Lời Ngỏ tác phẩm: Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam

LTS. Để chuẩn bị mừng 25 năm lễ bạc phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam (1988-2013), giáo xứ Việt Nam Paris cho xuất bản tác phẩm: “Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam” nhằm mục đích nêu bật sự đóng góp của Công Giáo Việt Nam nói chung và đặc biệt của Các Thánh Tử Đạo Công Giáo Việt Nam nói riêng vào việc gìn giữ, phong phú hoá và thăng hoa Văn Hóa Việt Nam.

Nhận thấy đây là một tác phẩm giá trị, sâu sắc về nội dung, phong phú về tài liệu nên Vietcatholic đã yêu cầu Đức Ông Mai Đức Vinh và Ban Mục Vụ Văn Hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris cho Vietcatholic công bố tài liệu nói trên để cống hiến độc giả trên toàn thế giới.

Theo lời yêu cầu của Ban Mục Vụ Văn Hóa, Vietcatholic sẽ lần lượt mỗi tháng công bố một bài trong số 16 bài nghiên cứu của tác phẩm này. Xin qúy độc giả tiếp tục theo dõi.

Vietcatholic xin chính thức một lần cám ơn Đức Ông Mai Đức Vinh và Ban Mục Vụ Văn Hóa Giáo Xứ Việt Nam Paris và xin trân trọng giới thiệu tác phẩm hiếm qúy này với qúy độc giả


LỜI NGỎ

Với cuốn sách mang tựa đề ‘Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam’, chúng tôi muốn vắn tắt nêu bật sựđóng góp của Công Giáo Việt Nam nói chung và đặc biệt của Các Thánh Tử Đạo Công Giáo Việt Nam vào việc gìn giữ, phong phú hoá và thăng hoa Văn Hóa Việt Nam.

Theo ông Federico Mayor, tổng giám đốc UNESCO, thì ‘Văn hóa gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ tín ngưỡng, phong tục, tập quán lối sống và lao động’. Đây là một trong nhiều cách hiểu về nội dung của từ ‘văn hóa’, và đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận (1). Cụ thể, Văn hóa là một lối sống, «một hệ thống tổ hợp biểu lộ tác phong, bao gồm thiết kế nhận thức (cô đọng trong tín ngưỡng, triết lý, nghệ thuật, luật lệ, khoa học,..), hành động tổ chức (qui định trong chính trị, giáo dục, văn học, phong tục, tập quán) và tất cả những cải tiến ứng xử (biểu lộ qua những hình thức sinh sống) của tập thể con người sống thành xã hội» (2). Cách diễn tả này giúp chúng ta nắm bắt dễ dàng nền văn hóa của Việt Nam vào thế kỷ XVI-XVII, là thời điểm Tin Mừng Cứu Độ được rao giảng hay công trình Truyền Giáo được hoạt động mạnh mẽ tại Quê Hương Việt Nam, cũng là thời điểm mà cha ông chúng ta đã nhận được niềm tin Kitô giáo và đã sống, gắn bó, chọn lọc, đổi mới và thăng hoa Văn Hóa Việt Nam.

1. Tương quan giữa Tin Mừng Cứu Độ và Văn Hóa.

Trong Hiến Chế Mục Vụ về ‘Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay’ (Constitutio Pastoralis De Ecclesia In Mundo Hujus Temporis) quen gọi là Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudum et Spes, GS) ban hành ngày 28.10.1965, các Nghị Phụ tham dự Công Đồng Vatican II tuyên bố:

‘Giữa sứđiệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ…Vì thế, trải qua bao thế kỷ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, Giáo Hội đã xử dụng những tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt hầu phổ biến và giải thích cho muôn dân sứđiệp của Chúa Kitô… Giáo Hội ý thức rằng, Giáo Hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hòa mình với nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhờđó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn. Tin Mừng Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ cái sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn đe dọa. Tin Mừng không ngừng tinh luyện và nâng cao văn hóa các dân tộc. Những đức tính của mọi thời được Tin Mừng làm cho phong phú hơn từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô nhờ ân huệ bởi trời. Như vậy, trong khi chu toàn bổn phận riêng, Giáo Hội cũng thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại…» (GS 58) (3).

Từ bản văn trên đây, chúng ta rút ra bốn điều:

1. Giáo Hội trung thành với truyền thống và ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, nên Giáo Hội hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau.

2. Giáo Hội hòa mình với thầm ý xử dụng các nền văn hoá mà phổ biến sứđiệp của Chúa Giêsu, tức là để rao giảng Tin Mừng.

3. Bởi vì Tin Mừng không ngừng tinh luyện và nâng cao các nền văn hóa, hầu làm cho các nền văn hóa, nhờ Tin Mừng, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô.

4. Do đó, bổn phận chung của Giáo Hội và của riêng mỗi Kitô hữu là kính trọng, là góp phần tinh luyện và phát triển nền văn hóa của xứ sở, nơi sinh sống. Nhờđó cả Giáo Hội và mọi nền văn hóa mỗi ngày thêm phong phú.

2. Giáo Hội nhắn nhủ các nhà truyền giáo.

Nhìn vào lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam, cách riêng vào đời sống của các Thánh Tử Đạo, chúng ta thấy nổi bật những điểm trên đây: học hỏi, kính trọng, hòa mình, xử dụng, tinh luyện, nâng cao và phát triển… nền văn hóa của nước Việt Nam, với chủđích duy nhất là mở đường phổ biến Tin Mừng vào dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hóa.

Phải chăng vì mục đích phổ biến Tin Mừng này, mà nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ngay từ năm 1659, khi chính thức gửi hai vị Đại Diện Tông Tòa đầu tiên, đức cha Lambert de la Motte (18.6.1660) và đức cha Pallu (3.1.1662) sang Việt Nam, Bộ Truyền Giáo, đã nhắn nhủ hai vị như sau:

«… Dù nhiệt tâm truyền giáo, quý ngài không được viện lý do nào khuất phục dân xứđó phải thay đổi nghi lễ, phong tục và tập quán của họ, trừ những điều rõ ràng là nghịch với tôn giáo và với luân lý. Không gì kỳ khôi cho bằng du nhập nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi hay một nước Âu châu nào khác vào giữa dân Trung Hoa (hay dân Việt Nam). Đừng du nhập xứ sở chúng ta vào xứ của họ, nhưng phải rao truyền đức tin, đức tin này không được khước từ, không làm tổn thương các nghi lễ, các thói quen của bất cứ một dân tộc nào, trừ khi những nghi lễ và những thói tục ấy thật sự tồi bại, ngoài ra phải bảo tồn và che chở các nghi lễ và các phong tục của các dân tộc ấy. Có thể nói là phải ghi vào trong bản tính của mọi người lòng quý chuộng, yêu mến, phải cho cả thế giới biết những truyền thống tốt đẹp của các xứ sở họ.

Vậy đừng bao giờ đem so sánh các phong tục của các dân tộc ấy với các phong tục của Âu châu. Trái lại, chính các ngài phải mau mắn làm quen với phong tục của họ. Hãy thán phục và khen ngợi những cái gì đáng thán phục và khen ngợi’ (4).


3. Các nhà truyền giáo trung thành với giáo huấn của Giáo Hội: quan tâm đến văn hóa.

Dù cách nhau ba thế kỷ, giáo huấn của Công Đồng Vatican (1965) không đi xa hơn chỉ dụ của Thánh Bộ Truyền Giáo (1659). Thực tế, các Thừa Sai Âu châu, nhờ Thánh Linh soi dẫn, đã sáng suốt nhận ra những ưu điểm của tính tình, tâm lý, phong tục, tinh thần tôn giáo… nói tắt là những ưu điểm của nền văn hóa Việt Nam ngay khi đặt chân ‘lên đất nước Việt Nam rao giảng Tin Mừng’. Trong cuốn ‘Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam’ vào các năm 1615-1665, linh mục Nguyễn Hồng đã nêu lên những lý do thành công của việc truyền giáo trong giai đoạn này. Linh mục đề cao lý do thứ nhất, là ‘các thừa sai đã sớm nhận ra ‘con người Việt Nam và xã hội Việt Nam’ với những tính tình, phong tục… cao đẹp. Theo linh mục, đây là lý do quan trọng nhất để Tin Mừng được rao giảng và đón nhận dễ dàng và hồ hởi hơn tại các nước lân cận (Trung Hoa, Lào, Cao Miên, Thái Lan…). Linh mục viết:

