Cuộc Tắm Máu Rùng Rợn Nhất Trong Lịch Sử Việt Nam Tại Huế (Mậu Thân 1968) Của Hồ Chí Minh Và Bè Lũ Cộng Sản Việt Nam

Rạng sáng mồng hai Tết Mậu Thân, 2 giờ 33 phút là giờ khởi đầu của 624 giờ đau thương, kinh hoàng trong cuộc tàn sát say máu của bầy ác quỷ, của lũ nguời rừng. Bọn họ từ vùng núi phía Tây tràn vào Huế, họ là “Quân đội Nhân Dân”, là “Quân Giải Phóng”, là những tên cơ sở nằm vùng, là những kẻ trí thức, giáo sư, sinh viên đã một thời theo giặc, theo Ông Trí Quang, trong phong trào tranh đấu Phật Giáo vào năm 1966, họ thoát lên mật khu, nay theo lệnh của Hồ Chí Minh, của Bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam, trở lại Huế, với gươm đao, búa liềm, với mã tấu, với Ak 47, với B40, bắn sập thành phố, thẳng tay chém giết hằng loạt dân lành vô tội, để trả mối hận xưa, để “giải phóng” đồng bào Huế. Và Huế trong 624 giờ đồng hồ, đã trải qua từng giây một, từng phút một, từng ngày một, những tang tóc điêu linh, những máu và nước mắt của hằng chục ngàn dân Huế đã nhỏ xuống trên mảnh đất thân yêu, của quê hương xứ Huế trong suốt 624 giờ điêu linh đó.

Kêu trời không thấu, kêu đất không nghe, cầu khẩn thần linh phù trợ, thần linh cũng đã ngoảnh mặt. Huế ôm nhau trong vòng tay run rẩy, dìu nhau chạy trốn Việt Cộng trong bước chân khập khễnh, với nỗi kinh hoàng tột độ. Huế mỗi thước đất là mỗi thây người, là mỗi vũng máu tươi còn chưa kịp đổi màu. Huế ngập trong thây người và biển máu, từ bờ cây bụi cỏ, từ đường lớn đường nhỏ, từ trong nhà ra đến sân – sân trước, sân sau.

Huế từ 5giờ 30 sáng ngày mồng hai Tết Mậu Thân 1968, trong ánh sáng lờ mờ, “Quân đội Nhân dân” và đám người “Giải Phóng” một bầy quỷ đỏ, một lũ ma tinh, đang thèm khát xương trắng, máu đào của dân lành vô tội, đã hiện diện khắp mọi nơi trong thành phố Huế, đang khởi đầu một trận tàn sát đồng loại còn dã man hơn thời đại Trung Cổ. Trời chưa sáng hẳn, một số lớn gia đình trong ba quận, thị xã, đã bị quân Việt Cộng xông vào từng nhà lục soát tìm kiếm “Công an, Cảnh Sát, Ngụy quân, Nguỵ quyền” còn ẩn trốn đâu đó. Hằng loạt súng nổ bắn vào họ, những người đang cố gắng đào thoát khỏi nhà, tìm đường về đơn vị.

Nhân viên cao cấp của chính quyền Thị Xã Huế đã hy sinh đầu tiên, bị bọn chúng bắn hạ là Ông Trần Đình Thương, Phó thị Trưởng Thị xã Huế. Vì không nắm rõ tình hình, nên trời chưa sáng hẳn, ông vừa phóng xe Honda ra khỏi nhà thì bị bọn chúng bắn ngay trước cổng, đối diện với công viên Bến Ngự, ngay ngã tư Nguyễn Hoàng và Nguyễn Huệ, quận III thị xã Huế. Tội nghiệp ông ta, mãi đến hơn 12 ngày sau, khi khu vực này được giải toả, thân nhân mới lấy được xác đem về mai táng thì thi thể đã sình thối.

Khoảng hơn 6 giờ sáng, sương mù chưa tan, trời trở lạnh và thấp, nhìn về kỳ đài Phú Văn Lâu, Huế bật khóc trong nghẹn ngào, đau đớn, tủi hận, lá Quốc Kỳ không còn nữa, thay vào đó là một lá cờ gồm 3 mảnh, hai mảnh hai bên là màu xanh nhạt, mảnh giữa màu đỏ, ngay ở giữa mảnh đỏ là ngôi sao vàng.

Dân chúng Huế cứ ngỡ là cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thật tình không phải. Cờ của mặt trận giải phóng miền Nam chỉ có 2 mảnh, một mảnh màu xanh nhạt và một mảnh màu đỏ và ở giữa có ngôi sao vàng. Lá cờ mà bọn Việt Cộng treo ở kỳ đài Ngọ Môn là cờ của Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ, Hoà Bình của ông Chủ Tịch Lê Văn Hảo, và ông Phó Chủ tịch Thích Đôn Hậu, Chánh Đại Diện Phật Giáo Ấn Quang Miền Vạn Hạnh.

7 giờ sáng ngày mồng hai Tết, dân Huế bắt đầu chạy giặc, chạy trốn Việt Cộng. Bỏ lại tất cả, nhà cửa tài sản, ngay áo quần cũng không kịp mang theo, thức ăn, nước uống cũng quên, rời khỏi nhà càng sớm càng tốt, già trẻ, lớn bé, cha mẹ, con cái dắt dìu nhau tìm đường chạy trốn Việt Cộng, nhưng khốn thay, biết chạy đi đâu, nơi nơi đều là Việt Cộng, bọn Việt Cộng nổ súng vào đoàn người đang hỗn loạn, hốt hoảng chạy tìm nơi bình yên trú ẩn. Thây người ngã gục, máu đào dân lành tuôn rơi, tô đỏ màu cờ sao vàng của ông Hồ Chí Minh, của đảng Cộng Sản Việt Nam.

- Tại vùng Bến Ngự, Nam Giao, Từ Đàm, dân chúng kéo nhau chạy trốn lên vùng nhà máy nước Vạn Niên, gần đồi thông Quảng Tế sát chùa Từ Hiếu, có nhiều đoàn người chỉ đi được nửa đường thì bị bọn Việt Cộng pháo chận lại, nên đành phải quay trở lại nhà.

- Tại làng Phủ Cam, lực lượng địch đã vây kín, dân chúng kéo nhau vào trú ẩn tại nhà thờ Chánh toà Phủ Cam

- Tại Quận III Thị xã Huế, từng đoàn người từ vùng cầu Kho Rèn, dọc đường Phan Đình Phùng, vùng An Cựu, và xóm đạo Dòng Chúa Cứu Thế kéo nhau chạy trốn vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, trường Trung học Thiên Hựu. – Dân cư vùng Cầu số 7, vùng Hàng Me, khu vực Đập Đá, khu trường trung học Nguyễn Tri Phương kéo chạy vào trú tại trường trường trung học Kiểu Mẫu nằm sát cạnh BCH/CSQG Thừa Thiên Huế và BCH/ Tiểu Khu.

- Tại Quận II Thị xã Huế, một số ít dân chúng chạy trốn vào chùa Diệu Đế, chùa Ông, chùa áo vàng, trường trung học Gia Hội, đại đa số còn lại đều trốn tại nhà.

