Kiều Chinh tái ngộ khán giả Việt

Tuổi thơ, tình yêu, thời gian, sự sống và cái chết, cô độc và chia lìa… Gần như tất cả những mất mát của đời người phụ nữ đã được gói gọn qua những hành trình trong "Ngọc Viễn Đông".

Phim do Cường Ngô đạo diễn, Công ty Oriental Pearls Productions sản xuất, chính thức công chiếu ngày 8/3.Cũng trong bộ phim này, chúng ta có dịp tái ngộ với nữ minh tinh Kiều Chinh trên màn ảnh rộng Việt Nam sau mấy chục năm xa cách…Nghệ sĩ Kiều Chinh tham gia vào chương cuối "Thời gian" trong phim này...

Kiều Chinh trong "Ngọc Viễn Đông"

Sống xa quê hương Kiều Chinh vẫn một lòng thương nhớ quê nhà. Trong ngôi nhà thân thương của mình, bà cho trưng bày một Trống đồng lớn, ý muốn nhắc nhở với con cháu, mình là người Việt Nam, con cháu của vua Hùng. Đặc biệt, bà treo rất nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam vẽ mình như: cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Cung, Choé…Bà có cả một phòng làm việc riêng, treo rất nhiều hình ảnh kỷ niệm cả một quãng thời gian dài tham gia điện ảnh.

Phim đầu tiên - Hồi chuông Thiên Mụ (năm 1958)

Hà Nội - Sài Gòn

Kiều Chinh sinh năm 1937 là con út trong một gia đình có 3 người con. Mẹ mất sớm trong một trận oanh tạc bom của quân đội đồng minh khi Phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam vào năm 1945. Kiều Chinh ở với bố và anh còn người chị gái đã lập gia đình và theo chồng sang Pháp. Năm 1954, hiệp định Geneve chia đôi đất nước, cô bé Nguyễn Thị Chinh được gia đình người bạn của cha dắt theo di cư vào miền Nam, lúc đó Chinh 15 tuổi .

Năm 1956, Nguyễn Thị Chinh kết hôn với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang mình là Nguyễn Năng Tế. Họ có với nhau 3 người con.

18 tuổi, đúng vào lúc nhan sắc rực rỡ nhất, rất tình cờ, Nguyễn Thị Chinh được nhóm làm phim của ông Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân phát hiện trong một buổi tiệc tại nhà hàng Continental và Chinh bắt đầu đóng phim “Hồi chuông Thiên Mụ” với nghệ danh là Kiều Chinh vào năm 1957.

Bộ phim được thực hiện hơn một năm trời và hậu kỳ kéo dài sau đó mới được chiếu.Vẻ đẹp của cô gái Bắc vận vào nhân vật là một sư nữ của xứ Thần Kinh thơ mộng, ngay lập tức Kiều Chinh được công chúng ái mộ và đón nhận nồng nhiệt trong vai Như Ngọc. “Hồi chuông Thiên Mụ” do hãng Tân Việt thực hiện. Diễn viên đóng cùng với Kiều Chinh là Lê Quỳnh vai Hoài An, Phương Mai vai Lệ Hà, Hà Bắc vai Trưởng Tác, Thái Huy vai Bình Lâm, Ngọc Quỳnh vai Văn Thái…

Sau vai diễn đầu tiên, Kiều Chinh liên tiếp gặt hái những thành công trong các phim kế tiếp như “Mưa rừng” của Alpha Films - đạo diễn Thái Thúc Nha, đồng diễn với Kim Cương, Xuân Phát và Ngọc Phu. Thời gian quay phim “Mưa rừng” đã để lại cho Kiều Chinh rất nhiều kỷ niệm, rất cực khổ. Nhất là những cảnh quay tại đồn điền cao su Di Linh, mưa gió liên tục và con đường đi ngập bùn lầy. Tình bạn hữu của Kiều Chinh và Kim Cương có được từ chuyến quay phim này.