«Những con người trong xã hội Việt Nam đã được dọn sẵn để đón nhận hạt giống Tin Mừng, với những hoàn cảnh thuận tiện, nơi đất tốt, hạt giống nảy mầm, lớn lên thành cây to, mang quả nặng. Nói đến người dân Việt, các cha đã không hết lời khen ngợi: «Tính tình họ thuần hậu, tốt lành». Họ biết nhận lẽ phải, không kiêu căng và tự tôn như người Tàu. Thực tế, trong các làng Việt Nam xưa, ngoại trừ một vài người giàu có, đàn anh, quan lại mục nát vợ nọ con kia, rượu chè cờ bạc, thuốc xái, còn hầu hết người dân đều sống một đời thanh bạch, đơn sơ chất phác. Nhờ những gì cao quý trong hai đạo Phật và đạo Khổng, người Việt Nam có tâm hồn đạo đức sâu xa, từ bi thương người, nhẫn nhục làm ăn, tôn trọng lễ nghĩa cương thường là những điều rất hợp với đạo tự nhiên… Trong xã hội Việt Nam các cha tìm thấy nhiều thuần phong mỹ tục, nhất là không có phân chia giai cấp, phái tộc một cách quá đáng như ở Ấn Độ, một cản trở lớn cho việc truyền giáo… Nếu đem so chiếu những hoàn cảnh thuận tiện đây với những cản trở khó dễ các cha gặp phải do những cấm cách của các chúa Trịnh và các chúa Nguyễn… thì phải công nhận: ở người dân Việt và ở xã hội Việt có nhiều yếu tố trợ giúp việc truyền giáo hơn là ở những nước khác miền Đông Á. Cha Gioan Cabral, bề trên kinh lược xứ Bắc 1645-1646 cũng công nhận như vậy (5).

Gần ba trăm năm sau, cha Léopold Cadière (1869¬1955) đến truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1942, cũng có một tinh thần như các bậc đàn anh, ngài đã bày tỏ:

«Tôi hiểu người Việt bởi vì tôi quan tâm học hỏi về những gì liên quan đến cuộc sống, phong tục, tôn giáo… của họ. Càng hiểu họ, tôi càng yêu mến họ… Quả thật, tôi học tiếng của họ ngay khi mới tới Việt Nam… Tôi nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán… của họ và phải thừa nhận: người Việt Nam rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng… Họ lưu giữ tựđáy lòng những tia sáng tôn giáo tự nhiên mà Tạo Hóa vốn ẩn dấu vào tâm khảm của nhân sinh… Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ, xuyên qua các thế kỷ… Tôi nhận thấy nước Việt Nam từ nguyên thủy đã không ngừng nung nấu một chí hướng cao về phát triển và tiến bộ… hào hùng và can đảm, thích ứng vào từng giai đoạn… Thật đáng thán phục… Đã nghiên cứu và hiểu biết người Việt, nên tôi yêu mến họ: Tôi yêu mến họ vì họ thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ… Tôi yêu mến họ, vì những đức tính tinh thần của họ, đặc biệt nơi những người nông dân:… họ có những tình cảm cao cả, tình yêu thương sâu đậm của gia đình, giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, chuyên cần trong công việc, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo hèn và khổ cực mỗi ngày. Tôi mến họ vì họ khổải, làm việc nặng nhọc mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu…» (6)

