Sơ lược các diễn biến của Công Đồng Vatican II

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thánh công Đồng Chung Vatican II, chúng ta thử nhìn lại một cách tổng quát các diễn biến đã đúc kết nên biến cố trọng đại nổi bật nhất của Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ XX. 

Thánh Công Đồng Chung Vatican II được coi là Công Đồng đại kết thứ 21 của Giáo Hội Công Giáo, do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập nhằm hai mục đích trọng yếu là canh tân Mục Vụ và phát động tinh thần đại kết. Công đồng được khai mạc vào ngày 11.10.1962 và kết thúc vào ngày 8.12.1965. 

Trong bài diễn văn khai mạc bằng tiếng La-tinh „Gaudet Mater Ecclesia" (Hãy vui lên, hỡi Mẹ Giáo Hội) của ngài, ĐTC Gioan XXIII đã nhấn mạnh một cách đặc biệt đến vấn đề cấp bách và trọng yếu hiện tại của Giáo Hội là phải định hướng và trình bày các giáo lý đức tin của mình sao cho hợp với sự hiểu biết và quan niệm của con người hôm nay. Thật vậy, các giáo lý đức tin của Giáo Hội luôn vẫn là sự thật vĩnh cửu, nhưng để con người trong các thời đại có thể hiểu và chấp nhận được thì các giáo lý ấy cũng cần phải được trình bày theo đúng với ngôn ngữ và quan niệm của họ. 

Sau khi ĐTC Gioan XXIII băng hà vào năm 1963, ĐTC Phaolô VI đã tiếp tục chủ tọa Công Đồng và kết thúc vào năm 1965. Điểm đặc thù nổi bật nhất của Công Đồng Vatican II là giới thiệu cho thế giới hai định hướng mới và cần thiết của Giáo Hội Công Giáo hôm nay: 

• Sự tự do tôn giáo. 

• Đối thoại với các tôn giáo khác và với những người vô tôn giáo. 

Triệu tập Công Đồng 

Theo lời ĐTC Gioan XXIII kể lại thì tư tưởng muốn triệu tập Thánh Công Đồng Chung mới đã được nhen nhúm trong một cuộc trao đổi giữa ngài và ĐHY Alfredo Ottaviani hai ngày sau cuộc họp Cơ Mật Vụ bầu ngài lên ngôi Giáo Hoàng vào năm 1958. Chính ĐTC Piô XII cũng đã từng cho Lm Riccardo Lombardi SJ hay là có lẽ Đấng kế vị ngài sẽ triệu tập một Công Đồng mới. Cả hai Đức Giáo Hoàng Piô XI và Piô XII đã cho các chuyên gia của Tòa Thánh nghiên cứu về các vấn đề mà Công Đồng Vatican I vì do chiến tranh đã phải bỏ dở. 

Quả thật, ĐTC Gioan XXIII, Đấng kế vị Đức Piô XII, ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, đã triệu tập Công Đồng Chung Vatican II với mục đích là canh tân đời sống Giáo Hội cho phù hợp với thời đại hiện tại. Theo Lm lambert Beauduin OSB, người Bỉ, thì tư tưởng canh tân Giáo Hội của ĐTC Gioan XXIII có lẽ còn phải lùi trở về thời tuổi trẻ của ngài nữa. Còn ĐTC Gioan XXIII thì cho hành động đó là "Aggiornamento", là hiện tại hóa quá khứ. Vào ngày 25.1.1959, tại phòng hội của Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô Ngoại Thành, ngài đã hoàn toàn bất ngờ thông báo cho 17 vị Hồng Y hiện diện biết là ngài có ý định triệu tập một Công Đồng Chung mới, với mục đích là nhằm "canh tân", "minh bạch hơn trong tư duy" Và "thắt chặt thêm sự hợp nhất" trong Giáo Hội. 

Tin tức về việc triệu tập Công Đồng Chung đã được đón tiếp với một sự quan tâm to lớn và với cả sự hồ hởi của nhiều tầng lớp trong cũng như ngoài Giáo Hội. Trong khi đó ngược lại, một số Hồng Y tại giáo triều Roma không hài lòng về các kế hoạch, hay nói đúng hơn, về nội dung của các vấn đề được dự định đưa ra thảo luận. Chính các vị Hồng Y này cũng đã từng phản đối những canh tân dưới thời các Đức Giáo Hoàng Piô XI và Piô XII, vì các ngài sợ phải thay đổi quan điểm của mình và các giáo huấn của Giáo Hội qua việc tìm cách thích nghi với tinh thần thế tục đang bành trướng mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Vì thế, số các vị Hồng Y chống đối trong giáo triều đã tìm mọi cách gây ảnh hưởng lớn hết sức có thể trên các chương trình nghị sự và nội dung của Công Đồng, nhất là các ngài còn tìm cách kéo dài thời gian việc triệu tập Công Đồng, vì vào lúc bấy giờ ĐTC Gioan XXIII đã 77 tuổi. Nhưng ngày 25.12.1961, qua Tông hiến "Humanae salutis" ĐTC Gioan XXIII đã chính thức triệu tập thánh Công Đồng Chung Vatican II dự trù vào năm sau. 

Sự chuẩn bị 

Vào ngày 17.5.1959, Ủy Ban chuẩn bị Công Đồng bắt dầu nhóm họp lần đầu tiên dưới sự chủ tọa của ĐHY Quốc Vụ Khanh Domenico Tardini. Ủy Ban yêu cầu 3500 Giám Mục, các Bề Trên Thượng của các Dòng Tu và các phân khoa thần học trên khắp thế giới gửi các đề nghị của họ về góp ý cho chương trình dự thảo của các Ủy Ban chuẩn bị. Kết quả có 2812 thư đề nghị được gửi về Tòa Thánh.(1) Sau đó, công cuộc chuẩn bị được bắt đầu qua Tự Sắc "Superno Dei Natu" ban hành ngày 5.6.1960. 

Từ đó mười Ủy Ban chuẩn bị Công Đồng được thành lập. Khác hẳn với các Công Đồng trở về trước: Các Ủy Ban chuẩn bị như thế được các nhà thần học và các nhà giáo luật đảm nhận, những người hoàn toàn không có quyền biểu quyết trong Công Đồng, thì hơn một nửa các Ủy Ban chuẩn bị Công Đồng Vatican II lại do các Giám Mục và các vị Bề Trên Thượng của các Đòng Tu phụ trách. Nhưng theo nguyên tắc thì quan niệm của các vị này thường lại gần gũi với quan niệm của các Hồng Y tại giáo triều lúc bấy giờ,(2) những vị luôn tìm cách gây ảnh hưởng mang tính cách quyết định trên các diễn biến của Công Đồng. 

