Về Địa Danh Và Vị Trí Vạn Lý Trường Sa – Vạn Lý Thạch Đường Trên Địa Đồ Hàng Hải Thời Minh Ở Thư Viện Đại Học Oxford

Lời dẫn

 

Qua bài viết ngắn Về địa danh Vạn Lý Trường Sa đăng trên BBC hôm 24/10/2012, chúng tôi thấy vấn đề địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường trên The Selden Map of Chinacần có thêm phần trích lục và phân tích các tư liệu khác có liên quan với địa danh này. Một lý do khác là, sau khi viết xong bài Về địa danh Vạn Lý Trường Sa, chúng tôi được đọc thêm bài nghiên cứu của Tiến sĩTrần Giai Vinh, trong đó, Tiến sĩ Trần cho rằng Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường ghi trên The Selden Map of Chinathuộc hải phận tỉnh Quảng Đông thời Minh. Bài viết này không với mụcđích tranh luận, chỉ nhằm để độc giả nắm vấn đề cụ thể hơn qua các tưliệu khách quan trong thư tịch cổ Trung Hoa, cũng có thể xem đây là bài viết mở rộng trên cơ sở bài viết Về địa danh Vạn Lý Trường Sa.

 

Gần đây, hồi giữa tháng 9 năm 2011, Thư viện Đại Học Oxford [Bodleian Library] công bố bản kỹ thuật sốmột địa đồ cổ Trung Hoa với tiêu đề The Selden Map of China, phỏng định được thực hiện trong thời Minh (1368–1644), nội dung mang tính chất địa đồ hàng hải, phạm vi thể hiện gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và khu vực Đông Nam Á.

 

Địa đồ có kích thước 100 x 150 cm, vẽ màu trên giấy. Về nguồn gốc, địa đồ nguyên thuộc sở hữu của luật sư người Anh John Selden (1584–1654), thể theo di nguyện của ông, gia đình đã tặng nó cho Thư viện Đại học Oxford vào năm 1659, từ đó được cất giữ đến nay.

 

Bề mặt địa đồ này không ghi tiêu đề, theo bản“Báo cáo tổng kết về cuộc điều tra tại một sốthư viện Anh Quốc” của Trương Chí Thanh và Triệu Đại Oánh – cán bộ Phòng Cổ tịch Thư viện Quốc gia Trung Quốc – hồi tháng 5 năm 2008 thì địa đồ này được gọi là “Thiên hạ hải đạo toàn đồ/World Searoad Complete Map” 1. Theo Tiến sĩTiền Giang (Đại học Hong Kong) trong bài giới thiệu sơ bộ về địa đồ này trên tập san “Hải giao sử nghiên cứu”tháng 9/2011, thì nóđược gọi là “Đông – Tây dương hàng hải đồ”,và phỏng định được làm ra vào năm Thiên Khải thứ 4 (1624) 2.

 

Sau khi địa đồ được Bodleian Library đưa lên trang web, có thể phóng đại để nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Giai Vinh (Đại học Hong Kong, Quản lý trang web Hương Cảng Trung Hoa Vạn Niên) viết bài : “Minh mạt cương lý cập Chương Tuyền hàng hải thông giao đồ – Biên hội thời gian, đặc sắc cập hải ngoại giao thông địa danh lược tích” [Địa đồ cương vực cuối Minh và việc quan hệqua đường biển ở Chương Châu, Tuyền Châu – Thời gian soạn vẽ, điểm đặc sắc và phân tích sơ bộ cácđịa danh giao thông hải ngoại], bài viết này cũng đăng trên tập san “Hải giao sử nghiên cứu”tháng 11/2011 3.Đây là bài nghiên cứu khá chi tiết, về các vấn đềthời điểm soạn vẽ, địa danh trong và ngoài Trung Hoa và phân tích giá trị của địa đồ. Trong phần viết về địa danh nội địa (tức thuộc Trung Hoa) [phần I.1, Các tỉnh phủ danh lục yếu], Tiến sĩ Trần đã liệt nhập Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường vào địa phận Quảng Đông, không lý giải và cũng không kèm chú thích. 4

 

Dựa vào tính chất của địa đồ, sau đây gọi tắt là Hải đồ [xem Hải đồ và các thông tin liên quan tại :http://seldenmap.bodleian.ox.ac.uk/map]

 

I. Mô tả

 

Các địa danh ngoài Trung Hoa được ghi trên Hải đồnày khá nhiều, khoảng 105 nơi, vị trí Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường cùng các điểm xung quanh nhưsau :

 

Theo đồ hình chỉ nam vẽ ở giữa trên trong nền Hảiđồ, thấy quy ước định vị trên bắc dưới nam, địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường được biểu thị là hai nơi gần nhau, cả hai nằm ở vị trí gần như trung tâm của toàn đồ.

