Các bạn già gốc Kaki nào chưa đọc bài này thì nên đọc, đã đọc rồi thì nên đọc lại. Đây là một trong những trang sử hào hùng trong bộ Quân Sử QLVNCH.
Toàn bộ trận chiến được tường thuật trung thực, rõ ràng, đầy đủ theo thứ tự thời gian: ngày N, giờ G .....như là những buổi thuyết trình tại Phòng Hành Quân [DTOC] hay tại các Trung Tâm Hành Quân [TOC].
Rất lôi cuốn và hấp dẫn hơn bất cứ những phim chiến tranh nào mà ta đã được xem qua. Bỏ qua rất uổng !!
***
Bối Cảnh Trận Chiến
Ngày 25 tháng 01 năm 1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard M. Nixon, trong bài diễn văn đọc trước Lưỡng Viện Quốc Hội được truyền hình trên toàn quốc, đã đề nghị một kế hoạch “hoà bình 8 điểm” nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ đồng ý rút Quân Ðội Hoa Kỳ và Ðồng Minh ra khỏi Việt Nam trong thời hạn 6 tháng, sau khi một hoà uớc đã được ký kết.
Sau chuyến công du Hoa Lục lần đầu tiên của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard M. Nixon ngày 21-02-1972 để mật đàm với Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai và Chủ Tỉch nước Trung Cộng Mao Trạch Ðông, liền sau đó đích thân Chu Ân Lai đã vội vã bay qua Hà Nội để thông báo cho Cộng Sản Bắc Việt biết là phía Mỹ có quyết định chuyển sang thế trận khác. Hà Nội nắm lấy được nguồn tin “hồ hởi phấn khởi ngàn năm một thuở” vì họ cho đây là thời cơ “đại thắng Miền Nam đã đến”. Hà Nội liền quyết định tung quân, mở một trận địa chiến, quân số và chiến cụ gồm có 14 Sư Ðoàn chính quy, 1,000 chiến xa, nhiều Trung Ðoàn Pháo Binh, Phòng Không, Ðặc Công, vượt sông Bến Hải, kết hợp với quân địa phương “bất ngờ” tấn công vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà trên ba mặt trận “Giới Tuyến Trị Thiên – Cao Nguyên Kontum – Bình Long An Lộc”, cùng trong chiến dịch lấy tên Nguyễn Huệ khởi động sáng ngày 30 tháng 03 năm 1972.
Mặt trận Bình Long – An Lộc bùng nổ ở một thời điểm mà Cộng Sản Bắc Việt mở màn cuộc tổng tấn công vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà bằng quân sự.. An Lộc là quận Châu Thành của Tỉnh Bình Long, cách Thủ Ðô Sài Gòn khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc. An Lộc trước đây là một Thị Xã nhỏ bé đìu hiu gọi là Hớn Quản thuộc Tỉnh Thủ Dầu Một, xung quanh là rừng cao su mênh mông ngút ngàn đến tận biên giới Việt – Miên. Tỉnh Bình Long được thành lập dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, gồm có ba quận hành chánh, cực Nam là quận Châu Thành, và cực Bắc là quận Lộc Ninh. Tỉnh Bình Long có diện tích khoảng 2,250 cây số vuông, với dân số khoảng 76.000 người, đa số là người Kinh, một phần là dân Thượng thuộc nhiều sắc tộc gốc thiểu số, sống bằng nghề cạo mủ cao su, hoặc làm ruộng rẫy. Từ Sài Gòn người ta có thể sử dụng Quốc Lộ 13 đi qua các thị trấn Lai Khê, Chơn Thành, Tàu Ô, Tân Khai, Xa Cát, Xa Trạch, Xa Cam để đi đến Thị Xã An Lộc.
Theo tin tức tình báo quân ta thu được thì kế hoạch chuyển quân “dương Ðông kích Tây” của Cộng Sản Bắc Việt đã áp dụng là cho 2 Trung Ðoàn 24 và 271 Cộng Sản Bắc Việt đánh vào các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 25 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại phía Bắc Tỉnh Tây Ninh để uy hiếp và đe dọa các tiền đồn vùng biên giới Katum, Thiện Ngôn, Tống Lê Chân…, nhằm đánh lạc hướng để cho hai Sư Ðoàn 7 và 9 Cộng Sản Bắc Việt từ các mật khu ẩn dấu trong những căn cứ địa 354 và 708, trên đất Cam Bốt di chuyển vào địa phận Tỉnh Bình Long thuộc Miền Ðông Nam Phần, được an toàn qua yếu tố “bất ngờ”.
Lực lượng Cộng Sản Bắc Việt có mặt tại Tỉnh Bình Long, ngoài 4 sư đoàn với quân số mỗi sư đoàn trên dưới 10,000 quân, và các Trung Ðoàn chủ lực của Mặt Trận B2, còn có 2 Trung Ðoàn Pháo và Phòng Không, 1 Trung Ðoàn Ðặc Công, 2 Trung Ðoàn Xe Tăng với 200 chiến xa T.54, PT.76, BTR.85. Hơn nữa, việc tiếp tế và bổ sung quân số cũng được dễ dàng vì từ các mật khu hậu cần ở đồn điền cao su Mimot, Snoul, Lưỡi Câu, bên kia biên giới Cam Bốt. – Việt Nam, nguồn tiếp tế nhận vật lực chính do Ðoàn 559 ngày đêm vận chuyển bằng đường bộ từ Vinh vào chiến trường Việt Nam, mà cơ quan tình báo của quân ta khó ước tính được con số chính xác.
Ngày 31-03-1972, thế trận của Cộng Sản Bắc Việt đã bắt đầu hình thành tại Tỉnh Bình Long, địch quân đã pháo kích vào trận địa, gia tăng tốc độ bắn để thăm dò phản ứng của quân trú phòng, chúng rót cả hoả tiễn và đại pháo đủ loại xuống các cứ điểm phòng ngự Lộc Ninh vả An Lộc rất ác liệt.
Ngày 05-04-1972, lúc 3 giờ sáng, Cộng quân sử dụng Trung Ðoàn E.6 Bộ Binh và Pháo Binh, bắn phủ đầu trên các cứ điểm phòng ngự của Chi Ðoàn 1 Kỵ Binh thuộc Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh và Trung Ðoàn 9 Bộ Binh do Ðại Tá Trần Công Vĩnh chỉ huy, bằng hàng ngàn quả pháo đủ loại, sau đó Cộng quân tung Sư Ðoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt có xe tăng yểm trợ bắt đầu tấn công cường kích nhiều đợt vào Chi Khu Lộc Ninh, quân trú phòng đã đánh trả quyết liệt giữ vững phòng tuyến được hai ngày thì Cộng quân chọc thủng được tuyến án ngữ và tràn ngập cứ điểm trên. Mặc khác, Cộng quân sử dụng Trung Ðoàn 95C thuộc Sư Ðoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt phục kích dọc theo Quốc Lộ 13 từ An Lộc đi Lộc Ninh để chặn đánh tiêu diệt quân trú phòng trên đường tháo lui.
Cuộc tấn công đầu tiên của Cộng quân vào An Lộc, khởi động vào ngày 05-04-1972 bằng toàn bộ lực lượng của các Sư Ðoàn 5, 7, 9 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long trừ bị với tổng số khoảng 50 ngàn quân có mặt trong vùng. Sau khi Cộng quân đánh chiếm được Thị Xã Lộc Ninh lúc 19 giờ ngày 07-04-1972, quân Cộng Sản Bắc Việt ước tính sẽ chiếm được An Lộc rất dễ dàng từ 5 đến 10 ngày và chúng dự trù sẽ làm lễ ra mắt “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam” tại thành phố An Lộc vào ngày 20-04-1972.
