“U uất” về chủ chăn

 

“U uất” về chủ chăn


 
Trước hết và trên hết, tôi phải nói trước và nhấn mạnh rằng tôi tuyệt đối thâm tín về hiệu năng của tác vụ đặt tay đối với các linh mục trong ngày lễ phong chức chính là nguồn mạch thần khí tuyệt đối và chuyên nhất từ nơi Đức Ki-tô vẫn liên tục được lưu truyền. Tôi cũng tin tưởng mãnh liệt vào truyền thống tông đồ của chức giám mục, của hai chữ chủ chăn gói trọn trách nhiệm chung về đàn chiên mà Chúa đã giao cho thánh Phê-rô để giờ đây  Hội thánh Chúa đang có mặt giữa cộng đồng nhân loại tiếp tục sứ mạng thiêng liêng đó qua các giám mục được sai đi như  Công-đồng Vatican II trong Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục trong Giáo hội (Decretum de Pastorali Episcoporum Munere in Ecclesia) có nói Các giám mục phải chăm lo nhiệm vụ tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Ki-tô trước mặt mọi người – Ad suum autem apostolicum munus intendant Episcopi ut Christi testes coram omnibus hominibus. Tuy nhiên, cũng phải nói là trong cuộc đời một tín hữu, chưa bao giờ tôi  thấy thất vọng, thấy bó tay với “chủ chăn” như lần này  về cái “lời” kia và  vì vậy mà tôi thấy cần phải có sự tách bạch rõ ràng giữa chức thánh và phong cách cùng phẩm chất của người mang chức thánh.
 
Làm sao để đuợc gọi là chủ chăn
Ta biết các chiên ta và các chiên ta biết Ta
Theo Lời Chúa mà Thánh Gio-an đã ghi lại thì chủ chăn là một thánh chức đặt nền trên tình mến Chúa và yêu người trong bổn phận chăm lo, dẫn dắt dân Người qua hình ảnh đàn cừu, đàn chiên là gia sản quan trọng của dân du mục thời bấy giờ. “Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô:” Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? Ông đáp ” Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi ” Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? Ông đáp “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” Người nói “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba:” Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần “anh có yêu mến Thầy  không” Ông đáp “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” Đức Giê-su bảo:” Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21, 15-17). Lời Chúa dạy là thế, lời Hội thánh diễn giải trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội nơi phần đặc biệt về chức giám mục (in specie de episcopatu) cũng không ngoài Ý Chúa là …tất cả các giám mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin  và kỷ luật chung của cả Giáo hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính…
 
Thế nào là chăm sóc – chăn dắt
Không ai trực tiếp nghe Chúa nói bao giờ, nhưng nhờ vào lời các Thánh Tông đồ đuợc linh hứng cùng ơn vô ngộ của Kinh Thánh và qua khả năng dịch thuật của những nhà chuyên môn nên những chữ chăm sóc – chăn dắt có thể dùng để  nghiệm duyệt “lời chủ chăn” ra sao.
Chăn nghĩa là luôn đi bên cạnh để vừa coi giữ, vừa cho ăn nếu là chăn thú như chăn trâu, chăn bò. Còn chăn trong nghĩa đạo thì là mục vụ, là chăm sóc đến phần đời sống đạo đức và tâm linh của tín hữu. Vì vậy, nhiệm vụ của chủ chăn là luôn đi sát với tập thể tín hữu trong cuộc hành trình đức tin, dẫn dắt tâm linh tín hữu sống theo đúng giáo lý đức tin bằng việc làm bênh vực lẽ phải, công bằng, bác ái cho con người và nuôi dưỡng ý thức đạo đức cho đoàn chiên bằng sự hiểu biết, bằng gương sáng.
