Im Lặng Là Đồng Loã

Hôm nay lên trang mạng Facebook tôi mới biết là Bill Hayton, cựu ký giả của Đài BBC vừa được thông báo là anh không được cấp visa vào Việt Nam. Ngay tại quầy check-in ở phi trường Heathrow gần London. Trước khi máy bay cất cánh. Bởi lẽ đơn giản là vì Bộ Công An không thích cấp.

"Chắc có lẽ vì tôi đã cho xuất bản quyển 'Vietnam: The Rising Dragon' ... mà hình như họ cho đó là một cái tội đã viết thật về xã hội Việt Nam đương đại'', Bill bảo.

(It seems that - for the MPS - it's an offence to write the honest truth about modern Vietnam).

'MPS' là viết tắt của ba chử: Ministry of Public Security. Nó chính là Bộ Công An.  

Thật ra thì tôi và Bill không phải là bạn bè thân thiết gì cả. Chúng tôi cũng chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời. Chúng tôi quen và thỉnh thoảng liên lạc nhau chỉ vì cả hai có cùng một mối quan tâm. Đó là Việt Nam và bức tranh xã hội đương đại mà Bill đã đề cập đến rất nhiều trong quyển sách 'Việt Nam: Con Rồng Đang Lên' của anh.

Chỉ cái tên của quyển sách tự nó cũng đã nói lên điều chính yếu mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc. Đó là sự vươn lên của đất nước từ chiến tranh và nghèo đói của thập niên 70, 80 để sau đó nhận thức là cần phải thay đổi, cải cách mãi đến ngày hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng một thập niên (1993 - 2003), con số người nghèo (poverty reduction) ở Việt Nam đã giảm từ 58% xuống còn 20% theo Cơ quan UNDP trực thuộc Liên Hiệp Quốc.

Và chỉ trong vòng 3 năm từ năm 2009, tiền thu nhập trung bình mỗi năm cho mỗi người dân Việt Nam (GDP per capita) đã tăng từ id="mce_marker",052 lên đến id="mce_marker",498/năm (2012). Coi như gần 500 đô chẵn. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Dĩ nhiên nếu so với những con số khác trong khu vực ASEAN như Philippines ($2,500), Thailand ($4,900) hay Singapore ($49,000) thì Việt Nam vẫn còn lẽo đẽo theo sau nhưng đây là những con số rất khả quan và nếu đã tự nhận mình là người Việt rồi thì không một ai, sau khi biết được, không cảm thấy vui cho dân Việt.
 
Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có những con số cần phải được nhắc đến.

Thứ nhất, theo thống kê của Tổ Chức Freedom House thì trong năm 2012, Việt Nam không những bị cho vào nhóm 48 quốc gia không có tự do (Not Free) trên tổng số 195 nước và lãnh thổ mà năm nay tình trạng đó còn tệ hơn (Declining).

Thứ hai, Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới (RSF) năm nay vừa xếp hạng Việt Nam đứng hàng thứ 172 trên 179 nước được thống kê về mức độ Tự Do Báo Chí (Press Freedom). Thua xa hẳn hai nước láng giềng là Cambodia và Myanmar từng bị cho là tồi tệ nhất ở Đông Nam Á. Và coi như là nước đội sổ trong vùng cùng với Trung Quốc (174).

Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất vì những cái tên sau đây:

·         Trần Huỳnh Duy Thức, 16 năm tù.

·         Điếu Cày, 12 năm tù.

·         Lê Công Định, 5 năm tù.

·         Việt Khang, 4 năm tù.

·         Và hàng chục, hàng trăm tù nhân lương tâm khác.


Như sắp tới đây vào ngày 21 trong ngay tuần này là ngày Thầy giáo Đinh Đăng Định sẽ bị đưa ra xử. Với cái gọi là tội danh 'tuyên truyền chống đối nhà nước' như hầu hết mọi người đã từng bị cho vào khám. Vì ông đã dám chỉ trích công khai. Y như lời Bill Hayton nhận định.

Đó là ở Việt Nam hầu như ai cũng biết những gì đang xảy ra. Đa số người dân ai cũng chỉ trích thành phần lãnh đạo khắt khe, tham nhũng, tồi, tệ. Điều khác biệt duy nhất là ở sự công khai và có hay không có tổ chức.

Càng công khai chỉ trích bạn sẽ càng bị để ý, hạch hỏi.

