Sau một chuyến đi

Là chuyến đi ra nước ngoài lần đầu tiên của tôi, kể từ ngày 30/04/1975. Cách đây 9 năm, nhân dịp một đoàn hợp xướng ở TP. Hồ Chí Minh được mời sang Thái Lan trình diễn do một nhạc trưởng người Nhật Bản tổ chức, gồm nhiều ban hợp xướng tại các nước Đông Nam Á. Tôi đề nghị ca trưởng cho phép tôi được có mặt trong thành phần các ca viên xuất ngoại, 14 người với tôi là 15 bởi tôi vốn từng là thành viên của ban hợp xướng này từ trước năm 1975. Chúng tôi nhờ một văn phòng dịch vụ lo thủ tục xin cấp phát hộ chiếu cho 15 người. Đến ngày hẹn, 06/11/2002, chúng tôi lên phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Công An TP. Hồ Chí Minh để nhận hộ chiếu thì chỉ có 14 người được cấp, riêng tôi được nhân viên của phòng trả lời: “Ông cứ về rồi lãnh đạo sẽ trả lời sau”. Trong suốt 9 năm trời, không một cấp lãnh đạo nào trả lời trả vốn cho tôi. Những hứa hẹn hoặc những lệnh lạc bằng miệng kiểu này để rồi …. “Non arriver où” (không đi đến đâu) thì mọi người dân sống ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều đã quen. Không ai trả lời nhưng có một mẩu tin nhắn gởi vào điện thoại di động của tôi: “Đừng lấy vải thưa che mắt thánh”. “Thánh” nào đây nhỉ? “Thánh” nào mà theo dõi tôi trên từng cây số vậy. “Thánh” nào mà săn sóc con dân trong nước kỹ càng đến thế, nhưng biên giới và hải đảo dần dần rơi vào tay kẻ lạ thì “Thánh” lại không biết. Tôi đành an phận và lâu lâu lại được mời “làm việc” về đủ thứ chuyện liên quan đến những bài viết của tôi, đến những chuyện thuộc phạm vi Giáo Hội Công Giáo có khi xa tít mù khơi tận Thái Hà, Tòa Khâm Sứ. Cách nay đã hai năm, tôi được cán bộ khuyến khích làm đơn xin xuất cảnh lần nữa xem sao. Phần vì chán nản mất hứng, phần vì muốn “kiên trì” chờ đợi câu trả lời của lãnh đạo, tôi không thiết tha gì nữa tới việc xin cấp hộ chiếu. Nhân có một tổ chức từ thiện trụ sở đặt tại Bang California mời tôi sang tham khảo ý kiến về việc thực thi các chương trình của tổ chức này tại Việt Nam, tôi lại muốn thử thời vận xem sao. Tôi và bà xã cùng đến xin cấp hộ chiếu, như một cặp vợ chồng già muốn đi vãn cảnh Phật bên xứ Chùa Tháp, hoặc thăm thú Vạn Lý Trường Thành nhân thể nhìn rõ mặt kẻ lạ Phương Bắc. Thủ tục đơn giản, phòng đợi lịch sự thoáng mát, cán bộ nói năng lễ phép. Đến ngày hẹn, chỉ có hộ chiếu cho vợ tôi, còn tôi thì không. Tôi yêu cầu được gặp trưởng phòng và khiếu nại. Vị trưởng phòng nhã nhặn mời tôi ngồi chờ trong 40 phút, có lẽ ông đi xác minh từ những phòng ban cấp trên, từ hồ sơ cũ của tôi…. Ông trở ra và (vẫn nhã nhặn) mời tôi tuần tới trở lại lấy hộ chiếu cho riêng tôi.