 

Địa danh Vạn Lý Thạch Đường được ghi trong đường khuyên tròn, bên trên đường khuyên biểu thị một hònđảo hình thang tô màu đỏ hồng, cạnh bên phải đường khuyên [hướng đông] ghi 3 chữ “Dữhồng sắc” [hònđảo màu đỏ], 3 chữ này như một lời chú bổ cho địa danh Vạn Lý Thạch Đường ; phía trên Vạn Lý Thạch Đường về hướng đông đông nam là Vạn Lý Trường Sa, địa danh này được ghi kèm bốn chữ “Tựthuyền phàm dạng”[giống như hình cánh buồm], “Vạn Lý Trường Sa, tựthuyền phàm dạng” được viết thành hai hàng dọc liền nhau và đặt bên trong khung viền giống như mảnh vải bay lượn ; phía trái [hướng tây] Vạn Lý Thạch Đường là hòn đảo ghi địa danh Ngoại La [tức đảo Lý Sơn], phía tây vượt qua Ngoại La là lục địa, hơi chếch về bắc là địa danh Quảng Nam, Thuận Hoá và hơi chếch về nam là địa danh Tân Châu [tức Quy Nhơn], Chiêm Thành. Từ Vạn Lý Thạch Đường thẳng lên hướng bắc là cụm địa danh “Thất Châu, Độc Trư, Quảng Châu” được ghi chung trong một đường viền hình elip nằm nghiêng [theo chiều đông nam – tây nam], tiếp lên hướng bắc cách một khoảng biển hẹp là các địa danh “Đam Châu”,“Quỳnh Châu”, “Lôi Châu”, có điểm lạ là phầnđất Đam Châu và Quỳnh Châu [đều trên đảo Hải Nam]được vẽ liền với lục địa. Cách một khoảng khá xa Vạn Lý Thạch Đường, về hướng đông nam là địa danh Côn Lôn, chữ Côn Lôn được đặt trên nét vẽ biểu thịngọn núi và cạnh bên hải đạo từ Vương Thành LữTống [Luzon] đến Văn Lai [Brunei] ; cách một khoảng khá xa Vạn Lý Thạch Đường, về hướng đông bắc là địa danh Nam Áo Khí được ghi trong đường khuyên tròn.

clip_image004

Hình 1, bản vẽ một phần The Selden Map of China, 
lược tả khu vực biển Đông Việt Nam với các địa danh liên quan, 
Phạm Hoàng Quân phục dạng theo bản kỹthuật số.

 

II. Những điểm đặc biệt

 

Về kỹ thuật hàng hải, Hảiđồ này có ưu điểm làđã biểu thị các đường kẻ cho hải đạo, gồm 6 tuyếnđông dương và 12 tuyến tây dương 5, trên hải đạo cũngđịnh phương hướng cần thiết theo hệ quy ước la kinh truyền thống. Đối chiếu nhiều địa đồ mang tính chất hàng hải do người Trung Hoa soạn vẽ, cho đến cuối Thanh, hình như chưa từng thực hiện chi tiết kỹ thuật“kẻ nét hải đạo” này.

 

Về hoạ pháp, đường nét và cách tô màu trên Hải đồkhông mang phong cách / quy tắc vẽ địa đồ và phương pháp hội hoạ truyền thống Trung Hoa. Các điểm dễ nhận thấy là, trong cách biểu thị mặt biển, đường nét“thuỷ ba” (sóng nước) trên Hải đồ không nằm trong những tuyến điệu đã định hình vốn là đặc trưng truyền thống ; vật thể tự nhiên như cây, đá cùng vật thể kiến trúc đều vẽ không hợp cách.

 

Về việc sử dụng địa danh, tổ hợp địa danh Vạn Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường có tính cá biệt so với nhiều địa đồ, hải đồ cùng thời. Cùng thời Minh, trên bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ / Map of Integrated Lands and Regions of Historical Countries and Capitals” (Triều Tiên, 1402) có hai nơi được tiêu danh Thạch Đường và một nơi tiêu danh Trường Sa, theo thứ tự Thạch Đường – Trường Sa – Thạch Đường6. Trên “Trịnh Hoà hàng hải đồ” [trong quyển 240 sách Võ Bị Chí (1619)] có ba nơi được ghi (theo tứ tự trước sau từ phải sang trái) là Thạch Tinh Thạch Đường –Vạn Sinh Thạch Đường Dữ – Thạch Đường 7. Trên“Đông nam hải di đồ” [trong quyển 223 sách Võ Bị Chí (1619)] có hai nơi ghi là Thạch Đường – Trường Sa 8. Trên “Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ” trong quyển Thủ sách Đông tây dương khảo (1618) có hai nơiđược ghi là Thạch Đường – Trường Sa 9. Cho đến gần 100 năm sau, vào thời Thanh mới thấy tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa ghi trên địađồ, đầu tiên trong bức “Đại Thanh Trung – Ngoại thiên hạ toàn đồ / Địa đồ Đại Thanh về Trung Hoa và các nước xung quanh” vẽ năm Khang Hi bính thân (1716) 10.

