Biển, Không Gian Và Người Máy:Sử Dụng Cho Công Bình Và Đạo Đức

LTS: Tác giả Hoành Sơn hiện nay đã cao tuổi, nhưng rất minh mẫn, dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài cũng có những nhận định rộng rãi và thâm sâu về nhiều vấn đề thuộc tôn giáo, triết học, văn hóa, khoa học, thời sự, v.v. Sau đây xin mời độc giả thưởng thức một vấn đề rất thực tế cho ngày nay và cho tương lai của Việt Nam và toàn thế giới.

Vào thời săn thú và hái quả, vì sống cá nhân, nên con người không cần đến pháp luật. Sang thời bộ lạc, đã có tù trưởng làm luật và xử án, nên không còn cảnh “cá lớn nuốt cá bé” nữa. Kỷ cương càng chặt hơn sang thời lãnh chúa, rồi quân chủ, dân chủ. Các bộ lạc, vì di chuyển luôn nên chưa có ranh giới đất đai. Ranh giới ấy sẽ được vạch ra khi dân định cư, thuộc về một lãnh địa hay một nước rõ ràng.

Dù sao chăng nữa, lãnh địa hay quốc gia chỉ tọa lạc trên mặt đất. Còn đại dương và không gian vẫn là những nơi vô chủ. Thế mà đại dương thì rộng gấp mấy lần lục địa, còn không gian thì mở đến vô cùng.

Thuộc địa hạt vô chủ còn phải kể đến các robot khi mai ngày chúng đã thành tự lập, tự trị (autonome) cao, khiến con người gần như không còn kiểm soát được nữa.

Vậy làm sao đây để thiết lập được trật tự trên biển khơi và không gian? Và làm sao đây để người máy tự (vận) hành có thể tuân theo một thứ luật hay “tiếng nói lương tâm” nào đó, hòng khỏi gây hại cho người xung quanh một cách vô tội vạ?

Trật tự trên biển

Đi biển rất nguy hiểm do giông bão, sóng thần, đá ngầm, hay do núi băng và giặc cướp. Nhất là ngày xưa khi chưa có tầu lớn với trang thiết bị hiện đại, cũng chưa có hệ thống định vị toàn cầu, vệ tinh thời tiết và hệ thống viễn thông tân tiến.

Vào ngày ấy, người ta chỉ đánh cá gần bờ và vượt đại dương đôi khi vì lý do giao thương. Chứ ngày nay, con người đã đóng tầu chiến, tầu ngầm, đồng thời phát hiện những tài nguyên biển lớn, như mỏ dầu chẳng hạn. Thế là bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang trên biển, đi đôi với sự tranh giành chủ quyền ở những vùng có tiềm năng kinh tế cao.

 

Biển Đông

Vì lẽ ấy, sau khi Liên hiệp quốc được thành lập vào năm 1945 (sau Thế chiến II), một trong những mối quan tâm hàng đầu của tổ chức này là lập trật tự trên biển. Vâng, người ta đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Luật Biển. Nhưng phải chờ đến cuộc tọa đàm cuối cùng, khởi sự từ 1973 và kết thúc năm 1982, người ta mới hoàn tất được một bộ luật mà đa số quốc gia công nhận và ký tên vô. Bộ luật này, gọi là UNCLOS (United Nations Convention on the Law Of the Sea), xác định quyền lơi và trách nhiệm đối với biển, hoạch định những quy tắc hướng dẫn (guidelines) việc khai thác những nguồn lợi thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường ở đó. Vâng, hiệp định 1982 xác định chủ yếu ba khu vực, đi đôi với quyền hạn của nước chủ nhà:

-Khu vực nội thủy (internal waters) : tất cả mặt nước ven bớ ra đến đường cơ sở (baseline : chỗ nước thấp dọc bờ biển) đều thuộc quyền nước chủ nhà, và tàu thuyền ngoại quốc không được bén mảng tới nếu không có phép riêng.

-Lãnh hải (territorial waters) : từ đường cơ sở mở rộng tới 12 hải lý (22km), ở đó nước chủ nhà có quyền lập luật và khai thác mọi tài nguyên. Tàu thuyền nước ngoài được qua lại vô tội (innocent passage, không có dáng vẻ gây hấn), còn chiến hạm ngoại quốc chỉ có quyền đi qua (transit passage) thôi.