- Tại Quận I Thị Xã Huế, dân chúng đều tìm đường chạy trốn về vùng Cầu Kho, Mang Cá trú ẩn, nơi có BTL/Sư đoàn I che chở .

Những ngày tang tóc của Huế đã bắt đầu đến với báo hiệu của trời đất, không như năm ngoái, năm nay trời trở lạnh nhiều và cơn mưa phùn đã bắt đầu từ ngày mồng hai Tết, kéo dài cả đến hơn hai tuần lễ, trong suốt thời gian chiến cuộc tại Huế. Bầu trời u ám và mây xám đặc phủ cả thành phố. Huế trong cơn mưa lạnh giá buốt của trời đất và trong nỗi sợ hãi run người của dân Huế đang chạy giặc, súng nổ từ khuya đến suốt ngày mồng hai Tết và vẫn tiếp tục, lâu lâu trên bầu trời xám một chiếc máy bay quan sát (L-19), hoặc một chiếc trực thăng bay thật cao, lạc lõng giữa bầu trời cố đô Huế, lập tức hàng loạt súng của Việt Cộng từ mọi nơi trong thành phố, bắn lên máy bay, hằng trăm, hàng ngàn loạt đạn làm tăng thêm nỗi thất vọng tột cùng của mọi người.

Trong khi lực lượng quân sự của Việt Cộng đang tấn công vào những vị trí quan trọng trong thành phố, thì bộ phận chính trị, an ninh, của quân khu Trị Thiên và Tỉnh Thị Ủy Việt Cộng Thừa Thiên Huế bắt đầu cuộc tắm máu tàn sát dân lành.

Chỉ huy toàn bộ lực lượng an ninh là hai cán bộ cấp Khu:

- Tống Hoàng Nguyên và

- Phụ tá là Đại Tá Nguyễn Đình Bảy tức Nguyễn Mậu Huyên tức Bảy Lanh .

Về chính trị, phụ trách thành lập chính quyền cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên và Thị xã Huế, chịu trách nhiệm phát động quần chúng Tổng nổi dậy là:

- Thành ủy Viên Hoàng Kim Loan và

- Hoàng Lanh.

Cả hai nhóm này, an ninh và chính trị, hoạt động song hành và cùng kết hợp với lực lượng cơ sở nội thành, thành phần trí thức, sinh viên, những kẻ đã tham gia trong phong trào tranh đấu Phật giáo miền Trung năm 1966 của Trí Quang, Đôn Hậu, đã tạo thành một lực lượng hùng hậu truy bắt và tàn sát dân Huế không một chút nương tay.

Tất cả những thành phần trí thức, sinh viên trong phong trào tranh đấu Phật giáo miền Trung và cơ sở nội thành sau 1966 đã chạy trốn lên mật khu, giờ này đây, đều đã có mặt tại thành phố Huế và trực tiếp tham dự vào cuộc bắt bớ, giết hại dân Huế, trong suốt thời gian từ ngày khởi đầu, rạng khuya mồng hai Tết, cho đến ngày 22/Tết khi lực lượng quân sự của bọn chúng tháo chạy khỏi thành phố .

Bọn chúng là ai?

Tôi chỉ xin ghi tên những tay chủ chốt mà thôi:

- Lê Văn Hảo, Giáo sư Nhân chủng học, Đại học Huế .

- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Giáo sư Việt văn Quốc học.

- Tôn Thất Tiềm, giáo sư Việt văn .

- Nguyễn Đoá (cha vợ Tôn Thất Dương Tiềm), cựu giám thị trường Quốc học.

- Nguyễn Hữu Vấn, Giáo sư Trường Quốc Gia Âm nhạc và Mỹ thuật Huế

Hầu hết các đoàn viên Học sinh, Sinh viên Quyết Tử Phật tử trong phong trào tranh đấu Phật giáo vào năm 1966, đều có mặt và trực tiếp tham gia vào vụ tàn sát này: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh (con gái của Nguyễn Đoá), Hoàng văn Giàu, Nguyễn Thiết, và quá nhiều. . .

Thật ra ngay từ rạng sáng ngày mồng hai Tết, lực luợng An ninh Khu Ủy Trị Thiên và tỉnh Thị Ủy Thừa thiên-Huế đã bắt một số ít người mà bọn chúng đã có sẵn danh sách và giam giữ tại Toà Đại Biểu, thuộc Quận III thành phố Huế.

Sáng ngày mồng ba Tết, tức ngày 3/2/1968 (tây lịch), Tống Hoàng Nguyên, Bảy Lanh, Hoàng Kim Loan, Hoàng Lanh, nhận lệnh trực tiếp từ Lê Chưởng, Chính ủy mặt trận Huế, bắt đầu thi hành quyết nghị của Bộ Chính trị đã gởi cho Trung ương Cục miền Nam, khu ủy Khu 5 và khu ủy Trị-Thiên và phổ biến riêng cho Phạm Hùng, Võ Chí Công, Thiếu Tướng Trần Văn Quang Tư lệnh mặt trận Trị Thiên-Huế vào ngày 21 tháng 1 năm 1968:

1- Tổng nổi dậy, thiết lập chính quyền Cách mạng.

2- Thành lập mặt trận thứ hai, lấy tên là Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình.

3- Lùng, diệt, truy quét thành phần ác ôn, tàn binh ngụy, Công an Cảnh sát ngụy, các thành phần làm tay sai cho tình báo CIA.

[Đây là những chi tiết sau này được biết theo lời khai của Thành ủy viên Hoàng kim Loan, bị CSQG/Thừa Thiên-Huế bắt vào mùa hè đỏ lửa tháng 5/1972].

Phân công của các cán bộ Việt Cộng :

1- Thành lập Chính quyền Cách mạng cấp Quận, Tỉnh, chuẩn bị Tổng nổi dậy.

Người lãnh đạo và phụ trách hai công tác này là Thành ủy viên Hoàng Kim Loan và Hoàng Lanh. Sáng ngày mồng hai Tết, sau buổi mít-tinh tại Quận I và Quận II, với đám cơ sở nằm vùng, Hoàng kim Loan và Hoàng Lanh đề cử hai cơ sở nằm vùng của bọn chúng nắm giữ chức vụ Ủy ban Nhân Dân Cách Mạng hai Quận I và II:

- Chủ tịch ủy ban Nhân dân Cách mạng quận I: Nguyễn Hữu Vấn, Giáo sư trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ

- Chủ tịch ủy ban Nhân dân Cách Mạng Quận II: Nguyễn Thiết.

Nguyễn Thiết vượt tuyến vào Nam vào năm 1957, sau đó học Đại học Luật khoa Huế, thành viên trong ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Đại Học Huế. Hắn là cơ sở của Thành ủy viên Hoàng Kim Loan, nằm vùng trong Tổng hội Sinh viên Đại học Huế đã từ lâu.

Tại Quận III chưa tổ chức kịp nên Bảy Lanh trưởng ban An ninh Thành ủy đảm trách.

- Chính quyền Nhân dân Cách Mạng cấp Tỉnh.