 

Đối với lời chú “giống như hình cánh buồm” đi kèm địa danh Vạn Lý Trường Sa cũng cho một bất ngờ,hầu hết các địa đồ cổ Trung Hoa, trước và sau niênđiểm Hải đồ đều không đính kèm lời chú giống nhưhoặc tương tự như vậy cạnh nơi được tiêu danh Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa. Điều này, dẫn đến sựliên hệ với nhiều địa đồ phương Tây, với cách biểu thị Paracels khá điển hình, với một vùng bằng tập hợp những nét chấm với khuôn viền giống hình cánh buồm, sớm nhất có thể thấy qua hai bản đồ của Bartholomen Velho (1560) và của F.M. Pinto (1560).

 

 

Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa trên Hảiđồ được đặt ở vị trí rất gần Quảng Nam và Quy Nhơn, ở hướng đông của hai địa phương này, điều này khác hẳn các địa đồ trước và sau nó, thông thường các địa đồ khác đặt Thạch Đường – Trường Sa hoặc Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa ởvào khoảng giữa đảo Lưu Cầu [Ryukyu] với biển phíađông Trung Hoa hơn là đặt nó gần vùng bờ biển phíađông Việt Nam.

 

Một điểm sai trên Hảiđồ rất đáng lưu ý là Đam Châu và Quỳnh Châu [đều trên đảo Hải Nam] được vẽliền với phần lục địa, đáng lẽ hai địa danh Đam Châu và Quỳnh Châu phải nằm ở vị trí được ghi là“Thất Châu, Độc Trư, Quảng Châu” trên Hải đồ. Sai lầm này khó xảy ra đối với tác giả người Trung Hoa, bởi vì nhiều địa đồ từ thời Tống đã thể hiện Quỳnh Châu là hải đảo.

 

Điểm sai thứ hai là vị trí đảo Côn Lôn, ở đây ngờrằng có sự sai lạc vị trí giữa Côn Lôn và Đại Mạo Châu, vị trí Đại Mạo Châu đáng ra được tiêu danh Côn Lôn.

 

Các đặc điểm nêu trên cho thấy rằng, có thể Hảiđồ này đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các bảnđồ Tây phương.

 

 

III. Tư liệu liên quan đến địa danh và vị trí Trường Sa – Thạch Đường

 

Trong các loại tư liệu cổ Trung Hoa, có khá nhiều ghi chép liên quan đến địa danh Trường Sa – Thạch Đường hoặc Vạn Lý Trường Sa – Vạn Lý Thạch Đường, có thể xếp các tư liệu thành hai nhóm, nhóm một là các sách có ghi chép địa danh và nhóm hai là các địa đồcó ghi địa danh.

 

1/ Địa danh chép trong sách

Trong nhiều tựa sách thuộc loại chính sử, phương chí và du ký, đối tượng địa danh này được ghi nhận có khi là Thạch Đường, có khi là Vạn Lý Thạch Đường, lại có lúc được ghi nhận đơn độc, có lúc đi liền với địa danh Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa, và mặt khác, chúng cũng có thể kết hợp với những địa danh tương cận. Qua thống kê sơ bộ thấy các địa danh này xuất hiện trong các trường hợp :

 

a. Thạch Đường

b. Thạch Đường – Trường Sa [hoặc Trường Sa –Thạch Đường]

c. Trường Sa – Thạch Sàng

d. Vạn Lý Thạch Đường

e. Vạn Lý Thạch Đường – Thiên Lý Trường Sa

f. Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa.

g. Vạn Lý Thạch Đường – Thất Châu Dương

Các sách chép ThạchĐường – Trường Sa

Địa danh Trường Sa – Thạch Đường xuất hiện sớm vào thời Tống, trong sách Lĩnh ngoạiđại đáp (1178) của Chu Khứ Phi. Lĩnh ngoại đại đáp, quyển nhất, môn Địa lý, điều Tam hợp lưu, viết : “Nghe nói phía đông biển lớn có Trường Sa Thạch Đường mấy vạn dặm, là nơi rún biển, nhập vào chỗ mịt mờ sâu thẳm. Xưa thường có thuyền bị gió Tây lớn đưa đến biển lớn phía Đông, nghe tiếng vọng từ rún biển, vang dội không cùng, phút chốc nhờ gió Đông lớn thì tránhđược.” 11

 

Địa danh Thạch Đường được viết riêng lẻ thấy trong bộ chính sử Tống Sử (viết xong năm 1345, thời Nguyên). Tống Sử, quyển 489, trong phần Truyện ngoại quốc, mục nói về nước Chiêm Thành, viết : “ (sứChiêm Thành) La Bì Đế Gia[Ropodiga] nói rằng người nước tôi đến thẳng Quảng Châu, có lúc thuyền bị gió dạtđến Thạch Đường, nên nhiều năm không đến [nộp cống] được” 12.