4. Nét nổi bật của Giáo Hội Việt Nam: Gắn bó, đổi mới và nâng cao văn hóa dân tộc.

Từ những bằng chứng lịch sử trên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng đối với nền văn hóa của dân Việt Nam, Tòa Thánh Roma hay các giám mục, linh mục và tu sĩ thừa sai luôn trân trọng, luôn quan tâm tìm hiểu và tinh luyện để nâng cao và phát triển theo giáo huấn Tin Mừng và theo truyền thống của Giáo Hội. Và dĩ nhiên đó là những nét nổi bật của Giáo Hội Việt Nam giữa lòng Dân Tộc Việt Nam. Càng tin đạo Chúa, càng gắn bó với quê hương. Càng thấm nhuần Tin Mừng, Giáo Hội Việt Nam càng sáng suốt và sẵn sàng đổi mới gia sản tinh thần hay nền văn hóa của dân tộc. Quả thật: ‘Sách rách phải giữ lấy lề’, nhưng đồng thời phải ‘Nhật tân, hựu hựu nhật tân’

Vì thế, người ta không thể căn cứ vào một vài hành động cá nhân trong một giai đoạn lịch sử nào đó để phủ nhận công nghiệp tập thể, to lớn, và bền vững của Giáo Hội Việt Nam, trong đó có sựđóng góp của các thừa sai từ đầu lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, rồi ‘vơ đũa cả nắm mà kết án cách phũ phàng và bất công’ (7).

5. Mục đích nêu bật: Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam.

Trong tập sách này, mục tiêu không phải để trình bày công trình văn hóa chung của Giáo Hội Việt Nam hay của Việt Nam. Vấn đề quá to lớn vượt khả năng của chúng tôi.

Trong tập sách này chúng tôi chỉ muốn đốt lên một ngọn đèn sáng, là «những giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã chết vì đạo tại Việt Nam» trong khoảng ba trăm năm bách hại (1630-1886) đều là những người chẳng những đã trung thành gìn giữ và nêu gương sáng sống văn hóa «Dân Tộc Quê Hương Việt Nam», mà còn làm cho nó thêm phong phú và được thăng hoa thêm theo tinh thần Phúc Âm và truyền thống của Giáo Hội mà Công Đồng Vatican II nhắc lại ở trên.

Vì trong thời các chúa Trịnh - Nguyễn (1540-1802) và các triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn (1802- 1860), ảnh hưởng đạo Khổng rất mạnh, bao trùm trên mọi giới và trên mọi môi trường sinh hoạt của dân tộc Việt Nam, nên hầu hết các bài viết của chúng tôi dựa trên cốt lõi của các tôn giáo cổ truyền là ‘đạo Trời’, ‘đạo hiếu’ và ‘linh hồn bất tử’, trên các nguyên tắc luân lý ‘Tam cương’ (Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ) và ‘ngũ thường’ (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Tất cả được coi là ‘cốt lõi nền văn hóa việt nam’.

Nguồn liệu của chúng tôi, trước tiên là những sự kiện lịch sử liên quan đến đời sống và cuộc tử đạo của mỗi vị tuẫn giáo. Đem những sự kiện đó đối chiếu với những cốt lõi văn hóa Việt Nam, tức là của các tôn giáo cổ truyền và của những nguyên tắc luân lý ‘tam cương – ngũ thường’, hầu nêu bật:

Các thánh tử đạo tiền nhân là những người đã thấm nhuần các tri thức nền tảng của văn hóa dân tộc, cô đọng trong các tín ngưỡng, triết lý, văn học, nghệ thuật, luật lệ quê hương. Nói khác đi, Các Thánh Tử Đạo là những người hiểu biết Văn hóa Việt nam.

Không chỉ thấm nhuần các nhận thức và tri thức, các ngài còn sống đích thực và tích cực những nguyên tắc luân lý của dân tộc và thuần phong mỹ tục của quê hương. Nói khác đi, Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân sống của Văn Hóa Việt Nam.

‘Đích thực và tích cực’ ở chỗ các ngài biết cải tiến ứng xử, biết chọn lọc, biết đâu là điều đúng phải sống và đâu là điều không đúng và không cơ bản hay sai lạc, cần canh tân hay phế bỏ, để ánh sáng văn hóa việt nam được sáng hơn, sáng mãi, sáng cho người việt nam và cho thế giới. Nói khác đi, «Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam».

