Quả thật, quả thật, đây là một sáng kiến rất hay của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình (UBCLHB) trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN). HĐGMVN có 17 Ủy Ban sinh hoạt không đều tay. Có những Ủy Ban làm việc đều đặn một ngày nào đó trong tuần. Có những Ủy Ban trong suốt nhiệm kỳ 3 năm của Đức Giám Mục Chủ Tịch, rộn rã được một chút lúc ban đầu của nhiệm kỳ, rồi lặng lẽ như lục bình trôi. Có vị Giám Mục Chủ Tịch Ủy Ban thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội, nhưng lại chọn một loạt chuyên viên cư ngụ ở Saigon và các vùng phụ cận, mỗi lần họp hành, ngài cất công từ Bắc vô Nam với một vài vị cộng sự từ phương Bắc. Có vị Giám Mục Chủ Tịch Ủy Ban chỉ chủ yếu phát động phong trào quanh quẩn nơi Giáo Phận mình đảm trách, ví dụ, Đức Giám Mục Hải Phòng, Chủ Tịch Ủy Ban Giới Trẻ thì chỉ đổ hồng ân xuống cho giới trẻ miền Bắc, đã tổ chức được cả chục cái đại hội cho giới trẻ thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội, nhưng giới trẻ của hai Giáo Tỉnh Huế và Saigon thì chưa một lần (nếu tôi không lầm) được hưởng ơn mưa móc của Đức Cha Chủ Tịch, của Ủy Ban Giới Trẻ.
Nay thì, để giải quyết việc di chuyển khó khăn và tốn kém trong chiều dài rộng của đất nước, để tận dụng các chuyên viên vốn không được phân phối đồng đều trong toàn Giáo Hội, UBCLHB sẽ tổ chức bốn khóa tập huấn mà một ở Giáo Tỉnh Saigon, một ở Giáo Tỉnh Huế và hai khóa cho Giáo Tỉnh Hà Nội (tại Thanh Hóa và Bắc Ninh). Như thế, số người của mỗi Giáo Phận được đào tạo sẽ đông hơn nhằm giúp Giáo Phận có đủ nhân sự làm việc. Sẽ có một Ban Giảng Huấn do chính Đức Cha Chủ Tịch cầm đầu gồm nhiều chuyên viên am hiểu những vấn đề về Công Lý và Hòa Bình đảm trách việc thuyết giảng tại các địa điểm nêu trên. Chương trình sẽ gồm có những đề tài như: “Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, nguồn gốc và quá trình hình thành” do chính Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban thuyết giảng, “Bản Chất của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo” do linh mục Trưởng Ban UBCLHB – Giáo Phận Saigon đảm trách, “Những nguyên tắc nền tảng của giáo huấn Xã Hội Công Giáo” do Nữ Tu Thanh Lương thuyết trình, “Nhân Quyền” và “Con Người Việt Nam trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay” cả hai đề tài này do luật sư Nguyễn Văn Phương phụ trách. Chương trình tập huấn này của UBCLHB đã như là một tiếng tiền hô bởi vào Ngày Hòa Bình Thế Giới 01/01/2012 chính Đức Giáo Hoàng đã gởi thông điệp kêu gọi “Giáo Dục Công Lý và Hòa Bình cho Giới Trẻ”.
Thế nhưng, không mấy dễ dàng. Khóa Tập Huấn của Tổng Giáo Phận Saigon đã được tổ chức vào ngày Thứ Ba và Thứ Tư 13, 14/12/2011 vậy mà giấp phép chỉ nhận được từ Hà Nội qua Fax về Tòa Tổng Giám Mục Saigon chiều ngày Thứ Sáu 09/12/2011, rồi mãi đến Thứ Hai 12/12/2011 mới tới được văn phòng UBCLHB, thành thử tuy đã hẹn hò nhưng vẫn vắng mặt ba Giáo Phận bởi ngờ rằng chưa được phép. Khóa Hội Thảo cũng vắng bóng các đại diện chính thức của các dòng tu, đông nhất vẫn là các thành viên của Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình mà vị chủ nhiệm không ai khác hơn là Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Phaolô Nguyễn Thái Hợp mà anh em vẫn thân thương gọi là “Paul Chủ Nhiệm”. Trong số các tham dự viên còn có cả một nhân viên của Ủy Ban Tôn Giáo từ Hà Nội vào, hai anh công an của Sở Công An Tp Hồ Chí Minh hiện diện do yêu cầu của những cơ quan này của chính quyền. Người viết được hân hạnh là một tham dự viên của khóa, đến trễ ít phút nên không được dự phần giới thiệu các tham dự viên (khoảng ba chục), nên không hay biết gì về những sự hiện diện quý báu này, cứ những tưởng là dưới sự chở che của Đức Cha Chủ Tịch, nên đã phát biểu khá thoải mái, khiến sau đó Đức Cha Chủ Tịch đã phải “nhắc nhở” (từ được dùng do MC khóa hội