Chuyện nhà đạo trong cộng đồng người Việt ở Mỹ

VRNs (29.10.2011) – Sài Gòn – Lang thang trên đất Mỹ 2 tháng, tôi tá túc tại gia đình các bạn hữu mở rộng vòng tay đón tôi, thuộc đủ các tôn giáo. Có anh bạn vốn Bắc Kỳ di cư Công giáo gốc như tôi, vậy mà tỉnh queo: “hôm nay tao đi lễ với mày. Đã lâu rồi tao không đến nhà thờ, mà hễ có đi lễ thì tao cũng chọn nhà thờ Mỹ, nhẹ nhàng êm ả và giản đơn hơn nhà thờ lễ Việt, kinh hạt rềnh rang quá”.

Một anh bạn Phật giáo nhiệt thành, sáng sáng anh kính cẩn thay mấy chung nước trên bàn thờ tổ tiên và dâng hương niệm Phật. Ấy vậy mà anh thoải mái để các con anh nhập đạo Công Giáo khi chúng kết hôn. Cô con dâu vui vẻ khoe với tôi: “tối nào cháu cũng đọc kinh với nhà cháu và hai con, lần một chục hạt bác ạ”. Cô cháu dâu trân trọng nhận món quà tôi đem sang từ Việt Nam: một chuỗi hạt bằng gỗ mua tại nhà sách Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng.

Một gia đình khác bạn tôi gốc Huế rất sùng đạo Phật như bao gia đình đất Thần Kinh, nhưng nhân một chuyến về thăm Quê Nhà, cậu con trai độc nhất lại kết duyên với một cô gái đạo dòng Bùi Chu, Phát Diệm Bắc Kỳ di cư, đạo ai nấy giữ, và cô cháu gái cũng thành thật khai báo với tôi: “khi mới sang, cháu đi lễ chuyên cần, chính chồng cháu và bố mẹ cháu khuyến khích mỗi sáng Chúa Nhật. Từ ngày có cháu bé, cháu bận bịu quá, ít khi đến nhà thờ. Hôm nay Chúa Nhật, bác cháu mình đi lễ nhé”.

Thế nhưng gia đình anh bạn mà tôi tá túc lâu nhất ở Nam Cali thì chị vợ sáng nào cũng dậy thật sớm, xỏ đôi giày thể thao vào chân và băng qua một công viên nhỏ để đến nhà thờ Saint John The Baptist, có cha phó người Việt Nam, cha Anrê Trần Quang Tuệ cử hành lễ Tiếng Việt vào các ngày lễ Chúa Nhật. Thường ngày có cử hành các giờ kinh Phụng Vụ lúc 6g sáng và 5g chiều, lần chuỗi Mân Côi lúc 7g30 bằng tiếng Việt. Trong Thánh Lễ với khoảng 100 giáo dân tôi đếm được khoảng 50 giáo dân Việt Nam mặc dù vị linh mục cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Mỹ, nhưng các kinh “xin Chúa thương xót, Thánh Thánh Thánh và lạy Chiên Thiên Chúa” thì lại được đọc bằng tiếng Latin để hòa đồng sắc tộc. Cho dù đang là mùa hè nhưng ở Nam Cali buổi sáng cứ như ở Bảo Lộc ấy. Tung chăn ra khỏi giường sáng sớm là một hy sinh vĩ đại, anh bạn tôi (và cả tôi nữa) không mấy khi chọn giải pháp vĩ đại này và thường lễ ở nhà thờ ….. “Xóm Chiếu”, đến lúc chị vợ đi lễ về cũng là lúc chúng tôi đang nhâm nhi tách cà phê đầy sảng khoái.

Cũng có lúc tôi theo chị bạn đi lễ, lễ tiếng Mỹ bởi đây là một giáo xứ Mỹ, nhưng tín hữu thì gồm nhiều sắc tộc. Lúc trao Mình Thánh cho chúng tôi, đối với tín hữu Mỹ hoặc Mễ vị linh mục nói gì tôi không hiểu, nhưng khi trao cho một tín hữu Việt Nam như tôi, ông rành rẽ : “Mình Thánh Chúa Kitô”, chứ không lạnh lùng trao và lặng lẽ nhận như ở nhiều nơi.