Đến phim thứ ba là “Ngàn năm mây bay”, phỏng theo tiểu thuyết của Văn Quang, do Hoàng Anh Tuấn đạo diễn thì Kiều Chinh đã là hàng "sao". Bộ phim này đươc trình chiếu khắp các màn ảnh lớn Sài Gòn , Cần Thơ, Huế vào năm 1962. Ở phim này, Kiều Chinh đóng cặp với Lê Quỳnh, Bích Sơn, Phạm Huấn...

Bộ phim “Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ”của hãng phim Mỹ Vân cô diễn với Thẩm Thúy Hằng, Đoàn Châu Mậu và Lê Quỳnh…Vai diễn của Kiều Chinh đã mang về cho cô giải thưởng “Nữ Diễn viên xuất sắc nhất năm 1969”. Rồi những phim khác như: “Chờ sáng” với Lê Quỳnh và Tâm Phan, “Hồng Yến” với Trần Quang và Tâm Phan, “Bão tình” với Ôn Văn Tài, Kiều Phượng Loan, Thùy Liên, “Chiếc bóng bên đường” với Kim Cương và Thành Được….

Năm 1973 , Kiều Chinh tham gia bộ phim “Hè muộn” diễn cùng Nguyễn Tất Đạt, Bội Toàn, Như Loan….Đây là phim đầu tay của đạo diễn Đặng Trần Thức vừa du học từ Pháp về nước thực hiện. Kiều Chinh đóng vai Loan.

Phong cách diễn của Kiều Chinh rất bình dị và đơn giản. Kiều Chinh đem vào điện ảnh những suy nghĩ, những quan sát từ cuộc đời vào cách diễn của mình. Kiều Chinh diễn xuất rất nhẹ nhàng, diễn như không diễn và vốn tiếng Anh lưu loát là lợi thế của Kiều Chinh so với các bạn diễn viên nữ cùng thời khi có các đoàn làm phim nước ngoài cần tìm diễn viên cho phim của mình. Năm 1968, Kiều Chinh đóng phim “Destination Việt Nam” và trở thành quốc khách của Philippine, đóng phim “Chuyện năm Dần” (Year Of The Tiger) do Mỹ sản xuất với nam tài tử nổi tiếng Marshall Thompson cùng một số tài tử khác như Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Năm Châu, Kiều Hạnh…Rồi “Operation CIA” với nam tài tử Burt Reynolds.

Năm 1971, Kiều Chinh đến Ấn Độ tham gia vai diễn trong bộ phim “Inside Out” do hãng 20th Century Fox nổi tiếng của Mỹ sản xuất, bà đã được vinh dự tiếp đón như một nàng công chúa thực sự - đó là những giây phút vinh quang của Kiều Chinh. Kiều Chinh đóng vai công chúa Ấn Độ Kamar Souria. Bạn diễn chính với Kiều Chinh là hai nam diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ: Rod Perry (Mỹ) và Dev Anand (Ấn Độ). Đóng phim này, Kiều Chinh có thư ký riêng, có người phụ việc và suốt thời gian quay phim, Kiều Chinh ở tại khách sạn Hoàng Gia của Bombay. Sự kiện Kiều Chinh làm công chúa Ấn đã gây nhiều sự bàn tán và phẩn nộ của công nghệ giải trí Ấn. Bởi họ có tự ái riêng khi diễn viên đóng vai công chúa không phải là diễn viên bản xứ.

Vinh quang đã đưa Kiều Chinh đi đến nhiều Liên hoan phim thế giới như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…Năm 1973 Kiều Chinh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của đại hội điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc.

Ngoài tài năng diễn xuất, Kiều Chinh còn là nhà sản xuất phim rất năng động. Giao Chỉ phim là hãng phim riêng do Kiều Chinh thành lập trước năm 1975 tại Sài Gòn đã sản xuất nhiều phim được đầu tư kinh phí cao và đoạt nhiều giải thưởng.

Vươn lên để tồn tại nơi xứ người

Chính tấm lòng yêu thương và lo lắng cho những đứa con bơ vơ của một bà mẹ đã giúp Kiều Chinh vươn lên và tồn tại trong những năm tháng khó khăn đầu tiên nơi xứ lạ. Lúc tay trắng rời bỏ đất nước ra đi , Kiều Chinh thấy mình giống như một cái cây bị bật hết gốc rễ lên và trôi dạt đến một miền đất xa lạ. Đi vì mong gặp con chứ thật ra cũng chẳng hiểu gì hơn. Lạc sang bên kia thế giới, một kiếp sống khác, không lý lịch, không nhà cửa, không bạn bè, bà con lối xóm…đó là những ngày tháng đau buồn nhất của Kiều Chinh.

Sau khi đến Canada, bỏ tất cả những hào quang và danh vọng của một “Ngôi sao Á Châu”, bà phải vươn lên trong khó khăn và nước mắt. Kiều Chinh làm việc rất cực khổ cho một trại gà, làm lao động tay chân rất bình thường như bao phụ nữ khác, mỗi ngày đi bắt gà bỏ vào lồng với mức lương 2 đô la Canada một giờ.

Trong thời gian này, Kiều Chinh cố gắng tìm cách liên lạc với các tài tử Mỹ ở Hoa Kỳ mà bà đã có dịp quen biết trước đây.Cuối cùng, Kiều Chinh đã bắt được liên lạc với nữ tài tử Tippi Hedren. Ngay lập tức Kiều Chinh được nữ tài tử này bảo lãnh cùng các con sang Hoa Kỳ định cư. Tại California, với khả năng sẵn có, với quyết tâm của một bà mẹ lo cho con phải sinh tồn, Kiều Chinh làm lại từ đầu, nhưng lần này, là một sự thử thách vô cùng lớn lao trước cánh cửa Holywood. Khởi sự với bộ phim truyền hình nổi tiếng “Mash”, sau đó, âm thầm cứ như một dòng suối chảy không ngừng…

Năm 1993, một phim của Hollywood được tung ra thị trường và ngay lập tức, được tất cả mọi giới chú ý đến. Cuốn phim đã được giới phê bình điện ảnh nhắc đến. Không những vậy, còn làm rơi lệ rất nhiều khán giả khi xem phim, Kiều Chinh với vai Suyuan trong phim “The Joy Luck Club”. Cho tới bây giờ, bao năm tháng đã trôi qua, thế mà chỉ cần nhắc tới tựa đề của cuốn phim, thì người ta nhớ ngay đến một nữ tài tử Á Châu xuất sắc, đã thể hiện rất thành công trong vai một phụ nữ Trung Hoa trên đường chạy loạn vì chiến tranh, kiệt sức, bà đã phải bỏ lại hai con nhỏ sinh đôi dọc đường.