Chuyến du thuyết Liên Sô của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger qua Nga để gặp Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Liên Sô Leonid I. Brezhnev và Thủ Tướng Liên Sô Aleksei N. Kosygin vào tháng 04 năm 1972, và những trận oanh tạc nặng nề của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ thả bom xuống Miền Bắc, đã đưa đến kết quả :”Hà Nội chầp thuận nối lại những cuộc hoà đàm giữa Ngoại Trưởng Kissinger và Ðại Sứ CS Lê Ðức Thọ vào đầu tháng 05-1972 tại Paris”. Ðể hậu thuẫn cho cuộc thương thuyết, Hà Nội đã áp dụng chiến thuật cố hữu “vừa đánh vừa đàm”.
Quốc lộ 13 là con đường huyết mạch nối liền từ Bến Cát, Lai Khê thuộc Tỉnh Bình Dương, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, đi qua các quận lỵ, xã ấp của Tỉnh Bình Long. Cách Thị Xã An Lộc 18 cây số về hướng Bắc là Lộc Ninh và cách An Lộc khoảng 30 cây số về hướng Nam là Quận Chơn Thành.
Cơ quan hành chánh và quân sự Tỉnh Bình Long đều đặt trong Quận Châu Thành là An Lộc, dưới sự điều hành của Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Tưởng Bình Long. Ðể đánh chiếm Tỉnh Bình Long, Cộng quân đã bố trí cắt đứt giao thông trên Quốc Lộ 13 từ Lai Khê đi Lộc Ninh, đồng thời chúng phong toả Bình Long bằng hệ thống cụm phòng không để ngăn chặn sự can thiệp yểm trợ phi pháo của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà.
Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù, Ðại Tá Lê Quang Lưỡng vào chiến địa
Khi trận chiến Bình Long – An Lộc xảy ra vào mùa hè đỏ lửa, rực cháy năm 1972, trận đánh đầu tiên vào Lộc Ninh đã khởi động lúc 3 giờ sáng ngày 05-04-1972, Bộ Tư Lệnh “B2” Cộng Sản Bắc Việt đã dồn toàn lực Sư Ðoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt gồm 3 Trung Ðoàn 174, 275, một Trung Ðoàn Biệt Lập, Trung Ðoàn E.6 và Trung Đoàn Pháo Binh, cùng Trung Ðoàn 203 Chiến Xa từ vùng Lưỡi Câu của Cam Bốt kéo sang, xuyên qua các cánh rừng cao su xanh rì và xếp hàng thẳng tắp, đó là hình ảnh hùng vĩ của Bình Long. Lộc Ninh, một quận hẻo lánh nằm về phía Bắc của Tỉnh Bình Long, được bao bọc bởi rừng rậm và cao su là nơi an cư và sinh sống của rất đông đồng bào Thượng, có thể, theo địa hình về mặt quân sự Cộng quân thấy có nhiều lợi thế về chiến thuật che dấu, do đó, Cộng quân đã chọn Lộc Ninh làm mục tiêu tấn kích đầu tiên. Nhưng Cộng quân không ngờ đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Trung Ðoàn 9 Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh, cùng Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân. Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân ở Chi Khu Lộc Ninh đã phản ứng quyết tử. Mặc dù quân số của đối phương đông gấp 5 lần, quân trú phòng vẫn đã anh dũng chống trả. Nhiều trận đánh xáp lá cà rất ác liệt đã diễn ra ngay bên trong quận lỵ. Trước chiến thuật “thí quân” của Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp, quân trú phòng phải hạ nòng súng đại bác 105 ly bắn trực xạ vào các đợt xung phong biển người có chiến xa yểm trợ, làm cho chúng phải khựng lại, dội trở ra, để rồi sau đó, chúng sử dụng pháo trận địa san bằng các ổ kháng cự của quân phòng thủ.
Trong lúc chiến trường Lộc Ninh vẩn đang tiếp diễn tàn khốc, thì Cộng quân lại tung ra một cánh quân khác của Sư Ðoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt, đơn vị được coi là thiện chiến nhất trong số 4 sư đoàn tham chiến tại Tỉnh Bình Long, bất ngờ tấn công vào Quận Lỵ An Lộc từ 3 giờ chiều ngày 07-04-1972, nhằm chặn đường tiếp viện cho Lộc Ninh. Sư Ðoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt đã dồn hết nỗ lực chính vào tuyến phục kích dài 26 cây số trên Quốc Lộ 13 từ Chơn Thành đến Lộc Ninh. Ðoạn đường “hành lang máu” này bị tắc nghẽn hoàn toàn. Lực lượng tăng viện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cố tiến từng bước một để đến gần đơn vị bạn trong An Lộc, nhưng mỗi bước tiến không biết bao nhiêu chiến binh gục ngã, dù là bên ta hay bên địch. Tình hình thế trận hết sức gay go và nguy cập.
Theo kế hoạch điều động lực lượng giải toả An Lộc của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 / Quân Khu III, Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù do Ðại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Ðoàn Trưởng chỉ huy, gồm Tiểu Ðoàn 5, 6 và 8 và Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù được chuyển vận lên Lai Khê, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, thuộc địa phận Tỉnh Bình Dương. Ðây là lực lượng tăng viện đầu tiên đến Lai Khê ngày 05-04-1972 để chuẩn bị vào An Lộc với nhiệm vụ của Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù là tảo thanh diệt chốt của các đơn vị Cộng quân dọc theo QL.13 từ Chơn Thành đến An Lộc.
Tại Thị Xã Lộc Ninh, sau hai ngày giao chiến chống trả ác liệt, dưới những trận mưa pháo kinh hồn, không được tiếp tế tản thương, quân trú phòng được lệnh lui dần về phía Nam An Lộc. Toàn bộ 30 chiến xa của Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh, thì một số bị phá huỷ, một số đành bỏ lại. Riêng Tiểu Ðoàn 52 Pháo Binh của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với 24 khẩu đại bác 105 ly đã phá huỷ hầu hết, chỉ còn lại 2 khẩu may mắn “còn nguyên vẹn”. Tại đây, quân ta có 600 Chiến Sĩ hy sinh, và quân địch có đến 1,250 tên “Sinh Bắc Tử Nam” bị hạ sát, tương đương với quân số của 1 trung đoàn.
Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 / Quân Khu III tức tốc bốc Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân từ Tây NInh về án ngữ phía Bắc Thị Xã An Lộc, toàn bộ Sư Ðoàn 21 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu chỉ huy, cùng Trung Ðoàn 15 Sư Ðoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà từ vùng sình lầy miền Tây cũng được điều động lên Lai Khê, tham dự chiến dịch giải toả Quốc Lộ 13 từ Chơn Thành đến An Lộc để mở rộng vòng đai hoạt động cho quân trú phòng.
Ngày 06-04-1972, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và tất cả Bộ Tham Mưu kể cả vị Phụ Tá Tư Lệnh Ðặc Trách Hành Quân, Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ, đểu theo Tướng Hưng đã kịp thời nhảy vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tại An Lộc với 2 Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, tăng cường phòng thủ phía Ðông Bắc Thị Xã và Tướng Hưng tuyên bố “Quyết tử thủ An Lộc”, lời tuyên bố sắt đá đó như “Lời thề nguyền với tiền nhân đã có công dựng nước” của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. Lời tuyên bố đó đã đưa vị Sĩ Quan cấp Tướng này lên hàng “Danh Tướng Việt Nam” và làm nức lòng quân dân Bình Long An Lộc, sẵn sàng nghênh chiến với 4 sư đoàn chủ lực của Cộng quân được yểm trợ bởi pháo binh và chiến xa với quân số đông gấp 9 lần quân ta. Kể từ đây, An Lộc bó mình trong vòng đai phòng thủ không có lấy một khẩu pháo binh, một chiến xa để đối đầu với địch quân có đến cả trung đoàn chiến xa với hàng trăm xe tăng chưa kể 2 trung đoàn pháo binh và phòng không.
