Giáo hội Công giáo và Đồng bào Việt Nam

Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới ngày 01.01.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gởi đến chúng ta Sứ điệp có đề tài: “Giáo dục người trẻ về Công lý và Hòa bình”. Trong phần kết luận có tiểu tựa ‘Hướng mắt lên nhìn Thiên Chúa’, Người khẳng định với chúng ta, đặc biệt những người trẻ: “Không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng là nhờ qui hướng về Thiên Chúa hằng sống, là Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta và những gì tốt đẹp và chân thật. Hãy qui hướng về Thiên Chúa không chút dè dặt vì Ngài là mẫu mực những gì là công chính và đồng thời là tình yêu vĩnh cửu. Điều có thể cứu vớt chúng ta chỉ chính là tình yêu?”… Hãy tín thác sống tuổi trẻ, giai đoạn rất phong phú và đầy phấn khởi. Hãy ý thức chính các bạn là tấm gương khích lệ cho người lớn, và cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các bạn càng là những tấm gương cho người lớn.

Trong những ngày đầu Mùa Chay 2012, thật chính đáng khi chúng ta cùng đọc ‘Sứ điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI’ mà, cùng với Sứ điệp Hòa Bình nói trên, cá nhân chúng tôi cảm thấy đây chính là những giáo huấn mà vị Cha Chung Giáo hội Công giáo Thế giới nhắn nhủ đến từng Kitô hữu chúng ta trước sự oằn oại của rất nhiều đồng đạo lẫn đồng bào đang bị giam cầm không biết lý do hay đói khát vì lạm phát phi mã.

I. – TÓM LƯỢC SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2012.

Vì Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy tư về nền tảng đời sống Kitô là đức Bác ái, nên Đức Thánh Cha đề nghị mỗi người đổi mới hành trình đức Tin, nơi bản thân cùng trong cộng đoàn, nhờ cầu nguyện và chay tịnh, trong lúc chờ đợi niềm vui Phục Sinh, học hỏi từ câu Kinh Thánh “Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” (Dt 10,24). Tác giả câu này nhắn nhủ hãy tín thác nơi Đức Kitô, Đấng ban cho chúng ta ơn tha thứ và dẫn đến Thiên Chúa.

Chúng ta đón nhận Đức Kitô là khi có đời sống phát triển theo 3 nhân đức hướng thần: tiến đến gần Chúa ‘với con tim chân thành trong sự viên mãn của đức Tin’ (c.22), giữ vững ‘việc tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta’ (c.23) luôn chú ý thi hành ‘đức bác ái và các việc lành’ (c.24) cùng với các anh em khác. Đoạn này dạy cách cư xử theo Tin Mừng và, nhờ việc tham dự các buổi gặp gỡ phụng vụ và cầu nguyện với cộng đoàn, để hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa mai sau (c.25). Đức Thánh Cha dừng lại ở câu 24 để mời chúng ta suy nghĩ về 3 khía cạnh có tính cách thời sự của đời sống Kitô hữu là quan tâm đến tha nhân, tính hỗ tương và sự thánh thiện bản thân.

1.- “Chúng ta hãy quan tâm”: trách nhiệm đối với người anh em.

‘Hãy quan tâm’ tức quan sát kỹ lưỡng, nhìn một cách ý thức như, trong Tin Mừng, Đức Kitô mời môn đệ ‘quan sát’ chim trên trời không làm việc, nhưng vẫn được Chúa Quan Phòng ân cần chăm sóc (Lc 12,24), và hãy ‘nhận ra’ cái xà trong mắt mình trước khi nhìn thấy cọng rơm trong mắt người anh em (Lc 6,41). Trong đoạn khác, hãy ‘chú ý đến Chúa Giêsu’ (Dt 3,1), Thượng tế đạo chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi chăm chú nhìn người khác, trước là nhìn Chúa Giêsu và chú ý đối với nhau, đừng dửng dưng trước số phận của các anh em.

