Bước Theo Ðức Thánh Cha Tông Du Liban, Nhớ Ðến Việt Nam

I. Đức Thánh Cha tông du Liban…

A. Ngày 14.09.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đến Beirut, thủ đô Liban, để khởi đầu chuyến viếng thăm 60 tiếng đồng hồ để ký và công bố Tông huấn ‘Giáo Hội tại Trung Đông’ (Ecclesia in Medio Oriente) đúc kết thành quả Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt về Trung Đông, nhóm tại Roma hồi tháng 10/2010. Cuộc tông du diễn ra trong tình trạng thẳng tại Trung Đông, nơi mùa xuân Arập đang có nguy cơ biến thành mùa đông, và cuộc xung đột đẫm máu tại Syrie có nguy cơ lan sang cả Libăn, nên được mang chủ đề : ‘Thầy ban bình an cho các con’ (Ga 14,27).

Libăn chỉ rộng gần 10.500 cây số vuống, 1/30 Việt Nam, với dân số hơn 4 triệu người, trong đó gần 60% theo Hồi giáo, 40% là Kitô hữu và 1,3% thuộc các tôn giáo khác. Giáo hội Công giáo Liban có 53 Giám mục, 1543 Linh mục triều và dòng, 2.650 nữ tu và gần 150 tu huynh, 390 đại chủng sinh.

Trên chuyến bay, Đức Thánh Cha đã trả lời các ký giả tháp tùng. Người cho biết :

- dù an ninh Trung Đông và Libăn khó khăn, nhưng Người vẫn thực hiện cuộc viếng thăm vì cần mang lại một dấu hiệu huynh đệ, khích lệ và liên đới. Mục đích cuộc viếng thăm là để mời gọi đối thoại, kiến tạo Hòa bình chống lại bạo lực, cùng nhau tìm giải pháp cho các vấn đề.

- Đức Thánh Cha nói rằng trào lưu tôn giáo cực đoan luôn là một sự giả tạo, làm biến thái tôn giáo và đi ngược với ý nghĩa tôn giáo, vốn là một lời mời gọi phổ biến An Bình của Thiên Chúa trên thế giới. Do đó, nghĩa vụ Giáo hội và các tôn giáo là thanh tẩy chống lại những cám dỗ ấy, soi sáng lương tâm, và làm sao để mỗi người có ý niệm rõ ràng về Thiên Chúa.

Đến phi trường Rafiq Hariri (Beirut) lúc gần 14 giờ, Đức Thánh Cha được Tổng thống Michel Sleiman, các giới chức tôn giáo và dân sự, học sinh và tín hữu tiếp đón nồng nhiệt. Rời phi trường, Đức Thánh Cha đến Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Harissa, một làng nhỏ trên đỉnh đồi cao 550 mét so nhìn xuống bờ biển và vịnh Jounieh.

Nơi đây nổi tiếng với Đền thánh Đức Mẹ Liban được xây dựng năm 1904, dịp kỷ niệm 50 năm tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và khánh thành đầu tháng 05.1908. Từ đó, ngày ấy trở thành ngày lễ hàng năm kính Đức Mẹ Liban. Điều thật đặc biệt, Đền thánh Đức Mẹ quan trọng nhất ở Trung Đông này được người Hồi giáo cũng đến hành hương để tôn kính Đức Mẹ, nhất là vào ngày Chúa nhật. Tháng 07.1993, một Vương cung Thánh đường được xây cất cạnh tháp bệ Đền thánh, có hình mũi tàu của người Phenici. Nơi đây có bản sao tượng Đức Mẹ Lộ Đức do Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 làm phép ngày 22.03.1992 ở Đền thờ Thánh Phêrô và được Cơ quan hành hương Giáo phận Rôma đưa tới đây.