Ngày 07-04-1972 lúc 19 giờ, mặc dù có sự can thiệp hữu hiệu của Không Quân, Pháo Binh từ căn cứ yểm trợ hoả lực Alpha, Cộng quân đã dùng chiến thuật biển người “tiền pháo hậu xung” tấn công liên tiếp nhiều đợt vào phi trường Quản Lợi và các cứ điểm phòng thủ của Trung Ðoàn 9 Bộ Binh thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, và sau hơn 2 ngày giao chiến chống trả mãnh liệt, Lộc Ninh, trên thực tế chỉ là một Quân Lỵ hẻo lánh nằm bên cạnh thung lũng sông Rừng Cấm, được ghi nhận hoàn toàn thất thủ.
Ngày 11-04-1972, có 25 pháo đài B.52 của Hoa Kỳ yểm trợ, đã trút gầm 800 tấn bom xuống các vị trí đóng quân của địch chung quanh Lộc Ninh và An Lộc. Nhờ thế mà cường độ pháo kích của địch đã giảm đi rất nhiều.
Ðến ngày 12-04-1972, sau 7 ngày quần thảo ác liệt với Cộng quân, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đã giải toả được 30 cây số đường trên Quốc Lộ 13 từ Lai Khê đến Chơn Thành. Khi Ðoàn quân Mũ Ðỏ tiến qua khỏi Chơn Thành khoảng 7 cây số về hướng Bắc và còn cách An Lộc 15 cây số, cánh quân đi đầu của Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của Trung Ðoàn 209 thuộc Sư Ðoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt tại suối Tàu Ô. Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh là lực lượng tăng phái cho 2 Tiểu Ðoàn 5 và 8 Nhảy Dù đang đậm chân tại chỗ do địa thế lầy lội và hoả lực ngăn chặn dữ dội của địch. Ðại Tá Trương Hữu Ðức, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh, trong khi bay trực thăng chỉ huy đến chiến trường để điều động đã trúng đạn tử trận. Cộng quân đã lập hệ thống bố phòng chằng chịt phục kích, chốt chặn, chốt kiềng, giật sập cầu, phá đường biến Quốc Lộ 13 thành “tử lộ” có đi mà không có đường trở lại. Các bãi đáp tại phi trường, sân vận động trước Tiểu Khu đều bị pháo binh địch chế ngự. Việc di tản thương binh và thường dân chạy nạn hoàn toàn không thể thực hiện được. Ðặc biệt chúng đã lập các cụm chốt liên hoàn cố thủ bắn trả dữ dội vào các đơn vị Nhảy Dù.
Cùng ngày hôm nay, Bộ Tư Lệnh Hành Quân “B2” của Cộng Sản Bắc Việt đã ra lệnh cho cán binh của họ: “Cán bộ và binh sĩ phải tấn công liên tiếp trên khắp các mặt trận. Chắc chắn quân ta sẽ thắng.”
Ngày 13-04-1972, Cộng quân đồng loạt tấn công ba tuyến phòng thủ chính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Hai tuyến phía Ðông và Tây vẫn giữ vững trong khi đó mặt Bắc do Trung Ðoàn 8 Sư Ðoàn 5 Bộ Binh của Ðại Tá Mạch Văn Trường trấn giữ đã bị quân Cộng Sản Bắc Việt chọc thủng. Ðây là trận đánh khốc liệt bằng chiến xa. Do đó, nhiều chiến xa của Cộng quân đã lọt vào Thị Xã An Lộc trước khi bị quân ta bắn cháy. Chiến xa đầu tiên bị bắn bởi hoả tiễn XM.202 do các chiến sĩ Trung Ðoàn 8 Bộ Binh bắn cháy chỉ cách Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn của Ðại Tá Trường khoảng 20 thước, còn có tới 15 chiến xa T.54 và PT.76 của Cộng quân đã bị bắn cháy nằm ngổn ngang trên đường Ngô Quyền, đoàn chiến xa địch lù lù tiến vào bị khựng lại bởi những trái đạn Hoả Tiễn M.72, rồi ngừng hẳn. Do yếu tố thời gian nguy kịch cấp bách, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 / Quân Khu III thay đổi kế hoạch điều quân.
Ngày 14-04-1972, tại căn cứ Lai Khê, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 / Quân Khu III, họp mật với Trung Tướng Dư Quốc Ðống, Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù và Ðại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù. Trong buổi họp này, Trung Tướng Minh cho biết tình hình An Lộc đang bị Cộng quân siết chặt vòng vây. Lực lượng trú phòng không thể bung ra ngoài để hoạt động. Số binh sĩ thương vong vì bị địch pháo kích ngày càng gia tăng. Trong tình thế đó, cần phải lập một đầu cầu vào Thị Xã để nới rộng tầm hoạt động của quân trú phòng. Các mặt ở hướng Bắc, Tây và Nam của An Lộc đều bị hoả lực địch phong toả. Chỉ còn mặt Ðông Nam thì chưa bị Cộng quân khống chế. Ở đây có những ngọn đồi yên ngựa thoai thoải. Ðồi 169, Ðồi Gió, Ðồi 100, Ðồi Ðồng Long là những cao điểm quân sự quan trọng về phòng thủ bảo vệ thị trấn An Lộc, cũng rất thuận tiện cho cuộc đổ quân bằng trực thăng. Và Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đã được trao trọng trách đầy khó khăn và nguy hiểm này.
Ngay sau buổi họp, Ðại Tá Lê Quang Lưỡng bay quan sát vị trí trận địa để chọn bãi đổ quân, sau năm vòng bay, vị Sĩ Quan Lữ Ðoàn Trưởng khả kính quyết định đổ quân xuống ấp Srok Ton Cui, nằm cạnh Ðồi Gió, cách An Lộc 4 cây số về phía Ðông. Theo kế hoạch, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh làm Tiểu Ðoàn Trưởng, sẽ xuống trước để giữ an ninh bãi đáp và vị trí đặt Pháo Ðội C Pháo Binh Nhảy Dù, rồi sáng hôm sau, ngày 15-04-1972, Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu làm Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù do Trung Tá Văn Bá Ninh làm Tiểu Ðoàn Trưởng, cùng Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù và các thành phần yểm trợ sẽ được trực thăng vận xuống khu vực này. Sau khi cuộc đổ quân đã hoàn tất, hai Tiểu Ðoàn 5 và 8 Nhảy Dù sẽ chia làm hai cánh quân trái phải đi song song bên trong rừng cao su Quản Lợi. Tiếp theo kế hoạch điều quân, Ðại Tá Lê Quang Lưỡng cho lệnh Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù bung ra lục soát về phía Tây Thị Xã An Lộc. Trên đường tiến quân, bị Cộng quân pháo kích dữ dội nên tiểu đoàn đã di chuyển mở rộng vòng đai phòng thủ về hướng Nam, cùng lúc đó, Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù cũng nhận được lệnh tung ra tiếp ứng mở rộng vòng đai, để lập bãi nhận hàng tiếp tế do phi cơ thả dù. Hôm sau, Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù từ Ấp Sóc Gòn tiến vào An Lộc để bắt tay với Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù. Trong khi đó, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù ở lại làm lực lượng đoạn hậu và án ngữ Ðồi Gió bảo vệ an ninh cho Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn và Pháo đội C Pháo Binh Nhảy Dù.