Thực tế, ta thường thấy trái độ trái ngược: dửng dưng, không tha thiết nảy sinh từ lòng ích kỷ, được ngụy biện vì ‘tôn trọng đời tư người khác’, nhưng tiếng Chúa vang dội kêu gọi mỗi người chúng ta hãy là những người canh giữ anh em mình (St 4, 9), thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích tha nhân vì mọi người đều là thụ tạo, là con và giống Thiên Chúa yêu thương vô biên. Hãy vun trồng cái nhìn này về tình huynh đệ, liên đới, công bằng, để lòng từ bi và cảm thông sẽ tự nhiên nảy sinh từ con tim chúng ta. Đức Phaolô VI khẳng định thế giới ngày nay đau khổ vì thiếu tình huynh đệ: ‘Thế giới bệnh hoạn, không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau’ (Phát triển các dân tộc, số 66).

Sự lưu tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo về thể lý, luân lý và tinh thần. Nền văn hóa hiện đại đã đánh mất ý thức thiện và ác, thay vì cần phải tái khẳng định rằng Sự Thiện hiện hữu và chiến thắng vì Thiên Chúa là ‘Đấng tốt lành và làm điều thiện’ (Tv 119,68). Sự thiện là điều khơi dậy, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và hiệp thông. Trách nhiệm đối với tha nhân có nghĩa là muốn và làm điều thiện cho họ, mở mắt trước những thiếu thốn của họ. Trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành, vị tư tế và thầy Lêvi ‘đi tránh qua bên kia’, dửng dưng với người bị cướp bóc lột và đánh đập (Lc 10,30-32), và trong dụ ngôn người giàu có, nên không nhìn thấy thân phận ông Lazzarô nghèo khổ chết đói trước cửa nhà (Lc 16, 9). Trong cả hai trường hợp chúng ta thấy thế nào điều là trái ngược với sự ‘quan tâm’, với cái nhìn yêu thương và cảm thông.

Sự giàu có vật chất, thái độ đặt tư lợi và bận tâm mình lên trên hết cũng không cho phép họ thiếu khả năng ‘có lòng từ bi’ đối với người đau khổ. Tâm hồn có kinh nghiệm bản thân về đau khổ sẽ là nguồn mạch sự cảm thông và thương cảm: ‘Người công chính nhìn nhận quyền người lầm than, trái lại kẻ gian ác không nghe tiếng nói của lý trí’ (Cn 29,7). Nhờ thế, ta hiểu hạnh phúc ‘của những người khóc lóc’ (Mt 5,4), tức có khả năng ra khỏi chính mình để cảm động trước đau khổ của tha nhân và là cơ hội để được cứu độ và hạnh phúc thật.

Sự ‘quan tâm’ đến anh em cần bao gồm thiện ích thiêng liêng của họ: Sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến sự sống đời đời. Chúa Kitô đã truyền phải chỉnh đốn người anh em đang phạm tội (x. Mt 18,15). Động từ ‘sửa lỗi huynh đệ’ (elenchein) chỉ sứ vụ ngôn sứ tố giác của Kitô hữu đối với một thế hệ chiều theo điều ác (Ep 5,11). Giáo hội liệt kê việc khuyên bảo tội nhân qua những hành động từ bi về tinh thần (thương linh hồn có 7 mối). Đức bác ái Kitô không im lặng trước sự ác, như thái độ của những tín hữu Kitô, vì tôn trọng người khác hoặc vì tiện ích, chiều theo não trạng chung, thay vì cảnh giác anh em về những suy nghĩ và hành động trái ngược Sự Thật và không theo con đường Sự Thiện. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gl 6,1).

2. Ơn hỗ tương đối với nhau.

