Hãy Làm Sống Lại Niềm Tin

Chúa nhật III Thường niên C

(Nehemiah 8:2-4a, 5-6, 8-10. Corinthians 12:12-30, 12:12-14,27.

Luke 1:1-4, 4:14-21)

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Bài đọc 1 hôm nay trích sách Nehemiah là sách nói về hiến pháp của cộng đồng Do Thái sau thời kỳ bị
phân tán đi lưu đầy và đền Jerusalem bị phá hủy.

Đây là câu chuyện nói về những bước khởi đầu của cộng đồng, một cộng đồng đầy hy vọng, mặc dù
có rất nhiều khó khăn thấp thoáng trước mặt. Thầy cả Ezra và giáo dân Nehemiah[1] đã sống vào thời kỳ
này, thời kỳ dân Israel trở lại đất tổ sau những năm tháng tù đày ở Babylon . Đây hiển nhiên là thời kỳ tái
tạo vì dân chúng đã mất hết niềm tin vì thất lạc và mất nối kết.

Ezra và Nehemiah đã đưọc Thiên Chúa ủy thác để giảng dạy cho dân những điều họ đã đánh mất để
tạo dựng lại cấu trúc cộng đồng, linh hứng cho họ một lần nữa những lý tưởng cao cả về niềm tin của
dân Do Thái, hầu có thể bắt đầu một cuộc sống mới tôn giáo, xã hội lành mạnh.

Quang cảnh sống động được diễn tả trong bài đọc I hôm nay là một tiền-tuyên-bố cho biết những
luật lệ căn bản mà cộng đồng phải tuân thủ. Dân chúng tụ họp lắng nghe tuyên cáo này trong bầu khí
linh thiêng và cảm động. Một số người đã bật khóc vì sung sướng được tự do nghe lời Chúa sau những
thảm cảnh đau thương Jerusalem bị phá hủy và nay lại có ơn cứu độ. Tuy nhiên Nehemiah đã cảnh cáo
cho họ biết đó chỉ là ngày lễ hội và, để Chúa ban sức mạnh thì cần phải vui mừng hoan hỉ cám ơn Chúa vì
những tặng phẩm Chúa ban. Cuối cùng, Lời Chúa chính là sức mạnh và niềm vui.

Vậy phản ứng của chúng ta trước quang cảnh vĩ đại này là gì? Bài đọc này chính là một mời gọi mỗi
người chúng ta, đặc biệt những vị thừa tác viên mục vụ, cám ơn Chúa vì lòng thương của Người không
quên chúng ta, lại ban cho chúng ta đủ thứ, đồng thời cám ơn tất cả những ai đã từng cộng tác với mình
để tái tạo nền móng đức tin và Giáo Hội của chúng ta mỗi ngày.

KẾ HOẠCH MỤC VỤ CỦA THÁNH LUCA

Tin Mừng thánh Luca là phúc âm duy nhất trong bốn phúc âm thư có lời mở đầu (Lc 1:1-4). Thánh
Luca đã nhận thức ra là mình mắc nợ những người đã chứng kiến ngay từ đầu cũng như những người
phục vụ Lời Chúa, nhưng ông quả quyết là những đóng góp của mình đã được bá cáo đầy đủ và chính
xác - theo thứ tự- và chắc chắn là có ý cung cấp cho Theophilus (bạn của Chúa) và những độc giả khác
những giáo huấn mà họ đã nhận được lúc bấy giờ. Thánh Luca đã không nói với mọi người là những điều
họ học được trước kia là sai lầm. Nhưng đúng ra là ông xác nhận theo niềm tin của họ và quả quyết với
họ theo ước nguyện của họ là muốn được biết thêm về chúa Giêsu, và cũng để tóm gọn mọi sự lại cho
họ theo thứ tự thời gian để niềm tin họ được mạnh mẽ hơn. Một kế hoạch mục vụ như vậy cũng vẫn có
nhiều hiệu quả trong việc truyền đạt niềm tin ở thời đại ngày nay.

SỰ TRỞ VỀ CỦA CẬU BÉ TỈNH NHÀ

Thánh Luca không phải là thánh sử duy nhất đã ghi lại cuộc viếng thăm Nazareth của chúa Giêsu,
nơi Người đã được nuôi dưỡng và lớn lên (Lc 4:16). Thánh Marco và Mathiêu cũng viết về giai đoạn này
nhưng không nói rõ tên thị xã mà nói là “tỉnh nhà” (Mc 6:1; Mt 13:54). Tuy nhiên có nhiều khác biệt
giữa câu chuyện thánh Luca kể và câu chuyện do Macco và Mathiêu viết. Trong Mac cô, việc trở về tỉnh
nhà của Chúa được nói tới không phải lúc khởi đầu công việc sứ vụ của Người, nhưng sau một thời gian
dài rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh cũng như bàn cãi về những dụ ngôn (Lc 4:1-34) và phép lạ làm
cho con gái ông Jairus sống lại (Lc 8:40-55). Trong Mathiêu, chúa Giêsu cũng đã loan báo địa danh làm sứ

vụ của Người cho “12 tông đồ” (Lc 10:2-42; Mt 10:1-16).