thảo). Không phát biểu thoải mái sao được khi mà chính Đức Cha Chủ Tịch đã bộc bạch: “Có lúc chúng ta có thể đi thẳng, có lúc chúng ta phải đi chữ bát, lại cũng có lúc phải đi giựt lùi” khiến chúng tôi phải đặt câu hỏi thẳng với Đức Cha: “Vậy thì, thưa Đức Cha trong tình thế hiện nay, Đức Cha khuyên chúng con nên đi theo kiểu nào”, khiến ngài đã mắng yêu giữa hội nghị: “Đã 72 tuổi rồi mà còn đi hỏi giáo sĩ cách làm chính trị”. Người 72 tuổi kính cẩn thưa rằng thì là tôi không hỏi một giáo sĩ nào đó, bởi các giáo sĩ không được làm chính trị (theo Giáo Luật) và thường thì các giáo sĩ làm chính trị rất dở. Ở đây tôi hỏi Vị Chủ Tịch UBCLHB của HĐGMVN. Không phát biểu thoải mái sao được khi mà luật sư thuyết trình về đề tài “Nhân Quyền” đã khéo léo núp sau Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc bằng cách tóm tắt Bản Tuyên Ngôn này. Đến khi thảo luận về đề tài do chính vị luật sư này nêu lên: “Làm thế nào để sống ổn định và an bình” sau khi ông đã dũng cảm vẽ nên bức tranh xã hội Việt Nam hôm nay mà ông cho là chưa đến nỗi màu đen, nhưng còn nhiều màu xám. Về kinh tế ông cho rằng có phát triển sản xuất, nhưng hố ngăn cách giàu nghèo mỗi ngày một mở rộng. Về chính trị ông công nhận là có ổn định, nhưng lòng dân chưa yên, tham nhũng tràn lan và ông xác nhận chưa có dân chủ. Về xã hội, ông quả quyết cuộc sống chưa được an toàn, giáo dục sa sút đã và đang ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Khi đề cập đến việc làm thế nào để sống ổn định và an bình, ông khuyên các tham dự viên nên tạo một cuộc sống ổn định cho chính mình, mà ổn định theo ông là đủ sống qua ngày, tính toán thu nhập hợp lý và liệu cơm gắp mắm, nếu dạy học không đủ tiền nuôi vợ con thì chạy xe ôm có sao đâu rồi cũng phải ổn định tinh thần bằng một triết lý sống là Mến Chúa Yêu Người, một người giáo dân tốt cũng phải là một công dân tốt. Nếu nơi nào có những trường hợp bất công, xin gởi hồ sơ cho Ủy Ban để nghiên cứu và can thiệp.
Một nhận định chung của người viết khi tham dự khóa hội thảo này của UBCLHB là hầu hết các đề tài thảo luận đều thuộc “thượng tầng lý thuyết” mà không đề cập gì đến cái “hạ tầng đau khổ” mà Giáo Hội, giáo dân đang phải chịu trên nhiều địa phương. Mặc dù ban tổ chức đã đưa ra ý kiến lúc đầu là các khóa hội thảo nhỏ tại từng địa phương “sẽ giúp các tham dự viên có nhiều dịp gặp gỡ và những nhu cầu của địa phương sẽ cụ thể và thiết thực hơn”. Chúng tôi mường tượng rằng nếu những đề tài này được trình bày ở Giáo Phận Vinh mà không đề cập gì đến hiện tình cụ thể của nhiều giáo xứ, nhiều cá nhân trong Giáo Phận thì 500 ngàn “ông Cao Đình Thuyên” chắc chắn sẽ không hài lòng.
Cũng có một vài đề tài theo chúng tôi nghĩ thì không ăn nhằm gì đến UBCLHB, chẳng hạn: “thanh lọc trí nhớ để ổn định tâm hồn: những liệu pháp tự nhiên và siêu nhiên” nhằm chữa trị cho các thanh thiếu niên vì quá nghiện vi tính, nghiện phim, truyện, trò chơi sex mà đâm ra gần như mất tính người do linh mục Tổng Thư Ký của UBCLHB tổ chức và, theo như lời ngài kể, đã rất thành công. Những khóa chữa trị này, linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã tổ chức từ nhiều năm nay, từ khi chưa có UBCLHB, vậy thì kính thưa cha Sơn, chúng tôi nghĩ không nên đem khóa chữa trị này vào núp dưới cái dù của UBCLHB, khiến công việc của Ủy Ban có thể bị loãng, và người người có cảm giác rằng Ủy Ban đang đánh trống lảng trước những khó khăn của Giáo Hội. Những khó khăn này đòi hỏi UBCLHB phải nhào vào can thiệp chứ không thể đợi các địa phương làm hồ sơ trình lên Ủy Ban. Những khó khăn này không chỉ là chuyện miếng đất này, khu vườn nọ, mà là chuyện công bình xã hội không chỉ cho Giáo Hội mà là cho toàn dân.
“Gánh hát rong” này là một việc nên làm, nhưng cần được điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Phú Nhuận, ngày 07/01/2012
Vũ Sinh Hiên