ROMA, (Zenit.org) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Li Băng « không khí giới » trong tay, để cổ võ cho sự « thứ tha và hòa giải », cha Federico Lombardi, s.j. nhấn mạnh.
Vị linh mục Dòng Tên này với tư cách là Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, hôm Thứ Bảy ngày 15 tháng Chín vừa qua, đã làm bản tổng kết khi chuyến thăm đến Li Băng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đi qua một nửa chặng đường, Đài Phát Thanh Vatican cho biết.
Đối với những căng thẳng xảy ra trong khu vực hiện nay, cha Lombardi đưa ra nhận định rằng « Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không đến Li Băng như một chính khách của quyền lực, chính trị hay quân sự, nhưng là với uy quyền của mình để giải quyết nhiều vấn nạn » và « uy quyền đó chính là uy quyền của luân lý và tôn giáo ».
« Đức Giáo Hoàng đến không bằng khí giới, phát ngôn viên Tòa Thánh Nhấn mạnh. Vì vậy, người ta có thể cười ngài, người ta có thể nói : « Ông đến đây để làm gì ? Ông không có một quyền hành gì ». Thế nhưng ngài đến với những vũ khí tinh thần, đó lại là cái khác. Đây chắc hẳn là chiều sâu và chính yếu nhất ».
« Đó là chiều sâu nhất, cha Lombardi giải thích, bởi vì đây là thứ uy quyền mà người ta có thể tạo ra những thái độ tinh thần, người ta hoạt náo một nền giáo dục của con tim và tâm địa, vốn rất cần thiết để xây dựng nền hòa bình, không chỉ như một sự cân bằng sức mạnh, mà còn như một sự thực sự hiểu nhau giữa những người khác biệt nhưng lại biết tôn trọng nhau, yêu mến nhau và có khả năng tha thứ và hòa giải. Và điều đó đã là một sự phục vụ lớn lao ».
« Tông thư là một tài liệu quan trọng, đó là sự kết thúc một đoạn đường và mở ra một giai đoạn mới, bởi vì bây giờ là lúc phải đem ra thực hành, suy nghĩ về tâm điểm của những cộng đồng khác nhau, nhận ra đâu là những hệ quả có thể thực thi, cái đó có thể có được trong cuộc sống của những cá thể cũng như của những cộng đồng », cha Lombardi tuyên bố trong cuộc họp báo.
Tài liệu này không chỉ liên quan đến người Công Giáo tại Trung Đông mà còn liên quan đến Giáo Hội hoàn vũ : « Đó là sự dấn thân cho tình liên đới của Giáo Hội hoàn vũ nhằm giúp đỡ những Kitô hữu tại Trung Đông vốn đang sống trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, sợ hãi và đau khổ, ngõ hầu họ có thể tiếp tục cam kết dấn thân, vì vùng đất này rất quan trọng đối với Giáo Hội ».
Nói chính xác : « Đây là miền đất của các địa danh thánh thiêng, của cội nguồn Kitô giáo, nguồn gốc các tôn giáo độc thần ».
« Do vậy, ngài lý giải, chúng ta không thể đánh mất một sự có mặt tại đây : một sự có mặt niềm nở và huynh đệ với những tín đồ khác mà không phải là Kitô hữu. Hiện diện tại đây, có thể gọi là, hiện diện trong vùng đất cội rễ của chúng ta và tất cả cần cảm thấy nguồn cội của mảnh đất này ».
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng