Phản ứng Công Giáo trước Nghị quyết của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ về Xu Hướng Tính Dục và Căn Tính Phái Tính

Các hạn từ chưa được định nghĩa về “xu hướng tính dục” và “căn tính phái tính” vốn không đạt được đồng thuận về ngôn từ trong luật phổ quát về nhân quyền. Các hạn từ này hiện đang mơ hồ, lưỡng nghĩa và chủ quan tính cách cao độ. Thành thử, chúng đang vi phạm nguyên tắc chắc chắn của luật pháp. Nhìn nhận sự khác biệt chủ yếu giữa một bên là thèm muốn, cảm nhận, suy nghĩ và thiên hướng và một bên là tác phong, ta thấy thèm muốn, cảm nhận suy nghĩ và thiên hướng nhất thiết nằm bên ngoài luật pháp (praeter ius). Trong tư cách ấy, chúng chưa được nhìn nhận là thành phần trong thông luật quốc tế, trong các nguyên tắc tổng quát của luật hay trong luật hiệp ước.

Bất chấp sự chống đối của nhiều nước hội viên LHQ, “xu hướng tính dục” (XHTD) và “căn tính phái tính” (CTPT) vẫn trở thành chủ đề của một nghị quyết không trói buộc của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ (HĐNQLHQ). Nghị quyết này ủy nhiệm cho Cao Ủy LHQ về Nhân Quyền (CULHQNQ) thực hiện một cuộc nghiên cứu để “lên tài liệu các luật lệ và thực hành có tính kỳ thị và các hành vi bạo lực chống lại các cá nhân dựa trên xu hướng tính dục và căn tính phái tính của họ” (A/HRC/RES/17/19, 14 July 2011). Nghị quyết của HĐHQLHQ cũng dự trù một cuộc hội luận dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia (panel discussion) sẽ được tổ chức trong khóa họp thứ 19 để thông báo cho các nước hội viên “các dữ kiện” trong phúc trình của CULHQNQ và để đối thoại xây dựng, đầy hiểu biết và trong sáng” (A/HRC/RES/17/19, 14 July 2011).

Các nước sau đây đã đưa ra lời phát biểu chống lại nghị quyết: Pakistan nhấn mạnh rằng quyết định thảo luận các ý niệm gây tranh cãi này của HĐNQLHQ không hề có căn bản nào trong luật pháp quốc tế và trong các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Nigeria biện luận rằng hơn 90% các quốc gia Châu Phi không ủng hộ nghị quyết, và các ý niệm mới đã bị áp đặt lên họ. Bahrain lên án mưu toan nhằm xử lý các vấn đề tranh cãi này, vì chỉ dựa trên quyết định cá nhân, chứ không tạo nên các nhân quyền căn bản. Bangladesh ghi nhận việc thiếu nền tảng luật pháp của nghị quyết và tỏ ra ngỡ ngàng khi quá tập chú vào các quan tâm tính dục cá nhân. Qatar cho rằng nghị quyết tỏ ra thiếu tôn trọng đối với tính đa dạng văn hóa, và trách nhiệm của Nhà Nước trong việc duy trì trật tự và luân lý công cộng. Mauritania nhấn mạnh rằng chủ đề của nghị quyết nằm ngoài phạm vi của luật quốc tế (xem Thông Cáo Báo Chí của LHQ công bố về HĐNQ, ngày 17 tháng 6 năm 2011).

Phúc trình của CULHQNQ

CULHQNQ đã hoàn tất phúc trình về “Các luật lệ và thực hành có tính kỳ thị và các hành vi bạo lực chống lại các cá nhân dựa trên XHTD và CTPT của họ” (A/HRC/19/41, 17 November 2011) [từ đây trở đi gọi là Phúc Trình]. Phúc Trình dài 25 trang, chia thành 7 phần: dẫn nhập, các tiêu chuẩn và bổn phận quôc tế có thể áp dụng được, bạo lực, các luật lệ có tính kỳ thị, các thực hành có tính kỳ thị, các đáp ứng đang được nêu ra, các kết luận và khuyến cáo.

