Gửi Một Chút Này Làm Tin

1.

Ít lâu nay, trong suy nghĩ hạn hẹp của mình, tôi cứ vẩn vơ ngờ ngợ về những mối quan hệ đẩu đâu,

xem ra chẳng ăn nhập gì, chẳng dây mơ rễ má gì với nhau cả. Chẳng hạn, nhà thơ và nhà thờ, linh

mục và thi ca, làm cha và làm thơ. Chẳng hạn, rao giảng Lời Chúa, đắc đạo tu hành và thi phú

văn chương... Như vậy, liệu có mâu thuẫn, đối kháng hoặc thỏa hiệp được với nhau không? Chả

là trong công việc viết lách về lịch sử văn học nghệ thuật Công giáo Việt Nam mà tôi lựa chọn

và miệt mài đeo đuổi từ 1960 đến nay, thành phần chủ lực trong đối tượng tìm hiểu-nghiên cứu

lại chính là các vị chủ chiên, những bậc chân tu; cụ thể, họ là các đấng bậc trong Hội Thánh, như

Hồng y, Giám mục, Linh mục và Tu sĩ. Kể ra, dễ đến hàng chục, hàng trăm tác giả, chứ không ít

đâu. Vừa làm mục vụ, bác ái từ thiện, cử hành Phụng vụ-Bí tích lại vừa sống đời thường giữa bến

trần gian. Thánh thiêng và thực tế. Cõi đạo và đường đời. Thăm thẳm và mịt mùng chân mây. Đặc

biệt, trong nhịp đời hệ lụy bể dâu ấy, đôi khi vẫn thoảng một chút bay bổng, vẫn vướng một chút

thăng hoa. Ở cõi riêng tư và diệu kỳ ấy, Chúa ôi, họ hiện ra rất người, rất tài tình, rất điệu nghệ,

mà cũng rất chói lói hào quang cứ như là những Prométhée trong thần thoại Hy Lạp. Bảo họ là

những người được “khải thị”, được “ngất trí” có lẽ cũng không sai ngoa tí nào. Họ nói giùm chúng

ta những điều mà miệng lưỡi phàm trần không thể nói ra được bằng lời. Họ là thi sĩ, là nhà thơ,

là ông chủ của kho tàng ngôn ngữ. Họ như thể có phép mầu, có chìa khóa vạn năng của câu chữ,

vần điệu, âm luật, hình tượng và có cả nguồn lực vô tận Chúa ban cho trong quá trình tư duy, rung

động và diễn đạt, biểu cảm để gửi thông điệp đi muôn phương. Họ cao lớn hơn chúng ta một cái

đầu, sâu xa hơn chúng ta một tầng bậc cảm xúc rung động của trái tim. Tắt một lời, họ “đạt đạo”,

nghĩa là kề cận gần bên Chúa hơn. Họ chủ trương “sống cái đã” rồi mới “luận bàn minh triết-

primum vivere, deinde philosophare”.

Tự nhiên, tôi nghĩ tới 73 pho sách Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước(1). Một trường ca, một

thi thiên bất tuyệt, một “tàng kinh các” đẫm chất thơ. Ở nơi ấy, qua mạc khải, các thánh giáo phụ,

thánh sử và các tiên tri đã khắc họa Lời Chúa thật sâu vào lòng người, trải qua dòng thời gian vô

tận. Đó là Sách Thánh. Đó là Kinh và Thơ. Để rồi, từng nơi từng thời, từng thế hệ kế thừa, theo

nhau tiếp nối. Họ đều là những bậc thánh nhân uyên bác, thông tuệ; đồng thời họ cũng là những

thi nhân kiệt xuất cả. Không bút mực nào tả xiết. Từ Augustino (354-430) với tác phẩm kinh điển

Tự Thuật (Les Confessions); từ Tôma Aquinô (1225-1275) với huyền ca Thánh Thể (Pange lingua

gloriosi) cho đến Phanxicô Assisi (1182-1226) với Trường Ca Các Tạo Vật, Kinh Hòa Bình và

Gioan Thánh Giá (1542-1591) với Khúc Linh Ca cháy bỏng tình yêu Thiên Chúa. Từ Têrêsa Avila

(1515-1582) với Lâu Đài Nội Tâm cho đến Truyện Một Tâm Hồn của Têrêsa Hài Đồng Giêsu

(1873-1897)... Tất cả, họ đều nên thánh và họ vẫn viết lách, làm thơ đúng với nén bạc Chúa trao

tặng. Rất diệu kỳ, không hề nghịch lý.