Khi đến Tiểu Bang Florida, một tiểu bang mạnh về du lịch, tại Thành Phố Jacksonville, tôi dự thánh lễ Chúa Nhật do một linh mục Việt Nam cử hành bằng tiếng Mỹ. Linh mục là bào đệ của một linh mục nổi tiếng ở ViệtNammà tôi được hân hạnh quen biết. Khi chúc bình an cho nhau, mọi người niềm nở bắt tay người bên cạnh và còn thêm nơi ở của mình: “John, fromCalifornia” “Jack, fromVirginia” để tiện bề chào hỏi nhau, bởi hầu hết là khách du lịch đến từ tứ xứ. Thấy vậy tôi cũng dõng dạc: “Hiên, from ViệtNam”, mọi người ồ lên một tiếng và chìa tay về phía tôi: “Vậy hả, xin chào mừng ông”.

Trong thời gian lưu tại San Jose, anh bạn tôi là một tay đạo đức có hạng, tôi bị cuồn theo những sinh hoạt đạo hạnh của gia đình anh và của riêng anh. Buổi chiều ngày 13/06/2011, tôi đang thơ thẩn trước cửa nhà anh, thuộc giáo xứ Thánh Maria Goretti, thì bỗng thấy một chiếc xe màu trắng chạy tới và đậu trước cửa ngôi nhà đối diện ở bên kia đường, ngôi nhà có tượng Đức Mẹ Lavang trước cổng. Từ trên xe, bốn tà áo dài trắng thướt tha bước xuống và tíu tít vào trong nhà. Một lúc sau lại thấy có 5 tà áo trắng, 4 tà áo lúc nãy và thêm tà áo chị chủ nhà từ trong nhà bước ra ríu rít lên xe và vội vàng phóng nhanh về hướng nhà thờ. Anh bạn tôi từ trong nhà bước ra, trân trọng mà hài hước: “Ấy! Toàn là các mẹ thuộc giáo xứ Trung Chánh cả đấy. Các mẹ rủ nhau đi rước kiệu Đức Mẹ Fatima. Tôi ngẩn tò te, nghề của Trung Chánh là dệt vải, may gia công quần áo, mũ nón, vậy mà sang Mỹ các chị lái xe hơi vun vút không thua gì nam giới. Anh bạn tôi cũng thông báo là chiều nay tại Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình (Our Lady of Peace) sẽ có giờ Chầu Thánh Thể từ 8g đến 9g dành cho Cộng Đoàn người Việt Nam. Sau giờ chầu là bữa Agape đơn giản, có bánh khoai mì, bột nhập khẩu từ ViệtNam, chỉ cần thêm nước thêm đường rồi đút vào lò. Hầu hết các nhà thờ trong vùngSan Joseđều có phòng Chầu Thánh Thể 24/24. Đọc trong sổ đăng ký chầu, tôi thấy có tín hữu tan ca lúc 2g đêm, họ đăng ký chầu từ 3 giờ đến 4 giờ sau đó mới lái xe về nhà nghỉ ngơi.

Mới cách đây 2 ngày vào lúc 10g sáng thứ Bảy, ngày 11/06/2011 có lễ Tấn Phong Linh Mục cho 6 vị tân chức mà 4 vị là người Việt Nam tại Nhà Thờ Saint Columban do Đức Giám Mục Tod David Brown, Giám Mục Giáo Phận Orange chủ tế cùng với 2 vị Giám Mục phụ phong và khoảng gần 300 linh mục trong Giáo Phận. Trong số 4 vị linh mục người Việt, có cha Quân Đình Trần vốn tốt nghiệp ngành Luật tại Đại Học Luật danh tiếng Pepperdive University và hiện đang làm Phó Biện Lý tòa án Quận Cam từ 9 năm nay. Còn tại Nhà Thờ Saint Patrick, chúng tôi đọc được trên bảng ghi giờ lễ vào 2 ngày cuối tuần: Thứ Bảy: 1 lễ tiếng Mỹ, 2 lễ tiếng Việt. Chúa Nhật: 1 lễ tiếng Mỹ, 2 lễ tiếng Tây Ban Nha và 4 lễ tiếng Việt.

Hình như chỗ nào có cộng đồng người Việt đông đảo thì chỗ đó sinh hoạt đạo đức sầm uất, được các Đấng Bản Quyền tận tình nâng đỡ. Các giáo hữu Việt Nam cũng luôn tỏ ra sốt sắng với việc Nhà Chúa, mau mắn đóng góp và vâng lời các Đấng, các Bậc. Ở Thủ Phủ Lincoln của Tiểu Bang Nebraska có giáo xứ Khiết Tâm Mẹ, với linh mục chính xứ là Jim Ngô Hoàng Khôi mà hôm tôi dự lễ ngày 02/07/2011 cũng là thánh lễ ông bàn giao chức vụ cho vị tân chính xứ, cha Hilario Nguyễn Hải Khánh. Thánh lễ hôm ấy có một cụ ông thượng thọ 90 tuổi, cụ mặc áo gấm đỏ, 2 cụ bà một cụ 90 và một cụ 80. Đọc trong bản tin của giáo xứ, tôi thấy giáo xứ được chia thành 4 giáo khu: Giuse, Tử Đạo, Phêrô, Thánh Tâm, và đầy đủ các hội đoàn: Đạo Binh Xanh, Gia Đình Phan Sinh, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Gia Trưởng ….