Phúc Trình không đưa ra một định nghĩa nào về XHTD và CTPT, nhưng theo kiểu nhử rồi đổi của quảng cáo thương mại (bait and switch), nó đã dẫn vào một chủ đề khác tức “các quyền mới” liên quan đến các ý thích tính dục cá nhân của nhóm vận động hành lang tự nhận mình là đồng tính, lưỡng tính, đổi tính và pha tính (lesbian, bisexual, transsexual, and intersexed [LGBT]). Phúc trình dập dềnh với những kiểu nói mới: “bài đồng tính” (homophobic), “bài đổi tính” (transphobic), “thiểu số tính dục”, “bài đồng tính được nhà nước hỗ trợ”, “căn tính phái tính có tính qui phạm dị tính” (heteronormative gender identity), “nhận thức về đồng tính luyến ái” hay “nhận thức về căn tính đổi tính”. Thêm vào đó, hạn từ “phái tính” thường được sử dụng trên bình diện quốc tế để chỉ phái nam và phái nữ hay đàn ông và đàn bà đã được định nghĩa lại, khi các tác phong “bài đồng tính” và “bài đổi tính” bị liệt vào các hình thức bạo động dựa trên phái tính (đoạn 20).

Phúc Trình cho rằng việc áp dụng luật nhân quyền quốc tế được hướng dẫn bởi nguyên tắc “phổ quát, bình đẳng và bất phân biệt” nhưng sau đó, lại tự mâu thuẫn mà chủ trương rằng phân biệt là một quyền, chứ không phải là một nguyên tắc (đoạn 15). Để hỗ trợ cho ba nguyên tắc này hay 2 nguyên tắc và một quyền này, bất kể là như thế nào, Phúc Trình trưng dẫn điều 1 của Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền (TNQTNQ), nhưng lại trưng dẫn có một phần như sau: “mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi”.

Khi không trưng dẫn đầy đủ điều 1 ấy, Phúc Trình đã bỏ qua các đặc điểm chủ yếu mà tất cả chúng ta, trong tư cách hữu thể và ngôi vị nhân bản, đều có chung. Trong yếu tính, Phúc Trình đã bác bỏ bản tính nhân loại phổ quát và đã đặt thành nghi vấn chính nền tảng của hệ thống nhân quyền quốc tế. Năm luận chứng căn bản đáng được ghi nhận ở đây. Thứ nhất, TNQTNQ thừa nhận “phẩm giá nội tại và … các quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của mọi thành viên trong gia đình nhân bản” (Lời tựa, đoạn 1). Rõ ràng, nguyên tắc phẩm giá nội tại này là nguyên tắc nền tảng. Thứ hai, nó phát sinh ra các đặc điểm chủ yếu của con người nhân bản khiến chúng ta như nhau trong khi làm ta khác với cỏ cây và các thụ tạo khác. Điều 1 đầy đủ như sau: “mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ được phú cho một lý trí và một lương tâm và phải hành động hướng về nhau trong tinh thần huynh đệ”. Nói cách khác, mỗi một con người nhân bản, chỉ vì sự kiện là một hữu thể nhân bản, đều là một ngôi vị, nghĩa là, từ bản tính, vốn có tính tương quan và “được phú cho một lý trí và một lương tâm” có trách nhiệm bản thân phải đi tìm sự thật, và đáp lại lời mời gọi bên trong để làm điều tốt. Thứ ba, hạn từ “sinh ra” ở điều 1 có ý nói đến việc sinh ra về phương diện tinh thần, “một phẩm tính luân lý sâu sắc hơn” mà không con người nhân bản nào, không một cơ phận chính trị nào, hay một cơ phận xã hội nào có thể phú ban được. Cách hiểu này nhất quán với sự kiện: các hữu thể nhân bản cũng khác nhau và về phương diện thể lý không sinh vào các hoàn cảnh bình đẳng như nhau. Thứ tư, TNQTNQ thừa nhận các bổn phận đối với người khác và với cộng đồng cũng như các giới hạn của quyền lợi “nhằm mục đích bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng thích đáng các quyền lợi và tự do của người khác, cũng như thoả mãn các đòi hỏi chính đáng của luân lý, của trật tự công cộng và của phúc lợi tổng quát của xã hội dân chủ” (Điều 29). Thứ năm, TNQTNQ là tài liệu nền tảng cho Qui Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị [QUQT/QDSCT] và Qui Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa [QUQT/QKTXHVH], tức các qui ước, giống như TNQTNQ, minh nhiên thừa nhận rằng “quyền lợi phát sinh từ phẩm giá nội tại của con người nhân bản” (Lời tựa, đoạn 2 của từng văn kiện), quyền lợi có tương quan qua lại với nghĩa vụ (Lời tựa, đoạn 5 của từng văn kiện), và quyền lợi có thể bị giới hạn bởi luật (Điều 4 của từng văn kiện). Tóm lại, cả ba văn kiện này mà người ta thường gọi chung là Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (International Bill of Human Rights) không phú ban các quyền lợi mà chỉ thừa nhận chúng mà thôi; thừa nhận cả quyền lợi và nhiệm vụ lẫn các giới hạn của chúng; và đặt cơ sở cho các quyền lợi và bổn phận này trên phẩm giá nội tại của con người nhân bản, nam cũng như nữ, những người tự bản tính vốn đã được phú ban cho một lý trí và một lương tâm.