2.

Tản mạn một chút như trên, chẳng phải để khoe cái kiến thức nông cạn của mình đâu, song là để

dẫn đến một đề nghị kết luận: Nên thánh không hề đối lập, mâu thuẫn với làm thơ. Ngược lại,

linh đạo nên thánh ấy xem ra càng dễ gần, dễ thương, dễ chấp nhận hơn. Thơ làm mềm đi những

lý thuyết khô khan. Tôi nói thế là nói có cơ sở thực tế hẳn hoi. Bởi vì chỉ cần lướt qua vài chương

lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam từ khởi thủy (1553) đến nay, ta thấy ngay một cuộc đồng

hành rất vồn vã, rất sung sức giữa đức tin lòng đạo và văn học nghệ thuật. Trong đó, thi ca Công

giáo hiện ra lung linh muôn vẻ muôn màu, thật phong phú đa dạng, từ vè vãn ca ngâm đến tuồng

truyện, từ dân dã truyền khẩu đến thành văn bác học. Thi ca đã thống trị như đã thống trị dòng

chảy văn học Việt Nam. Và đặc biệt hơn, đa phần tác giả của thể loại nghệ thuật này lại là những

bậc thánh nhân, tu trì, đạo hạnh. Xin lược kê ít nhiều nhân vật điển hình: Thày Cả Lữ-Y Đoan

(1613-1678), Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874), Thánh-Linh mục Philipphê Phan

Văn Minh (1815-1853), Giám mục GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1944), Giám mục Dom.Hồ Ngọc

Cẩn (1867-1948), Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng (1919-2009); Linh mục Trần Lục

(1825-1899) và còn không biết bao nhiêu tên tuổi danh trấn bốn phương về sau này nữa. Họ, kẻ

còn, người khuất, nhưng đều đã có những để lại quý báu, những cống hiến đáng kể làm sáng danh

Chúa và ơn ích phần rỗi cho con người. Là con cháu hậu sinh, chúng ta trân trọng ghi ơn và dốc

lòng noi gương các ngài. Mấy chục năm qua, trên bước đường điền dã lặn lội ngược dòng khá

nghiệt ngã cô đơn để viết bộ sách “Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam”(2) và “Văn Học

Công Giáo Việt Nam-Những Chặng Đường”(3), nhiều lúc tôi đã choáng ngợp như bị đắm chìm vào

cái thế giới mênh mang đa chiều sầm uất “trong nhà Cha ta có nhiều chỗ” gồm biết bao nhiêu là

những bậc tu-trì-thi-sĩ tay lần tràng hạt, tay phóng bút đề thơ. Cả một bầu trời đầy trăng sao vằng

vặc. Hình như, tôi trộm nghĩ, bẩm sinh cả dân tộc này đã là thi nhân (natus poeta) rồi thì phải?

Lại phải kể, từ Philipphê Lê Thiện Bá (1891-1981), Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-

1978), Giuse Vũ Đức Trinh (1918-1964); từ Gérard Gagnon Nhân (1914-1994) cho đến những

Phêrô Hoàng Diệp (1924-2008), Phêrô Vũ Đình Trác (1927-2003), F.X.Nguyễn Xuân Văn (1922-

2002), Giuse Đinh Cao Thuấn (1925-2009), JBT Cao Vĩnh Phan (1924-2011) v.v. Đấy mới chỉ là

một số đã mãn phần. Còn, còn hằng hà những lặng thầm khuất nẻo ở những đâu đâu... Thì ra, nhà

phê bình Hoài Thanh đã rất có lý khi đặt bút viết những dòng này về một nguồn cảm hứng tôn giáo

rất lạ lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Hàn Mạc Tử ở thập niên 1930 của thế kỷ trước: “Hàn Mạc

Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ... Thơ

của Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không

khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là

những tình cảm đã thấm tận đáy hồn...”(4) Từ ấy, đã mở toang ra một dặm dài những nhà thơ Công

giáo, điệp điệp trùng trùng đã và đang tiếp sức, chung tay.(5)

3.

