(Giải Danh Dự Thi “Viết Về Nước Mỹ, 2010”. Mến tặng riêng những cư dân khu Royal Garden Estates)
Từ 1973 đến 1975, khi phục vụ trong Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên tại Phù Cát, Bình Định, tôi đã có dịp ở và sinh hoạt trong một loại nhà di động, nhưng gọn gàng và khá tiện nghi, gọi là nhà xe (trailer) do hãng thầu RMK của Mỹ cung cấp.
Khi định cư tại Mỹ, tôi lại tò mò muốn tìm hiểu về loại nhà mobilehome vì dáng vẻ bên ngoài của nó gợi nhớ cho tôi loại nhà xe di động tôi đã từng biết đến trước kia. Trong mấy tháng đầu còn rỗi rảnh vì chưa có việc làm, tôi thường lân la đến các khu mobilehome để tận mắt xem cho biết căn nhà mobilehome ra làm sao. Nhưng sau đó vì cuộc sống bận rộn đã cuốn hút tôi vào giòng chảy của xã hội Mỹ nên tôi cũng quên mất việc tìm hiểu loại nhà này cho chu đáo. Phải đợi đến hai mươi năm sau khi gần về hưu, tôi mới có nhiều thời giờ rảo khắp các khu mobilehome trong ba thành phố quanh khu Saigòn Nhỏ để thực sự nghiên cứu kỹ càng hơn về cuộc sống ở đó, ngõ hầu có thể chuẩn bị cho mình một chỗ ở khi về hưu. Năm 2002, sau khi bàn tính, vợ chồng tôi đã bán căn nhà ngoài phố Bolsa, dọn vào một khu mobilehome cao niên cho yên tĩnh, gọn gàng, đồng thời khỏi phải bận tâm chạy tiền trả cho nhà băng mỗi tháng.
Còn nhớ khi làm thủ tục giấy tờ với người quản lý, tôi nói đùa với anh ta hãy nhìn vào mặt tôi đã có quá nhiều nếp nhăn thì rõ, khỏi cần hỏi tuổi. Tuy vậy bằng lái xe của tôi là chủ hộ vẫn được anh ta xem đi xem lại mấy lần. Xem xong, với trách nhiệm nghề nghiệp, anh quản lý phán một câu trước khi để tôi ký giấy xin làm cư dân của anh:
- Ông đủ tuổi để cư ngụ ở đây.
Xét thấy điều anh ta nói hơi thừa, nhưng vì lịch sự tôi vẫn nói lời cám ơn. Thực ra, tôi đã biết mình không còn trẻ nữa kể từ khi đặt bút ký giấy chấp nhận một số tiền hưu đủ sống hằng tháng. Cả việc tôi hoàn trả lại cho sở làm cái bảng tên phai mầu sau 20 năm miệt mài công việc cũng là thái độ tôi xác nhận mình đã chính thức bước vào tuổi già với mái tóc muối tiêu. Bây giờ đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng nghĩ đến thời gian khi còn đi làm để nuôi sống gia đình, tôi bỗng nhận ra 20 năm làm việc của mình cũng mang ý nghĩa của một sự trả ơn cho đất nước đã cưu mang mình. Là người Việt lưu vong trên xứ người, tôi nghĩ dù là di dân thuyền nhân, ODP hay HO, nếu còn sức thì nên đi làm mà sống, nhất quyết không lệ thuộc tiền trợ cấp. Có việc làm để sống còn, để đóng góp vào sự thịnh vượng chung của địa phương nơi mình sống, âu cũng là một thái độ sống đáng khen ngợi khi làm trách nhiệm công dân. Thật là phải lẽ và cũng hãnh diện lắm chứ. Bởi vậy, khi về hưu gặp các bạn già tôi vẫn tâm sự rằng đã có một thời để đóng góp thì cũng cần có một thời để nghỉ ngơi. Chỉ có điều trước khi nghỉ hưu phải tính toán sao cho tiền hưu đáp ứng được với các nhu cầu tiêu dùng hàng tháng của gia đình. Ngoài ra cũng nên hoạch định một ít việc gì đó để làm theo sở thích của mình, hầu giúp tránh được ý nghĩ tiêu cực cho rằng mình không còn ích lợi gì nữa (helplessness) cho xã hội. Tôi quan niệm khi đã đến tuổi nghỉ hưu và có đủ 40 tín chỉ làm việc thì nên nghỉ, hầu còn có chút sức