Tại Sao Tôi Kỳ Quyết Chống Cộng ?

(cho đến khi nào chế độ độc tài độc đảng Cộng sảnVN bị giải thể hoàn toàn như ở các nước Cộng sản Đông Âu... )
 
Lời Tòa Soạn : Cụ Huỳnh Văn Lang năm nay 90 tuổi. Tuy được Trời thương nên từng ấy tuổi mà cụ vẫn đi bằng chính đôi chân của mình, nghĩa là chưa phải chống gậy, nhưng cụ khoẻ là đối với những qúi vị đồng trang lứa. Các cơ phận đã lão hóa chỉ trừ bộ óc là còn hoàn toàn minh mẫn. Vì thế cụ vẫn đọc sách và vẫn viết rồi gửi qua internet cho những người quen. Cụ không viết văn, không làm thơ, không đề cập đến tuổi già, không bàn về bệnh họan. tất cả những điều cụ viết trong những giờ phút hiếm hoi của cụ là làm sao diện trừ được hiểm họa cộng sản cho dân tộc Việt.
Người ta thường nhắc lời của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin “Cộng sản không thể nào sửa chữa mà phải đào thải nó”. Người ta cũng thường nhắc lời của cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev : “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày nay tôi phải đau buồn mà nói rằng : Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”. Người ta cũng nhắc lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin : “Kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời cộng sản là không có trái tim”.
Cụ Hùynh Văn Lang đã nói những lời tương tự về cộng sản trước cả Gorbachev, Yeltsin và Putin. Lý do là cụ lớn tuổi hơn những người này, đã từng cọ sát với cộng sản trước những người này. Cho nên Cụ đã từng nổi giận với những trí thức “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, những bọn trở cờ, kể cả những đám người cứ tưởng họ đủ tài ba thuyết phục được cộng sản bỏ cộng sản…
 
 
Sau hai năm học triết (1943-44) ở Đại chủng viện Sài Gòn của các cha người Pháp thuộc dòng Les Missionnaires Catholiques de Paris xong, với một mớ kiến thức duy linh làm căn bản tôi bắt đầu tìm hiểu hai chủ thuyết quan trọng nhứt của thế kỷ 19 là chủ nghĩa duy vật Mac-xít, một chủ nghĩa làm quấy động các tầng lớp xã hội cũng như chủ nghĩa Freud làm quấy động tâm lình của con người.
Chủ nghĩa duy vật Mác-xít hấp dẫn hơn, nhứt là từ khi được Lenin đem ra áp dụng một cách điển hình ở Nga từ tháng 10, 1917 với cuộc cách mạng Bolchevith cực đoan (cho dễ hiểu nên gọi là Cộng sản đệ tam quốc tế hay Komintern với Staline từ năm 1922), để rồi từ đó bành trướng ra các nước, bắt đầu từ các nước Đông Âu và sang qua Á Châu, Trung hoa, Đông Nám Á, Đông dương và VN...
Trên đây là sơ lược tối đa về sự hiểu biết về Cộng sản của người viết và hoàn toàn là lý thuyết... phải đợi qua năm 1945 tôi mới biết Cộng sản trên thực tế là cái gì. Vốn qua cuối năm 1944, gẫy gánh dọc đường tu đạo, tôi phải về vườn, ở làng Nhị Long, quận Càng long tỉnh Trà Vinh, quê hương của ông bà cha mẹ tôi.
Đầu năm 1945 về vườn, tôi phải ưu tư lo cho gia đình, tôi còn hai chị chưa chồng, 3 em gái và 2 cháu (con Mỹ nhỏ và thằng Thiệu) mồ côi cha mẹ và hai em nuôi (thằng Tiên và con Bé)... là mưu kế sinh sống bằng nghề nông là khai thác3 mẫu vườn cây ăn trái ở Nhị Long và 2 ngàn mẫu ruộng ở Cái sắn, Tân hiêp, Rạch giá. Cùng một lúc tôi muốn tìm một chơn phụ giáo ở trưởng làng hoặc trường quận, tôi có nhiều bà con trong ngành giáo dục địa phương. Trong khi liên lạc với các cơ quan chánh quyền quận thì tôi nhận một chức phó đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong quận Càng Long, vô hình chung tôi đi vào con đường chánh trị mà không hay biết.
Trong 6 tháng đầu năm 1945, vừa chuyện nhà vừa chuyện phong trào tôi rất bận bịu nhưng hoàn toàn vui sống, vì tự thấy mình dù sao cũng giúp gì cho gia đình, cho xã hội được.Và từ tháng 6 trở đi, cho đến khi tôi phải rời làng ra đì công tác tôi hoàn toàn dấn thân vào chánh trị của làng của quận cũng là của đất nước.
Lúc bấy giờ (1945) VN đang còn ở dưới chế độ thuộc địa Pháp, với sự chiếm đóng giới hạn nào đó của quân đội hoàng gia Nhựt từ bốn năm trước, trong lúc Thế chiến thứ II ở Âu Tây, cũng như ở Thái bình dương chưa kết thúc, nhưng sự suy sụp nếu không nói là tan rã của quân Trục là chuyện tính hằng ngày hằng tuần hơn là hằng tháng.
 
1.- Đảo chánh Nhật 09-03-45
 
Nhưng không một ai dè qua tháng 3, 1945 (đêm 09-03-45) thình lình quân đội Nhật đảo chánh chánh quyền thuộc địa Pháp để trả độc lập và chủ quyền cho triều đình nhà Nguyễn. Hoàng đế Bảo Đại đại diện đứng ra nhận lấy như là của trên trời rơi xuống. Tuy nhiên xét về mọi phương diện VN được độc lập, lấy lại chủ quyền của mình phải nhìn nhận là chánh đáng. Chánh đáng vì thời thế nội địa cũng như quốc tế đã đưa đẩy nếu không nói là bắt buộc quân đội Nhựt phải đảo chánh Pháp, đương nhiên Pháp bất đắc dĩ trả độc lập tự do lại cho VN, dù quân đội Nhựt có đảo chánh Pháp chỉ vì quyền lợi của họ hơn là quyền lợi của VN, vì đã đến lúc mà quân lực của Trục ở Âu Tây cũng như ở Thái bình dương đã bắt đầu thua trận rồi! Chuyện đầu hàng vô điều kiện của Ý và Đức thì là chuyện ngày một ngày hai, còn Nhựt thì đã nhờ Vatican liên lạc với Mỹ để đình chiến....
Qua tháng tư, 1945 Hoàng đế Bảo Đại chỉ định học giả Trần trọng Kim thành lập chánh phủ, một chánh phủ hoàn toàn quốc gia và tương đối độc lập để quản lý chuyện nhà nước của một nước vừa được độc lập một cách đột ngột, một thứ bất chiến tự nhiên thành, không chiến đấu, không công trạng mà được... Người dân Nam bộ chúng tôi chợt biết nước mình độc lập, có phần bỡ ngỡ, không biết thật hay không thật ra sao. Trừ ra các Giáo phái, Nam kỳ lục tỉnh ngoài phong trào Thanh niên Tiền phong do Nhựt phát động, xã hội VN hoàn toàn rỗng tuếch không có một tổ chức chánh trị quốc gia nào đứng lên lãnh đạo quần chúng hay quốc dân. Còn chuyện độc lập ở ngoài Huế, ở ngoài Bắc thì như quá xa xôi với trong Nam.
 
2.- Sắc luật 02-05-45.
 
Nhưng rồi không tưởng tượng nổi, chánh phủ Trần trọng Kim đã làm một lỗi lầm tày trời là ngày 02-05-45 Bảo Đại ban hành sắc luật phóng thích toàn bộ chánh trị phạm chánh quyền thuộc địa Pháp giam giữ trong các ngục tù Côn đảo, Tà-lài, Lao-bảo và đâu đâu nữa... trong mười mấy năm qua, từ Phong trào Nghệ tỉnh/Soviết ngoài Bắc, loạn Cộng sản đệ tam trong Nam (1939-42)... LS Trịnh đình Thảo, bộ trưởng Tư pháp soạn thảo sắc luật, nhưng chính Thủ tướng Trần trọng Kim và đổng lý văn phòng BS Phan huy Quát đúng là tác giả. Sắc luật nầy, theo người viết đã làm mất miền Nam về tay Cộng sản Hà nội từ đó, vì chính những cán bộ Cộng sản được phóng thích bởi sắc luật 02-05-45 nầy một số lớn ở lại trong Nam để xây dựng lực lượng Cộng sản cho thật hùng hậu mà nhiều tên trong số đó như Lê Duẫn, Phạm Hùng, Lê văn Lương... cùng Hồ Chí Minh đã kỳ quyết chủ trương giải phòng dân tộc khỏi tay Thực dân Pháp qua con đường “Đồng chí” nghĩa là dựa vào Komintern (Nga Tàu) hơn là dùng thế lực Đồng bào hay dân tộc VN của mình như ở các nước thuộc địa khác, để rồi còn tiếp tục để các Đồng chí đàn anh ''xúi ăn cứt gà xáp'' đánh Mỹ để thống nhứt đất nước, sau khi đã khai sinh (1959) và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cho dân miền Nam tha hồ đâm chém nhau để rồi qua 3 giai đoạn Tết Mậu thân 1968, Mùa hè đỏ lửa 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn 30 năm với tháng Tư Đen 1975, để một nửa dân tộc (Miền Bắc) đô hộ một nửa dân tộc (miền Nam) với một chế độ chánh trị vừa ngu xuẩn vừa dã man mất tính người chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Người viết nghĩ cần phải am hiểu sắc luật 02-05-45 như trên mới nói được là am hiểu lịch sử VN cận đại. Rất tiếc là có những nhà viết sử vô tình hay hữu ý coi thường nếu không nói là bỏ qua một sự kiện vô cùng quan trọng và tai hại cho dân tộc VN.
Vốn sắc luật 02-05 nầy đã trám cái cái lỗ trống chánh trị trong Nam một cách quá ư đầy đủ, nhưng lại với những thành phần đảng viên Cộng sản Komintern, và là những cán bộ gộc, được trui luyện cả chục năm trong các tù ngục của Thực dân Pháp, mà con số có người nói là 20,000 người, trong đó chỉ có 123 chánh trị phạm người quốc gia như Trần quốc Bửu, Phan khắc Sửu... Sắc luật ký đầu tháng 5, qua tháng sau các đoàn thể quốc gia chúng tôi mau mau lo tàu bè ra Côn sơn rước các chánh trị phạm Cộng sản về, túc số đầu tiên là 1,000 người được đưa về Sóc-trang trong vòng tháng 7, và nhiều túc số 500, 700 được tiếp tục đưa rước về đất liền trong vòng tháng 8... Chánh trị phạm người quốc gia sẽ được tàu hải quân Nhựt đưa về cuối tháng 8 mà thôi, để rồi phải đụng đầu với quân đội Pháp đang trở lại trong tháng sau. Trớ trêu hơn nữa là có người bị Pháp bắt lại, như là tù vượt ngục, đang khi cán bộ Cộng sản thì đã có những chiến khu Việt Minh bảo đảm an toàn.
 
3.- Việt Minh cuớp chánh quyền ở trong Nam.
 
Phải là người quốc gia kẹt trong chiến khu Việt Minh mới hiểu hết tất cả tầm mức tai hại do sắc luật 02-05-45 gây ra, vì nhờ đó mà các đảng viên Cộng sản có thời gian nắm lấy thời cơ đánh cướp chánh quyền trong Nam một cách hết sức dễ dàng, vì chỉ trong vòng có mấy tháng (thời gian) mà họ nắm được đại đa số quần chúng hay đúng hơn là (thời cơ) đại đa số quần chúng sẳn sàng hàng ngũ hóa duới sự lãnh đạo của Việt Minh. Trường hợp điển hình, không phải ở Sài Gòn ngày 24 mà là ở Cần thơ ngày 26 tháng 09, 1945 để biết ngay từ lúc đó nhờ sắc luật 02-05-45 làm cỗ sẵn Việt Minh hay Cộng sản lực lưỡng đến thế nào thì nên nhớ lại phản ứng của giáo phái Hòa Hảo ở Châu Đốc, Hồng Ngự và nhứt là ngày 30 tháng 9, 1945 ở Cần Thơ. Hôm đó hàng ngàn quân dân tín đồ Phật giáo Hòa Hảo kéo về Cần Thơ để tiếp đón Đức thầy cũng là để biểu dương lục lượng Hòa Hảo, hay là có tin là để cuớp lại chánh quyền trên tay Việt Minh. Họ đến với gươm giáo mác, thương đao...và những câu niệm ''Cầu xin Đức Thầy cứu khổ...'' đinh ninh súng của Việt Minh không nổ, hay không đạn. Nhưng cái gì đã xảy ra, hơn 70 tín đồ Hòa Hảo đã bị súng mousqueton hay liên thanh của Việt Minh hạ sát trên cầu Tham tướng và trên bờ sông gần bệnh viện BS Thành. Để rồi hai ngày sau, ba người đầu não tổ chức cuộc biểu tình hôm đó là em ruột của Đức Thầy và người con trai lớn của tướng Trần văn Soái hay Năm Lửa cùng thư ký riêng của Đức Thầy bị Việt Minh đem ra sân vận động Cần Thơ xử bắn công khai trước mặt cả vạn đồng bào, mà không thấy Hòa Hảo phản ứng to nhỏ gì cả, đến khi chính Đức Thầy rồi cũng bị Việt Minh ám sát mấy tháng sau. (1)
(1) Sau nầy có người vừa ngu ngơ vừa cố chấp vẫn tố cáo: Tổng thống Ngô Đình Diệm đánh dẹp các sứ quân Giáo phái là một sai lầm, bằng chẳng thì làm gì còn Việt cộng. Việc xảy ra giữa Hòa Hảo và Việt Minh từ lúc đầu và ngay tại lãnh thổ miền Tây của Hòa Hảo chứng minh các sứ quân ô hợp và với bùa chú, niệm kinh... không thể nào trừ Việt Minh hay Việt cộng được. Ngoài ra việc thống nhứt lực lượng quân sự và dân sự là một điều cần thiết hay ''condition sine qua non'' để giữ nước và để ổn định tình hình chánh trị, điều kiện để phát triển xã hội. Và Tổng thống Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn thành công ít ra là trong 5, 7 năm đầu, nếu có thất bại sau đó là vì chính một số người Nam chúng ta đã ngu ngơ đi làm tay sai cho Cộng sản Hà Nội, tôi muốn nói đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và các thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, trong đó có rất nhiều người tự cho là trí thức thức thời, có nhiều cha cố và thầy chùa...
Trên đây là một sự kiện lịch sử. trong đó một chánh phủ quốc gia làm cỗ sẵn cho Cộng sản Hà Nội đánh chiếm miền Nam từ những ngày đầu mới lấy lại được quyền tự chủ trong tay Thực dân Pháp. Thật ra không cần phải đợi Việt Minh cướp được chánh quyền ở Hà Nội, ở Sài Gòn và các tỉnh thành khác… là từ tháng 9, 1945, trong rất nhiều làng xã trong Nam, trong đó có làng Nhị Long của chúng tôi các cán bộ đảng viên Cộng sản đã ráo riết hoạt động nhứt là về đêm bắt đầu từ tháng 5 tháng 6 rồi. Nhiều khi đầu hôm chúng tôi nghe tiếng chó sủa, nghe tiếng người miền Trung, miền Bắc (5, 3 người) đi vào làng. Sáng hôm sau, hỏi chú tám Thành, thì biết ''anh em'' (Cộng sản) về hoạt động nghĩa là xây dựng hạ tầng cơ sở nhân sự, thu nhận đảng viên v.v... không phải là đi tuyên truyền nữa và gần như công khai, không còn lén lút nữa, vì đã có sắc luật 02-05-45 gián tiếp bảo vệ mọi hoạt động chánh trị, không phân biệt màu sắc.
Càng tai hại hơn nữa, chánh quyền quốc gia chỉ tồn tại chưa tới 5 tháng, chánh phủ Trần trọng Kim phải tự giải tán, khi Việt minh nổi lên cướp chánh quyền ở Hà Nội ngày 19, tháng 8, 1945 và tháng sau ở Sài Gòn. Và Bảo Đại thoái vị (25-08-45), rồi giao ấn kiếm cho Việt Minh, vô hình chung chánh thức hóa chánh quyền bất chánh của Việt Minh hay Cộng sản Hà Nội. Có nhà sử nào đó cho Bảo Đại làm vậy là khôn ngoan, người viết lại cho là kém ý thức, nếu không nói là hèn nhát của một con người cả đời chỉ biết tìm cái dễ và trốn tránh cái khó. Nếu biết nghĩ đến tổ tiên hơn một chút, hiểu biết Việt Minh hơn thì thoái vị cho Việt Minh chưa phải là giải pháp duy nhứt. Nếu có một Ngô Đình Diệm một bên chắc chắn tình thế thế nào cũng khác!
 
4.- Chiến khu Gò cà. Làng Nhị long.
 
Việt minh cướp chánh quyền ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9, ở Cần Thơ ngày 26 tháng 9, ở Trà Vinh của chúng tôi qua đầu tháng 10, 1945. Quân Pháp nhảy dù xuống Sài Gòn cuối tháng 9 và bắt đầu tái chiếm Nam kỳ lục tỉnh, từ Mỹ tho xuống Vĩnh long, Cần thơ và qua đầu tháng 12 đã đến Trà Vinh. Lực lượng Việt Minh với ủy ban Hành chánh/ Kháng chiến Nam bộ cho lệnh tất cả lực lượng quân sự và hành chánh phải rút về nhiều chiến khu khác nhau vừa tiêu thổ để kháng chiến trường kỳ. Đó là lúc chiến khu Gò Cà được chánh thức thành lập trong làng Nhị Long của chúng tôi. Gò Cà hay Gò Cò là tên của một cái ấp địa đầu ở ngay 3 biên giới Trà Vinh/ Vĩnh Long/ Bến Tre. Tỉnh bộ Trà Vinh và quận bộ Càng Long rút về Gò Cà từ đầu tháng 10, gần như lập tức sau khi cướp được chánh quyền thuộc địa tỉnh (lấy được gần 100 khẩu súng mousquetons và mươi súng lục thời đệ nhứt thế chiến). Đoàn Thanh niên Tiền phong Càng long cũng được lệnh rút theo về Gò Cà, trừ anh đòan trưởng, đương nhiên tôi phải thay thế, cũng là bất đắc dĩ.
Nhưng cũng may là về Gò Cà chúng tôi được đặt duới sự điều dộng của chủ tịch Ủy ban Hành chánh/Kháng chiến quận bộ. Chủ tịch ủy ban Hành chánh/ Kháng chiến lại không ai khác hơn là chú tám Huỳnh kim Thành (sau khi đi nhận lãnh chức vụ từ trong tay chủ tịch ủy ban Hành chánh/Kháng chiến Nam bộ Trần văn Giàu, chú đổi tên là Huỳnh kim Châu, có thể vỉ kính nể tên Thành của Hồ Chí Minh sao sao đó.
Cũng như cha tôi, chú là người có uy tín nhứt nhì trong làng. Cha tôi giữ chức Huơng hào trong làng đến khi mất là năm 1938, chú được chọn lên thay thế từ đó. Nhà chú ở ngay đầu đường đi xóm ngoài, luôn luôn thân thiện mật thiết liên lạc với gia đình chúng tôi. Chúng tôi có biết chú từ lâu liên lạc với những người làm Cách mạng (thời đó có nghĩa như là Cộng sản) và sau khi sắc lệnh 02-05-45 phóng thích toàn bộ chánh trị phạm, nhà chú hay tiếp đón khi người Trung, khi người Bắc, nhứt là trong những tháng 6, tháng 7, 1945. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết chú vào Đảng Cộng sản khi nào, đến khi chú được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban Hành chánh/ /Kháng chiến (2)
(2)..Chú giữ chức vụ nầy được 4, 5 năm, thì bị gián cấp xuống làm Ủy viên Điền địa gì đó, vì chú luôn luôn chống đối tính cách sắt máu của Đảng. Trong hàng ngũ bà con nhiều người bị ám sát xử tử không lý do chánh đáng, chỉ kể anh Tư Kiến, em thầy hai Tân, thầy Mười Thập, rể cúa bác Sáu Huỳnh kim Miêng và chính bác sáu Miêng cũng bị chúng đâm chùi xác xuống biền vì một lý do vớ vẫn, đang khi con trai là anh Huỳnh kim Hưng làm Quận ủy Phước long, Rạch giá... Anh bảy Huỳnh kim Chánh của tôi, ngày nọ bị quân đội Pháp bắt ngồi trên xe Thiết giáp, nguời làng thấy nên báo cáo, tối lại ban Trinh sát đến bắt đem đi, định cho đi mò tôm trước khi mặt trời mọc, cô Nhì vội đi cho chú Tám hay, chú về kịp cứu anh trong đường tơ kẻ tóc...
Trong 6 tháng đầu kháng chiến từ khi quân Pháp trở lại, Việt Minh giết không biết bao nhiêu, mà tất cả các con sông lớn nhỏ trong tỉnh Trà Vinh, chỗ nào cũng có vài ba thằng chổng trôi nổi theo nuớc lớn nước ròng, dân các làng không dám ăn tôm cá bắt dưới sông gần cả năm 45 và 46. Chính người viết đã thấy nhiều chùm thằng chổng trôi trên sông Tiền Giang từ Vĩnh long xuống Trà Vinh.
Với chức vụ đoàn trưởng và có người chú làm chủ tịch tôi cũng bớt lo và tham gia tất cả các họat động chánh trị trong chiến khu, nói được là một cách rất tích cực như thực hiện kế hoạch tiêu thổ ''nhà không vườn trống'', biệt lập làng Nhị Long là phá hoại tất cảc trục giao thông... Nhưng công tác chánh của một đòan trưởng vẫn là huấn luyện Thanh niên Tiền phong (TNTP) hoàn toàn theo chủ trương và đường lối quốc gia, lấy dân tộc làm cứu cánh, không một hậu ý quyền lợi hay quyền lực đảng phái. Lịch sử VN đánh Hán của Hai bà Trưng, đánh Ngô của bà Triệu thị Trinh, đánh Nam Hán của Ngô Quyền, đánh Nguyên của nhà Trần, đánh Minh của nhà hậu Lê, đánh Thanh của Quang Trung... được tôi ôn lại đầy đủ cho các đoàn viên học tập để nâng cao tinh thần trường kỳ kháng chiến đánh Pháp... Cho đến khi một đảng viên Cộng sản Pháp là BS Phạm ngọc Thạch được Việt Minh đưa lên làm chủ tịch thay thế Hồ văn Ngà một sớm một chiều Thanh niên Tiền phong thành ra Thanh niên Cứu quốc, biến thể hoàn toàn thành ra công cụ của Việt Minh.
 