 

Trường Sa [tổ hợp Thạch Sàng – Trường Sa] xuất hiện lần đầu vào thời Tống, trong sách Chưphiên chí(1225) của Triệu Nhữ Quát, trong Lời Tựa sách này, tác giảviết : “Nhữ Quátđược mệnh đến đây(chỉ Tuyền Châu), ngày rảnh xemChư phiên đồ (Địađồ các nước Phiên)’, cái gọi là mối nguy của Thạch Sàng, Trường Sa, cùng nơi giới hạn của biển Giao Chỉvới Trúc Dữ. Hỏi có ghi chép không thì không có.” 13

 

Các sách chép Vạn Lý Thạch Đường –Vạn Lý Trường Sa

 

Địa danh Vạn Lý Thạch Đường trong tổ hợp Vạn Lý Thạch Đường – Thiên [sic] Lý Trường Sa xuất hiện trong thời Tống, qua các sách Quỳnh quản chí (1203–1208), Dư địa kỷ thắng (1221), Chư phiên chí(1225), Phương dư thắng lãm (1239). Trong đó, 3 sách thuộc loại phương chí là Quỳnh quản chíDư địa kỷthắng và Phương dư thắng lãmđưa thông tin gần nhưgiống nhau.

 

Vương Tượng Chi trong Dư địa kỷ thắng đã chép lại mẩu tin trong Quỳnh quản chívà truyền dần về sau, ởquyển 127, phần Quảng Nam Tây lộ, mục Cát Dương quân, viết : “Quỳnh Quản Chí 14 viết : ‘ngoài là các châu Ô Lý, Tô Mật, Cát Lãng 15, cùng đối ngang với Chiêm Thành ; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ ; đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường, trên dưới mờ mịt, ngàn dặm một màu, thuyền bè qua lại, chim bay gần bênđầu bên cổ mà không thấy sợ.” 16

 

Chư phiên chícủa Triệu Nhữ Quát đã nói ở trên,được phân bố làm 2 phần, gồm Chí quốc (chép về các nước) và Chí vật (chép về vật sản các nơi), cuối phần Chí vật lại chép phụ thêm địa lý sản vật Hải Nam (Triệu Nhữ Quát dùng tên Hải Nam, đương thời tên hành chính là Quỳnh Châu). Ngoài phần Lời Tựa đã nói về Thạch Sàng, Trường Sa, trong mục Hải Nam, Triệu NhữQuát cũng thu thập đoạn văn mà Dư địa kỷ thắng đã chép, chỉ khác là địa danh chép thành “千里長沙 萬里石牀 / Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng” 17. Trong cùng một sách mà dùng hai cách gọi, Thạch Sàng, Trường Sa ở lời Tựa và Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng ở cuối sách, điều này cho thấy hoặc là người chép sách dùng phép tỉnh lược đối vớiđịa danh, hoặc là biểu hiện của việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Trường hợp sử dụng song song hai cặp địa danh này vẫn thường gặp trong nhiều sách viết sau Chư phiên chí.

 

Địa danh Vạn Lý Thạch Đường xuất hiện riêng lẻlần đầu trong sách Đảo di chí lược(1349) của UôngĐại Uyên, thời Nguyên. Trong Đảo di chí lược, Uông Đại Uyên đã đặt Vạn Lý Thạch Đường thành một đề mục, mục Vạn Lý Thạch Đường viết : “Xương của ThạchĐường do sinh ra từ Triều Châu, ngoằn ngèo như con rắn dài, vắt ngang giữa biển, vượt qua biển các nước khác, tục gọi là Vạn Lý Thạch Đường… Theo lời của Tử Dương Chu Tử thì các nơi hải ngoại cùng với Trung Nguyên có sự tiếp liền địa mạch vậy” 18. Trong đềmục này – theo quan niệm địa lý phong thuỷ cổ truyền– Uông Đại Uyên nhận định Vạn Lý Thạch Đườngđược nối liền địa mạch với Triều Châu, địa mạch quanh co ngoằn ngèo rồi đột ngột nhô lên giữa biển, và tán đồng quan điểm của Chu Hi, Uông cho rằng nhiều nơi hải ngoại không thuộc lãnh thổ Trung Hoa nhưng cùng chung địa mạch, trong đó có Vạn Lý Thạch Đường.

 

Vạn Lý Thạch Đường – Thất Châu Dương được đề cập trong bộ chính sử Nguyên sử (viết xong năm 1370, thời Minh), trong phần Liệt truyện, truyện Sử Bật, đoạn văn mô tả hành trình của đoàn quân tấn công Java : “Qua Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường, qua hải giới Giao Chỉvới Chiêm Thành.” 19

 

Tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa bắt đầu được ghi nhận trong thời Minh, qua các sách Hải ngữ (1536), Đông tây dương khảo (1618),Thuận phong tương tống (cuối Minh, không rõ năm) v.v…

 