B. Ngày 15.09.2012, Đức Thánh Cha rời Tòa Sứ thần lúc 9 giờ 20 để đến thăm xã giao Tổng thống tại Dinh Người cách đó 30 cây số. Trên đoạn đường này, rất đông người cầm cờ Libăn và cờ Tòa Thánh vẫy chào Người và múa nhảy biểu lộ niềm vui của họ trước vị thượng khách của Đất Nước. Sau khi hội đàm riêng với Đức Thánh Cha, Tổng thống đã giới thiệu phu nhân và các con để chụp hình lưu niệm. Sau đó, Đức Thánh Cha gặp gỡ riêng ông Nabih Berri, Chủ tịch Quốc hội, và ông Nagib Mikati, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã chào giới lãnh đạo các cộng đoàn Hồi giáo Sunnít, Sciít Druse và Alawit. Hiện diện trong buổi gặp gỡ cũng có Đức Hồng y Quốc vụ khanh, Đức Thượng phụ Maronít, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Đức Sứ thần tại Libăn. Lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành phần lãnh đạo chính trị, các cơ cấu quốc gia, ngoại giao đoàn, các vị lãnh đạo tôn giáo và đại diện thế giới văn hóa. Cuối cùng, Tổng thống và các đại sứ tháp tùng Người ra vườn Dinh Tổng thống để trồng lưu niệm một cây trắc bá Libăn. Tại ‘Phòng 25 tháng 5’, đáp lời Tổng thống, Đức Thánh Cha nói ‘Thầy ban bình an của Thầy cho các con’ bằng tiếng A Rập để chào mọi người hiện diện và đã mời gọi mọi người chung sức xây dựng Hòa bình, thăng tiến gia đình, tôn trọng phẩm giá và các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, thăng tiến đối thoại, cộng tác và hòa hợp giữa các tín hữu kitô và hồi giáo toàn vùng Trung Đông… Tại các nước đang có tranh chấp vũ trang, các cuộc chiến đầy phù phiếm và kinh hoàng, các xúc phạm đến sự toàn vẹn và sự sống con người và tại các quốc gia khác, thất nghiệp, nghèo đói, gian tham hối lộ, khai thác bóc lột, vụ buôn bán bất hợp pháp mọi loại và nạn khủng bố làm suy yếu khả năng nhân bản, mang khổ đau không thể chấp nhận đến các nạn nhân. Cái luận lý kinh tài muốn áp đặt trên chúng ta cái ách của sự tôn trọng của cải trên nhân phẩm. Sự cướp đi sự sống mỗi con người là một mất mát cho toàn nhân loại, là một đại gia đình, chúng ta đều có trách nhiệm… Giáo dục trong gia đình và ở học đường trước hết phải là giáo dục các giá trị tinh thần, trao ban cho việc thông truyền sự hiểu biết và các truyền thống của một nền văn hóa ý nghĩa và sức mạnh của chúng. Trí khôn con người yêu thích chân, thiên, mỹ: đó là dấu ấn Thiên Chúa in nơi con người… Phải khước từ sự báo thú, nhận biết các sai lầm của mình, chấp nhận các lời xin lỗi và sau cùng là tha thứ… Chúng ta đừng quên rằng tự do tôn giáo là quyền căn bản, mà nhiều quyền khác tùy thuộc. Bất cứ ai đều phải có thể tuyên xưng và sống một cách tự do tôn giáo của mình, mà không gặp nguy hiểm cho sự sống và tự do. Việc mất đi hay suy yếu sự tự do này lấy mất đi của con người quyền thánh thiêng có được cuộc sống toàn vẹn trên bình diện tinh thần. Tự do tôn giáo có chiều kích xã hội và chính trị cần thiết cho Hòa bình. Nó thăng tiến sự sống chung hòa hợp, cho phép dấn thân phục vụ các lý tưởng cao quý, qua việc tìm kiếm sự thật, không bằng việc áp đặt bạo lực, nhưng bằng chính sức mạnh của sự thật. Sự thật đó là Thiên Chúa. Bởi vì tín ngưỡng được sống dẫn đưa tới tình yêu. Tín ngưỡng đích thật không thể dẫn đưa tới cái chết.

