Những người Việt Công giáo mới

Tại Việt Nam, ngày 01.07.2012 được đánh dấu, buổi sáng, với những cuộc biểu tình của những đồng bào yêu nước tại Hà nội, Huế và Sài gòn nhằm phản đối nhà nước Trung cộng thành lập thành phố Tam Sa ngày 23.06.2012, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa và ủng hộ Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua. Những người này đã gặp sự trấn áp, đánh bắt không nương tay của nhà cầm quyền Việt Nam, ngoại trừ một người Việt gốc Pháp có tên Hồ Cương Quyết hay André Menras.

Buổi chiều cùng ngày, Giáo điểm Con Cuông, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo phận Vinh, bị chính quyền địa phương sai dân phòng và côn đồ trấn áp Linh mục và giáo dân chuẩn bị Thánh Lễ Chúa nhật ngày 01.07.2012, với sự tiếp tay của công an và bộ đội, khiến nhiều người bị thương, đặc biệt, chị Maria Ngô Thị Thanh bị côn đồ dùng loa cầm tay đánh vào đầu gây chấn thương dập sọ não, phải đưa đi cấp cứu tại Hà nội…

Tuy nhiên, trong tháng này, Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng hân hoan tiếp nhận sự gia nhập của những bạn trẻ từ nhiều miền của Đất Nước được thấm nhuần Giáo lý và tự do đón nhận Bí tích Thánh tẩy bởi các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là những người Việt đã từng nói lên Sự Thật, đã từng đòi Công Lý nay, đáp lời mời gọi của Đức Kytô, để trở thành người Việt Công giáo.

Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, trả lời phỏng vấn của báo Quan Sát Viên Roma ngày 07.08.2012, khẳng định rằng các tấn kích và bắt bớ chống lại các kitô hữu sẽ không ngăn cản được việc làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa… Kitô giáo cống hiến cho mọi người quan niệm luân lý đạo đức của mình, giúp sống tình liên đới và sự nhưng không. Phải hiểu rằng tình huynh đệ giữa con người với nhau là một thực tại cần thực hành. Nó thuộc bản chất của con người, mà không có gì có thể hủy bỏ được. Hành động trong lãnh vực kinh tế tài chánh chỉ nhắm lợi nhuận mà không coi con người có ý nghĩa gì, là điều sai trái. Giáo Hội có quyền và có bổn phận phải lên tiếng và Giáo Hội có nhiều điều để nói với con người và các cơ cấu xã hội ngày nay.

I. NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐÁP LỜI ĐỨC KITÔ KHÁC NHAU.

Đọc tin trên mạng lưới thông tin toàn cầu, chúng tôi được biết có bảy học viên theo lớp giáo lý Dự Tòng đặc biệt do các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Sau khi chị Maria Lê Diễm Mi được rửa tội từ cuối tháng 6, Cha Giuse Đinh Hữu Thoại đã ban Bí tích Thánh tẩy cho cô Mary Huỳnh Thục Vy tại Tam Kỳ. Ngày 22.07.2012, các bạn Matthew Rchơm Sơ, Maria Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Geradina Lê Thị Bích Vân và Maria Nguyễn Hoàng Vi đã tự nguyện trở thành những Kytô hữu. Cuối cùng, cô Monica Trịnh Kim Tiến cũng nhận Bí tích Rửa tội để nhập gia đình Công giáo.

A. Động lực thúc đẩy tự chọn trở thành Kitô hữu.

- Hỏi về lý do để trở nên con Thiên Chúa, cô Huỳnh Thục Vy viết: « Con tin rằng cuộc đời con người không phải do con người quyết định mà được. Lúc con bị bắt, con tự nhiên thấy mình luôn được chở che. Con chưa hiểu vì sao con lại có cảm giác ấy. Nhưng con hy vọng nếu có một Đấng cao vời mà con chưa từng biết thì con mong các cha giúp cho con một cơ hội để bước vào con đường nhận biết Ngài. Đó là những lời con nói thật lòng mình ».

- Anh Rchơm Sơ cho biết : « Cả gia đình đã theo đạo từ lâu, đến giờ học đại học ở Sài Gòn mới thấy mình phải tìm Chúa, thế là xin học đạo ».

- Cô Lê Thị Bích Vân nhận xét cuộc sống của mình: « Mâu thuẫn. Đấu tranh. Dục vọng và Lí trí. Đúng và sai. Nên và không nên. Luôn gồng mình lên để sống, đôi lúc tôi tưởng chừng như người điên. Và tôi luôn tìm, tìm kiếm hạnh phúc, sự bình yên trong tâm hồn. Hy vọng một nơi nào đó, một ai đó hoặc thậm chí là bất kì một thứ gì mở lối thoát cho tôi. Vì tôi muốn sống như đúng nghĩa là một cuộc sống ».

- Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh, mẹ của hai người con đã lớn : « Gia đình con theo đạo Cao Đài, rồi khi lấy chồng thì về gia đình theo truyền thống Phật giáo. Đạo Cao Đài cũng tôn kính Đức Mẹ Maria, nên ngay từ bé, con đã thường cầu nguyện với Đức Mẹ. Khi có chồng con, lúc hạnh phúc lúc buồn tủi, con tìm đến với Đức Mẹ và mong muốn mình theo đạo nào mà có Đức Mẹ. Người em út con giới thiệu cho con làm quen với những người Công giáo ».

- Bạn Nguyễn Hoàng Vi cho biết muốn theo đạo là để chu toàn đạo hiếu với ba là người Công giáo, mẹ thì không. Sáng mùng Một Tết hàng năm, ba dẫn con đi nhà thờ và, đôi lần, đã nhắc nhở gia đình rằng: ‘Chỉ có con người bỏ Chúa chứ không bao giờ Chúa bỏ con người’. Lúc hấp hối, ba tâm nguyện rằng mong các con mình tìm về với Chúa. Một hôm, khi mệt mỏi vì bon chen trong cuộc sống, con dừng lại và muốn tìm về với Chúa để hoàn thành tâm nguyện ba nhen nhóm lên trong suy nghĩ con một cách rất tự nhiên… Một ngày, con bỏ ngang việc học giáo lý để xuất cảnh, kiếm kế mưu sinh cho gia đình thì con lại bị chính quyền cấm con xuất cảnh với lý do hết sức vớ vẩn. Ngay khi ấy, con tin rằng đó là ý định của Chúa muốn con trở về với tình yêu thương của Ngài. Những lúc lòng con cảm thấy bất an, bối rối nếu là trước đây con sẽ rơi vào tình trạng không lối thoát nhưng bây giờ qua lời dạy của cha, con cảm nhận được sự dạy bảo, chở che, ủi an của Chúa mà lòng lại cảm thấy bình an.