Trong sách Hải ngữcủa Hoàng Trung, Vạn Lý Thạch Đường chép riêng một mục, Vạn Lý Trường Sa chép riêng một mục. Mục Vạn Lý Thạch Đường chép : “Vạn Lý ThạchĐường ở phía đông hai biển Ô Trư, Độc Trư, gió lạnh trời mờ, chẳng giống cõi trần.” ; mục Vạn Lý Trường Sa chép : “Vạn Lý Trường Sa ở phía đông nam Vạn Lý Thạch Đường, tức là sông Lưu Sa của mấy nước Tây nam Di.” 20.Trong các địa danh liên quan được đề cập ở hai đoạn văn trên, Ô Trư tức Ô Trư Sơn, còn gọi là Ô Châu Sơn (烏珠山),tức nay là hòn đảo thuộc nhóm đảo phía đông đảo Thượng Xuyên (上 川島),hải phận huyện Trung Sơn tỉnh Quảng Đông, người đi biển xưa gọi chung vùng biển này là biển Ô Trư ; Độc Trư tức Độc Trư Sơn, còn gọi là Độc Châu Sơn (獨珠山),tức nay là nhóm đảo gần bờ biển huyện Vạn Ninh tỉnh Hải Nam ; khác với Ô Trư, Độc Trưlà địa danh thực, địa danh Lưu Sa Hà (sông Lưu Sa) là tên gọi phiếm chỉ, xưa kia để nói về bờ cõi nhà Hạ,thiên Vũ Cống trong Kinh Thư có câu : “Đông tiệm vu hải, tây bị vu lưu sa / Phía đông dần ra biển, phía tây đến lưu sa (nơi sa mạc)” 21, bắt đầu từ câu văn này, Lưu Sa dần trở thành địa danh dùng để ám chỉ nơi biên địa xa xôi đầy gió cát. Về sau, Lưu Sa hay Sa Hà hay Đại Lưu Sa là tên mà người Trung Hoa dùng để chỉ vùng sa mạc Takla Makan ở phía tây Tân Cương. Trong đoạn văn về Vạn Lý Trường Sa, ý Hoàng Trung muốn ví nơi này như là bãi cát nơi vùng biênđịa của mấy nước Tây nam Di (Đông Nam Á).

 

 

Trong Đông Tây Dương Khảo của Trương Tiếp, tại quyển 9, mục Thuỷ tỉnh thuỷ kỵ (Những điều nhắc nhở và cấm kỵ trên biển), viết : “Gần bên Ngoại La, lấy ngang qua hướng đông đi khoảng bảy canh thuyền là gặp Vạn Lý Thạch Đường, trong có hòn đảo màu đỏ,không cao. Như thấy thân thuyền là chỗ cạn, lại thấy mỏm đá thì phải đề phòng, đề phòng nơi có ngấn nước.” 22. Mô tả này của Trương Tiếp khá giống với diễn tảtrên Hải đồ, với Vạn Lý ThạchĐường có hòn đảo màu đỏ (Đông Tây Dương Khảoviết : Hồng thạch sơn – Hải đồghi : Dữ hồng sắc), với nơi tương cận phía tây là Ngoại La (Lý Sơn). Ngoài ra, Trương Tiếp còn cho thêm thông tin khá quan trọng vềkhoảng cách từ Ngoại La (đảo Lý Sơn) đến Vạn Lý Thạch Đường là bảy canh thuyền (~ 210 km).

 

Sách Thuận phong tương tống không rõ người viết,ước trong thời Minh, sách này có hoàn cảnh lai lịch gần như bức Hải đồ The Selden Map of China. Bản sách gốc viết tay, hiện lưu tại Thư viện Đại học Oxford (Bodleian Library), có bút tích chữ latin của Hiệu trưởng Đại học Oxfordđề tặng thư viện, ký vào năm 1639 [“Liber Guib : Laud Archirbi Cant. et Cancillor Universit. Oxon. 1639.”].Năm 1935, học giả Hướng Đạt làm một bản sao (chép tay) mang về Trung Quốc và tiến hành việc hiệu chú, Trung Hoa Thư Cục xuất bản vào năm 1961. Một bản khác [64 trang] do Bodleian Library chụp ảnh tặng cho Library of Congress (Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ) vào năm 1966, và Đài Loan đã xuất bản ảnh ấn bản này vào năm 1982. 23

 

Thuận phong tương tốngphân làm 16 mục, mục thứ 13 mang tiêu đề “Các xứ châu phủ sơn hình thuỷ thế thâm thiển nê sa tiêu thạch chi đồ” (vẽ / ghi chép về hình núi, thế nước sâu cạn, bãi bùn, bãi cát, đảo, đá ở châu phủ các xứ) có đoạn mô tả về biển Giao Chỉ, trong đó nêuđịa danh Vạn Lý Thạch Đường : “Giao Chỉ Dương thấp về phía Tây, có đảo cỏ, dòng nước chảy xiết, có lau sậy, nhiều củi, lấn sang phía đông cóphi ngư [cá bay / Cephalacanthidae ?], lấn sang tây có bái phong ngư [cá heo / dolphin / Delphinus].Độ sâu của nước được 45 thác[sải tay]. Lấy sangđông bảy canh thuyền có Vạn Lý Thạch Đường. ” 24

