Ít ai biết được rằng trong một ngôi nhà hai tầng nằm khép mình trên con phố của làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), có một thầy lang khá mát tay, nói giọng Việt lơ lớ. “Ông lang Tàu” ấy chính là Nguyễn Thái Nỉ, người em út của lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.
Ở tuổi 86, cụ Nguyễn Thái Nỉ tuy phải đeo máy trợ thính nhưng vẫn khá minh mẫn và hóm hỉnh, tiếp tôi tại buồng riêng trên tầng hai của ngôi nhà nồng thơm mùi thuốc bắc.
Người anh phi thường
Sau tuần trà nước do người nhà bưng lên, đà đưa câu chuyện, cụ Nỉ xúc động khi nói đến người anh cả Nguyễn Thái Học và người chị dâu Nguyễn Thị Giang (Cô Giang).
Cụ bảo giá tôi đến sớm hơn tháng, thì cùng gia đình làm giỗ tưởng nhớ đến anh chị Học. “Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 16-6 là gia đình tôi làm giỗ cho anh Học, chị Giang!”
Bàn thờ hai anh chị Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang tại gia đình người em út Nguyễn Thái Nỉ.
Gia đình cụ Hách – Quỳnh, thân sinh ra cụ Nỉ sinh được sáu người con. Nguyễn Thái Học là con trai trưởng, tiếp đến chị gái hai là Nguyễn Thị Bình, chị gái ba Nguyễn Thị Ưu, anh trai tư Nguyễn Văn Nho, anh trai năm Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Thái Nỉ là con trai út.
Anh cả Nguyễn Thái Học thực tên trong sổ đinh của làng Thổ Tang trước năm 1930 là Nguyễn Văn Học, sở dĩ có tên đệm là Thái là do người cậu ruột đặt cho từ năm ông Học 9 – 10 tuổi.
Khi ông Học đến học chữ Nho ở nhà người cậu ruột, ông rất sáng dạ nên chỉ hai năm là hết chữ của ông cậu, nên ông mới thay chữ đệm là Thái vào chữ Văn khi ông cậu đưa ông Học ra theo học trường tiểu học Pháp – Việt ở phủ Vĩnh Tường.
Sau đó ông Học về Hà Nội học cao đẳng Sư phạm, tốt nghiệp xong, ông học tiếp trường cao đẳng Thương mại.
“Khi tôi năm tuổi, anh tôi thỉnh thoảng đi cùng chị Giang về nhà, chị đẹp lắm, chị mặc quần áo tân thời”, cụ Nguyễn Thái Nỉ hồi tưởng.
Chị Giang lần nào về thăm cũng mua quà cho bé Nỉ vì cậu là em út. Còn anh Học hay hút thuốc lào và ăn trầu. Dáng anh Học ngủ cũng buồn cười lắm, anh luôn nằm sấp và hai chân quặp lên mông.
“Gia đình tôi ai cũng mến chị Giang, tuy ban đầu chỉ có bà cụ là không ưa vì trước đó anh Học đã lấy vợ, tên chị là Cửu do bà cụ sắp xếp. Sau anh Học xin ly hôn và được chị Cửu đồng ý, rồi chị cũng đi lấy chồng khác. Bà cụ tôi sau đó nguôi ngoai và coi chị Giang, tuy lúc ấy là bạn gái của anh Học như con dâu”, cụ Nỉ nói.
Anh Học thì giỏi về diễn thuyết, chị Giang thì dịu dàng, thông minh. Anh chị ngâm thơ, xướng hoạ cùng các bạn trước sân đình làng. Những thanh niên trí thức kể cả trai tráng trong làng đi lính khố xanh, khố đỏ cũng thích đến nghe anh chị nói chuyện thời sự, về nỗi khổ của dân mình.
“Anh đi, chị cũng đi cùng”
Thời đó gia đình Nguyễn Thái Học có hai ngôi nhà nằm cạnh nhau, một ngôi nhà lợp rạ và một ngôi nhà lợp lá cọ. Nguyễn Thái Học về nhà thường hay bàn việc với các bạn ở Sơn Tây sang, Việt Trì xuống ở ngôi nhà lá cọ.
“Lần cuối cùng tôi được gặp anh đó là lần anh cùng một người bạn về chơi vào mùa thu năm 1929. Trước khi đi, anh Học xin tiền mẹ tôi nhiều hơn mọi khi khiến bà phân vân.
Bạn anh Học đứng bên cạnh đỡ lời: “Anh Học sắp làm quan rồi, mẹ có thuận không?” Mẹ tôi trả lời: “Tao không cần nó làm quan, mà chỉ cần nó làm điều chính đáng!” Rồi anh Học đi và không trở về nhà lần nào nữa.
“Một buổi chiều đầu hạ năm 1930, nhiều tiếng khóc oà như đổ sụp mái gianh của gia đình tôi. Cha tôi trầm tính hẳn đi còn mẹ tôi đau đớn nói với mọi người trong nhà: “Con tôi bị lũ chó săn vồ rồi…!”. Cả nhà tôi bị quân lính Pháp, hương lý đổ dồn đến bao vây, lục soát và canh giữ suốt ngày đêm. Ngày anh tôi lên đoạn đầu đài cũng là ngày mẹ tôi không ăn, không ngủ, không trò chuyện với ai. Cụ lặng lẽ đi ra trại Đồng Ca, nhà tôi có một trang trại ở đó, nơi ấy có một túp lều tranh và mẹ tôi đã qua đời trong đó”.
Cụ Nỉ rưng rưng nước mắt: “Còn chị Giang, sau khi anh Học bị hành hình, chị đã về Thổ Tang quê chồng ngay đêm ấy, qua nhà dì ruột của tôi mà không ghé qua gia đình tôi vì lúc đó đang bị mật thám cùng tuần đinh lảng vảng suốt ngày. Chị có gửi lại một chiếc đồng hồ quả quít được gắn vào sợi dây chuyền vàng và nhắn cho gia đình tôi biết là chị đã quyết đi cùng anh. Chiếc đồng hồ ấy sau này không giữ được bởi lẽ gia đình trong những ngày cải cách ruộng đất khó khăn đã phải bán đi, hay tiêu huỷ hoặc thất lạc tôi cũng không được rõ”. Cụ Nỉ lấy khăn chấm nước mắt.
Cụ Nỉ bỗng nức lên: “Khi tôi đang mân mê ngắm chiếc đồng hồ thì ai đó chạy vào kêu lên, chị Giang đã tự vẫn ở ngoài đầu làng rồi!”…
Theo Hữu Lực (Sài Gòn Tiếp Thị)