“Linh động” và “bất ngờ” là hai yếu tố quan trọng trong binh pháp được Ðại Tá Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù khai thác triệt để trong cuộc đổ quân ào ạt này, và làm cho Cộng quân đang bao vây An Lộc bị cú bất ngờ, hoang mang, hốt hoảng. Trận đánh đẫm máu nổ ra, quân Nhảy Dù ưu thế đã gây thiệt hại cho gần cả một tiểu đoàn địch trấn giữ xung quanh khu vực Ðồi Gió.
Cùng trong ngày 15-04-1972, để đối phó với tình hình chiến sự ngày càng gay go, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đưa Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 “Tiền Phương” đến Lai Khê, để trực tiếp điều động chỉ huy mặt trận Bình Long. Một lực lượng đặc nhiệm với khoảng 15,000 binh sĩ gồm Nhảy Dù, Biệt Ðộng Quân, Bộ Binh, Thiết Kỵ, được thành lập để giải toả Quốc Lộ 13 đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày 16-04-1972, Cộng quân mở cuộc tấn công đợt hai với “điểm” tại phía Bắc và “diện” ở hai mặt Ðông và Tây. Mặc dù chúng có nhiều chiến xa yểm trợ, đợt tấn công này cũng bị quân ta bẻ gẫy từ đầu. Chiến trường tạm lắng dịu, nhưng pháo binh địch vẫn bắn liên hồi vào bên trong An Lộc. Sau 4 tiếng đồng hồ bắt quân dân ta hứng chịu “tiền pháo” liên tục, Cộng quân chuyển xạ để tấn công, quân trú phòng sẵn sàng ghìm súng chờ đợt “hậu xung”.
Lúc bấy giờ, Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Nhảy Dù, do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy, đang hoạt động bên trong phòng tuyến địch ở vùng Xa Mát biên giới Tỉnh Tây Ninh – Cam Bốt, cũng được tức tốc bốc về An Lộc, để tiêu diệt các tổ đặc công của địch lọt được vào Thị Xã sau các đợt tấn công, lúc 4 giờ chiều ngày 16-04-1972.
Qua ngày 17-04-1972, mặc dù “hành lang máu” trên Quốc Lộ 13 vẫn còn bế tắc, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đã nhìn thấy được niềm tin và hy vọng là quân ta có thể giữ vững được An Lộc. Sáng nay, trong cuộc họp báo ngắn tại Lai Khê, Tướng Minh tuyên bố:”Giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Chúng tôi hết sức thận trọng vì sợ kẹt dân, Chúng tôi không lạc quan quá trớn, và đang ghìm súng chờ đợi những đợt tấn công của đối phương”.
Ngày 18-04-1972, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, chỉ huy toàn thể lực lượng trú phòng, đã cam kết :”Ngày nào tôi còn, An Lộc còn”. Vị tướng này, đầu đội nón sắt, tay cầm súng XM.16, mặc áo thung, quần trận, vắt lựu đạn quanh mình, hoạt động liên tục. Hai tai Ông nghe báo cáo và điều động các binh sĩ dưới quyền khắp nơi. Thật sự An Lộc rất may mắn có được vị sĩ quan tài đức chỉ huy chiến trường này, và chính Ông là một trong những yếu tố niềm tin quan trọng giữ vững An Lộc. Có thêm nhiều chiến xa của Cộng quân bị bắn hạ gần Bộ Tư Lệnh”Tiền Phương” của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. Chiến xa địch đầu tiên bị bắn cháy tại đây là do hoả tiễn M.72 của chính đích thân Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó, khai hoả. Ông nói :”trúng rồi, tôi đã diệt được nó …”
Ngày 19-04-1972, Cộng quân thay đổi chiến thuật. Một mặt đánh vào Thị Xã An Lộc, một mặt sử dụng hai Trung Ðoàn 141 và 275 Cộng Sản Bắc Việt tấn công ồ ạt để tiêu diệt Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù tại đồi 169 và Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, đơn vị trách nhiệm trấn giữ Ðồi Gió. Trước tình thế nguy kịch vì áp lực quá nặng của Ðịch, Ðại Tá Lê Quang Lưỡng cho lệnh Trung Tá Ðỉnh, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, được toàn quyền quyết định về kế hoạch triệt thoái. Trung Tá Ðỉnh dẫn 2 Ðại Ðội 60 và 62 Nhảy Dù di chuyển dọc theo ngọn đồi xuống Ấp Srok Ton Cui, nơi Ðại Ðội 61 Nhảy Dù đã lập vị trí trấn giữ; 2 Ðại Ðội 63 và 64 Nhảy Dù còn lại do Thiếu Tá Nguyễn Kim Bằng, Tiểu Ðoàn Phó chỉ huy tiếp tục án ngữ cao địa Ðồi Gió.
Ðại Uý Ngô Xuân Vinh, Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 62 Nhảy Dù, tự “Vinh Con” cho con cái từ trên đồi ào ào đổ xuống như núi lở. Cộng quân bung ra, khép lại … “Vinh Con” tiếp tục xấn …, từ chân Ðồi Gió vào Ấp Srok Ton Cui … lại kẹt thêm con suối Rô, Vinh cựa quậy khó khăn dưới đám lau sậy ruộng lầy sũng nước. “Nó bâu như đỉa đói, dứt ra không nổi, anh Năm” “Vinh Con” nói với Ðỉnh trong máy “… tối quá chỉ có sờ ngực áo mà đánh lưỡi lê thôi … quên sờ nón sắt để nhận bạn …”. Nhưng dù cho Cộng quân có chặn bằng mấy lớp hàng rào người, lúc 11 giờ đêm Ðại Úy Vinh cũng đã sờ được cái Ấp Srok Ton Cui,.., nơi Ðại Ðội 61 Nhảy Dù đang trông chờ từ lúc trời chập tối, 400 thước từ chân đồi đến người lính gác tiền đồn của Ðại Ðội 61 Nhảy Dù, thành phần của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đã phải đi mất 3 tiếng đồng hồ trong ba giờ đó có thêm một số thương binh vì lưỡi lê và mảnh lựu đạn của 400 thước đánh cận chiến !
Bây giờ là 0 giờ ngày 19 bước sang 20, Cộng quân không phải chỉ một thành phần, một cánh quân, mà là một lũ người, một lớp sóng người chen vai sát cánh, lố nhố đầy chân Ðồi Gió, từ chân đồi phía Tây lẫn chân đồi phía Ðông … Cộng quân tràn ngập đường 245 như trẩy hội, Cộng quân bao quanh Ấp Srok Ton Cui như đám người đói khát vây quanh vị trí phát chẩn. Không phải là một cuộc điều quân để chuẩn bị tác chiến, nhưng là một chợ người, lộn xộn ồn ào, la hét tìm đơn vị, chuyển lệnh … “Ngày hôm nay máy bay “nguỵ” nhiều quá! Sao mày không bắn!? Tao chỉ có AK. AK thì AK, bắn cho “nguỵ” sợ”.
Ở trong này, Ðỉnh thì thầm liên lạc với các Ðại Ðội Trưởng 61, 62 và 60 Nhảy Dù: ”Các toa dặn lính đừng bắn, tụi nó đi đâu cho nó đi, chỉ bắn khi nào nó tấn công mình thôi”.
