Đau Lòng Bàn Chân

Ở lòng bàn chân, có một sợi dây gồm các mô liên kết chạy từ gót chân tới các ngón chân gọi là Cân Mạc Cung Bàn chân (Planta Fascia). Nhiệm vụ chính của dây này là hỗ trợ để cho bàn chân chuyển động dễ dàng đồng thời cũng chống đỡ cho chân và chịu đựng 14% sức nặng cơ thể. Một lớp mỡ mỏng phủ lên phần gót của cân mạc giúp công việc chống sốc này.

Khi cất bước, bàn chân đạp xuống mặt đất, cân mạc căng ra, mặt bàn chân dài hơn. Khi gót chân nhấc lên khỏi mặt đất, các ngón chân cong lên trong khi ta chuyển sức nặng cơ thể sang chân bên kia và cân mạc chịu tất cả sức nặng này.

Với vai trò quan trọng như vậy, mỗi tổn thương của cân mạc đều gây ra đau đớn và khó khăn khi ta cất bước đi hoặc chạy. Rối loạn thường thấy nhất của cân mạc là Viêm Cân Mạc, đa số đều xảy ra ở phần gót của cơ quan này.

Nguyên nhân

Viêm cân mạc xuất hiện trong những trường hợp sau đây:

-Ði, đứng và chạy trong thời gian lâu, đặc biệt trên mặt bằng cứng. Chẳng hạn các lực sĩ chạy bộ, công nhân làm việc đòi hỏi đi đứng liên tục trên hai bàn chân. Theo thống kê, có tới từ 5-10% các tay chạy việt dã, 50% người thường xuyên đứng trên hai bàn chân bị tổn thương này. Dân chơi bóng chuyền, quần vợt, nhẩy múa cũng là nạn nhân. Trong các trường hợp này, cân mạc luôn luôn căng, lâu ngày bị rách, yếu đi và gây ra đau.

-Mập phì, phụ nữ có thai khiến cho cân mạc luôn luôn gồng lên chịu đựng sức nặng của cơ thể.

-Bàn chân phẳng (flat foot), không có độ cong cho nên gót chân nẳm sát trên mặt đất, cân mạc thường xuyên căng ra. Nghịch lý là khi cung bàn chân quá cong cũng gây ra viêm cân mạc.

-Bàn chân quay sấp (pronation) vào trong quá nhiều. Bình thường, khi ta bước thì phần ngoài của gót chân chạm xuống mặt đất trước, sức nặng cơ thể dồn xuống phía trong bàn chân rồi chuyển ra phía ngoài. Khi bàn chân quay sấp, sức nặng sẽ đè xuống phía trong gót chân, khiến cho cân mạc căng ra.

-Mang giày quá cũ, không vừa chân, gót giày quá cao hoặc không có lót giày thích hợp.

-Ở người cao tuổi, cân mạc bớt đàn hồi, lớp mỡ bọc mỏng đi khiến lực chống sốc kém hiệu nghiệm, cân mạc hao mòn rách dần dần đưa tới đau viêm.

Bệnh thường thấy ở tuổi từ 40-60, phụ nữ hơi nhiều hơn nam giới.

Dấu hiệu

Dấu hiệu chính của bệnh là cơn đau, thường là ở gót chân.

Cơn đau có thể xuất hiện từ từ ở một bên chân (đôi khi cả hai bên một lúc) dữ dội nhất là khi mới ngủ dậy, đặt chân cất bước đầu tiên. Lý do là trong khi ngủ, cân mạc ở trong tình trạng căng và khi ta đứng lên để đi bước đầu tiên trong ngày, cân mạc căng thêm, gây đau nhưng chỉ sau vài cử động, cơ bắp nóng ấm lên và cơn đau giảm.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tiếp tục đi lại hoặc bước lên mấy bậc cầu thang hoặc đứng quá lâu, cơn đau sẽ kéo dài.

Chẩn đoán bệnh

Bệnh được xác định qua dấu hiệu, hoàn cảnh gây bệnh và chụp hình bằng X-quang bàn chân như MRI, Cat-scan.