Chủ tịch ủy ban Nhân dân Thừa Thiên- Huế là Giáo sư Đại Học Huế Lê Văn Hảo. Lê Văn Hảo là thành phần tranh đấu Phật giáo năm 1966, đã bị bắt, nhưng sau đó ông Trưởng ty Đoàn Công Lập đã trả tự do cho Lê Văn Hảo. Lê Văn Hảo là cơ sở Trí vận, cán bộ điều khiển y là Hoàng Kim Loan.

Phó chủ tịch là bà Đào Thị Yến tức bà Tuần Chi, nguyên Hiệu trưởng trường trung học Đồng Khánh. Cơ sở trí vận, cán bộ điều khiển là Thành ủy viên Hoàng Kim Loan. Đồng phó chủ tịch là Thường vụ Thành ủy Hoàng Phương Thảo.

2- Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình tại Huế:

- Chủ tịch: Lê Văn Hảo, Giáo sư nhân chủng học Đại học Huế.

- Phó Chủ tịch: Thích Đôn Hậu. Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Linh Mụ, Chánh đại diện Phật Giáo Việt Nam thống Nhất miền Vạn Hạnh (miền Trung). Cơ sở Tôn giáo vận của Thành ủy viên Hoàng Kim Loan.

- Tổng thư ký: Hoàng phủ Ngọc Tường, Giáo sư Việt văn trường Quốc Học.

- Nguyễn Đắc Xuân: Phụ trách thanh niên, sinh viên, học sinh. Những giờ phút đầu tấn công Huế, Nguyễn Đắc Xuân ở tại Ban Tham mưu mặt trận cánh Bắc sông Hương tức cánh 1.

Theo đài phát thanh Hà Nội phát đi bản tin vào ngày 3 Tết, tức ngày 1-2-1968, thì đây là một lực lượng kết hợp nhân sĩ, trí thức, sinh viên, và tôn giáo lớn (Phật giáo) yêu nước vừa mới thành lập tại Huế, nhằm đứng dậy chống đế quốc Mỹ xâm lược và đám tay sai bọn ngụy quận, ngụy quyền.

3- Lùng, diệt, truy quét ác ôn, tàn binh ngụy, Cảnh sát, Công an ngụy, tay sai CIA

Thi hành chỉ thị của Bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam và của Lê Chưởng, Chính ủy mặt trận Huế, Tống Hoàng Nguyên, Trưởng ban An ninh Quân khu Trị Thiên-Huế, Nguyễn Đình Bảy, truởng ban An ninh Thừa Thiên Huế đã lệnh cho Nguyễn Đắc Xuân, thành lập 3 lực lượng để phối hợp hành động với ban An ninh Khu và Tỉnh, Thị là:

a- Lực lượng Nghĩa binh Cảnh Sát. (CSQG)

b- Lực lượng Nghĩa binh Quân nhân (VNCH)

c- Các đội tự vệ Thành

- Lực lượng Nghĩa binh Cảnh Sát. (CSQG): Nguyễn Đắc Xuân giao cho Quận trưởng Cảnh sát Quốc Gia Nguyễn văn Cán chỉ huy. Nguyễn văn Cán nguyên là Trưởng ty CSQG Thị xã Huế, trong khoảng thời gian 1963-1966. Từ lâu, y là một tên nội tuyến nằm vùng, hoạt động cho cơ quan tình báo Việt Cộng, cán bộ điều khiển y là Trung Tá Tình báo Việt Cộng Hoàng Kim Loan. (sẽ nói rõ sau). Lực lượng này hữu danh vô thực, chẳng quy tụ được một ai.

- Lực lượng Nghĩa binh Quân nhân (VNCH) Nguyễn Đắc Xuân giao cho Đại Úy Nguyễn văn Lợi, sĩ quan QLVNCH. Đại úy Nguyễn văn Lợi là cơ sở nằm vùng của Cơ quan Quân Báo Việt Cộng, cũng như Thiếu tá Lê Cảnh Thâm, Trưởng Ty CSQG Tỉnh Quảng Trị, cả hai hoạt động đơn tuyến và cán bộ điều khiển hai đường dây này là Thiếu Tá Lê Cảnh Xuân tự Nam Đen sĩ quan Quân Báo của cục Quân Báo Cộng Sản Hà Nội. Nam Đen là anh ruột của Lê Cảnh Thâm. Lực lượng Nghĩa binh Quân nhân VNCH này, ngoài Đại úy Lợi còn có khoảng 10 tên Lao công đào binh gia nhập. Chúng tôi không có một tin tức nào ghi nhận mọi hoạt động của hai lực luợng này trong khoảng thời gian đó

Tóm lại, Lực lượng Liên minh Dân tộc, Dân chủ, Hoà bình, Đoàn Nghĩa binh Cảnh Sát, Nghia binh quân nhân VNCH, mà Việt Cộng trình làng trong Tết Mậu Thân tại Huế với hai mục đích rõ rệt: –

* Dùng hai lực lượng này để lôi cuốn quần chúng Huế tham gia vào cuộc Tổng nổi dậy, một hình thức như năm 1966, khi bọn chúng kết hợp với Trí Quang, Đôn Hậu, Thiện Siêu, gây ra vụ Biến động Miền Trung. Bọn chúng và Nguyễn Đắc Xuân đã thành lập Chiến đoàn Quân nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức, Lực Lượng Cảnh Sát Phật tử, lực lượng Học sinh, Sinh viên quyết tử, vv . . . Bình mới nhưng rượu cũ.

* Đánh lừa dư luận quốc tế, đã có Tổng nổi dậy ở Huế, dân chúng Huế đã thành lập các lực lượng trên, đã tham gia đông đảo, từ quần chúng, trí thức, sinh viên đến quân đội, cảnh sát, đồng đứng lên chống Chính phủ Trung ương Sài Gòn , chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Bộ chính trị đảng Công Sản Việt Nam, Ông Hồ chí Minh đã lầm, họ thất bại nặng nề trong âm mưu này, dân chúng miền Nam thấy rõ, quốc tế thấy rõ, Huế chẳng có cuộc Tổng nổi dậy của quần chúng Huế trong Tết Mậu Thân. Lực lượng Quân đội Nhân dân, quân Giải Phóng của ông Hồ đến vùng nào, chiếm vùng nào, thì đân Huế kinh sợ, bằng mọi giá bỏ trốn, rời khỏi vùng đó. Thất bại vì không thể lôi cuốn quần chúng Huế theo chúng, không có Tổng nổi dậy, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Hồ áp dụng: ”Bạo Lực Cách Mạng hay Bạo Lực Đỏ” để hăm dọa, trừng trị dân chúng Huế. Trách nhiệm thi hành Bạo lực Cách Mạng được giao phó cho các đội Tự Vệ Khu Phố, do Nguyễn Đắc Xuân thành lập và chỉ huy, cùng phối hợp với lực lượng An ninh Quân khu và an ninh Tỉnh, Thị, chủ lực của các Đội Tự Vệ thành gồm có:

- Các cơ sở nằm vùng từ lâu trong ba quận 1, 2, 3 thành phố Huế .

- Các thành phần trong phong trào Tranh đấu Phật Giáo năm 1966 đã thoát ly lên mật khu, nay trở về .