Cái lòng đạo của các tín hữu thường thường bậc trung thì ở bên Mỹ hay ở Việt Nam cũng đều na ná giống nhau cả. Mến Chúa và yêu các Đấng, các Bậc (không phải là yêu người theo diện rộng và phổ quát đâu nhé), vẫn là tiêu chí hàng đầu. Tôi xin miễn bàn về chuyện mến Chúa, mến sao cho đủ cho vừa, chỉ có Chúa biết và đánh giá từng người theo khả năng và hoàn cảnh. Nhưng chuyện yêu các Đấng, các Bậc thì thường diễn ra muôn hình vạn trạng. Các bà đạo đức thậm thụt cả tờ trăm đô la cho các cha “để cha đổ xăng” khiến cậu con đứng bên tiếc hùi hụi: “đổ xăng gì mà nhiều thế”. Trong khi các cha sở người Mỹ lãnh lương 1.400 đô la một tháng chưa kể phải đóng thuế thu nhập. Sau một cuộc trao đổi giữa các giáo dân có đôi chút hiểu biết về hiện tình Giáo Hội, về lối sống của một số Đấng, Bậc, các bà đạo đức cứ liên tục nhắc nhở: “nói là nói cho vui vậy thôi đấy nhé, đừng có mà viết báo bêu riếu làm ố danh sự đạo”, vừa nói vừa lườm nguýt cánh đàn ông không mấy dễ bảo. Giáo dân bên Mỹ rất thông thạo tin tức về Giáo Hội ở Quê Nhà, ngay cả chuyện cái phòng tắm của một linh mục chinh xứ hơi bị cao cấp trên mức bình thường ngay giữaSaigoncũng được các bà bàn tán, nhưng thuần túy ….. bàn tán mà không lớn tiếng phản đối chỉ trích các Đấng.

Tôi có cảm tưởng là cái thế hệ thứ nhất có Đạo định cư tại Hoa Kỳ một mai về chầu Chúa rồi thì các thế hệ kế tiếp không chắc có được lòng “sốt mến” như các ông các bà của chúng. Hôm nay bà nội còn đầy quyền uy, ngày hè các cháu nghỉ học, bà đánh thức các cháu dậy và bắt đọc đủ thứ kinh: Kinh Ăn Năn Tội (tội nghiệp các cháu, tội đâu mà lắm thế cơ chứ), Kinh Tin, Cậy, Mến, Kinh Lòng Thương Xót Chúa (mà chính tôi cũng chưa nghe bao giờ), Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh Cám Ơn. Từ trong nước ra và cũng đã có cháu nội ngoại, tôi hoa mắt nhìn các cháu, bởi chỉ vài phút sau, 1 cháu hỏi “ông Việt Nam” (tên chúng đặt cho tôi để làm đối tác với ông nội của chúng):“Ông ơi, thứ chín chớ muốn vợ chồng người là gì hả ông?”. Các Đấng Bản Quyền nên để tâm cập nhật các phương pháp dạy giáo lý, sửa đổi các bản kinh đã lỗi thời hơn là xây dựng các Trung Tâm Yến Tiệc hoành tráng.

Ngoài việc đi lễ đi chầu, anh bạn San Jose còn cho tôi tham dự các buổi sinh hoạt của phong trào Cursillo. Phong trào này phát triển mạnh, sinh hoạt tưng bừng và đều đặn, đóng góp cho các giáo xứ những thừa tác viên nhiệt thành, những cộng tác viên đắc lực cho các linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ. Tôi đến Nam Cali trưa Thứ Bảy 28/05/2011 thì sáng Chúa Nhật hôm sau tôi được dự một buổi sinh hoạt chia sẻ Lời Chúa của một nhóm anh em trí thức. Nhóm anh em này cứ mỗi sáng Chúa Nhật lại họp nhau ở tòa soạn nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân để nghe Tin Mừng và chia sẻ cho nhau những cảm nghĩ của mình. Sau buổi nhóm họp là một tách cà phê, một đĩa xôi trước lúc chia tay.