 
Đến đây là tôi bắt đầu có vấn đề với thượng cấp, nếu không nói là mâu thuẫn. Tài liệu học tập bây giờ là tài liệu của hội Nghiên cứu Mác-xít đưa qua, như là bắt buộc. Tuy nhiên tự bản tánh tôi khó mà tuân thù dễ dàng được, nhứt là những bài học có nội dung chủ nghĩa duy vật và chủ trương sắt máu rõ ràng, là những phản giá trị lương tri tôi không chấp nhận được!
Tôi đưa vấn đề lên chủ tịch Huỳnh kim Châu. Chú tôi ra lệnh nên đem ra hội Nghiên cứu, tác giả các bài đó để mà đả thông với nhau, trước khi ''mầy'' chấp hành. Nhưng đả thông hay không là một chuyện và chấp hành hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác hẳn.
Nhưng vô hình chung chú Tám giúp tôi bổ túc mớ hành trang hiểu biết của tôi cả mặt lý thuyết và mặt thực hành, chiến thuật chiến lược của đảng Cộng sản VN, tất nhiên chưa bao giờ hoàn bị được. Và một sớm một chiều tôi được mời tham gia vào tất các buổi học tập của hội Nghiên cứu Mác-xít, mà thật ra đúng là một chi bộ của đảng Cộng sản ẩn danh từ ngày Hồ Chí Minh giải tán đảng Cộng sản Đông Dương (11-11-45) để lập Chánh phủ Liên hiệp, cũng là một cái bẫy sập cho các đảng phái quốc gia cố hữu như Quốc dân đảng, Đại việt Cách mạng đảng....
Chung qui, nhờ trực tiếp tham gia vào kháng chiến và nhứt là học hỏi với hội Nghiên cứu Mác-xít tôi hiểu biết Cộng sản nhiều hơn. Nhưng hiểu biết là một chuyện còn chấp nhận hay không là chuyện khác, cho nên chẳng bao lâu Việt Minh cho tôi là thành phần trí thức nguy hiểm và đã nói đến tai chú tôi. Chú tám Thành không bao giờ trách tôi, nhưng cũng nhắc tôi nhiều lần là nên cảnh giác và đề phòng, đừng gây mâu thuẫn, rất nguy hiểm cho ''mầy''.
Chẳng bao lâu sau khi rút về chiến khu, tôi ý thức ngay quyền hành chủ tịch Ùy ban Hành chánh/Kháng chiến rất giới hạn, vì ngoài trách nhiệm xây dựng lực lương địa phuơng quân, còn các chuyện khác như Nghiên Tuyên Huấn, Trinh sát/Phản gián/Tình báo thì chú Tám tôi bị chí phối bởi hội Nghiên cứu Mác-xít, ban An ninh/Trinh sát...của các đảng viên Cộng sản kỳ cựu từ Côn sơn mới được trả tự do, trong đó có Sáu L., Ba Đ., Mười L....
Thật ra thì chính trong hội Nghiên cứu tôi có nêu nhiều vấn đề mà tôi cho là xây dựng:
Như khi Việt Minh khởi sự phát động giai cấp đấu tranh (giữa chủ điển và tá điền), cho là động lực căn bản làm Cách mạng và tiến bộ, tôi lại cho là chia rẽ, mà trong giai đoạn đánh Pháp để giải phóng dân tộc thì điều tiên quyết là phải đoàn kết tất cả mọi từng lớp nhân dân, phân chia chủ điền tá điền tá thổ là hoàn toàn thất sách. Té ra Việt Minh nói đoàn kết một đàng mà tự căn bản lại hoàn toàn ngược lại nghĩa là luôn luôn chia rẽ để dễ bề lèo lái, đàn áp và cai trị. Cô Huỳnh thị Mỹ, em thứ 12 của tôi được chọn đi học tập để trở thành cán bộ tuyên/ nghiên/ huấn, bao giờ kết luận bài diễn văn của cô đều có câu Chào Đòan kết, nhưng nội dung diễn văn của cô hoàn toàn là phân chia xã hội ra làm hai thành phần nghịch nhau, cần phải gây ý thức để tiêu diệt nhau, đúng hơn là thành phần tá điền tá thổ phải đoàn kết để tiêu diệt thành phần điền chủ hay tư sản v.v... Việt Minh muốn xây dựng cô Mỹ để đứng lên tiêu diệt giai cấp của ông cha cô là giai cấp điền chủ, đại điền chủ... Việt Minh viết bài, cô chỉ đọc. Và họ tổ chức vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, lần lần biến cô ra một loại như bà Bình bà Định sau nầy! (3)
(3) Cũng may cho cô là qua năm sau tôi buộc cô phải rời bỏ chiến khu và theo tôi về thành để rồi đi Thụy sĩ học thêm!
 
5- Họ đạo Công giáo Bãi xan.
 