Cầm tấm hộ chiếu trong tay, tôi nhắn tin cho bầu bạn 4 phương 8 hướng: “Mán…. sắp về thành. Thưa các bạn, Nước Mỹ đã hào phóng cho tôi tạm trú một năm. Sẽ tin các bạn chuyến bay và giờ đến”. (Email VSH ngày 21/05/2011). Tôi được hạnh phúc đón nhận những vòng tay thân ái: “Mừng được tin anh đã có Visa đến Mỹ. Chúng tôi sẽ thay nhau để take care ông Mán. Hy vọng là ông sẽ yêu mến Nước Mỹ hào phóng của chúng tôi.” (email HV 22/05/2011), “Bà con Cali đang đón chờ vị tướng hồi hưu đấy. Sooner the better. Cheers”. (email DTL 22/05/2011) “Rất vui khi được biết là ông sắp ngao du Hoa Kỳ và sự hào phóng của Nước Mỹ. Sẵn lòng góp phần thực hiện mọi yêu cầu của ông. Tôi nghỉ hưu rồi mà”. (email NMD 21/05/2011). “Chừng nào anh sẽ đến Portland? Chúng tôi chuẩn bị tiếp đón anh như một Le Grand Prince”. (Email NKQ 22/05/2011).

Không chần chờ gì nữa, tôi đơn thân lên đường với hành trang tối thiểu, nghèo nàn tối đa, nhưng yên tâm tuyệt đối. Cũng đã từng được đi đó đây, ấy vậy mà trên đường du lịch, tôi cứ ngớ ra. Được cái là biết đọc tiếng Tây tiếng U, cứ theo bảng chỉ dẫn mà đi. Nhân viên ở các phi trường nước ngoài rất lịch sự và tận tình chỉ dẫn. Người Việt ở khắp nơi, tha hồ mà líu lo tiếng Mẹ. Nếu ở Quận Cam, Saigon Nhỏ, San Jose, Houston… bạn khỏi cần học tiếng Mỹ. Khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng có các bảng hiệu Tiếng Việt, trên xe bus thường xuyên ba thứ tiếng: Mỹ, Việt và Tây Ban Nha. Trên máy bay của hãng hàng không Eva của Trung Hoa Đài Loan cô tiếp viên duyên dáng: “Bác để cháu giúp một tay, cháu là người Việt mà!” trước sự ngỡ ngàng của … ông Mán. Vừa ra khỏi khuôn viên Tòa Bạch Ốc, 2 anh chị chủ một tiệm quà lưu niệm đon đả mời chào: “Tôi ở đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn mà”, làm sao mà từ chối không mua vài món quà cơ chứ. Ở Santa Cruz, sau khi tham quan Mystery Spot, tạt vào một quán ăn Tàu, ông chủ niềm nở: “Bác là người Việt hả? Tôi trước ở Chợ Lớn, đã mấy năm rồi bận làm ăn không về thăm Saigon. Chắc bác phải là cán bộ cao cấp lắm mới có tiền đi du lịch như thế này”. Phó thường dân Nam Bộ được gắn cho cái mác cán bộ cao cấp, thò tay vào túi đếm mấy đồng xu lẻ, mọi chi phí đã có bầu bạn bao. À ra thế, phải là cán bộ cao cấp mới có tiền đi chơi, người nước ngoài đinh ninh như vậy.

Tôi được Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở TP. Hồ Chí Minh cấp visa một năm lưu lại Mỹ. Đến phi trường Los Angeles, cảnh sát đóng dấu cho phép 6 tháng. Tôi đã mua vé khứ hồi trở lại Quê Nhà đúng 2 tháng sau ngày đến. Không tới 5 phút để làm thủ tục nhập cảnh, ngay nơi quầy có anh cảnh sát to con, có hàng chữ: “We are the face of our natiion” (Chúng tôi là bộ mặt của Quốc gia chúng tôi). Anh cảnh sát nói với tôi đúng 2 câu: “How are you?” (Ông có khỏe không?) và “Have good day” (Chúc ông một ngày tốt lành). Chúa Mẹ ơi, cả đời tôi chưa hề được công an cảnh sát chúc một câu như vậy. Có lẽ gặp ngày anh vui tính, anh bỏ qua không khám xét hành lý của vị khách Châu Á có vẻ ngớ ngẩn đã vào tuổi 70 chỉ ghé thăm Đất Nước của anh đúng 2 tháng. Hú vía, một thùng bánh Pía với các loại nhân dị ứng khủng khiếp với hải quan Mỹ: trứng vịt muối, mứt bí, hạt dưa… mà một giờ đồng hồ sau đó tôi có thể trao tay cho cô bạn ở Little Saigon nhiều nhung nhớ hương vị Quê Nhà.