khỏe đi ngao du sơn thủy đó đây cho bõ những ngày sáng vác ô đi chiều vác ô về. Mới đây, tình hình kinh tế nước Mỹ xuống dốc, lại nghe người ta kháo nhau rằng những người trẻ sau này khi đáo hạn tuổi hưu sẽ phải làm việc thêm vài năm nữa mới được nghỉ. Lý do vì thành phần “baby boomer” như ở tuổi tôi nay đã đến lúc về vườn và lãnh tiền hưu, vì thế ghế công nhân để trống nhiều quá, sợ thiếu người đóng thuế cho ngân sách hưu bổng trong tương lai. Cụ thể, cá nhân tôi cũng nghĩ rằng thế hệ các con tôi rồi sẽ phải kéo dài thêm vài năm làm việc để đóng thuế vào quỹ hưu bổng sau này. Tôi đem điều này tâm sự với đám bạn già của tôi, họ cũng nhận xét như thế. Thậm chí vài người còn chép miệng: “Nghĩ mà thương cho bọn trẻ, có khi chúng phải vật lộn với công việc cho đến tuổi 70. Lúc đó, không biết chúng còn được thẳng lưng hay lại phải lom khom chống gậy vào phòng kế toán để ký giấy tờ về hưu.” Có người bi quan hơn, ví von rằng sau này con cháu chúng ta khi bước vào hãng đang là thanh niên, nhưng khi bước ra khỏi hãng đã trở thành cụ ông cụ bà. Về nhà nghỉ hưu chưa được mấy hôm, chúng lại phủi chân leo lên ... giường bệnh cho đến ngày bỏ luôn cuộc chơi.
Theo một thống kê của tiểu bang California, hiện nay có 4,800 khu vực mobilehome (Mobilehome Park) trên toàn tiểu bang làm nơi cư trú của hơn 800,000 cư dân. Chỉ quanh vùng Little Sàigòn mà thôi cũng đã đếm được hơn 11 khu mobilehome, với khu nhiều cư dân nhất có 217 căn hộ. Nhà mobilehome là một loại nhà được làm sẵn (manufactured home) bằng vật liệu nhẹ đặt trên một khung sườn bằng sắt có khoảng từ 14 đến 18 bánh xe cao su để có thể di chuyển được khi cần đến. Một căn nhà tiền chế thường được chế tạo theo hai kích thước thông dụng với 2 miếng hoặc 3 miếng ghép lại theo chiều dài (Double-wide, Triple-wide). Thử lấy kích thước của loại Double-wide làm điển hình. Diện tích của một căn nhà loại 2 miếng thường rộng cỡ 1,440 bộ vuông (square feet), gồm có phòng khách, phòng gia đình, phòng ăn, và 2 phòng ngủ (một lớn với bồn tắm ngay trong phòng và một bé hơn với phòng tắm riêng biệt). Cũng có luôn một chỗ đậu xe có mái che (carport), và thường đậu được 2 chiếc. Nói chung cũng đã khá rộng cho một cặp vợ chồng sinh sống. Ngoài ra, các chủ đất khi xây dựng một khu mobilehome sẽ có ý định dành cho hai thành phần cư dân khác nhau vào ở: khu dành cho gia đình (Family Park) và khu chỉ dành riêng người cao niên khoảng 55 tuổi trở lên mà thôi (Senior Park). Hầu hết các khu mobilehome khi thành lập ra đều có sẵn nhiều căn hộ được chủ đất (landlord) kéo vào đặt tại từng lô đất đánh số (space number) để người mua lựa chọn. Còn đối với người mua, tùy theo khả năng tài chánh có thể mua lại một căn nhà đã cũ từ một cư dân muốn bán lại hoặc đặt mua một căn nhà mới tinh ở khu sản xuất bên ngoài (mobilehome dealer) và kéo vào để ở, nhưng phải được sự chuẩn thuận của ban quản lý. Dĩ nhiên để có thể dọn vào ở trong một khu mobilehome, người mua nhà phải hội đủ những điều kiện và thủ tục giấy tờ cần thiết tại văn phòng quản lý. Mục đích chính là để người quản lý biết chắc người đến ở sẽ có khả năng tài chánh hầu trả tiền thuê đất mỗi tháng theo qui định hay không.