Bởi vậy, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một số quan điểm riêng của ngài, đặc biệt trong vấn đề đại kết, để chống lại quan điểm bảo thủ của một số vị trong các Ủy Ban chuẩn bị Công Đồng. Tuy nhiên, về nội dung chủ cốt trong các cuộc thảo luận, thì từ lâu đã thành đề tài đối thoại trên khắp thế giới. Trong cuốn sách của ông với tựa đề "Konzil und Wiedervereiningung" (Công Đồng và công cuộc hợp nhất các Kitô hữu) xuất bản năm 1960, nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Küng, giáo sư tại đại học Tübingen/Đức và đồng thời là cố vấn Công Đồng, đòi hỏi mọi nỗ lực phải thực sự nhằm tới tinh thần đại kết, sự cải tổ rộng rãi giáo triều Roma, sự đối thoại liên tôn và loại bỏ "Index Librorum Prohibitorum" (Bản niên yết các sách cấm). Qua đó, Hans Küng đã nói lên điều mà nhiều nhà thần học khác cũng đã từng suy nghĩ. Quan điểm này cũng được nhiều giáo dân ủng hộ và vì thế cũng đã mang lại một số kết quả tích cực. 

Để cân bằng với sự chỉ huy của các vị tại giáo triều Roma trong việc chuẩn bị Công Đồng, Đức Giáo Hoàng đã cho thành lập vào năm 1960 "Văn Phòng Cổ vũ sự Hợp nhất Kitô hữu" hay gọi tắt là "Văn Phòng Hợp nhất Kitô hữu"và ngài đã chỉ định ĐHY Augustin Bea SJ, người Đức và cũng từng là cha giải tội của Đức Piô XII, phụ trách. Và kể từ đó, chính Văn phòng Hợp nhất Kitô hữu – vốn được đứng ngang hàng với các Ủy Ban khác(3) – nắm giữ hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề đại kết, chứ không phải là các Ủy Ban chịu ảnh hưởng nặng nề của giáo triều Roma. Đàng khác, việc thành lập Văn phòng Hợp nhất Kitô hữu rất được các Cộng Đồng Kitô giáo khác hoan nghênh, vì nhờ thế sự giao tiếp giữa họ với giáo triều Roma dễ dàng và bớt hình thức hơn. 

Vào mùa hè 1960, các công việc chuẩn bị đã bước vào giai đoạn cuối. Chỉ còn vấn đề tổ chức cách thức diễn tiến và quyết định rõ ràng danh tánh các vị thượng khách cũng như các phái đoàn được mời tham dự với qui chế "quan sát viên." Còn vấn đề ngôn ngữ được sử dụng chính thức trong Công Đồng thì cho tới lúc bấy giờ vẫn là tiếng La-tinh, mặc dầu một số khá lớn các Nghị Phụ thuộc thành phần "kém La-tinh." Đến đầu năm 1962 đã có 69 dự thảo cho các chủ đề khác nhau được trình bày.(4) Nhìn một cách tổng quát, đó là những dự thảo được trình bày một cách rườm rà, phức tạp, dài dòng, mang đậm tính chất lý thuyết của giáo triều và còn nặng nề hơn cả những Thông điệp của các vị Giáo Hoàng trước kia. Ngoại trừ Ủy Ban Phụng Vụ đã trình bày một khái niệm cụ thể, còn những đề nghị khác lại quá bất cập và như thể họ chỉ muốn Công Đồng cần phải gìn giữ và bảo vệ những gì hiện hành trong Giáo Hội hơn là canh tân và đổi mới. Tuy nhiên, các Nghị Phụ trở về từ khắp thế giới đã không chấp nhận chiều hướng ấy và yêu cầu phải đi lại từ đầu. Điều đó cũng muốn nói rằng, giáo triều Roma đã đánh mất ảnh hưởng trên các Giám Mục. 

Riêng ĐTC Gioan XXIII đã từ chối đưa ra ý kiến cụ thể về những đề nghị của 69 dự thảo bị các Nghị Phụ bác bỏ. Ngài cũng không cho biết đâu là trọng điểm mà Công Đồng cần đạt tới. ĐTC muốn cho Công Đồng được tự do và độc lập trong việc thảo luận và quyết định, chứ không đưa ra bất cứ vấn đề „bất khả xâm phạm" Dĩ nhiên, Đức Gioan XXIII cũng đã luôn nghĩ tới một sự „xuôi chảy" trong suốt các cuộc thảo luận, hầu để sau cùng tất cả sẽ đạt tới mục đích mong muốn là trở thành một „Lễ Hiện Xuống" mới cho toàn thể Giáo Hội. 

Khai mạc và các diễn tiến 

Công Đồng được chính thức khai mạc vào ngày 11.10.1962 với một đoàn rước vĩ đại và long trọng chưa từng xảy ra tại Roma: ĐTC Gioan XXIII và 2498 Nghị Phụ tiến vào Đền Thờ Thánh Phêrô trước sự vỗ tay chào đón của hàng trăm ngàn các tín hữu hiện diện. Đặc biệt trong ngày khai mạc ĐTC Gioan XXIII chỉ đội mũ Giám Mục, chứ không đội Mũ Ba Tầng Tiara, biểu tượng quyền lực, và qua đó ngài muốn nói lên vai trò của ngài trong tư cách Giáo Hoàng là một chủ chăn, chứ không phải là một kẻ thống trị. Và Đức Thánh Cha cũng chỉ ngồi trên kiệu do các nhân viên khiêng với chủ ý nhằm cho các tín hữu có thể nhìn thấy được ngài mà thôi, còn khi vào tới cửa Đền thờ Thánh Phêrô thì ngài xin người ta dìu xuống khỏi kiệu và ngài tự đi bộ từ đó cho tới gian Cung Thánh. Các Giám Mục hiện diện đến từ 133 nước trên khắp thế giới. Trong suốt thời gian họp Công Đồng, lòng Đền thờ Thánh Phêrô đã biến thành một phòng hội vĩ đại, mỗi bên rộng 90m và được xây dốc lên theo từng cấp làm ghế ngồi cho các Nghị Phụ và từ chỗ ghế ngồi này các vị cùng bàn luận và đối thoại với nhau. 