- Lực lượng “Học sinh, Sinh viên Giải Phóng” thành phố Huế.

- Những cơ sở bí mật nội thành như : Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Tiềm, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Thúc Tuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh (Con gái Nguyễn Đoá), Lê Hữu Dũng (con trai của chủ tiệm sản xuất đồ gỗ tại bến xe Nguyễn Hoàng, Lê hữu Tý), Nguyễn Tròn, bồi bàn tiệm ăn Quốc Tế, Thiên Tường chủ tiệm thuốc Bắc và hai người con trai của hắn (hai tên này là Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn), tên Gù tiệm thuốc lá Cẩm Lệ tại đường Trần Hưng Đạo, tên Nguyễn Bé thợ nề tại Quận 2, Trần văn Linh cơ sở nội thành của ban An ninh Bảy Lanh, nằm vùng trong một đảng Chính trị tại Huế, và nhiều nữa, tôi không thể nhớ hết………..Các đội Tự Vệ Khu Phố được rải đều khắp ba quận thị xã Huế, là một lực lượng sắt máu và tàn bạo nhất, bọn chúng là thủ phạm của những vụ sát hại hằng trăm, hàng ngàn dân lành vô tội tại Huế.

Nguyễn Thiết Chủ tịch quận II, Nguyễn Hữu Vấn Chủ Tịch Quận I, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tổng thư ký lực lượng Liên Minh Dân tộc, Dân chủ, Hoà Bình, Hoàng Phủ Ngọc Phan, đều hiện diện tham gia trong chiến dịch “Bạo lực Cách Mạng” này.

Tống Hoàng Nguyên, Bảy Lanh và Nguyễn Đắc Xuân thi hành chiến dịch ”Bạo lực Cách Mạng, Bạo lực Đỏ” rất tinh vi, và thực hiện qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn I. Đợt trình diện lần thứ nhất : Đại lực lượng này chia thành nhiều toán nhỏ, rải đều trong ba quận thành phố Huế, bọn chúng đi lục soát từng nhà, từng gia đình, kêu gọi “tàn binh, Ngụy quân, Ngụy quyền, Cảnh sát, Công an Ngụy”, ra trình diện giao nạp vũ khí, sẽ được khoan hồng. Ngoài ra trong khi lục soát từng gia đình, bọn chúng cũng đã bắt một số lớn những người mà bọn chúng đã có danh sách đen từ trước. Trong giai đoạn I này đã có một số ít nhân viên dân chính, quân nhân, Cảnh sát trốn tại nhà ra trình diện bọn chúng, họ được bọn chúng cấp giấy chứng nhận đã trình diện, và có quyền đi lại trong khu vực, mỗi người một giấy chứng nhận, tự do ra về không gặp trở ngại nào cả.

Giai đoạn II. Đợt trình diện lần thứ hai . Lời kêu gọi trình diện và giao nạp vũ khí vẫn tiếp tục. Những người còn trốn chưa ra trình diện thấy những kẻ đã trình diện yên hàn vô sự trở về nhà, lại còn được cấp giấy tự do đi lại, họ theo chân những người trước ra trình diện và họ cũng đã được bọn chúng cấp cho một giấy tương tự và cũng được bọn chúng trả tự do yên ổn trở về nhà.

Giai đoạn III. Đợt trình diện lần thứ 3. Những người còn nghi ngờ lẩn trốn chưa ra trình diện hai lần trước, nay thấy hai đợt đầu mọi người trình diện được tự do ra về còn được cấp giấy tự do đi lại, tất cả kéo nhau ra trình diện, họ cũng như những người đợt 1 và 2, được cấp giấy và tự do ra về.

Thế nhưng, tất cả đã lầm, tất cả đã lọt vào bẫy của bọn chúng. Chỉ vài ngày sau, lực lượng an ninh, cơ sở nằm vùng đi lục xét từng nhà và yêu cầu những ngươì đã trình diện trong ba đợt vừa rồi trình diện học tập tại các đia điểm trong thành phố mà bọn chúng ấn định. Tin tưởng như ba lần trước, đi rồi lại về, mọi người kéo nhau đi. . .

Nhưng rồi, vợ con trông đợi, cha mẹ mong chờ, đêm qua đêm, ngày qua ngày, tháng qua tháng, những người ra đi sẽ không bao giờ trở lại, vĩnh viễn không trở lại, ngàn đời vĩnh biệt. . . . Tất cả đã chết, tất cả đã bị chôn sống, tất cả đã bị bọn Việt Cộng không dùng súng đạn mà dùng vật cứng đánh vào đầu và lấp xuống hố sâu, hố cạn, tại vài nơi trong thành phố và hầu hết là các Quận vòng đai thành phố Huế. Họ đã chết không như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, đã hát: “Người chết như mơ” mà họ chết trong tư thế bị trói tay bằng dây kẽm gai, bằng dây điện thoại, và trong nỗi sợ kinh hoàng tột đỉnh.

Cũng trong thời gian này, tại vùng Bến Ngự, Từ Đàm, đại đa số dân chúng chạy ra khỏi nhà đều bị Việt Cộng bắn chận đẩy lui, đành trốn tại nhà. Lực lượng an ninh của Tống Hoàng Nguyên, Bảy Lanh và đám cơ sở nằm vùng lục xét từng nhà một, bắt dẫn đi một số người. Dân chúng đã nhận diện rõ những tên nằm vùng thật nguy hiểm và sắt máu trong các toán truy lùng này là tên Nguyễn Tú một võ sư môn phái Thiếu Lâm, nhà ở sát lăng Vua Tự Đức, gần đồi Vọng Cảnh, tên thứ hai là Cửu Diên, nhà ở Cầu Lim gần Đàn Nam Giao, ngoài ra còn có con trai của Cửu Diên, nguyên là một Sĩ Quan Quân lực VNCH, đào ngũ trước Tết Mậu Thân, cũng ở trong toán An ninh Việt Cộng, truy bắt đồng bào vùng Nam Giao, Từ Đàm, Bến Ngự. Trong số người bị tên Nguyễn Tú và Cửu Diên bắt đi, sau này tìm được xác có hai người là bạn rất thân của Cửu Diên và Nguyễn Tú, đó là ông Tôn Thất Hậu chủ tiệm ảnh Tự Do, ngay trước cổng chùa Từ Đàm và ông Nguyễn văn Nhẫn, thợ hớt tóc cũng ở gần đó.

Chị ruột tôi là Công Tằng Tôn Nữ Thạch Hà, bồng con chạy giặc từ vùng Từ Đàm chạy lên đồi Quảng Tế, khu nhà máy nước Vạn Niên, đã bị bọn Việt cộâng pháo kích chận đường, nên cả đoàn nguời phải chạy trở lại, khi về đến nhà thì mới phát giác bé Ni con gái của chị đã chết từ hồi nào trên tay của chị, vì bị mảnh đạn pháo của Việt Cộng, tội nghiệp cháu mới hai tuổi đầu, có tội tình chi.