C. Chúa Nhật ngày 16.09.2012, Đức Thánh Cha đã chủ tọa Thánh Lễ lúc 10 giờ, tại bãi biển trung tâm thủ đô Beirut. Chúng tôi hiệp thông qua trực tiếp truyền hình với khoảng 350.000 người tại chổ vì đây là đỉnh cao trong cuộc tông du này. Giảng trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nói: ‘Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!’ (Eph 1:3) vì tôi có niềm vui được ở đây với các bạn, nơi đất nước Libăn này, để trao cho các Giám mục liên hệ Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Trung Đông.

Tin Mừng hôm nay đề cập về căn tính thật của Chúa Giêsu : ‘Người ta nói Thầy là ai?’ (Mc 8:29). Các tông đồ đã có những câu đáp khác nhau. Ngày nay, những người gặp Chúa trên đường đời cũng có những lời đáp khác nhau theo ý mình. Những phương pháp hữu ích để tìm kiếm chân lý này không sai, nhưng không đạt đến trọng tâm vấn đề : Chúa Giêsu là ai. Chỉ những ai sẵn sàng đi theo Người trên con đường Người vạch ra, sống hiệp thông trọn vẹn với Người trong cộng đồng các môn đệ, mới có thể thực sự biết Người là ai. Phêrô, người theo Chúa Giêsu, trả lời: ‘Thầy là Đấng Kitô’ (Mc 8:29). Đúng, nhưng chưa đủ. Do đó, Chúa Giêsu thấy cần thiết phải làm rõ điều đó vì người ta có thể lợi dụng câu trả lời để thúc đẩy những ý định không do Người đề ra, dùng danh Ngài tạo nên những hy vọng trần thế : một vị cứu tinh phàm nhân mà nhiều người đang chờ đợi.

Chúa Giêsu nói rõ với các tông đồ rằng Người phải chịu đau khổ và chịu chết, và sau đó Phục sinh. Đó là căn tính thực sự của Người : một Đấng Mêsia chịu đau khổ và phục vụ, không phải là đấng cứu tinh chính trị đầy uy quyền. Người là Tôi Tớ vâng phục thánh ý Chúa Cha, đến mức hy sinh cuộc sống mình như được tiên báo bởi tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất. Chúa Giêsu đã làm nản lòng mong đợi của nhiều người. Người trách móc Phêrô khi ông không chấp nhận Thầy mình phải đau khổ và chết vì Người muốn ông biết rõ là muốn làm tông đồ Người phải trở thành một đầy tớ như Người đã trở thành. Theo Chúa có nghĩa là vác thập giá mình và tiến theo bước chân Người, một con đường khó khăn không dẫn đến quyền lực hay vinh quang trần thế, mà để được đảm bảo sự phục sinh.

Trong Năm Đức Tin, bắt đầu ngày 11.10 này, tôi mong muốn mỗi tín hữu hãy dấn thân để lựa chọn con đường hoán cải chân thành bằng suy nghĩ sâu xa về niềm tin của mình, để có một Đức Tin đầy ý thức hơn bao giờ hết và thăng tiến trong sự trung tín với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Chúa Giêsu dẫn chúng ta theo một con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang Chúa, một nhục thể treo trên thập tự, là cách Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương của Ngài, trở thành tôi tớ chúng ta và thí mạng cho chúng ta. Theo bản tính loài người, đây không là một mầu nhiệm tuyệt vời, chính Thánh Phêrô mãi về sau mới hiểu được điều đó.

Trong bài đọc hai, Thánh Giacôbê nói về mức độ chúng ta phải dấn bước theo chân Chúa Giêsu: một Đức Tin chân thực, đòi hỏi phải có những hành động cụ thể ‘Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là Tin’ (Gc 2:18). Nhiệm vụ cấp bách Giáo hội là phục vụ và nhiệm vụ các Kitô hữu là phải thực sự trở nên những người tôi tớ tự do và tự nguyện theo hình ảnh Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong bản sắc những người theo Chúa Kitô (x. Ga 13:15-17) trong một thế giới đầy bạo lực liên tục để lại đằng sau dấu vết nghiệt ngã của cái chết và hủy diệt, phục vụ công lý và hòa bình thật cần thiết để xây dựng một xã hội huynh đệ và bằng hữu. Đây là hành động cần thiết mà các Kitô hữu phải thực hiện trong sự hợp tác với mọi người thiện chí. Hãy trở thành những nhà kiến tạo hòa bình, ở bất cứ nơi nào chúng ta đang sống.

Phục vụ phải là tâm điểm đời sống các cộng đồng Kitô hữu : mọi thừa tác vụ, vị trí có trách nhiệm trong Giáo hội trước hết là để phục vụ cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta. Đây là tinh thần soi đường cho những người đã chịu phép rửa, và được thể hiện cụ thể trong dấn thân phục vụ người nghèo, bị bỏ rơi và đau khổ, để phẩm giá bất khả xâm phạm mỗi người có thể được bảo vệ.

Anh chị em đang đau khổ về thể chất hay tinh thần, những đau khổ đó không phải là vô ích! Đức Kitô muốn luôn được gần gũi với các bạn. Cầu mong, trên đường đời, anh chị em luôn luôn tìm thấy những đồng bào như là những dấu chỉ cụ thể cho sự yêu thương không bao giờ từ bỏ anh chị em của Ngài! Hãy giữ vững hy vọng nơi Chúa Kitô!

Chiều hôm đó, chúng tôi hiệp dâng Thánh Lễ Giỗ tưởng niệm Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tôi Tớ Chúa, nhân dịp cách đây 10 năm, ngày 16.09.2002, đã được Thiên Chúa gọi về bên Người. Ngày 20.09.2002, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từ Castel Gandolfo trở về Vatican, để giảng từ biệt Đức cố Hồng y trong Thánh Lễ An táng tại Vương cung đại thánh đường Thánh Phêrô. Ngài nói : « ‘Niềm hy vọng của họ đầy sự bất tử’ (Sap 3,4), những lời này của sách Khôn Ngoan mời gọi chúng ta, trong ánh sáng hy vọng hãy dâng lời khẩn nguyện cho linh hồn ưu tuyển của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã đặt trọn cuộc sống của mình dưới dấu chỉ hy vọng.

Dĩ nhiên sự qua đi của Người gây đau buồn cho những người đã từng quen biết và yêu mến Người và các thân nhân Người, đặc biệt là Bà Cố, mà tôi tái bày tỏ sự gần gũi quý mến. Tôi nghĩ tới Giáo hội yêu quí tại Việt Nam, đã sinh ra Đức Hồng y trong Đức Tin, và tôi cũng nghĩ tới toàn thể dân tộc Việt Nam, mà Người đích thị nhắc đến trong chúc thư tinh thần, và quả quyết là luôn luôn yêu mến dân tộc Việt Nam. Tòa Thánh khóc thương Đức Hồng y Văn Thuận, người đã dành những năm cuối cùng để phục vụ Tòa Thánh trong tư cách là Phó Chủ tịch, rồi là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình… »

Thánh Lễ xong, trở về nhà, đúng lúc Đức Thánh Cha chuẩn bị rời Liban. Trong diễn văn từ biệt, Người đã bày tỏ mong muốn thấy được một vùng đất Trung Đông hòa bình, ổn định trong đó Kitô hữu có thể cùng với anh chị em Hồi Giáo của mình sát cánh xây dựng một xã hội nhân bản dựa trên những giá trị luân lý truyền thống. Điểm đặc biệt chuyến tông du này, Tổng thống Michel Sleiman, vị Quốc trưởng Thiên Chúa giáo duy nhất Trung Đông, đã tham dự hầu hết chương trình thăm viếng của Đức Thánh Cha như một sự ủng hộ và cộng tác trong tiến trình mưu cầu Hòa Bình cho Liban và toàn Vùng.

Lúc 21 giờ 40, phi cơ chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã đáp xuống sân bay quốc tế Ciampino (Rôma). Rất đông những người Công giáo toàn cầu đã hiệp thông cầu nguyện cho chuyến tông du, hiện nay, cùng Tạ Ơn về sự thành công trong An Bình này.