Nói Đông nói Tây, tất cả và thiên hạ. Còn nhà thơ Cung Chi của chúng ta và Tuyển Tập Thơ (3

Tập) đồ sộ mang tên “Thương Ngàn Thương” thì sao? Ôi, người Tử Nê, Đạo Ngạn, Chân Phúc

Liêm. Nơi đây, mùa Hè 2004, tôi đã ngất ngây, quên đường về, khi lạc vào giữa nhà vườn vải

thiều Lục Ngạn. Ôi người quê hương sông Cầu sông Thương quan họ Kinh Bắc. Tôi chẳng biết

mình sẽ viết gì, viết thế nào cho xứng về người, về sự nghiệp rất tâm huyết tạm gọi là “một chút

này làm tin” của người? Tôi hiểu. Bốn mươi năm (1972-2012) - kể từ mùa hè đỏ lửa 1972 - biền

biệt ở Paris xa xôi ngàn dặm. Đúng là một chặng đường mục vụ đời linh mục và cũng là một thăm

thẳm dặm dài đau đáu bền lòng nặng nợ với thi ca. Rõ ràng là không thể chia lìa, đứt đoạn. Bỏ thì

thương, vương thì tội. Hai vai hai gánh, một bên là gánh linh mục Giuse Đinh Đồng Thượng Sách

của Dòng Thánh Thể-SSS ở giáo xứ Việt Nam, Paris và một bên bồng bềnh đề huề lưng túi gió

trăng của nhà thơ Cung Chi mở lòng ra với muôn loài muôn vật. Từ ngọn cỏ, bóng mây cho đến

vừng trăng, con nước, quê hương, cha mẹ, anh em, đồng bào. Không thiếu một thứ gì. Của kho vô

tận biết ngày nào vơi? Thế đấy. Tội và tình. Duyên và nợ. Nghiệp và đời. Chẳng ai cứu rỗi được ai

trong tình cảnh éo le này? Bởi thế, đọc Thương Ngàn Thương của Cung Chi - hệt như khi ta tiếp

cận với thơ của các bậc tu trì tiền bối – cũng như Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Mai Thành, Trần

Thị Hoa, Trừu Non, Mây Trắng v.v. sau này(6) tôi thấy chiếc áo dòng đạo mạo vẫn luôn phủ bóng,

luôn che rợp họ rất kín kẽ, bình an. Đừng đòi hỏi chút gì lãng mạn, ướt át. Đừng kiếm tìm chút gì

bi lụy sầu tình. Bởi thi ca chỉ là con thuyền chở đạo “văn dĩ tải đạo” để họ suy tư về thần học, để

họ lặng lẽ nguyện cầu hoặc để gặp gỡ giao lưu, xướng họa. Rất trong veo và thánh thiện. Đọc

Thương Ngàn Thương, tôi thấy rõ xung quanh Cung Chi có đông đảo những nhân sĩ, trí thức, thi

hữu cùng chung một lý tưởng chân thiện mỹ. Thì ra, ở giáo xứ Việt Nam Paris xa lắc xa lơ ấy, nhà

thơ Cung Chi đã mời gọi, quy tụ, thu hút được những Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, những Chiêu

Anh Các của Hà Tiên Thập Cảnh, những Phi Năng và Bình Dương thi xã. Một cuộc trùng phùng

lịch sử. Thi ca không có tuổi, vô biên cương. Thi ca kết nối mọi người vào một ngôi nhà chung,

ngôi nhà trăm gian có trời che đất chở, có mây nước gió trăng, ngân vang lời kinh nguyện. Tôi đọc

thấy Cung Chi trải lòng ra bốn phương trời mười phương đất. Tại sao không là “mấy thương” hoặc