Cũng thời gian này, tôi được biết các trí thức Công Giáo từ khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ và khắp nơi trên Thế Giới về Tòa Soạn Diễn Đàn Giáo Dân để tổ chức cuộc “Hội Ngộ Dân Chúa Hải Ngoại 2011” nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Nguyệt San này. Tôi được mời tham dự như một quan sát viên. Cuộc hội ngộ diễn ra trong 3 ngày: 3, 4 và 5/06/2011. Thực ra các buổi thảo luận chỉ được tập trung trong ngày thứ Bảy 04/06 về hiện tình Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam, về phong trào công lý và hòa bình ở Hải Ngoại nhằm yểm trợ Quê Nhà. Buổi chiều thứ Sáu là thánh lễ khai mạc do linh mục Văn Chi đến từ Úc Châu và buổi đúc kết cuộc Hội Ngộ được tổ chức vào sáng Chúa Nhật tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, dưới quyền chủ tọa của Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Giám Mục Phó Giáo Phận.

Nhóm các vị trí thức Công Giáo này thường bị gán cho cái “mác” chống Chúa chống cha. Trong những ngày ở Nam Cali, tôi nhận thấy họ sống đạo nghiêm túc, sâu sắc và chuyên cần. Họ ngồi lại bên nhau để chia sẻ Lời Chúa vào mỗi sáng Chúa Nhật là điều mà nhiều tín hữu “đạo gốc” không mấy ai làm được. Nhóm luôn luôn được cha linh hướng, cha Cao Phương Kỷ, dẫn đường chỉ lối về lòng đạo. Lần đầu tiên gặp ngài, tôi nhận thấy ngay đây là vị linh mục cao niên, dáng người khắc khổ trong một xã hội thừa mứa sung túc, điềm đạm trong lời nói và cử chỉ. Bản thân các thành viên của nhóm tôi nhận thấy có những người dành trọn bận rộn cho việc Nhà Chúa, cho các công tác từ thiện ở Quê Nhà. Không thể nói là họ “chống Chúa”. Còn “chống cha”, phải hỏi là loại “cha” nào? Vẫn có nhiều, rất nhiều cha sát cánh với họ để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Quê Hương và Giáo Hội. Những loại “cha” xa rời, lạnh nhạt và quan cách với cộng đoàn, những “cha” đặt nặng việc kinh tài hơn mục vụ, sẵn lòng đứng ở cuối nhà thờ sau Thánh Lễ với phẩm phục tề chỉnh để nhận những đồng đô la của bổn đạo, hình ảnh vô cùng gai mắt đối với giáo dân còn chút tự trọng…. thì họ chống là phải. Việc quyên tiền phải dành cho các nhân vật, các tổ chức đứng ra mời các Đầng sang Mỹ làm mục vụ, không được để các ngài trực tiếp “cử hành” loại “mục vụ xin tiền” này (từ được dùng do Đức Cố Giám Mục Nguyễn Quang Tuyến, nguyên Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh).

60 vị trí thức Công Giáo từ khắp nơi trên Thế giới (bằng 1/5 số tham dự viên Đại Hội Dân Chúa ở Quê Nhà) ngồi lại với nhau để ưu tư về chuyện Giáo Hội và Đất Nước, âu cũng là điều đáng trân trọng lắm thay. Họ không đến đông đảo chỉ để vỗ tay và chụp hình với các Bậc Vị Vọng.

Chuyện nhà đạo trong các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có kể hoài cũng không hết. Tuy nguội lạnh khô khan, trong 2 tháng lưu lại trên đất Mỹ, tôi tham dực các thánh lễ tại rất nhiều nhà thờ trong nhiều Tiểu Bang. Tôi bác bỏ hoàn toàn những luận điệu chê bai trách móc của giáo hữu bên nhà đối với bà con bên Mỹ, hoặc ngược lại. Tất cả bên nhà cũng như bên Mỹ đều tùy quan niệm, hoàn cảnh và cố gắng của mỗi người trong việc sống đạo. Hoàn cảnh nào cũng có thể tự tạo cho mình một lối sống đạo phù hợp, còn Chúa thì nhân từ vô cùng. Tôi đề nghị với cô cháu làm dâu trong gia đình anh bạn Phật giáo rất phóng khoáng và quảng đại của tôi là, nếu vì quá bận bịu với công việc và con nhỏ, “mỗi sáng hoặc tối, cháu dành một phút cho Chúa, cháu cầm tràng chuỗi này trong tay và đọc một Kinh Lạy Cha, đúng một kinh thôi, rồi mọi sự để Chúa an bài”.

Ở Quê Nhà cũng như ở bên Mỹ, con nhà có đạo cứ sống hết khả năng của mình, còn có Chúa nâng đỡ trong mọi hoàn cảnh.

Vũ Sinh Hiên

Tháng 09/2011