Gọi là làm việc nghiêm túc, tôi chỉ mất 3 ngày ở Quận Cam, rồi lên đường đến những nơi có bầu bạn tiếp đón. Tôi sang Tiểu Bang Nevada chỉ để xem thiên hạ ở Las Vegas đánh bạc như thế nào, không dám đụng vào những chiếc máy đánh bạc lạnh lùng, không dám sà vào các bàn sát phạt đỏ đen căng thẳng, bởi có biết gì đâu và nhất là cái túi lép xẹp. Trở lại Quận Cam, tôi đáp xe đò Hoàng lên Bắc Cali (San Jose), giá vé là 40 đô cho chặng đường 600 km. Cô bán vé người Bình Định khi biết là tôi mới từ Quê Nhà sang, đã hào phóng lấy giá vé 30 đô, bớt cho tôi 10 đô. Từ San Jose, tôi được bạn bè dẫn đi thăm thú San Francisco, Sacramento, Santa Cruz nơi có địa điểm tham quan kỳ lạ: người và nhà cứ nghiêng đi theo lực hút từ trong lòng đất, nước chảy ngược từ chỗ thấp lên chỗ cao, điều làm người dân địa phương hãnh diện bởi họ bảo cái rốn của quả đất là đây. Từ San Jose, tôi đáp xe lửa lên Portland (Tiểu Bang Oregon) rồi lên Seattle (Tiểu Bang Washington). Suốt dọc bờ biển Miền Tây Hoa Kỳ này cây cối xanh mướt, khí hậu ôn hòa. Chả vậy mà ngay tại cửa ngõ vào Thành Phố Sacramento, tôi đọc được hàng chữ: “Welcomes to Sacramento, City of Tree”. Còn Seattle được mệnh danh là Thành Phố “Evergreen” (Luôn Luôn Xanh). Từ những bãi biển Laguna, Newport Beach, Huntington Beach, chúng tôi phóng tầm nhìn ra Thái Bình Dương, xa tít, trên 11.000 km, vậy mà chúng tôi vẫn xúc động nói nhỏ với nhau: bờ bên kia là Việt Nam mình đấy. Từ Seattle, tôi vòng xuống 2 Tiểu Bang thuộc vùng Trung Hoa Kỳ: Nebraska (Thành Phố Omaha) và Georgia (Atlanta), cách 2 múi giờ với Miền Tây. Từ miền Trung này, tôi sang thăm Miền Đông, vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và lên New York tham quan Ground Zero, nơi có Tòa Tháp Đôi đã bị Bin Laden đánh xập ngày 11/09/2001, và hòn đảo có tượng Nữ Thần Tự Do, trước khi về lại Nam Cali để trở lại Quê Nhà. Tôi không còn thì giờ xuống Tiểu Bang Texas nơi có đông bạn bè đang chờ đón. Sở dĩ tôi có thể thực hiện được một cuộc hành trình trong 2 tháng mà nhiều người ở Nước Mỹ đã hai chục năm cũng chưa đi được, đơn giản chỉ vì tôi đi chơi, còn các bạn đi định cư, tức là phải kéo cầy để lo cho gia đình, tối tăm mặt mũi với các thứ bill nhận được mỗi tháng, chắt chiu cho tương lai ăn học của cháu con. Hơn tất cả là tôi được các bạn đưa tay nâng đỡ, trên từng chặng đường. Nếu không có các bạn tôi đã không thực hiện được chuyến đi này. Cũng lại là lời nhắn nhủ: nếu không có đông bạn bè (đã nghỉ hưu thì càng tốt) thì chả nên… liều sang Mỹ chơi. Ai đón bạn về nhà tạm trú? Ai đưa bạn đi thăm thú đó đây? Chỉ còn nước ngồi trong nhà, xem tivi chán thì … đọc kinh, rồi buồn bã đòi về.

Một cảm tưởng chung sau 2 tháng dừng chân tại gia đình các bạn là các bạn đều thoải mái tận hưởng hạnh phúc do con cháu đem lại, tận hưởng bầu khí tự do dân chủ của quốc gia Hoa Kỳ, nơi đã mở rộng vòng tay đón gia đình các bạn, tận hưởng những tiện nghi xã hội mà các bạn được quyền thụ hưởng sau những đóng góp mà con cái các bạn và chính bản thân các bạn đã và đang đóng góp cho quốc gia này. Tôi vô cùng cảm phục anh bạn đồng môn ở Đại Học Văn Khoa Saigon 50 năm về trước, nay định cư ở Sacramento. Anh tự nhận là không làm được chuyện lớn cho Quốc Gia, Dân Tộc, anh dốc bao công sức cho những chuyện mà anh bảo là nhỏ nhặt, nhưng tôi thấy vĩ đại. Anh thành lập rải rác các tủ sách Tiếng Việt cho các cháu đến đọc những chuyện về Non Nước mình, chuyện Cây Tre Trăm Đốt, chuyện Ăn Khế Trả Vàng, chuyện Một Mẹ Trăm Con…… và anh nói cho các cháu biết về căn Nhà Tổ, xa tít bên kia bờ Thái Bình Dương, hôm nay có lẽ còn khó về vì ….. “Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo”, nhưng một mai trời quang mây tạnh, các cháu sẽ về, các cháu phải về mà xem, có Đền Vua Hùng, có Chùa Hương, có Lâu Đài Thành Quách của các vua phong kiến, có đồng bào ta chân lấm tay bùn làm nên hạt gạo….. Anh to con nhất Tràng Văn Khoa chúng tôi thời ấy, như một võ sĩ mà chúng tôi ai cũng phải kiêng nể, vậy mà hôm nay anh nhỏ nhẹ hiền khô. Lam Giang ơi, Tổ Quốc mình nhất định không thể mất đi đâu được.

Cũng có một số người Việt rở trò ma giáo trong một Quốc Gia mà xã hội được ổn định và lập trình qua máy tính. Làm chủ 2, 3 tiệm nail, mua 4, 5 căn nhà nhưng để con cháu đứng tên, còn bản thân mình ngửa tay xin trợ cấp xã hội, nhởn nhơ lăn bánh trên những xa lộ thênh thang và vào nhà thương miễn phí khi ốm đau tận mạng. Bị lật tẩy, bán cả sản nghiệp đi mà không đủ đóng tiền phạt, vào nhà đá chua xót một đời. Cũng có những vị bác sĩ “hợp đồng tác chiến” với bệnh nhân ma để bòn mót tiền của công quỹ.

Trong lúc chờ chuyến phà chở du khách sang tham quan Tượng Nữ Thần Tự Do, tôi bắt gặp 2 câu nói của 2 vị Tổng Thống lừng danh trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng Thống Benjamin Franklin nói: “ Chỗ nào có tự do, chỗ đó là quê hương tôi” (Where liberty is, there is my country), còn Tổng Thống Kenedy thì nói: “Ở khắp nơi người nhập cư đều góp phần làm giàu và phong phú chất liệu cho cuộc sống của Hoa Kỳ”

 (Everywhere immigrants have enriched and strengthened the fabric of American life.).

