Những Bức Thư Tình Của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn

Nhắc đến nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn, ai cũng nhớ đến những bản tình ca tuyệt vời của anh đã đi vào con tim hằng bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Người ta cũng nhớ đến những “Ca khúc da vàng” viết về tình yêu quê hương, đất nước của anh. Nhưng ít ai biết đến một khuôn mặt khác của Trịnh Công Sơn, khuôn mặt “người tình tuyệt vời” trong cuộc sống thật của anh. Khuôn mặt này vừa được bộc lộ qua tập sách “Thư tình gửi một người”, được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm Trịnh Công Sơn “ra đi” mãi mãi! Trong Lời Thưa mở đầu tập sách Trịnh Vĩnh Trinh đã viết:

“…những lá thư này không chỉ bày tỏ tình yêu thương vô hạn dành cho một người con gái mà còn là biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu. Mặt khác những dòng thư gửi Ánh- Hướng Dương còn giúp giải mã rất nhiều ca từ và ca khúc của Trịnh Công Sơn, những bài hát đến hôm nay vẫn sống trong lòng người yêu âm nhạc của anh- như những lá thư trong tập sách này vẫn sống mãi sau bao dâu bể của cuộc đời”

Lá thư mở đầu cho cuộc tình là 2/9/64 ở Blao và lá thư cuối cùng qua email (17/1/2001) tại Saigon ( trước ngày tác giả bịnh nặng, nhập viện rồi qua đời khoảng  2 tháng) Một cuộc tình kéo dài gần 40 năm từ Huế qua Đà lạt lên Blao, xuống Saigon… Dù có những lúc bị đứt đoạn, bị phụ bạc, bị ngăn cách cả ½ vòng trái đất…nhưng vẫn còn “âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng” Nhờ thế mà chúng ta đã có được những tình khúc “song hành” với cuộc tình để nói lên những cảm xúc, những tâm tư của chính người trong cuộc (TCS). Có lẽ vì thế mà người ta cho rằng TCS viết nhạc hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra từ trái tim anh. Sau này ở cuối cuộc tình anh cũng đã thừa nhận khi viết thư cho Dao Ánh: “Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh”

Khi tình vừa chớm nở, hình ảnh người yêu trong sáng ở tuổi ngây thơ với dáng gầy, tóc mây, bàn tay năm ngón tay thiên thần phiến băng dài lạnh giá …”Anh nhớ đến những ngón tay mùa đông rất lạnh của Ánh. Những ngón tay đã nhốt kín cả một vòm trời đầy lá non xanh của mùa xuân, mùa thu, mùa hạ ở Huế” và nó cũng đã in dấu qua nhiều tình khúc TCS ( Lời buồn Thánh, Chiều một mình qua phố, Ru em từng ngón xuân nồng, Tuổi đá buồn…)  hoặc như anh đã từng thổ lộ : “Anh chờ Ánh đến để hát cho Ánh nghe những bài hát mới”, lần khác anh đã bộc lộ rõ hơn : “Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn”

“ Trời ươm nắng cho mây hồng, mây qua mau em nghiêng sầu..

Người ngồi đó trông mưa nguồn, ôi yêu thương nghe đã buồn..

Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao, còn gì nữa đâu sương mù đã lên…”

Để cuối bài hát như một lời tha thiết van xin : “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”

Tình yêu này đối với anh quý giá vô ngần: “Nếu đời sống này còn cho anh có Ánh dài lâu thì anh nghĩ rằng đó đã là hạnh phúc của đời sống mình rồi. Một thứ hạnh phúc qúy giá nhất của con người và anh còn muốn đòi hỏi gì hơn?”  Vì thế khi người yêu muốn anh ở lại Blao, nơi đèo heo hút gió, anh đã viết : “Anh cố gắng buộc đời mình vào nỗi đơn độc này để còn Ánh” “ Anh muốn đánh đổi tất cả cuộc vui, tất cả phố phường này để có Ánh mà thôi” hay “Làm sao để Ánh hiểu hết những tha thiết thầm kín trong anh”

Một lần sinh nhật Dao Ánh,TCS  đã chuẩn bị quà từ Saigon, khi ghé Đà Lạt lại thêm những bó Hồng tươi thắm xinh đẹp, để mang về Huế tặng người yêu, nhưng bất ngờ chuyến bay bị ngưng ở Đà Nẳng hơn một tuần vì tình hình chiến sự bùng nổ khốc liệt:

 “Bây giờ là đêm sinh nhật của Ánh. Anh còn biết làm gì hơn trong một thành phố giới nghiêm và nhiều hận thù với bom đạn những đêm hãi hùng ở đây” “với những ngày giới nghiêm vắng tanh và những đêm mở to mắt lo âu nghe những đường đạn bay quanh mình” Quá nóng lòng về Huế để gặp người yêu : “ Anh đang tìm mọi cách để về nhưng mọi con đường đã được chắn bằng dây kẽm gai và những họng súng thèm thuồng. Anh đã cùng một ông già vượt đi bộ gần 30 cây số, nhưng rồi cũng phải quay về”

 Vào thời điểm đó dù muốn hay không chiến tranh cũng đã tác động đến từng ngõ ngách của đời sống và tình cảm người dân Việt. “Trong giai đoạn này ai cũng buồn cả. mỗi người mang một nổi buồn riêng. Ai cũng đáng thương” Nhiều đêm anh thao thức về thân phận quê hương: “Không khí chiến tranh vẫn trùm lên đất nước này. Có nhiều đêm anh thức dậy giữa những tiếng đại bác nổ rất gần và thao thức suốt đêm lo âu” Anh tâm sự với người yêu “ Sống trong một giai đoạn mà mình không thể làm gì được cho mình kể cũng khổ. Mọi người đang bị cuốn trong cơn lốc của nhau. Thật thảm hại vô cùng” Và anh đã “tự bạch”:

 “Suốt giờ này qua giờ nọ anh ngồi ưu tư và lẩm nhẩm: Thời đại này con người bỗng rơi mất vùng cố định của mình. Những ưu phiền của mỗi ngày một lớn hơn. Mọi người mất hẳn đam mê với đời sống. Không ai có đủ can đảm tha thiết vào một công việc ” Hoặc ở một thư khác: “”chiến tranh đã đến một giai đoạn tàn nhẫn nhất nên dù vô tâm đến đâu cũng khó giữ nột thăng - bằng - bình an cho riêng mình”. Có lẽ trong những hoàn cảnh tâm tư đó mà những ca khúc về quê hương đất nước đã ra đời :“Mỗi lần viết xong một bản nhạc thấy như mình nhẹ nhàng, như vừa trút bớt những ưu tư nặng nề trên vai trên đầu xuống”

 Ngoài ra những lời tâm sự chân thành với người yêu trong tập sách này cũng giúp giải tỏa những lời đồn đãi ác ý về việc TCS “trốn lính”..,Hãy nghe anh tâm sự với Dao Ánh: “Anh nghe một người quen vừa ở Saigon lên cho biết đã có danh sách động viên khóa 20. Có lẽ anh đã có tên trong đó…” Và anh cũng đã chuẩn bị tinh thần: “Bao giờ có tin chắc chắn về chuyện đi lính của anh, anh sẽ cho Ánh hay. Sẽ có dịp đặt mình vào những giới hạn khác. Sẽ bắt đầu một cuộc đời học trò gian nan hơn. Sẽ bỏ vào lòng súng từng viên đạn phi lý để nhắm vào mắt, vào đầu vào tim nhau. Anh đã hèn nhát hay chiến tranh này quá thô bạo. Nhưng thôi anh sẽ câm bớt lại. Trong xã hội này lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng dễ biến thành những lời ngụy biện”

Nỗi nhớ người yêu trãi dài trên những trang thư : “Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì qúa chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói, đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào” . Do đó anh có thể viết thư bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu : Từ sáng sớm tinh mơ “thành phố Đà Lạt đang ngủ yên”, tới những ‘đêm đen mưa mù mịt” trên Blao, điện tắt thì thắp nến bạch lạp lên để tiếp tục viết thư…để gọi tên “Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi Phải gọi nhau đến bao giờ kiệt lực” hay  ở một thư khác:

“Anh gọi tên Ánh cho anh trong những ngày da du rừng núi này của anh”

“Ôi xin những vách núi hãy ghi lại tiếng gọi tha thiết này như một cầu khẩn để vang vọng cho muôn đời sau”

“Anh gọi Ánh nghìn lần cho đêm đen mất đi, cho ngày trở về, cho nắng sáng lên, cho hoa mặt trời tươm tất cùng khắp”

Ở thời điểm đó hạnh phúc vô biên của chàng nhạc sĩ chính là những lúc nhận được thư người  yêu: “Như một phép lạ thật mầu nhiệm, bức thư đến ngay lúc này ném anh về một đỉnh cao, ở đó anh bàng hoàng nghe loài chim lạ hót. Anh xúc động như vừa tìm lại được một vẽ kỳ bí nào đó đã đánh mất” Ở một bức thư khác, anh viết:

“Buổi chiều anh có một hạnh phúc: thư Ánh. Và như thế anh đã quên nỗi nhọc mệt của đoạn đường Saigon-Blao”

“Ánh vắng viết thư cho anh có đến gần một tháng. Anh ngỡ như là một hình phạt và kẻ tử tội không biết được lý do. Bây giờ thì anh an lòng hơn”

Trong mối quan hệ yêu thương này anh luôn là người nhường nhịn rất dễ thương: “Anh vừa bước ra sân. Trên trời trăng sáng buồn. Có một vì sao nằm cạnh đó, duy nhất. Xung quanh chỉ đầy mây trắng…Anh không hiểu nên dành ngôi sao độc nhất đó cho mình hay nhường lại cho Ánh. Thôi anh cho Ánh” nhưng có lúc chàng phải nhẫn nhịn đến “tội  tình” làm sao!:

Bây giờ anh chỉ biết tập làm người chẳng hề giận hờn. Xem giận hờn như một ân huệ trời đã dành riêng cho Ánh

Trong hai người phải có một kẻ biết nhịn nhục và kẻ đó bao giờ cũng là anh, anh biết thế”

Hãy nghe chàng nhạc sĩ mơ mộng ru người yêu ngủ: “Đêm đã khuya trên từng đầu cỏ. Ánh đã ngủ yên rồi phải không. Hãy ngủ bình an đi em lời ru sẽ là tiếng hát của những vì sao đêm nay. Anh xin kết bằng những tinh- túy-của-trời-đất đêm nay làm vương miện để vinh thăng cho Ánh.

Buổi sáng Ánh sẽ thức dậy bằng hào quang của vương miện”

Tình yêu tuy ngút ngàn như thế, nhưng thực ra anh chưa một lần chính thức ngỏ lời “yêu em”. Ôi ! 2 chữ thật  giản đơn, nhưng khi bày tỏ với cả trái tim nồng nàn chân thật thì sao mà hồi họp, lo âu căng thẳng:

“Dao Ánh,

Có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói, và phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu.

 

Anh yêu Ánh

Chỉ có đơn giản thế thôi mà phải dè dặt, phải cân nhắc, phải chạy thoát ra ngoài cái tỉnh..”

Đây cũng là khởi điểm. Từ đó anh sẽ còn Ánh dài lâu hơn hay anh sẽ mất Ánh chưa biết chừng.”

Sau đó chàng nhạc sĩ đã hân hoan, hạnh phúc vì “đang có người yêu” : “Anh bây giờ đang có một điều cần nhất là: yêu Ánh vô cùng.Anh đang nhớ lắm đây. Tình yêu đó bỗng đổi dạng như một phép lạ trong một giây phút”

Tình yêu đó giúp chàng nghệ sĩ tin yêu hơn trong cuộc sống dũ còn lắm muộn phiền:

Điều đáng vui mừng là chúng mình đang có nhau, đang cần nhau, đang yêu nhau.

Anh thì mỗi ngày mỗi nhớ nhiều hơn. Và như thế cũng đã an tâm để đủ sống, đủ vui, đủ tin yêu trong hiện tại”

Chàng nhạc sĩ luôn luôn tự tin với tình yêu hồn nhiên, chân thật nồng nàn của mình : “Anh cũng đã nghĩ rằng nếu sau này có một lầm lỗi gì thì điều đó sẽ chẳng bao giờ ở về phía anh cả”

Khi ngày sinh nhật của mình (28/2/67) chàng đã viết: “Anh chẳng có gì đáng để ăn mừng ngoài tình yêu của Ánh. Không có Ánh ở đây để cùng ngồi thật gần anh…Đời sống bỗng nhạt nhẽo tình cờ”  Và chàng chỉ  xin người yêu một điều thật giản dị:

“Hãy ngồi yên một phút và nghĩ đến anh

Điểm đặc biệt dễ thương là ở cuối những tình thư, TCS luôn nhớ cầu chúc Bình an cho người yêu thương, có lẽ anh đã thấu hiểu bình an là yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên hạnh phúc cho cuộc sống con người:

 “Chỉ mong sao cho Ánh bình an, bình an. Như thế đó thôi”

“Bây giờ anh chúc Ánh như bao giờ là bình an và tươi sáng. Nghe Ánh,”

“Hãy bình an và huy hoàng như loài hoa mà Ánh đã một lần mang tên. Anh chúc Ánh như thế. Yêu dấu vô cùng”

Tình yêu chất ngất là thế, nhưng khi vì người yêu, chàng nhạc sĩ hiền lành với tâm hồn cao thượng sẳn sàng chấp nhận hy sinh, chịu thiệt thòi :

Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu..”