Ta phải minh nhiên chống đối các vụ bắt bớ và giam cầm độc đoán, các vụ hành quyết và tra tấn ngoài tư pháp, có tính độc đoán, và các đối xử tàn bạo, bất nhân hay có tính hạ phẩm giá mọi thành viên trong gia đình nhân bản. Quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người phải được che chở và phải đưa ra các ngăn cấm chống lại tra tấn, và mọi xử sự bất nhân, cũng như việc bắt và giam độc đoán: TNQTNQ, các điều 3,5,9; QUQT/QDSCT, các điều 6,9,10; Qui Ước chống Tra Tấn và Các Đối Xử Tán Bạo, Bất Nhân hay Hạ Phẩm Giá, các điều 1,2,4,16. Tuy nhiên, Phúc Trình còn đi quá cả việc chỉ đương đầu với các hành vi bạo lực. Nó chú tâm vào việc đòi phải đặc biệt che chở nhóm tự xưng là “LGBTI” (các đoạn 34-36) và phải tạo ra “các quyền mới” như quyền của các cặp đồng tính được kết hôn với nhau.

Phúc Trính đúng khi thừa nhận rằng các hạn từ “XHTD” hay “CTPT” hay “nhận thức về đồng tính luyến ái” hay “căn tính đổi tính” là các phạm trù không được bảo vệ trong luật quốc tế (các đoạn 7,8). Tuy nhiên, nó lầm khi biện luận rằng các phạm trù này “phát sinh từ nhiều văn kiện quốc tề về nhân quyền” (Đoạn 8). Với lý luận như thế, Cao Ủy LHQ đã vượt quá quyền tài phán của mình bằng cách lồng các phạm trù còn đang tranh cãi vào các hiệp ước có tính trói buộc về nhân quyền quốc tế mà người giải thích cuối cùng phải là các nước thành viên (xem Công Ước Vienna năm 1969 về Luật Hiệp Ước [CUV/LHU]). Cao Ủy LHQ không được trưng dẫn các tuyên bố hay phúc trình của các cơ quan LHQ không do đại diện các nước thành viên soạn thảo và chưa được chấp nhận làm ngôn ngữ hay nguyên tắc nhất trí của các đại diện các nước thành viên, và chưa tạo thành luật quốc tế.