- Trong bài ‘Chúa trong tôi’ http://www.chuacuuthe.com/archives/34965 , thanh nữ Trịnh Kim Tiến viết : « Trước đây tôi không hề tin có Chúa, thậm chí cách đây 2 năm tôi không hề biết đến Đạo Thiên Chúa. Gia đình tôi chỉ thờ tổ tiên ông bà và tôi là một người khá mê tín. Tôi chỉ biết Chúa lần đâu tiên qua một người bạn học cao đẳng cùng tôi. Thật phiền phức và rắc rối nếu mỗi tuần phải đến nhà thờ và, vì nghe xuyên tạc về Đạo công giáo, tôi cảm thấy không thích những người Công giáo. Họ không được thờ lạy cha mẹ, không được cúng giỗ tổ tiên mà chỉ thờ lạy Chúa. Họ có nước bùa mà khi uống vào, ăn vào người ta bị thôi miên, mê mẩn và tôn sùng Đạo mà quên mất chính thân mình… Sau biến cố gia đình xảy đến, tôi hụt hẫng và hoang mang. Khi đó, trong số những người quan tâm đến gia đình tôi có các cha và giáo dân Công giáo. Điều thật là lạ khi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ đâu có xấu. Họ cũng như tôi, như mọi người, tôi còn cảm nhận được sự chân thành, tốt bụng và thân thiện.

Rồi thì tôi hiếu kỳ, tôi tìm hiểu và tôi đang sắp trở thành con của Người. “Không phải anh em chọn Thầy mà chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16), đúng vậy, chính Chúa đã chọn tôi làm con của Người. Câu nói này đến bây giờ, sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của nó. Thật là khó nói hết ra những điều kỳ diệu mà Chúa đã mang đến cho tôi, thật sự nó rất huyền bí. Tôi đã hốt hoảng vì chưa thể tiếp nhận khi Chúa chọn mình. Tôi nói với các bạn là tôi học Đạo để hiểu thêm về Đạo nhưng tôi sẽ không theo Đạo với sự quả quyết và chắc chắn. Mỗi lần đến giờ học giáo lý hay đi nhà thờ, cơn buồn ngủ lại tìm đến tôi, tôi rất cố gắng để chiến thắng nó và nghe lời cha giảng. Trong khoảng thời gian đó liên tục xảy ra những việc khiến việc học Đạo của tôi bị ngắt quãng, có lẽ đó là những thử thách mà Chúa muốn tôi trải qua.

Tôi đã học và hiểu một trong 10 điều răn lớn của Chúa với các con chiên của Người là phải thảo kính cha mẹ. Họ còn có thể ngày ngày, hàng tuần hướng đến và cầu nguyện cho những người thân yêu của họ khi dâng Thánh Lễ. Thứ mà người ta cho là bùa mê chính là Mình Máu Thánh mà một người con của Chúa khao khát được rước và chỉ dành cho ai tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Người. Tôi hạnh phúc biết bao khi nghe các bạn truyền cho tôi Đức tin và sự hiểu biết như ‘Đạo Thiên Chúa không dạy gì ngoài tình yêu thương, điều mà Chúa mong muốn chỉ là hãy biết cách sống yêu thương nhau’ hay ‘Chúa nói với chị Chúa rất yêu thương em’. Nhưng tôi không đến với Chúa bởi những điều người ta nói với tôi mà vì Người đã chọn tôi. Tôi đã thấy Người những khi tôi đau khổ, những khi tôi yếu đuối. Có khi ngồi trước linh ảnh, nhìn thấy những vết thương trên thân thể Người, nhớ về những điều tôi đã và đang trải qua, tôi khựng lại, trái tim tôi nhói lên và đau buốt. Và bây giờ: ‘Tôi không thể sống tốt mà không có tình yêu thương của Chúa’.

B. Dấn thân cho Sự Thật và Công Lý.

Trong bảy đồng bào và đồng đạo này, chúng tôi cảm kích ba bạn dấn thân cho Sự Thật và Công Lý qua các mạng lưới truyền thông (internet). Với bốn bạn khác, chúng ta hãy hiệp thông cầu nguyện cho nhau được là công dân tốt nước Việt biết thương giúp đồng bào và là Kitô hữu biết đáp lời mời gọi Nên Thánh bằng sống Đạo, noi gương Thầy Chí Thánh Đức Giêsu và các Thánh : Kính Chúa và Thương Người. Không chỉ giữ Đạo cho riêng mình mà phải đừng vô cảm trước những cảnh đồng bào bị hành hung dã man.

- Bạn Hoàng Vi, từ hơn một năm qua đã bị công an vô cớ tấn công ba lần. Họ đẩy cô từ một người không quan tâm đến xã hội, truyền thông phải nhập cuộc để bảo vệ chính mình. Bạn nói : « Trước khi đến với Chúa, con luôn sống trong lo sợ. Nhưng giờ đây mỗi khi họ làm việc xấu với con, làm cho con mất tất cả, cuộc sống bấp bênh, tính mạng luôn trong tình trạng nguy hiểm, họ tưởng rằng họ đã chiến thắng. Nhưng không! Đứng trước những gì họ đối xử với con, con lại cảm thấy bình an một cách lạ thường. Những thủ đoạn và việc làm xấu xa mà chính quyền cộng sản làm với con chỉ vì con đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền. »

Bạn Huỳnh Thục Vy và gia đình luôn bị công an sách nhiễu, tịch thu nhiều máy móc làm việc và đồ đạc. Ngày 08.11.2011, lúc 8 giờ, khoảng 200 công an đến để chốt quanh và ập vô nhà văn sĩ Huỳnh Ngọc Tuấn và hai con là những bloggers Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Ngọc Hiếu vì phát tán trên mạng những bài vở chống lại đảng, chống nhà nước gây mất đoàn kết dân tộc, cho nên họ cứ việc tịch thu cái phương tiện đó. Thục Vy ghi vào biên bản ‘Những bài này là những bài có nội dung tốt chứ không phải nội dung xấu. Tôi phản đối chuyện kết luận đây là nội dung xấu’. Ngày 06.01.2012, Thanh tra Quảng Nam đã tổ chức buổi giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu về việc không chấp nhận đóng số tiền phạt lên tới 270 triệu đồng do ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh, quyết định xử phạt gia đình ông Tuấn với nội dung vi phạm hành chính về công nghệ thông tin.

Bản thân tôi rất thán phục thái độ và biện luận pháp lý để tranh cãi với người ta thế nào là chống phá đảng, chống phá nhà nước vì trong luật pháp Việt Nam việc chống phá đảng chống phá nhà nước rất là mập mờ bởi vậy có thể bất cứ lúc nào người ta sẽ chụp mũ cho bất cứ ai đề đàn áp những người có tiếng nói đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam. Chị đã viện dẫn ra trước tiên là điều 69 Hiến pháp tiếp theo là điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia năm 1982. Tiếp theo là điều 27 của Công ước Vienna về các điều luật quốc tế năm 1969 và luật của Quốc hội năm 2005 về việc tham gia thực hiện các điều ước quốc tế. Thục Vy đã viện dẫn Luật năm 2005 để bác lời Thanh tra buộc chị phải tuân luật trong nước trước.