Kiều Chinh liên tiếp xuất hiện trong một loạt các phim khác như: "Face," "Five Spices" và "Journey from the Fall"… và liên tiếp được trao tặng nhiều giải thưởng danh dự cho sự nghiệp nghệ thuật và công tác xã hội…Bộ phim “Face” được coi là một bi kịch xảy ra trong một gia đình Á châu mà “thể diện” là một đề tài quan trọng. Bà Liu (Kiều Chinh) ngày ngày may vá làm lụng vất vả trong khu phố Queen ở New York lo cho cô con gái xinh đẹp là Kim (Bailing) ăn học. Trong một buổi tiệc nhỏ, Kim rơi vào bẫy một công tử đại gia. Hai gia đình bắt đôi trẻ làm đám cưới. Cuộc hôn nhân thất bại, Kim mang bé gái sơ sinh về “ném” cho mẹ rồi biến mất. Mười bảy năm sau, bi kịch tăng cường độ khi Kim về ngôi nhà cũ thăm mẹ, bé sơ sinh năm xưa nay đã thành cô Genie xinh đẹp (Kristy Wu), từ nhỏ chỉ biết bà ngoại, không chịu nhận người mẹ đã bỏ rơi mình. Lớn lên tại New York cuối thế kỷ 20, cô bé gốc Hoa Genie rất thương bà ngoại Liu, nhưng cũng yêu anh chàng Mỹ đen Michael (Treach, một nhạc sĩ Hip hop nổi tiếng) …Face là một phim do Bertha Bay-Sa Pan vừa viết truyện vừa đạo diễn. Nữ tài tử Kiều Chinh đóng chung với các tài tử danh tiếng của Trung Hoa như Bai Ling (Anna and the King/Red Corner) nhưng chỉ riêng bà đoạt giải thưởng diễn xuất đặc biệt của đại hội Điện ảnh quốc tế “Women’s Film Festival” tại Turin, Italy vào tháng 3-2003. Cũng tại đại hội này, ban tổ chức đã trao 6 giải thưởng cho các nữ diễn viên tiêu biểu toàn thế giới và Mỹ chiếm được hai giải thưởng dành cho Shirley McLaine và Kiều Chinh.

Với vai diễn trong phim “The Joy Luck Club”, Kiều Chinh là diễn viên gốc Á duy nhất có tên trong danh sách 50 diễn viên làm khán giả rơi lệ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh, do Entertainment Weekly số ra ngày 28-11-2003 đưa tin. Trong cuộc bình bầu này, Kiều Chinh xếp thứ 22/50, đứng đầu là “Terms of Endearment” (với Shirley McLaine), thứ 15 là Titanic, thứ 17 là Love Story, thứ 30 là “Romeo and Juliette”, thứ 47 là “Moulin Rouge”...

Kiều Chinh trong năm 2005 đã nhận giải "America Heritage Award", nhật báo OC Register đã có bài viết đặc biệt về sự nghiệp điện ảnh của người tài tử Mỹ gốc Việt với tựa đề "International Citizen onscreen." .

Một trong các nét đặc biệt là nữ tài tử điện ảnh Việt Nam này đã từng đóng rất nhiều phim với vai trò phụ nữ Á Châu của nhiều nước. Từ bà mẹ Lào, người vợ Campuachia, người tình Đại Hàn, phụ nữ Trung Hoa, công chúa Ấn Độ...

Quê hương lại mở rộng vòng tay đón nhận bà.Kiều Chinh tham gia một phái đoàn từ thiện trở về xây dựng trường học cho học sinh nghèo vùng bị Mỹ- Ngụy tàn phá trong thời gian chiến tranh.Trở về Việt Nam, bà gặp lại những người thân, những bạn diễn đã một thời gắn bó với mình như: Đạo diễn Lê Dân, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, nhà báo Sâm Thương…thăm lại hãng phim, đường phố cũ, trở về Hà nội, trở về cội nguồn…Lòng nặng trĩu niềm vui pha lẫn nỗi buồn về bạn bè, về người thân, kẻ còn, người mất. Lửa đam mê nghệ thuật trong bà vẫn cháy mãi. Bà mơ ước có dịp nào đó sẽ về, và tham gia đóng phim tại Việt Nam. Nơi đã tạo ra một Kiều Chinh- Ngôi sao điện ảnh.

Ở tuổi 75, tuổi không còn những cống hiến như thời vàng son, nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn không ngừng cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ. Kiều Chinh giờ đây có lẽ cũng giống như người nghệ sĩ già trong "Ngọc Viễn Đông": khao khát cháy bỏng được cống hiến cho nghệ thuật, nhớ thương mòn mỏi thời vàng son đã qua nhưng thời gian là kẻ thù của người nghệ sĩ nên họ đành bất lực để mọi thứ ra đi...