“một thương, hai thương... mười thương” như miệng đời quan họ vẫn hát, mà lại là “ngàn

thương”, là “thương ngàn thương”. Vô vàn thương mến thương. Mến hay thương chỉ là một kiểu

“nói lối”, kiểu “chữa thẹn” thay vì nói thật lòng là “Yêu” đấy thôi. Mến Thánh giá hay Yêu Thánh

giá cũng là một. Chúa ôi, ngôn từ Việt Nam giàu sang quá đỗi. Tạ ơn Chúa. Chính vì thế mà văn

học Công giáo, kinh nguyện Việt Nam mới đẫm chất thơ. Chính vì vậy mà mấy chục năm nay,

chúng ta mới có được nhà thơ Cung Chi tiếp bước các thế hệ tiền phong, mới có Thương Ngàn

Thương để mà đọc, mà ngẫm ngợi, ngâm nga. Thú thật, chỉ cần đọc cho hết, cho trọn hàng ngàn

bài thơ đủ thể loại, đủ đề tài của 3 Tuyển Tập Thương Ngàn Thương cũng mệt đứt hơi rồi. Không

dám mạo muội phẩm bình, bởi đâu đó gần xa, tôi đã gặp được đồng cảm đồng điệu của những cây

đa cây đề phủ bóng xum xuê như: Giáo sư-Nhà báo-nhà thơ Hà Thượng Nhân, nghệ sĩ Bích

Thuận, Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Giáo sư Phạm Bá Nha, Ký giả Lê Đình Thông v.v. Ngần ấy trân

trọng và bấy nhiêu tri âm tri kỷ đã quá đủ để chúng ta tâm phục khẩu phục con người và sự nghiệp

thi ca của tác giả Cung Chi. Bốn mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.

4.

Và cũng thú thật, cho đến khi đặt bút viết mấy lời vào đề quá ư là tầm thường và nông cạn này, tác

giả Cung Chi và tôi, cả hai chúng tôi chỉ mới quen biết nhau chưa tròn một năm. Vắn vỏi, xa cách

nhưng thắm thiết, đậm đà lắm. Hỏi chứ, ông thích bài thơ nào nhất? Thật khó. Như trên đã nói, số

lượng khổng lồ dày đặc hàng ngàn bài thơ dài, ngắn, mới, cũ, cổ điển, hiện đại (Hát nói, song thất

lục bát, thất ngôn, thơ mới) và nội dung phức hợp, mênh mông bát ngát không cho phép tôi quy

nạp, thâu tóm để võ đoán, chủ quan, một chiều. Nhưng thật lòng, tôi vẫn yêu những bài thơ ngăn

ngắn, nhẹ nhàng mà sâu lắng được viết theo thể loại ngũ ngôn (Lá Vườn, TNT1, 298; Lần Cuối,

TNT1, 311; Lệ Ứa TNT1, 312; Một Đời, TNT1, 381; Vô Ngần TNT2, 722; Tan Tác, TNT2, 545;

Tiễn Đưa, TNT2, 573) hoặc lục bát của Cung Chi (Lạy Tạ, TNT1, 309; Mây Ngàn, TNT1, 345; Ru

Con, TNT2, 571; Sáo Diều Lòng Con, TNT2, 530). Đây, ta thử đọc và nghe:

-

“Tội mẹ hay tội con

Tội con hơn tội mẹ

Ai đấm ngực thay con

Khi con tha tội mẹ.”

(Nếu Không Là Linh Mục, TNT2, 427)

-

“Bao năm tần tảo khó khăn

Giờ đây tay trắng lại hoàn trắng tay.”