Thân phụ bạn Trịnh Kim Tiến là ông Trịnh Xuân Tùng, ngày 28.02.2011, bị công an chặn phạt và đánh tại Hà Nội vì gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại khi đi xe ôm. Ông đã qua đời vào ngày 08.03.2011 tại bệnh viện Việt Đức do chấn thương cột sống gây ra liệt tứ chi dẫn đến liệt hô hấp. Ngày 29.03.2012, qua Đài Á châu Tự do, chị đã kể lại sự việc cho phóng viên Khánh An (xin trích): « Bố bảo ông xe ôm dừng xe lại để bố em lấy điện thoại gọi cho một người bạn. Vừa gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại thì trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã bắt giữ xe và hẹn chiều quay lại. Khi trở lại, ông xe ôm cãi là không sai nên không nộp phạt. Cuộc cãi vã bắt đầu và công an bóp cổ ông xe ôm. Thấy vậy, bố gỡ tay công an ra và nói ‘ông là công an mà ông đánh người như thế à?’ và chấp nhận sai cùng xin nộp phạt 100.000 đồng, nhưng ông ấy đòi 150.000 đồng. Sau đó hai bên giằng co và chẳng may tay bố vung phải mặt ông ấy, thế là ông ấy dùng dùi cui và đồ vật cứng đập bố vào đầu, vào gáy và bố ngã xuống. Khi đó, ông hô hào thêm 5, 6 dân phòng nữa lao vào đấm đá bố túi bụi. Sau khi đấm đá xong thì xích bố vào một gốc cây rồi sau đó gọi xe đưa về phường. Khi biết chuyện, khoảng 17 giờ, sau ba lần em van xin cho bố được đi khám, nhưng công an phường Thịnh Liệt nhất định không cho. Đến hơn 21 giờ 30, thương tích bố em trở quá nặng khi kêu lên ‘Con ơi, cho bố đi khám. Bố đau lắm rồi, bố muốn đi khám con ơi. Bố liệt hết hai chân hai tay rồi’, họ mới cho đi khám. Em xin vào để đút phở cho bố em ăn, họ cũng không cho. Khi bố ngã, khát nước và xin ‘Đỡ tôi dậy, cho tôi uống ngụm nước’ thì trung tá Ninh bảo ‘Đỡ vài cái vả ấy!’. Bệnh viện Bạch Mai chụp chiếu và cho biết là xương có vấn đề ở cổ. Đến ngày mùng 1 thì bệnh tình bố ngày càng nặng, bụng cứ trướng lên dần và đau đớn. Gia đình em phải chuyển bố em vào bệnh viện Việt Đức ».

Phiên tòa sơ thẩm ngày 13.01.2012 tại Tòa án nhân dân Hà Nội diễn ra rất nhanh chóng, sơ sài và bất công với tội danh ‘làm chết người trong khi thi hành công vụ’ với bản án chỉ 4 năm tù giam tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ninh, tất cả những người đồng phạm đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Đây phải kể là một trường hợp gia trọng vì bị cáo đã đánh đập người dân không phương tiện tự vệ và người này là cột trụ chính một gia đình có mẹ trọng tuổi, vợ và hai con còn đi học. Gia đình đã phản đối kịch liệt và kháng cáo.

Nhưng rồi với loại ‘Tòa án robot’, ngày 14.05.2012, tại phiên tòa phúc thẩm trong một phiên xử kín, anh chị em ruột nạn nhân không được tham dự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự vì không triệu tập đầy đủ nhân chứng…, nên gia đình yêu cầu hoãn lại phiên tòa và đề nghị triệu tập đầy đủ những người liên quan. Trong phiên phúc thẩm ngày 17.07.2012, bạn Kim Tiến đã tự tham gia tranh luận trong phiên tòa, không luật sư. Bị cáo Ninh nói ông làm đúng chức trách và nhiệm vụ, không làm sai qui trình. Về sự việc đánh chết ông Tùng thì ông ta trả lời là ông rất bình tĩnh để xử lý. Chỉ sau 4 giờ xử án, Toà tuyên bố y án.

Để so sánh tính cách bất công của Pháp đình cộng sản Việt Nam, chúng tôi xin nhắc đến bản án Tòa án Nhân dân Hà Nội, ngày 04.04.2011, tuyên phạt 7 năm tù và 3 năm quản chế cho ông Cù Huy Hà Vũ về tội gọi là ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN’, sau khi bị bắt ngày 04.11.2010 tại khách sạn Mạch Lâm, TP. Hồ chí Minh, với bằng cớ rõ ràng là tìm thấy hai bao cao su đã được sử dụng (?). Ông có bằng Tiến sĩ luật đại học Sorbonne (Paris, Pháp), thuộc một gia đình của những nhà thơ lớn và là những công thần của Nhà nước Cộng sản như Huy Cận (cha), Xuân Diệu (cậu ruột). Do đó, Hội đồng Xét xử đã đánh giá bị cáo là người có trình độ, có kiến thức pháp luật mà còn lợi dụng để nói xấu, đòi đa nguyên đa đảng. Sinh trưởng trong một gia đình có công với nước nhưng đã đi ngược lại truyền thống gia đình.

Ngày 31.07.2012, Tòa phúc thẩm miền Trung, họp tại Gia Lai, đã giữ nguyên mức án 11 năm tù giam đối với mục sư Nguyễn Công Chính về tội danh mà Tòa sơ thẩm đã tuyên là phát tán tài liệu cho các tổ chức chống nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc... Hôm 09.08.2012, ông Lê Thanh Tùng, nhà hoạt động dân chủ và giúp đỡ dân oan, bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên xử 5 năm tù giam, 4 năm quản chế về tội tuyên truyền chống Nhà Nước.