Càng có tổ chức bạn sẽ càng bị xử nặng, lâu.

'Việt nam là thế đấy'. Cô bạn Hà Nội của tôi ngày xưa từng nói thế. Đến bây giờ tôi thấy vẫn thế. Thậm chí còn tệ hơn thế.
Như Bill vừa bị cấm vào Việt Nam vì dám công khai quan điểm của anh qua quyển sách 'Vietnam: The Rising Dragon'.

Như tôi vì... cho đến nay tôi cũng chẳng biết thật sự vì lý do gì!
Và như hàng chục, hàng trăm người khác chỉ vì họ dám nói thẳng, nói thật, và nói công khai.

Khoan hẳn nói, lạm bàn về chuyện chính trị, chế độ nào là dân chủ nhất và tính khả thi của nó trong hoàn cảnh hiện tại. Tôi nghĩ có rất nhiều người như tôi hiện chỉ mong sao người dân có quyền được đọc, được viết và được tự do nhận xét thông tin.

Chỉ tranh đấu để những quyền lợi tối thiểu của một con người, bất kể họ là ai, sẽ được tôn trọng. Để đất nước chúng ta ngày càng công bằng, nhân bản hơn.

Nghèo cho sạch. Rách cho thơm. Nền văn minh và sự tiến bộ của một dân tộc không thể chỉ đo bằng những con số thống kê hằng năm, số tiền đô tìm được hàng tháng, mà nó còn thể hiện qua cách xử sự giữa đảng cầm quyền và người dân, giữa người và người.

Riêng về sự lựa chọn cá nhân cho công cuộc hiện tại, chắc chắn ai cũng tự biết mình cần phải làm gì và phải đánh đổi những gì. Như câu nói tiếng Anh tôi thường nói với bạn bè:  'Life is a matter of give and take'.

Được điều này ta sẽ mất điều kia.

Bill chọn công khai quan điểm của mình. Anh đã bị cấm vào Việt Nam.

Những tù nhân lương tâm của Việt Nam đã chọn con đường dấn thân. Vì vậy sự tự do của họ đã bị tước đoạt.

Riêng tôi, mặc dù biết mãi mãi mình sẽ là người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào, mãi mãi sẽ quan tâm đến nó nhiều nhất bất kể ở vào thời điểm nào, nhưng nếu phải chọn giữa sự im lặng chấp nhận hoặc lên tiếng nói thật những gì mình suy nghĩ, tôi sẽ chọn sự lên tiếng.

Kể cả khi tôi bị cấm không được trở về thăm quê hương tôi.
Sẽ không có cơ hội gặp lại hai bên, hai bà Nội, Ngoại.
Không còn dịp dắt thằng cu Trịnh Phi về để nó biết nơi sinh ra cha nó.

Vì im lặng là đồng lõa.

Vì cái ác chỉ không xảy ra nếu như chúng ta cùng lên tiếng.


Ai chống nhân dân và phá nhà nước?

 

Nhà cầm quyền Việt Nam, từ đảng đến chính phủ, thường chơi trò ăn gian. Hình thức ăn gian phổ biến, lộ liễu và trắng trợn nhất là ăn gian trong lãnh vực chữ nghĩa. Trong lãnh vực chữ nghĩa, hai chữ hay bị ăn gian nhiều nhất là: nhân dân và nhà nước.
 
Nhân dân, trên nguyên tắc, là toàn bộ những người mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, với nhà cầm quyền Việt Nam, chữ nhân dân vừa bị lạm dụng một cách bừa bãi lại vừa bị bóp méo một cách tùy tiện.
 
Lạm dụng ở chỗ: cái gì cũng nhân dân. Quân đội nhân dân. Công an nhân dân. Ủy ban nhân dân. Nhà sách nhân dân. Rồi chính quyền nhân dân. Ở điểm này, chúng ta thấy ngay sự khác biệt giữa Việt Nam (cũng như các nước theo chế độ cộng sản khác) và các quốc gia dân chủ ở phương Tây: Ở phương Tây, người ta rất hiếm khi dùng chữ “nhân dân”. Lý do là nó quá mơ hồ. Mơ hồ đến độ nó không có một nội dung cụ thể nào cả.
 