 

Thuận phong tương tống,mục thứ 6 mang tiêu đề “Định triều thuỷ tiêu trưởng thời hậu” (Xác định thời gian thuỷ triều lên xuống) có đoạn : “Nếu thuyền gần Ngoại La theo hướng nhìn ngang, lấy sang đông đi bảy canh thuyền là Vạn Lý Thạch Đường, trong có hòn đảo màu đỏ (Hồng thạch dữ), không cao. Nếu nhìn thấy thân thuyền là chỗ nước cạn, như thấy mỏm đá phải đềphòng. Nếu như thuyền đi từ Thất Châu Dương [vùng biển phía đông Hải Nam], lấy sang đông bảy canh thuyền là thấy Vạn Lý Thạch Đường, giống như hình cánh buồm,đến gần thì thấy như hai, ba cánh buồm, phải đềphòng. Thuyền đi chậm, một ngày thấy Ngoại La Sơn, phải nhớ [điều này] thật kỹ.” 25

 

Ghi chép trong Thuận phong tương tống có nhiều điểm khá phù hợp với sự tiêu danh và ghi chú trên Hải đồ,điểm khác giữa sách này và Hải đồlà : Thuận phong tương tống đã tập trung cảhai đặc điểm hình trạng “hòn đảo màu đỏ” và“giống như hình cánh buồm” vào cho địa danh Vạn Lý Thạch Đường. 26

 

Các sách có tư liệu ghi chép về Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa còn khá nhiều nhưng hầu hết đều có nội dung tương tự như những tư liệuđiểm qua như trên. So với những tư liệu mang tính tiêu biểu đã trích dịch, những mô tả liên quan đến Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa trong nhiều sách khác về sau này hầu nhưchỉ là sự sao lục, các tư liệu này được nhân rộng và lưu truyền cho đến cuối thời Thanh.

 

Nếu lấy niên hạn cuối thời Minh (1644) cho Hải đồ, chúng ta thấy rằng, những tài liệu ghi chép đều có sự tương quan ít nhiều trong việc định danh và định vị Vạn Lý ThạchĐường và Vạn Lý Trường Sa, đặc biệt là hai sách chỉ nam hàng hải Đông tây dương khảoThuận phong tương tống.

 

 

2/ Địa danh và vịtrí trên địa đồ

Cùng thời đại với Hải đồ đang xét, chúng ta có thể xem qua vài địa đồ rất nổi tiếng. Trên các địa đồ trong thời Minh, về địa danh,đa số chỉ dùng tên Thạch Đường – Trường Sa ; về vị trí, hầu hết được đặt trái ngược với Hảiđồ.

 

Xét từ nguồn gốc, đầu tiên phải nói đến là bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốcđô chi đồ” [Honil Gangni Yeokdae Gukdo Ji Do/ Map of Integrated Lands and Regions of Historical Countries and Capitals / Địa đồ thống nhất bờ cõi đất đai và kinh đô các nước qua các đời] của các tác giả người Triều Tiên là Quyền Cận, Lý Hội và Lý Mậu, địa đồ này làm xong năm 1402, nhằm năm Kiến Văn thứ 4, thời đầu nhà Minh27. Các tác giả Triều Tiên tham khảo tổng hợp từ hai bứcđịa đồ do người Trung Hoa soạn vẽ trước đó, đã vẽlại và bổ sung chi tiết các phần về Nhật Bản, Triều Tiên và Đông Nam Á, hình thành bức “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”. Trong địa đồ này, có hai nơi được tiêu danh Thạch Đường và một nơi tiêu danh Trường Sa, theo thứ tự Thạch Đường – Trường Sa – Thạch Đường, ba đảo gần như thẳng hàng, chếch theo chiều đông nam – tây nam, ba đảo cách nhau khá xa và mỗi đảo chen lẫn trong nhóm đảo mang nhiều tên khác. Trường Sa nằm trong nhóm rất nhiều đảo, cạnh Môn Điều (門碉),Sách La Cát (索羅 吉),Tam Dữ (三嶼)và Địa Y (地衣) ;Thạch Đường (thứ nhất) nằm trong nhóm 4 đảo phíađông bắc Trường Sa, gồm Bà Lị (婆利),La Sát (羅剎),La Già Sơn (羅伽山),Thạch Đường (石塘) ;Thạch Đường (thứ hai) nằm trong nhóm 4 đảo phía tây nam Trường Sa, gồm Thạch Đường (石塘),Bình Cao Luân ? (平高崙),Tô Nhật Cương ? (蘇日岡),Bột Nê (渤泥)28. Đây không phải là trường hợp cá biệt trong việc đặt để vịtrí, vì đa số các địa đồ thời Minh và mãi đến đầu Thanh, mặc dù đã cải đổi vị trí được tiêu danh Thạch Đường – Trường Sa và đặt chúng gần cạnh nhau, nhưng vẫn ở phạm vi không gian và với các địa danh xung quanh vẫn tương tự như trên “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ”.

clip_image006

Hình 2, bản vẽ một phần Hỗn nhất cương lý lịch đại quốcđô chi đồ,
với các địa danh liên quan, Phạm Hoàng Quân phục dạng theo bản kỹ thuật số.

