Tưởng Nhớ Những Vị Anh Hùng Vô Danh!

Mỗi khi tưởng nhớ đến ngày Quân Lực, chúng ta hay sống lại những giây phút hào hùng của QLVNCH, cùng tất cả những giây phút bi thảm nhất mà Quân lực đã phải gánh vác, đã phải đương đầu. Trong những giờ phút như thế, chúng ta thường hay nhắc lại những cảnh tù tội mà tập thể quân đội đã phải chịu đựng, những người con thân yêu của tổ quốc đã bỏ mình trên những vùng rừng thiêng nước độc. Chúng ta kính cẩn nghiên mình tưởng niệm tất cả những vị ấy đã vị quốc vong thân. Chúng ta đặc biệt tưởng niệm đến các vị tướng đã tuẫn tiết chết theo thành, không đầu hàng, chấp nhận một cuộc sống nô lệ.

 
Bên cạnh những vị anh hùng có tên tuổi ấy còn có hàng nghìn vị anh hùng vô danh khác cũng đã tuẫn tiết vì không chấp nhận chế độ CS. Thỉnh thoảng chúng ta cũng được nhắc đến một số trong các vị này. Trong số những người này, không những chúng ta được nhắc đến những quân nhân can trường đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chúng ta còn được nhắc đến vợ con của họ, những người chân yếu tay mềm đã can đảm hy sinh bên cạnh chồng. Chúng ta hy vọng rồi đây những tấm gương hy sinh vị quốc vong thân ấy sẽ lần lược được những người biết kể lại, để chúng ta, con cháu chúng ta được biết đến những vị anh hùng không tên tuổi ấy.
Trong tinh thần ấy, hôm nay tôi xin được nhắc đến tên tuổi của hai vị anh hùng mà từ lâu tôi đã từng cảm phục. Đây là hai khuôn mặt quen thuộc của xứ Quảng Ngãi mà hầu hết những ai đã từng phục vụ trước năm 1975 đều biết. Họ là những người lính rất bình thường, tính tình rất khiêm nhường, những lại là những con người các lực lương CS đều cảm thấy ớn lạnh một khi nhắc đến.
Người thứ nhất tôi được hân hạnh nhắc đến là Trung Sĩ I Hưng, phân chi khu trưởng xả Nghĩa Phước thuộc Quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Anh tên Lê văn Hưng hoặc Nguyễn Tấn Hưng gì đó tôi không nhớ rõ. Tôi được biết đến anh trong lúc tôi làm việc tại quận Nghĩa Hành. Anh quá nỗi tiếng nên tôi không thể không được nghe nói về anh. Là một trong số 200 quân nhân xuất sắc đã từng được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chọn lọc cho đi tham quan Đài-Loan, anh là niềm hảnh diện cho quận Nghĩa Hành. Sinh trưởng tại xã Nghĩa Phước, anh rất thông thuộc địa hình Nghĩa Hành. Chính vì thế nên mọi hoạt động của CS tại quân Nghĩa Hành hầu như đã bị anh chận đứng kịp thời.
Chiến công của anh rất nhiều và rất đa dạng. Chúng ta đã được bạn bè kể lại rất nhiều như những huyền thoại, vì đó là những chiến công không ai nghĩ có thể là sự thật. Tôi đã có lần xin anh đích miệng kể lại, anh chỉ cười: “Em chỉ là một người bình thường trong hàng nghìn người lính tại quận Nghĩa Hành này thôi. Chỉ tại bọn họ làm khổ dân mình nên em phải phản ứng, vì đó là nguyện vọng của em khi nhập ngủ, là bảo vệ xóm làng!” Và anh đã im lặng không kể tiếp. Tuy nhiên trong thời gian tôi làm việc tại quân Nghĩa Hành, tôi đã ghi nhận được một chiến công cũng thuộc dạng huyền thoại của anh. Tôi xin kể lại cho anh em chúng mình cùng nghe.
