Viếng linh mộ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Bạn bè chúng tôi Phật Giáo đã viếng linh mộ Cha Trương Bửu Diệp và đều xin được nhiều ơn lành. Hầu hết các xe đò chạy đường miền Tây VN (dù Công Giáo hay không Công Giáo) đều treo hình Cha Diệp trước mặt tài xế để xin Ngài phù hộ. Cha Diệp bị bức tử, và GHCG VN đang xúc tiến hồ sơ xin Vatican phong thánh tử đạo cho Ngài.

VS

ảnh

Viếng linh mộ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Trầm Thiên Thu 2/9/2012

Tôi đến Giáo xứ Tắc Sậy lúc 3 giờ 30 sáng ngày 7-2-2012, nhà thờ còn đóng cổng. Vậy là suốt một đêm thức trắng, có lẽ do háo hức nên không mấy người chợp mắt trên xe, vì đây là lần đầu tiên tôi được đến viếng mộ cha Trương Bửu Diệp.

Trời còn sớm nhưng các hàng quán đã mở cửa. Tôi tìm một quán cà-phê đối diện nhà thờ Tắc Sậy để vừa uống cà-phê cho tỉnh táo vừa chờ nhà thờ mở cổng lúc 4g.

Thấy đã có vài xe đến trước tôi ít phút. Hỏi thăm thì họ nói từ Chợ Mới (An Giang) và Long Thành (Đồng Nai) tới. Giao tiếp với dân địa phương thấy họ thật chân chất và hiền hòa, đúng là bản chất người dân Nam bộ miệt vườn.

Đúng 4 giờ sáng, cổng nhà thờ được mở. Mọi người kéo nhau vào viếng mộ cha Diệp. Số người khấn nguyện tại mộ cha Diệp lúc này khoảng 100 người. Tiếng kinh râm ran, khói hương nghi ngút. Trong số đó thấy có nhiều người bên lương, biết vậy nhờ nhìn cách thắp nhang: hai tay cầm nhang để trên đầu trước trán và lâm râm khấn vái.

Một bà hỏi tôi: “Không có trái cây thì cúng tiền được không?”.
Tôi hỏi: “Bà có Công giáo không?”.
Bà nói: “Không”.
Tôi nói: “Không cần trái cây hay tiền bạc gì cả, cứ thành tâm là được. Còn nếu bà muốn dâng cúng thì dâng tiền tốt hơn dâng trái cây”.
Bà cười.
Tôi hỏi: “Bà ở đâu tới?”.
Bà đáp: “Tui ở quận Tư (Saigon) tới”.
Bà vừa cười vừa cảm ơn tôi và bước đi.

Hai bên phía trước mộ cha Diệp có câu đối còn mang âm hưởng mùa Xuân:

“Tết đến, Xuân sang, người nô nức

Năm qua, tuổi tới, Chúa chúc lành”.

 

Không khí Xuân vẫn còn, Chúa Xuân còn mãi. Nhà thờ đã được xây mới hoàn toàn, Đức cố GM Emmanuel Lê Phong Thuận đặt viên đá đầu tiên ngày 24-2-2004. Nhà thờ trông rất hùng vĩ với lối kiến trúc khá ấn tượng. Các bức tượng ở đây đa số bằng gỗ quý, nét điêu khắc tinh vi. Phía trước nhà thờ có câu đối:

 

“Vũ trụ nhiệm mầu, chính đạo bao trùm trời đất –

Thiên nhiên kỳ vỹ, ơn lành tỏa khắp thế gian”.

5 giờ sáng bắt đầu giờ phụng vụ. Trước giờ lễ, mọi người đọc kinh Truyền tin rồi cùng đọc kinh Nhật Tụng (kinh của Giáo hội, nhưng thường chỉ có các giáo sĩ và tu sĩ đọc). Có lẽ đây là “nét khác” của Gx Tắc Sậy so với các giáo xứ khác. Đồng tế thánh lễ là LM chính xứ Tắc Sậy và 2 LM hành hương. Số người tham dự thánh lễ khoảng 500 người.

Trời càng sáng, xe tới càng nhiều. Đặc biệt trong số đó thấy có một xe có dán cờ Phật giáo trước xe, họ từ Châu Đốc (An Giang) tới. Trời càng sáng, xe tới càng nhiều.

Được biết Gx Tắc Sậy được thành lập năm 1925, hiện nay có khoảng 1.800 giáo dân, tọa lạc tại Ấp 2, Xã Tân Phong, huyện Giá rai, tỉnh Bạc Liêu, thuộc hạt Bạc Liêu (GP Cần Thơ).

LM quản xứ hiện nay là G.B. Nguyễn Thanh Bình (sn 1958), và vừa có thêm một LM phụ tá còn trẻ và một phó tế về giúp xứ.

Mỗi ngày Gx Tắc Sậy có 3 thánh lễ.

Giờ lễ Chúa nhật: 5 giờ, 7 giờ và 17 giờ.