Xã hội hiện nay có thể trở nên đui mù đối với những đau khổ thể lý cũng như những đòi hỏi tinh thần và luân lý của cuộc sống. Nhưng cộng đoàn Kitô không thể như vậy! Sự hiện hữu chúng ta liên hệ với nhau, trong sự Thiện cũng như sự Ác. Thánh Phaolô mời gọi tìm kiếm điều dẫn tới ‘hòa bình và xây dựng lẫn nhau’ (Rm 14,19), giúp đỡ ‘tha nhân trong điều Thiện để xây dựng họ’ (Rm 15,2), không tìm tư lợi, ‘nhưng là lợi ích của nhiều người, để họ đạt tới ơn cứu độ’ (1 Cr 10,33). Sự sửa lỗi và khuyên nhủ nhau trong tinh thần khiêm tốn và bác ái phải là thành phần đời sống Giáo hội Đức Kitô.

Dân Chúa, kết hiệp trong Đức Kitô nhờ Thánh Thể, sống hiệp thông liên kết với nhau như chi thể của cùng một thân mình. Như vậy, tha nhân thuộc về tôi: sự sống, phần rỗi của họ liên hệ tới sự sống và phần rỗi của tôi. Giáo hội, Nhiệm thể Đức Kitô, có sự hỗ tương như thế: cộng đoàn liên tục làm việc thống hối và kêu cầu ơn tha thứ vì những tội lỗi của con cái mình, nhưng cũng luôn vui mừng hân hoan vì chứng tá nhân đức và bác ái được triển nở nơi mình. Thánh Phaolô quả quyết ‘Các chi thể chăm sóc lẫn nhau’ (1 Cr 12,25), vì chúng ta là một thân mình.

3. Khích lệ lẫn nhau trong đức Bác ái và việc lành để cùng tiến bước tới sự thánh thiện.

Sự quan tâm đối với nhau có mục đích là thúc đẩy nhau tiến đến một tình yêu thương thực sự hữu hiệu ngày càng mạnh mẽ hơn, ‘như ánh sáng bình minh gia tăng huy hoàng cho đến chiều’ (Cn 4,18), trong khi chờ đợi sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thời gian ban cho chúng ta trong cuộc sống thật quí giá để khám phá và chu toàn việc lành, trong Giáo Hội tăng triển để đạt tới sự trưởng thành trọn vẹn Đức Kitô (Xc Ep 4,13).

Đáng tiếc là luôn có cám dỗ sống trong nguội lạnh, bóp nghẹt Thánh Linh, từ khước không làm sinh lợi những nén bạc đã được ban cho chúng ta để mưu ích cho bản thân và tha nhân (x. Mt 25,25-30). Hãy nhận lãnh những phong phú tinh thần và thể chất hữu ích để chu toàn kế hoạch của Chúa, để mưu ích cho Giáo Hội và phần rỗi bản thân (x. Lc 12,21b; 1 Tm 6,18). Sự khôn ngoan của Giáo hội, khi phong chân phúc và hiển thánh cho một số Kitô hữu gương mẫu, có mục đích khơi dậy ước muốn noi gương nhân đức của các vị. Thánh Phaolô nhắn nhủ: ‘Anh chị em hãy thi đua quí chuộng lẫn nhau’ (Rm 12,10).

II. ÁP DỤNG CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM.

1. Hội thảo về Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay.

Trong khi đọc Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha, bản tin về buổi Hội thảo được chúng tôi chú ý nhưng không ngạc nhiên vì đã sống nhiều năm dưới chế độ vô thần, trước những bất công, gian dối mà không thấy phản ứng, không thương xót Đức Khâm sứ hay Đức Phó Tổng Giám mục Sài gòn bị những linh mục cộng sản hỗn hào mà còn cho rằng hai Đức cha ‘không thức thời’…

Buổi hội thảo ngày 19.02.2012, của nhóm các bạn trẻ lớp tìm hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn thành công ngoài dự kiến về số lượng người tham gia, mức độ sôi nổi và hiệu quả đạt được. Chính đông đảo các bạn trẻ tham dự tự tìm kiếm thông tin, xây dựng chương trình, và đặc biệt trình diễn một tiểu phẩm kịch về tình trạng vô cảm nhức nhối, xót xa trong xã hội hiện nay. Phụ giúp các bạn trẻ là các Cha, các Sơ, các anh chị lớn, và Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, người đã đúc kết chương trình và dâng Thánh Lễ kết thúc.

