Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ: Bánh mì, trò xiếc và chiến tranh chống trẻ chưa sinh

Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ:

Bánh mì, trò xiếc và chiến tranh chống trẻ chưa sinh

Vũ Văn An11/5/2012

Dịch

Theo Elizabeth Lev, giáo sư nghệ thuật và kiến trúc Kitô Giáo tại ĐH Duquesne.

Khi chúng ta bước vào những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, câu tụng niệm thường hằng của kỹ nghệ giải trí nhằm vận động cho việc tái đắc cử của Ông Barack Obama là cổ vũ “quyền sinh sản”. Những mầm non minh tinh và những nữ hoàng điện ảnh già nua đang thi nhau ùa ra từ những ngăn tủ gỗ để rao bán tầm quan trọng của “Làm Cha Mẹ Có Trách Nhiệm” (tổ chức cung cấp phá thai lớn nhất thế giới), sự cần thiết của ngừa thai bằng tiền của người trả thuế (kể cả phá thai và triệt sản), và cái được gọi là “chiến tranh chống phụ nữ” của Đảng Cộng Hòa. 

Tại một xứ sở đang phải đương đầu với đe dọa bị khủng bố thực sự (trong đó, có cuộc hạ sát Đại Sứ Mỹ Chris Stevens gần đây), khủng hoảng kinh tế trầm trọng và thiên tai do trận bão Sandy gây ra, việc bị ám ảnh bởi tính dục và giải trí này quả là điều kỳ dị; ấy thế nhưng, đối với các sinh viên khoa sử, nó lại quen thuộc một cách lạ kỳ. Cùng một chiến dịch như thế đã được Hoàng Đế Vespasian phát động vào năm 70 Công Nguyên, khi ông ta tìm cách làm cho dân Rôma quên khuấy hỏa hoạn, hoang tàn và xâm lăng bằng những trò chơi tại Coliseum.

Coliseum, chính xác hơn phải gọi là Khán Đài Flavian mới đúng, có lẽ là đền đài được biết nhiều nhất của Rôma cổ thời. Hàng năm, hàng triệu người đua nhau tới thăm những phế tích xương xẩu còn lại của nó, thích thú với những truyện kể về giác đấu, trầm trồ trước kích thước vĩ đại của nó, và chụp những bức hình với những binh lính ăn mặc theo lối Rôma xưa giữa vận động trường chết chóc. 

Tuy nhiên, giống như phế tích khổng lồ Tyrannosaurus Rex, Khán Đài Flavian chắc chắn sẽ không lôi cuốn như thế nếu nó còn sinh hoạt cho tới ngày nay. Tòa lâu đài này nên được dùng không những để thưởng ngoạn mà còn để giáo dục nữa. 

Coliseum được xây dựng vào thời điểm lung lay của Đế Quốc. Nero không những thấy mình bất xứng với tước hiệu “Augustus” cao sang của mình nhưng còn làm cho kinh thành kiệt quệ nhân sự và tiền bạc sau trận đại hỏa hoạn của Rôma. Toà Nhà Vàng của ông, nằm giữa khu vực giầu có nhất của kinh thành, là yếu tố cuối cùng khiến người dân căm phẫn nổi loạn, buộc ông phải trốn khỏi kinh thành và cuối cùng tự sát. 

Do đó, vị hoàng đế kế tiếp, tức Vespasian, đã thừa hưởng một đế quốc đầy giận dữ. Nhiều ngành buôn bán sạt nghiệp, nhiều khoản tiết kiệm cả đời trở thành mây khói và rất nhiều người mất mạng. Khó có thể thuyết phục người dân tin rằng đế quốc là giải pháp hay hơn nền cộng hòa mới cáo chung. Vespasian, người có biệt tài thiên phú tỏ ra mình là “hoàng đế của dân” (lịch sử kể lại nhiều trò châm biếm vẫn còn làm người thời nay phải cười), đã tìm ra cách dập tắt sự bất mãn đang dâng cao: kỹ nghệ giải trí. 

Thực ra việc ấy không hoàn toàn do sáng kiến của riêng ông. Cộng Hòa Rôma vốn đặt các nhà hát ngoài vòng pháp luật vì cho rằng chúng tạo cơ sở cho nổi loạn, do việc chúng bơm vào đầu óc lũ dân nhàn rỗi những câu truyện bi đát thôi thúc bất đồng với chính phủ. Năm 52 trước CN, Pompey Đại Đế đã làm ngơ luật này, nhờ thế trở thành quí đế của dân. Julius Caesar không bỏ lỡ cơ hội, cho xây một nhà hát khác, một nhà hát mà ông không sống để thấy nó được hoàn thành. 