“Chúng tôi nhận hiểu 5/5. Cả 3 Ðại Ðội Trưởng đều lắc đầu thở dài, lẩm bẩm … lấy gì bắn nữa!!?”. Nhưng dù có vô trật tự tới đâu, Cộng quân cũng tập họp lại được hàng ngũ, 3 giờ sáng tiếng kèn thúc quân vang lên lồng lộng cả một góc rừng. Xong rồi, tụi nó dứt mình!!!? Tiếng kèn thúc quân xoáy trong đêm, vang dội theo đường 245. Bỏ mẹ, nó bố trí quân cả 3 cây số đường dài. Ðỉnh run run tay khi nghe hiệu lệnh từ đầu tới cuối hàng quân, đồng thời từ phía Bắc đầu đường 245 có tiếng động cơ nổ máy, ánh sáng đèn pha quét ngang quét dọc bóng đêm, chiến xa T.54 của Cộng quân quyết “dứt điểm” Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù không nương tay!!?
Ðúng 3 giờ 30, Ðồi Gió bị tấn công trước. Thiếu Tá Phạm Kim Bằng, Tiểu Ðoàn Phó, mặt sắt đen sì, con người quá khổ, chậm rãi điềm tĩnh và hùng tráng như một hiệp sĩ thời trung cổ đứng ra khỏi hầm điều khiển 2 Ðại Ðội 63 và 64 phản công mãnh liệt. 63 của Hoàng và 64 của Tuấn, 2 Ðại Ðội đã thử lửa với Cộng Sản Bắc Việt từ ngày 15, với 2 Ðại Ðội Trưởng trẻ “tới” quá mức, dũng cảm như những thiên thần tung hoành trên đầu lũ quỷ say máu “hùng binh” (một loại thuốc kích thích do Trung Cộng điều chế). Tất cả đều ở tuyến chiến đấu, không còn khinh binh Tổ Trưởng, Trung Ðội Trưởng, Ðại Ðội Trường, Tiểu Ðoàn Phó … Chỉ còn một hàng ngang theo giao thông hào, điểm phân biệt được người chỉ huy là tai nghe máy chuyển lệnh điều quân, tay ném lựu dạn. 2 Ðại Ðội chỉ trừ những người chết hoặc bị thương mê man, còn thương binh chỉ tạm băng bó sơ qua vết thương, đứng hoặc dựa lưng vào thành giao thông hào để tiếp tục chiến đấu.
4 giờ 30 sáng, trong bóng tối ngả màu tím của ngày sắp đến, 4 chiến xa T.54 từ 2 hướng Ðông và Ðông Bắc bắt đầu bò lên đồi, lính Cộng Sản Bắc Việt tùng thiết chạy lố nhố theo sau để tính bề diệt gọn đơn vị Nhảy Dù. Trăng thượng tuần gần sáng dọi ánh sáng trắng lạnh xuống sườn đồi vằng vặc, khối sắt đen lóng lánh tiến dần vào cùng động cơ nổ vang ầm ĩ, ngọn đèn vẫn giữ nguyên độ sáng ở vị thế “pha”, luồng sáng dọi thẳng lên đồi hỗn xược như thách thức … Hai chiến xa T.54 đầu tiên bò lần lần lên từng thước đồi dốc đứng.
-“Ðể tao thanh toán nó”. Tuấn đứng thẳng lên khỏi giao thông hào, kéo chiếc ống M.72 của một khinh binh. Rút các chốt an toàn … Tuấn đưa ống hoả tiễn lên vai nheo mắt ngắm … 100 thước, còn xa, 80 thuớc, hơi xa, 50 thước, đủ! Tách! Sợi giây an toàn cũng đã bị đứt! Tuấn bị lóa bởi 2 ngọn đèn pha dọi thẳng mặt … Ầm! Trái hoả tiễn đập thẳng vào giữa hai điểm sáng, hơi chếch cao một chút, trúng ngay pháo tháp … Chiếc thứ hai tăng tốc độ hú lớn tiếng nhấc một cái lên gần tuyến phòng thủ, Hạ Sĩ Nhu, Tiểu Ðội Trưởng can trường không kém Ðại Ðội Trường, nhảy dội lên pháo tháp, quả lựu đạn phát nổ sau khi Nhu vừa kịp lao mình nhảy xuống. Còn hai chiếc T.54 ở phía Ðông thì do chính Hoàng và một binh sĩ khác bắn hạ …. Cộng quân lui dạt xuống chân đồi để cho đại pháo rưới thêm một lớp, lớp pháo thứ sáu kể từ khởi đầu trận đánh.
Ngày tới với ánh nắng chan hoà cùng cơn mưa pháo thứ 7, cảnh vật trên đỉnh đồi bây giờ trông tan hoang, điêu tàn và bốc khói, khói của đạn địch và khói của đạn ta đang cháy dở … Ngọn đồi “hột lạc” dài 300 thước, ngang 70 thước, phải hứng chịu khoảng 2,000 quả đạn pháo trong một đêm với vị trí dã chiến, dưới ánh nắng chiếu rọi rõ cảnh vật ẩn hiện thật tan nát …
Thiếu Tá Phạm Kim Bằng, Tiểu Ðoàn Phó, bị “tung” một mắt. Tuấn hứng một quả đại bác 57 ly, quả đạn nổ ngay trên thân thể người Sĩ Quan trẻ mới 23 tuổi, số tuổi quá nhỏ đem so với chiến trường nặng đó. Ðồi Gió kể từ đó mang tên mới :”Ðồi Quốc Tuấn”, danh hiệu truyền tin của Tuấn, Cao Quốc Tuấn. Với một con mắt đẫm máu, Bằng nghiến răng, nhướng mắt còn lại giữ vững Ðồi Gió cho đến lượt tấn công thứ 16. Quanh ngọn đồi xác chiến xa, xác địch và ta nằm la liệt ngổn ngang. 12 giờ trưa ngày 20, Tiểu Ðoàn Phó Bằng kiệt lực xuôi hai tay bỏ rơi chiếc ống liên hợp, gọi Hoàng đến: “Toa thay moa đem 2 Ðại Ðội về đồi 169, hướng Tây Nam đồi Quốc Tuấn dưới một cái “yên ngựa” chập chùng trên 2 cây số đường rừng rậm. Nhớ đem hết thương binh, người chết phải chôn lại …”. Qua máy vô truyến, Trần Ðại Chiến cho biết đã đích thân dùng hoả tiễn XM.202 bắn hạ được 2 chiến xa T.54 địch, anh em vui mừng lên tinh thần, Rồi chiếc thứ ba bị cháy! Pháo địch rơi như mưa. Chiến bắn hạ luôn chiếc thứ tư, hết kẹp đạn XM.202, 4 viên, Cộng quân cả một sư đoàn như điên cuồng xua quân ằo ạt tiến lên, cứ điểm Ðồi Gió được lệnh di tản để bảo tồn lực lượng. Trung Ðội của Chiến ở lại đoạn hậu sau cùng, anh là người bảo vệ sau hết, đơn vị của anh đã hết đạn, anh cho Trung Ðội lui dần về hướng Tây Bắc qua ngang Ðồi 169. Rồi từ đó mất liên lạc với người Sĩ Quan trẻ Trần Ðại Chiến, khoá 24 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Sau này được biết, anh bị một mảnh đạn pháo của địch làm bị thương. Anh cho lệnh Trung Ðội rút hết. Chiến ở lại một mình với trái lựu đạn M.26 duy nhất còn lại, khi chiến xa và bộ binh địch tràn ngập Ðồi 169. Anh đã ra đi vĩnh viễn ! Ðồi 169 trở thành địa danh bất diệt :”Ðồi Mũ Ðỏ TRẦN ÐẠI CHIẾN !”