Vợ chồng tôi bán xong căn nhà ngoài phố, có sẵn tiền nên mua lại một căn mobilehome cũ để khỏi phải trả tiền nhà cho ngân hàng mỗi tháng như trước. Tôi nhẫm tính tiền hưu hằng tháng của chúng tôi, gồm có tiền hưu của hãng trả cho (pension) và phụ cấp hưu trí của chính phủ (SSA), cũng tạm đủ để trả tiền thuê đất mỗi tháng cho căn nhà tiền chế này. Liên quan việc này, tôi xin cống hiến đến người di dân Á Châu, nhất là đồng hương Việt Nam, một vài suy nghĩ và kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã trải qua. Sự chia sẻ kinh nghiệm này hoàn toàn có tính cách cá nhân và không phải là lời khuyến cáo chuyên nghiệp khi quí vị nghĩ đến việc vào ở khu mobilehome. Và những kinh nghiệm về mobilehome tôi chia sẻ trong bài viết này cũng không nhất thiết phải đúng như tại những tiểu bang khác, vì cá nhân tôi là cư dân của California mà thôi. Tại California, việc định giá tiền thuê đất cao hay thấp tại các khu mobilehome thường do chủ đất ấn định. Cư dân nếu không bằng lòng có thể lên tiếng bày tỏ sự không đồng ý của mình qua báo chí, họp hành, gửi kiến nghị…v..v.. Việc này trong nhiều thập niên qua đã là một đề tài lớn gây ra tranh cãi cam go, đến nay vẫn chưa có một thỏa thuận hợp lý giữa chủ đất và cư dân trong các khu mobilehome. Lý do là vì tiểu bang California không có một luật nào rõ ràng để chế tài và kiểm soát việc các chủ đất tự động tăng tiền đất. Tuy nhiên tại một vài địa phương cấp thành phố rất ít trong quận Cam (Orange County), chính quyền có được một hình thức kiểm soát tương đối mà thôi nhằm hạn chế việc các chủ đất tăng tiền đất. Nhưng sự can thiệp này của chính quyền cấp thấp cho đến nay xem ra không mấy hiệu nghiệm. Còn thủ tục giấy tờ để xin vào ở khu mobilehome thì tuy tương đối đơn giản nhưng nội dung các điều khoản ghi trong bản hợp đồng thì thật phức tạp. Bản hợp đồng là một tập tài liệu dày thường không dưới 35 trang được ban quản lý cung cấp cho cư dân mới vào để biết mà chấp hành. Thông thường người đi mua nhà mobilehome, dù cẩn thận và đọc hiểu tiếng Anh cũng sẽ chỉ am tường được một số các điều khoản căn bản mà thôi, chẳng hạn tiền đất mỗi tháng bao nhiêu, những chi phí về các tiện nghi sẽ được trả ra sao…v..v.. Còn lại là những ngõ ngách phiền phức khác trong các điều khoản mà người mua nhà mobilehome nên tìm hiểu cho cặn kẽ trước khi ký giấy tờ. Đôi khi cũng nhức đầu lắm. Nhân tiện nói đến việc trả tiền đất, tôi mạo muội đề nghị quí vị đồng hương nên cân nhắc cho kỹ một chi tiết quan trọng khác. Đó là nên chọn loại hợp đồng thuê đất nào cho có lợi, hoặc từng tháng (month-to-month) hoặc mỗi 5 năm, 10 năm chẳng hạn (tùy theo khu vực). Cá nhân tôi khi dọn vào, tôi chọn loại hợp đồng 5 năm. Điều này có nghĩa là ít ra trong 5 năm sau khi dọn vào, chủ đất không thể buộc tôi phải trả cao hơn nếu họ tự động quyết định tăng tiền đất trước khi hợp đồng 5 năm hết hiệu lực. Một việc nữa là người chủ đất hầu như không trực tiếp làm việc với người mua nhà. Họ khôn khéo thuê mướn một công ty tư nhân với một giao kèo pháp lý, và mỗi tháng công ty này sẽ chuyển ngân trả cho họ một khoản tiền nào đó đã được thỏa thuận giữa chủ đất và công ty. Mọi việc còn lại sẽ do công ty này hoàn toàn quyết định và điều hành, nếu không muốn nói là hoành hành và thao túng, nhất là việc họ tăng tiền đất với mức 3% mỗi năm hoặc cao hơn.