Đây quả là một tình yêu lớn, vì không phải ai cũng có thể làm được nếu không có một “trái tim lớn” với tấm lòng nhân hậu bao la, đặc biệt chữ “ Hy sinh” là điều hiếm thấy nơi người đàn ông:

“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem như mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lối ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiên lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả…

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai”

Quyết định là thế, nhưng tình yêu vẫn còn đó, nỗi nhớ có lẽ vẫn âm ĩ trong lòng :

Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy

Tình ngỡ sóng xa đưa, nhưng còn quá bao la” (Tình Nhớ)

nên hai năm sau tình cờ biết được tin người yêu đi lấy chồng, chàng vẫn “bàng hoàng và thấy khó tin”:

“Khỏi phải ghi lại dài dòng những gì anh đã nghĩ suốt đêm qua. Anh chỉ muốn nói với Ánh một lần cuối điều thầm kín anh đã giữ lại trong anh bấy lâu. Đó là ước mơ anh được có Ánh bên cạnh để cùng đi với nhau dài lâu trên đời sống này. Bây giờ mọi điều đã lỡ. Ước mơ chỉ còn lại trong anh như một ngọn đèn không được đốt lên

Sao Ánh không báo tin đó cho anh,

Anh cũng không còn lý do gì để trách Ánh, Và thời của giận hờn cũng đã qua rồi..”

Rồi chàng đã tự an ủi mình : “Anh bỗng có chút yên tâm nghĩ rằng mọi sự đã đuợc an bài. Con người chưa đánh đổi được số phận mình” để rồi còn chút bình tâm viết ra mảnh giấy nhỏ : “Chia vui với Ánh, loài chim thân yêu sắp bay vút ra khỏi bầu trời của anh” Trịnh công Sơn

Cuối thư “Anh chép gửi cho Ánh bài nhạc anh vừa viết xong. Mong có dịp nào đó sẽ hát cho Ánh nghe”:

“Ngày tháng nào đã ra đi, khi ta còn ngồi lại

Cuộc tình nào đã ra khơi, ta còn mãi nơi đây

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…”

Để nghe trăn trở “Tình réo tình âm thầm, sầu réo sầu bên bờ vực sâu”….  

Rồi dòng đời trôi chảy “lên thác, xuống ghềnh” với biết bao biến đổi lớn lao trầm luân của đất nước, kéo theo sự thay đổi của từng số phận con người, người yêu cũng đã cách xa cả ½ vòng trái đất…

 Hơn mười năm sau, qua người thân biết được tin “hình như Ánh có rất nhiều phiền muộn trong lòng” chàng đã trãi tấm lòng chân thật với kinh nghiệm của bản thân để khuyên nhủ chân tình:

Quá xa xôi anh không biết phải góp ý với Ánh như thế nào giữa một xứ sở xa lạ như vậy. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh bức bách đến mấy, cũng gắng tìm được cho mình một chỗ riêng, một lối thoát cho niềm vui của mình. Điều này không dễ gì nhưng cũng khó có cách nào khác. Anh đã từng sống cái kinh nghiệm của kẻ thả mình chìm sâu trong tuyệt vọng nhưng đến lúc chợt tỉnh mới nhận ra mình đã hoang phí đời mình một cách vô ích. Dù còn một ngọn cỏ xanh tươi bên đời cũng cứ vui với màu xanh của nó”.Rồi chàng nhắc đến những kỷ niệm xưa ở Saigon:

Saigon vẫn còn mưa. Những nơi chốn quen thuộc Ánh đã từng đi qua vẫn còn đó, nhưng đang sống một đời sống khác”

Cuối thư anh chép tặng Ánh bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên”

“Em còn nhớ hay em đã quên nhớ Saigon mưa rồi chợt nắng

Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ đèn đường từng đêm thao thức,

Sáng che em vòm lá me xanh em còn nhớ hay em đã quên?”