Phúc Trình sử dụng hạn từ “các thực hành có tính kỳ thị” trong lãnh vực nhân dụng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, gia đình, và v.v… Phúc Trình phân biệt giữa “tác động kỳ thị trực tiếp” và “tác động kỳ thị gián tiếp” trong việc nhà nước tái duyệt tác phong giữa các công dân (đoạn 50). Trái lại, TNQTNQ nhìn nhận con người nhân bản, cả nam lẫn nữ, qua việc ghi nhận “các quyền bình đẳng của đàn ông và đàn bà” (lời tựa, đoạn 5). Nó ngăn cấm sự kỳ thị, như dựa trên phái tính chẳng hạn (điều 2). Tuy nhiên, người ta không thể xác định hành vi chuyên biệt nào là kỳ thị mà không trước nhất đưa ra một định nghĩa rõ ràng cho các hạn từ, kể cả nguồn gốc các nhân quyền, tức phẩm giá nội tại của con người theo điều 1 TNQTNQ. Thêm nữa, người ta cần phân biệt hành vi nào tạo ra kỳ thị, bằng cách xem sét các quyền lợi và các bổn phận phải có với người khác (xem các tự do phát biểu, tự do lương tâm và tự do tôn giáo) và cộng đồng (xem TNQTNQ điều 29: quyền có thể bị giới hạn nhằm mục đích bảo đảm việc thừa nhận quyền của người khác và thoả mãn các đòi hỏi chính đáng của luân lý, trật tự công công cộng và phúc lợi chung). Thí dụ, các nhà nước và hiệp hội nào cổ vũ và che chở gia đình dựa trên cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà quả đang tôn trọng và chu toàn các bổn phận của họ trong luật quốc tế (xem TNQTNQ điều 16, QUQT/QDSCT điều 23, QUQT/QKTXHVH, điều 10). Họ không có tác phong kỳ thị. Thêm nữa, các nhà nước và hiệp hội nào đòi hỏi các người phối ngẫu trong tương lai, cả đàn ông lẫn đàn bà, phải tới một độ tuổi nào đó mới được kết hôn và phải tự do đồng ý kết hôn thì đó chỉ là những hạn chế theo lương tri được luật quốc tế thừa nhận (vừa dẫn).

Hơn nữa, có rất nhiều dữ kiện hỗ trợ chủ trương cho rằng gia đình tự nhiên là nơi tốt nhất cho trẻ em, chứ không phải là mối nguy cho chúng như Phúc Trình khiến ta tin như vậy (đoạn 21). Phân tích đến cùng, Phúc Trình cung cấp rất ít các hướng đi và chỉ dẫn liên quan tới việc áp dụng nguyên tắc bất phân biệt một cách thích đáng để hỗ trợ Nguyên Tắc Hợp Luật (Principle of Legality) và tôn trọng các hiệp ước, luật lệ và nghị quyết hiện có cũng như quyền của các cộng đồng tôn giáo.

Phúc Trình dựa quá nhiều vào các khuyến cáo của các cơ quan theo dõi hiệp ước. Các cơ quan này không phải là các cơ quan pháp chế. Các kết luận của họ chỉ là các khuyến cáo không có tính trói buộc nhằm giúp các nước thành viên thực thi các trách nhiệm của họ đối với hiệp ước. Các kết luận này không phải là các án lệnh (judgements) và chúng cũng không tạo thành pháp chế (jurisprudence), vì các đại diện của chúng không buộc phải là các chuyên viên về luật pháp. Nên họ không có năng quyền tái định nghĩa các hạn từ dùng trong các qui phạm nền tảng của các hiệp ước này với mưu đồ tạo nên các quyền hay nguyên tắc mới không phù hợp với ý nghĩa chân chính và nguyên thủy của hiệp ước. Cách riêng, họ không thể áp đặt lên các nước thành viên các nghĩa vụ vốn không minh nhiên được các nước thành viên chấp thuận khi thương nghị và phê chuẩn hiệp ước.