Xin tiếp tục lấy khu mobilehome nơi tôi ở làm điển hình. Đây là một cộng đồng nhỏ nhất, so với những khu mobilehome khác quanh vùng Bolsa, và được lập nên từ năm 1972. Đây là khu chỉ dành cho cư dân 55 tuổi trở lên, nên gọi là Senior 55 + plus Park. Theo cách giải quyết cuộc sống của người Mỹ, ở mobilehome là chuyện thực tế nếu không muốn nói đó cũng là một mô thức cho những ai muốn đơn giản hóa phần đời ‘down hill’ của mình. Có thể nói đây là những xã hội thu nhỏ lại về mọi mặt, khá lý tưởng cho những ai có nhu cầu cần sắp xếp lại đời sống vì một lý do nào đó. Sắp xếp lại đời sống, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen, sinh sống trong khu mobilhome sẽ giúp gia chủ hạn chế các chi phí đắt đỏ một thời trước đó đã làm nhức đầu những chủ nhà có một cơ ngơi quá đồ sộ, lại bớt được nhiều khoản chi tiêu không cần thiết một khi các tiện nghi đã được thu gọn lại. Nghĩa bóng, sống giản tiện trong khung cảnh mobilehome giúp gia chủ lấy lại quân bình cho mình trong cuộc sống bằng một sự nghỉ ngơi tinh thần cần thiết. Tóm lại, không những cư dân ở đây mà cả những khách vào thăm sẽ nhận ra cuộc sống trong các khu mobilehome thật gọn gàng và nhàn hạ, nhưng nhàn hạ có pha chút “cô đơn” về tâm lý. Chỉ có một điều là liệu những cư dân này, đặc biệt là cư dân Việt Nam, có chấp nhận để từ từ thích ứng với lối sống “cô đơn” trong khu mobilehome hay không. Chính điều này cũng là một yếu tố quan trọng đã làm tôi đắn đo nhiều trước khi quyết định dọn nhà vào khu mobilehome 7 năm trước đây. Và thật lòng mà nói, cho đến nay cá nhân tôi vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với nơi cư ngụ mới. Tôi tự hỏi liệu không biết mình có quyết tâm chấp nhận cách sống này cho đến cùng như hầu hết các cư dân láng giềng của tôi hay không.
Trong khu vực tôi ở, người Việt chỉ chiếm 1/3 trên tổng số căn hộ. Còn lại hầu hết là người Mỹ và Mễ. Nhưng trong số những cư dân Mỹ và Mễ này lại có đến hơn 1/3 tổng số gia đình đã không còn có cặp có đôi nữa. Tôi nhớ trong 7 năm qua, tuần tự theo thời gian, đã có gần 20 cụ ông cụ bà mà hầu hết là cư dân Mỹ rủ nhau đi về bên kia thế giới. Và còn lại trong các căn nhà đó chỉ là những ông chủ hoặc bà chủ mà thôi, xem ra họ phải thui thủi ‘đi sớm về trưa một mình’. Nhưng rõ ràng những ông chủ bà chủ góa bụa này vẫn sống một cách thoải mái, tưởng như sự cô đơn vì mất người thân không là một trở ngại cho họ trong cuộc sống. Tôi bèn tìm hiểu xem ‘nhân sinh quan’ của các cư dân ‘côi cút’ này sống thế nào, hầu giúp tôi trấn an và ổn định cuộc sống cho chính mình trong những tháng ngày còn lại. Nhiều lúc đi qua trước nhà những người Mỹ trong khu xóm, tôi muốn vào thăm người chủ nhà nhưng lại ngại. Cuối cùng tôi cũng đã mạnh dạn gõ cửa vào thăm họ để có cớ tìm hiểu làm sao họ có thể sống một thân một mình như thế được. Và tôi đã có câu trả lời cho mình. Đó là văn hóa Âu Tây, nhất là ở Mỹ này thật khác với Á Đông ta. Trước hết, hãy nói đến thế hệ con cái của họ. Khi đến tuổi 18, con cái được luật pháp hỗ trợ để rời bỏ cha mẹ chúng, tạo nên một cảnh sống mà người Mỹ quen gọi là “tổ chim bỏ trống” (empty nest). Đây là lối sống truyền thống của họ. Có nghĩa là những cư dân Mỹ hôm nay là cao niên, nhưng trước kia họ cũng đã từng ứng xử như vậy với cha mẹ mình. Và nếu trước kia cha mẹ họ đã chấp nhận sống cô đơn sau khi họ ra khỏi nhà thì bây giờ đến phiên mình họ cũng an phận với cảnh sống cô đơn đó. Như đã nói, vì đó là lối sống truyền thống của xã hội Âu Mỹ nên thiết tưởng