C. Bị giam vì cho làm đon khiếu kiện giúp người khác.

Đó là trường hợp chị Maria Tạ Phong Tần. Sinh năm 1968 tại Bạc Liêu, chị đã là đảng viên cộâng sản và Đại úy công an cơ quan điều tra Bạc Liêu. Chị Tần đã viết bài gởi cho Đài BBC, như: ‘5 căn bệnh của công chức Việt Nam’, ‘Chuyện thi cử ở Việt Nam’, ‘Đừng tận thu thuế để bần cùng hóa người dân’… Sau khi rời công an, chị học Luật để trở thành luật sư. Do đó, với tư cách trợ tá luật sư Lê Trần Luật biện hộ tám giáo dân Thái Hà bị truy tố về tội ‘Gây rối trật tự công cộng và Hủy hoại tài sản’ tại phiên tòa sơ thẩm nhóm ở Ủy Ban Nhân Dân phường Ô Chợ Dừa Hà Nội ngày 08.12.2008. Bên cạnh đồng bào các tôn giáo, giáo dân Thái Hà và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, chị đã kể cho phóng viên Đài RFA và, qua đài này, đến thính giả người Việt toàn thế giới những diễn tiến ngày ‘Công Lý và Sự Thật’ bắt đầu từ lúc 5 giờ với Thánh Lễ mừng kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc biệt cầu nguyện cho các giáo dân vô tội, những tranh luận tại tòa và khi trở về Nhà thờ Thái Hà lúc 17 giờ : ề Hiện nay tất cả giáo dân đã tập trung về nhà thờ Thái Hà và rất là vui vẻ. Ngày 16.06.2009, chị đã nhận bí tích Rửa Tội tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.

Sau đó, chị thành lập Blog ‘Công lý–Sự thật’ và bị bắt ngày 05.09.2011. Lúc trước, Tòa án TP.Hồ chí Minh dự trù xử ngày 07.08.2012 cùng với hai blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn). Nhưng sau khi bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ chị Tần, ngày 30.07.2012, tự thiêu (có nhiều nghi vấn về sự kiện và lý do), Tòa đã đình phiên xử do yêu cầu của luật sư ‘ai ?’).

Xin trích vài đoạn trong bài ‘Tìm hiểu cái chết uẩn khúc của bà Đặng Thị Kim Liêng’ để chúng ta cùng biết tại địa chỉ :

http://danlambaovn.blogspot.fr/2012/08/tim-hieu-cai-chet-uan-khuc-cua-ba-ang.html

- Ngay sau khi an táng bà Đặng Thị Kim Liêng xong, nhà cầm quyền đã đến yêu cầu các con bà phải nộp hết tiền phúng điếu lại cho họ, với lý do phải làm như vậy cho cô Tần nhẹ tội. Gia đình đã dứt khoát từ chối yêu cầu và hăm doạ phi pháp đó. Sau đó, nhà cầm quyền xúi giục các em trai của cô Tạ Phong Tần đến đòi hai cô em gái phải chia tiền phúng điếu, tạo ra xung đột gia đình, nhưng may mắn, anh chị em đã kịp nhận ra sự tàn ác của nhà cầm quyền, nên đã ngưng, không căng thẳng chuyện đó nữa, mà cùng nhau lo cho mẹ những việc còn lại.

- Vào dịp giáp cuối năm âm lịch vừa qua, bà Liêng nói với VRNs: “Con Tần nó dại, nó làm đơn khiếu kiện giúp người ta, rồi chúng ghét”. Chúng tôi hỏi, nhưng bà thấy đó là việc làm đúng hay sai? Bà trả lời ngay: “Đúng chớ !” Rồi bà Liêng hỏi: “Quý vị có biết tại sao nó tên là Tạ Phong Tần không?” Thấy không ai trả lời được, bà nói tiếp: “Lúc mang thai nó, tôi đọc tiểu thuyết thấy nhân vật Phong Tần sao mà phong lưu và tốt bụng, nên khi sanh ra là tui đặt nó là Tạ Phong Tần. Bây giờ nó đúng vậy”.

Ngày 24.07.2012, chị Tạ Phong Tần đã viết bài ‘Khát khao công lý sẽ gặp Chúa’ http://www.chuacuuthe.com/archives/34947 cho Hoàng Vi, Thục Vi và Kim Tiến (xin trích):

« Ngục tù không làm chị nản lòng, khổ đau không làm các em chậm chân bước. Sức mạnh của chúng ta là sự thật, là tình thương, là công lý. Chưa bao giờ chị hoảng sợ khi đối diện với sự gian tà và giả dối, chị luôn nhìn thấy Chúa mỉm cười gọi chị bước đi. Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống, đặc biệt chị muốn cám ơn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cầu nối để chúng ta đến được với Chúa. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta, chị tin như thế.

Bốn chị em mình mỗi người được gặp Chúa theo nhiều kiểu khác nhau. Chị khác các em, chị bước ra từ vũng lầy của tuổi trẻ sai định hướng, chị đến với Chúa trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, tuổi xuân của chị có quá nhiều sai lầm mà ngày ấy chị ngỡ tưởng mình đúng hướng. Hăng say cuồng nhiệt trong công việc, chị như con ngựa bị bịt hết các hướng nhìn, tự hào một cách lố bịch ngu ngốc, tưởng mình có lý tưởng, tưởng mình có lập trường đúng đắn, chị đã sai lầm. Ngày bước chân vào trường luật, chị ngu xuẩn nghe người ta nhồi sọ, chị hời hợt theo chúng bạn nhạo báng tôn giáo, ngôi trường chị học là ngôi nhà thờ Công giáo, các phòng chức năng dành cho việc lễ nghi tôn giáo, các tượng ảnh của nhà thờ dùng trong việc thờ phượng, người ta tước đoạt một cách thô bạo, báng bổ niềm tin của người khác, đánh lừa tuổi trẻ tụi chị theo sự báng bổ họ tuyên truyền. Chị thật xấu hổ khi nghĩ đến những hành vi dại khờ ngày ấy, đùa nghịch một cách vô ý thức trên các tượng ảnh. Lạy Chúa rất nhân từ, lạy Mẹ Maria giàu xót thương, tha thứ cho con, tha thứ cho tuổi xuân dại khờ ngu ngốc của con.

Mắt chị bừng mở, chị như người mù vừa được sáng mắt, chị thấy được cả hai mặt thiện ác của cuộc đời và chị nhận thức rõ đâu thiện đâu ác, đâu tà đâu chánh, đâu sai đâu đúng. Chị bị choáng ngợp và bắt đầu thay đổi cuộc đời.

Các em cũng như chị, mỗi người trong chúng ta được gặp Chúa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hình như có cùng một quá trình cuộc sống. Tất cả chúng ta đều được gặp Chúa trong hành trình tìm kiếm chân lý, sự thật và công bằng ».