Nhân đề cập đến vị Tổng Thống thứ hai này, tôi sực nhớ hôm tới thăm Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, tôi thấy mộ của ông được đặt ở nơi trang trọng nhất của Nghĩa Trang, với một ngọn lửa cháy suốt ngày đêm. Bên cạnh mộ ông là mộ của bà vợ đã tái giá sau ngày ông qua đời, nhưng Người Mỹ rất sòng phẳng ghi trên bia mộ của bà “Jacqueline Bouvier Kennedy Onassis” với cả tên người chồng thứ hai của bà. Người Mỹ đã rất trân trọng vị Tổng Thống lừng danh này trong lịch sử của họ, nhưng riêng tôi, một người Việt Nam, bỗng dưng một chút chua xót. Chính vị Tổng Thống này của Hoa Kỳ đã xóa bỏ Nền Đệ Nhất Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam với vị Tổng Thống anh minh Ngô Đình Diệm, khiến từ ngày đó (01/11/1963) Tổ Quốc tôi trầm luân trong lửa đạn. Sở dĩ ông làm vậy là vì quyền lợi của Quốc Gia ông, Nước Mỹ, tôi hiểu điều đó, và ông đã dễ dàng tráo trở, phản phé Đồng Minh Việt Nam.

Đi vậy đấy, thấy nhiều vậy đấy, nhưng thực tình tôi vẫn chưa hiểu Nước Mỹ. Trong thời gian lưu lại Hoa Kỳ, đôi lúc có những nét quen quen, chẳng hạn một buổi tối trung tuần Tháng Bảy, tôi mở truyền hình và bắt gặp chương trình Soccer Night In America, đội Galaxy của Los Angeles mà trong đội hình có chàng cầu thủ người Anh điển trai đã từng ghé qua Saigon, David Beckham. Trò chơi này hợp với tôi hơn, bởi tôi cũng “máu” như nhiều tín đồ Túc Cầu giáo ở bên nhà. Tôi la toáng lên khi Beckham thực hiện một cú phạt góc tuyệt đẹp vòng vèo, cong cong rồi vào thẳng lưới nâng tỷ số lên 2 – 1 cho đội Galaxy. Nhưng tôi vẫn không hiểu gì về luật lệ của Bóng Chày, của bóng Bầu Dục mà người Mỹ gọi là Football mặc dù chơi bằng tay, ôm banh chạy mà đè lên nhau.

Một cảm tưởng sau cùng là đợi đến ngày Chủ Nghĩa Tư Bản dẫy chết và tự đào mồ chôn, e rằng có vẻ hơi lâu đấy. Hoa Kỳ từ ngày thành lập 1776 đến nay chưa hề biết đến đảo chánh, cách mạng lật đổ chính quyền. Hiến Pháp ngày 17/09/1787 quy định Nền Dân Chủ Tư Sản, Chế Độ Cộng Hòa, Chế Độ Liên Bang, Chế Độ Tổng Thống, Tam Quyền Phân Lập, Chính Phủ do dân bầu ra và đã lãnh đạo theo từng giai đoạn của lịch sử. Nước Mỹ đã chiến thắng 2 cuộc Thế Chiến và có thể nói đã chiến thắng luôn cuộc Chiến Tranh Lạnh, họ đã hoàn thành tuyến đường sắt Đông Tây 3.000 km (1863 – 1869) trong bối cảnh cuộc nội chiến Bắc Nam (1861 – 1865), họ đã hoàn thành hệ thống mạng xa lộ cao tốc nối liền các Bang vào Thập niên 50 của Thế kỷ trước, họ đã hoàn thành xa lộ thông tin vào Thập niên 90 làm tăng lên bội phần nguồn tri thức, họ dự tính có xa lộ cao tốc về năng lượng vào năm 2080 với những nhà máy điện trên vũ trụ chuyển tải năng lượng của Mặt Trời về Trái Đất trong khi trữ lượng dầu hỏa của họ còn nguyên xi, người Mỹ đi mua dầu của khắp Thế Giới về xài.