cảnh sống vò võ một mình là chuyện không có gì phải suy nghĩ đối với những cư dân Mỹ. Nhưng với người Á Đông chúng ta, điều này thoạt đầu có lẽ thật khó để có thể chấp nhận được. Thử hình dung ra cảnh một người phải thui thủi sống một mình trong yên lặng suốt ngày đêm, tháng này qua tháng khác, không biết chuyện trò với ai. Nhất là những khi tối lửa tắt đèn, lại bị đau ốm cấp thời không có ai bên cạnh. Đành rằng đã có số 911 để kêu cứu, nhưng dễ gì người đau ốm giữ được tỉnh táo cho tới khi xe cứu thương đến. Bởi thế, trong cái nhìn của nhiều người Á Châu, những ông Mỹ bà Mỹ sống lui cui như thế chắc cô đơn lắm. Nhưng xét cho cùng, vì đó là một lối sống cha truyền con nối, tôi nghĩ họ không những chấp nhận lối sống cô đơn như thế mà họ cũng cảm thấy không cô độc chút nào. Trong mấy năm qua, thỉnh thoảng có nhiều đồng hương Việt Nam đến xem để mua nhà mobilehome trong khu tôi ở. Vì căn nhà tôi ở gần cổng nên có vài vị ‘góa bụa’ tiện đường ghé lại xin vào xem bên trong nhà cho biết. Luôn thể, họ cũng thật tâm bộc bạch với tôi hoàn cảnh đơn độc hiện tại của họ, và hỏi xem tôi có thể giúp ý kiến gì được nếu họ vào sống một thân một mình trong khu mobilehome. Tôi thực tình san sẻ với họ những gì tôi nhìn thấy và cảm nhận, nhưng dĩ nhiên mọi quyết định là do họ. Kết quả tuy có vài đồng hương đổi ý và không mua nhà mobilehome nữa, nhưng tôi hoàn toàn không có mặc cảm tội lỗi vì chuyện đó. Riêng vợ chồng tôi vì còn có nhau nên chấp nhận sống trong khu mobilehome này, nhưng cứ bảo nhau nếu một trong hai chúng tôi ai về với ông bà trước thì người ở lại sẽ tùy nghi chọn tiếp nơi ăn chốn ở cho phù hợp với ý mình. Nói thế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa quyết định được cuộc sống cho người còn lại rồi ‘sẽ ra sao ngày sau’.
Tôi đã có cơ hội tham gia một công tác từ thiện từ 17 năm qua tại thành phố Westminster và Santa Ana, Nam California. Đó là chương trình Meal-On-Wheel, mục đích mang cơm đến nhà cho những người già neo đơn là người Mỹ và Mễ. Hầu hết họ là cư dân trong các khu mobilehome. Riêng trong khu tôi ở cũng có đến 5 gia chủ người Mỹ và Mễ là ‘thân chủ’ của tôi trong chương trình này. Nhiều khi mang cơm đến nhà, bấm chuông mãi không ai mở cửa, chỉ nghe tiếng nói “Door is open” (Cửa không khóa) từ trong vọng ra. Đẩy cửa vào trong nhà vẫn không thấy ai, lại nghe có tiếng thều thào “I’m here” (Tôi đây này) từ trong phòng ngủ phát ra. Vào tận nơi mới hay chủ nhà nằm liệt giường hoặc mới bị ốm. Nhưng quan trọng hơn là khi có việc không may xảy ra cho chủ nhà thì có thể sẽ không ai biết mà chạy đến giúp đỡ. Cách đây 10 năm, khi mang cơm đến cho một cụ ông 72 tuổi tật nguyền ở trong một căn mobilehome tại Santa Ana, tôi mở cửa vào nhà vội vàng giúp đưa cụ ra khỏi bàn cầu mà sau hơn một nửa ngày cụ phải ngồi trên đó. Hỏi trước đó ai đã đưa cụ lên bàn cầu, cụ nói mỗi sáng vẫn nhờ đứa cháu trai đi học sớm tạt qua giúp, nhưng hôm ấy không thấy cháu trở lại như đã hứa. Một trường hợp thương tâm khác cũng xảy ra tại một khu mobilehome ở phía Bắc Cali nhiều năm trước, cho thấy một cụ bà người Mỹ không mở cửa nhà gần một tuần lễ. Người hàng xóm kêu cửa không được nên gọi 911, nhờ đó mới hay bà cụ đã chết trên giường từ lúc nào. Gần đây nhất, trong cơn mưa bão vừa qua (12/2009) tại Nam Cali, một người con từ xa gần 100 dặm lặn lội đến khu mobilehome nơi người mẹ ở để thăm mẹ khi nghe tin mẹ bị vách nhà đổ đè lên người. Đến nước này mới thấy cái không hay cho người già neo đơn sống một mình.