Cánh quân của Trung Tá Ðỉnh chỉ huy vừa xuống khỏi đồi thì bị Cộng quân gờm sẵn chặn đánh, các chiến sĩ Nhảy Dù chống trả quyết liệt và cuối cùng phải rút về hướng Nam, sau đó được trực thăng võ trang AH-1G “Cobra” của Hoa Kỳ hỗ trợ cho Phi Ðoàn trực thăng của Không Quân Việt Nam tìm kiếm bốc chở những quân nhân còn thất lạc về Lai Khê nghỉ chỉnh trang, còn cánh quân do Thiếu Tá Bằng chỉ huy rút về phía Tây Thị Xã An Lộc. Riêng Pháo Ðội C Pháo Binh Nhảy Dù với 6 khẩu đại bác 105 ly được lệnh phá huỷ tất cả súng trước khi rút lui.
Trong cuộc lui quân ra khỏi Ðồi Gió, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đã được Không Quân Việt Nam Cộng Hoà yểm trợ bằng 3 phi tuần F.5E và 3 “pass” B.52 của Hoa Kỳ đánh xuống các vị trí của Cộng quân quanh vòng đai của lộ trình rút quân, nằm 4 cây số về phía Nam An Lộc. Nhưng Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đã gặp phải hoả lực quá mạnh của địch ghìm sẵn để tấn công tràn ngập từ mặt Ðông Nam An Lộc, gây thiệt hại nặng cho 2 Ðại Ðội Nhảy Dù.
Ngày 20-04-1972, trong 48 giờ qua Cộng quân chỉ còn pháo kích vào Thị Xã nhiều hơn là tấn công bằng lực lượng bộ binh. Trung bình mỗi ngày Cộng quân tác xạ vào An Lộc khoảng từ một đến hai ngàn đạn đại bác đủ loại.
Ngày 21-04-1972, Cộng quân lại tiếp tục pháo kích hơn hai ngàn quả đạn đủ loại vào phòng tuyến phòng ngự của lực lượng trú phòng, trong đó có các vị trí trọng yếu do Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù phụ trách.
Ðêm 22 rạng ngày 23-04-1972, Cộng quân tung thêm bộ binh và 1 chi đội chiến xa mở đợt tấn công vào khu vực trách nhiệm của Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù ở cửa Nam An Lộc. Người linh Mũ Ðỏ đã can đảm sử dụng súng chống chiến xa M.72 và XM.202 bốn nòng diệt gọn 4 chiến xa địch gồm 2 T.54 và 2 PT.76 ngay tại chỗ. Ngoài ra phóng pháo cơ AC.130 võ trang có gắn đại bác 105 ly và những đại liên 40 mm, bắn theo sự hướng dẫn của radar đã tiêu diệt luôn một đoàn 5 chiến xa địch đang di chuyển đến.
Ngày 05-05-1972, một sĩ quan Cộng Sản thuộc Trung Ðoàn 275 Cộng Sản Bắc Việt đầu thú đã tiết lộ cho biết rằng Sư Ðoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt sẽ thay thế Sư Ðoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt trong kế hoạch đánh chiếm An Lộc. Sư Ðoàn này sẽ phối hợp với Sư Ðoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt và hướng tấn công chính sẽ là phía Ðông Nam. Mũi tấn công phụ sẽ là hướng Bắc và Ðông Bắc do Sư Ðoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt đảm nhận.
Ngày 10-05-1972, Cộng quân bất ngờ tấn công cường kích chọc thủng tuyến phòng thủ phía Ðông do Tiểu Ðoàn 52 Biệt Ðộng Quân trấn giữ. Ngày hôm sau, Cộng quân đã pháo kích một cách khốc liệt, khoảng trên 8,000 quả đạn đủ cỡ rơi vào chu vi phòng thủ đã thu hẹp của An Lộc, có diện tích không hơn hai cây số vuông. Ðến khoảng 4 giờ sáng, Cộng quân bắt đầu đợt tấn công mới vào An Lộc với sự yểm trợ của 40 chiến xa. Tuyến phòng thủ của Trung Ðoàn 8 Bộ Binh bị địch chọc thủng. Sĩ quan liên lạc của Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đặt cạnh Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh “Tiền Phương” báo cáo địch quân chỉ còn cách ta khoảng 100 thước. Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù gửi ngay Ðại Ðội 3 Trinh Sát Nhảy Dù lên tăng cường để bảo vệ. Sau đó, Ðại Tá Lữ Ðoàn Trưởng quyết định đưa Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù của Trung Tá Hiếu đến giải toả áp lực địch ở phía Bắc của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh “Tiền Phương”. Sự tăng viện của Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù đã có hiệu quả ngay lập tức. Lực lượng Cộng quân không thể tiến xa được.
Ðến giờ phút này, cả ba mặt trận An Lộc, Kontum và Trị Thiên đều đang ở trong tình thế gây cấn quyết liệt. Bên kia Thái Bính Dương, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon công bố những biện pháp mạnh đối với Cộng Sản Bắc Việt. Tại Sài Gòn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố :”Tổ Quốc Lâm Nguy”. Lệnh thiết quân luật được ban hành trên toàn quốc từ 0 giờ ngày 11-05-1972. Và cũng chính vào giờ này, Bộ Tư Lệnh Hành Quân “B2” của Cộng Sản Bắc Việt ra lệnh “dứt điểm” An Lộc và bắt sống “Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng”. Ðúng 12 giờ đêm, Cộng quân mở trận “pháo tập” khốc liệt và tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Và An Lộc, Thị Xã nhỏ bé đã phải hứng chịu trận pháo kích kinh thiên động địa này, với khoảng gần 10,000 quả đạn pháo đủ loại.
Tại An Lộc, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù của Ðại Tá Lưỡng chịu trách nhiệm mặt Nam An Lộc, còn Trung Ðoàn 8 Bộ Binh do Ðại Tá Mạch Văn Trường chỉ huy trách nhiệm phòng thủ phía Bắc An Lộc. Một hôm, nghe tin Ðại Tá Trường bị thương, người bạn Ðại Tá Lưỡng đã vượt vòng đai phòng thủ đến thăm và nói với Ðại Tá Trường “lúc này bị thương thì chết rồi”. Ðại Tá Trường kể với vị Lữ Ðoàn Trưởng Nhảy Dù về tình hình địch áp lực quá nặng ở mặt Bắc, Ðại Tá Lưỡng đã chỉ dẫn cho Ðại Tá Trường cách ứng chế mìn để chặn đường tiến quân của địch. Vị Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh đã cho binh sĩ biến chế mìn theo công thức “cứ hai đầu đạn 155 ly với ngòi nổ thành một quả mìn chống chiến xa”. Chính với loại mìn ứng chế này, quân trú phòng đã hạ được nhiều chiến xa địch trong các đợt tấn công kế tiếp của đối phương.
Trên đây là một điểm son cần được ghi nhận về sự phối hợp và đoàn kết tuyệt vời giữa các cấp chỉ huy Binh Chủng Lục Quân Việt Nam Cộng Hoà trong trận chiến tại Thị Xã An Lộc.