Cũng trong thời gian này, dân chúng tại vùng Nam Giao, Từ Đàm, bị thương khá nhiều, cha tôi là Hoàng thân Tráng Cử, cùng với người bạn thân là bác Võ Thành Minh, cả hai đều là Trưởng Hướng đạo, họ đã chạy chỗ này, sang chỗ kia, băng bó, cứu giúp đồng bào trong cơn lửa đạn, chạy xin cơm người chưa đói, tiếp tế cho người đang đói, cho trẻ thơ. Hai ông đâu biết bọn Việt Cộng đang tìm bắt hai ông, khi biết được, hai ông chạy trốn nhưng rủi thay, bác Võ Thành Minh bị bọn chúng bắt được ngay tại nhà thờ Cụ Phan Bội Châu, còn cha tôi may mắn trốn thoát được. Bọn chúng đã giết bác Võ Thành Minh sau này mới tìm được xác.

Tưởng cũng cần nói thêm về bác Võ Thành Minh, ông là một trong những Trưởng Hướng đạo lâu đời nhất, cùng thời với quý ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, cha tôi, và Thượng nghị sĩ Trần Điền. Vào năm 1954, khi hiệp định chia đôi đất nước ký tại Genève, ông là người dựng lều bên bờ hồ Genève thổi sáo, cầu nguyện cho hoà bình Việt Nam.

Cụ Phan Bội Châu, một vị tiền bối cách mạng Việt Nam, một phụ tá cho ông nội tôi là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, trong phong trào Đông Du, và trong Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, cụ có hai người cháu nội cũng bị Việt Cộng bắt tại vùng Từ Đàm và đem đi chôn sống, đó là anh Phan Thiện Cầu, Đại Úy Quân Cảnh Quân lực VNCH, thuộc ngành tư pháp, và Phan Thiện Tường. Trong khi đó thì oái ăm thay, anh ruột của hai anh Phan Thiện Cầu và Phan Thiện Tuờng lại là Đại Tá quân đội Nhân dân của ông Hồ Chí Minh, Đại Tá Phan Thiện Cơ, đang là Tư Lệnh chiến trường Tây Nguyên. Không hiểu Đại Tá Phan Thiện Cơ nghĩ gì, khi hay tin hai người em của mình bị chính những đồng chí của mình đem đi chôn sống? Năm 1973, Đại Tá Phan Thiện Cơ là một thành viên cao cấp trong phái đoàn quân đội Bắc Việt tại ủy ban bốn bên (Việt Nam Công Hoà, Hoa kỳ, Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam) kiểm soát đình chiến đóng tại Tân Sơn Nhất, Sàigòn.

Tóm lại, số người tại vùng Bến Ngự, Từ Đàm, Nam Giao bị Việt Cộng chôn sống có khoảng trên 200 người, trong đó có anh Lê Hữu Bôi, chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigòn, từ Sai gòn ra Huế ăn Tết.

Tại nhà thờ Phủ Cam, sau một thời gian vây kín làng Phủ Cam, cuối cùng bọn Việt Cộng tấn công và xông thẳng vào nhà thờ, bắt đi khoảng 300 người, dẫn lên giam giữ tại chùa Từ Đàm, mãi đến ngày 19/9/1968, trong số 428 xác tìm được tại khe Đá Mài, vùng núi phía Tây quận lỵ Nam Hòa, có 300 xác của những thanh niên tại nhà thờ Phủ Cam.

Cũng trong thời gian này, tại dòng Chúa Cứu Thế nằm gần khu An Cựu, trên đường Nguyễn Huệ, nơi có khoảng hơn 500 đồng bào quanh vùng đang trú ẩn. Các đơn vị an ninh Khu, Thành, phối hợp cùng cơ sở địa phương, đám nằm vùng, tràn vào thanh lọc, bắt giữ và dẫn đi khoảng gần 300 người. Chỉ huy lực lượng này là Đại Tá Việt Cộng Bảy Lanh, cùng với ba cha con chủ tiệm thuốc Bắc Thiên Tường tại đường Duy Tân, sát chợ An Cựu. Cũng cần nói rõ Bảy Lanh là con nuôi của Thiên Tường.

Trong số người bị bắt dẫn đi có ông Trần Điền, ông là một vị Giáo sư, một Trưởng Hướng Đạo ngay từ hồi phong trào Hướng đạo Việt Nam mới thành lập, là cựu Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị, và đương thời là một Thượng nghị sĩ của Quốc hội Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, một nhân vật được mọi người dân Quảng Trị và Huế nể trọng, là một trong những viên chức hành chánh hiếm hoi được vị nguyên thủ quốc gia trao tặng Bảo Quốc Huân Chương vì những công trạng của ông đối với đồng bào, đối với Quốc gia, Dân tộc.

300 người này đã bị đám Bảy Lanh và cha con Thiên Tường trói tay, dẫn đi về hướng ấp Lăng Xá Bàu, Lăng Xá Cồn, thuộc quận Hương Thủy, sau này 300 xác được tìm thấy rải rác ở vùng Lăng Xá Bàu, thuộc quận Hương Thủy, trong đó có thi hài của Thượng Nghị sĩ Trần Điền

Trường trung học Thiên Hựu là nơi Việt Cộng đặt Bộ chỉ huy nhẹ của lực lượng an ninh Bảy Lanh, chính nơi đây là chỗ giam giữ những người mà bọn chúng đã bắt theo danh sách đã có sẵn, ông Bảo Lộc, Phó tỉnh trưởng Thừa Thiên cũng bị giam tại đây và may mắn cho ông, chúng đã dẫn ông lên núi và đưa ra Bắc, trước khi chúng nhận lệnh tàn sát dân chúng .

Tại Trường trung học Kiểu Mẫu nằm ngay sau lưng BCH/CSQG Thừa-Huế và Tiểu Khu Thừa Thiên, có khoảng trên 2000 đồng bào trú ẩn, được hai trung đội Cảnh sát Dã chiến bảo vệ, bọn Việt Cộng đã tấn công ba lần vào địa điểm này, nhưng đều bị chúng tôi đẩy lui, tuy nhiên ban ngày bọn chúng vẫn đều đặn pháo hằng loạt vào địa điểm này.

Tôi còn nhớ vào buổi sáng ngày mồng bảy Tết, tôi đang đứng nói chuyện với ông chủ nhà sách Nam Hưng tại ngay sân trường Trung học Kiểu Mẫu thì Việt Cộng bắt đầu pháo, quả đầu tiên rơi gần ngay chỗ ông ta và tôi đứng, tôi chỉ bị mảnh đạn làm rách áo giáp, nhưng thật tội nghiệp cho ông ta, mảnh đạn súng cối đã xé tan bụng ông ta, chết ngay chẳng nói được lời nào.

Trong ba quận thuộc thị xã Huế 1, 2, 3, Quận 2 (Tả Ngạn) là nơi mà mà bọn Việt Cộng bắt và tàn sát dân chúng nhiều nhất. Lẽ dễ hiểu, đây là một quận đông dân, là trung tâm thương mại, và đại đa số dân chúng không có nơi an toàn để chạy trốn, vì thế đều trốn tránh ở nhà. Dân chúng cư ngụ trong vùng đa số là viên chức chính quyền, quân đội, cảnh sát, và đám cơ sở Việt Cộng nằm vùng cũng nhiều.