Phần khởi động thật lôi cuốn và có chiều sâu nhờ các bạn trẻ đưa ra những thông tin tổng hợp, hình ảnh về:

- Triệu chứng: Gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn giúp dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục.

- Nguyên nhân khách quan: Xã hội có quá nhiều lọc lừa dối trá như ăn xin giả, đau ốm giả, … làm người ta hoang mang, nghi ngờ, rồi làm ngơ. Pháp luật chưa bảo vệ những người ra tay nghĩa hiệp, nên có thể bị trả thù hay mang họa vào thân, bị công an kêu lên kêu xuống làm e ngại chuyện ‘ách giữa đàng mà mang vào cổ’.

- Nguyên nhân chủ quan: Bệnh phát sinh do ý thức sống ích kỷ, vì lợi ích bản thân theo ‘chủ nghĩa MACKENO (mặc-kệ-nó)’ hay quá bận bịu, trể giờ đến công sở, vào lớp học…

- Phương pháp ‘điều trị’: Nguyên nhân xuất phát từ đâu thì phải trị liệu từ chỗ ấy.

2. Dùng sai những chữ ‘làm chính trị’.

Sau ngày 30.04.1975, khi các linh mục ‘quốc doanh’đua nhau ra ứng cử với sự cho phép của Mặt trận Tổ quốc thì có ai nói làm chính trị đâu. Nhưng khi Linh mục Nguyễn Văn Lý và các Linh mục khác lên tiếng đòi Tự do Tôn giáo cho tín hữu thì bị đồng bào (kể cả đồng đạo hiểu sai những chữ ‘làm chính trị’ như người cộng sản) cho là làm chính trị. Thật sự, các Linh mục này chỉ hành động theo Giáo huấn của Giáo hội qua các Văn kiện của Công đồng Chung Vatican II. Ngày nay, các Văn kiện này được dùng làm căn bản để ban hành Giáo lý Công giáo và Giáo huấn xã hội Công giáo.

Về Giáo lý Công giáo, năm 1997, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép phát hành nhưng kiểm duyệt bỏ phần lớn khoản số 2242 vì đề cập vấn đề Kitô hữu có quyền từ chối vâng phục chính quyền. Nguyên văn khoản số này như sau: “Theo lương tâm, người công dân không buộc phải tuân theo những chỉ thị của chính quyền dân sự khi những chỉ thị ấy trái với những đòi hỏi của phạm vị luân lý, với các quyền lợi căn bản của con người hay với các giáo huấn của Phúc Âm. Việc không chịu tùng phục các quyền bính dân sự, khi những đòi hỏi của họ trái với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, có lý do chính đáng ở chỗ việc phụng sự Thiên Chúa với việc phục vụ cộng đồng chính trị là hai việc khác nhau. ‘Hãy trả về cho Cêsa những gì của Cêsa và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa’ (Mt 22:21). ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người’ (Acts 5:29). ‘Khi người công dân bị đè nén bởi một thứ công quyền vượt quá quyền hạn của mình, họ vẫn phải cống hiến hay làm theo những gì công ích đòi buộc họ một cách khách quan; thế nhưng, họ cũng được phép bảo vệ quyền lợi riêng của họ cũng như của những người công dân như họ để chống lại việc lạm dụng của thứ quyền bính này, trong giới hạn của phạm vi luật tự nhiên cũng như Luật Phúc Âm’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 74.5)”.

Là giáo dân tòng nhân Công giáo Việt Nam, chúng tôi luôn tiếp nhận với sự chân thành và trân trọng các sinh hoạt mục vụ từ Giáo hội Quê hương để hiệp thông và cầu nguyện. Do đó, có dịp đọc bài ‘Những ghi nhận trong ngày đầu Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo của TGP Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa’, chúng tôi xin được phép trích nguyên văn hai đoạn sau đây :