Các hiệp ước về nhân quyền phải được giải thích phù hợp với các điều 31 và 32 của CUV/LHU, vốn phản ảnh thông luật quốc tế. Bởi thế, các cơ quan theo dõi hiệp ước phải áp dụng các văn kiện tạo lập một cách trung thực (in good faith), phù hợp với “nghĩa thông thường” của các từ ngữ trong hiệp ước, và trong ngữ cảnh của các từ ngữ này và dưới ánh sáng các đối tượng và mục tiêu của hiệp ước. Văn kiện nào do một hay nhiều bên đưa ra như các dè dặt hay tuyên bố nhằm giải thích chính là một phần trong ngữ cảnh của hiệp ước (CUV/LHU, điều 31.2.a). Thành thử, Các Báo Cáo Viên Đặc Biệt hay các cơ quan theo dõi không được mưu toan áp dụng các điều khoản của một hiệp ước một cách rộng rãi hay tự ý, làm thế là vi phạm các qui định giải thích chứa trong CUV/LHU. Cách riêng, các mưu toan của bất cứ cơ quan theo dõi hiệp ước nào nhằm áp dụng các văn kiện tạo lập ra nó một cách đi ra ngoài ý nghĩa nguyên thủy của văn kiện ấy sẽ tạo ra một “thay đổi hoàn cảnh từ nền tảng” theo điều 62 của CUV/LHU, và sẽ tạo cơ sở cho một nước hội viên bác bỏ hiệp ước liên hệ. Sau cùng, các dè dặt của các nước hội viên ghi vào các hiệp ước nhân quyền quốc tế đã loại bỏ hay thay đổi hiệu quả luật pháp của các điều khoản của hiệp ước bị các dè dặt ấy nhắm tới. Phù hợp với điều 20 của CUV/LHU, chỉ có các nước hội viên và các cơ quan pháp lý mới có thể lượng giá việc có thể cho phép một sự dè dặt nào đó và phù hợp với các qui định giải thích, các dè dặt này phải được tiếp nhận để xem sét.

Cuộc hội luận

Cuộc hội luận dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia về Phúc Trình của CULHQNQ do nghị quyết số 17/19 của HĐNQLHQ đã được tổ chức vào ngày 7 tháng 3 năm 2012 trong phiên họp thứ 19 của Hội Đồng này. Dù cuộc hội thoại này giả thiết phải trong sáng và cởi mở, nhưng vị đứng đầu Phái Bộ Quan Sát Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh LHQ tại Genève đã nhận định như sau: “Tuy nhiên, điều hiển nhiên là nhiều quốc gia và tổ chức vốn cổ vũ cuộc hội thảo này cũng đã có một nghị trình để tranh đấu cho “các quyền đặc biệt”… Thực vậy, một số quốc gia nằng nặc đòi mọi diễn giả … phải theo cùng đường hướng ý thức hệ như nhau và bác bỏ mọi gợi ý do các quốc gia khác đưa ra nhằm bao gồm các vị diễn giả có những quan điểm khác liên quan đến các cố gắng nhằm cổ vũ “các quyền mới” (Phái Bộ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh, Preserving the Universality of Human Rights, Libreria Editrice Vaticana, 2012, 9).