Nhớ, cách đây mười mấy năm, có một nữ giáo sư từ Việt Nam sang thăm một trường đại học Úc ở Melbourne. Buổi tối, một giáo sư Úc tại trường đại học ấy mời chị cùng một số bạn bè nữa, trong đó có tôi, đi ăn ở một tiệm Việt Nam. Giữa bữa ăn, chị giáo sư từ Việt Nam xin phát biểu. Chị cám ơn trường đại học đã mời chị sang thăm. Chị cám ơn các giáo sư trong trường đã tiếp đãi chị một cách nồng hậu. Và chị, một cách hết sức trang trọng, nhờ vị giáo sư Úc có mặt trên bàn tiệc, chuyển lời cám ơn của chị đến “nhân dân Úc” về việc chào đón chị, người khách từ một nước xa xôi như Việt Nam. Lúc ấy, người bạn của tôi, một giảng viên về thông ngôn và phiên dịch, đang giúp dịch lời phát biểu của chị sang tiếng Anh cho các vị khách Úc hiểu, bỗng đâm ra lúng túng thấy rõ. Nhưng rồi anh cũng dịch. Vị giáo sư người Úc nghe xong, không giấu được một nụ cười kín đáo và ý nhị. Đến lúc về, ở bãi đậu xe, vị giáo sự ấy đùa với chúng tôi, sau lưng chị giáo sư nọ: “Mấy ông bày tôi cách chuyển lời cám ơn đến ‘nhân dân Úc’ đi chứ!”
 
Vì khái niệm ‘nhân dân’ rất mơ hồ, nhà cầm quyền tha hồ bóp méo nó theo bất cứ hướng nào mà họ thích. Họ tuyên bố họ được nhân dân tín nhiệm và ủy thác cho trách nhiệm lãnh đạo nhân dân dù họ chưa bao giờ tổ chức bất cứ một cuộc bầu cử nào cho đàng hoàng, tự do và minh bạch. Họ cũng thường xuyên tuyên bố nhân dân ủng hộ các chính sách của họ dù họ không hề tổ chức bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý, thậm chí, một cuộc thăm dò dư luận nào cả. Khi người dân, dù đông đảo, lên tiếng phê phán hay phản đối họ, họ đạp vào mặt, cho đó không phải là…nhân dân.
 
Nhân danh nhân dân, họ trấn áp ngay chính nhân dân. Mở miệng là phục vụ nhân dân, nhưng trên thực tế, họ sẵn sàng chà đạp lên nhân dân. Mọi quyết định của cái chính phủ được gọi là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” ấy bao giờ cũng được thông qua từ một nhóm nhỏ của Bộ chính trị, gồm 14 người, hoặc rộng hơn một chút, Ban chấp hành trung ương, 175 người. Dường như, với họ, chỉ có những người ấy mới là nhân dân.
 
Chữ nhà nước cũng thế. Một trong những tội danh họ thường sử dụng để trấn áp những người đối lập, thậm chí, chỉ độc lập với họ là tội “chống phá nhà nước”.

Nhưng nhà nước là gì và là ai?
 
Chữ ‘nhà nước’ có thể dịch sang tiếng Anh bằng hai chữ: state và government. Nhưng trong tiếng Anh, hai khái niệm này khác nhau. Thứ nhất, khái niệm ‘state’ bao gồm bốn yếu tố chính: dân chúng, lãnh thổ, chủ quyền và chính phủ. Như vậy, government chỉ là một trong bốn thành tố tạo nên state. Thứ hai, state thì trường cửu trong khi government thì chỉ tạm thời, có thể thay đổi, hơn nữa, cần và nên thay đổi. Thứ ba, state bao gồm toàn bộ công dân, trong khi government thì chỉ bao gồm các cán bộ được ăn lương. Thứ tư, state là một khái niệm trừu tượng trong khi government rất cụ thể với những bộ máy và nhân sự cụ thể. Thứ năm, state gắn liền với yếu tố chủ quyền và quyền lực của nó được xem là tuyệt đối và vô giới hạn. Trong khi đó government không có chủ quyền: quyền lực của government là do hiến pháp quy định, giới hạn trong từng nhiệm kỳ. Thứ sáu, do tính phổ quát, tất cả state đều giống nhau trong khi government lại thay đổi trong cả thời gian lẫn không gian với những thể chế khác nhau.