Theo những đề nghị của lực lượng tử thủ An Lộc, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 / Quân Khu III đóng tại Biên Hoà đã điều động sử dụng 25 phi vụ B.52 của Hoa Kỳ, với 2,000 tấn bom đủ loại được đánh vào những vùng tình nghi có sự tập trung quân của Cộng Sản Bắc Việt. Có những phi vụ mà mục tiêu dội bom có khi chỉ cách tuyến phòng thủ của quân ta khoảng 900 thước. Sau đó, áp lực địch cũng như mức độ pháo kích đã giảm đi một cách rõ rệt. Công tác tiếp tế, tản thương và bổ sung đươc tái tục.
Ngày 17-05-1972, áp lực đã giảm hẳn trong ngày, quân trú phòng cố nới rộng vòng đai phòng thủ, đồng thời di chuyển được chừng 2,000 dân chúng ra khỏi An Lộc để chạy về Chơn Thành.
Tuy nhiên, đến ngày 23-05-1972, Cộng quân lại mở liên tiếp 4 đợt tấn công bằng chiến xa vào các đơn vị phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại khu vực Nam và Tây Nam An Lộc,, cách thị trấn này từ 1 đến 5 cây số, nhưng đều bị đẩy lui. Sau các trận đánh này kết thúc, có thêm 13 chiến xa của Cộng Sản Bắc Việt bị hạ, gồm 5 chiếc T.54 và 8 chiếc PT.76
Ngày 31-05-1972, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, khi tiếp xúc với phóng viên báo chí tại Lai Khê, đã mô tả trận chiến này là trận đánh khó khăn nhất và dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Ông. Tuy nhiên, sau 54 ngày giao tranh, Cộng quân bị thiệt hại ít nhất là trên 25,000 bộ đội, và trên 60 chiến xa bị hạ, ước lượng khoảng một nửa trong tổng số lực lượng Cộng quân tham chiến tại Bình Long – An Lộc. Do đó, âm mưu của Cộng Sản Bắc Việt chiếm An Lộc để làm bàn đạp tiến đánh Thủ Ðô Sài Gòn đã hoàn toàn bị quân dân ta chặn đứng tại Mặt Trận Bình Long – An Lộc.
Trong khi đó, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù được bổ sung quân số và tái chỉnh trang gần Quân Chơn Thành. Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện bổ túc ngay tại chỗ, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh chỉ huy được đưa trở lại tham chiến giải toả Quốc Lộ 13 cùng song song tiến lên với Trung Ðoàn 33 Sư Ðoàn 21 Bộ Binh và Trung Ðoàn 15 Sư Ðoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu tổng chỉ huy. Với sự hổ trợ của hai trung đoàn bộ binh, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù lướt đi như gió, càn quét sạch các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt cản đường như con cọp dữ, thật không hổ biệt danh “thiên thần mũ đỏ”. Sau những ngày quần thảo với Cộng quân từ Chơn Thành tới An Lộc, đến chiều tối ngày 08-06-1972, Ðại Ðội 62 Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đã bắt tay được với Ðại Ðội 81 Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù trấn giữ ở phía Nam Thị Xã An Lộc. Các binh sĩ của hai tiểu đoàn nhảy dù đến xiết chặt tay nhau, làm sao kể xiết nỗi vui buồn của họ. Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, và cũng là vị sĩ quan chỉ huy lực lượng giải toả Quốc Lộ 13, đã thở phào nhẹ nhõm. Nhiệm vụ của ông vừa được hoàn thành.
Ngày 09-06-1972, sau khi cánh quân Dù bắt tay được với quân trấn thủ, liền mở rộng vòng đai về phía Nam. Lần đầu tiên kể từ hai tháng qua, mới có được một đoàn trực thăng 25 chiếc hạ cánh an toàn xưống An Lộc, vừa tiếp tế, vừa đổ quân, để rồi bốc thương binh ra. Cuộc di tản thương binh và thường dân vẫn được tiếp diễn đều đặn.
Ngày Chủ Nhật 11-06-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chuyển lời khen nồng nhiệt của Ông đến Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, Ðại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù, và tất cả các đơn vị trưởng cùng toàn thể các binh sĩ thuộc mọi quân binh chủng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Thị Xã An Lộc và khai thông Quốc Lộ 13.
Ngay sau đó, Ðại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù, đã đề nghị với Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long tổ chức di chuyển dân chúng về vùng an toàn ở Chơn Thành.
Nói đến những khó khăn, lòng dũng cảm của người lính Việt Nam Cộng Hoà, người ta không thể nào quên được những thảm cảnh đau thương kinh hoàng của người dân An Lộc. “Có một số người lưu lại Thị Xã An Lộc cho đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, có những người không chịu nổi những trận mưa pháo kinh hoàng có khi lên đến 10,000 quả đạn nổ cho 24 giờ mỗi ngày, nên đã bồng bế dắt dìu nhau hướng về phía Nam. Có thể nói vô số người dân vô tội đã bỏ mạng dọc theo “hành lang máu” từ An Lộc về Tân Khai qua suối Tàu Ô tới Chơn Thành. Những ngày có khoảng 3,000 người chạy loạn qua Tàu Ô về được tới Chơn Thành chỉ còn lại hơn 1,000 người, thảm kịch này không ngôn ngữ nào diễn tả hết, không có gia đình nào còn toàn vẹn khi vượt qua lưới đạn ác nghiệt của Cộng quân để về vùng Quốc Gia. Chuyến đi vĩ đại nhất diễn ra ngày 11-06, khoảng 12,000 đồng bào từ An Lộc hướng về phía Nam qua Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch đến Tân Khai. Bị Cộng quân bắn chặn xối xả bằng đủ loại súng đạn vào đám người di tản trên tay không một tấc sắt và có chừng hơn 2,000 người bỏ mạng, nhưng còn 10,000 người đã tìm thấy ánh sáng tự do ở Chơn Thành.
Ngày 12-06-1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy, đã tung quân tái chiếm ngọn đồi Ðồng Long, cách Thị Xã An Lộc khoảng 500 thước về phía Tây Bắc. Ðây là trận đánh cuối cùng của Biệt Kích Dù tại An Lộc, trận dánh kéo dài từ sáng sớm cho đến chiều, một ngày khói lửa khốc liệt, không ăn và cũng không ngừng nghỉ. Cộng quân đông hơn ta gấp 5 lần. Xác ta và địch nằm ngổn ngang khắp nơi. “Chiến trường ai khóc chia phôi, khải hoàn ai nghĩ tới người hôm qua, chuyện không đầu không đuôi của lính, chuyện ngày qua và mai sau … “.
Chúng tôi rất hãnh diện đã có những người bạn như thế đó, đã làm rạng danh cho đơn vị, cho màu cờ sắc áo một thời. Khi lá “cờ vàng ba sọc đỏ” được các chiến sĩ Biệt Kích Dù kéo lên phất phới tung bay trong gió trên đỉnh đồi Ðồng Long, thì bóng chiều tắt nắng dần trong im lặng không tiếng súng, chiến trường như bãi chợ chiều, ngổn ngang xác chết cùng súng đạn chồng chất lên nhau. Người lính Việt Nam Cộng Hoà đã không ồn ào hò reo chiến thắng. Họ cũng không nhìn thấy được những chiến tích lẫy lừng trước mặt mà chỉ im lặng nghĩ nhiều đến bạn bè đã hy sinh, đã nằm xuống trong trận đánh để đời này.