Thánh Luca đã sắp đặt những câu chuyện này ở thời kỳ đầu sứ vụ của chúa Giêsu. Thoạt nhìn chúng
ta có thể nghĩ là thánh Luca có ý sửa lại thời biểu của thánh Macco và Mathiêu. Nhưng coi lại chi tiết câu
chuyện của ngài, chúng ta thấy ý nghĩ đó không đúng. Khi chúa Giêsu rao giảng, Người nói là dân thành
Nazareth sẽ nói với Người là: “Chúng tôi đã nghe biết tất cả những điều này ở Capernaum rồi, bây giờ
hãy làm như vậy ở tỉnh nhà của ông xem sao” (Lc 4:23). Những lời này cho thấy trước khi về Nazareth,
chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người ở Capernaum và đã gây rất nhiều ngạc nhiên nơi dân chúng đến
độ danh tiếng Người đã bay về tận Nazareth.

GIÂY PHÚT BẤT NGỜ

Khi chúa Giêsu đứng trong hội trường ở Nazareth thì quả là giây phút bất ngờ. Chúa mở sách ngôn
sứ Isaiah và đọc chương 61. Bản văn này đã lấy ra từ tập thơ nói về những ngày sau cùng, báo trước dân
thành Jerusalem sẽ được cứu rỗi, biểu tượng về dân Israel sẽ được canh tân. Khi những lời này được
nói ra từ miệng chúa Giêsu thì nó đã minh thị Người là đấng thiên sai và ngôn sứ của thời cánh chung.
Những lời này cũng báo cho mọi người biết sứ mệnh của Người là loan báo Tin Mừng, giải phóng mọi
người cả nam lẫn nữ và nói cho họ biết về ân sủng của Thiên Chúa. Do đó toàn thể sứ vụ của Chúa Giêsu
phải được hiểu trong bối cảnh này.

Mở cuộn sách ra, Chúa thấy ngay chỗ có lời viết: “ Thần khí Chúa đã ở trong tôi!” (Lc 4:16-18; Is
61:2). Rất đặc biệt, giòng cuối cùng đã được chúa Giêsu đọc là: “công bố hồng ân một năm của Chúa”(Lc
4:19;Is 61:2), và ngay lập tức sau đó, sứ điệp của chúa Giêsu là một tuyên cáo rất rõ ràng “Hôm nay đã
ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”. Cách biểu thị của Isaiah (61:2) “năm hồng ân của Chúa” rõ
ràng ám chỉ một toa thuốc ghi trong Sách Leviticus về năm Toàn xá / năm Thánh (Lv 25:10-13).

Câu chuyện chúa Giêsu ở trong hội trường đã không được thánh Luca trích lại toàn thể câu văn
của Isaiah. Câu văn Isaiah có hai túc từ cho động từ “công bố” ( xem Is 61:2). Tin Mừng thánh Luca chỉ
trích có túc từ thứ nhất là “hồng ân một năm của Chúa” mà quên túc từ thứ hai là “Ngày báo thù cho
Chúa chúng ta”. Lời tiên tri của Isaiah báo trước là Thiên Chúa sẽ can thiệp ở hai phương diện, một là
giải phóng dân Do Thái, hai là trừng phạt kẻ thù của họ. Tin Mừng không nói tới phần chống đối của kẻ
thù. Sự bỏ sót này rõ ràng cho biết hai hậu quả: -bản thông điệp không có tính tiêu cực, -ẩn tàng tính
phổ quát. Cũng không thấy có gì ám chỉ phân biệt rõ ràng giữa dân Do Thái và không phải Do Thái. Sự
mở rộng phổ quát là đặc tính chính của sứ vụ và rao giảng của chúa Giêsu, nhất là trong Tin Mừng thánh
Luca và Tông Đồ Công Vụ.

Quang cảnh Tin Mừng hôm nay kết thúc là chúa Giêsu nói với khán thính giả rằng Người là đấng kiện
toàn lời tiên tri Isaiah, hay nói cách khác lời tiên tri “hôm nay” đã ứng nghiệm. Do đó Chúa Giêsu đã nói
cho chúng ta biết buổi khánh thành sứ vụ công khai của Người đánh dấu ngày đầu của thời cánh chung,
đồng thời cũng là bước đầu công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Sự tương đồng
giữa lời Chúa Giêsu và lời tiên tri Isaiah quả rất thích hợp với sứ vụ của Chúa Giêsu, Người đã nhắc nhở
chúng ta là lịch sử không che dấu những vinh quang khải hoàn và tai họa, sự trung thành và bất trung
của Israel qua mọi thời đại. Đúng ra là lịch sử làm cho họ nổi bật.