Nhưng thú thật với các bạn, hạnh phúc là tùy cảnh, tùy người, tùy nơi. Tôi không theo kịp nếp sống Mỹ này nữa rồi, nhưng thế nào là kịp với không kịp nhỉ? trong lúc mà mỗi lối sống có một sắc thái riêng của nó. Tôi vẫn thích Quê Nhà: bụi bặm, ồn ào, chật chội, thiếu thốn, ngõ hẹp, phố nhỏ, đủng đỉnh, nhưng láng giềng gần gũi, bầu bạn xuề xòa, chỉ cần ới nhau một tiếng là có thể “giàn trận” ở cổng xe lửa số 6, một đĩa rựa mận, một xị Gò Đen, tràng cười bất tận. Hôm ở nhà bạn, Julien ơi, phu nhân bạn đã trổ tài nấu một nồi phở ngon tuyệt để khoản đãi tôi và các bạn Portland của chúng ta. Tôi đã vô cùng hạnh phúc bưng tô phở húp xì xụp trong khi các bạn rất “Tây” với thìa muỗng và khăn ăn. Tôi lại còn yêu cầu chị Loan viện trợ cho tôi một chén cơm nguội để trộn vào tô phở. Chắc bạn chưa quên tô phở bà Dậu ở đường Công Lý, 50 năm về trước, cánh sinh viên chúng mình thường ghé mỗi buổi sáng. Một tô phở lịch lãm nhưng khiêm nhường thì làm sao cho tuổi 20 sống trọn vẹn buổi sáng ở giảng đường Văn Khoa cơ chứ? Bà Dậu thường hào phóng xếp một dãy tô cơm nguội (thực ra bà mới thổi lúc sáng) cho cánh sinh viên và giới lao động nghèo được thoải mái “hưởng theo nhu cầu”. Tôi đã ăn tô phở ở nhà bạn với tất cả kỷ niệm dấu yêu này. Cũng như các bạn ở Miền Đông Hoa Kỳ cỏ cây xanh mướt, nóng cũng nóng dữ mà lạnh cũng lạnh nhiều, các bạn có đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, các bạn chê bờ Tây xô bồ chật chội, nhưng chiều chiều giữa lúc bên Đông các bạn còn đang hừng hực nắng hè, thì ở California đã mát mẻ dìu dịu cứ như Bảo Lộc của Quê Mình ấy. Saigon của tôi oi ả đấy, nhưng chỉ cần một trận mưa là dịu ngay, nhất là có tà áo lụa Hà Đông khiến anh đi mà chợt mát, chứ không có các ông các bà quá khổ như ở bên Mỹ, vòng số 2 núng nính đang là một vấn nạn xã hội của Hoa Kỳ.

Trên đường về Quê Nhà, vẫn Hãng Hàng Không Eva, vẫn chiếc màn hình nho nhỏ khổ giấy A5 trước mặt, cái ban công hình chữ S quay ra Biển Đông của quê tôi hiện rõ nét trên bản đồ Châu Á, cái ban công đã từng đón chào những bước chân Thừa Sai từ gần 500 năm trước để đem Tin Mừng vào Đại Việt. Khi bay trên bầu trời Thái Bình Dương, cả khối Châu Á hiện trên màn hình. Từ trên cao phía Bắc Á, núi đồi khô cằn chập trùng, chen chúc những dân tộc vốn không mấy thiện cảm với tộc Hán. Họ đang ngậm đắng nuốt cay đóng vai “Khu Tự Trị” để được yên thân. Chỉ còn phía biển Phương Nam mà họ gọi là Nam Hải, mà chúng ta gọi là Biển Đông, nhưng lại chẳng của riêng ai mà là của cả một tập thể Đông Nam Á chung sống từ ngàn xưa. Ấy vậy mà họ hung hãn tuyên bố, hùng hổ uy hiếp các làng giềng hiền hòa, đúng theo phong cách Đại Hán của cha ông họ truyền lại. Phải chi có một lời nói cho phải phép, một chút lịch sự tối thiểu của xã hội văn minh hôm nay. Đằng này họ lại tung “tàu lạ” khuấy động cả Biển Đông. Nói cho cùng, cũng phần nào tại lũ âm binh trong nhà, ngồi xổm trên Quê Hương và Đồng Bào, miễn sao có lợi cho bản thân và duy trì quyền lợi của một tập thể đã xế chiều cả về lý thuyết lỗi thời và thực tế vô duyên trong xã hội loài người hôm nay.

 Vũ Sinh Hiên.

Tháng 09/2011