-Khu đặc quyền kinh tế : từ đường cơ sở mở rộng tới 200 hải lý (370km), ở đó nước chủ nhà độc quyền khai thác các nguồn lợi thiên nhiên.

 

Thuyền Cá VN

Dẫu sao, UNCLOS chỉ là công ước, quy ước (convention), nghĩa là điều thỏa thuận với nhau giữa những bên ký tên, chứ không có tính cưỡng chế. Trong khi ấy, lãnh hải và khu đặc quyền kinh tế của một nước có thể chồng chéo với của một nước khác. Nhất là những hòn đảo và quần đảo ít người tới lui, thì một nước dù ở khá xa vẫn có thể viện lẽ này lẽ kia để đòi chủ quyền ở đó, hầu gồm luôn chúng vào lãnh hải hay khu đặc quyền kinh tế của mình. Lý do chỉ vì ở đó có dầu khí chả hạn! Nếu đây là nước lớn, họ có thể điều động chiến hạm tới để kiểm soát và ngăm đe, như trường hợp Biển Đông bây giờ.

Quả thật, vì quá rộng nên biển dễ trở thành vô chủ, khiến  cảnh “cá lớn nuốt cá bé”có thể xảy ra. Và khi ấy nước nhỏ, vì nhỏ mà “thấp cổ bé họng”, chỉ còn biết trông chờ vào công luận hay sự can thiệp của những sức mạnh bên ngoài.

Trật tự trong không gian

Biển cả mênh mông đã vô chủ, thì không gian, vốn  mở tới vô cùng vô tận, lại càng vô chủ đến đâu. Chỉ vùng khí quyển thấp nơi máy bay qua lại bình thường, quốc gia bên dười mới có thể kiểm soát bằng súng cao xạ và hỏa  tiễn địa-không. Chứ ở trên cao hằng trăm cây số xấp lên, chỉ những đại cường, với tiền nhiều và phương tiện kỹ thuật lớn, mời có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

 

Phi Thuyền Không Gian

Hiện nay, chỉ có trạm không gian ISS do Nga và Mỹ hợp tác lắp đặt với mục tiêu nghiên cứu thuần túy. Và cũng chỉ mới có Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc đưa được vệ tinh lên quỹ đạo để đo thời tiết hay do thám, hoặc phóng tàu lên nghiên cứu sao Hỏa, mặt trăng,v.v.

Thế nhưng ngay từ 2009, một tư lệnh không quân Trung Quốc đã tỏ ý muốn quân sự hóa không gian. Quân sự hóa không gian ư? Để rồi một  Stars War  (Chiến tranh-giữa-các vì sao) sẽ nổ ra thật sự, chứ không cón là phim khoa học viễn tưởng nữa. Thử tưởng tượng khi ấy sự khủng khiếp sẽ lớn đến đâu khi mà khói lửa ầm ầm ngay trên đầu chúng ta!

Thật ra, ngay vào năm 1983, Hoa kỳ đã tỏ ý muốn thiết lập một hệ thống Phòng thủ chống hỏa tiễn, được gọi cho xôm là Stars War ( Stars War là tên một loạt phim sử thi không gian do George Lucas sáng tác, với phim đầu tiên ra mắt năm 1977). Thế nhưng Stars War thật, vì quá khủng khiếp cho cả bên thắng lẫn bên thua, nên chưa nước nào dám lao vào, thế thôi. Không dám bắt đầu, nhưng sửa soạn để đối phó, thì chắc nhiều nước đã nghĩ tới rồi.

Vào thời Chiến tranh lạnh, vì hai bên còn gờm nhau, nên cả Mỹ lẫn Liên xô chưa ai dám “làm tới”, mà chỉ dừng lại ở những cuộc thử nghiệm chống hỏa tiễn. Dẫu sao chăng nữa, Liên xô đã thử vệ tinh sát thủ từ năm 1968 và chĩa súng laser vào tàu con thoi Mỹ năm 1984. Đối lại, Mỹ cũng thử hạt nhân ở độ cao 400km năm 1962, phát khởi hệ thống chống hỏa tiễn năm 1983 và thử hỏa tiễn không đối không từ máy bay tiêm kích năm 1985. Còn gần đây, từ 2010 đến 2011, Mỹ đưa hai tàu con thoi loại nhỏ lên quỹ đạo, và tàu thứ hai ở lại tới 500 ngày.