Chương trình nghị sự của Công Đồng được chia ra bốn khóa họp khoáng đại và được diễn tiến như sau: 

Khóa họp thứ nhất 

Ngay những cuộc họp thứ nhất – cũng được gọi là những cuộc gặp gỡ – đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tranh cãi giữa hai khuynh hướng "canh tân" và "bảo thủ" sẽ khó tránh khỏi. Nhóm thuộc giáo triều Roma đã tìm cách chi phối Công Đồng nên tìm cách nắm giữ các vai trò then chốt trong các Ủy Ban và gây ảnh hưởng mang tính cách quyết định trong các cuộc thảo luận. Cuộc "đọ đầu" thứ nhất xảy ra trong việc nắm giữ vai trò điều khiển của mười Ủy Ban vào ngày 13.10.1962 

Mười Ủy Ban Công Đồng phụ trách theo số các trách nhiệm cũng như phạm vi các trách nhiệm trong Công Đồng tương ứng với mười Ủy Ban chuẩn bị Công Đồng. Các Ủy Ban Công Đồng có trách nhiệm cứu xét các kết quả của những cuộc bàn luận về các lược đồ trong khóa họp khoáng đại. Mỗi Ủy Ban Công Đồng gồm có 24 thành viên, trong số đó có 16 thành viên do các Nghị Phụ bầu lên và 8 thành viên khác do Đức Giáo Hoàng chỉ định.(5) Văn phòng phối kết Trung ương của Công đồng cho phân phát các phiếu bầu cùng với danh sách có ghi tên 16 Nghị Phụ đã từng làm việc trong các Ủy Ban chuẩn bị Công Đồng. Tuy nhiên, các Nghị Phụ này lại là các ứng cử viên thuộc nhóm giáo triều Roma.(6) Vì thế, các Nghị Phụ đòi hỏi 16 thành viên phải do chính các ngài lựa chọn, chứ không phải 16 các ứng cử viên do Văn phòng phối kết Trung ương đã ghi sẵn trên danh sách. Do đó, các Nghị Phụ yêu cầu hoãn cuộc bầu các thành viên lại, hầu các ngài có thời giờ tìm hiểu chính xác tên các ứng cử viên được ghi trong danh sách. Và khi ý kiến này của các Nghị Phụ bị phớt lờ, thì các Đức Hồng Y Achille Liénart (Pháp) và Josef Frings (Đức) đã lên tiếng ngay (xem như trên) và các ngài đã dành được chiến thắng cho ý kiến của đại đa số các Nghị Phụ. Về sau, cuộc họp này được đánh dấu là một sự khởi đầu thực sự của Công Đồng, vì người ta nhận thấy một điều quá rõ ràng là chính các Giám Mục hiện diện đã ý thức được các ngài là "Công Đồng", chứ các ngài không muốn lệ thuộc vào những đề nghị của giáo triều Roma. 

Sau khi hoãn việc cầu cử các ứng cử viên, các Nghị Phụ Pháp và Đức đã trình bày một danh sách mới. Công Đồng đã nhận được tính cách pháp lý của mình mà Đức Gioan XXIII, vào lúc bấy giờ đang bị bệnh nặng, đã từng phê chuẩn. Một luồng gió mới thổi vào Công Đồng tạo nên một bầu không khí hăng say quyết liệt nơi các Nghị Phụ: Muốn canh tân toàn diện Giáo Hội. Tuy nhiên Công Đồng vẫn còn lúng túng, chưa nhìn thấy được một mục đích rõ ràng nhất định để nhằm đạt tới. Còn Đức Giáo Hoàng cũng không can thiệp vào vấn đề này, ngài muốn hoàn toàn tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh trong việc giúp Công Đồng tìm ra được một lối đi đúng với thánh ý Chúa. 

Trong hoàn cảnh đó, ĐHY Giovanni Battista Montini, TGM Milan, sau này là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong một bức thư dài 11 trang gửi Đức Thánh Cha đã đưa ra một chủ đề về Giáo Hội gồm hai phương diện ad intra và ad extra, tức phương diện đối nội và đối ngoại của Giáo Hội hôm nay. Về phương diện đối ngoại, ĐHY Montini biện minh cho một sự mở cửa Giáo Hội qua việc đối thoại đại kết như ĐTC đã gợi ý; còn về phương diện đối nội thì cần phải nắm rõ được bản chất đích thực của Giáo Hội, sự canh tân Giáo Hội. ĐHY Léo Joseph Suenens, người Bỉ, ủng hộ ý kiến này của ĐHY Montini, vì nó phù hợp với tư tưởng của Đức Thánh Cha trong bài phát biểu khai mạc Công Đồng 11.10.1962 của ngài và rồi Công Đồng đã nhiệt liệt chào đón. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Thánh bộ Đức Tin do ĐHY Ottaviani đã phải chấp nhận "thua trận", vì ý kiến này đi ngược lại những gì Thánh bộ Đức Tin đề nghị. Và nhờ thế, Công Đồng hết dậm chân tại chỗ và tiến mãi về phía trước. Khóa họp thứ nhất này kết thúc vào ngày 8.12.1962. 

Khóa họp thứ hai 

Khóa họp thứ hai được khai mạc vào ngày 29.9.1963, do ĐTC Phaolô VI chủ sự. Như đã nói trên, sau khi ĐTC Gioan XXIII băng hà vào năm 1962, thì vào ngày 21 tháng 6 cùng năm ĐHY Giovanni Battista Montini, TGM Milan, được bầu làm Giáo Hoàng, kế vị Đức Gioan XXIII. Khóa họp thứ hai này cần phải đúc kết các buổi thảo luận và trao đổi trong Công Đồng thành những tài liệu đầu tiên, nghĩa là phải đưa ra những kết quả cụ thể. Khóa họp vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng của sự giằng co giữa hai luồng tư tưởng đối lập: Nhóm canh tân và nhóm bảo thủ.(7) Đặc biệt, Công Đồng đã thảo luận về vai trò của các Giám Mục trong tương lai phải được định nghĩa như thế nào. Nhóm canh tân đề cao cộng đoàn tính sâu rộng của các Giám Mục, chứ không luôn luôn bó buộc phải tùy thuộc vào Đức Giáo Hoàng, vì tự bản chất, Đức Giáo Hoàng cũng chỉ là một Giám Mục. Nhưng tư tưởng về cộng đồng tính này đã bị nhóm bảo thủ kịch liệt phủ nhận. Bởi vậy, vào ngày 8.11.1963, ĐHY Josef Frings – một trong những nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn diện Công Đồng – đã lên tiếng chống lại "cuộc chiến" của nhóm bảo thủ và rồi ngài cũng quay sang phê bình cả quy ước của Thánh bộ Đức Tin do ĐHY Ottaviani đang chủ nhiệm lúc bấy giờ. Theo sự nhận xét của ĐHY Frings, Thánh bộ Đức Tin đã có những phương pháp và cách hành xử không phù hợp với sứ vụ tinh thần và thiêng liêng của các Giám Mục và của các nhà thần học. Ở đây chúng ta nên biết rằng, mãi cho tới lúc bấy giờ, Thánh Bộ Đức Tin thường chỉ dựa trên các tài liệu giấy tờ để đưa ra các quyết định, chứ không có những tra cứu và tìm hiểu vấn đề tại chỗ một cách chắc chắn. Với sự cố vấn của nhà thần học trẻ, giáo sư Josef Ratzinger, ĐHY Frings đã đề nghị phải cải tổ Thánh bộ Đức Tin.(8) 

Trong khóa họp này Công Đồng đã đưa ra được hai tài liệu quan trọng, đó là Hiến chế về Phụng Vụ thánh "Sacrosanctum Conciliumvà Sắc lệnh về phương tiện truyền thông xã hội "Inter mirifica". Khóa họp kết thúc vào ngày 4.12.1963 

