử Thời gian, xuất bản 1988) nhìn nhận quan điểm này phần nào chịu ảnh hưởng của những năm tháng dài bị bệnh thần kinh vận động.
Ông nói: "Tôi đã sống với viễn cảnh chết sớm trong 49 năm qua. Tôi không sợ cái chết, nhưng tôi không vội vàng muốn chết.
''Tôi có quá nhiều chuyện muốn làm. Tôi xem não như một cái computer, sẽ ngừng làm việc một khi các bộ phận của nó bị hỏng,'' ông nói.
"Không có thiên đàng hoặc thế giới bên kia cho những máy tính bị hỏng - đó là chuyện thần tiên cho những ai sợ bóng tối.''
'Góc cạnh tâm linh'
Giáo sư Hawking bị liệt từ năm 21 tuổi và khiến ông phải ngồi xe lăn và nói chuyện qua máy tính.
Ông đã từng làm nhiều người tức giận khi nói rằng vũ trụ không phải do Thượng đế tạo ra.
Lần này cũng vậy, Stephen Green, thuộc nhóm vận động Tiếng nói Thiên Chúa giáo, nói: "So sánh cái chết cũng giống như tắt máy cho thấy ông chỉ có thể suy nghĩ mọi chuyện thiên về vật chất.''
"Đó là quan điểm u tối của một người muốn hiểu một điều mà tâm linh của ông không làm được. Người ta tin vào thế giới bên kia không phải vì họ sợ cái chết.
"Niềm tin vào Thượng đế xóa tan nỗi sợ bóng tối - cái chết. Tôi không hiểu tại sao Hawking thấy khó khăn để hiểu góc cạnh tâm linh."
'Ngẫu nhiên'
Giáo sư Hawking đã nổi tiếng thế giới qua các nghiên cứu, bài viết và phim tài liệu.
Trong cuốn The Grand Design (Thiết kế vĩ đại, xuất bản 2010), Giáo sư Hawking lập luận rằng Vụ nổ lớn tất phải xảy ra là vì trọng lực, chứ không phải do một đấng nào đó can thiệp như Sir Isaac Newton đã nói.
"Bởi vì có những định luật như trọng lực, vũ trụ có thể và tự sinh ra không từ một cái gì hết," ông viết.

Giáo sư Hawking nói lần đầu tiên thuyết của Newton sai khi nói rằng vũ trụ không thể hình thành từ một sự hỗn loạn là sự khám phá năm 1992 một hành tinh bay quanh quỹ đạo của một vì sao khác, thay vì Mặt Trời.
"Nó tạo nên những sự ngẫu nhiên trong môi trường thông thường giữa các hành tinh mà chúng ta biết được – một Mặt Trời, khoảng cách may mắn giữa Mặt Trời và Trái Đất và kích thước thái dương hệ – là những chứng cứ không đáng kể và kém thuyết phục để nói rằng Trái Đất được thiết kế cẩn thận chỉ cho riêng con người," ông viết.

Năm ngoái Giáo sư Stephen Hawking thôi làm Giáo sư Lucasian, chức danh dành cho giáo sư toán học của Đại học Cambridge, sau 30 năm đảm nhiệm vị trí trước đây của những nhà khoa học xuất chúng như Isaac Newton và Paul Dirac.