Thế nhưng nỗi lo bão lửa không gian chỉ thực sự nhen nhúm khi Trung  Quốc bắn hỏa tiễn phá tan một vệ tinh của mình ở độ cao 850km vào ngày 11-1-2007. Phải chăng đây là lời cảnh cáo đối với những vệ tinh do thám nước ngoài đang bay trên đầu họ. Có lẽ để đáp trả, ngày 20-2-2008, Mỹ cũng phá hủy một vệ tinh của mình bằng hỏa tiễn bắn đi từ một tuần dương hạm.

Chưa hết, năm 2008 tàu vũ trụ Thần Châu 7 của Trung Quốc bay lại gần trạm không gian ISS của Liên xô và Mỹ, để rồi ngày 18-8-2010, hai vệ tinh cũng của Trung Quốc xáp lại bên nhau. Phải chăng đó là những thử nghiệm để tới tìm hiểu  hay phá hủy thiết bị ở một vệ tinh, một trạm không gian nào bất cứ.

 

Trạm Không Gian

Bởi thế, các nước không thể không dự trù biện pháp nhằm bảo vệ trạm không gian và vệ tinh của mình. Bằng cách nào đây? Hằn là bằng cách vũ trang cho tàu vũ trụ, trạm không gian và vệ tinh để chúng phá hủy những gì đang bay tới. Cũng có thể bảo vệ chúng từ dưới đất hay mặt biển bằng những căn cứ phóng hỏa tiễn.

Nỗi lo tiếp theo, là từ tàu hay vệ tinh bị  phá hủy trên không, mảnh vỡ bắn tứ tung sẽ tiềm phục trên quỹ đạo thành những trái mìn, những không-lôi chúng đe dọa các phi thuyền bay ngang đó.

Vì Chiến tranh-giữa-các vì sao quá nguy hiểm, lại nổ ngay trên đấu chúng ta, nên không thể không có một quy định chung cho việc sử dụng không gian. Thực ra, đã từng có một công ước như thế, và đây là Công ước không gian 1967, nhưng nó chỉ giới hạn ở việc ngăn cấm sử dụng bom nguyên tử hay vũ khí có sức tàn phá hàng loạt. Bởi thế, đầu năm 2012, Liên hiệp quốc đã triệu tập một cuộc họp về Hòa bình không gian. Hy vọng mọi người biết nghe tiếng nói lương tâm, ít là tiếng nói của lý trí, để khỏi bắt đầu một sự việc không vãn hồi nổi, và đây là đại họa cho cả kẻ thắng lẫn người thua, cho chung loài người hết thảy. Khốn một nỗi, là những gì được thỏa thuận vẫn chỉ là thỏa thuận, để chỉ nước ký tên vào công ước mới có trách nhiệm thôi, và đây chỉ là trách nhiệm tinh thần!

Trách nhiệm Về người máy hay Của người máy

Bằng các kỹ tác (artefact) của mình, con người ngày càng bỏ xa con vật để bước vào một đời sống văn minh đầy tiện nghi. Kỹ tác không còn là những công cụ thô sơ thời đồ đá nữa, mà là bán tự động với then mày (mechanism), tự động với máy hơi nước, máy nổ, siêu tự động với hướng dẫn từ xa (teleguide) và điều khiển từ xa (telecommand). Hiện nay, chúng ta đã bước sang kỷ nguyên Internet, công nghệ nano (nanotechnology) và người máy (robot) tự (vận) hành, tự lập (autonome) nhờ những chương trình cài đặt vào.

 

Người Máy Rô Bô làm việc chung với người

Internet là công cụ truyền thông không thể thiếu cho con người hiện đại, nhưng Internet đã gần như vô chủ khi không ai cón kiểm soát được con thú đã xổng chuồng ấy, khiến cho bất cứ kẻ nào cũng có thể xâm nhập, truy xuất dữ liệu và cản phá hoạt động mạng. Nhất là đưa vô những phim ảnh tục tĩu để phá hoại những tâm hồn thiếu niên trong trắng.