Khóa họp thứ ba và thứ bốn 

Khóa họp thứ ba của Công Đồng được khai mạc vào ngày 14.9.1964.(9) Theo chương trình nghị sự thì vào ngày 19.11.1964 sẽ bỏ phiếu quyết định Sắc lệnh về tự do tôn giáo, nhưng Công Đồng đã gặp phải sự cố khó khăn là nội dung của Sắc lệnh chưa được xác định rõ ràng.(10) Bấy giờ một đề nghị được đưa ra là phải khẳng định chân lý trong giáo lý Công Giáo: Giáo Hội Công Giáo là một tôn giáo chân chính, vì thế có địa vị ưu tiên trước các "tà thuyết", kể cả trong cuộc sống chung trong xã hội. Và sau đó, mặc dù đa số Nghị Phụ đồng ý bỏ phiếu quyết định, nhưng ĐTC Phaolô VI chiều theo đề nghị của nhóm bảo thủ là hoãn việc quyết định lại. Mãi tới năm 1965 việc tu sửa về sự đòi hỏi tuyệt đối của Giáo Hội Công Giáo mới được quyết định với một tài liệu cụ thể và rõ ràng: Tuyên ngôn về tự do tôn giáo "Dignitatis Humanae." 

Sau khi sự thể đã chứng minh cho thấy rõ ràng nhóm có khuynh hướng bảo thủ trong giáo triều Roma không chỉ là thiểu số, nhưng họ cũng chỉ gây được một số ảnh hưởng ít ỏi nào đó mà thôi. Và tuy số bảo thủ chỉ chiếm từ 3 đến 5%, nhưng các cuộc tranh luận vẫn gay gắt. Trong các cuộc tranh luận gay gắt nhất của khóa họp thứ ba này phải kể đến cuộc tranh luận trước khi bỏ phiếu quyết định Hiến chế tín lý về Giáo Hội "Lumen Gentium"- Ánh sáng muôn dân, vào ngày 14.11.1964. Đức Giáo Hoàng lại một lần nữa tỏ ra dè dặt trước một thiểu số nhỏ bảo thủ, như ngài vẫn thường làm, và cho bổ túc thêm một phần giải thích đính kèm được gọi là "Nota explicative praevia" để cắt nghĩa ý niệm "cộng đoàn tính" (Collegium) của các Giám Mục, cốt nhấn mạnh quyền Thượng Giáo Chủ (Primat) của Giám Mục thành Roma.(11) 

Nhưng sự cắt nghĩa của nhóm thiểu số bảo thủ "Nota explicative praevia" trên đây đã trở thành món "khí giới" quan trọng của họ để đòi hỏi phải sửa đổi lại tài liệu về đại kết, Hiến chế về sự mặc khải của Thiên Chúa "Dei Verbum" và Tuyên ngôn về tự do tôn giáo "Dignitatis Humanae." 

Ngoài các Hiến chế tín lý quan trọng về Giáo Hội "Lumen Gentium" và về sự mặc khải của Thiên Chúa "Dei Verbum", còn phải kể tới Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo "Nostra Aetate", Tuyên ngôn về tự do tôn giáo "Dignitatis Humanae". Còn Hiến chế mục vụ"Gaudium et Spestìm cách mở rộng sứ mệnh của Giáo Hội trên thế giới, khi Giáo Hội trình bày quan điểm và ý kiến của mình về khoa học, văn hóa, chính trị, gia đình cũng như nền hòa bình thế giới. 

Dựa theo nguyện vọng của đại đa số các Nghị Phụ tham dự, khóa họp thứ bốn đã được Đức Thánh Cha ấn định như khóa họp cuối cùng và kết thúc Công Đồng. 

Và vào ngày 8.12.1965 thánh Công Đồng Chung Vatican II đã được long trọng kết thúc, với những sứ điệp quan trọng được gửi đến toàn thể thế giới, tới các nhà lãnh đạo các quốc gia, tới từng lớp thợ thuyền, từng lớp trí thức, giới phụ nữ, giới thanh thiếu niên. Qua các sứ điệp quan trọng gửi toàn thế giới của mình, Công Đồng muốn khẳng định với thế giới rằng Giáo Hội Công Giáo luôn cùng đồng hành với cộng đồng nhân loại, để phục vụ, giúp đỡ và hướng dẫn trên con đường chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải trong Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội bảo toàn và rao giảng. 

Các tài liệu của Công Đồng 

Công Đồng đã đúc kết và phổ biến 16 tài liệu quan trọng lần lượt như sau: 

Khóa họp thứ nhất, từ ngày 11.10. đến ngày 8.12.1962, đã không đưa ra tài liệu nào. 

Khóa họp thứ hai, từ ngày 29.9. đến ngày 4.12.1963, đã đưa ra các tài liệu sau: 

• Sacrosanctorum Concilium: Hiến chế về Phụng Vụ và 

• Inter mirifica: Sắc lệnh về phương diện truyền thông xã hội. Cả hai được biểu quyết vào ngày 4.12.1963. 

Khóa họp thứ ba, từ ngày 14.9. đến ngày 21.11.1964, đã đưa ra các tài liệu sau: 

• Lumen Gentium: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 

• Unitatis Redintegratio: Sắc lệnh về đại kết và 

• Orientalium Ecclesianum: Sắc lệnh về Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Cả ba tài liều này được biểu quyết vào ngày 21.11.1964. 

Khóa họp thứ bốn, từ ngày 14.9. đến ngày 8.12.1965, đã đưa ra các kết quả như sau: 

• Perfectae Caritatis: Sắc lệnh về canh tân và thích nghi đời sống Dòng tu, 

• Nostra Aetate: Tuyên ngôn về sự liên lạc của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, 

• Optatam Totius: Sắc lệnh về đào tạo Linh Mục và 

• Christus, Dominus: Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội. Cả 4 tài liệu này được biểu quyết vào ngày 28.10.1965. 

• Dei Verbum: Hiến chế tín lý về mặc khải của Thiên Chúa và 

• Apostolicam Actuositatem: Sắc lệnh về tông đồ giáo dân. Hai tài liệu này được biểu quyết ngày 18.11.1965. 

• Presbyterorum Ordinis: Sắc lệnh về chức vụ và đời sống Linh Mục, 

• Gravissimum Educationis: Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, 

• Ad Gentes: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, 

• Dignitatis Humanae: Tuyên ngôn về tự do tôn giáo và 

• Gaudium et Spes: Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Cả 5 tài liệu này được biểu quyết vào ngày 7.12.1965 

Tóm tắt

Những tài liệu trên đây của Công Đồng đề cập một cách đặc biệt tới việc áp dụng thực tiễn đức tin Công Giáo vào trong các lãnh vực khác nhau của cuộc sống: 

• Lễ nghi: Từ các định hướng của Hiến chế về phụng vụ Sacrosanctoum Concilium, hai canh tân về phụng vụ được hiện thực: Vào năm 1965, việc áp dụng Sách Lễ Roma mới là bước canh tân phụng vụ đầu tiên. Tiếp đến, năm 1969 việc áp dụng Sách Lễ Roma còn quan tâm đặc biệt đến sự đòi hỏi của Hiến chế Sacrosanctum Concilium là phải nâng số các Bài Đọc trích từ Kinh Thánh nhiều hơn, hầu các tín hữu có dịp nghe và sống lời Chúa hơn nữa. Vì thế, một sự sắp xếp các bài Kinh Thánh theo một chu kỳ hoàn toàn mới, như chúng ta thực hành ngày nay. Nhưng trước những canh tân này, ngôn ngữ địa phương của cộng đoàn phụng vụ đã được sử dụng để thay thế cho tiếng La-tinh, một vấn đề mà Hiến chế về Phụng Vụ đã không dự trù trước. Qua đó, chương trình cải tổ phụng vụ một cách tiệm tiến theo từng giai đoạn đã mất hết mục đích. Hơn nữa, một số giáo sĩ và dân chúng đã từ lâu không còn muốn sử dụng nghi thức dâng Thánh Lễ cũ, nên ngay từ năm 1964 đã tự áp dụng tại nhiều nơi một nghi thức „mới" do „tùy hứng" sáng chế ra. Đối mặt với tình trạng này, chính cả Sách Lễ chính thức Missale Romanum Paul VI cũng chỉ có thể được sử dụng từ từ mà thôi, mãi đến hôm nay việc áp dụng Sách Lễ này tại nhiều nơi vẫn chưa hoàn toàn trọn vẹn. 

• Tương quan với các tôn giáo khác: Kể từ Công Đồng Vatican II, một tương quan mới giữa Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác đã được hình thành và phát triển. Từ Công Đồng trở về trước, Giáo Hội Công Giáo tự coi mình là Giáo Hội chân chính duy nhất, nhưng sau Công Đồng, quan điểm này đã được dè dặt tương đối hóa. Sự cắt nghĩa này được dựa trên nền tảng của Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (đối với các Giáo phái khác thuộc Kitô giáo) và Tuyên ngôn Nostra Aetate (đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo). Trong Sắc lệnh về tự do tôn giáo Dignitatia Humanae viết: "Trước hết Thánh Công Đồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, để nhờ đó, trong khi phụng thờ Người, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Đức Kitô. Chúng tôi tin rằng Tôn Giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền, Giáo Hội mà Đức Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người."(12) 

• Tương quan với mỗi người: Công Đồng công nhận quyền tự do của mỗi người trong vấn đề chọn lựa niềm tin tín ngưỡng của mình, dù cho sự chọn lựa ấy đi ngược lại đức tin Công Giáo. Trong Sắc lệnh về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae Công Đồng dạy: "Tất cả mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ. Cũng thế, Thánh Công Đồng còn tuyên bố rằng những bổn phận này liên quan đến lương tâm con người cũng như ràng buộc lương tâm con người, và chân lý tự nó có sức mạnh ép buộc, chứ không dựa trên một uy quyền nào khác, sức mạnh ấy ăn sâu vào trong tâm hồn một cách vừa êm dịu vừa mãnh liệt."(13) 

• Tương quan với các nhà nước: Công Đồng không còn đòi hỏi các sinh hoạt công cộng trong xã hội và các nhà nước phải hành động theo đúng nguyên tắc của Giáo Hội công Giáo nữa. Điều đó muốn nói rằng sự đòi hỏi ấy vẫn tồn tại, vì Giáo Hội Công Giáo là „Giáo Hội chân thật và duy nhất" như đã nói trong Sắc lệnh về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae, nhưng sự đòi hỏi của Giáo Hội được định nghĩa theo nghĩa tinh thần thiêng liêng, chứ không theo nghĩa của một ý thức hệ toàn trị. 

Các thành phần tham dự 

Tổng số các tham dự viên hiện diện trong Công Đồng là 3.044 vị. Trong số đó có 2.498 Nghị Phụ, gồm các Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục và Giám Mục; ngoài ra còn có các quan sát viên của các Giáo phái Kitô giáo, các nhà thần học làm cố vấn cho Công Đồng, các giáo dân. 

Các tham dự viên Công Giáo thời danh 

Trong số các Nghị Phụ và các cố vấn Công Đồng, có một số các nhân vật thời danh sau: 

• Augustin Bea SJ: Hồng Y, chủ tịch Văn phòng cổ vũ sự hợp nhất Kitô giáo. 

• Michael Browne OP: Hồng Y, giữ trách nhiệm điều hành việc phác họa các lược đồ. 

• Yves Congar OP: Linh Mục, cố vấn thần học, về sau được phong Hồng Y. 

• Julius Döpfner: Hồng Y, TGM München và Freising (Đức), cùng điều hành Công Đồng. 

• Giovanni Franzoni: Viện Phụ Dòng Biển Đức. 

• Josef Frings: Hồng Y, TGM Köln (Đức). 

• Alois Grillmeier: Linh Mục, cố vấn thần học, về sau được phong Hồng Y. 

• Wihelm Kempf: Giám Mục Limburg (Đức), Thư ký. 

• Franz König: Hồng Y, TGM Wien (Áo). 

• Helmut Krätzi: Giám Mục phó Wiên (Áo), tốc ký trong các khóa họp. 

• Hans Küng: Linh Mục, giáo sư, cố vấn thần học. 

• Marcel Lefèbvre CSSp: TGM Dakar nghỉ hưu, về sau là một trong những người chỉ trích Công Đồng quá khích nhất. 

• Giacomo Lercaro: Hồng Y, cùng điều hành Công Đồng. 

• Henri de Lubac SJ: Linh Mục, giáo sư, cố vấn thần học, về sau được phong Hồng Y. 

>• Albino Luciani: Hồng Y, GM Vittorio Veneto (Ý), về sau là Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. 

• Giovanni Battista Montini: Hồng Y, TGM Milan (Ý), thành viên của Ủy Ban, về sau là Giáo Hoàng Phaolô VI. 

• Alfredo Ottaviani: Hồng Y, chủ tịch Ủy Ban của Công Đồng. 

• Joseph Pascher: Linh Mục, giáo sư, cố vấn thần học. 

• Karl Rahner SJ: Linh Mục, giáo sư, cố vấn thần học. 

• Joseph Ratzinger: Linh Mục, giáo sư, cố vấn thần học, hiện là Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. 

• John M. Oesterreicher: Đức Ông, cùng với HY Bea là cha đẻ của Sắc lệnh Nostra Aetate. 

• Michael Schmaus: Linh Mục, giáo sư, cố vấn thần học. 

• Otto Spülbeck: Giám Mục Meißen (Đức). 

• Sebastian Tromp SJ: Linh Mục, giáo sư, Thư ký của Ủy Ban Công Đồng. 

• Karol Wojtyla: Hồng Y, TGM Krakau, về sau là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

Trong số các tham dự Công Giáo thời danh cũng cần phải kể hai giáo dân đặc biệt đã được phát biểu tại Công Đồng là Jean Guitton, triết gia và văn hào người Pháp và Vittorino Veronese, người Ý, Tổng thư ký cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc. 