Sự mị dân đầy thành công của hai vị hoàng đế đầu tiên này không qua được mắt Vespasian, người rất biết rằng ngoài việc cổ vũ lòng đạo và sự giúp người (hai đức tính được dân Rôma rất tôn trọng), cách nhanh nhất để buộc đám dân ngu khuất phục ý mình là cho họ các giải trí mà thời đế quốc, vốn được gọi là “munera” (hồng ân). 

Juvenal, một thi sĩ Rôma, người từng chứng kiến các năm đầu của Coliseum, đã thấy rõ cái nền tảng luân lý đang lung lay của đế quốc. Trong Châm Biến X, ông viết: “Công chúng đã vứt bỏ mọi lo lắng của họ từ lâu; người dân mà trước đây có lần đã trao ban quyền chỉ huy, các chức tổng trấn, các lữ đoàn và những điều tương tự, nay không thèm can dự vào bất cứ chuyện gì, chỉ mong mỏi có hai điều: bánh mì và trò chơi!”. 

Đó là Rôma của Vespasian, một giống dân chỉ biết quay mặt vào chính các thèm muốn của mình, mà quên hết lợi ích của quốc gia và những mưu cầu cao thượng của nó, chỉ lo lắng tìm cách được ăn và được vui chơi. Trong cái thế giới này, một anh giác đấu đủ làm cả một khối dân nổi dậy như trường hợp Spartacus, người mà sức mạnh ở đấu trường được coi tương đương như khả năng lãnh đạo chính trường. 

Thời hiện đại của ta tuy không đẩy các tên tội phạm bị kết án và tù nhân chiến tranh vào đấu trường để chết mà mua vui cho ta, nhưng nhờ phim ảnh và trò chơi video, cái khát mong được mua vui kia vẫn tiếp tục được thoa dịu trọn vẹn. Giống người Rôma, thời đại ta đã tìm trong tính dục sự giải trí tối hậu, khả năng vô hạn chế được khoái cảm bất cứ cách nào và bất cứ khi nào ta muốn. Rõ ràng hoà bình hơn những vụ giết người ở đấu trường, tính dục lan tràn đang khuyến khích người ta khai thác lẫn nhau để được vui thích, dưới chiêu bài đây là trò giải trí vô hại miễn là cả hai bên cùng đồng lòng. Triết gia Seneca, khi coi các trò chơi trước khi có Coliseum, hiểu rất rõ: cái thứ “giải trí vô hại” này biến đổi con người ra sao. Ông viết: “không điều gì tiêu diệt tính tốt cho bằng phí phạm thì giờ vào những trò tiêu khiển. Thói hư sẽ có cách luồn vào vì cảm giác khoái lạc chúng đem lại. Anh có biết tại sao tôi bảo chính bản thân tôi sau khi đi xem trình diễn trở về đã trở thành tham lam hơn, nhiều tham vọng hơn và ăn chơi xa xỉ hơn?”

Đức GH Bênêđíctô XVI đã nhận diện ám ảnh tính dục là hình thức trốn chạy thực tại giống như ma túy. Trong cuốn “Ánh Sáng Trần Gian”, khi nói tới kỹ nghệ du lịch tình dục và nạn ghiền ma túy, Đức Thánh Cha nhận định rằng Phương Tây cảm thấy nhu cầu phải có ma túy vì “sự khao khát hạnh phúc của họ đã phát triển đến độ không còn hài lòng với sự vật có thực nữa… Các diễn trình tàn phá hiện đang hết sức ngoại thường và phát sinh do sự ngạo mạn và chán chường cũng như quan niệm tự do sai lầm của thế giới Phương Tây”. 

Triết gia ngoại giáo và thần học gia Công Giáo có phải đang hợp xướng ăn ý với nhau? Nhưng liệu các trò chơi hiện đại có vô tội hay không? Liệu thực sự không ai bị thương cả, phải không? Ở đấu trường, ít nhất người Rôma cũng chỉ ném các phạm nhân từng bị kết án vào đó để mua vui thôi, những người từng chiến đấu chống lại đế quốc và bất tuân các luật lệ nghiêm túc nhất của họ. Dưới mắt người dân Rôma, những phạm nhân ấy đã mất hết tư cách làm người của họ vì đã dám coi thường sức mạnh và trật tự của đế quốc. 