Nếu Internet phá hoại thông tin và tâm hồn, thì robot tự hành mai ngày cũng có khả năng tiêu diệt thân xác chúng ta, trong khi kẻ chế tạo ra nó hay kẻ làm chủ nó lại không thể kiềm  chế nó nữa. Hiện nay đã có tới mấy triệu người máy phục vụ trong nhà; chỉ mấy chục năm nữa thôi, con số ấy sẽ là hằng trăm triệu. Khi đó sẽ có robot lái xe, làm cảnh sát giao thông, tiếp khách ở cửa hàng, thu dọn ở khu vực có phóng xạ, làm cảnh vệ và lính chiến hay tuần tra biên giới. Trong trường hợp này, chúng sẽ được vũ trang tận răng bằng súng liên thanh hay súng bắn laser. Chúng có khả năng giết người ư? Làm sao đây để chúng biết phân biệt bạn-thù? Làm sao chúng có được những “quyết định” hợp đạo lý để khỏi hại người vô tội? Và trong những tình huống quá bất ngờ, làm sao chúng có thể ứng phó nhanh và khôn khéo?

Quá bất ngờ ư? Hãy lấy thí dụ một robot lái xe cho gia đình bạn. Để nó kiểm soát được tốc độ, gặp đèn đỏ thì dừng, gặp xe khác thì tránh là việc không chi khó khăn. Chứ nếu một lài xe say rượu đâm xầm ngang hông xe bạn trong khi các xe khác vẫn lao tới sau lưng, liệu khi ấy robot tài xế có  phản ứng kịp để khỏi bị đâm cùng lúc từ hai phía? Người lập chương trình cho robot vì vậy phải dự trù mọi tình huống bất ngờ, đồng thời huấn luyện sao cho robot có kinh nghiệm để biết ứng phó tùy hoàn cảnh.

 

Người Tình Rô Bô

Trên đây mới chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nhưng còn vấn đề đạo lý nó đi với tiếng nói lương tâm và tinh thần trách nhiệm thì sao? Bởi thế, ngay từ 2007, người ta đã khởi xướng một ngành học gọi là Roboethic, Đạo lý người máy.

Thực ra, Đạo lý người máy đã được gợi ý ngay từ 1942 bởi nhà văn và sinh hóa Mỹ gốc Nga Asimov. Asimov đề ra “Robot Tam luật” như sau:

Luật 1 : Không được hại người dù là thụ động, khi để mặc cho ai đó gặp nguy hiểm.

Luật 2 : Người máy phải tuân lệnh con người, trừ phi lệnh ấy  nghịch với Luật 1 (nghĩa là không được tuân lệnh để giết người).

Luật 3 : Người máy phải tự bảo vệ mình, trừ phi sự tự vệ ấy nghịch với hai luật trên.

Vào thời khoa học viễn tưởng khi xưa, những luật (cho robot) như thế chỉ cốt mua vui cho người đọc. Chứ nay khi cái là giả tưởng kia sắp thành sự thật (với robot tự hành ngày càng “tự do” hơn), thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi : Làm sao đây để những robot ấy không gây hại cho người, nhất là cho kẻ vô tội? Chính vì thế, cả trăm phòng thí nghiệm robot lớn nhất thế giới đang lao vào nghiên cứu bài toán hiểm hóc trên. Riêng Ủy ban luân lý của CNRS (Centre National de la Recherche scientifique, Trung tâm quốc gia (Pháp) Nghiên cứu khoa học) ngay từ năm 2009,  đã nghiêm cẩn thôi thúc tìm cách “nạp cho được vào những máy móc đó cái ý thức luân lý, mà người ta quen gọi là “Đạo lý máy móc”, để chúng hành động phù hợp với những nguyên tắc luân lý khi phải đối đầu với những vấn đề khiến chúng phải đi tới quyết định”.

Có điều làm sao chuyển được “tiếng nói lương tâm” sang thuật toán (algorithmes) để viết chương trình đây? Bởi lẽ hai lãnh vực ấy khác loại hoàn toàn : thuật toán thuộc lãnh vực lô dích toán số và máy tính, nên đi đôi với máy móc; còn luân lý thuộc cảm thức thiện ác vốn của tinh thần! Vâng, con người không chỉ là thể xác, mà còn là tinh thần. Nó sinh ra với những khuynh hướng tự nhiên, tức bản năng : (a) sự hướng chân với khả năng phân biệt cái giả với cái thực, (b) sự hướng mỹ trong phân biệt đẹp-xấu, (c) sự hướng thiện  với  cảm thức ác-thiện, (d) sự hướng linh với cảm thức tục-thiêng (Xx. Hoành sơn, Con người, nxb. Văn hóa Thông tin, Saigon, 2005, tr.216tt. và 106tt ).