Những quan sát viên ngoài Công Giáo 

• Frère Roger: Người thành lập và Bề Trên Tu Viện Đại Kết Taizé tại Pháp. 

• Frère Max Thurian: Thần học gia, Bề Trên Tu Viện Đại Kết Taizé, về sau trở lại Công Giáo. 

• Lukas Vischer: Quan sát viên chính thức của Văn phòng các Giáo Hội Kitô giáo đại kết. 

• George Lindbeck: Quan sát viên chính thức của Hiệp Hội Tin Lành Luther trên thế giới. 

• Edmund Schlink: Quan sát viên chính thức của Giáo Hội Tin Lành tại Đức. 

• Oscar Cullman: Một Tông đồ đại kết thời danh, được mời với tính cách cá nhân. 

• Karl Bernhard Ritter: Quan sát viên của Huynh Đoàn Michael thuộc Giáo Hội Tin Lành. 

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Konstantinopel (Istanbul) và các Giáo Hội Chính Thống khác đã thông báo vào ngày 5.10.1962 là họ sẽ không gửi quan sát viên chính thức tới Roma. Quyết định này cũng được Đức Thượng Phụ Alexej I, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc-tư-khoa, đồng ý. Tuy nhiên, về sau Tòa Thượng Phụ Mạc-tư-khoa đã gửi quan sát viên chính thức tới Roma. Chúng ta biết rằng, khác với Giáo Hội Công Giáo Roma, các Giáo Hội Chính Thống ở mỗi nước theo qui chế tự trị, chứ không theo hệ thống Trung Ương như Giáo Hội Công Giáo. 

Tinh thần Công Đồng 

Thánh Công Đồng Chung Vatican II được coi là một biến cố quan trọng nhất của thế giới Kitô giáo nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng trong thế kỷ XX. Người ta – người ủng hộ cũng như kẻ chống đối – thường gọi những gì xảy ra vào thời hậu Công Đồng là „tinh thần Công Đồng": Những người ủng hộ thì gọi một cách tích cực là „Kết quả của Công Đồng" còn những người phê bình thì lại gọi một cách tiêu cực là „Hậu quả của Công Đồng", tức người ta đánh giá cách thức áp dụng các giáo huấn của Công Đồng trong các Hiến chế, Sắc lệnh và Tuyên ngôn vào trong đời sống Giáo Hội một cách đúng đắn hay lệch lạc. 

Nhưng một điều quá hiển nhiên, không thể chối cãi được, đó là Thánh Công Đồng Chung Vatican II đã đưa ra những canh tân và đổi mới hết sức cần thiết trong đời sống Giáo Hội, ví dụ: 

• Phương diện mục vụ: Công Đồng củng cố vai trò mục vụ của Giáo Hội đối với thần học. Công Đồng không quan tâm tới những tranh cãi về các khuynh hướng thần học riêng rẽ, nhưng mong muốn đức tin mang lại hoa quả thực tiễn cho đời sống Kitô giáo. 

• Phương diện lịch sử: Công Đồng quan tâm và cổ vũ tinh thần nghiên cứu và tìm kiếm sự thật trong quá khứ. 

• Phương diện Kinh Thánh: Kinh Thánh là chuẩn điểm của Đức tin. 

• Phương diện Giáo Phụ: Công Đồng nhìn nhận các Giáo Phụ là những chứng nhân đặc quyền của Tông truyền trong việc chú giải chứng tích thuộc Kinh Thánh. 

• Phương diện đại kết: Mở cửa giao lưu gặp gỡ các Giáo Hội Kitô giáo anh em. Bằng chứng là các quan sát viên ngoài Công Giáo đã được mời tham dự Công Đồng. 

• Mở cửa với thế giới: Xin xem Hiến chế Gaudium et Spes. 

• Đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo: Nhìn nhận những giá trị đạo đức và tôn giáo ngoài Giáo Hội. 

• Cách thức rao giảng mới mẻ và nhằm đối thoại: Thay vì sử dụng các công thức kết án và ra vạ, cách thức công bố các giáo huấn của Giáo Hội sẽ được soạn thảo một cách tích cực hơn. 

Tất nhiên, những canh tân hợp lý và cấp bách trên đây là một biểu lộ minh nhiên tinh thần chân chính của Công Đồng. Theo ý kiến của các Đức Giáo Hoàng từ năm 1965 thì chỉ những kẻ không hiểu được tinh thần Công Đồng một cách đúng đắn mới dựa vào Công Đồng để cho rằng các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội đã bị loại bỏ khỏi mọi tài liệu của Công đồng. 

Thực ra, Công Đồng không chủ trương phá bỏ, nhưng là hoàn thiện và canh tân các truyền thống cũng như cách thức sống đức tin của Giáo Hội cho phù hợp với sự hiểu biết và não trạng con người hôm nay, để họ có thể đón nhận được Tin Mừng cứu rỗi mà Giáo Hội hằng rao giảng. 

Khủng hoảng thời hậu Công Đồng 

Ý niệm „khủng hoảng thời hậu Công Đồng" trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, người ta chỉ có thể nhận định là đã xảy ra vào khoảng từ năm 1965 đến 1985, chứ không thể xác định một cách rõ ràng thời gian bắt đầu và kết thúc, vì ngay trong hiện tại đã sau 50 năm, người ta vẫn chưa hết hiểu lầm hay hiểu chưa đúng về Công Đồng. 

Người ta cũng phỏng đoán là ý niệm „la crise post-conciliaire" phát xuất trước tiên tại Pháp, một nơi tình hình chính trị về tôn giáo không chỉ mới bùng nổ dữ dội từ năm 1965 mà thôi. Điều đó muốn nói đến hiện tượng việc sống đạo sa sút trầm trọng và vấn đề kỷ luật bị thả lỏng trong Giáo Hội Công Giáo Pháp. Trên thực tế, hiện tượng tôn giáo xuống dốc này ở Pháp là hậu quả tất yếu của hiện tượng tục hóa đang bành trướng khắp nơi, đặc biệt ở các nước Tây Âu. Nhưng dĩ nhiên sự khủng hoảng tôn giáo này không phải là không có liên can gì tới những khủng hoảng tôn giáo đã xuất hiện vào thời tiền Công Đồng Vatican II. Đây là vấn đề mà ĐTC Phaolô VI đã từng đề cập tới vào năm 1970 trong tập tài liệu „Quinque jam anni." 