 
Phải chăng “Lời chủ chăn” này cũng ngang Lời Chúa
Thói đời thường nói phàm việc gì cũng phải cho danh chính ngôn thuận, cho nên không hiểu cái nhóm chữ “Lời chủ chăn” này là do chính các tác giả tự phong hay do các nơi loan đi dùng; song dù do đâu thì xưng ra như vậy cũng không được ổn. Thậm chí linh mục Chân Tín gọi đó là “lá thư mục vụ của các lãnh đạo giáo phận, gửi cho giáo dân giáo phận Sài Gòn”…cũng chỉ là gọi cho dễ nói, chứ thư từ gì – nhất là thư mục vụ – gửi toàn bộ linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo phận mà không theo đúng hình thức giáo khoa thô thiển tối thiểu của một lá thư thường nữa. Bố cục thì lộn xộn và sử dụng ngôn từ bừa bãi, thiếu chững chạc trong phong cách ăn nói như “cánh này, cánh kia” giống như chỉ điểm khiến người đọc nào cũng phải tự hỏi mình đang bị chủ chăn nhận diện theo cánh nào đây. Ngay đầu thư đã nhảy ngang vào các đề mục muốn nói rồi cuối cùng cũng đứt ngang khi hết lời để nói, làm cứ như  chỉ cần gióng lên tiếng chuông “Lời chủ chăn”  làm hiệu lệnh thì hết thảy già, trẻ, lớn, bé trong giáo phận phải vểnh tai mà nghe. Trong Tin Mừng, chính Đức Ki-tô ngay cả lúc cần phải vạch mặt chỉ tên những người pha-ri-sêu, những nhà thông luật (Mt 23, 1-36; Mc 12, 38-40; Lc 11, 37-52) cũng không có thái độ phách tướng này. Lại nữa, Đức Thánh Cha khi ký các văn kiện Công đồng trong năng quyền bất khả ngộ cũng chỉ  xưng là “Giám Mục Giáo Hội Công giáo”; vậy mà chỉ có vài ba trang nói tinh nói tướng, chưa chắc đã lọt tai ai, thì chủ chăn cũng chịu khó kê ra nguyên con “hồng y tổng giám mục”, toàn những sự thuộc cơ chế hành chánh, chẳng ăn chung gì đến  chức thánh và trách nhiệm chủ chăn. Trách gì nhiều người đã để ý thấy rằng “Hồng y đi đâu cũng mặc áo đỏ, ngay cả khi dâng lễ cũng bất chấp cả luật phụng vụ ấn định phải mặc mầu trắng…”
 
Một bài công dân giáo dục lạc đề
Nếu tuần tự mà xét từng mục thì cũng chỉ có thể kết lại rằng đây chính là một tờ trình, một bản báo cáo chính trị cống hiến cho nhà nước về nội tình tập thể giáo dân hơn là những gì cần cho việc mục vụ, nhất là mục vụ trong phạm vi giáo phận. Cụ thể  như đức Thánh cha Gio-an Phao-lô II nói trong Tông thư Mầu nhiệm Nhập thể rằng “Có một dấu chỉ về lòng thương xót của Thiên Chúa mà ngày nay đặc biệt là cần thiết: đức  bác ái mở mắt chúng ta trước những nhu cầu của những con người đang sống trong nghèo khổ và bên lề xã hội..” hoặc như đức Đức Thánh Cha Phao-lô VI xác nhận: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì chính vì những vị thầy này là chứng nhân”; song ở đây tuyệt nhiên không có cả thầy lẫn chứng nhân mà chỉ có quyền uy của bộ áo đỏ và áo tím muốn uốn nắn dư luận theo chiều của một số khác nỗ lực bung ra đồng hành cùng dân tộc để đấu tranh cho sự sống còn…mà không biết đấu tranh với ai và sự sống còn của cái gì; nhất là khi giáo phận không thiếu những vấn đề cấp thiết thì lại không đuợc một chữ, một lời nào đề cập đến mà lại đòi nỗ lực sống yêu thương đồng cảm với đồng loại, hợp tác với mọi người kiến tạo một trật tự nhân bản hơn cho mọi chế độ xã hội hôm nay…vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại hôm nay… đưa gia đình nhân loại ra khỏi vòng kiềm toả của tính đối kháng và lòng tham sân si….thì có lạc đề lắm không?
 
Một tâm sự mang tính thời thế
1. Cả hai tiểu mục đầu gọi là Nhận diện những khó khăn và Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đều nói năng hồ đồ, phù phiếm vu vơ với những ý tưởng đầy tính ước lệ và sáo rỗng chứ sâu xa ở chỗ nào đâu… Nói chuyện với linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận sao không đi thẳng vào hiện tình của giáo phận, lại lan man những việc “phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của cả gia đình nhân loại” hoặc ngu ngơ võ đoán “nguyên nhân khách quan điển hình như công cuộc cải tạo xã-hội mang tính cưỡng bách đã gây ra những chấn động tâm lý, đã  tạo ra những xáo trộn và bất ổn cho đời sống nhân loại ???. Sao lại là nhân loại mà không là đời sống giáo dân trong Giáo phận? Rồi lại đến… Nguyên nhân chủ quan, cụ thể như, đối diện với những chấn động tâm lý tạo ra bất ổn và lo sợ, nhiều người mang tâm trạng bất mãn, thối chí và khép lại trong bản năng tự vệ để sinh tồn, khiến tâm trí con người bị đình bộ, lập trường và thái độ bị đóng băng trong tư thế dễ gây hấn và chống đối”. Những cung giọng này là lời Chúa muốn chủ chăn hướng dẫn tâm linh tín hữu hay là lời cảnh cáo dân chúng cho nhà nước mát lòng?
2. Tiếp đến là bốn loại khó khăn đuợc moi ra thì nguyên cái mục “Khó khăn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự” rõ ràng là để nói về nội tình Giáo hội Công giáo  tại Miền Nam mà không có giáo dân trong đấy nhưng sao lại có câu Với những mất mát to lớn về của và người, nhiều người cảm thấy bị loại trừ, bị xoá sổ, bị bách hại, quyền lợi và tự do của họ bị biến thành những của bố thí theo cảm hứng của người đang nắm quyền lực trong tay… là muốn để  chỉ trích những ai đây hay muốn theo cách bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu. Bởi vì ít nhất cũng đã có hai vị chủ chăn trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thấy quyền lợi và tự do của họ bị biến thành những của bố thí theo cảm hứng của người đang nắm quyền lực trong tay… là Đức cha  Nguyễn Huy Mai, thành viên trong Ban Thường vụ và phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, bị cấm đi Rô ma dịp Ad limina 1990, đã viết thư ngày 22-6-1990 phản đối gửi chủ tịch nuớc và Hội đồng Bộ trưởng, có câu: “Nhà nước ta đã công nhận có chỗ đứng của Giáo-hội Công-giáo tại Việt-Nam thì đương nhiên phải để cho những người có trách nhiệm trong Giáo-hội có quyền thi hành những bổn phận của mình: đây là quyền thuộc chức vụ của giám mục Giáo phận. Thi hành nhiệm vụ theo đúng chức năng của mỗi người không phải là một đặc ân phải cầu cạnh nhưng là bổn phận gắn liền với nhân phẩm và quyền con người, không thể bị cấm cản cách bất công và tuỳ tiện được” và gần đây Đức Tổng giám mục Hà nội Ngô Quang Kiệt cũng đã có câu nói để đời “Tự do tôn giáo là quyền, không phải là ơn huệ”.
Riêng cái Khó khăn từ tình trạng phân rẽ theo những hướng sống khác nhau thì âu cũng là lẽ tự nhiên trong tập thể con  người muôn đời và muôn nơi thôi.  Bởi vì với tâm lý thông thường bá nhân bá tánh, liệu có một xã hội nào thoát khỏi tình trạng này không? Xin hỏi, một Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có bao nhiêu vị và cùng đuợc ràng buộc với nhau bởi nhiều sợi dây tín lý siêu nhiên và lề luật mà đã tránh khỏi được khó khăn này chưa? Lại nữa, cái số mà chủ chăn quy kết là vì “Bị tổn thương nặng nề và mang tâm trạng bất an kéo dài, một số buộc phải rời khỏi quê hương đi tìm một cuộc sống mới nơi xa lạ, theo làn sóng di dân trên khắp thế giới…” thì nếu nói chung họ hiện là những cộng đồng  người tỵ nạn tại các nước tự do trên thế giới; còn nếu là giáo dân thì  bây giờ họ đã thuộc về các giáo phận ở bên ngoài Việt Nam chứ đâu có ăn chung gì với  giáo phận của chủ chăn mà cũng nêu lên thành một hạng mục trong tờ trình như vậy, phải chăng để cho có chuyện mà nói. Hèn chi trước đây chủ chăn đã từng có những chuyến đi ngoại quốc gọi là “đi thăm mục vụ” mà chẳng ai hiểu là mục vụ gì vì  người giáo dân họ dư biết là khi sống ở đâu thì đã nhập vào quyền mục-vụ của đấng bản quyền địa phương ấy rồi.