Các diễn giả đã làm hỏa mù các tham dự viên với những từ ngữ và kiểu nói sau đây mà không đưa ra bất cứ định nghĩa hay minh giải nào: “xu hướng tính dục”, “căn tính phái tính”, “bài đồng tính”, “các thái độ bài đồng tính”, “các thái độ tiêu cực về xã hội đối với những người thuộc nhóm LGBT”, “Định khuôn tiêu cực” (negative stereotyping), “các thái độ kỳ thị”, “lời nói hận thù” (hate speech), “bạo lực do thiên kiến thúc đẩy chống nhóm LGBT”, và “thiên kiến bài LGBT”. Thêm vào đó, các người hướng dẫn cuộc hội luận còn phát biểu các quan tâm vượt ra ngoài việc chặn đứng bạo lực và kỳ thị để cổ vũ các vấn đề đại loại như “bỏ không kết tội các liên hệ đồng tính có thỏa thuận” (kiểu nói này cố tình không thêm chữ “người lớn” vào mối liên hệ đồng tính); “luật lệ chống kỳ thị”, “huấn luyện, nhậy cảm hóa và các chiến dịch công cộng chống bài đồng tính”, “thừa nhận các liên hệ đồng tính” (trong đó, có hôn nhân đồng tính và nhận con nuôi đồng tính), “thừa nhận phái tính” (tái định nghĩa phái tính để bao gồm cả người đổi tính).

Theo bản tóm tắt chính thức, “một số quốc gia tỏ ý chống đối bất cứ cuộc thảo luận nào về XHTD và CTPT bằng cách rời khỏi phòng Hội Đồng ngay lúc khởi đầu cuộc họp”. Một số tuy ở lại nhưng “lên tiếng chống đối trên cơ sở văn hóa hay tôn giáo hoặc cho rằng XHTD và CTPT là các ý niệm mới vượt ra ngoài khuôn khổ luật nhân quyền quốc tế hiện nay”… Một số đại biểu cho rằng “các ý niệm XHTD và CTPT không có nền tảng trong luật nhân quyền quốc tế vì chúng không được định nghĩa thỏa đáng và không được nhắc đến trong bất cứ văn kiện nhân quyền quốc tế nào”. Thành thử, các quốc gia không buộc phải thừa nhận XHTD và CTPT như là cơ sở bị cấm đối với việc kỳ thị, vì điều này sẽ đe dọa nguyên tắc phổ quát, chủ nghĩa đa nguyên văn hóa và việc sở hữu chung luật lệ nhân quyền quốc tế. Nhiều người khác biện luận rằng các đặc điểm quốc gia và tôn giáo phải được nêu lên trong ngữ cảnh bất cứ cuộc thảo luận nào về nhân quyền vì các hành vi đồng tính đi ngược lại giáo huấn của các tôn giáo thế giới cũng như các giá trị văn hóa và truyền thống của nhiều cộng đồng (Hội luận của Hội Đồng Nhân Quyền về XHTD và CTPT, Tóm Lược Cuộc Thảo Luận Ngày 7 Tháng 3 năm 2012, Genève, đoạn 11, 19-22)

Nên lưu ý: Phái Bộ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh có tổ chức một biến cố song hành vào 2 ngày sau, tức ngày 9 tháng 3 năm 2012 gọi là “Duy trì tính phổ quát của nhân quyền: trong ngữ cảnh cuộc thảo luận về SHTD và CTPT tại Liên Hiệp Quốc”. Biến cố này “tụ họp 150 tham dự viên trong đó có các đại diện từ 30 phái bộ thường trực bên cạnh LHQ tại Genève” (Preserving the Universality of Human Rights, 10). Cũng có các hướng dẫn viên chuyên môn, rồi một cuộc thảo luận sôi nổi, sau đó là các câu trả lời của các hướng dẫn viên chuyên môn… Các hướng dẫn viên chuyên môn đã đạt được sự nhất trí như sau: không hữu thể nhân bản nào phải chịu bạo lực và kỳ thị. Tuy nhiên, điều cần là đem ra thi hành, trên bình diện địa phương, các nghĩa vụ quốc tế hiện hữu. “Các quyền mới” không cần thiết và kết cục chỉ có thể xâm hại tới tính phổ quát của nhân quyền và gây nguy cơ cho việc bảo vệ định chế hôn nhân xưa nay vẫn được thừa nhận giữa chồng và vợ, bảo vệ gia đình tự nhiên và bảo vệ tự do lương tâm và tôn giáo.