Thước vàng để so đo giá trị, chọn lọc, canh tân, và nâng cao… nền văn hóa này, là Đức Tin múc lấy từ trong Tin Mừng, mà các ngài đã được nghe, được biết, được chân nhận, cảm phục và được sống theo.

Để trung thành với đức tin và với lòng yêu quê hương trong công trình canh tân và nâng cao nền văn hóa dân tộc Việt nam, các Đấng Tử Đạo đã trả một giá rất đắt: Các ngài đã anh dũng và nhẫn nhục chấp nhận mọi gian khổ… và sau cùng là hy sinh mạng sống vì Đức Tin và vì Quê Hương.

Các Đấng Tử Đạo đã đổ máu để làm chứng Niềm Tin, để trổ sinh tín hữu, biểu dương lòng yêu Quê Hương và đốt sáng, thăng hoa nền văn hóa của dân tộc Việt nam.

6. Nội dung cuốn sách

Mong nói lên được cách mạnh mẽ những tiêu điểm trên đây, chúng tôi nhất trí cấu trúc nội dung của cuốn sách ‘Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam’ với những bài viết:

1.Thần học Tử Đạo (Ls Lê Đình Thông, Lm Mai Đức Vinh)

2.Nâng cao và Phúc Âm hóa Đạo Cổ Truyền (Lm Mai Đức Vinh)

3.Tinh thần liên đới trong thời bách hại (Lm Mai Đức Vinh, Vs Đoàn Quốc Khánh)

4. Đức Trung Tín của các Đấng Tử Đạo tại Việt Nam (Lm Mai Đức Vinh)

5. Người nữ thời cấm đạo (Gs Tạ Thanh Minh Khánh)

6. Sống gương mẫu bốn đức tính ‘Cần, Kiệm, Liêm, Dũng’ (Lm Mai Đức Vinh).

7. Không làm chính trị, chỉ rao giảng Tin Mừng (Ptvv Phạm Bá Nha)

8. Đức anh dũng của người tử đạo (Lm Mai Đức Vinh, Gs Nguyễn Xuân Tuệ).

9. Tin Mừng hóa các tinh túy văn hóa Việt Nam (Lm Mai Đức Vinh)

10.Những người nữ anh hùng trong thời cấm đạo (Ptvv Phạm Bá Nha).

11.Thánh Đích, Thánh Mỹ (Gs Trần Văn Cảnh)

12.Thiên đạo chí công (Lm Mai Đức Vinh).

13.Văn học chứng nhân Tử Đạo Việt Nam (Ls Lê Đình Thông).

14.Đại nghĩa trên đương đời (Vs Phạm Hòa Hiệp)

15. Ý nghĩa việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Lm Mai Đức Vinh)

16.Văn khố và những nguồn sử liệu về tử đạo (Gs Trần Văn Cảnh)

17. Tiếp cận Xã Hội Học các Thánh Tử Đạo Việt Nam( Ls Lê Đình Thông)

Phụ lục:

1. Danh sách các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

2. Nhà thờ, Đền thánh và Trung tâm dâng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

3. Tuyển thơ Tử Đạo.

Việc làm nhỏ bé của chúng tôi còn nhằm đến một mục tiêu: góp phần và hòa nhịp với mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam cũng như các cộng đoàn công giáo Việt Nam ở hải ngoại, đang hồ hởi chuẩn bị mừng kỷ niệm 25 năm Lễ Phong Hiển Thánh của 117 vị Chân Phước (1988-2013): Sinh sống ở đâu và trong hoàn cảnh nào, mỗi người chúng ta quyết noi gương tiền bối, vừa kiên tâm sống Đức Tin, vừa gắn bó với nền văn hóa dân tộc.