Về cái “Khó khăn từ nguy cơ bị biến thành công cụ chính trị” thì có phải là loại việc đấng bậc mình của một chủ chăn đâu và cái “Khó khăn khi sự u uất bị biến thành khí thế đấu tranh” cũng vậy. Có điều, theo ý tình trong câu  nói “Kinh nghiệm cho thấy, dù mang tính ôn hoà hay bạo lực, một khi ngọn lửa đấu tranh bốc lên thành xung đột, trước mắt ít có tính chữa lành, lại còn làm cho vết thương cũ ngày càng hằn sâu vào đời sống cộng đồng” thì phải chăng bắt người ta phải nghĩ đến “ngọn lửa đấu tranh bốc lên thành xung đột” ngay từ nơi  những ngọn nến đã đuợc thắp lên cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, ở Thái Hà và ở nhiều nơi khác sau này?
Nửa trên của “Lời chủ chăn” mà theo nội dung vừa phân tích thì rõ ràng là việc chú bác chứ không phải việc nhà. Nói cách khác, là việc nhà nước chứ không phải việc Nhà Chúa. Còn nếu cứ muốn giữ ý niệm chăn dắt để nói thì nó hoàn toàn không đáp trả đuợc tiếng nào trong ba lần Đức Ki-tô hỏi rồi giao phó cho thánh Phê-rô: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy – Hãy chăn dắt chiên của Thầy –  Hãy chăm sóc chiên của Thầy…” mà lại giống như người chăn vịt, chỉ muốn lùa gom hết cả bày vào một khu rồi mặc quyền tách bạch, phân loại bằng những cái mũ chính trị đủ kiểu theo chủ ý riêng  mà phách tấu.
Còn lại nửa phần sau, từ số 4 tới cuối cũng lại là những cliché đã bị xào nấu và nêm nếm theo gia vị khác; bị méo mó tự dạng, đọc thấy lạ với những ý khó giải nghĩa, như: “Cởi bỏ nếp sống cũ, xây đắp nếp sống mới – Theo vết chân sứ giả Tin Mừng trong thế giới đầy mâu thuẫn và xung đột -  Đồng hành với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Ngài – Bí quyết làm người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội…” cũng lại là đánh bùn sang ao, với những lời văn nghe kêu giòn tan như pháo và nhiều mỹ từ như bong bóng xanh đỏ bay múa mà chẳng biết bay đuợc mấy phút thì xì;  với nào là “nỗ lực sống yêu thương đồng cảm với đồng loại, hợp tác với mọi người kiến tạo một trật tự nhân bản hơn cho mọi chế độ xã hội hôm nay, xây mới ngôi nhà thế giới hôm nay trên nền đá vững chắc, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, công lý và hoà bình …”, nào là “tạo điều kiện cho cộng đoàn dân Chúa thoát khỏi vòng lẩn quẩn của những bất hoà và xung đột …” và nhất là chính người viết có hiểu mình nói gì hay không, có nắm bắt đuợc thế nào là “bỏ lối sống văn hoá sự chết… xây đắp nền văn hoá sự sống….” hay không? Còn nữa, chủ chăn muốn nói gì đây khi bảo rằng:….Nhằm tạo thuận lợi cho linh mục hoàn thành nhiệm vụ mục tử, Giáo Hội quy định linh mục không tham gia cơ chế quyền lực trần thế.  Và trách nhiệm cùng chỗ đứng của giáo sĩ trong cộng đồng chính trị …? Nếu đã không tham gia cơ chế quyền lực thì đâu cần phải chen nhau đứng trong cộng đồng chính trị để làm gì? Tại sao tư duy của linh mục không dựa trên nền tảng Lời Chúa và theo huấn giáo của Hội thánh là phải hướng dẫn tín hữu biết vâng phục các luật lệ chính đáng và tôn trọng các quyền bính hợp pháp (iustis legibus et legitime constitutis) mà lại  làngười xưa có câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, nhắc nhở cho linh mục phải có khả năng có những quyết định vừa thuận ý trời, vừa hợp với hoàn cảnh xã hội, vừa hoà với lòng dân….Phải chăng đây chính là cởi bỏ nếp sống cũ, xây đắp nếp sống mới theo lời chủ chăn?
 
Ngôn hành bất nhất
Theo thói đời, nếu muốn người nghe tin những gì mình nói thì thường lời nói phải  đi đôi với việc làm.  Đây mới chính là điều khó khăn nhất.
Đọc xong những gì gọi là “lời chủ chăn”, tôi mới nhận ra đây chính là một trong những thực tế hơi phũ phàng phát sinh từ cách nhìn hướng ngoại nơi khía cạnh nào đó của cơ chế Giáo hội Việt Nam hiện nay đã bị tục hóa khi lẫn lộn giữa sự thánh thiêng và cái trần tục như lời tự thú của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu kỳ thứ 7 rằng “Chúng ta là một Hội thánh cần được thanh tẩy. Chúng ta phải nhìn nhận rằng bằng nhiều cách, ta đã sống không trọn ơn gọi thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ” (Tuyên bố của Đại hội LHHĐGM.AC). Cả một tập thể chủ chăn của nhiều nơi liên hiệp lại thì xét mình khiêm tốn như vậy, song Dân Chúa Việt Nam thì chưa bao giờ đuợc thấy các chủ chăn mình, cho dù là đứng riêng hay họp lại, tự khiêm tự hạ soi lại bóng mình trong ánh sáng của Tin Mừng, mà lúc nào cũng tự cao tự đại với những ngôn từ vừa sáo vừa rỗng và nghịch lý.
Chủ chăn viết: “Trên con đường xây đắp và mở rộng tình huynh đệ hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội, người dẫn đường cần luôn có trong tâm trí và trong tầm nhìn đường lối Đấng Cứu Độ yêu thương và phục vụ với 4 bước …” mà trong đó có buớc thứ ba là “yêu thương đến hiến thân và hiến cả mạng sống, nhằm giúp mọi người cởi bỏ nếp sống cũ, để được tự do đi đến nguồn sống mới trong yêu thương và bình an, không dừng lại ở cuộc sống duy vật chất chỉ lo cơm áo gạo tiền…” nhưng người dân trong giáo phận lại phàn nàn bóng gió với nhau rằng “ngài Richelieu nhà mình chuyên môn chơi với đại gia, ai chết ai đói mặc kệ,  cứ chơi với nhà giàu, ăn nhậu liên miên. Tiêu biểu là mấy trường-hợp sau:
1. Vào những năm từ 2002 thì có một cặp, vợ tên Chiến chồng tên Khương là Việt kiều ở Ý,  thường xuyên có mặt trong đoàn tuỳ tùng theo cụ đi Rô ma hay đi thăm “mục vụ hải ngoại”. Cụ cũng hay lui tới nhà riêng của cặp này để ăn uống và rồi cụ đã giải toả nhà hàng Hướng Dương để lập công ty Duy Thiên Ân, định xây bệnh viện nhưng nhà nước không cho nên tạm bỏ trống làm bãi đậu xe. Hai vợ chồng này nhờ cụ mà có nhiều mối quen biết để kinh-doanh trong các  lãnh-vực như xuất nhập khẩu, điạ ốc… và vay nợ lên đến khoảng vài chục tỉ đồng Việt Nam. Rồi một ngày, cả hai giật nợ, bỏ trốn khỏi nước làm nhiều người điêu đứng vì tin vào bóng áo đỏ rực rỡ…và hình như cụ cũng mất không ít.…
2. Tiếp đến là một đại gia khác tên Bình, chủ hãng xe buýt Phương Trinh. Cụ lại se kết mối quan-hệ với Bình như với hai vợ chồng Khương Chiến trước đây. Ngoài xe buýt, đại gia này còn làm nhiều dịch vụ khác không minh bạch nên bị nhà nước hỏi chuyện và nghe đâu cụ cũng có hùn hạp đầu tư với Bình. Sau khi không còn hoà hợp nữa thì chính đại gia này lại không tiếc lời nặng nhẹ phê phán cụ khi có dịp.