Lúc đó họ đạo Bãi xan, bên ngoại tôi thuộc làng Đức Mỹ, bây giờ là Ấp trung và Ấp thuợng của làng Đại Phước. Họ đạo Công giáo nầy được thành lập từ thế kỷ 19, thời vua Minh mạng (1819-1847) khi vua nầy ra lệnh bắt đạo Công giáo hết sức ác nghiệt. Khoảng 100 gia đình, trong đó có tổ tiên bên ngoại tôi, từ những họ đạo Nước mặn, Qui hòa, Qui nhơn, Quảng nam... chạy vào đây để được tự do giữ đạo của mình. Đến giữa thế kỷ 20 họ đạo Bải xan là 1 trong 3 họ đạo lớn nhứt của giáo phận Sài Gòn, có nghĩa là vào khoảng trên dưới 3 ngàn con chiên bổn đạo. Họ rất sùng đạo là lẽ đương nhiên. Nhà cửa họ san sát nhau dọc theo hữu ngạn sông Tiền, chung quanh lầu chuông nhà thờ. Họ sinh sống về nghề nông là vườn cây ăn trái và ruộng nương, mà phần lớn thuộc quyền sở hữu của giáo phận Sài Gòn.
Gia đình ông bà ngoại tôi (15 người con vừa trai vừa gái) gọi là khá giả thì cũng chỉ sở hữu chưa đến 100 mẫu ruộng và 20 mẫu vườn. Nhưng nhờ sống gần sông Tiền giang, khoảng nầy gọi là sông Cổ chiên (do từ Cochinchine mà ra) rất dồi dào tôm cá, nên hầu hết các gia đình cô cậu dì dượng tôi đều có thêm nghề ngư nghiệp. Nhờ đó mà tất cả đều có một đời sống gọi được là dư giả.
Nói về văn hóa, học thức thì một cách tổng quát họ đạo Công giáo Bải xan có học thức hơn nhiều làng khác trong quận, kể cả làng Nhị Long bên nội tôi. Lý do rất đơn giản là trong thời thuôc địa Pháp họ đạo Công giáo Bải xan có được một trường tiểu học bổ túc từ cuối thế kỷ 19. Đang khi các làng bên lương khác còn phải đợi đến sau thế chiến thứ nhứt (1914-18) mới có đuợc 1 ông Thống đốc Nam kỳ (De Villiers) nghĩ đến một hệ thống giáo dục cấp tiểu học, cũng như 1 Toàn quyền (Albert Sarraut) nghĩ đến hệ thống giáo dục cấp trung học cho con dân thuộc địa Pháp! Ngoài ra thì chánh sách ngu dân của Thực dân là cố hữu, gần như là cố định như ở VN hiện tại.
Hơn nữa, các gia đình thật khá giả còn có con em được gửi đi Mỹ Tho, Sài Gòn để theo học Trung học ở các trường Tây và nhứt là các trường của cha thầy Công giáo, như gia đình cậu út Lê văn Châu của chúng tôi chẳng hạn.
Một đặc điểm của trường tiểu học Bải xan là không hạn chế lương hay giáo, con em các ấp các làng kế cận, không phải là Công giáo vẫn đến theo học được, không bao giờ bị kỳ thi. Bao nhiêu người nhờ đó mà đã trở thành những cán bộ Cách mạng mà tôi đã gặp lại sau 1975, như anh Út Huệ...
Lúc tôi 10 tuổi được cha mẹ gửi về bên ngoại để học đạo, thì trường có gần 1,000 học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp nhứt và lớp tiểu học bổ túc... Như thế nói được là con chiên bổn đạo Bải xan tuơng đối có học hơn các làng khác và cũng có thề nói họ đạo Bải xan cũng có một số trí thức hay có học thức. Và họ đạo Bải xan cũng đã xuất cảng một số chất xám đến các tỉnh lỵ như Trà Vinh, Vĩnh Long và Cần Thơ là làm công chức hay giáo chức, cũng như cung cấp một số người ra làm chánh trị sau nầy, nhưng rất tiếc là quá kém cỏi đến nỗi đi sai con đường chính nghĩa, hùa theo thành phần thứ ba, mà những người nầy chung qui chỉ bị Cộng sản lợi dụng, nếu không nói là bọn người nâng bi Cộng sản như như một Ngô công Đức chẳng hạn.
Tuy nhiên trong giai đoạn nửa tối nửa sáng thời VN mới được Độc lập, giới trí thức hay đúng hơn là giới lãnh đạo họ đạo Bải xan, tất nhiên là phải có một cha cố ý thức chánh trị rõ ràng, biết được bộ mặt thật của Việt Minh là bộ mặt Cộng sản đội lốt quốc gia, dám đứng ra lôi kéo cả một họ đạo đứng lên chống lại Việt Minh, trên căn bản duy linh tôn trọng gia đình, dân tộc, quốc gia... chống lại chủ nghĩa duy vật, phi gia đình, phi tôn giáo, phi cả dân tộc. Đó là cha Thaddée Nguyễn văn Nghiệm, một bạn học vong niên của nguời viết từ ngày còn ở Đại chủng viện Sài Gòn, đang làm cha sở họ đạo Bải xan. Cha rất ý thức về cuộc cướp chánh quyền của Việt Minh ở Hà Nội, ở Sài Gòn và nhứt là ở Trà Vinh.
Vốn họ đạo Bải xan cũng đã hàng ngũ hóa theo phong trào Thanh niên Tiền phong (1943-45) trong tinh thần hoàn toàn quốc gia và hết lòng ủng hộ chánh phủ Trần trọng Kim và vua Bảo Đại với một bà Hoàng hậu người Công giáo. Cho nên đối với Việt Minh, lúc đầu họ ủng hộ như các họ đạo Công giáo khác, nhưng một khi mà Việt Minh (Nhị long/Gò cà) đầy thành kiến với Công giáo và xem họ như Việt gian (theo Tây), chánh thức, công khai bắt bớ họ và giết người của họ không lý do chính đáng. thì gần như lập tức là qua đầu tháng 10, cha Nghiệm lãnh đạo các Thanh niên Tiền phong chống lại Việt Minh, khi Việt Minh từ Nhị Long qua bắt buộc Thanh niên Tiền phong Bải xan phải sáp nhập vào Thanh niên Cứu quốc lúc BS Phạm ngọc Thạch thay thế Hồ văn Ngà lên làm chủ tịch Thanh niên Tiền Phong và thay cờ Vàng sao đỏ luôn luôn thượng trước nhà thờ bằng cờ Đỏ sao vàng sắt máu Cộng sản. Cha Nghiệm cực lực từ chối và gửi mấy cán bộ Công giáo qua Nhị Long để phản đối. Nhị Long bắt giữ mấy thanh niên nầy lại, một mặt sai một tiểu đội an ninh với 4 tên Trinh sát có võ trang qua Bải xan, tập hợp bổn đạo lại để nghe huấn lệnh của Ủy ban Nhân dân quận bộ.