II. TRƯỚC KHI TRỞ THÀNH NGƯỜI CÔNG GIÁO, CHÚNG TA LÀ NGUỜI VIỆT NAM.

Ngày 06.08.2012, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, đã viết bài: ‘Lãnh đạo TP HCM đã giải quyết như thế nào về đề nghị ngày 27/7/2012 của 42 công dân Thành phố? – Những ghi nhận bước đầu’ và gởi đăng boxitvn.net : “… tôi nhớ lại một kỷ niệm. Sau 1975, giới Công giáo Thành phố có một bài hát rất cảm động:

‘Trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam’. Khi các nữ tu ra Hà Nội hát, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe đã rơm rớm nước mắt… Ừ. Sự ‘rơm rớm nước mắt’ của ông Đồng là quyền của ông, nhưng sự bất tín là ông cũng những người cộng sản vẫn kỳ thị đẫm máu người Công giáo khắp nước, nhất là tại Giáo phận Vinh và Kontum [Ngày 12.08.2012, nhà cầm quyền đến nhà nguyện làng Đak Pnan (tỉnh Gia Lai), bắt giáo dân tháo dở Thánh giá, mang bàn thờ, nhà tạm cùng ảnh Đức Mẹ đi nơi khác, rồi bắt treo ảnh ông Hồ thế vào những nơi trước đây treo tượng và ảnh thánh. Hôm sau, họ trở lại bắt giáo dân tháo chuông nhà nguyện. Giáo dân dứt khoát không thực hiện, cán bộ xã đã tự tháo xuống].

Chúng ta là Người Việt Nam từ khi được sinh ra bằng huyết thống (từ cha mẹ) hay lãnh thổ (đất thuộc chủ quyền Việt Nam, kể cả nơi đặt các cơ sở ngoại giao, tàu thủy hay phi cơ đăng danh tại Quê hương…). Một số ít do xin nhập tịch như các cầu thủ bóng tròn Phi châu.

Là người Việt-Nam, chúng ta thừa hưởng gia sản văn hóa, giá trị đạo đức của tổ tiên Việt-Nam. Chúng ta có một tổ quốc Việt-Nam với non sông gấm vóc, lịch sử vẻ vang với bao tiền nhân hào hùng. Chúng ta yêu quê hương Việt-Nam. Do đó, làm sao chúng ta không khỏi rung động tận con tim khi nghe Thái Thanh hát bài ‘Tình Ca’ của Phạm Duy (Sài Gòn 1953). Lại càng thắm thía hơn khi chúng ta lang thang nơi hải ngoại. Mỗi người Việt-Nam phải xác tín mình là cái vốn đầu tư của Đất Nước, nếu không thành công trong tư cách đạo đức, tri thức… thì chúng ta làm thiệt hại cho Đất Nước.

Là người Công giáo, chúng ta càng phải yêu quê hương Việt-Nam gấp bội. Khi ông bà, cha mẹ chúng ta qua đời để lại cho chúng ta những vật lưu niệm. Vì lòng kính hiếu các đấng sinh thành, chúng ta luôn quý trọng, nâng niu các kỷ vật này, dù có trị giá lớn hay không.

Tương tự như vậy, Điều răn thứ 4 trong 10 điều răn Đức Chúa Trời ‘Thảo kính Cha mẹ’ dạy người Công giáo không chỉ yêu mến, vâng lời và tôn kính Tổ tiên mà còn phải yêu Tổ quốc. Hơn thế nữa, chúng ta còn có nhiệm vụ tô điểm Quê hương và, đặc biệt, phải tránh những hành động xấu như tham ô hay đánh giết đồng bào trước con, cháu chúng ta. Non sông gấm vóc Việt Nam chạy dài từ Aũi Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà thế hệ hiện tại đã nhận từ thế hệ trước bị mất những phần đất biển nào rồi? Bị xâm lăng có chống trả hay nhượng bán. Quê hương Việt Nam không thuộc quyền sở hữu của ai hay thế hệ nào mà được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp những công dân Việt Nam. Thật vô phúc cho những ai hay tập thể người Việt nào vô cảm trước hiểm họa mất nước cũng như những kẻ bán nước. Lịch sử muôn đời sẽ ghi lại để trăm ngàn thế hệ cháu chắt chê trách.

Ngày 15.05.2012, kỷ niệm 121 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ban hành bởi Đức Thánh Cha Léon XIII, Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phổ biến bản ‘Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay’. Trong đó, số 5 có tiểu tựa ‘Biên cương, hải đảo và chủ quyền quốc gia’ được viết nguyên văn như sau :

Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng. Nhưng trong những năm gần đây, sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai, nhưng mặt khác, các hành động của họ về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán.

Trong khi đó, bên Việt Nam, phản ứng của Nhà nước xem ra quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận. Nhiều nhân sĩ và các nhà trí thức tâm huyết đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ về an ninh quốc gia do một số dự án cho nước ngoài khai thác bô-xít và thuê đất, thuê rừng. Mặt khác, các thông tin về lĩnh vực này không đầy đủ, chậm chạp và thiếu công khai. Điều trước mắt đã xảy ra là “lao động phổ thông” nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam để thực hiện các dự án trên đang gây bất ổn cho xã hội hiện tại và về lâu dài.

III. – LÒNG YÊU NƯỚC.

Chúng tôi đề nghị chúng ta duyệt xem hai khía cạnh của đề tài : Tình yêu Quê Hương và Tình Đồng bào.

A. Lịch Sử cận đại Quê Hương Việt Nam.

1. Chia đôi Lãnh thổ hình chữ S của Dân tộc Việt.

Hội nghị Genève (Thụy Sỹ) về Đông Dương chính thức khai mạc ngày 26.04. 1954. Sau khi các phái đoàn trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương cho đến ngày 23.06.1954, các cuộc đàm phán bắt đầu và tiến triển rất chậm. Cuối cùng, Pháp và Trung Quốc đã thỏa thuận một giải pháp chung với thảm họa : Lãnh thổ Việt Nam bị chia đôi.

Ngày 20.07.1954, Hiệp định Genève được ký giữa Thiếu tướng Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) để quy định sự ‘chia đôi lãnh thổ’ này. Trưởng đoàn đại diện Quốc gia Việt Nam Trần Văn Đỗ phản đối và không ký vào văn kiện vì không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của người dân Việt, không chấp nhận Quê Hương bị nhuộm đỏ bởi chế độ cộng sản. Lập tức, đồng bào sợ ‘bị cướp, bị giết’ đã bỏ Miền Bắc di cư vào Nam trước khi Đất Nước ngăn cách bởi sông Bến Hải và cầu Hiền Lương, ở vĩ tuyến 17… Ngày nay, năm 2012, đó là một Sự Thật không thể chối cải và đang tiếp diễn hàng ngày.

Từ đó, người Việt miền Nam gọi đây là ‘Ngày Quốc hận’. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và Quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam.

2. Khối đại đoàn kết dân tộc buộc phải phân đôi và sự ‘bị cướp, bị giết’ bởi người cộng sản, mọi người có 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do (?) đi lại giữa 2 miền. Tính từ giữa năm 1954 đến năm 1956, trên 1 triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo. Số liệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận có 140.000 người di cư ra Bắc. Phủ Tổng uỷ Di cư Tỵ nạn Quốc gia Việt Nam thì ghi con số 4.358 người vì đã vội vã bỏ vào Nam sau đổi ý về trở lại ra Bắc.