Tuy nhất trí làm việc hết mình, chúng tôi luôn ý thức đến những thiếu sót về sử liệu và yếu kém về khả năng trình bày, chúng tôi mong được quý độc giả thông cảm và bổ túc lại cho. Chúng tôi thành thực cám ơn và hân hạnh gửi đến quý dộc giả ‘bó hoa dâng kính các Thánh Tử Đạo Tiền Nhân’.

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Ngày 18 tháng 11 năm 2012

Lm Mai Đức Vinh Gs Trần Văn Cảnh

(1) Ông Đào Duy Anh trong cuốn ‘Việt Nam Văn Hóa Sử Cương’ cho rằng ‘văn hóa là sinh hoạt’, nhưng ông không nói đến sinh hoạt tôn giáo mà chỉ nói về ‘Kinh tế sinh hoạt’, ‘Xã hội sinh hoạt’ và ‘Trí thức sinh hoạt’. nxb Bốn Phương, 1938, tr. VII-IX ‘Bài Tựa’ và tr. 13 ‘Văn hóa là gì ?’ - Revue ‘Messager d’Unesco, 11. 1989, tr. 5 – Xem Trần Ngọc Thêm, ‘Tìm về bản sắc văn hóa’ nxb T/p Hồ Chí Minh, 2001, tr.20.

(2) Trần Văn Cảnh, trong Văn Hóa Gia Đình, Paris: Giáo xứ Việt nam, 2006, tr. 23-24

(3) Đọc thêm: ‘Văn hóa là môi trường sinh động có tính cách quyết định, trong đó con người đến gặp Tin Mừng diện đối diện… Vì thế ta càng thấy rõ hơn tại sao Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa có liên quan mật thiết và tự nhiên với nhau. Tin Mừng và việc Phúc Âm hóa tất nhiên không đồng nhất với văn hóa; chúng độc lập với văn hóa… (Ecclesia in Asia, n. 21). – ‘Khi thi hành sinh hoạt truyền giáo của mình giữa các dân tộc, Giáo Hội tiếp xúc với những nền văn hóa khác biệt và tham gia vào tiến trình đối thoại. Giáo Hội truyền thông cho họ các giá trị của mình, đồng thời nhận lấy những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới chúng từ bên trong’. (Redemptoris Missio n.52).

(4) Guennou J. ‘Les Mission Étrangères’, éd. St Paul, Paris, 1950, tr. 49, Giáo Xứ VN- Paris, ‘Văn Hóa và Đức Tin’, Paris, 2004, tr. 110-111.

(5) Nguyễn Hồng, ‘Lịch Sử Truyền Giáo Việt Nam, I, 1615-1665, Sài gòn 1959, tr.275-276. - Bản tường trình của cha Gioan Cabral, xem Histoire Universelle des Missions Chrétiennes, t.II, tr.67-68.

(6) Léopold Cadière ‘Văn Hóa, Tín Ngưỡng và Thực Hành Tôn Giáo Người Việt’, bản dịch của Đỗ Trinh Huệ, t.I, Inxb Thuận Hóa, Huế, 2010, tr. 6-11.

(7) Chúng tôi nghĩ đặc biệt đến ông Cao Huy Thuần tác giả cuốn ‘Đạo Thiên Chúa và chủ Nghĩa Thực Dân tại Việt Nam’ nxb Hương Quê, CA-USA, 1988. Tôi trích ra đây một trong nhiều lời thóa mạ và lên án cách vô ý thức và vô trí thức của ông Cao Huy Thuần: ‘Các kẻ truyền giáo người Âu đã du nhập vào Việt Nam, một xứ khoan dung tôn giáo, tính cố chấp và cuồng tín quá xa lạ với dân tộc này và đi đến chỗ biến người Thiên Chúa Giáo Việt Nam thành những tên phản quốc, những người ngoại quốc trên đất nước mình, những kẻ thù dưới mắt đồng bào mình’ (tr.538-539). - Có thể đọc bài bình luận của Phan Thiết ‘Tôi đọc cuốn ‘Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam’ in trong cuốn ‘Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt’, nxb Văn Nghệ Tiền Phong, Virginia, USA, 1995, tr. 100-117.