3. Vừa qua, khu đất bãi đậu xe tạm đã đuợc đặt viên đá đầu tiên xây dựng “Trung tâm hội nghị và yến tiệc Đông Phương” vì cụ lại chuyển sang mối quan hệ với hai đại gia khác là Tâm chủ nhà hàng tiệc cuới Đông Phương ở đuờng Hoàng Văn Thụ và người kia tên cũ là Tiệp,  còn gọi theo tên mới là Tiệc, trông lo nhà máy xử lý rác ở Phú quốc. Người ta còn biết rõ là cụ và nhiều chủ chăn khác tấp-nập lui tới giao du với hai đại gia này. Thậm chí có những chủ chăn miền xa khi vào Sài gòn thì có xe đưa đón về trú ngụ tại nhà của đại gia Tâm nên có lẽ vì vậy mà cái đỉnh đồng ngay trước linh đài ở La vang có hàng chữ “Nhà hàng Đông Phương”. Còn chủ công trình đầu tư rác ở Phú quốc thì cũng nhiều lần bao nguyên chuyến máy bay cho cụ và đoàn tuỳ tùng ra vui chơi miền đảo với danh nghĩa “khảo sát mục vụ”, dù chiên Phú quốc không thuộc ràn Sài-gòn. Đây chính là cái dấu hỏi to lớn của giáo phận về cái gọi là “Đông Phương Group” và “Trung tâm Hội nghị và Yến Tiệc Đông Phương”.
Với “lời chủ chăn” viết: “Đồng hành với Chúa có nghĩa là ý thức ở trong thế gian để yêu thương và phục vụ như Chúa đã yêu thương và phục vụ cho sự sống của chiên trong đàn và chiên ngoài đàn….” và nghe ngon lành hơn, cụ thể hơn là “không buông theo lòng tham sân si, không thống trị theo kiểu thế gian, không chạy theo sự khôn ngoan thế gian với những chủ nghĩa duy tục hoá, duy vật chất, duy hưởng thụ, duy thực dụng…” trong khi bầu trời giáo phận còn đang u ám với việc thay đổi nhân sự của chức Giám đốc Đại chủng viện Sài gòn. Đó là cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, một trong nhóm những người đầu tiên của giáo phận sau 1975 đuợc đi du học. Cha Hưởng học ở Pháp về ngành Luân lý học cùng lúc với giám mục Vũ Duy Thống. Vì khi đuợc bổ nhiệm làm giám đốc, cha Hưởng đã công khai lên tiếng về tài chánh của  Đại chủng viện qua hai khoản tiền gồm là một của Thánh bộ Truyền giáo dành cho việc đào tạo  bị cắt xén và số tiền quyên góp trong các “ngày ơn gọi”, mỗi  năm có đuợc đến 3 tỉ đồng Việt Nam, nhưng tiền lại không về Đại chủng viện, hỏi nó đi đâu thì chủ chăn không trả lời đuợc nên cha Hưởng chính thức lập văn bản gửi sang Toà thánh trình bày tự sự. Vì vậy mà phải “làm đơn xin từ chức”. Có một ai đó bị u uất quá về thế sự đã viết bài “HƯU NON” ký tên là Vũ Hưu Duỡng, ám chỉ rất sát về sự việc này, chắc là để khỏi phải mang tội chửi thề chăng. Thành ra chỉ nguyên về việc này mà đã có nhiều bất minh, dư luận cũng xôn xao thêm nhiều ý nữa.  Chẳng hạn  lại cũng có người nói rằng tại Giám mục phụ tá muốn chủng viện dạy theo giáo trình giáo lý của Trung quốc và bị cha Hưởng phản đối; rồi ngay trong Đại chủng viện cũng có tin cho biết vì chủ chăn muốn đặt phụ tá lên kế vị để phòng bị có lọt sàng thì cũng xuống nia… vì vậy cho dù cha Hưởng bị đẩy đi hay vì  thấy khó ăn khó ở  mà phải ra đi  thì cũng chẳng  có gì khác nhau khi mà sự thật vẫn là ly nước cũng đã đến lúc phải tràn; cũng như kinh nghiệm người đời  hay nói là không có lửa sao có khói, nhất là khi khói này không phải từ bếp lửa thế gian mà là khói bay tỏa  trên nóc nhà Chúa.