3. Miền Bắc từ nay mang danh xưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nặng mùi chủ nghĩa Cộng sản, nhập nội từ Moscou, Liên xô, được sự công nhận như một chư hầu bị trị. Miền Nam tiếp tục tổ chức theo chế độ quân chủ với quyền hành thuộc Chính phủ do Thủ tuớng điều khiển. Ngày 07.09.1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa Thống tướng Paul Ely, Cao ủy Pháp, và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Khi đó, quốc kỳ Pháp được hạ xuống và cờ Việt Nam được kéo lên, tượng trưng cho sự Độc lập Dân tộc và Chủ quyền Quốc gia thuộc về Toàn Dân Việt Nam. Thủ tướng Diệm đặt tên mới cho Dinh là Độc Lập. Như vậy, từ đây, Thủ tướng Ngô đình Diệm dành sự Độc lập cho Quốc Gia và Chủ Quyền cho Toàn Dân là những điều kiện căn bản để bảo đảm cho người dân quyền Tự Do, Dân chủ và Tự Quyết.

4. Giáo quyền tại Tòa Thánh cùng một ý nguyện với người Việt yêu nước. Trong lúc Đất Nước bị Thực dân và Cộng sản chia đôi, vì Sự Thật của một Giáo hội bất khả phân thấm nhuộm một dòng máu anh hùng tử đạo, Đức Thánh Cha Piô XII và hai Đấng kế nhiệm Gioan XXIII và Phao lô VI chỉ cử duy nhất một Đức Khâm sứ cạnh các Đại diện Tông tòa (danh xưng các Giám mục trước khi thiết lập Hàng Giáo phẩm) tại Việt Nam và, từ ngày 24.11.1960, cạnh Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Trong bài ‘Về vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà nội’, đăng nơi số 1644 báo ‘Công giáo và Dân tộc’ ngày 15-21.02.2008, linh mục Trương Bá Cần có viết: « … Từ 1955, một vị Khâm sứ nữa được bổ nhiệm ở Sài gòn, song song với Đức Khâm sứ Dooley ở Hà Nội. Vị Khâm sứ của Miền Nam Việt Nam đặt trụ ở đường Hai Bà Trương – Quận I, chứ không phải ở Huế. » (Nguyên văn). Linh mục ‘quốc doanh’ này bịa đặt sự sai trái.

Sự Thật là sau Hiệp định Genève, vì Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương John Dooley không liên lạc được với những Đức cha tại các quốc gia thuộc quyền khác, nên ngày 15.02.1956, Tòa Thánh cử Đức cha Giuseppe Caprio làm Visiteur Apostolique (tạm dịch Thanh Tra Tông tòa) đến Sài gòn để liên lạc với giáo quyền tại Việt Nam Cọng hòa, Laos, và Cambodge. Ngày 13.03.1957, vị Thanh Tra Tông tòa ở Sài gòn được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (Régent Apostolique). Năm 1959, khi Đức Khâm sứ John Dooley rời Hà nội trong một cơn bệnh nguy kịch và, vài tuần sau đó, các nhân viên Toà Khâm sứ bị trục xuất, Tòa Thánh thiết lập Tòa Khâm sứ tại Sài gòn do Ngân sách Tòa Thánh và theo qui chế Ngoại giao, với Đức tân Khâm sứ Mario Brini.

[LM Cần bịa đặt chuyện này để góp phần xuyên tạc Giáo hội khi biến cố đòi lại Tòa Khâm sứ cũ cho Giáo hội.]

B. Bang giao Trung–Việt.

1. Công hàm ngày 14.09.1958.

Ngày 04.09.1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Tiếp đó, ngày 06.09.1958, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng bài tường thuật rất chi tiết về Bản Tuyên Bố này và nêu rõ rằng ‘kích thước lãnh hải của nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của phía Trung Hoa, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa’. Ngày 14.09.1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, có đoạn nguyên văn như sau: « Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung quốc. Trong mối tương quan với nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể ».

Do đó, năm 1974, khi Trung Cộng đánh chiếm các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa từ tay Hải quân Việt Nam Cọng Hòa, người cộng sản Miền Bắc ‘im mồn’ để được viện trợ những súng đạn để giết đồng bào Miền Nam và ngụy biện Thống nhất Đất Nước mà chính chúng đã chia đôi. Năm 1977, đề cập đến công hàm do chính mình đã ký, Phạm văn Đồng gượng gạo bảo rằng ‘đó là thời chiến nên phải nói như vậy thôi’. Ông Đồng đâu phải ‘nói như vậy thôi’.

Đây là một công hàm bất hợp pháp, nhưng do chính ông Thủ tướng ký với lời lẽ hết sức trịnh trọng. Ngày nay, Việt cộng nói ‘công hàm bất hợp pháp, vô giá trị’ trong khi Trung cộng nói ‘xài được’ và mọi người trong chúng ta đều biết : ‘Trung cộng mạnh về vũ khí lẫn tiền bạc’.

2. Hội nghị Thành Đô 1990.

Lang thang trên ‘xa lộ thông tin’, chúng ta đọc được bài ‘Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990’, viết bởi ông Nguyễn Trung, tại : http://boxitvn.blogspot.fr/2012/08/phai-chan-ung-nguy-co-tai-dien-kich-ban.html

Xin được tóm tắt : « Sau ngày 30.04.1975, Trung Quốc đã tạo ra cái ‘bẫy Campuchia’. Nước này được Tàu cộng vũ trang đánh Việt Nam và tiến hành chiến tranh lớn, tấn công vùng biên giới Tây Nam nước ta từ tháng 04.1977. Mặt khác, ngày 17.02.1979, Trung Quốc tiến quân đánh phá biên giới phía Bắc Việt Nam, với tên ‘Dạy cho Việt Nam một bài học’.

Cuối những năm 1980 và đầu thập niên 1990, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Việt Nam phải chấp nhận hai đòi hỏi quan trọng của Trung Quốc là rút quân khỏi Campuchia và loại bỏ Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch để mở đầu cho quá trình bình thường hóa quan hệ. Ngày 03 và 04.09.1990 cuộc họp cấp cao Thành đô được tiến hành, Việt Nam liên minh với Trung Quốc để cùng bảo vệ chủ nghĩa xã hội, dù họ vừa đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá của ta ở Trường Sa.

3. Bốn Tốt và Mười sáu chữ vàng.

Mối bang giao giữa hai nước anh em cộng sản Việt Nam – Trung cộng được đặt trên :

- tứ hảo đại ngôn: ‘Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt’.