Thình lình nửa chừng các thanh niên Công giáo Bải xan áp đảo, tước hết khí giới (súng lục) và bắt 4 tên Trinh sát, trói ké và đem nhốt vào nhà cha sở, kỳ dư cho về lại Nhị Long.. Thế là Bải xan và Nhị Long khởi sự đánh nhau, tức là cuối tháng 10 hay đầu tháng 11, 1945.
Cha Thaddee Nghiệm, gốc người từ họ đạo Chà-và hay Vĩnh Kim lãnh đạo họ đạo Công giáo Bải xan nổi dậy chống lại Việt Minh bắt đầu từ đó. Vì không biết tin từ đâu, Bải xan nghe tin Việt Minh ở Nhị Long đã giết cả phái đoàn Công giáo rồi (không bao giờ biết đâu là sự thật, chỉ biết là mất 2 thành viên, mà Việt Minh nói là họ đã trốn thoát về Bến Tre và chết chìm trên sông Cổ chiên). Bải xan phản ứng ngay, nội trong đêm đó, họ khiêng tất cả 4 tên ''sát nhân'' ra bến đò, bỏ xuống ghe và sau khi buộc vào cổ mỗi tên 1 hòn đá lớn họ đem ra giữa sông Cổ chiên và cho đi mò tôm đúng như Việt Minh đã làm cho bao nhiêu người vô tội khác....
Sau đó chuông nhà thở đổ hồi báo động gần cả đêm, tập hợp lại hầu hết đàn ông trai tráng họ đạo, tổ chức hàng ngũ võ trang để chống lại Việt Minh, cũng gọi là tự vệ (4)
(4) Sáu tháng sau, đại úy Le Roy của Pháp, với Võ công Mưu phụ tá mới khởi sự thành lập các UMDC (Unités Mobiles pour la Défense des Chrétientés). theo mô hình và đuợc trang bị theo quân đội Pháp. Chắc anh Võ long Triều biết rõ lịch sử của tổ chức UMDC hơn tôi.
Để tự vệ, đầu tiên họ đắp hai mặt trận (lũy tre chông gai và mô đất), một cái ở phía Bắc, cách Bắc Cổ chiên khoảng 2 kms và một ờ phía Nam ngay trước Đất thánh (Nghĩa trang) của họ đạo và họ đã thành lập ngay 4 tiểu đội nghĩa quân, với 4 cây súng sáu vừa cướp lấy trên tay ban Trinh sát Việt Minh, cùng năm ba cây súng săn của nhà thờ và của bổn đạo. Ngoài ra họ cấp tốc làm cung làm ná tầm vông vọt nhọn và bao nhiêu giáo mác sẵn có của họ... Anh ba Nguyễn văn Sử con của dì Mười tôi được chọn làm chỉ huy trưởng mặt trận phía Bắc, anh Nguyễn văn Thọ làm tham mưu trưởng và chỉ huy mặt trận Đất thánh v.v...
Xem thì vững chắc ghê gớm lắm nhưng đối với địa phương quân và nhứt là chánh qui của Việt Minh, dù chưa hoàn toàn trang bị Việt Minh vẫn có thể kéo qua tấn công họ đạo Bãi xan và tiêu diệt lúc nào không biết! Tuy nhiên bao lâu chú tôi còn làm chủ tịch thì đánh nhau giữa Nhị Long và Bải xan sẽ không có, vì chú là con nguời chánh trị hơn là quân sự. Nhứt là đã đến lúc quân Pháp đang trở lại như vũ như bão, nên chỉ có ngu xuẩn mới xô đẩy người quốc gia theo giặc vì đường lối cực đoan của mình: chưa chi đã kết tội người ta Việt gian nếu không phải là Việt minh như mình! Chú nhìn nhận là do lỗi của Việt Minh mà Bải xan nổi dậy ! Đang khi đó Bải xan ý thức mình đã leo lưng cọp hay ''phóng lao rồi phải theo lao'' chỉ có thế thôi. Nhưng kết cục họ bị bắt buộc phải theo Pháp và đợi chờ Pháp đến giúp họ tự vệ. Đó là một lẽ tất nhiên nữa!
Đang khi chờ đợi thì hai bên, Nhị Long và Bải xan cứ ghìm nhau, Bải xan nghĩ Việt Minh sẽ qua tấn công khi nào không biết, nên phải lo phòng thủ tối đa, đêm ngày lực lượng võ trang của họ thay phiên nhau canh gác và nhứt là phòng thủ hai mặt trận với cái gì họ có trong tay, có súng nhưng có bao nhiêu đạn ? Tên ná chống lại mousqueton hay súng liên thanh thì cũng như là chấu chấu đá voi thôi! Nhưng phải nói là họ rất hăng say và cũng đã nghĩ đến trường kỳ chống Việt Minh, nên có những gia đình cho vợ con đàn bà sửa soạn tản cư về Trà Vinh...
Đang khi Bải xan bên ngoại tôi dư bị ráo riết và chiến đấu để tự vệ, thì Nhị Long bên nội tôi, trước sự phản ứng bất ngờ và quá mạnh của Bải xan, đều hết sức bỡ ngỡ... Chú tôi, ở cương vị chủ tịch Ùy ban Hành chánh/Kháng chiến, ít ra là trên lý thuyết là nhân vật quan trọng nhứt, cũng là trách nhiệm nhứt về chuyện bất trắc tiêu cực xảy ra trong khu bộ của mình. Cũng may là trước áp lực của Hội Nghiên cứu Mác-xít (đảng viên Cộng sản) và ban An ninh/Trinh sát chú vẫn giữ đựơc cái đầu mình rất bình tĩnh và đầy đủ sáng suốt để khỏi gây đổ máu thêm vô ích, mà kết quả về mặt chánh trị chắc chắn sẽ rất tiêu cực cho Việt Minh.
Ngoài ra chú thừa biết là sớm hay muộn gì quân Pháp cũng sẽ đổ bộ lên Trà Vinh và có ngày sẽ phải đụng độ với Việt Minh, với lực lượng võ trang của chú trên chiến khu của chú, đang khi lực lượng võ trang của chú cũng là một thứ châu chấu muốn đá voi… tương quan lực lượng giữa hai bên còn mấy lần tiêu cực hơn Bải xan và Việt Minh là khác. Cho nên chú cứ hội ý với các ủy viên hữu trách trong khu và cố tìm một giải pháp để giải hòa vì chú sợ nhứt là Bải xan đi rước pháp về Bải xan và dùng Bải xan làm bàn đạp để tấn công và phá hủy chiến khu Gò cà của chú còn đang trong vòng phôi thai.
Đến lễ Giáng sinh (Xtmas) chú tám Thành có về lại Long Thuận thăm nhà và bà con lân cận. Chú đến ăn cớm tối với anh em chúng tôi, có đi theo một tiểu đội cận vệ võ trang tới răng (armée jusqu'aux dents), có cả nột cây tiểu liên (mitraillette) của Nhựt thì phải....Trươc khi ra đi chú có căn dặn tôi đừng nên gây mâu thuẫn với hội Nghiên cứu Mác xít, tránh voi chẳng xấu mặt và có hỏi tôi:
- Tám, mầy có dám đi Bải xan không?
- Có gì mà không dám ! Toàn là bà con bên ngoại tôi, như chú biết ! Nếu làm được cái gì cho kháng chiến, cho quốc gia, thì tôi rất sẵn sàng ! Không sợ gì hết!
 
