Thụ Nhân Paris 2012: Các Bạn Phải Treo Cờ

“THỤ NHÂN – TRỒNG NGƯỜI” là khẩu hiệu của Viện Đại Học Đà Lạt trước ngày 30 – 04 – 1975, rút ra từ câu nói của Quản Trọng: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc – Thập niên chi kế mạc như thụ mộc – Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” (kế hoạch một năm là trồng lúa – kế hoạch mười năm là trồng cây – kế hoạch trăm năm là trồng người).

Viện Đại Học Đà Lạt trước năm 1975 là Viện Đại Học Công Giáo, do một vị linh mục làm Viện Trưởng và đặt dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (dĩ nhiên được hiểu là Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ). Tuy nhiên, Viện chưa bao giờ thêm hai chữ Công Giáo vào bảng hiệu của Viện, đa số sinh viên đều là ngoài Công Giáo, các tu sĩ công giáo theo học tại Viện đều được khuyến khích mặc thường phục đến giảng đường để tránh cái cảnh sáng sáng từng đoàn áo chùng thâm đi vào cửa Viện Đại Học như một đoàn kiệu. Kể từ ngày 30/4/1975, Viện Đại Học Đà Lạt được bàn giao cho chính quyền mới quản lý. Cũng từ đó, một số khá đông các cựu sinh viên của Viện tung ra mọi quốc gia trên Thế giới, nhưng vẫn mang cái mác Thụ Nhân. Cứ hai năm một lần các Thụ Nhân trên toàn Thế giới đã tổ chức cuộc họp mặt. Năm nay, cuộc họp mặt Thụ Nhân sẽ được tổ chức tại Paris từ ngày 2 – 15/6/2012.


Nếu chỉ là cuộc gặp gỡ như mọi lần trước thì cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng lần này, ngay từ trước ngày tổ chức Đại Hội một tranh cãi giữa các Thụ Nhân đã gây cảnh chia rẽ giữa các cựu sinh viên của Đại Học Đà Lạt. Thực ra, cuộc tranh luận này đã phát sinh từ cuộc họp mặt tại Úc Châu năm 2010, nhưng lần này tại Paris anh chị em Thụ Nhân đã có một thái độ dứt khoát. Ban Tổ Chức ban đầu của Đại Hội Thụ Nhân Paris gồm một nhóm nhỏ lão làng đã không muốn treo cờ vàng trong Đại Hội. Thái độ này đã gặp sự phản ứng của đa số anh chị em Thụ Nhân. Thế là Ban Tổ Chức bèn từ chức mà không tỏ thái độ trao quyền hoặc hợp tác với một Ban Tổ Chức mới. Phải chi các anh chị trong Ban Tổ Chức cũ nên trao quyền lại cho các bạn mới và vẫn hợp tác trong tinh thần Thụ Nhân để buổi họp mặt năm nay tại Paris được xuôi chèo mát mái. Thế là các anh các chị phải tự bầu ra một Ban Tổ Chức mới, nhưng để có một hội đoàn với đầy đủ tư cách pháp nhân với chính quyền để đứng ra tổ chức một đại hội như thế này, các anh các chị buộc lòng phải lập ra “Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt” cùng lúc có mặt với Hội Thụ Nhân Châu Âu. Cho đến giờ này thì mọi thủ tục đã được hoàn tất chờ ngày khai mạc Đại Hội như đã ấn định. Và Paris cũng là nơi duy nhất có hai Hội Thụ Nhân cùng là cựu sinh viên Đại Học Đà Lạt. Tân Ban Tổ Chức Đại Hội gồm một chủ tịch và hai phó chủ tịch là người Paris, một Thụ Nhân đến từ Marseille làm cố vấn còn các trưởng ban chuyên môn đến từ nhiều nơi trên Thế giới: Mỹ, Úc, Canada …..


Theo chỗ chúng tôi được biết thì các anh, các chị từ chối treo cờ vàng là muốn giữ một bộ mặt trong trắng đối với nhà cầm quyền hiện tại trong nước, với những mong rằng sẽ có ngày được mời về tham chính. Có người còn dựng chuyện lên là đã được cha Nguyễn Văn Lập làm di chúc để về xây dựng lại Viện Đại Học Đà Lạt. Không hề có chuyện này. Tôi là người được hân hạnh hầu chuyện cha Nguyên Viện Trường Nguyễn Văn Lập vào những ngày cuối đời của ngài mà câu chuyện đã được đăng trong Tập San “Ngày Xưa Hội Hữu”, Đặc San Thụ Nhân Châu Âu 2008, thì Cha Viện Trưởng chỉ ước ao một ngày nào đó Viện Đại Học Đà Lạt được trả lại cho Giáo Hội và sẽ do một Thụ Nhân điều hành theo tinh thần Thụ Nhân. Cho đến chết, vẫn chỉ là ước mơ của Cha Viện Trưởng. Sống trong lòng chế độ, ngài hiểu biết tường tận mọi vấn đề, ngài chẳng dại gì làm một tờ di chúc ngớ ngẩn như vậy. Lại còn đi xa hơn nữa, câu chuyện hoang tưởng này kéo cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican vào cuộc. Những bạn nào có mặt trong Đại Hội Thụ Nhân Âu Châu ngày 24/4/2009 thì chắc biết rõ vấn đề này. Ở Việt Nam hôm nay, Giáo Hội Công Giáo xin mở một cái Trường Tiểu Học cũng là chuyện hoang tưởng, chứ đừng nói gì đến một Viện Đại Học.


Trở về chuyện treo cờ trong Đại Hội năm nay ở Paris, tôi đề nghị các bạn phải treo cờ vàng ba sọc, nếu không, các bạn không có một căn cước gì dưới gầm trời này, các bạn đã được học tập nghiêm túc dưới lá cờ này. Rời quê hương ra đi, dưới bất cứ hình thức nào, các bạn vẫn muốn mang lá cờ này như một căn cước cho các bạn. Tôi đã từng thấy trước cửa nhà một người Mỹ gốc Việt hai lá cờ Mỹ và cờ vàng ba sọc đỏ, cho dù hôm nay Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không còn, Hiệp Định Paris đã bị vi phạm từ một phía trong số 12 thành viên tham dự ký kết. Thụ Nhân không phải là thành quả của chế độ Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, mà chế độ này cũng chẳng cần dùng Thụ Nhân đâu. Các bạn đừng ảo tưởng. Chúng tôi ở trong Nước dù muốn dù không chúng tôi là công dân của Nước này, chúng tôi chào lá cờ đỏ sao vàng là lẽ đương nhiên. Cũng đương nhiên như các bạn đã về lại trường năm 69 để dự Lễ Mãn Khóa với chiếc toge khoác ngoài bộ đồ lính, chân đi botte de saut. Cũng đương nhiên như các bạn đồng trang lứa ở Nam Định, Thái Bình làm anh bộ đội cụ Hồ vượt Trường Sơn đánh Mỹ. Phải chi đến một ngày ở trong Nước cũng như ở ngoài Nước chúng ta đứng nghiêm chào một lá Quốc Kỳ có đủ màu xanh lá cây của Trường Sơn, màu vàng của châu thổ Hồng Hà Cửu Long, màu xanh Biển Đông nơi đó có Hoàng Sa, Trường Sa. Phải chi đến một ngày chúng ta đứng nghiêm cất cao giọng mà hát một Quốc Ca trong đó có đủ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và cả kháng chiến chống giặc Phương Bắc, cả bi tráng trên Biển Đông chôn vùi xác anh, xác em.


Không chỉ là chuyện treo cờ, không chỉ là chuyện gặp gỡ hàn huyên, không chỉ là những chuyến du lịch đó đây, mà còn bởi vì Thụ Nhân không phải là người ngoài hành tinh, sống ngoài những khổ đau và chật vật của Đồng Bào trong Nước. Thụ Nhân phải lên tiếng bởi ở Nhà còn đó Trường Sa, Hoàng Sa, mà chỉ cần bạn mặc một chiếc áo phản đối đường lưỡi bò là sẽ gặp chuyện chẳng lành. Sống ở những Quốc gia Tự Do Dân Chủ, các bạn được toàn quyền hưởng thụ những vui vẻ của cuộc sống, mời các bạn cứ tự nhiên, nhưng xin dành một phút nhìn về Quê Hương, nhìn về anh em, bởi vì “Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng” (Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ -  Nguyễn Đức Quang).


Tháng 04 và tháng 05/2012 vừa qua tôi đã sống ở Paris, thăm nhiều danh lam thắng cảnh, gặp gỡ nhiều bậc trưởng thượng và bạn bè cũ mới, trong đó có khá đông Thụ Nhân, tôi đã đến và tôi đã thấy – veni et vidi.


Vũ Sinh Hiên


Thụ Nhân Cao Học Chính Trị Xã Hội.


Tp. Hồ Chí Minh