Giờ lễ ngày thường: 5 giờ, 9 giờ và 17 giờ 30.

Ngày nào cũng có nhiều đoàn hành hương về viếng mộ cha Diệp, mỗi ngày có đến cả ngàn người.

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897 tại làng Tấn Đức (nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), được rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước (nay cũng thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Thân phụ ngài là ông Micae Trương Văn Đặng, mę ngài là bà Lucia Lê Thị Thanh. Lúc ngài 7 tuổi (1904) thì mę mất. Cha ngài chuyển gia đình sang Battambang (Campuchia), sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước (sn 1890), cũng quê gốc tại Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang.

Kế mẫu sinh cô con gái tên là Trương Thị Thìn (1913), sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền gửi ngài vào Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng (thuộc xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang).

Học xong tại Tiểu Chủng Viện, ngài lên Đại chủng viện Nam Vang (Campuchia – lúc đó các họ đạo An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên trực thuộc giáo phận Pnom Penh). Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang dưới thời Đức cha G.B. Chabalier người Pháp. Lễ vinh quy và tạ ơn được tổ chức ở nhà cô ruột là bà Sáu Nhiều tại họ đạo Cồn Phước.

Từ 1924–1927, ngài được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư (một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia). Từ năm 1927–1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang.

Tháng 03-1930, ngài về trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ và thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945–1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, cha bề trên đįa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các cha người Pháp cũng khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng Ngài trả lời: “Con sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”.

Ngày 12-03-1946, Ngài bį bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Dừa. Người ta định giết hết tất cả nhưng ngài nói: “Chính tôi là chủ chăn các con chiên đó, vậy tôi xin chết thay cho các con chiên của tôi”.

Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài bị đem đi thủ tiêu.

Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ngài về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết xác ngài bị vứt xuống cái ao nhà ông giáo Sự. Người ta đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ngài đã bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chổ gần mang tai, có ba vết chém khác trên mình. Không hiểu sao thân xác ngài bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên Thánh giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi.

Các vị chức sắc lén đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (ấp Thành Thưởng A, xã An Trạch, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Thành lập năm 1920, hiện nay có khoảng 570 giáo dân – nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo), làm vậy kín đáo hơn đưa về Tắc Sậy. Như vậy ngài đã tử vì đạo ngày 12-3-1946, nhằm ngày 9-2 năm Bính Tuất.

23 năm sau (năm 1969, hài cốt ngài được cải táng, di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài đã làm chủ chăn trong 16 năm và là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy. Trong 16 năm quản xứ Tắc Sậy, cha Diệp đã rửa tội 1643 người.

20 năm sau nữa (năm 1989), mộ ngài được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau nhà thờ Tắc Sậy và được khánh thành vào ngày 04/06/1989.

Đầu năm 2010, một ngôi nhà mồ khang trang và hiện đại được xây dựng xong, hài cốt ngài được di chuyển vảo đó với nghi lễ cải táng rất long trọng do Đức cố GM giáo phận Cần Thơ Emmanuel Lê Phong Thuận cử hành.

Ngày nào cũng có các tín hữu ở khắp mọi nơi trong nước cũng như ngoài nước, bên lương cũng như bên giáo, tới kính viếng và tin tưởng khấn nguyện với Ngài. Rất nhiều người đã được ơn. Trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy hiện nay thấy có rất nhiều bảng tạ ơn.

Những bức tượng cha Diệp “bị” khách hành hương hàng ngày lấy tay vuốt đến bạc màu tay, bay màu áo.

Có nhiều phụ nữ thành kính vừa vuốt vừa nói chuyện lớn như đang đối thoại trực tiếp với Ngài vậy.

Trong một phòng bên phải nhà thờ còn lưu giữ 2 tấm ván hòm của ngài.

Nói về cha Diệp, ĐGM G.B. Bùi Tuần nhận định: “Tâm lý người Việt Nam hôm nay tuy vốn trân trọng những đấng anh hùng, nhưng thích tìm đến những vị lãnh đạo dễ thương. Dễ thương ở chỗ có đời sống bình dị, đơn sơ, gần gũi, biết đưa con người vào chiều kích thiêng liêng bằng những thái độ sống cảm thương và thương xót. Sau khi gặp gỡ với những vị lãnh đạo dễ thương, họ cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương, được hy vọng. Thiết tưởng đó là một khởi đầu tốt cho mục vụ truyền giáo”.

Một nhận xét “thú vị” và cần thiết. Mong sao Giáo hội có những chủ chăn đích thực, xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, biết noi gương LM thánh Gioan Vianney và LM P.X. Trương Bửu Diệp.

Hiện nay, Tòa thánh đang mở án phong chân phước cho LM P.X. Trương Bửu Diệp.

Xin cho Thánh Ý Chúa nên trọn nơi tôi tớ trung tín Chúa, người đã xả thân vì đoàn chiên Chúa, đúng như Chúa Giêsu xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).