« Giáo huấn Xã hội Công giáo tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, công bằng… nhưng đó không phải là cách thế để Giáo Hội Công Giáo đi đến lấn át hay thay thế chính quyền dân sự, nhưng muốn cùng với cộng đồng chính trị tham gia vào việc làm thăng tiến đời sống con người qua việc đối thoại thẳng thắn chân thành và cộng tác lành mạnh. Vì thế Giáo Hội muốn đối thoại thẳng thắn với cộng đồng chính trị để góp phần tìm ra những giải pháp làm thăng tiến con người, giúp phát triển con người toàn diện cả về đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Sứ vụ này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, quảng bá và có cả những chấp nhận trả giá. Tuy nhiên, do bối cảnh ra đời của UBCL & HB khiến nhiều người hiểu nhầm mục đích hoạt động của tổ chức. Thường đồng nhất những hoạt động đòi Công lý & Hòa bình với việc làm mang tính chính trị. »

Đó là phần giới thiệu của Đức cha Phao lô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam và, tiếp đây, là lời chia sẻ của Đức cha Giu se Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa, Giáo phận tổ chức Khóa học cho Giáo tỉnh Hà Nội ngày 13 và 14.02.2012 :

« UBCLHB được thành lập trong một bối cảnh rất nhạy cảm của xã hội Việt Nam, vì thế đã có nhiều ngộ nhận. Hội thảo về chủ quyền biển đông của UB dự định diễn ra ở Sài Gòn đã không được thực hiện trong năm qua là hệ quả của sự ngộ nhận đó. Công lý và hòa bình bị liên kết với vấn đề chính trị nên có nhiều rắc rối xẩy ra. Tôi mong muốn phía chính quyền cũng như những thành phần ngoài Giáo Hội công giáo nên nghĩ đó là một sinh hoạt nằm ngoài lãnh vực chính trị, nhưng muốn được cùng với cộng đồng chính trị tham gia những hoạt động mang lại thiện ích chung, ngõ hầu đưa ra nhiều giải pháp hữu ích cho Giáo Hội và xã hội trong bối cảnh có nhiều biến động như hôm nay. Giáo Hội không muốn thay thế chính quyền dân sự. Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi. »

3. Nghĩa chính của ‘làm chính trị’.

a. Chính trị công dân.

Một quốc gia dân chủ là khi người dân nước đó có quyền làm chủ vận mạng của dân tộc sống trên Quê hương đó.

Lúc đó, cá nhân chúng tôi là một sinh viên Viện Đại học Sài gòn, được chính quyền mời sử dụng một phần ‘quyền làm chủ Đất Nước’cúa mình bằng tham gia tuyển cử, chiếu Hiến pháp ngày 01.04.1967, để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống cùng 60 nghị sĩ Thượng nghị viện được tổ chức ngày 03.09.1967.

Đúng ngày đó, bằng sử dụng lá phiếu, tôi trao phần quyền Hành pháp của mình cho ứng cử viên Tổng thống mà tôi ‘thích’ nhất. Tiếp theo, tôi cũng chọn các liên danh ứng cử Thượng nghị viện để trao phần quyền Lập pháp.

Xong nhiệm vụ công dân, tôi vẫn tiếp tục việc học của mình.

b. Chính trị gia.

Đó là những ứng cử viên đắc cử tức họ được đa số cử tri tín nhiệm để hành sự quyền làm luật (cho Nghị sĩ) và thi hành luật (cho Tổng thống) một cách chuyên nghiệp trong suốt thời gian nhiệm kỳ của mình. Đây là những vị ‘làm chính trị’ tức phải thực hiện những điều họ đã hứa với cử tri. Không thi hành điều đó, kỳ sau, cử tri tín nhiệm ứng cử viên khác.

4. Hậu quả của việc sai lầm đó.

Hiện nay, nhiều người không phân biệt được ‘tự do ngôn luận’ với ‘làm chính trị’, nên khi phát biểu ý kiến của mình do học được hay nghĩ ra thì bị bắt và có thể bị cáo buộc ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 – Bộ luật Hình sự.