Ðiều trị

-Trước hết là nên tạo cơ hội cho bàn chân được nghỉ ngơi cho tới khi hết đau. Ðây là việc khá khó thực hiện vì mọi người ai cũng phải đi lại ban ngày làm công kia việc nọ. Nhưng nếu tiếp tục đi đứng, cơn đau gia tăng, thương thích cho dây chằng trầm trọng hơn. Cho nên hãy nghỉ càng nhiều càng tốt và tạm ngưng các sinh hoạt không cần thiết.

-Băng dán chung quan cân mạc để nâng đỡ giảm sức căng của cơ quan này.

-Chườm đá lạnh dăm bẩy phút, bốn năm lần trong ngày cho tới khi viêm đau dịu xuống.

-Ban đêm, mang một nẹp thư giãn bắp chuối và cân mạc để tránh cho cơ quan này khỏi căng cứng khi ngủ. Dụng cụ này có tác dụng rất tốt.

-Vật lý trị liệu, tập thư giãn cân mạc cũng có nhiều công hiệu.

-Bác sĩ có thể cho dùng các thuốc chống đau viêm thông thường như Ibuprofen, Advil... Ðôi khi cũng chích thuốc steroid để giảm viêm đau, nhưng không dùng lâu ngày vì thuốc có thể đưa tới hủy hoại cân mạc và mô mỡ ở chung quanh.

-Lót giày giúp bệnh nhân đi lại ít đau hơn và đôi khi là trị liệu thích hợp nhất.

-Trị liệu bằng chấn động của làn sóng vào dây chằng, khiến cho viêm đau giảm. Ðây là trị liệu tương đối mới nhưng cũng không hữu hiệu lắm.

-Giải phẫu ít khi được nêu ra và chỉ áp dụng khi các phương thức kể trên không mang lại kết quả.

Tập thư giãn cân mạc

1. Ðứng thư giãn:

Theo các nhà chuyên môn, đây là phương pháp dễ thực hiện và khá hữu hiệu.

-Ðứng thẳng cách tường khoảng 2-3 feet, hai tay dựa lên tường.

-Một chân thẳng ngang vai, chân đau hơi lùi về phía sau.

-Bàn chân đau áp sát mặt đất.

-Hơi ngả người vào tường tới khi cảm thấy gót và bắp chuối chân đau thư giãn

-Giữ tình trạng thư giãn đó trong 30 giây. Rồi đổi chân.

2. Ngồi tréo chân:

-Gác một chân lên chân kia, bàn tay giữ bàn chân.

-Một tay kéo ngón chân về phía xương ống chân, tay kia giữ chặt bàn chân.

-Như vậy sẽ thấy bàn chân thư giãn. Giữ như vậy khoảng 30 giây. Nhắc lại mỗi chân 3 lần.

3. Lăn bàn chân trên một chai nước đông đá khoảng 10-15 phút để thư giãn bàn chân đồng thời sức lạnh cũng giảm đau viêm.

4. Kéo bàn chân với khăn tắm:

-Ngồi thẳng người xuống mặt đất, hai chân thẳng về phía trước

-Luồn một khăn tắm vào đầu bàn chân bị đau.

-Từ từ kéo hai đầu khăn về phía mình.

-Giữ khoảng 15 tới 20 giây, thư giãn rồi làm lại 10 lần.

5. Thư giãn cung bàn chân:

-Ðứng trên ghế với đầu bàn chân.

-Từ từ hạ gót chân đau xuống để thư giãn cung bàn chân. Làm 10 lần.

Kết luận

Hai bàn chân là để đi lại chạy nhẩy cho nhu cầu cơ thể. Ði lại được là nhờ trợ giúp của dải băng cân mạc. Dùng quá sức chịu đựng và khả năng, cân mạc hư hao, rách yếu, cơn đau xuất hiện, hết đi đứng.

Vậy thì nên gìn giữ, nhẹ nhàng với cân mạc cung bàn chân.

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức

Arlington-Texas