Xem địa đồ tại đây : Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chiđồ
bản lưu tại Thư viện Đại học Long Cốc / Ryukoku University Library, Kyoto.

Thứ hai là “Đông nam hải di tổng đồ” trong tậpQuảng dư đồcủa La Hồng Tiên (1504–1567). Quảng dư đồlà tập địa đồ (atlas) kế thừa từ bức “Dư địađồ” của Châu Tư Bản thời Nguyên 29. Tập địa đồnày làm xong vào năm 1541, in lần đầu vào năm 1555, qua các lần in có sự tăng bổ. Trong bản in năm Gia Tĩnh thứ37 (1558), tập này thêm vào 2 bức “Đông nam hải di tổngđồ” và “Tây nam hải di tổng đồ”.Trong bức “Đông nam hải di tổng đồ”, hai địa danh Thạch Đường và Trường Sa được đặt gần nhau, vị trí Thạch Đườngở trên (~ đông bắc) và Trường Sa ở dưới, so với Hảiđồ thì vị trí 2 nơi này đảo ngược.

 

Cách sử dụng địa danh Thạch Đường – Trường Sa vàđặt định vị trí hai nơi này trong vùng biển Đông nam Di (Đông Nam Á) theo kiểu mẫu “Đông nam hải di tổngđồ” trong tập Quảng dư đồthấy khá nhiều, tiêu biểu là các bức :

 

Đông tây nam hải di chư quốc tổng đồ”trong quyểnThủ sách Đông tây dương khảo (1618) 30

 

Đông nam hải di đồ” trong quyển 223, sách Võ bị chí(1619) 31

 

Đông nam hải di đồ” trong Dư đồ yếu lãm –quyển 4, sách Độc sử phương dư kỷ yếu (1679, Thanh) 32

clip_image008

Hình 3, “Đông nam hải di đồ”trong quyển 223, sách Võ bịchí.
Thạch Đường – Trường Sa cạnh nhau, xung quanh là Bà Lị, 
La Sát, Long Ngự, Hải Di Dữ, Hà Di, Phân Xá, Địa Y.
Võ bị chí, quyển 223. Bản lưu tại Thư viện Đại học Waseda.

Bức thứ ba là “Tự Bảo thuyền xưởng khai thuyền tòng Long Giang Quan xuất thuỷ trực để ngoại quốc chưPhiên đồ” (Hải đồ khởi hành từ xưởng đóng tàu Bảo thuyền 33 theo cửa Long Giang ra biển thẳng đến các nước Phiên hải ngoại) tức “Trịnh Hoà hàng hải đồ”trong sách Võ bịchí (1619) của Mao Nguyên Nghi. Sách Võ bịchí tuy làm xong vào thời cuối nhà Minh nhưng trong đó đã công bố cuộn hải đồ sưu tập có niên đại phỏngđịnh hồi đầu thời Minh (sau những chuyến đi biển của Trịnh Hoà, trong những năm từ 1405 đến 1430). Trên “Trịnh Hoà hàng hải đồ” không ghi tên người soạn vẽ, cũng không ghi năm soạn vẽ, vì vậy giới nghiên cứu Trung –Tây đã nêu nhiều giả thuyết, tạm thời, xem như trong khoảng 1430-1619. Trên “Trịnh Hoà hàng hải đồ” có ba nơi được ghi (theo thứ tự trước sau từ phải sang trái) là Thạch Tinh Thạch Đường – Vạn Sinh ThạchĐường Dữ – Thạch Đường, ba địa danh này đượcđặt thành một nhóm gần nhau, trong đó Thạch Tinh ThạchĐường được biểu thị bằng một tập hợp các nét chấm tròn như là bãi cát rộng lớn, Vạn Sinh ThạchĐường Dữ được biểu thị là hòn núi lớn và ThạchĐường là hòn núi nhỏ hơn 34.

 

Trên “Trịnh Hoà hàng hải đồ”, cách sử dụng nhómđịa danh có thể xem là cá biệt so với hầu hết các sách và địa đồ trong thời Minh, cũng khác xa với cách sử dụng địa danh trên Hải đồ “The Selden Map of China”. Nếu xem các cách gọi tên đều nhằm để chỉnơi Thạch Đường– Trường Sa, thì việc đặt định vị trí nơi này thể hiện trên “Trịnh Hoà hàng hải đồ” cũng khác xa Hảiđồ, và cũng có sự chênh lệch về khoảng cách rất xa so với không gian thật.