Gần đây, trong vụ cưỡng chế đất đai trái pháp luật tại Tiên Lãng, chúng tôi không khỏi giật mình khi nghe Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói về trách nhiệm của Quốc hội, là cơ quan lập pháp, không ban hành đầy đủ quy định để chất lượng luật không tốt, để cho tình trạng xã hội thứ nhất là không có luật để mà thực hiện, hoặc là chất lượng luật không tốt thì không đưa luật vào cuộc sống được. Tuy nhiên, khi nhớ lại, trong kỳ bầu Đại biểu Quốc hội ngày 22.05.2011, ‘người ta’ đã dùng mọi thủ đoạn bất hợp pháp để loại trừ Luật sư Lê Quốc Quân, thành viên Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục, ứng cử tuy là người có khả năng hơn cả ba linh mục ‘quốc doanh’ ứng cử viên khác Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu) vì, trước hết, họ đã vi phạm Giáo luật).

III. SỰ LÊN TIẾNG VƯỢT BIÊN GIỚI.

Lời mời gọi "Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” của Đức Thánh Cha trùng dịp người Việt ở Hoa kỳ nhận lời mời của Phủ Tổng thống đến Tòa Bạch Oác để trình bày tình trạng nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam. Điều đáng tiếc là các trình bày khiếu kiện hay thỉnh nguyện thư trong nước không được Đảng và nhà nước trả lời, giải quyết.

Do đó, nhân cơ hội Tổng thống Barack Obama cho mở thùng thư điện tử và hứa tiếp người dân Hoa kỳ để nghe ý kiến của họ mỗi khi tiếp thu được ít nhất là 25.000 chữ ký trong vòng một tháng, người Việt đã bắt đầu gởi chữ ký về Tòa Bạch ốc từ ngày 08.02.2012 :

« Thông Điệp gởi Tổng thống Obama: ‘Hành Pháp Obama Không Nên Nới Rộng Mậu Dịch Với Việt Nam Bất Chấp Nhân Quyền’

Kể từ năm 2007, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã liên tục đàn áp dã man các nhà hoạt động nhân quyền, bắt hoặc giam các nhân sĩ như Linh mục Nguyễn Văn Lý, ứng cử viên Giải Nobel Hòa bình Hoà thượng Thích Quảng Độ và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, blogger Điếu Cày và gần đây nhất là nhạc sĩ Việt Khang. Anh đơn thuần chỉ muốn bày tỏ tình yêu nước và tự do qua các bài hát mà anh đã đăng trên mạng.

Quốc Hội đã đáp lại bằng luật Nhân Quyền Việt Nam, Luật Chế Tài Kẻ Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam và chỉ mới tháng trước là nghị quyết H Res 484. Chúng tôi thỉnh cầu Tổng thống hãy tận dụng cơ hội Việt Nam đang muốn thúc đẩy Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương và Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát để buộc họ phải thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ. Hãy cho thấy Hoa Kỳ luôn đặt tự do lên hàng đầu. »

[Nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, tác giả hai bài hát ‘Việt Nam tôi đâu?’ và ‘Anh là ai?’, được phổ biến trong mùa hè năm 2011, vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn tại Sài Gòn và Hà Nội. Sinh sống và bị bắt tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) ngày 23.12.2011. Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa đưa ra thông báo gì về việc này.]

Nhờ sự hướng dẫn của các bạn trẻ thông thạo tin học, chỉ trong vòng chưa đến ba ngày, con số tối thiểu cần thiết 25.000 chữ ký đã đạt được vào ngày 11.02.2012.

Vào thời điểm này, con số kỷ lục trong lịch sử thỉnh nguyện thư qua trang mạng của Tòa Bạch ốc là 42.150 chữ ký, nên Nhạc sĩ Trúc Hồ và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, những người tích cực vận động mời ký tên Thỉnh nguyện thư này, yêu cầu đồng bào tiếp tục để lập kỷ lục mới nhằm :

- Phát huy niềm phấn khởi và tự tin ;

- Cho chánh phủ Tổng thống Obama thấy khả năng đoàn kết và huy động vượt trội của tập thể người Việt ở Hoa Kỳ để vận động Nhân quyền và Tự do cho đồng bào tại Quê hương.