Tại Quận II trong những ngày đầu của “Bạo Lực Cách Mạng” khởi đi từ ngày mồng ba Tết (ngày 2/1/1968) một số viên chức Dân, Quân, Cán, Chính, của Chính phủ VNCH bị các Đội Tự vệ khu phố của Nguyễn Đắc Xuân và tên thợ nề Nguyễn Bé, chủ tịch khu phố chính quyền Cách mạng mới thành lập, lùng bắt tại nhà, hành hạ đánh đập, và cuối cùng xử bắn, danh sách quá dài nếu viết ra cũng vài trăm người – Xin nêu một vài trường hợp điển hình như :

- Thiếu tá Từ Tôn Kháng Tỉnh đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn.

- Ông Lê Văn Phú nguyên trưởng phòng Hành chánh Ty CSQG/Thừa Thiên, sau làm Quận Trưởng Quận II .

- Trần Văn Cư, phó Giám đốc Nha Cảnh Sát vùng I .

- Trần văn Nớp, nguyên Trưởng ban Nhân viên Ty CSQG/Thừa Thiên

- Chồng bà chủ quán bún bò “Mụ Rớt” .

- 13 nhân viên Cảnh Sát bị bắt tại nhà ở khu vực quận II, tất cả đều bị xử bắn .

- Bà Lê Thị Trâm ở đường Mạc Đĩnh Chi, bị người tớ gái là đoàn viên trong đội Tự vệ khu phố bắn ngay tại nhà.

Ngoài ra, ngay tại trường học Gia Hội, Tống Hoàng Nguyên, Hoàng Lanh, Hoàng Kim Loan cho mở phiên Toà Án Nhân Dân đầu tiên. Ông quan tòa là Hoàng Phủ Ngọc Tường, có Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thiết, chủ tịch chính quyền cách mạng Quận II, Nguyễn Bé Chủ tịch khu phố, và đằng sau là hai thành ủy viên Thành ủy Huế Hoàng Lanh, Hoàng Kim Loan tham dự .

Một số nạn nhân thuộc thành phần công chức, quân nhân, cảnh sát, trốn tại nhà bị bắt. Những người này ông toà Hoàng Phủ Ngọc Tường xếp họ vào loại ác ôn, một số khác là cô nhi quả phụ, vợ con của anh em quân nhân, Cảnh sát, Đia phương quân, Nghĩa Quân, cán bộ Xây dựng Nông thôn, đã tử trận, tất cả những người nghèo khổ này đi làm phục dịch cho lính Mỹ tại căn cứ quân sự Dạ Lê, Phú Bài, cơ quan MAC-V, như dọn dẹp phòng ngủ, giặt áo quần v.v. . . để kiếm sống nuôi con, nuôi cháu. Số người này được ông toà Hoàng Phủ Ngọc Tường xếp vào loại làm việc cho tình báo Mỹ, CIA . Với những tội danh trên, tất cả phải bị nhân dân anh hùng Thừa Thiên Huế và chính quyền Cách mạng trừng phạt đích đáng để làm gương : - Tử hình.

Kết quả có 204 người bị ông toà Hoàng phủ Ngọc Tường ban lệnh chôn sống, và đập chết bằng vật cứng vào đầu, trước khi xô xuống hố. Sáng ngày 26/2/1968 mới phát giác được hố chôn 204 nạn nhân này tại khuôn viên trường Gia Hội.

Gần đây, qua một hai bài phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Y đã chối bỏ hành động giết người tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân. Biện minh cho chuyện này, y nói không hề nhúng tay vào vụ tàn sát trên, vì thời gian đó y đang nằm trong hầm trú ẩn tại vùng Khe Trái, phía Tây thuộc quận Hương Trà, có nhân chứng đã thấy y ở vùng trên.

Với tư cách là một học trò nói với thầy cũ, và với tư cách của một cựu Chỉ huy truởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên- Huế, tôi phải nói rõ trường hợp này với cá nhân vị thầy cũ của tôi, giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, và nói với một đảng viên Cộng Sản, Tổng thư ký của lực lượng Liên Minh, Dân Tộc, Dân chủ, Hoà Bình, một tổ chức của Bộ Chính trị đảng Cộng Sản khai sinh trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, và cuối cùng nói với một tên sát nhân, một tên tội phạm diệt chủng Hoàng Phủ Ngọc Tường, thủ phạm của những vụ tàn sát, giết hại hằng trăm, hằng ngàn đồng bào vô tội, không những tại toà án nhân dân ở Bãi Dâu và nhiều nơi khác, tại thành phố Huế trong Tết Mậu Thân 1968.

Rồi thời gian qua nhanh, đất nước không còn có được những ngày thanh bình, những người Cộng Sản Miền Bắc phát động cuộc chiến xâm lăng miền Nam, chúng tôi những thằng học trò cũ của thầy, đã xếp sách vở, xông vào cuộc chiến. Từ những chốn xa xôi, nếu có tình cờ gặp nhau, chúng tôi thường nhắc lại những kỷ niệm khó quên của thuở học trò tại trường Quốc học, bao giờ chúng tôi cũng nhắc đến thầy.

 

Thưa thầy, tôi là Liên Thành, học trò cũ của thầy môn Việt văn, lớp đệ nhị B2, trường Quốc học Huế, niên khoá 1957-1958. Phải thành thật thưa với thầy, không những tôi, mà tất cả đám bạn học cùng lớp, mặc dầu đều là những tay trốn học, bỏ lớp, các môn Anh văn, Vạn vật, nhưng đối với môn Việt văn do thầy dạy thì không bao giờ, bởi lẽ không một thầy nào dạy môn Việt văn hay bằng thầy, tôi còn nhớ thầy vào lớp dạy, với mái tóc dài bồng bềnh, khuôn mặt hiền từ, đúng là một thi sĩ hơn là một ông thầy giáo, không sách, không vở, không tài liệu cầm tay, cả lớp ngồi im lặng, và thầy đã nói cả tiếng đồng hồ về văn chương, chữ nghĩa, thơ phú, từ điển tích xa xưa, đến những bài thơ cổ. Ngoài ra, thầy còn giảng dạy cho chúng tôi những lẽ phải, trái, tư cách làm người, đạo đức, và tấm lòng nhân hậu thương yêu mọi người…….

Thế nhưng định mệnh trớ trêu, bẵng đi vài năm, khi tôi từ đơn vị tác chiến về Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế, vào tháng 6 năm 1966, đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ty Cảnh Sát Đặc Biệt, để dẹp loạn miền Trung, hai người tôi phải đối đầu là thầy, và thằng bạn học cũ từ thuở xa xưa vào năm lớp nhì, lớp nhất tại trường tiểu học Nam Giao và những năm kế tiếp tại trường Quốc Học, đó là Nguyễn Đắc Xuân. [Nguyễn Đắc Xuân sinh năm 1937 tại Huế, nhưng trên giấy tờ khai sanh là 1943, hắn gốc QuảngNam. Thuở nhỏ học trường Tiểu học Nam Giao, gần chùa Từ Đàm, Xuân và tôi cùng học với hai Thầy là, thầy Bút và thầy Liên. Nhà Nguyễn Đắc Xuân ở cuối dốc Bến Ngự, nhà tôi ở đỉnh dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm. Nguyễn Đắc Xuân cựu học sinh Quốc Học 1956-1961, sinh viên Văn khoa và Đại học Sư phạm 1961-1966, ban Sử địa].

