Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật 4 Mùa Chay
(2Ks 36:14-17a, 19-23. Ep 2: 4-10. Ga 3: 14-21)
Hoặc theo RCIA
(1S 16:1b, 6-7, 10-13. Ep 5: 8-14. Ga 9: 1-4 hoặc 9: 1, 6-9, 13-17, 34-38)
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh một cuộc đàm thoại trong đêm tối giữa hai nhân vật quan trọng của hai tôn giáo được mệnh danh là Thầy Dạy. Một bên là “thầy dạy của dân Israel”, tên là Nicodemo và một bên là Đức Giêsu mà Nicodemo gọi là “Thầy Dạy đến từ Thiên Chúa”.
CUỘC GẶP GỠ GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ ÔNG NICODEMO[1]
Nicodemo đến gặp chúa Giêsu vào ban đêm. Ông là thành viên tối cao pháp viện thuộc hội đồng quốc gia Do Thái, có nhiệm vụ gìn giữ và bảo tồn những truyền thống quan trọng. Mọi người coi ông như là chuyên viên về Thiên Chúa cho cả nước.
Tưởng cũng cần phải nói chút ít về bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Cuộc nói chuyện giữa chúa Giêsu và ông Nicodemo là một tronh những cuộc đối thoại có ý nghĩa nhất trong Tân Ước. Ông Nicodemo lén đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm cho thấy cái bóng tối của người không có niềm tin. Toàn thể chuyến thăm viếng và cuộc đàm thoại thì không rõ rệt, chỉ biết ông Nicodemo đến gặp Chúa Giêsu để tìm hiểu Chúa thêm, nhất là vì ông thắc mắc vấn đề gọi là “tái sinh” mà chúa Giêsu đã nói. Thánh Gioan là người thuật lại câu chuyện thì có khuynh hướng thích dùng hình ảnh tương phản nhau như ánh sáng với bóng tối được biểu hiện rõ ràng trong câu chuyện.
Chúa Giêsu nói với ông Nicodemo là cần phải trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa và tự hiến thân mình cho Ngài. Như vậy, nhận biết Thiên Chúa thì khác hẳn với việc thu thập tin tức thần học để nghiên cứu về ngài. Khi nói về sự tái sinh do từ trên ban cho, chúa Giêsu không có ý nói là phải trở vào bụng mẹ mình lần thứ hai, nhưng ý của Ngài tái sinh là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
ĐƯỢC ĐƯA LÊN
Chúa Giêsu nói với ông Nicodemo và tất cả những ai về sau nghe câu chuyện này, rằng Con Thiên Chúa phải được đưa lên cao để ai ngắm nhìn Người thì sẽ được chữa lành và an bình. Trong khi lưu lại trong sa mạc, dân Israel bị bệnh dịch do rắn độc, ông Maisen đã giơ cao con rắn bằng đồng lên và tất cả những ai nhìn nó thì được khỏi bệnh và khỏe mạnh trở lại. Cả hai sự việc: con rắn bằng đồng và chúa Giêsu bị đóng đanh trên thập giá đều tượng trưng cho tội lỗi loài người. Khi Chúa Giêsu “được đưa lên”, thì không phải chỉ có việc chúa Giêsu phải đau khổ trên thập giá được loan truyền. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, tiếng “được đưa lên” có hai nghĩa: nghĩa đen là nhấc lên khỏi mặt đất như việc Chúa bị đóng đanh vào thập giá, nghĩa bóng là ám chỉ một sự vui mừng hân hoan.
BÀI HỌC CỦA NICODEMO
Vậy ông Nicodemo đến gặp Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học gì ở thời đại này? Ông báo động cho chúng ta biết những gì sẽ xẩy ra khi mà chúng ta chấp nhận một hệ thống sống, một môi trường sống thì ta phải biết “cắt nghĩa” thần học, kinh thánh, tập tục hay luật lệ tùy theo hoàn cảnh đó. Ông cho chúng ta thấy là những lớp học về tôn giáo hay thần học không thể thay thế niềm tin và sự xác quyết có Thiên Chúa được. Đối với ông, Thiên Chúa thì vượt lên trên, hơn cả những tin tức và nghiên cứu về ngài. Thiên Chúa, trước nhất và trên hết là một nguời bạn, một người yêu, một vị chúa, đấng cứu thế, là người kiên nhẫn chờ đợi chúng ta cả ngày lẫn đêm. Đến với kinh thánh không phải để chế ngự người ta, mà để cho Lời Chúa làm chủ chúng ta.
Thực ra chúng ta chẳng biết gì hơn về ông Nicodemo cho đến lúc ông hoãn lại cuộc đổ vỡ không thể tránh được giữa chúa Giêsu và Tòa Án Tối Cao Do Thái, và sau này, chính Nicodemo là người đã giúp ông Giuse thành Arimathea nắn sửa lại những xương bị gẫy của chúa Giêsu trước khi mai táng.
NICODEMO VÀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG CÁC GIÁM MỤC THẾ GIỚI 2008
Chúng ta có thể đọc lại câu chuyện về ông Nicodemo qua cuộc họp của thương hội đồng các giám mục thế giới được tổ chức tại Roma vào tháng 10 năm 2008, bàn về LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI. Đây là một kinh nghiệm quí báu đúc kết từ một cuộc tĩnh tâm khá phong phú được đào sâu về Kinh Thánh và những tài liệu về Công Đồng Vatican II.
Tại hội nghị, Đức Thánh Cha và các giám mục đã nói về cái bế tắc hiện nay trong việc nghiên cứu kinh thánh. Điều này thường là do tình trạng nguyên tử hóa, nghĩa là mổ sẻ Kinh Thánh như kiểu sợi tóc chẻ làm 5 làm 10, làm mất đi cái trinh nguyên của Kinh Thánh trong khi việc nghiên cứu cần phải có niềm tin, tính phụng vụ và ơn Chúa Thánh Thần. Nếu đọc và giảng dạy Kinh Thánh chỉ chú trọng vào sự chính xác hay không chính xác ở tính triết lý và lịch sử của nó thì chúng ta đã làm mất ý nghĩa của việc đọc kinh thánh, là sách của niềm tin mà một cộng đồng cầu nguyện, đầy ơn chúa Thánh thần và năng động là chủ của nó. Chúng ta đã phạm một lỗi lầm nguy hiểm là cắt nghĩa Lời Chúa theo ý riêng của mình với chủ trương tương đối.
Có nhiều người, nhất là những sinh viên đã từng tâm sự rằng những khóa học kinh thánh thường “không có hồn”, xa rời thực tế và chẳng có liên hệ gì đến đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Chính những nhận xét này lại là một trong những chủ đề được đặc biệt bàn tới trong Hội Nghị các Giám mục về Lời Chúa.
Vào ngày 14 tháng 10 năm 2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chia sẻ một số suy nghĩ rất sâu xa của ngài về vấn đề này. Trong một phát biểu ngắn gọn và rất rõ ràng trước toàn thể hội nghị, Đức Thánh Cha đã đề cập đến một trong những chủ đề quan trọng đã được nêu lên trong hội nghị. Khi cách chú giải Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo tách rời khỏi cộng đồng đức tin đầy ơn Chúa Thánh Thần và năng động trong Giáo Hội, thì sự chú giải đó chỉ là phương cách biên soạn lịch sử mà thôi, không hơn không kém. Cuối cùng, chúng ta đã chối bỏ Một Người mà Kinh Thánh nói tới, Một Người mà sự hiện diện sống động của Ngài nằm ngay dưới những Lời đó.