II. … Nhớ đến Việt Nam.

Ngày 15.05.2012, Ủy ban Công Lý và Hòa Bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phổ biến ‘Nhận định về một số Tình hình tại Việt Nam Hiện nay’http://vietcatholic.net/News/Html/97871.htm , nhân dịp kỷ niệm 121 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ban hành bởi Đức Thánh Cha Léon XIII. Đây là một công trình tập thể của những thành viên Ủy Ban, những Kytô hữu quan tâm đến vận mệnh con người, xã hội, Quê hương, đã lần lượt điểm qua tình hình trên các lãnh vực Việt Nam về kinh tế, luật đất đai, môi trường xã hội, pháp luật, chủ quyền quốc gia về lãnh địa và hải đảo, môi trường sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục và y tế, tôn giáo.

Từ ngày 15.05.2012, tình hình Việt Nam càng trở nên nghiêm trọng khi:

- ngày 23.06.2012, Trung quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và ngày 24.07.2012, mừng lễ tổ chức thành phố này tại đảo Phú Lâm ;

-ngày 20.08.2012, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt gây những sự rút tiền và giảm giá chứng khoán bất thường và ngày 21.08.2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải trình về nợ xấu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết : quy mô nợ xấu theo cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước là gần 202.000 tỷ đồng (khoảng 9,69 tỷ mỹ kim), tức 8,6% tổng dư nợ. Chẳng may, các ngân hàng không thể trả thì ngân sách quốc gia phải hoàn trả mà ngân sách quốc gia, phần lớn do người dân Việt nộp thuế.

A. Ngày 19.08.2012 lúc 22 giờ 30, Luật sư Lê Quốc Quân, thành viên Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam, người tranh đấu bảo vệ quyền công dân và chủ quyền biển đảo chống Trung Quốc xâm lăng đã bị công an thường phục tấn công bằng thanh sắt tại Hà Nội.

Để chuẩn bị cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba linh mục : Phan khắc Từ (Sài gòn), Trần mạnh Cường (Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Bùi Chu) được đảng cử để dân bầu. Luật sư Lê Quốc Quân đã bị đảng không cử tại Hà nội. Kết quả, ông Từ, chứ không là‘cha’, nên không được dân bầu. Thật vô lý các ‘đấng quốc doanh’ : hãy để luật sư làm luật, giáo sĩ về phục vụ Giáo hội và giáo dân. Bởi thế, Việt Nam luôn là quốc gia chậm tiến.

B. Ngày 13.09.2012, anh Nguyễn Chí Đức, người bị Đại úy (nay là Thiếu tá) công an Minh đạp vào mặt khi đi biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội năm 2011, cho biết :

- tôi không từ bỏ mà chỉ xin ra khỏi đảng. Khi vào đảng, mình có làm đơn, bây giờ, mình cũng đúng thủ tục làm đơn xin ra.

- lý do : người Việt Nam, bất cứ ai có máu dân tộc mạnh mẽ thì phải xuống đường! Không hẳn là một cái gì to tát hay ghê gớm. Thật sự tôi rất buồn vì, trong những cuộc biểu tình năm 2012, rất ít người Việt Nam xuống đường. Hàng bao nhiêu học sinh Hồng Kông vừa phản đối chính quyền Cộng sản Tàu về chuyện giáo dục. Trong khi đó, Việt Nam bị Trung Quốc lăm le xâm lược mà tinh thần dân tộc Việt Nam lại rất yếu đuối. Chả vui gì cả vì thấy bao nhiêu cuộc biểu tình vẫn chỉ từng ấy con người.

C. Ngày 16.09.2012, Linh mục Antôn Lê ngọc Thanh C.Ss.R cùng với 4 người khác từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu để cúng viếng 49 ngày qua đời của người quen là bà Đặng Thị Kim Liêng. Bà tự thiêu trước trụ sở tỉnh ủy Bạc Liêu về nguyên nhân có phần rất lớn sau những hậu quả của việc bà và gia đình bị khủng bố về tinh thần, với lý do chính là con gái Bà là chị Tạ Phong Tần giã từ đảng viên đảng cộng sản và chức Đại úy công an để trở thành một nhà báo độc lập, người Công giáo, đã bị công an hành hung, liệng vào xe và đưa về cơ quan thẩm vấn vì chụp hình cơ quan Tỉnh, nhưng mở ra thì không có hình. Ngoài ra, an ninh Bạc Liêu gây khó khăn là vì họ bị chất vấn rất nhiều từ Hà Nội về cái chết do tự thiêu của Bà Liêng.