Ðáng kể nhất là các chiến sĩ Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù, vì đã được huấn luyện đặc biệt để chiến đấu đơn độc trong lòng địch, đã thuộc nằm lòng nguyên tắc tác chiến ấy, để có thể giả dạng quân “giải phóng” cho nên kỹ thuật tác chiến cá nhân của họ rất cao. Họ đã tung hoành hoạt động ngang dọc trong nửa lòng thành phố về phía Bắc An Lộc, cuộc giao tranh giữa các chiến sĩ Biệt Kích Dù và đặc công Cộng Sản tiếp diễn với mức độ ác liệt, tạo thành những mảng “da beo” có khi ta và địch chỉ có cách nhau bởi con đường ngang 4 thước, trên phần đất hoả ngục trần gian này. Hàng ngàn xác chết của cả hai bên ta và địch nằm la liệt khắp nơi trong Thành Phố An Lộc.
Bởi thế, họ vẫn bình thản tạo dựng được một nghĩa trang khá tươm tất để chôn cất các đồng đội không may đã ngã gục trên chiến trường còn lan máu. Nghĩa trang “Biệt Kích Dù” nằm sát ngôi chợ Bình Long và được ghi hai câu thơ mộc mạc của vị nào đó trên một tấm bia mộ chung để nói lên sự thống khổ chung của quân dân Việt Nam Cộng Hoà như sau :
“An Lộc địa, sử ghi chiến tích,
Biệt Kích Dù vị quốc vong thân”.
Trong nghĩa địa này là nơi an nghỉ cuối cùng của 68 chiến sĩ Bỉệt Kích Dù, đã anh dũng hy sinh và trên 300 chiến hữu khác bị thương vong trong 68 ngày đêm chiến đấu liên tục không ngừng nghỉ, kể từ khi người lính Biệt Kích Dù đầu tiên được thả xuống mặt trận Bình Long – An Lộc ngày 16-04-1972 và được bốc ra khỏi An Lộc ngày 24-06-1972 để đến chiến trướng mới rộng lớn hơn, nguy hiểm hơn, khốc liệt hơn, … đang chờ họ …
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh chiến trường An Lộc, đã tuyên bố với đặc phái viên Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam: “Thành Phố An Lộc được giải toả hoàn toàn”, sau khi Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà phất phới tung bay trên đỉnh đồi Ðồng Long chiều ngày 12-06-1972.
Khi Cộng quân quyết tâm tấn công An Lộc, Cộng Sản Bắc Việt cũng không ngờ rằng họ sẽ gặp phải một sức chiến đấu kiên trì anh dũng của quân dân tại đây. Sức chiến đấu kháng cự bền bỉ đó không chỉ một người ca tụng, một dân tộc ca tụng, mà cả thế giới ngưỡng mộ và cảm phục Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Trước chiến thắng vô cùng vẻ vang đó, danh tướng Pháp Vanuxem, vị tướng từng quen thuộc với chiến trường Việt Nam, đã phải nói rằng: “Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu rất anh dũng và đã chiến thắng vô cùng ngoạn mục”. Ông đã từng nhận xét rằng: “Khi có những người chỉ huy xứng đáng ở bên họ thì Người Lính Việt Nam Cộng Hoà không thua một người lính của bất cứ cường quốc nào trên thế giới”. Câu nói này được chứng tỏ nhiều lần tại chiến trường Việt Nam.
Tại Sài Gòn, khoá họp khoáng đại Thượng Nghị Viện của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà đã ngưng lại phiên họp thường lệ để dành hết thời gian ca ngợi và tri ân các chiến sĩ đang chiến đấu ngày đêm trên khắp các mặt trận Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng, Trị Thiên Vùng Dậy, Cửu Long Quyết Chiến Thắng.
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, người hùng tử thủ An Lộc đã viết :“An Lộc đã đứng vững suốt 3 tháng cam go nhờ vào tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn thể quân dân anh hùng nơi Thị Xã nhỏ bé thân yêu của đất nước”.
Ðáng lý ra, với đà chiến thắng vang dội này, nếu nhà lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ biết rút tỉa kinh nghiệm, tranh thủ nhân tâm, vận dụng được khối đoàn kết dân tộc, và đặc biệt đừng tự xem đất nước mình như một tiểu bang của Hoa Kỳ, mà tìm cách cùng nhau kết hợp để tự cứu mình, thì giờ này Việt Nam đâu phải bị rơi vào tay bọn Cộng Sản Bắc Việt để rồi Tổ Quốc thân yêu của chúng ta bị kẻ thù phương Bắc chia cắt bán đất, dâng biển cho quan thày Trung Cộng.
Người viết xin kính gửi đến chiến hữu và quý đồng hương lời phát biểu của cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà, ông Bùi Diễm, khi trả lời cuộc phỏng vấn. Ông đã nói: “Nhìn lại kinh nghiệm của cuộc chiến Việt Nam, những ai còn tâm tư với đất nước, xin đừng bao giờ giao vận mệnh của Tổ Quốc mình vào trong tay ngoại bang. Và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện liên minh với bất kỳ một Quốc Gia nào mà mình không có một vai trò quyết định”.
Ngày 21-06-1972, vì nhu cầu cho chiến trường mới, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù được lệnh rút ra khỏi mặt trận Bình Long – An Lộc và sau đó được di chuyển ra vùng hoả tuyến để tăng cường cho mặt trận Trị Thiên “Hành quân Lam Sơn 72 tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị” vào hạ tuần tháng 06-1972.
Trong phi vụ yểm trợ cho Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù bị địch phục kích chặn đánh ở khu vực Tân Khai nằm trên Quốc Lộ 13, cách 10 cây số về phía Nam An Lộc, một phi cơ trực thăng võ trang AG-1G “Cobra” của Hoa Kỳ đã bị hoả tiễn tầm nhiệt địa đối không SA-7 bắn rơi, 2 nhân viên phi hành đoàn là Ðại Úy Mike Brown và Ðại Úy Marco Cordon, rất may mắn còn sống sót, được cứu thoát trên chiến trường An Lộc.
Ngày 07-07-1972, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 / Quân Khu III đến thị sát chiến địa An Lộc và quyết định thăng một cấp cho tất cả các quân nhân chiến đấu và tử thủ ở đây. Ðịa danh Bình Long – An Lộc cũng được tuyên dương nhắc nhở rằng: “Bình Long Anh Dũng”.
Ngày 09-07-1972, Chuẩn Tướng R.J. Tallman, Tư Lệnh Phó Bộ Tư Lệnh Yểm Trợ Vùng 3 (TRAC), khi đến thì sát chiến trường An Lộc, đã bị tử thương vì trúng đạn pháo của Cộng quân, Ông cũng là một Sĩ Quan cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ chết trong cuộc tấn công Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972 tại chiến trường VIệt Nam Cộng Hoà.
Ðể kết thúc bài tổng lược nặng về phần chiến sử “Binh Chủng Nhảy Dù”, tôi xin được một phút để kính cẩn nghiêng mình vinh danh những Chiến Sĩ đã hy sinh xuơng máu để “bảo quốc an dân”, và thắp một nén hương lòng để tri ân những người Chiến Sĩ trung kiên đã vĩnh viễn nằm xuống để bảo vệ Tổ Quốc trong Danh Dự và Trách Nhiệm của người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nói chung.
Sau cùng, người viết xin cám ơn các tác giả, nhà xuất bản, đặc san Mũ Ðỏ, nguyệt báo KBC, Việt Báo Online, Sài Gòn Báo Online, VietNam war, v.v… trong việc xin tham khảo trích dẫn các tài liệu và bài viết. Những lỗi lầm hoặc thiếu sót, nếu có, tác giả xin được đại xá. Một lần nữa, xin đa tạ tất cả quý vị.
Người Lính Già Phương Nam