Nói đến DEI VERBUM / LỜI CỦA CHÚA, trong Hiến Chế Tín Lý về Thiên Chúa Mặc Khải, Đức Thánh Cha tái xác quyết rõ ràng sự quan trọng của phương pháp tìm hiểu lịch sử là phải bắt nguồn ở Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1:14). Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta. Tất cả những gì có thể giúp chúng ta hiểu được những văn bản Kinh Thánh đều nằm ở trong đó chừng nào mục đích của những tiếp cận khác nhau và những giới hạn của nó được tuân giữ rõ ràng. Khi đọc lại những lời giảng giải của Đức Thánh Cha nói về những điều đó thì hình ảnh ông Nicodemo lại hiện ra trong tâm trí tôi cũng như nhiều nhân vật khác đã được Chúa hướng dẫn để làm ra những lý thuyết, những hệ thống, những cơ cấu để tìm đến Chúa Hằng Sống là Lời ở giữa chúng ta. Ông Nicodemo chắc chắn là có nhiều kiến thức thâm uyên và dồi dào giáo huấn. Ông đã phát triển một hệ thống tôn giáo vĩ đại trong đó Thiên Chúa đã được chia loại và phân tích cẩn thận. Chắc Chúa Giêsu sẽ không nói đó là tội lỗi hoặc chẳng hay ho gì. Chúa chỉ nói vắn tắt là không đủ.
ĐÔI LỜI KẾT: KINH THÁNH BONAVENTURA
Để kết thúc, chúng tôi mượn lời kinh của thánh Bonaventura. Những lời mở đầu trong bản lộ trình tìm kiếm Chúa của ngài cho chúng ta biết phải đọc kinh thánh như thế nào.
Đọc Kinh Thánh sẽ thiếu sót,
……nếu chúng ta không có lòng ăn năn thống hối.
Hiểu biết Kinh Thánh
-nhưng lòng lại thờ ơ (Biết mà không làm)
Tìm tòi
…mà không biết thắc mắc
Cẩn thận
…mà không biết vui mừng hân hoan khi cần .
Hành động xa rời tôn giáo,
Giảng dạy
……mà thiếu tình yêu thương
Thông minh
…nhưng thiếu khiêm nhường
Nghiên cứu
…nhưng không có ân sủng Chúa
Có tư tưởng
…nhưng không có khôn ngoan Chúa soi sáng
Những lời trên phải được coi như khuôn vàng thước ngọc hướng dẫn mỗi người chúng ta khi nghiên cứu thần học và Lời Chúa, để cho Lời Chúa làm chủ chúng ta.
Chớ gì sự hiểu biết, lời giáo huấn, tính khoa học và sự thông minh với lòng khiêm tốn dẫn đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu Kito suốt ngày đêm. Đó là mục đích cuối cùng của cuộc hành trình trên dương thế của chúng ta.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
[1] Nicodemus là một người biệt phái (Pharisieu), thành viên của Tối Cao Pháp Viện, cơ quan luật pháp tối cao của người Do Thái và là một luật sĩ / thày dạy của Israel (Ga 3 : 1-14). Nicodemus đã đến gặp Chúa Giêsu trong đêm tối (có thể để tránh bị dòm ngó vì địa vị của ông) vì ông thắc mắc về danh từ «tái sinh» mà Chúa Giêsu đã nói tới trong một cuộc đàm thoại. Sau này chính ông đã bênh vực chúa Giêsu tại Tối Cao Pháp Viện (Ga 7: 50-52). Khi chúa Giêsu chết, ông là người đã cung cấp một số rất lớn hương liệu gồm trầm hương và mộc liệu để tẩm liệm Chúa. Vì vậy người ta gọi ông là người giàu có (Ga19:39-40). Trong kinh Talmud của dân Babylon cũng có nói đến một người tên Nakdimon mà tiếng Do Thái tương đương với Nicodemus, sống vào khoảng ca A.D.66-70. Nhưng Nicodemus nói trong Kinh Thánh thì có lẽ lúc đó đã chết rồi. Tuy nhiên, Nikdimon có thể là người thuộc cùng gia tộc với ông. Trong nhiều Tân Ước Ngụy Thư nói Nicodemus là người đã bênh vực chúa Giêsu trước tòa, đã trở lại Kito giáo và bị trục xuất khỏi Tối Cao Pháp Viện và cuối cùng đã chết tử vì đạo. Tuy nhiên huyền thoại này có lẽ không đáng tin cậy mấy (Theo James A. Brooks).