Nhận Định Về Bản Thông Cáo Chung Của Vatican và Việt Nam

Ngày 28 tháng 2 năm 2012 Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã chính thức ra thông cáo chung vể kết quả cuộc gặp gỡ lần 3 của nhóm làm việc chung giữa Viêt Nam và Vatican tại Hanội trong 2 ngày 27 và 28-2-2012.

Nhìn chung kết quả cuộc họp quả là khiêm nhường, không tương xứng với thời gian hai ngày họp, bởi vì bản thông cáo chỉ đưa ra những điều chung chung mà ai cũng có thể thấy đó là kết quả của bất cứ một cuộc họp nào dù ở tầm cỡ quốc gia hay địa phương. Người đơn sơ thì cho là cuộc gặp gỡ chẳng có gì là quan trọng. Nhưng nhìn kỹ thì nó không đơn giản như vậy, bởi vì thứ nhất phải đợi gần 2 năm trời để có một cuộc họp mà kết quả lại quá thường, thứ đến chủ đích cuộc họp này là bàn về vấn đề liên lạc ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam, một vấn đề mà Tòa Thánh vẫn coi là rất cần thiết thì hiển nhiên cuộc gặp gỡ 2 ngày không thể không quan trọng được. Như vậy phải chăng là có những điều mà hai bên không muốn lộ ra cho dư luận. Hoặc thỏa thuận hay bất đồng quan điểm giữa hai bên?

NHỮNG ĐIỀU HAI BÊN ĐÃ THỰC HIỆN VÀ CHƯA THỰC HIỆN

Nhưng phân tích kỹ bản thông cáo thì chúng ta cũng có thể đọc được những hàm ý bên trong.

Bản thông cáo viết: Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà Nước Việt Nam đã luôn thực hiện và còn tiếp tục cải tiến chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân. Nhà Nước khích lệ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tích cực và thực sự tham gia vào tiến trình hiện nay phát triển đất nước, kinh tế và xã hội”

Xem vậy thì Nhà Nước csVN từ hơn nửa thế kỷ nay vẫn chưa tôn trọng, thực hiện và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của dân chúng, bởi vì họ nói họ còn tiếp tục cải tiến chính sách tự do tôn giáo của họ. Họ công nhận họ không tôn trọng tự do tôn giáo của nhân dân hoặc chính sách tự do tôn giáo của họ khác với tự do tôn giáo mà thế giới và Liên Hiệp Quốc qui định. Nhìn vào thực tế quả đúng như vậy. Xin đơn cử một trường hợp thôi. Giám mục Kontum Hoàng đức Oanh vẫn không được cử hành nghi thức tôn giáo như Lễ Giáng Sinh và những lễ buộc quan trọng như ý muốn ở những nơi xa cách tòa giám mục, Ngài phải ngủ đêm ở xe không được vào trú ngụ tại nhà giáo dân, cha xứ đi làm mục vụ bị đánh đập, giáo dân bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo của mình thì bị ngăn cấm, theo dõi, đe dọa, bắt bỏ tù hoặc đánh đập trọng thương, các hình ảnh thánh thiêng bị đập phá, các cơ sở tôn giáo bị tịch thu, chiếm đoạt vô tội vạ. Nhà nước vẫn can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Công Giáo như truyền chức linh mục, giám mục và thuyên chuyển xếp đặt những địa vị quan trọng của các chức sắc tôn giáo, có khi lại can thiệp cả vào nội dung chương trình huấn luyện các chủng sinh. Tóm lại, các sắc lệnh về tự do tôn giáo và chính sách XIN-CHO vẫn là chìa khóa khóa cửa vào tự do tôn giáo.

Nhà nước còn khích lệ GHCG-VN tích cực thực sự tham gia vào tiến trình phát triển đất nước, kinh tế, xã hội. Có lẽ người Công Giáo VN nên cám ơn nhà cầm quyền VN về sự khuyến khích và thiện chí này bởi vì từ lâu chúng ta vẫn chỉ mong được làm như vậy. Nhưng cũng xin nhà cầm quyền, đảng csVN cho chúng tôi được tự do đi lại và thực thi việc thiện và việc công ích hoặc trả lại chúng tôi phương tiện là nhà thương, trường học, các cơ sở từ thiện của chúng tôi mà quí vị đã và đang chiếm đoạt, tịch thu để chúng tôi làm phương tiện hầu có thể phát triển đất nước. Muốn việc phát triển đất nước được tốt đẹp và toàn diện thì phải giáo dục, tu luyện con người trước cả về trí tuệ, luân lý đạo đức lẫn thể xác. Trên khắp thế giới, GHCG vẫn luôn luôn đi tiên phong trong những vấn đề phát triển đất nước kiểu như vậy. Chẳng lẽ chúng tôi chỉ có bổn phận mang tiền của đưa cho nhà cầm quyền, đảng csVN độc tôn phát triển hay sao?