Trong hồ sơ cá nhân của thầy và của Nguyễn Đắc Xuân, cả hai đều hoạt động trong ban Trí vận của cơ quan Thành ủy Huế, trực thuộc Thành ủy viên Hoàng Kim Loan. Cả hai đều là những tay tranh đấu rường cột của Phong trào Tranh đấu Phật Giáo miền Trung của ông Trí Quang, từ tháng 3 năm 1963.

Thưa thầy, đã có điều gì làm cho thầy bất mãn trong đời sống hằng ngày, để thầy phải biến đổi từ một ông thầy giáo được học trò kính mến, từ một người trí thức đúng nghia, từ một đời sống sung túc của một người dân miền Nam, và từ một đời sống tình cảm tốt đẹp với người tình là Tôn Nữ Bãng Lãng, đã biến thầy thành một tên Cộng Sản, và nhất là cái gì đã làm cho thầy từ một người bản chất hiền lành, nhơn hậu, thành một tên ác quỷ giết người không gớm tay, say máu người còn hơn quỷ dữ. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong đám chúng tôi, những người học trò cũ ngày xưa của thầy tại trường Quốc Học, và câu trả lời hợp lý là: – Có lẽ sau này thầy bị bệnh “thần kinh thương nhớ” căn bệnh đã biến đổi thầy, khiến thầy mù quáng, say mê chủ nghĩa Cộng Sản, phải vậy không?

Thưa thầy, chắc hẳn thầy không bao giờ quên, sau 1975 tại Huế, trong một buổi trà dư tửu hậu, tại nhà người bạn, rất đông bạn bè của thầy tham dự, một trong những người bạn thân của thầy là Giáo sư Bửu Ý, cũng là thầy dạy Pháp văn của chúng tôi năm Đệ nhất B5, đã chỉ vào mặt thầy với câu nói thật nặng lời ( Tôi xin lỗi độc giả phải nói lại nguyên văn lời thầy Bửu Ý nói với Hoàng Phủ Ngọc Tường): -”Tường, mi là một thằng trí thức sắt máu, hèn hạ, giờ này mi chưa sáng mắt, còn chạy theo liếm đít Đảng nữa hay sao”.

Thưa thầy, thầy đã khôn một thời và dại một đời. Có lẽ mộng ước của một kẻ trí thức như thầy muốn lưu một cái gì đẹp đẽ cho đời sau về mình, về giòng họ mình, nhưng thầy và em thầy đã lưu lại cho hậu thế những nguyền rủa, phỉ nhổ vào cá nhân thầy và giòng họ Hoàng Phủ của thầy, mãi mãi mang tiếng ô nhục, xấu xa, và kinh tởm của mọi người dân Huế, mỗi khi nhắc tới anh em thầy. Thưa thầy, dân chúng làng La Khê, quận Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị nơi nguyên quán của thầy, họ đã từng hãnh diện là làng La Khê đã có được một dòng họ Hoàng Phủ, khi mà vào năm 1882 Henri Riviere hạ thành Hà Nội lần thứ hai, Tổng Đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn vì không giữ được thành, phụ tá cho Tổng Đốc Hoàng Diệu là Tuần Vũ Hoàng Hữu Xứng đã tuyệt thực để tạ tội với Vua, và tạ lỗi với đồng bào vì đã không làm tròn nhiệm vụ Vua giao phó, và ông chỉ ngưng tuỵệt thực khi Khâm sai Đại thần Trần Đình Túc mang Chiếu chỉ của Vua Tự Đức ra Hà Nội bảo Tuần Vũ Hoàng Hữu Xứng phải ngưng tuyệt thực.

Thưa thầy, thầy có biết Tuần vũ Hoàng Hữu xứng là ai không? xin thưa, đó là cố nội của hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Vậy thì tại sao và nở lòng nào hai anh em thầy lại bôi đen tên tuổi của quan Tuần Vũ Hoàng Hữu Xúng, để đến nỗi sau Mậu Thân 1968 các vị bô lão của làng La Khê vì quá hổ thẹn hành động sát hại đồng bào Huế do hai anh em thầy gây ra, họ đã buột miệng nói rằng: Thói đời “Hổ phụ sinh hổ tử” sao lại có chuyện nghịch đời “Hổ phụ sinh cẩu tử”.

Bốn mươi năm đã trôi qua, hằng năm mỗi lần Tết đến, khi nhắc đến cuộc tàn sát kinh hoàng do thầy và em ruột của thầy là Hoàng Phủ Ngọc Phan, đã gây tang tóc đau thương cho 5327 gia đình dân lành vô tội tại Huế, không một ai không kinh tởm, và không nguyền rủa Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan.

Như vậy là ơn đoạn, nghĩa tuyệt, từ tháng 6/1966, chúng ta không còn giữ tình thầy trò. Biên giới đã được phân định, ông và Nguyễn Đắc Xuân thuộc về bờ Bắc, và tôi thuộc về bờ Nam của giòng sông chia đôi đất nước tại vỹ tuyến 17. Tôi đã bố trí trận đồ chặt chẽ để bắt ông, và Nguyễn Đắc Xuân. Tôi nhớ rõ, đêm thầy thoát lên mật khu, thầy đã từ nhà tên Chính cơ sở nội thành ở đầu cầu Phủ Cam, trên đường Phan Chu Trinh thuộc Quận III thị xã Huế, qua bên kia cầu Phủ Cam ăn cơm tối với Trịnh Công Sơn tại nhà của y, và sau đó đã cỡi chiếc xe hơi màu trắng của bà Tuần Chi do tài xế là Ông Lê Cảnh Đạm đến đón thầy đưa thầy lên chùa Linh Mụ rồi từ đó thầy băng qua ngã Văn Thánh, Long Hồ, Ngọc Hồ, vuợt nguồn từ sông Huơng để đến Mật khu sau lưng núi Kim Phụng tức núi Chuối thuộc quận Nam Hạ, phải vậy không thầy.

Tôi đã vấp phải một sai lầm trầm trọng để phải ân hận suốt đời là đặt tình cảm cá nhân không đúng chỗ trong vụ vây bắt thầy. Nếu hôm đó tôi đích thân chỉ huy lực luợng Cảnh Sát Đặc biệt vây bắt thầy chắc chắn là không tài nào thầy có thể chạy thoát được, nhưng vì đó là thời điểm tháng 6/1996 mặc dầu thầy trò mình đã là đối nghịch, thầy là cơ sở trí thức vận nội thành của Việt Cộng còn tôi là phó Trưởng ty CSĐB, cầm đầu cơ quan An ninh tình báo của Chính phủ VNCH tại Thừa Thiên-Huế, nhưng thầy vẫn chưa là Hoàng Phủ Ngọc Tường một tên đồ tể khát máu, sát hại dân lành không nuơng tay của Tết Mậu Thân 1968, vì thế mà trong lòng tôi vẫn còn nghĩ đến tình nghĩa thầy trò, không muốn tự mình ra tay, mặt đối mặt thật là ngượng ngùng, trò đi bắt thầy sao?