Phúc trình thứ hai

Dựa vào Phúc Trình trước, CULHQNQ công bố phúc trình mới cũng không có tính trói buộc tựa là “Sinh Ra Tự Do và Bình Đẳng”. Phúc trình mới này cho rằng “lý lẽ để nới rộng cho nhóm LGBT cùng các quyền lợi như những người khác không có gì là triệt để hay phức tạp cả. Nó dựa trên hai nguyên tắc căn bản từng nâng đỡ luật nhân quyền quốc tế: bình đẳng và bất phân biệt” (tr.7). Để hỗ trợ, phúc trnìh này cũng chỉ trưng dẫn điều 1 của TNQTNQ có một phần: “mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi”. Trưng dẫn kiểu này, phúc trình mới cũng đã bác bỏ nền tảng của luật nhân quyền quốc tế dựa trên phẩm giá nội tại của con người nhân bản, mà tự bản tính, vốn được phú ban cho một lý trí và một lương tâm, có bổn phẩn phải hành động hướng về nhau trong tinh thần huynh đệ. Nó cũng đã tự ý biến hai nguyên tắc bình đẳng và bất phân biệt thành chính nền tảng của các nhân quyền.

Phúc trình này cổ vũ 5 bổn phận cốt lõi của quốc gia trong việc bảo vệ các nhân quyền của nhóm LGBT. Ở đây, nó ít nhấn mạnh tới XHTD hay CTPT cho bằng tới các quyền lợi của nhóm này. Phúc trình này dựa trên Phúc Trình không có tính trói buộc của CULHQNQ và một văn kiện không có tính trói buộc do một nhóm cá nhân soạn thảo. Nhóm này du hành qua Yogyakarta để viết một tiểu luận về chủ đề XHTD và CTPT cũng như các nhân quyền.

Năm nguyên tắc cốt lõi đó là: 1) bảo vệ các cá khân khỏi cảnh bạo lực bài đồng tính và bài đổi tính (thay vì bảo vệ mọi người khỏi bạo lực); 2) ngăn ngừa tra tấn và đối xử tàn bạo, bất nhân và hạ phẩm giá những người LGBT (thay vì bảo vệ mọi người khỏi tra tấn và và đối xử tàn tệ khác); 3) không kết tội đồng tính luyến ái (thay vì thúc giục các quốc gia duyệt lại và đánh giá các luật hình sự bằng cách xem sét hậu quả gây ra do các thay đổi trong luật lệ, các phong tục và truyền thống lâu đời, các quyền liợ và nghĩa vụ của các cộng đồng tôn giáo, việc bảo vệ gia đình tự nhiên, các vấn đề chấp pháp và nghĩa vụ của quốc gia đối với ích chung); 4) cấm kỳ thị dựa trên XHTD và CTPT (thay vì cấm kỳ thị dựa trên chúng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, phái tính của mọi người); 5) tôn trọng tự do phát biểu, lập hội và tụ họp hòa bình của các nhóm LGBT (thay vì tôn trọng tự do phát biểu, lập hội và tụ họp hòa bình của mọi con người nhân bản, miễn là xem sét các giới hạn được luật quốc tề nhìn nhận).