D. Ngày 07.09.2012, Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã ra văn thư số 4681, cho biết phiên xử phúc thẩm ba thanh niên Công giáo là Antôn Đậu Văn Dương, Phêrô Trần Hữu Đức và Antôn Chu Mạnh Sơn sẽ diễn ra tại thị xã Cửa Lò ngày 26.09.2012, tại thị xã Cửa Lò, thay vì thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An như thường lệ. Giáo sư luật quốc tế Hoa kỳ Allen S. Weiner đã đại diện 17 thanh niên Công giáo và Tin lành này để khiếu nại nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam người tùy tiện lên Liên hiệp quốc.

E. Ngày 24.09.2012, ba bloggers nổi tiếng Việt Nam là Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Anhbasg (Phan Thanh Hải) và Tạ Phong Tần sẽ bị đem ra xét xử theo điều 88–Bộ Luật hình sự ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’. Hai vòng số 8 đã ngang nhiên bập vào tay một cách vô cớ, trớ trêu thay, lại bị lạm dụng như một công cụ pháp lý để đưa cả ba vào tù. Đây là một phiên tòa ngụy tạo để xử người vô tội vì chỉ sử dụng những quyền căn bản mà Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền Liên hiệp quốc đề cập nơi Điều 19 và Điều 69 Hiến pháp Việt Nam: « Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ». Thêm vào đó, Điều 4 Luật báo chí quy định quyền ‘phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; được góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí’.

F. Ngày 19.09.2012, Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Công C.Ss.R, Quản hạt Măng Yang, phụ trách Họ đạo Đăk Pnan của anh chị em bệnh phong, đến làm việc với nhà cầm quyền huyện Măng Yang (Gia Lai) để giải quyết vụ việc : « lúc 8 giờ Chúa nhật ngày 12.08.2012, đoàn cán bộ xã Kon Thụp và huyện Măng Yang, hai công an huyện dẫn đầu với rất đông người đến yêu cầu tháo gỡ Thánh giá, ảnh Đức Mẹ bỏ ra ngoài nhà nguyện, và thay vào đó, trên cùng một bức vách phải treo 2 bức ảnh ông Hồ. Họ đe doạ, nếu không tháo gỡ thì Yao phu Bơih sẽ bị bắt đi tù. Sau đó, chúng yêu cầu dân làng tháo chuông nhà nguyện, nhưng họ dứt khoát không tháo, nên cán bộ xã đã tự tháo xuống và hiện nay đang nằm lăn lóc giữa đất.

Không nơi dâng Thánh Lễ, giáo dân dựng khung cây tạm bợ, che bạt để tránh mưa nắng lúc Thánh Lễ. Nhà cầm quyền vẫn không buông tha và tiếp tục khủng bố, bắt giáo dân phải tháo dỡ bạt che. Chiều Chúa Nhật ngày 16.09.2012, một nhóm cán bộ xã vào theo dõi Thánh Lễ chủ tế bởi Cha Giám tỉnh DCCT Việt Nam Vinh sơn Phạm Trung Thành đến thăm và an ủi cộng đồng trong hoàn cảnh bị bách hại về Đức Tin. Dịp này, giáo dân làng Đăk Pnan cũng được nghe đọc bức thư đầy khích lệ của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, vị Cha chung Giáo phận Kontum ».

Ứơc mong những huấn dụ của Ðức Thánh Cha được thực hiện bởi chúng ta để Sự Thật, Công Lý, Công Bình và Tự Do, những điều kiện để Hoà Bình hiện diện trên Quê Hương Việt Nam.

HÀ MINH THẢO