 

Qua những địa đồ này, có thể thấy việc đặt đểcác địa danh ngoài Trung Hoa trên địa đồ tuy khá phức tạp, nhưng hầu như đều có mối liên hệ, các địa đồsau không khác mấy so với địa đồ ban đầu. Ngoài trường hợp “Trịnh Hoà hàng hải đồ”,hầu hết địađồ về các nơi hải ngoại thời Minh đều dùng địa danh Trường Sa – Thạch Đường. Qua các địa đồ tiêu biểu đã nêu, có thể nhận định rằng Hảiđồ đang xét là nơi xuất phát của cách ghi Vạn Lý Thạch Đường– Vạn Lý Trường Sa, và đến khoảng hơn 50 năm sau, trên bức địa đồ khổ lớn thời Khang Hi, tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa lạiđược sử dụng.

 

Sự thừa tiếp trong thời Thanh

 

Niên điểm tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường –Vạn Lý Trường Sa ghi trên địa đồ.

 

Đến thời Thanh, tổ hợp địa danh Vạn Lý ThạchĐường – Vạn Lý Trường Sa ghi trên địa đồ, đầu tiên trong bức “大清中外天下 全圖–康煕丙申/Đại Thanh Trung-Ngoại thiên hạ toàn đồ/ Địa đồ Đại Thanh về Trung Hoa và các nước xung quanh” vẽ năm Khang Hi bính thân (1716), kế đến là bức “天下總輿圖/Thiên hạ tổng dư đồ/ Địa đồ tổng quát thế giới” trong tập địa đồ [atlas] 清直省分圖Thanh trực tỉnh phân đồ (1724), kế nữa là bức “天下總輿圖/ Thiên hạ tổng dư đồ/ Địa đồ tổng quát thế giới” trong tập 皇清各直省分圖Hoàng Thanh các trực tỉnh phân đồ (1755), v.v. 35

 

Niên điểm tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường –Vạn Lý Trường Sa – Thất Châu Dương – Nam Áo Khí ghi trên địa đồ.

 

Mở rộng phạm vi một chút, chúng ta thấy trên Hải đồsử dụng tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường –Vạn Lý Trường Sa – Thất Châu – Nam Áo Khí. Sau Hải đồ,đến giữa Thanh, thấy tổ hợp này được lặp lại bắtđầu từ “大清萬年一統天下全圖/Đại Thanh vạn niên nhất thống thiên hạ toàn đồ”(1767) của Hoàng Chứng Tôn, kế đến là “大清萬年一統地理全圖/Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ”(1800) (khuyết danh), kế nữa là “大清一統天下全圖/Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ”của Đào Tấn, v.v.36

 

Nhìn chung, trong các địa đồ thời Thanh, đối với những bức mở rộng không gian, thể hiện các nơi hải ngoại, phần lớn đã sử dụng tổ hợp địa danh Vạn Lý Thạch Đường –Vạn Lý Trường Sa như Hải đồ đã sử dụng.

 

 

Kết luận

Qua những tư liệu ghi chép trong các sách và cách ghiđịa danh trên nhiều địa đồ, hải đồ cùng thời, có thể thấy Hải đồ The Selden Map of Chinalần đầu tiên dùng địa danh Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa và đặt phương vị khá chuẩn xác.

 

Quan sát Hải đồmột cách độc lập, thấy rằng cácđịa danh được được ghi trên Hải đồchỉ nhằm thểhiện tiêu chí giao thông, không có ý biểu thị việc xácđịnh chủ quyền của nơi này đối với nơi khác.

 

Trong trường hợp Hảiđồ có thêm mục đích biểu thị hoặc gián tiếp nói đến sự lệ thuộc của các hải đảo vào quốc gia lục địa nào đó, thì Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa không thuộc vùng biển Trung Hoa, điều này không chỉ nhận biết dựa vào vị trí diễn tả trên Hải đồ,mà còn có sự liên hệvới những bức cùng thời đã nêu. Chẳng hạn, trong các sách Quảng dư đồVõ bị chí và Đông Tây dương khảođều có nhiều địa đồ về Trung Hoa và ngoài Trung Hoa, nhưng Thạch Đường – Trường Sa chỉ có trên các địađồ diễn tả nơi ngoài Trung Hoa, như “Đông nam hải diđồ”, “Đông tây nam hải di chưquốc tổng đồ”. Ởgóc độ này, tức việc định vị các hải đảo và thểhiện vùng biển Đông Nam Á, Hải đồ có thêm giá trị điều chỉnh các điểm bất ổn của nhiều địa đồtrước nó.

 

Xem xét Hải đồphối hợp với tư liệu các loại (chính sử, phương chí, địa lý du ký), chúng ta thấy hầu hết các ghi chép đều có ý cho rằng Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa nằm trong vùng biển thuộc các nước khu vực Đông Nam Á.

 

Xem xét Hải đồphối hợp với các tư liệu ghi chép về hàng hải, tiêu biểu như Hải ngữvà Thuận phong tương tống, chúng ta thấy có sự xác định khá rõ Vạn Lý Thạch Đường và Vạn Lý Trường Sa thuộc vùng biển Giao Chỉ (nay là Việt Nam).

 

Cái Bè, ngày 4/11/2012

 

Phạm Hoàng Quân