Trong một bài phát biểu bộc phát, ĐTC Phaolô VI đã nói đến một „Giáo Hội tự hủy hoại mình."(148). Trong một bài tường thuật bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại Chủng Viện Lombardo vào ngày 7.12.1968 đã ghi lại nguyên văn như sau: „Che cosa vedete nel Papa?». E risponde: Signum contradictionis: un segno di contestazione. La Chiesa attraversa, oggi, un momento di inquietudine. Taluni si esercitano nell’autocritica, si direbbe perfino nell’autodemolizione. È come un rivolgimento interiore acuto e complesso, che nessuno si sarebbe atteso dopo il Concilio. Si pensava a una fioritura, a un’espansione serena dei concetti maturati nella grande assise conciliare. C’è anche questo aspetto nella Chiesa, c’è la fioritura": "Anh em nhìn thấy gì nơi Đức Giáo Hoàng?" Và ngài đã tự trả lời: "Signum contradictionis", một dấu chỉ của sự chống đối. Giáo Hội ngày hôm nay đang bước đi trong những giây phút bất an. Nhiều người tập luyện việc "tự kiểm thảo", người ta có thể nói: tập luyện "tự hủy hoại mình." Người ta đã nghĩ đến một nền thịnh vượng, đến một sự bành trướng hồ hởi của những khái niệm đã được thông qua trong khóa họp khoáng đại của Công Đồng. Và thực sự có tình huống ấy trong Giáo Hội, có sự thịnh vượng."(15) 

Trên thực tế người ta ít tìm hiểu và phân tích một cách toàn diện về thời kỳ khủng hoảng hậu Công Đồng. Người ta thường chỉ phê phán về Công Đồng theo những gì xảy ra tại một địa phương nào đó, nơi họ sống và chứng kiến. Có người coi sự khủng hoảng thời hậu Công Đồng là sự khủng hoảng của hàng Giáo Sĩ, lý do là ngay cả trong Công Đồng bản sắc của họ cũng chỉ được phản ảnh rất ít,(16) dù cho có khá nhiều tài liệu của Công Đồng đề cập tới đời sống, sứ vụ và sự đào tạo Linh Mục. Có người lại phỏng đoán rằng, ngay từ đầu thế kỷ vấn đề khó khăn liên quan đến sự đối kháng giữa thần học và khoa học tự nhiên: thay vì được giải quyết tận gốc các đối kháng ấy, thì lại càng chồng chất thêm. Đó mới chính là nguồn gốc của sự khủng hoảng. Hơn nữa, sự phát triển về chính trị vào tiền bán thế kỷ XX – chiến tranh, sự xung đột, chủ nghĩa độc tài toàn trị, các phong trào dân chủ và độc lập – chắc chắn không thể không có những ảnh hưởng nhất định trên sự khủng hoảng ấy. Đàng khác, chúng ta cũng đừng quên rằng hầu như sau mỗi Công Đồng Chung của Giáo Hội, thì nhiều hay ít đều có những thành phần bất đồng và phản đối, và vì thế đều xảy ra những khủng hoảng. Ví dụ: Quan điểm của Công Đồng đối với thế giới, đối với các giáo phái Kitô giáo ngoài Công Giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đồng thời sự thay đổi toàn diện phụng vụ trong Giáo Hội, v.v… chắc chắn không thể được mọi thành phần Dân Chúa đồng tình. Dựa theo những kết quả tiêu cực bên ngoài của Công Đồng, người ta lên tiếng chỉ trích Công Đồng. Người thì cho sự áp dụng các quyết định của Công Đồng quá chậm chạp và nửa vời (khuynh hướng cấp tiến); người lại cho sự áp dụng ấy quá nhanh và lệch lạc (khuynh hướng bảo thủ). Trong số các người lên tiếng phê bình chỉ trích Công Đồng, người ta phải kể đến những tên tuổi như Hans Küng, Karl Rahner, Alfredo Ottaviani, Marcel Lefèbvre. 

Vào năm 1972 chính ĐTC Phaolô VI, người đã hướng dẫn và kết thúc Công Đồng, đã nhiều lần bày tỏ sự đau buồn và thất vọng của ngài trước thực tại cụ thể của Giáo Hội thời hậu Công Đồng: Với toàn diện các tài liệu quan trọng và cần thiết của Công Đồng Vatican II, đáng lẽ là làm sống động lại và làm phát triển đời sống đức tin như hằng mong đợi, thì lại đưa tới những hiệu quả trái ngược. Trong bài giảng vào ngày 29.6.1972, dịp kỷ niệm 10 năm trên ngai vị Thánh Phêrô của ngài, ĐTC Phaolô VI đã công khai bày tỏ sự thất vọng của ngài trước kết quả thời hậu Công Đồng. Trong một bài tường thuật của ngài, Đức Tổng Giám Mục Agnostino Casaroli, sau trở thành Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, đã ghi lại nguyên văn lời phát biểu của Đức Thánh Cha: "Da qualche fessura sia entrato il fumo di Satana nel tempio di Dio": Phải chăng qua một kẽ hở nào đó làn khói Sa-tan đã xâm nhập vào Đền Thờ của Thiên Chúa" để hủy hoại những hoa trái của Công Đồng.(17)

Theo sự xác tín của Philippe Levillain, giáo sư sử học người Pháp mà ông trình bày trong cuốn "Dictionnaire historique de la papaute" về ĐTC Phaolô VI, thì những điều Đức Thánh Cha nói ở đây là muốn ám chỉ phong trào thủ cựu của TGM về hưu Marcel Lefèbvre, được thành lập năm 1970. Phong trào thủ cựu Lefèbvre công khai chống lại Công Đồng đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo và sự canh tân phụng vụ. Đối với ĐTC Phaolô VI phong trào thủ cựu của TGM Lefèbvre là một thách đố đã đè nặng lên tâm tư ngài như sự chống đối Thông điệp cuối cùng của ngài "Humanae Vitae" vậy. 

Sự phê bình và chống đối 

Qua đó, chúng ta thấy rằng trong Giáo Hội Công Giáo thời hậu Công Đồng đã có những thành phần phê bình và chống đối, nếu không muốn nói là tẩy chay Công Đồng. Trong số đó đứng đầu là những thành phần thủ cựu (Traditionalisten) của TGM nghỉ hưu Marcel Lefèbvre. Họ qui tụ thành một cộng đoàn thủ cựu do TGM Lefèbvre thành lập vào năm 1970 với tên gọi là "Huynh Đoàn Thánh Piô X", nằm trong lãnh thổ Giáo phận Fribourg/Thụy Sĩ. Họ kết án Công Đồng đã làm xáo trộn và làm sai lạc đức tin Công Giáo cũng như các truyền thống của Giáo Hội. Vì thế, nhóm thủ cựu Lefèbvre đã phủ nhận toàn bộ các quyết định của Công Đồng, nhất là sự canh tân phụng vụ. Họ vẫn giữ nguyên mọi nghi thức dâng Thánh Lễ như trước Công Đồng. Thái độ và hành động chống đối Thánh Công Đồng Chung Vatican II của nhóm thủ cựu này đã đạt tới cao điểm vào năm 1988, khi TGM Lefèbvre tự ý phong chức Giám Mục cho bốn Linh Mục thuộc "Huynh Đoàn Thánh Piô X". Và hậu quả tất yếu là TGM Lefèbvre cũng như tất cả bốn tân Giám Mục của nhóm bị Tòa Thánh ra vạ dứt phép thông công. Nhưng để hiện thực tinh thần hòa giải và hòa hợp của Công Đồng Vatican II, ngày 24.1.2009 Tòa Thánh cất vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục nói trên. Qua đó, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI muốn mở ra cho nhóm thủ cựu này một con đừờng dẫn đưa họ trở lại với Mẹ Giáo Hội. Nhưng mãi cho đến hôm nay, nhóm thủ cựu Lefèbvre vẫn chưa thuần phục các giáo huấn của Công Đồng Vatican II, nhất là qua các cuộc đối thoại gần đây với Tòa Thánh người ta nhận thấy rằng, họ đã đi đến chỗ tự coi mình là đối tác tay đôi với Giáo Hội, chứ không còn là con cái hay thành phần của Mẹ Giáo Hội nữa. Hiện tại, Bề Trên tổng quyền của nhóm Lefèbvre là GM Bernard Fellay, một trong bốn vị Giám Mục đã được TGM Marcel Lefèvre phong chức trái phép. 