Sống trong khung cảnh và bầu khí sinh hoạt của khu mobilehome từ bấy đến nay, vợ chồng tôi ngày càng thâm tín hơn những điều phải làm với những tháng ngày còn lại của đời mình. Một buổi tối, thấy tim mình lộn xộn bất thường, tôi bấm 911 cho chắc ăn. Sau vài phút xe cứu thương đến thắng kít trước cửa, có thêm xe cảnh sát và xe chữa lửa chớp đèn sáng trưng. Tại phòng cấp cứu, tôi tỉnh như sáo. Bác sĩ nói tình trạng tim tôi không có gì trầm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi vài hôm, nhưng từ khi xuất viện về tự nhiên tôi thấy tuổi già xồng xộc đến nhanh hơn. Thuốc bổ tây ta đầy trong nhà nhưng không giúp được gì.
Căn nhà tôi lại ở ngay cổng chính, nên ngày đêm hễ thấy đoàn xe cấp cứu hú còi tiến vào là vợ chồng tôi vừa cầu nguyện vừa xem nó quẹo trái hay phải. Đợi khi đoàn xe chớp chớp đèn chạy ngược ra phía cổng, chúng tôi lại bỏ việc ngó theo, đoán già đoán non xem nhà nào có chuyện chẳng lành. Cho đến vài ngày sau, bất chợt thấy tờ thông báo tang lễ nằm trong hộp thư, lấy ra coi mới biết cư dân nào vừa từ giã cộng đồng. Đúng là Sinh Bệnh Lão Tử, mà tuyệt đại đa số cư dân trong khu này đang ở vào giai đoạn Bệnh và Lão, trước khi đến Tử. Nực cười thay, vậy mà cũng phải đủ tiêu chuẩn tuổi tác mới được vào ở đây. Tuy nhiên cuộc sống của những người già trong khu mobilehome nơi tôi ở cũng thật đầy đủ và ý nghĩa. Nhằm giúp bảo vệ sức khỏe trong khu cư dân cao tuổi này, ban quản lý đã sắm sẵn nhiều tiện nghi sinh hoạt miễn phí. Nào là hồ bơi với làn nước trong xanh được khử trùng mỗi tuần, phòng xông hơi, phòng tắm nước nóng có đấm bóp, phòng thể dục đầy đủ dụng cụ nhà nghề. Mùa hè, tinh sương chưa rõ mặt người đã có nhiều cư dân đi bộ tốc độ nhanh, hít vào thở ra nghe như còn tráng kiện lắm. Buổi trưa nóng nực, hồ bơi lao xao tiếng cụ ông cụ bà chào thăm nhau. Chiều tối, từng đoàn người lại theo nhau tản bộ, Mỹ Mễ Việt đề huề. Thu Đông, nhiều người còn chịu khó ngâm mình trong nước ấm, bắt máu huyết phải lưu thông để ngủ cho ngon giấc. Mỗi ngày còn có lớp tập gậy dưỡng sinh, cũng thu hút được hơn mười bác. Quả là những dịch vụ cần thiết cho sức khỏe. Xem ra ai cũng chịu khó lo cho bản thân mình. Thật đáng khuyến khích, nhưng tôi nghĩ đơn thuần đó chỉ mới thuộc phần xác, mong sao phần tâm linh cũng được quan tâm nữa mới đầy đủ.