- tháng 11.2000, khi hội đàm với tân Tổng bí thư Cộng đảng Việt Nam Nông Đức Mạnh đến bái yết Thiên triều, Giang Trạch Dân đã giảng giải phương châm quan trọng đó như sau: « Ổn định lâu dài là nhấn mạnh tình hữu nghị Trung - Việt phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, nên bất cứ lúc nào, bất cứ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị, khiến nhân dân hai nước đời đời hữu nghị với nhau. Hướng tới tương lai là phải xuất phát từ hiện nay, nhìn về lâu dài, kế thừa truyền thống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Trung Việt. Hữu nghị láng giềng là yêu cầu hai bên phải làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, trước sau xử lý mọi vấn đề trong quan hệ hai nước với tinh thần láng giềng hữu nghị: Hợp tác toàn diện là phải không ngừng củng cố, mở rộng và sâu sắc sự giao lưu và hợp tác giữa hai đảng, hai nước trong mọi lĩnh vực, để mưu cầu hạnh phúc cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy nền hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực ».

IV. TÌNH NGHĨA ĐỒNG BÀO.

A. Tổ tiên lưu truyền.

« Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước thì thương nhau cùng. »

Đây là câu ca dao mà tiền nhân đã truyền lại cho thê hệ chúng ta : hãy dùng một loại vải tơ và quý, màu đỏ để che chở bên ngoài cái giá đỡ tấm gương khỏi bụi bặm, bẩn nhơ trải qua bao tháng ngày, để chiếc gương luôn được trong sáng và chiếu ngời. Đó là tấm lòng che chở, đùm bọc của đồng bào ta với nhau. Nhất là khi chúng ta có cùng chung một nguồn : Mẹ Âu Cơ, từ bọc trăm trứng sinh ra, cũng giống như anh em, con cháu trong một gia tộc.

Cùng ý nghĩa, tổ tiên chúng ta cũng truyền dạy:

« Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. »

Bài học tương trợ hiện nay còn cần thiết hơn bất cứ lúc nào để chống giặc ngoại xâm Quê Hương và bảo vệ đồng bào chống côn đồ hãm hại.

Ngày 30.08.2012, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã gởi Đơn kiến nghị và tố cáo về kết luận điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao "... Một lần nữa tôi xin khẳng định chồng tôi không tự tử vì sợ tội, bởi anh Nhựt chẳng có tội gì để mà sợ. Tôi không đồng ý kết luận của bản kết luận của VKSNDTC, trong bản kết luận này thiếu khách quan, thiếu minh bạch, có dấu hiệu bao che việc làm mất nhân tính của công an Bình Dương...". Theo đó, chúng ta biết chồng chị là anh Nguyễn Công Nhựt đã bị công an giam giữ trái phép và dẫn đến chết người tại Trụ sở Công An Huyện Bến Cát, Tỉnh Bình Dương ngày 25.04.2011.

Thương cảm đau đớn với chị Tuyền, Monica Trịnh Kim Tiến (thân phụ chị này bị công an đánh, không đưa đến bệnh viện đúng lúc và đã qua đời do vết thương) để an ủi và nâng đỡ người đồng cảnh ngộ : « Đọc được bài trên báo, biết được kết luận của cơ quan điều tra VKS Nhân dân Tối cao anh Nhựt chết là do tự tử và ‘anh Nhựt tự tử’ là do ‘ân hận’, tôi thấy xót xa, thương chị Tuyền vô cùng. Uất ức và căm phẫn mà trào ứa nước mắt… Cảm giác của chị bây giờ cũng chính là thứ cảm giác mà tôi từng trải nghiệm qua nhiều lần trong những tháng ngày chật vật đi tìm công lý cho bố mình và cho đến tận bây giờ… Mọi thứ đều có thể đổi trắng thay đen, màu của công lý đang là một mớ màu hỗn độn, xám xịt và u ám. Muốn nói sao thì nói, muốn phán sao thì phán, nhấp cây viết, một mạng người chết oan. Sinh mạng con người trở nên quá rẻ mạt qua sự dối trá và độc ác. Nhưng tôi tin rằng công lý là lương tâm, không là lương tâm cá nhân mà là lương tâm của toàn bộ nhân loại… Những ai còn nhận thức rõ ràng giọng nói của lương tâm chính mình thường sẽ nhận ra tiếng nói của công lý… Chị Tuyền không hề cô đơn. Tất cả mọi người có trái tim, hướng về công lý đều ủng hộ chị».

B. Giáo Lý Công giáo khuyên dạy.

Thiên Chúa toàn năng, Đấng Tạo Hoá, sau khi hoàn tất việc thiết lập vũ trụ đã tạo dựng nên nhân loại, người nam và người nữ theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo khác (x. số 26 Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo). Vì giống Thiên Chúa, con người cũng có Lý trí và sự Tự do.

Sau khi tổ tiên chúng ta đã trái lệnh Thiên Chúa để bị mất nghĩa với Đấng đã tạo nên mình (xem Sáng Thế Ký), Đức Chúa Trời lại ban tặng cho con người Đức Giêsu nhập thế, mang xác phàm như chúng ta, chịu đóng đinh và chết trên cây Thánh Giá, được táng xác và Sống Lại để Cứu Chuộc chúng ta (xem Kinh Tin Kính). Chúa Giêsu là một chứng minh con người có Lý trí và sự Tự do như Thiên Chúa.

Thiên Chúa nhân từ ban cho con người chúng ta Lý trí và Tự do để cùng nhau xây dựng và sống trong Hòa bình, Hạnh phúc. Do đó, khi viết ‘Sưu tập những bản văn của huấn quyền về học thuyết xã hội Công giáo’, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã chọn trích đoạn số 2 Sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân ngày Hoà bình thế giới năm 1999:

« Phẩm giá của ngôi vị con người là một giá trị siêu việt, luôn được công nhận như vậy bởi những người quyết tâm tìm kiếm chân lý. Tất cả lịch sử nhân loại trên thực tế phải được giải thích dưới ánh sáng của sự đích thực này. Tất cả mọi người, được dựng nên giống hình ảnh và giống Chúa (x St 26-28) và như thế là hướng triệt để về Đấng Sáng Tạo mình, ở trong liên quan thường xuyên với những ai cùng chung một bản tính. Việc khuyến khích điều thiện của cá nhân như vậy chung phần vào việc phục vụ công ích, nơi nào những quyền lợi và những bổn phận tương ứng và tăng cường cho nhau ». (Sưu tập những bản văn của huấn quyền về học thuyết xã hội Công giáo số 46).

Người Việt quốc nội hành sử thế nào Lý trí và Tự do để chống lại sự xâm chiếm Quê Hương và bênh vực Đồng bào vô tội đang bị đàn áp dã man bởi bạo quyền cộng sản ?

1./ Lý trí và Tự do hành động vì Tổ Quốc.