Giờ của Chúa Giêsu đã đến để Người nắm lấy lịch sử trong chính tay Người, để đối diện với nó bằng
chính thân xác Người, để Người làm một cái gì khác thường, và để nhắc nhở mọi người rằng Thiên Chúa
đã không bỏ những kẻ than khóc, những kẻ hy vọng, những kẻ đau khổ và những kẻ ước vọng. Thiên
Chúa sẽ hoàn thành những điều đó trong chính con một Người là đấng đã đứng ngay giữa hội trường
Nazareth . Qua quyền lực của chúa Thánh Thần, chúa Giêsu đã hoàn chỉnh lời tiên tri Isaiah, mang lại tin
vui và tuyên bố trả tự do cho những kẻ bị cầm tù. Không phải tất cả mọi người sẽ chấp nhận những Tin
Mừng này như phần còn lại của bài Phúc Âm cho chúng ta thấy.

NHÀ GIẢNG THUYẾT THẤT BẠI

Nếu đọc tiếp tục câu chuyện Phúc Âm hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra được bầu khí náo loạn, kinh hãi
và nghi hoặc biến thái rất nhanh khi mà Chúa Giêsu Nazareth không nói những lời mà dân địa phương
muốn Người nói. Sau khi chúa Giêsu đưa ra 4 điểm chính của chương trình sứ vụ của Người trong hội
trường ở Nazareth (Lc 4: 16-21), đám đông trở nên ồn ào, tỏ vẻ ganh tị và muốn đưổi Chúa ra khỏi đó
(Lc 4:22-30). Chúa Giêsu đã không thành công trong việc làm cho họ nghe và hiểu Người để rồi phải vội
vã ra đi…..để thoát thân (Lc 4:30).

Những hình ảnh đầu tiên trong sứ vụ của Chúa Giêsu là hình ảnh một người thất bại, chẳng ai thèm
để ý tới và hưởng ứng. Dân thành Nazareth thì từ chối không chịu nghe sứ điệp về giải phóng, tự do và
hoà giải. Họ đã nghe những điều tương tự như vậy nhưng hoàn toàn với màu sắc riêng theo thái độ của
họ.

LỜI KẾT: ĐÁP ỨNG LỜI CHÚA

Giống như dân Israel trong bài đọc I tụ tập quanh thầy cả Ezra và lắng nghe lời Chúa với nỗi niềm xúc
động khôn tả (Ne 8:5), chúng tôi, cũng đứng nghe sứ điệp sống của Chúa và cảm thấy sự hiện diện của
Người trong đó và trong mỗi một nghi thức phụng vụ. Ezra chúc tụng Thiên Chúa, Thiên Chúa vĩ đại cao
cả và tất cả dân đều giơ cao hai tay và thưa “Amen, Amen”(Ne 8:6). Với tiếng Amen ở cuối mỗi kinh đọc
lúc viếng Mình Thánh Chúa, chúng tôi nhận thức được sự hiện diện thực của Chúa ở trên bàn thờ, Lời
hằng sống và vĩnh cửu của Đức Chúa Cha.

Với dân chúng tụ tập trong hội trường Nazareth , chúng tôi cũng nhìn thấy Chúa và nghe Lời Chúa
được ứng nghiệm trong chính con người của Chúa là đức Giêsu Kitô, Lời bằng xương bằng thịt thực sự.
Để đáp ứng lời tuyên xưng này, chúng tôi đọc lớn “Amen” , “Tôi Tin!”

Chớ gì Thần Linh Chúa xức dầu chúa Giêsu cũng xây đắp chúng tôi thành một thân xác và gửi chúng
tôi đi khắp nơi để tuyên xưng tự do và hồng ân Chúa cho muôn dân.

Fleming Island, Florida

Jan. 23, 2013

NTC

[1] EZRA là luật sĩ và tư tế được vua Ba Tư Artaxerxes gửi đi lãnh đạo toán dân Do Thái bị lưu đầy ở
Babylon về Jerusalem với quyền hạn cả về tôn giáo lẫn chính trị. Ông cùng với Zerubbabel và Jeshua từ
Babylon trở về Jerusalem (Neh 12:1,12; Azariah 10:2). Ông là tư tế từng tham dự lễ tái cung hiến tường
thành Jerusalem (Neh 12: 33).Có người cho là Ezra và Nehemiah là những cộng sự viên, nhưng không
chắc chắn (Neh 8:9; 12:26,36).

NEHEMIAH là nhà lãnh đạo dân Israel trở về Jerusalem cùng với Zerubbabel từ Babylon sau khi bị cầm
tù vào năm 538 B.C.E. (Ezra 2:2; Neh 7:7).