 

Bác Sĩ Rô Bô

Những xu hướng nói trên là tiên thiên (a priori) và thuộc phạm vi cảm thức (feeling) chứ không phạm vi lô dích. Nên dù nửa phần duy lý duy tâm như Emmanuel Kant cũng phải nhìn nhận rằng : sự kiện luân lý (le fait moral) là cái gì riêng biệt, chứ không thuộc thiên nhiên (nature). Điều khiển thiên nhiên là luật nhân-quả :”mỗi hiện tượng luôn phải có nguyên nhân tương xứng”, trong khi sự kiện luân lý lại thuộc lãnh vực “ANH PHẢI…”, tức bổn phận; và đây là cưỡng bách thuần túy nó giả thiết tự do :”ANH CÓ THỂ làm hay không làm”, chứ không có cưỡng chế bên ngoài. Vâng, chỉ có cưỡng bách bên trong (do tiếng nói lương tâm), và cưỡng bách ấy là tuyệt đối (Impératif catégorique), bất chấp lợi hại dù cho cá nhân hay tập thể. Và kèm theo là Trách nhiệm : trách nhiệm của riêng anh về hành vi xấu xa của chính anh.

Chỉ con người mới có cảm thức thiện-ác và bổn phận làm lành lánh dữ, chứ con vật và máy móc thì không. Dù người máy có được lập trình tinh tế đến đâu chăng nữa, thì nó vẫn là máy, do đó không thể không vận hành theo như đã được lập trình. Nghĩa là trách nhiệm không thể quy về người máy, mà quy về kẻ chế tạo và viết chương trình cho người máy, cũng như quy về người sử dụng nó.

Bởi thế, sẽ là vô lý nếu lập luật cho robot. Trái lại phải lập luật cho kẻ sử dụng robot và cho người chế tạo robot. Phải chế tạo và lập trình sao cho con người vẫn còn có thể kiểm soát người máy. Và làm sao để khi robot không còn nghe theo lệnh con người nữa, thì phải khiến nó tự hủy đi.

Tổng kết

Vào giữa rhế kỷ này, hằng trăm triệu người máy tự hành sẽ hoạt động giữa loài người chúng ta. Chúng có thể được vũ trang để gây chết chóc khi mà càng ngày chúng càng thoát khỏi sự  kiểm soát của con người. Và thế là có thể diễn ra một sự hỗn loạn chưa từng có.

 

Lính Người Máy

Thêm vào hỗn loạn do phía người máy, còn có hỗn loạn trên mặt biển với hằng đoàn chiến hạm đối đầu nhau, hằng triệu thủy lôi thả dọc theo bờ và ngang các cửa sông, cửa vịnh, y như mìn trước đây được chôn xung quanh những căn cứ quân sự và dọc theo biên giới.

Không gian càng đáng sợ hơn gấp mấy nếu ngay trên đầu chúng ta đầy những tàu chiến con thoi, những căn cứ quân sự được trang bị hỏa tiễn, những vệ tinh sát thủ với súng bắn laser, những không-lôi và mảnh vỡ tiềm phục trên các quỹ đạo.

Ước mong rằng những nguy cơ đáng sợ như thế sẽ đánh thức lương tri, ít là tiếng nói của lý trí, để các cường quốc đi tới một tiếng nói chung tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, và thỏa thuận được với nhau về một Hòa bình lâu dài ba mặt.

Có điều, để đại diện các chính phủ đạt được tiếng nói chung hợp đạo lý và lẽ phải như thế tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, thì  công luận toàn thế giới cũng phải được lương tri hướng dẫn, sao để công luận này gây được sức ép trên các nhà lãnh đạo quốc gia. Và như thế, phải ương trồng mầm giống đạo đức khắp nơi, từ gia đình, nhà trường ra đến xóm phường và xã hội. Việc xây dựng một thuần phong mỹ tục phổ biến đên vậy không thể thiếu vai trò của những thầy cô giáo đức hạnh cũng như của các tôn giáo chân chính!