Tiếp theo những nhận định về ‘Biên cương, hải đảo và chủ quyền quốc gia’ do Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam phổ biến ngày 15.05.2012, ngày 21.06.2012, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển, có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2013. Lập tức, Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung cộng đã gửi cho ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam lá thư phản đối Luật Biển vi phạm nguyên tắc đồng thuận mà lãnh đạo của hai phía đã đạt được cũng như vi phạm các nguyên tắc của Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông. Ngày 23.06.2012, nhà nước Trung cộng thành lập thành phố Tam Sa ngày 23.06.2012, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 01.07.2012, những người yêu nước đã tham gia biểu tình tại Hà Nội, Huế và Sàigòn. Tuy không đông, bị đàn áp thô bạo và bắt bớ phi luật lệ, nhưng họ dũng cảm hành động vì Lý trí và Tự do. Quyền biểu tình được ghi nơi điều 69 Hiến pháp Việt Nam với lý do xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng ủng hộ Luật Biển mà Quốc hội vừa thông qua.

Ngày 08 và rồi hôm 22.07.2012, đồng bào Hà nội tiếp tục hô to ‘Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam’. Họ xác nhận một Sự Thật và chống Trung cộng xâm lược Việt Nam. Họ đã chỉ hành động như những công dân yêu nước thời Trưng Trắc, Trưng Nhị… Những người chưa thức thời hay chưa thể dấn thân như họ thì xin đừng trách họ hãy chờ đến lúc có đông người tham dự hơn. Lúc đó là bao giờ ? Khi Tàu cộng ngự trị trên Quê hương hay chờ lính Mỹ tới ? Điều chắc chắn là Việt Nam có bị Hán hóa hay không đều do Ý Chí, sự Tự Tin và Quyết Tâm của Người Việt trong nước như bao lần Lịch Sử đã từng chứng minh.

Cuối tháng 07, ngày 31, mạng lưới boxitvn.net đăng Thư ‘42 công dân đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc’ gồm nhiều Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những Linh mục quốc doanh, những phần tử làm cản bước tiến của toàn xã hội và các tôn giáo Việt Nam, bây giờ chờ ‘bật đèn xanh’ để biểu tình, hối tiếc thời Đệ Nhị Cọng hòa tự do xách động xuống đường…

2./ Nguyên tắc trợ giúp lẫn nhau.

Giáo huấn Xã hội Công giáo, ghi trong ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ đề nghị các Kitô hữu và những người thiện tâm hai Nguyên tắc :

1. Nguyên tắc Bổ trợ. Các quyết định của xã hội phải đưa ra ở mức thấp nhất có thể, nghĩa là ở mức gần nhất đối với những ai chịu ảnh hưởng của quyết định. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả (số 185 Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội).

Bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của ‘triết học xã hội’. ‘Thật sai lầm khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của họ để trao cho cộng đồng; cũng thật là bất công và tai hại, làm xáo trộn trật tự đúng đắn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ’. Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải giúp đỡ – tức hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn (số 186).

Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Nguyên tắc này chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của nhà nước trong guồng máy công cộng (số 187).

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ‘nhấn mạnh các giới hạn cần thiết đối với việc can thiệp của nhà nước và nhấn mạnh bản chất công cụ của nhà nước, vì cá nhân, gia đình và xã hội đã có trước nhà nước, và vì nhà nước tồn tại là để bảo vệ các quyền của họ chứ không phải để áp bức họ’ (Centesimus Annus số 11).

2. Nguyên tắc Liên đới. Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn (số 192). Đây là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý (số 193). Sự liên đới có những mối tương quan mật thiết với công ích, với mục tiêu phổ quát của của cải, với bình đẳng giữa con người và với hoà bình (số 194).

Ngoài ra, dù khi bị bách hại, Kitô hữu được thánh Phaolô khuyên cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để gián tiếp cho thấy đâu là điều mà chính quyền phải lo bảo đảm: đó chính là một đời sống thanh bình và yên ổn nhờ sống có đạo đức và phẩm cách (x. 1 Tm 2,1-2). Tín hữu Đức Kitô hãy ‘sẵn sàng làm mọi việc tốt’ (Tt 3,1), cần tỏ ra ‘lịch thiệp hoàn hảo với hết mọi người’ (Tt 3,2), không quên rằng mình được cứu rỗi không phải do những công nghiệp của chính mình, mà do lòng thương xót của Chúa (số 381).

C./ Những thanh niên Công giáo bị bắt cóc :

Từ ngày 30.07.2011 đến cuối năm, 17 thanh niên nam nữ Công giáo và Tin lành bị bắt cóc, không rõ lý do, không lập văn bản và không tin tức trong thời gian đầu. Các buổi cầu nguyện cho những người vô tội này được tổ chức bởi các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà (Hà Nội) và Sài Gòn cũng như nơi các Giáo xứ Giáo phận Vinh và Giáo đoàn Việt Nam Hải ngoại.

Trong kinh ‘Thương người có mười bốn mối’ nơi điều bốn về ‘Thương xác bảy mối’, c ó ghi : « Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc ». Do đó, tháng 05.2012, Linh mục Chân Tín, đã yêu cầu nhà nước cho Cha vào trại giam ban Bí tích sức dầu cho chị Tạ Phong Tần, theo yêu cầu tôn giáo của chị. Lúc đó, sau 35 ngày tuyệt thực, sức khỏe chị rất yếu, gầy ốm và bị tụt huyết áp. Đây là một nghi thức tôn giáo cần thiết cho người bệnh nặng. Cha không nhận được trả lời.

Giáo hội Công giáo không chỉ hiệp thông trong nước Việt Nam hay nơi người Việt Hải ngoại mà còn nơi người Công giáo toàn cầu.

Ngày 15.08.2012, Giáo hội Công giáo toàn cầu mừng kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại Notre Dame de Paris, Thánh Lễ trọng thể với sự chủ tọa của Đức Tổng Giám mục Rinô Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm hóa. Sau Lời nguyện Giáo dân cầu cho các thành phần Quốc dân Pháp (theo yêu cầu của Hội đồng Giám mục Pháp, các Lời nguyện này được hiệp thông từ những Thánh Lễ cử hành hôm nay trên khắp nước Pháp), Đức ông Patrick Jacquin, Giám quản Nhà Thờ Đức Bà Paris, yêu cầu mọi người cầu nguyện cho 17 anh chị em thanh niên Công giáo đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam vì những hoạt động xã hội giúp tha nhân. Trước Thánh Lễ, hình các thanh niên này và di ảnh hai bà Đặng Thị Kim Liêng và Maria Đỗ Thị Tần thân mẫu chị Maria Tạ Phong Tần và Paulus Lê Sơn được dương cao trong đoàn rước kiệu Đức Mẹ trong sự ngậm ngùi thương cảm và cầu nguyện.

Bao giờ người Việt trên Quê Hương được sống trong Sự thật, Công lý, Lý trí và Tự do ?

Hà Minh Thảo