Về phần Vatican, Phái Đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận những nhận xét đó và đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền dân sự đối với hoạt động của GHCG, đặc biệt năm 2010 trong việc cử hành Năm Thánh và nhân dịp các cuộc viếng thăm mục vụ của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú. Đây chỉ là những cái gọi là thành tích nổi, bề ngoài, có tính khoa trương thì nhà cầm quyền để cho GHCG được dễ dàng. Còn những gì là căn gốc, nền tảng của đạo như đem Chúa, đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khó, khốn khổ ở những nơi xa xôi, vùng quê hẻo lánh hay núi đồi cao nguyên thì bị ngăn cấm, làm khó dễ đối với cả giáo dân lẫn giáo quyền. Tình trạng tự do tôn giáo không được áp dụng đồng nhất. Điạ phương này thì dễ, địa phương kia thì khó khăn làm người dân có cảm tưởng chính quyền dân sự trên biểu dưới không nghe hoặc trên đổ cho dưới, dưới đổ cho trên, gây tình trạng hoang mang trong dân chúng, riết rồi người ta cho là chính quyền nói dối, và đó là chủ trương của nhà nước.

Về vai trò của vị đại diện không thường trú thì như thông cáo đưa ra, Tòa Thánh vẫn “mong ước Ngài và sứ mạng của Ngài được tăng cường và mở rộng để củng cố các quan hệ của hai bên tại Việt Nam cũng như ý hướng của VN và Tòa Thánh về phát triển các mối quan hệ với nhau”. Như vậy rõ ràng cho đến giờ phút này vai trò của Đức Khâm xứ không thường trú vẫn chỉ là có tiếng mà không có miếng. Và kết quả vẫn là lời hứa của VN sẽ để cho Đại Diện Tòa Thánh có điều kiện dễ dàng hoạt động. Hãy chờ.

KẾT THÚC THÔNG CÁO: GIÁO DÂN TỐT, CÔNG DÂN TỐT

Bỏ đi những lời lẽ hình thức ngoại giao, thì phần nhắc lại giáo huấn của ĐTC Biển Đức XVI về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước và những nhận xét của Ngài về việc “là Tín hữu Công Giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có sự cộng tác giữa GHCG và Chính quyền dân sự, để thực thi một cách cụ thể và thực tế, những giáo huấn ấy trong tất cả mọi hoạt động.”

Người viết coi phần này như là kết thúc của bản thông cáo chung, là điều kiện để cho những đòi hỏi ở trên được thi hành nghiêm chỉnh. Chúng ta coi đây như là một đòi hỏi đồng đều và nghiêm chỉnh của cả hai bên để cho cuộc họp mang lại kết quả mong muốn trong tương lai.

Phía nhà nước muốn phía Công Giáo “Không được tổ chức thắp nến cầu nguyện” hay có “những sinh hoạt nào mà nhà nước nghi ngại hoặc không thích, không bằng lòng”hay một đòi hỏi nào đó quá sức mà thông báo không tiện nói ra. Dĩ nhiên là nhà nước có lý do của nhà nước nhưng những hành động của Công Giáo lại là những quyền tự do của cá nhân con người và của tập thể, khi mà những quyền tự do đó bị cướp đoạt hoặc bị trà đạp, mặc dù Hòa Bình vẫn luôn luôn là chủ trương chính và căn bản của Công Giáo.

Từ ý thức về con người tự do, Giáo Hội luôn luôn chủ trương sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc/đất nước, luôn luôn hợp tác với nhà nước, lấy Bác Ái, Yêu Thương, Hòa Bình, Công Bằng, Công Lý và Tự Do làm căn bản. Do đó Giáo Dân Tốt thì Công Dân Tốt. Nhưng chính quyền dân sự ở Việt Nam , nhà cầm quyền Việt Nam có cùng một quan niệm như vậy không? Đó là cả một vấn đề. Chúng tôi thi hành lời Chúa truyền, giáo huấn của Giáo Hội dạy để trở thành người Tín Hữu Tốt thì có khi lại không là Công Dân Tốt của đất nước xã hội chủ nghĩa VN, bởi vì người dân đã được đảng csVN dạy “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Yêu nước theo kiểu của đảng csVN, của chính quyền dân sự ở VN là người dân không được làm bất cứ cái gì mà đảng csVN không muốn. Vì vậy là giáo hữu tốt đôi khi không thể là công dân tốt theo kiểu của đảng csVN và ngược lại là Công Dân Tốt đôi khi không thể là Giáo Dân Tốt theo giáo lý Công Giáo và Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Hai vế Giáo Dân Tốt, Công Dân Tốt chỉ có thể đi song hành, ăn nhịp với nhau khi mà tự do và nhân quyền được chính quyền dân sự và nhà nước thực sự tôn trọng mà thôi.

Hy vọng đảng csVN, phái đoàn VN không dùng 2 vế câu đối Giáo Dân Tốt, Công Dân Tốt để đánh lừa hay mê hoặc, khuyến dụ những người kém hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, như họ đã từng dùng trong quá khứ câu đối Tốt Đời, Đẹp Đạo, đã trở thành nhàm chán và bị lộ tẩy.

Fleming Island , Florida

Mars 2, 2012

NTC