Vì thế tôi giao việc nầy cho viên phụ tá Đặc biệt của tôi. Anh ta và đám nhân viên của anh ta vì khinh địch, chủ quan, nên ông đã trốn khỏi thành phố chạy lên mật khu vào tháng 6-66 và Nguyễn Đắc Xuân vào tháng 7-66. Để rồi Mậu Thân 1968, ông và Nguyễn Đắc Xuân trở vào thành phố Huế gây oan nghiệt, điêu linh, tang tóc cho hằng ngàn dân chúng vô tội.

 

Và tiếp theo đây là những gì của cựu Chỉ Huy Trưởng CSQG/Thừa Thiên-Huế, Thiếu Tá Liên Thành nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tên sát nhân đã giết hại quá nhiều đồng bào Huế vào Tết Mâu Thân.

Bằng vào một số chứng cớ rõ ràng, minh bạch, tôi xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường là người chủ tọa phiên toà án Nhân Dân, của chính quyền Cách Mạng, và ra lệnh sát hại 204 người tại trường học Gia Hội thuộc Quận II, thị xã Huế trong Tết Mậu Thân 1968 . Lời khai của một số thân nhân đã bị Hoàng Phủ Ngọc Tường giết hại tại Trường Gia Hội : Sau Mậu Thân, tức sau ngày 26 tháng 2 năm 1968, quân lực VNCH tái chiếm Huế hoàn toàn, Việt Cộng đã tháo chạy, tình hình Huế ổn định dần. Tôi cho lệnh các toán tình báo tiếp xúc với một số thân nhân các nạn nhân đã bị Việt Cộng sát hại, trong đó có vùng trường học Gia Hội. Mục đích là cập nhật thêm tin tức, bằng chứng, xác nhận danh tánh những tên Việt Cộng nằm vùng đã nhúng tay vào các vụ sát hại đồng bào, để truy bắt vô hiệu hoá bọn chúng. Những điều chúng tôi thu thập được :

 

1- Hơn một trăm lời khai thân nhân của nạn nhân tại trường học Gia Hội đều nói rõ khi thân nhân họ bị bắt dẫn đến trường Gia Hội, họ có đi theo và hiện diện trong phiên toà án Nhân dân tại đó. Một số xác nhận người ngồi xử tội thân nhân họ là ông giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, họ đã biết mặt trong thời gian Phật giáo tranh đấu năm 1966.

 

Một số khác diễn tả nhân dạng và cũng đều xác nhận bên phía cằm của người ngồi xử thân nhân họ có một nốt ruồi khá lớn, nghe đâu ông ta tên Tường, nguyên thầy dạy học tại trường Quốc học trước đây.

 

2- Đặc biệt là lời khai của một quả phụ, vợ của một Chuẩn úy thuộc sư Đoàn I BB, theo bà ta, khi chồng bị bắt dẫn đến trường Gia Hội, bà ta đem thức ăn và áo quần đến cho cho chồng, người chồng có nói với bà ta: ”Em đừng lo, người ngồi xử trên đó là thầy cũ của anh, thầy Tường dạy anh ở trường Quốc Học”.

 

3- Bửu Chỉ, một sinh viên tranh đấu nổi tiếng tại Huế, một cơ sở quan trọng của Thành ủy viên Hoàng Kim Loan, nằm vùng tại Huế, đã bị lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế bắt trong chiến dịch Bình Minh vào mùa hè 1972, chính Bửu Chỉ khai và xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì phiên toà án nhân dân tại trường Gia Hội năm Mậu Thân. (Sau 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải sống trong những ngày khổ nhục, căm hờn, khi nhìn thấy thằng đồng chí nhỏ của mình là Bửu Chỉ đang ngủ với nữ đồng chí Lâm Thị Mỹ Dạ người vợ thân yêu của mình)

 

4- Trưởng toán Tình báo của phòng CSĐB thuộc khu vực Quận II, Thiếu úy Trọng, trong bản báo cáo về BCH Tỉnh sau Tết Mậu Thân cũng đã phúc trình Hoàng Phủ Ngọc Tường là người ngồi ghế ông toà, xử tử hình 204 đồng bào tại trường học Gia Hội.

 

5- Và cuối cùng là lời khai của Thành ủy viên Việt Cộng Hoàng Kim Loan, bị chúng tôi bắt vào mùa hè 1972 khai rằng chính y, và thành uỷ viên Hoàng Lanh đề cử Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì phiên toà án Nhân dân tại trường Gia Hội vào năm Mậu Thân 1968. Cũng chính y và Hoàng Lanh có mặt trong phiên xử đó.

 

6- Trong cuốn hồi ký “Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập”, do nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2002, công ty văn hóa Phương Nam phát hành tại TPHCM. Chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xác nhận y ở trong Ban Tham Mưu cánh Bắc sông Hương. Mặt trận này tức là vùng Quận 1 và Quận 2 Thành phố Huế .

 

Tôi nghĩ cũng đã quá đủ để có thể nói Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế trong suốt thời gian Mậu Thân, Hoàng Phủ Ngọc Tường là thủ phạm của 204 nạn nhân tại trường Gia Hội, và nhiều nơi khác trong thành phố Huế .

Gần đây sau loạt bài chối tội của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có nhiều người tại hải ngoại đã vội tin ngay và cho rằng có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường không có mặt và không nhúng tay vào vụ tàn sát đồng bào Huế.

Dù hắn có chối bay, chối biến đi chăng nữa, thì sự thực vẫn là sự thực – Chính hắn và các “đồng chí” thân cận với hắn phải biết – Chúng tôi chỉ muốn trưng ra những bằng cớ để quý vị nhận định mà thôi – Việc xét đoán đã có đấng thiêng liêng quyết định, những oan hồn của dân lành vô tội chắc cũng không để hắn yên.

Giờ đây với bệnh tật, phải ngồi xe lăn, và cõi chết đã gần kề, Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể chối tội với lương tâm của mình, cũng không thể quên được những ngày bi thảm của cuộc tàn sát ghê rợn, đẫm máu do chính y gây ra cho đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968, trong phần đời ngắn ngủi còn lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống trong những chuỗi ngày sợ hãi, sợ hồn ma bóng quế, sợ oan hồn, ẩn hiện, của những kẻ đã bị Hoàng Phủ Ngọc Tường thảm sát 40 năm trước, bởi thế cho nên:

Những chiều Bến Ngự dâng mưa

Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi

Tôi ra mở cửa đón người

Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.

Hoặc là :

Nợ người một khối u sầu

Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi …… (Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Hoàng Phủ Ngọc Tường! Không có người sống để ông “Tôi ra mở cửa đón người” mà chỉ là những người chết, là oan hồn của những dân lành vô tội đã bị ông sát hại. Kiếp luân hồi cũng không có đối với ông, vì nghiệp chướng mà ông gây ra đã quá nặng – Vậy thì đừng hy vọng gì để “Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi ” …..