Lại cũng có một vị khác tên là Đinh Huy Hưởng, chánh xứ Đức Tin ở Gò vấp, có uy tín với nhiều tổ chức từ thiện quốc tế nên đuợc chủ chăn bổ nhiệm phụ trách Caritas của Tổng giáo phận và phái đi Hoa kỳ  quyên tiền cho dự án xây dựng khu điều trị HIV. Sau vài ba lần làm đơn xin xây, hết ở Củ chi lại đến Cần giờ, nhưng vì nhà nước không cấp giấy phép nên mọi sự chìm dần trong lãng quên cùng với số tiền quyên góp đuợc. Còn cha Hưởng thì sau chuyến đi gom tiền về liền đuợc chủ chăn cho nghỉ việc bằng cách không nói lời nào mà chỉ bổ nhiệm người khác thay thế và cho thôi luôn chức chánh xứ ỏ Gò vấp.
Các giám mục và ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Còn một chuyện chẳng riêng gì trong Tổng giáo phận mà xa gần ai cũng trề môi chụm mỏ, vì ngay đến các hôn quân bạo chúa thời phong kiến cũng chẳng mấy ai làm, đó là  khi một người còn sống lù lù ra đó thì không dùng tên người đó mà đặt tên đuờng hay tên  cho bất cứ một nơi nào, nhưng chủ chăn nhà ta thì đã có một hội trường lớn nhất, tiện nghi nhất tại Trung Tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận Saigon, số 6B Tôn Đức Thắng mang tên mình, bên cạnh  hai cái khác nhỏ hơn, thiếu tiện nghi hơn thì mới để cho mang tên hai vị tiền nhiệm quá cố mà một vị thì đang được chuẩn bị  phong chân phước.
Chỉ với bấy nhiêu sự chẳng nên trong gia đình giáo phận cũng đủ làm nhức nhối tâm tư người ta vì đây là những cái tệ nạn khó tin nhưng có thật trong cơ chế của Giáo hội, khi những con người ở vào thế nắm quyền đã để cái bản tính loài người lấn lướt phần tâm linh tốt lành của Chúa ban cho mà chỉ biết hành xử chuyên chế. Các lời thị phi đã vang lên trong Tổng giáo phận chẳng khác gì lời Chúa phán xưa kia với ông Mô-sê “trong khắp đất Ai-cập sẽ vang lên tiếng kêu la như chưa từng có và không bao giờ có nữa” (Xh 11, 6) chính vì thời buổi này mà sao còn có nhiều Richelieu quá.
Xin phép đuợc trích “lời Giám-tỉnh” Dòng Chúa Cứu Thế trên trang mạng Công Giáo Việt Nam để thay cho lời kết thúc tâm sự này:
“Lạy Chúa, xin cho con được nếm hưởng nước trời,
Dẫu phải xếp hàng sau người thu thuế hay gái điếm.
Đừng để con nghênh ngang đi trong hàng tự mãn,
Rồi dẫn nhau lần lượt vào chốn trầm luân.”
Nhưng người viết xin góp ý với  linh mục Phạm Trung Thành  một chút là giá mà  cho  sửa lại hai chữ cuối trong  câu thứ ba  ra “đừng để con nghênh ngang đi trong hàng tư tế” thì hay hơn.
 
Phạm Minh Tâm.