(Gửi Mẹ, TNT1, 229)

Tôi vẫn muốn trở lại và dừng chân thật lâu, thật gần để mời bạn đọc cùng ngâm nga bài thơ

chủ lực-Thương Ngàn Thương- được tác giả Cung Chi chọn làm chủ đề cho cả ba Tuyển Tập Thơ

của mình, nhé. Ở đây, thơ Cung Chi rỉ rả, chầm chậm như tiếng mưa rơi nhỏ giọt lần chuỗi Mân

Côi của mẹ ngồi đọc kinh trước hiên nhà. Như lời ru theo nhịp võng đu đưa buổi trưa hè. Cứ đều

đều từng câu, từng lời, từng chục một. Đi hết tuổi thơ mộng mị, đến khi chợt lớn tuổi xuân phơi

phới, mở cửa ra đời, tứ thập nhi bất hoặc rồi mái tóc điểm sương ngũ thập tri thiên mệnh, vẫn rưng

rưng lời cậy trông. Bài thơ kết thúc mà vẫn ràng ríu, dùng dằng âm điệu Việt Nam:

“Năm chục tuổi, kinh xong

Mái tóc đã điểm sương

Mắt mờ trông lên Mẹ

Rưng rưng lời cậy trông

Liệu con còn đọc tiếp

Bao chục Kinh Mùa Thương

Nào đâu con có biết

Chỉ biết Thương Ngàn Thương.”

(Thương Ngàn Thương, TNT1, 6)

Phải chăng, quê hương Tử Nê, Kinh Bắc đã rót vào hồn tác giả Cung Chi thứ ngôn ngữ, thứ

vần điệu dễ thương ấy. Thật giản dị mà thấm đẫm, thánh thiêng. Người mẹ trần gian và người Mẹ

trên trời. Tôi đọc thơ Cung Chi mà lòng bỗng nhớ về thuở nào xa lắm theo mẹ chiều chiều đi xem

hội dâng hoa ở nhà thờ quê ngoại. Các cô gái hát thế này:

“Tràng châu mở cảnh tràng sinh

Trồng hoa cực tốt cực lành Rosa.”

(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, 39-40)

Thưa cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, SSS.

Hôm mới rồi, lên internet, con có đọc bài viết của anh bạn con, Giáo sư Trần Văn Cảnh

tường thuật lễ giỗ 20 năm (1992-2012) Linh mục Tiến sĩ F.X.Lê Văn Lý, Cựu Viện Trưởng Viện

Đại Học Đà Lạt, thầy dạy con về ngữ học (Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) được cử hành tại giáo xứ

Việt Nam, Paris. Trong thánh lễ đồng tế, lần đầu tiên, con được thấy cha. Đúng là “văn kỳ thanh”

và “kiến kỳ hình”. Như thế là con được làm quen với ba người họ Đinh Đồng quê quán Bắc Ninh:

Cha, ông Đinh Đồng Cuộc và ông Đinh Đồng Phương, tác giả những quyển sách viết về giáo phận

Bắc Ninh và Tử Nê. Đến đây, con nghĩ, tuy “thân cư hải ngoại” đã gần nửa thế kỷ, nhưng cha vẫn

muốn hát bài come back to sorrento, bởi cha là người có cái “tâm tại cố hương”.

Vài hàng tản mạn gửi cha và đặc biệt viết về Thương Ngàn Thương nhân dịp phát hành

tuyển tập thơ này, kỷ niệm 40 năm linh mục (1972-2012). Như một thâm tình chí cốt của người

đồng hương đồng khói và đặc biệt “nòi tình” với thi ca. Con hiểu, cha muốn quảy gánh thi ca

Thương Ngàn Thương của cha, không chỉ là “của để dành”, mà còn là “một chút này làm tin”,

muốn “Thương Ngàn Thương” là của chung cho hết thảy mọi người thân quen, gần xa, bây giờ và

mãi mãi, Amen.

Ngoại ô Sài Gòn, 24.Nov.2012

Lê Đình Bảng

Chú thích:

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam. Miền Thơ Phúc Âm Diễn Ca. NXB Tôn Giáo, 2009.

Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam. NXB Tôn Giáo và Phương Đông, 2009.

Văn Học Công Giáo Việt Nam - Những Chặng Đường. NXB Từ Điển Bách Khoa, 2010.

Thi Nhân Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội 1988.

Kinh Trong Sương, NXB Phương Đông 2007 và Có Một Vườn Thơ Đạo, NXB Phương Đông 2012.

Những nhà thơ linh mục-tu sĩ đương thời ở Việt Nam. Tham khảo Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện,

NXB Tôn Giáo 2009.