Trong một ngày, nhiều vị cao niên đủ sắc dân nhàn rỗi ghé lại phòng câu lạc bộ vui đùa dăm ba câu chuyện để giết thì giờ. Riêng cư dân Việt Nam hễ ngồi lại với nhau thoạt đầu thế nào cũng nói chuyện thời sự, nhưng thường lại kết thúc bằng chuyện phiếm tuổi thọ. Một mẩu đối thoại tiêu biểu giữa hai cư dân Việt Nam nghe được như sau. Một bác trai giọng khào khào bắt chuyện với một cụ bà tròm trèm 80 ngồi xe lăn:
- Sao, hôm nay cụ có khoẻ không?
- Cũng như hôm qua thôi ông ạ. Chúa cho được ngày nào hay ngày ấy.
Bác trai có bệnh suyễn, ngửa cổ thở lấy hơi. Vài giây sau, bác mới xởi lởi nói tiếp, giọng đứt quãng:
- Được như cụ là ...thọ rồi. Tôi chỉ ...mới mấp mé 70 mà đã như gà chết.
Cụ bà trả lời, tiếng khàn khàn như ngậm kẹo trong cổ họng, nhưng âm hưởng lại nghe có chút tiếu ngạo giang hồ và bất cần đời:
- Vào đây ai cũng vậy thôi. Chuẩn bị là vừa. Tôi có visa rồi, chỉ đợi chuyến bay nữa là đi. Có điều không biết con cái có đứa nào đến kịp tiễn mình lên máy bay hay không.
Đại loại người già ở trong khu mobilehome của tôi hằng ngày gặp nhau không bàn bạc gì nhiều ngoài đề tài sức khỏe. Họ chào thăm, chúc nhau, và thông tin cho nhau tình trạng sức khỏe của những người già yếu neo đơn trong khu xóm. Dần dà sự quan tâm về sức khỏe của nhau đã dẫn đến một nhu cầu từ tâm. Một nhóm tinh thần gồm vài ba cư dân Mỹ Việt được thành lập để thăm viếng người đau ốm trong khu mobilehome này, có tên là Nhóm Tình Thương. Đây là sáng kiến của một bác cư dân Việt Nam trong khu này, khởi đi từ tấm lòng quảng đại của bác muốn quan tâm đến người khác. Cả chút tiền đầu tiên để làm phương tiện cho nhu cầu thăm viếng của nhóm cũng do chính con cháu bác góp lại. Nhóm Tình Thương vì thế đã giúp cho nhiều cư dân trong hoàn cảnh đơn chiếc thấm nhận được tình tương thân tương ái, trong khi con cháu không thể kề cận được. Bán bà con xa mua láng giềng gần là vậy.
Vào những buổi sáng nắng ấm, có những đôi ‘uyên ương’ còn gân, hoặc đã ‘quá đát’, nhưng vẫn còn mặn mà tay trong tay cùng nhau tản bộ trong khuôn viên của cộng đồng nhỏ bé này. Với tôi, đó là những hình ảnh tuyệt vời trong đời người, nói lên ý nghĩa còn có nhau đến cuối cuộc đời như lời nhắn trong bản tình ca ‘Mãi Mãi Bên Em’ của Từ Công Phụng. Và hai cụ Vandruff của khu xóm này là một trong những hình ảnh sống động và cảm động đó. Cụ ông Vandruff nguyên là một sĩ quan không quân lái khu trục cơ B17 rồi B24 ngang dọc vùng trời Âu châu trong thế chiến thứ 2. Còn cụ bà Vandruff một thời là hoa khôi miền Đông tuyết trắng. Không kể những năm tháng xa nhau vì chiến cuộc, còn lại họ đều có nhau trong cuộc sống. Đến nay cả hai đã gần đến tuổi trăm mà cứ quấn quít lấy nhau như đôi sam. Khi hai cụ tản bộ, ai cũng thấy cụ ông vẫn còn thích diện đúng mốt, quần áo bảnh bao. Cụ bà lom khom bên cạnh, đeo hạt cườm thấy rõ, lưng hơi khòm xuống nên hai vạt áo soirée không còn bằng nhau nữa, nhưng mầu áo còn hoa hòe hoa sói rực rỡ. Cụ ông bước đi ngay ngắn hơn, đưa cánh tay người hùng của mình ra để cụ bà nắm lấy như một điểm tựa trong cuộc đời đầy bể dâu. Tôi cố hình dung ra để thấy đẹp biết bao khi hai anh chị Vandruff năm nào dìu nhau lên trước bàn thánh nhận lãnh phép hôn phối với âm thanh bài diễm tình ca ‘Ngày hạnh phúc’. Gần đây cụ bà yếu quá vì biến chứng của bệnh Parkinson, tôi đến thăm nên biết cụ ông canh thức suốt đêm bên cụ bà. Cụ bà chỉ mới mê sảng đã làm cho cụ ông cuống cuồng như sợ mất cô dâu trong đêm tân hôn. Có thế dân gian mới nói con nuôi mẹ không bằng ông nuôi bà, hoặc con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.