Đầu năm 1975, tình tình quân sự tại tỉnh Quảng Ngãi trở nên rất sôi động. Các đơn vị chủ lực thuộc sư Đoàn 2 đều bị giản ra, đến nỗi hầu như không còn lực lượng dự trữ. Đây là thời điểm mà sư đoàn Nông Trường 2 Sao Vàng của địch ráo riết hoạt động. Họ đã đưa nguyên một tiểu đoàn xuống chiếm lỉnh Núi Định Cương phía Tây Nghĩa Hành, uy hiếp trầm trọng an ninh của quận. Chính vì vậy nên các lực lượng địa phương quân phải chia nhau bảo vệ vòng đai của quận. Như anh em biết, các lực lương địa phương quân phần đông không có khả năng đương đầu với các đơn vị chính quy chủ lực của địch. Và trong thời gian nói trên một đơn vị cấp trung đội của chi khu vã bị địch vây chặc. Sau hai ngày cố gắng giải vậy, các lực lượng địa phương quân đều bị địch đánh bật ra. Trong cơn nguy ấy, anh em trung đội chỉ còn có một lối thoát là kêu cứu với anh Trung Sị I Hưng, hy vọng anh có thể giúp đở gì chăng. Dù không phải nhiệm vụ của mình, anh Hưng vẫn vui vẻ chấp nhận giúp. Đêm đó, anh một mình một súng, một máy truyên tin, bò qua vòng vây của địch và rồi hướng dẫn cả trung đội đào thoát ra không hao tổn một người.
Ngày 15/73, sau khi CS chiếm được tỉnh Quảng Ngãi, CS đã tìm bắt anh và xử quyết anh tại chỗ.
Vị anh hùng thứ hai là anh Đinh Ngây, một quân nhân nghĩa quân người Thượng thuộc quận Sơn Hà. Anh là một chiến sĩ can trường, thường hay lẻn vào vùng địch một mình để sát địch. Tôi nghe kể rằng đã có lần anh đã lẻn vào vùng Sơn Cao, sát hại nguyên một xã ủy khi chúng đang họp. Thực tế mà tôi biết rõ về anh là anh là người duy nhất hay về Quảng Ngãi bằng đường bộ, không bằng trực thăng như tất cả mọi người. Thời đó, quân Sơn Hà, một quận Miền núi nằm phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, đã bị cô lập. Không có một phương tiện nào bằng đường bộ có thể liên lạc với Sơn-Hà. Tất cả mọi liên lạc đều phải thể hiện bằng trực thăng. Thế mà chỉ có một mình người hùng Định Ngây của chúng ta lại không cần đến phương tiện lien lạc ấy để đi đi về về giữa quận lỵ và thị xã Quảng Ngãi. Anh đã hiên ngang ra vào vùng Đồng Ké như chỗ không người. Thỉnh thoàng anh lại giết một vài tên địch cản trở việc đi lại của anh, nộp một vài khẩu súng AK.
Tôi đã gặp anh lại lần cuối vào ngày 24 tháng Ba, 1975 tại sân by trực thăng Chợ Gò. Tôi tìm mãi mới gặp được anh đang buồn rầu giấu mặt giãu những người thân của anh. Anh buồn rầu nói: Tại sao họ lại ra lệnh bỏ Sơn Hà chứ? Chúng ta chưa đánh đấm với họ một trận nào hết mà. Nếu mà chúng ta bỏ đi, chắc tôi chết mất! Và rồi anh đã chết thật, chết thật anh dũng! Sau khi Quảng Ngãi thất thủ anh đã bỏ về Sơn Hả, một mình trốn lên núi tiếp tục chiến đấu một mình! Bọn CS không thể nào khắc phục được anh mà không bị tổn thất nặng. Cuối cùng chúng đành giở thủ đoạn củ cố hửu của chúng.Chúng đã uy hiếp vợ con anh, bắt họ phải viết thư kêu anh trở về. Và chúng đã phục kích anh trên đường v/ề. và đây là những đoạn trao đổi ngắn ngủi giữa anh và bọn phục kích anh trước khi anh bị bắn chết:
“Ai?”
“Đinh Ngây đây?”
“Hãy buông súng xuống ra đây!”
“Không hàng!”
Và anh đã chấp nhận bị giết chết để cứu lấy vợ con anh!
Trong bầu không khí trang trọng của ngày quân lực, tôi xin quý vị đồng hương của tôi hãy bỏ một ít giây phút để tưởng nhớ thêm hại vị anh hùng đã vị quốc vong thân này!
Trân Trọng!
           Song Long