Ngày nay, các nạn nhân bị hy sinh để mua khoái lạc cho các công dân hoàn toàn vô tội: đó là các trẻ em chưa được sinh ra. Dù cố gắng tách biệt chúng hết sức, tính dục và sự sống con người vẫn cứ nối kết chặt chẽ với nhau. Nhưng cái nghị trình dã man của “quyền sinh sản” coi trẻ chưa sinh như phạm nhân đã bị kết án của Rôma ngày xưa, một thứ kém người, một phó sản không ai thèm có của tiêu khiển giường chiếu. Thả giàn phá thai và ngừa thai, những việc được mọi người trả thuế của Mỹ chịu chi phí cho, đang mở cuộc chiến chống các sự sống vô tội này. Tại Khán Đài Vespasian, trò chơi hoàn toàn miễn phí, một tặng phẩm nhờ chiến lợi phẩm của các ông hoàng đại lượng, nhưng tại khán đài phá thai, mọi người Mỹ, những người làm lụng để nuôi dưỡng gia đình, đều phải trả chi phí cho cái lòng thỏa dục đầy tai họa của hoàng đế. 

Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp trong đó, phá thai và ngừa thai được cần tới do nghèo khó, do bạo lực, do tình huống rất khó xử gây ra, nhưng Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch không trở thành một kỹ nghệ hàng năm thu về 4 tỉ dollars bằng cách phục vụ những người đàn bà nạn nhân của hiếp dâm hay loạn luân. Kỹ nghệ phá thai tặng 12 triệu dollars cho quĩ tranh cử của Obama và Cecile Richards, Chủ Tịch của Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch đã xin nghỉ việc để đi vận động toàn thời cho vị tổng thống đương nhiệm. 

Khi những kẻ chuyên cổ vũ quyền phá thai cũng chính là những người chủ trì các loại tiêu khiển khích dâm, thì họ đâu có bênh đỡ các nạn nhân của hiếp dâm. Quĩ Playboy trong tư cách người tặng dữ chính của Làm Cha Mẹ Có Trách Nhiệm chắc chắn không được thúc đẩy bởi mối quan tâm lo lắng cho các nạn nhân bị hiếp dâm hay loạn luân, nhưng đúng hơn tìm cách cắt bỏ các hậu quả bất đắc dĩ của lối sống buông thả mà họ đang cổ vũ. 

Điều đáng buồn là cùng với các nữ minh tinh mầm non như Scarlett Johansson và Eva Longoria, Meryl Streep cũng lên tiếng cho rằng chiến dịch hủy việc tài trợ cho Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch và đặt giới hạn cho việc phá thai là “cuộc chiến chống phụ nữ”. Bà đóng vai Spartacus tân thời, sẵn sàng thu phục người khác cho mục tiêu sai lầm và tai hại này. Hàng tá các tài tử nam nữ đã lên tiếng ủng hộ quan điểm phá thai thả giàn của chính phủ hiện tại. 

Tuy nhiên, người Rôma và người Hy Lạp, tuy bị rù quyến bởi trò chơi bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn chưa bao giờ ngu dại đến tin một lời nào của những người diễn trò. Tiếng Hy Lạp gọi các người diễn trò (tài tử) là “hypokrites” (giả hình), một hạn từ đã được các tác giả Tân Ước nói tiếng Hy Lạp hiểu có nghĩa như một ai đó nói một đàng làm một nẻo. 

Tài tử, hay người diễn trò, được trả tiền để làm bạn tin rằng họ là những người ngoại từng không gian (aliens) hay thiên thần, tổng thống hay đĩ điếm. Thực vậy, khá nhiều “hypokrites” tân thời đóng vai nghệ sĩ cao quí giữa các người ái mộ mộ họ khắp các tiểu bang, nhưng lại đi rao bán thuốc đáng răng và nước giải khát trong các quảng cáo ở những nơi khác trên thế giới. Liệu những người như thế có nên hướng dẫn người Mỹ trong các quyết định có ảnh hưởng tới con cái cháu chắt của họ hay không?

Trong thế giới cổ thời, các học giả và triết gia đứng lên tố cáo các điên loạn của chế độ chuyên thao túng nhân dân mình bằng bánh mì và trò xiếc. Trong Tân Thế Giới này, những người tìm tòi lý lẽ ấy cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo Elizabeth Lev, giáo sư nghệ thuật và kiến trúc Kitô Giáo tại ĐH Duquesne.