Trong bản tiếng Anh của các bản án tại Việt, người ta dịch tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” lúc là “anti-government propaganda” lúc thì là “anti-state propaganda”. Nhưng dưới mắt người nói tiếng Anh trong các chế độ dân chủ, cả hai đều vô nghĩa.
 
Thứ nhất, nếu “tuyên truyền chống phá nhà nước” là anti-government thì tại sao lại buộc tội những người làm việc đó? Ở các nước dân chủ, do chủ trương government là cái nên và cần thay đổi nên không ai cấm việc tuyên truyền “anti-government” cả. Tổ chức lật đổ government bằng bạo động thì dĩ nhiên bị cấm và bị nghiêm trị. Nhưng tuyên truyền thì xin cứ tự nhiên. Đó là cái quyền của công dân. Tất cả các đảng đối lập được bảo vệ, thật ra, là để làm cái việc anti-government ấy. Ở Úc, đảng đối lập, do Tony Abbot lãnh đạo, suốt ngày cứ ra rả lên án Thủ tướng Julia Gillard là phản phúc (trong việc lật đổ cựu Thủ tướng Kevin Rudd), là nói láo (hứa rồi không làm), là bù nhìn của các thế lực đen tối trong đảng Lao Động. Không sao cả. Ở Mỹ, trước cuộc bầu cử ngày 6/11/2012, đảng Cộng Hòa, đại diện là Mitt Romney, lúc nào cũng lên án Tổng thống Barack Obama là dẫn đất nước theo một hướng hoàn toàn sai, là đã gây nên khủng hoảng kinh tế và nạn thất nghiệp trầm trọng, là bất lực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, v.v. trong các diễn văn cũng như trong các quảng cáo trên radio và truyền hình. Không sao cả. Chả có ai bị bắt vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” cả.
 
Thứ hai, nếu “tuyên truyền chống nhà nước” là anti-state thì lại càng nghịch lý và phi thực.
 
Phi thực ở chỗ không ai có thể “anti-state” - hiểu theo nghĩa là chống lại một phức thể bao gồm cả dân chúng lẫn lãnh thổ, chính phủ và chủ quyền quốc gia bằng một vài bản nhạc như Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, bằng một số bài báo như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, một lá truyền đơn như Nguyễn Phương Uyên...Càng phi thực và phi lý hơn nữa khi nội dung của các bản nhạc, bài báo và truyền đơn ấy là chống lại sự áp bức của công an, sự độc tài của Nguyễn Tấn Dũng hay sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách ngang ngược của Trung Quốc. Nguyễn Tấn Dũng chỉ có thể buộc tội những người chống đối ông, kể cả tờ báo mạng Quan Làm Báo gần đây, nếu ông, cũng như vua Louis XIV của Pháp, người tương truyền từng tuyên bố: “Ta là Nhà nước” (L’État, c’est moi / I am the state).
 
Buộc tội “anti-state” cho những người dân như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phương Uyên, Cù Huy Hà Vũ, v.v…nghịch lý ở chỗ: Họ là người dân; họ không thể chống lại chính họ vì trong khái niệm “state” có cả khái niệm dân chúng.
 
Người ta chỉ có thể có hành động “anti-state” nếu người ta ở bên ngoài. Thuộc nước khác. Từ bên ngoài, người ta mới có thể chà đạp lên người dân, cướp đoạt lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền của một nước được. Hành động “anti-state” thường bao gồm hai hình thức chính: xâm lược và khủng bố. Ở trong nước, người ta chỉ có thể có hành động “anti-state” khi người ta tiếp tay (ví dụ dưới hình thức làm gián điệp hay tay sai) với người nước ngoài để xâm lược hay để khủng bố đất nước của chính mình. Trong trường hợp đó, thứ nhất, họ tự động ly khai khỏi dân tộc, tự xem mình là người lạ với dân chúng; và thứ hai, phải dựa vào một thế lực từ bên ngoài.
 
Hiểu theo nghĩa đó, tất cả những người đã bị tòa án Việt Nam kết tội là “chống phá nhà nước”, anti-state, đều vô tội. Đó là điều họ không làm. Và không đủ sức để làm.
 
Những kẻ thực sự thỏa hiệp với nước ngoài để chia cắt lãnh thổ Việt Nam, dâng hiến chủ quyền của đất nước và chà đạp lên số phận của dân chúng mới là những kẻ “anti-state”.
 
Những kẻ ấy là ai, hẳn mọi người đã rõ