Trong khi đó, những thành phần khác lại nhìn Công Đồng theo lăng kính cấp tiến và lên tiếng phê bình Công Đồng và Giáo Hội Công Giáo. Họ cho rằng Giáo Hội chỉ canh tân nửa vời, nghĩa là chỉ thay đổi một số các lễ nghi phụng vụ bên ngoài để bộ mặt của Giáo Hội mang hình thức tân thời, chứ trên nguyên tắc, các tín lý Công Giáo vẫn luôn được gìn giữ và bảo toàn một cách cố chấp. Vào năm 1981, nhà phân tâm và xã hội học Alfred Lorenzer đã phê bình toàn diện chương trình canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II, vì ông cho rằng sự canh tân ấy chỉ mang tính cách xu thời, chạy theo quan niệm thời đại.(18) 

Nói chung, những phê bình chỉ trích trong nội bộ Giáo Hội thường chỉ dựa trên những áp dụng các quyết định của Công Đồng ở một số địa phương lẻ tẻ nào đó, và đồng thời muốn đòi hỏi phải tổ chức một Công Đồng mới, vì họ cho rằng các quyết định của Công Đồng Vatican II đã trở nên lỗi thời. Các chỉ trích cấp tiến chỉ coi Công Đồng như một sự khởi đầu mà thôi với mục đích là nhằm tìm ra một sự hòa điệu với thời đại tân tiến hôm nay, hầu Giáo Hội có thể tiếp tục củng cố được sứ vụ của mình trong việc hướng dẫn tư tưởng con người trong lãnh vực thần học cũng như khoa học. Nhưng trên thực tế, đây là một điều rất ít hy vọng có thể hiện thực được trong một thế giới tục hóa như thế giới hôm nay. Những phê bình cấp tiến cho rằng, một quan niệm dựa vào một tổ chức phẩm trật theo cơ cấu bên ngoài để lèo lái các chính sách một quốc gia và đời sống xã hội hoàn toàn đã lỗi thời. Quyền hạn của hàng Giáo Sĩ chỉ giới hạn trong những lãnh vực thuần túy thuộc thẩm quyền của họ mà thôi, chẳng hạn việc thực hành các nghi thức phụng vụ, trao ban các Bí tích, dâng Thánh Lễ. 

Tính cách bó buộc của Công Đồng 

Mặc dù Công Đồng Chung Vatican II không đòi hỏi cho mình đặc sủng Vô Ngộ (Infaillibilité), bởi vì Công Đồng không muốn đưa ra những giáo huấn thuộc tín lý, nhưng chỉ thuộc lãnh vực mục vụ mà thôi; tuy nhiên, bốn Hiến chế của Công Đồng – Sacrosanctum Concilium, Lumen Gentium, Dei Verbum, Gaudium et Spes – là những giáo huấn của Giáo Hội mang tính cách bó buộc đối với các tín hữu Công Giáo. Còn các tài liệu khác mang tính cách Sắc lệnh và Tuyên ngôn, chứ không phải Hiến chế, nên thuộc những phạm trù thấp hơn. Trong những „Nota praevia" của Hiến chế Lumen Gentiumvà những „ghi chú" ở dưới bản văn Hiến chế Gaudium et Spes", chính Công Đồng đã đưa những hướng dẫn cho việc đón nhận giáo huấn của Công Đồng. Về điểm này lời tuyên bố của Đức Hồng Y Pericle Felici, Tổng thư ký Công Đồng, vào ngày 16.11.1964 trong lần nhóm họp thứ 123 của các Ủy Ban Công Đồng, cũng đã làm sáng tỏ được vấn đề: „Chiếu theo phương pháp và mục đích mục vụ nhằm tới của Công Đồng hiện tại (Vatican II), Công Đồng xác định rằng đối với Giáo Hội thì chỉ được coi là các giáo huấn thuộc đức tin và luân lý (tức những điều buộc phải tin) những gì tự chúng nói lên điều đó một cách rõ ràng. Tuy nhiên, những gì Công Đồng đã trình bày, thì tất cả mọi Kitô hữu buộc phải chấp nhận và tuân giữ như là giáo huấn do Huấn Quyền Tối Thượng của Giáo Hội ban bố."(19)

Lm Nguyễn Hữu Thy

________________________ 

1. x. Huber Jedin: "Kleine Konziliengeschichte", trang 132. 

2. x. Hubert Jedin: "Kleine Konziliengeschichte", trang 132tt.

3. x. Jedin: "Kleine Konziliengeschichte" trang 133. 

4. x. H. Jedin: „Kleine Konziliengeschichte" trang 133. 

5. x. Hubert Jedin: "Kleine Konziliengeschichte", trang 136. 

6. x. Jedin: "Kleine Konziliengeschichte",trang 140. 

7. x. Coetus Internationalis Patrum. 

8. x. Hubert Jedin: "Kleine Konziliengeschichte" trang 152. 

9. x. Jedin: "Kleine Konziliengeschichte" trang157. 

10. x. Jedin: "Kleine Konziliengeschichte" trang 163tt. 

11. x. Jedin: "Kleine Konziliengeschichte", trang 163.

12. Dignitatis Humanae, số 1. 

13. Dignitatis Humanae, số 1. 

14. x. Báo Osservatore Romano, số ra ngày 8.12.1968. 

15. Insegnamenti, Tập VI (1968), trang 1187-1188. 

16. x. Phaolô VI: "Sứ Điệp gửi các Linh Mục" ngày 30.6.1968. 

17. x. Insegnamenti Paolo VI, Bd. X (1972), trang 707. 

18. x. Alfred Lorenzer: "Das Konzil der Buchhalter. Die Zerstörung der Sinnlichkeit. Eine Religionskritik." Fischer Taschenbuch Verlag. Frankfurt/Main 1992, trang 11. 

19. Lumen Gentium: Text-IntraText CT. Website intratext.com. được công bố ngày 26.2.2012.