Thay đổi toàn diện trong lối lý luận

Điều đáng lưu ý là: có cả một thay đổi toàn diện trong lối lý luận. Từ trước đến nay, quyền riêng tư (privacy) vốn là lý lẽ biện minh chính cho việc không kết tội các hành vi tính dục tư riêng có thoả thuận giữa các người trưởng thành của cùng một phái tính. Tuy nhiên, vì hôn nhân là định chế đã được nhìn nhận công khai, nên nay, luận chứng bình đẳng đã trở thành luận chứng chủ yếu bênh vực cho hôn nhân đồng tính. Nhưng theo Giáo Sư Robert Araujo S.J., “muốn sử dụng khẩn cấp luận chứng bình đẳng trong việc khai triển nền luật học về hôn nhân trong lãnh vực các liên hệ đồng tính, thì người ta phải vượt qua các khó khăn thể lý của việc đặt các liên hệ đồng tính ngang hàng với các liên hệ dị tính” (Araujo, 2010, p. 31). Cha cho rằng: “cách duy nhất để người ta chu toàn được trách vụ đó là dựa vào việc hiểu ‘bình đẳng’ như một điều gì đó không dựa vào sự kiện và lý lẽ mà dựa vào một chủ nghĩa duy nghiệm luật pháp đầy phóng đại” (vừa dẫn).

Cha nói tiếp: “Muốn cho bất cứ đòi hỏi bình đẳng nào chân chính, thành thực và công chính, nội dung và thực hành của nó phải phản ảnh chính xác bản chất của con người nhân bản, vì đây là điều làm người ta giống nhau về một số phương diện nhưng lại khác nhau về một số phương diện khác” (vừa dẫn). Luận chứng này như sau: xét trong căn bản, mọi người đều bình đẳng, nhưng xét theo một số khía cạnh khác, mọi người lại không ngang hàng như nhau. Giáo Sư Araujo đưa ra một số thí dụ “dù phần lớn người ta thích âm nhạc, nhưng chúng ta không hề ngang hàng với Mozart. Cũng thế, dù mọi người đều thích thể thao, nhưng chúng ta không ngang hàng với các vận động viên thể thao vĩ đại nhất của thế giới” (Araujo, 2012).

Về hôn nhân, Cha Araujo nói tiếp: “ở phương diện này, chúng ta cũng không bình đẳng. Nếu nhân loại có khả năng thám hiểm và khai thác các hành tinh xa xôi, và một nhóm các cặp dị tính luyến ái tới hành tinh Alpha và một nhóm khác gồm các cặp đồng tính luyến ái tới hành tinh Beta, và cả hai nhóm này đều không có khả năng sinh sản theo lối được kỹ thuật trợ giúp, thì hành tinh nào sẽ tiếp tục được khai thác trong một thế kỷ nữa? Theo luận lý, hẳn phải là hành tinh Alpha, chứ không phải hành tinh Beta. Luận điểm bình đẳng để bênh vực cho hôn nhân đồng tính vô giá trị trong trường hợp này. Các cặp ấy rõ ràng không bình đẳng” (Araujo, 2012).

Và đó là điều các nhà soạn thảo TNQTNQ muốn cho người ta hiểu khi nói rằng “mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ được phú cho một lý trí và một lương tâm và phải hành động hướng về nhau trong tinh thần huynh đệ”. Như đã nói ở trên, chữ “sinh ra” ở điều 1 này có ý nói tới việc sinh ra về tinh thần, một điều mà không cá nhân hay thực thể nào có thể phú ban. Cách hiểu này nhất quán với sự kiện này là con người nhân bản, tự nội tại, vốn như nhau nhưng cũng khác nhau v àvề phương diện thể lý đã sinh vào các hoàn cảnh không bình đẳng như nhau. Trong cuộc tranh biện bênh vực quyền lợi cho nhóm LGBT, nhất là liên quan đến hôn nhân đồng tính, “luật pháp bị nhử để quên mất sự kiện mà thay thế nó bằng ý niệm luật pháp mơ hồ” nhằm biến thành bình đẳng điều không thể bình đẳng vì thực tại tính trong bản chất con người. Bởi thế, điều cần là phải “áp dụng luận lý học một cách khắt khe” (Araujo, 2010, p. 31). Điều này cũng áp dụng cho luận điểm kỳ thị đã nói ở trên.

Theo Jane Adolphe, giáo sư luật tại Đại Học Luật Ave Maria ở Naples, Florida, Zenit News các ngày 4-7 tháng 12 năm 2012.