Tôn trọng lời hứa với người dân, Tòa Bạch ốc mời Cộng đồng người Việt cử một phái đoàn 100 thành viên để tiếp xúc với đại diện Tòa Bạch ốc vào ngày 05.03.2012 từ 12 đến 15 giờ. Những vị này gồm 50 đại diện đến từ 50 tiểu bang và 50 người kia thuộc giới truyền thông, văn nghệ sĩ, chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau và các tổ chức đòi nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ cho Việt Nam. Tòa Bạch ốc sẽ gởi Thư Mời đến từng người.

Ngoài ra, được biết có Thỉnh nguyện thư này, các Dân biểu cũng mời Ban tổ chức cử một Phái đoàn người Việt đến trụ sở Hạ nghị viện Liên bang Hoa kỳ vào ngày 06.05.2012 để trao đổi các vấn đề về nhân quyền.

Một trong những Dân biểu ngỏ lời mời là bà Loretta Sanchez (Đảng Dân chủ, California) đã có cuộc trao đổi với đại sứ Ron Kirk hôm 19.02.2012 và nói các vấn đề về nhân quyền của Việt Nam cần phải được lồng vào các vòng đàm phán thương mại song phương giữa hai nước. Bà tiếp : « Mỗi khi Việt Nam đạt được một kết quả nào về mậu dịch, chẳng hạn khi có Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR) với Hoa Kỳ, hay gia nhập vào Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), rồi trở thành hội viên của Hội Đồng Bảo An LHQ thì Việt Nam lại không thực thi những điều mình đã cam kết về nhân quyền và dân chủ. »

Vào lúc 20 giờ 43 GMT, số người ký tên Thỉnh nguyện thư đã lên đến : 93.285.

IV. KẾT LUẬN.

Mọi sự quan tâm, hiệp thông cầu nguyện và vận động nhân quyền cho đồng bào và tự do cho những người tù lương tâm tại Việt Nam là điều đáng hoan nghinh và chân thành cám ơn. Những các chính trị gia ngoại quốc có những quyền lợi của chính họ, của đảng và người dân chủ của họ trước nhân quyền và tự do của người Việt.

Là người Công giáo, chúng ta hãy thực hành trung thành với những Giáo huấn từ Tin Mừng Đức Kitô và những nhắn nhủ của các Đức Thánh Cha :

- ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị’ vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu (Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và Biển Đức XVI trong hai Huấn từ ngày 22.01.2002 và ngày 27.06.2009).

- « Hòa bình cho tất cả mọi người nảy sinh từ công lý của mỗi người và không ai có thể trốn tránh nghĩa vụ thiết yếu thăng tiến công lý, theo thẩm quyền và trách nhiệm riêng của mình. » và ‘mọi Kitô hữu có thể tự xét việc làm của mình có ‘Vậy là đủ rồi’ hay không so với những ơn huệ và tài năng Chúa đã ban’ (Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngày 01.01.2012).

Đề nghị chúng ta luôn hoạt động dựa trên các nguyên tắc, đặc biệt Công ích, Bổ trợ và Liên đới, được ghi trong Chương 4, nhằm phục vụ Con Người, đề cập nơi Chương 3 Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.

Thật là đáng buồn và tiấc khi nhận được tin Linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa, Giáo phận Kon Tum, ngày 23.02.2012, sau khi đi dâng Thánh Lễ an táng ở làng Kon Hnong về, thì bị 3 tên côn đồ người Kinh, đuổi theo đánh Cha ngã xuống xe. Cha vội chạy vào rừng cao su, cũng bị bọn chúng rượt đuổi theo đánh, bị thương ở đầu và cả người, rất may Cha không nặng lắm. Sau đó bọn chúng ra đập phá hỏng xe máy của Cha Hoa ở đường và bỏ đi. Thảm trạng xảy ra chỉ 4 ngày trước khi Nhóm làm việc Việt Nam-Tòa Thánh bắt đầu lần họp lần thứ ba tại Hà Nội.