Tôi trộm nghĩ, hầu hết các vị cư dân cao tuổi ở đây chắc chắn ai cũng đã có một thời vang bóng. Cả uy quyền lẫn vật chất đã được Ơn Trên ban đầy. Mấy năm trước, một cụ ông cư dân Việt Nam trong khu này thọ đến gần 100 tuổi mới từ giã người thân. Nghe kể lại, ngày trước cụ là một bác sĩ tài giỏi và nổi tiếng của bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện nay trong khu vực tôi ở vẫn còn có hai cụ Việt Nam thượng thọ, tuổi mấp mé 100, và tuy hai cụ đã lẻ đôi nhưng còn minh mẫn lắm. Qua kinh kệ hằng ngày, hai cụ xem ra rất ung dung tự tại với những ngày cuối đời của mình. Biết các cụ chẳng thể sống trường thọ mãi mãi, nhưng cầu chúc cho các cụ thảnh thơi cho đến cuối đời là quí.
Riêng vợ chồng tôi, dọn vào ở khu mobilehome này đã cảm nghiệm được năm cùng tháng tận trong đời mình. Chúng tôi có trách nhiệm lo cho nhau, nhất là phần tâm linh. Tuy còn cách tuổi trăm gần ba thập niên nữa, nhưng chúng tôi cứ lấy gương hai cụ Vandruff mà răn mình. Chúng tôi theo đạo Chúa, nên hằng ngày ngoài việc tạ ơn Chúa theo mỗi nhịp tim, vợ chồng tôi bảo nhau bao lâu còn hơi thở bấy lâu phải bám lấy nhau mà sống. Con cái Chúa sợ nhất là khi hấp hối không có ai bên cạnh để nhờ kêu tên Chúa và phó linh hồn cho Chúa. Nhiều khi trời đã khuya, chỉ còn lại hai chúng tôi đồng hành tản bộ với nhau trong bóng đêm. Đó là những giây phút chúng tôi được yên tĩnh bên nhau và có nhau. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện cho chính mình trong tuổi xế chiều, cho con cháu, và cho khu xóm được mọi điều may lành.
Nguyễn Hùng Cường, SPC 4
Vài chi tiết về người viết bài này
Tên: Nguyễn Hùng Cường
Email: <huongcuong_dcct@yahoo.com>
Trước 1975: - Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên & Hai Bên.
Sau 1975: - Ở tù Cộng sản 6 năm. - Ra tù, vượt biển. Được tầu Nam Hàn vớt đem về trại tỵ nạn Pusan.
Định cư tại California- Sống nghề Y tá tại bệnh viện Tâm Thần của tiểu bang. – Sau 17 năm tìm kiếm, đã gặp lại Thuyền trưởng Nam Hàn Jeon Je Yong là ân nhân đã cứu sống chuyến ghe vượt biển của mình. – Về hưu Tháng 6/2006 và qua Nam Hàn thăm quê hương của Thuyền Trưởng Jeon. Năm 2007, ra mắt Hồi Ký “Tấm Lòng Biển” để ca ngợi lòng nhân đạo và anh hùng của Thuyền trưởng Jeon vì cứu sống 96 thuyền nhân Việt Nam mà bị thượng cấp trù dập và trừng phạt nặng nề. - Hồi Ký “Tấm Lòng Biển” cũng nhằm nói cho thế giới biết đến truyền thống biết ơn của người Việt Nam. – Từ năm 1994 cho đến nay, tham gia công tác thiện nguyện tại địa phương Orange County, California, dưới nhiều hình thức.