Gần mười năm sau, họ gặp nhau ở Paris, nhưng vội vã qúa chưa nói được điều gì về cuộc sống riêng tư của mỗi người, nhưng khi ra đi cái nhìn quay lại buồn buồn của Ánh đã khiến chàng buồn muốn khóc.  Và nuôi niềm“ hy vọng sẽ gặp lại Ánh rất gần đây”

Vài năm sau Dao Ánh từ Mỹ trở về Saigon thăm lại người xưa để “trả nợ một thời em đã bỏ ai” dư âm cuộc viếng thăm đó đã ghi lại dấu ấn êm đềm sâu sắc trong tâm hồn chàng nhạc sĩ :

Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu

Trả nợ một lần quên hết tình đau”  

 khiến sau đó chàng cứ băn khoăn không biết là mộng hay thực? : “ ..lại nhớ những ngày ngắn ngủi và êm đềm đã qua.Có một cái gì đó như là giấc mộng, một thứ thực tại hầu như không có thực. Một dĩ vãng tưởng chừng sẽ mất hút mãi mãi bỗng dưng còn đó, trở về như một hiện tại, như của ngày hôm nay. Tất cả những hình ảnh đó cứ trôi đi bềnh bồng trong anh và cứ buộc anh phải cầm ly rượu lên để mà nhớ”

Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nổi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm”

Trịnh công sơn đã thức đến gần sáng để “viết cho Ánh” bản nhạc “Xin trả nợ người”

“ Hai mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một thời em đã bỏ ai

Hai mươi năm xin trả nợ dài. Trả nợ một đời em đã phụ tôi…

Hai mươi năm vơi cạn lại đầy. Trả nợ một thời môi vắng vòng môi”

Tạ ơn trời đất đã cho những người yêu nhau còn có cơ hội “trả nợ” tình nhau dù chỉ một lần trong đời để cho người tình chung thủy còn được dịp cất lên tiếng hát:

   “Muốn một lần tạ ơn với đời

    Chút mặn nồng cho tôi…”

Dòng đời đã về chiều, đã qua rồi cái thời tuổi trẻ thanh xuân “Cuồng điên yêu thương, cuồng điên nỗi nhớ”, bây giờ :

“Tình như nắng vội tắt chiều hôm

 Tình không xa nhưng không thật gần”

Những bức thư gửi cho nhau là những lời khuyên ân cần của tình bạn để giúp nhau có cuộc sống thanh thản hơn:

 “Phải xem mọi sự thật nhẹ nhàng. Phải biết đẩy lùi mọi thứ phiền muộn không cần thiết. Từ sau 75 anh đã tự luyện mình như vậy mới vượt qua được mọi thử thách, Anh thấy mọi điều trong đời đều là hư không cả…Chúng mình không còn trẻ nữa…phải sống hết và tận cùng từng giây phút”. Ở một thư khác :

Có lẽ đến một lúc nào đó tâm hồn phải thiền một chút mới sống được…

Hãy gắng vui vui và vui”

Đôi khi là một lời khuyên thực tế  trong mối chân tình bạn bè:

Điều gì thích thì làm ngay vì đâu có nhiều thì giờ để tính toán thiệt hơn trong cuộc đời này nữa. Đúng không ? Vui thì làm. Buồn thì thôi. Đừng tính toán quá vì điều đó chỉ làm mệt mỏi tâm trí mình”

Trong email cuối đời ( 2001) gửi cho Dao Ánh, TCS viết:

“Càng sống càng thấy có được một cuộc sống luôn bình thường là điều may mắn lắm rồi. Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất để cảm thấy đời nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn”

Đó cũng có thể là lời nhắn gửi của TCS đến những ai ở thế hệ “tuổi thu phai” để một mai khi tới lúc:

“Những hẹn hò từ nay khép lại

Thân nhẹ nhàng như mây”

Ta có thể nói “lời chia tay” với cuộc sống này một cách êm đềm

Cám ơn Trịnh công Sơn, tác giả những bức thư. Cám ơn Ngô vũ Dao Ánh đã “chia xẻ” những “Tình thư kỷ niệm yêu quý” mà chị đã nâng niu giữ gìn gần ½ thế kỷ qua, để hôm nay chúng tôi, những người yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dịp đến gần hơn với nét đẹp tâm hồn anh và có dịp thưởng thức tài năng văn chương của anh Ngoài ra “chân dung tình yêu” của Trịnh công Sơn qua tập sách này đã khiến chúng tôi xúc động. Do đó dù sau bao gian truân thăng trầm của cuộc sống, chứng kiến nhiều đổi thay, gian dối trong tình trường, “Những bức thư tình” này giúp chúng tôi thêm tin yêu để có thể khẳng định “Nét đẹp của Tình Yêu” là có thật, và vẫn còn hiện hữu nơi trần gian này. 

Xin cầu chúc mọi người đều đạt được niềm mong ước về Yêu Thương trong cuộc sống:

“Trái tim cho ta nơi về nương náu

Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều” (“Hãy Yêu nhau đi”)

                                                                                        Kỷ niệm 11 năm Nhớ Trịnh công Sơn

                                                                                                         1/4/2012

                                                                                                       Phượng Vũ