6.- Công tác giảng hòa Nhilong/ Bải xan
 
Trong tháng 12, quân Pháp đã đổ bộ lên Trà Vinh và chiếm đóng tỉnh lỵ, lập lại các sở hành chánh và khởi sự tuyển mộ lính partisans từ các shroc người Kampuchea để bành trướng lực lượng tái chiếm ra các quận, bắt đầu từ quận Càng Long, trực tiếp đe dọa chiến khu Gò cà.
Điều chú Tám tôi lo sợ nhứt lại xảy ra hoàn toàn như chú nghĩ: Đúng ngày Tết Dương lịch, nghĩa quân Công giáo Bải xan ra bến đò trên sông Cổ chiên treo một lá cờ Tam tài Pháp trên một ngọn dừa cao sát mé sông, tức là làm dấu ''welcome back'' cho tàu hài quân Pháp chạy lên chạy xuống gia tăng lực lượng hay tiếp tế đạn dược nguyên liệu cho quân Pháp đã chiếm đóng Trà Vinh. Có lần, tàu hải quân Pháp cho ca-nô và vài tên lính ghé vào để hỏi thăm cha sở và bổn đạo muốn quân Pháp giúp gì. Và cha Nghiệm trả lời là xin cho súng đạn để giữ nhà thờ và bổn đạo khỏi bị Việt Minh sát hại. Và quân đội Pháp chỉ trông có vậy thôi!
Trong chiến khu Gò cà hay trong quận Càng Long, ủy ban Kháng chiến/Hành chánh, trước tình thế chiến tranh với Pháp quá cấp bách, không thấy lý do gì mà không xúc tiến giải pháp hòa giải với Bải xan, hơn là gây thêm thù.
Tết Nguyên đán, (1946) bà con chúng tôi hội về Long Thuận tảo mộ như hằng năm (ngày 25 tháng chạp), chú Tám Thành cũng phải về tham gia và gặp riêng tôi để thảo luận giữa chú cháu về một giải pháp hòa giải giữa Nhị Long và Bải xan và nhờ tôi đóng vai trò sứ giả, vì tôi có bà con hai bên, Nhị Long là bên nội theo Việt Minh, Bải xan là bên ngoại theo Pháp (Việt gian) rõ ràng, mà tôi nghĩ chính thái độ cực đoan sắt máu của Việt Minh từ lúc đầu đã xô đẩy một số người quốc gia phài bỏ hàng ngũ chống Pháp của Việt Minh để theo địch một cách bất đắc dĩ.
Tôi nghĩ như vậy nên bằng lòng nhận ngay cái sứ mạng mà ủy ban Kháng chiến/Hành chánh muốn ủy thác cho tôi. Và tôi lấy làm hảnh diện hết sức.
Bây giờ nghĩ lại cũng thấy buồn cười, tôi cho là một sứ mạng hết sức quan trọng, trong thời thế lúc bấy giờ dù chỉ là trong phạm vi bé nhỏ của một quận, hay đúng hơn là của 2 làng, dân số hai bên chưa tới 7,000 người. Một mặt tôi cho là vinh hạnh, một mặt tôi lại hoài nghi, hoài nghi cả quyền hành của chú Tám khi giao tôi cái sứ mạng thật ra cỏn con trong phạm vi một quốc gia, một nước. Tôi hoài nghi sự thành công của mình, nhưng lúc bấy giờ Việt Minh bảo cái gì mình khó mà từ chối được, dù qua tay bà con hay không bà con. Vì tôi thấy chú Tám làm chủ tịch mà làm cái gì đi đâu cũng bị hai ba chánh trị viên kèm theo như hình với bóng, chú gọi là tham mưu, mà những chánh trị viên nầy là người xa lạ từ đâu đến, người miền Trung miền Bắc. Thế thì làm sao tôi yên tâm tin tưởng vào sứ mạng của mình được..
Ngoài ra và hơn nữa, từ ngày tôi thấy những cán bộ Cộng sản từ Côn nôn đuợc thả về, nhứt là người Bắc người Trung đi tổ chức đảng Cộng sản trong làng xã của tôi và từ khi tôi tham gia dù là tiêu cực, vào hội Nghiên cứu Mác-xít, một tiểu tổ đảng Cộng sản trá hình, tôi hoài nghi tất cả các chủ truơng các chánh sách của Việt Minh đề ra mà tôi và đoàn thanh niên Cứu quốc của tôi phải học tập cả ngày cả đêm. Không dám công khai và ầm ĩ chống đối chủ trương ''giai cấp đấu tranh'' như là động lực làm cách mạng, mà tôi cho chỉ là chia rẽ hàng ngũ người quốc gia và làm gì có giai cấp trong làng trong quận trong tỉnh của tôi, tuy có giàu có nghèo.
Tôi tuân lệnh thượng cấp thực hành kế sách ''tiêu thổ nhà không vườn trống'', nhưng tôi hoài nghi ý đồ của chánh quyền kháng chiến của Trần văn Giàu, một tên Cộng sản chính thống. Bà con tôi, từ ông cha đã dày công xây dựngnhững ngôi nhà đồ sộ bằng gạch bằng đá và những khu vườn cây ăn trái rất trù phú, không thể nào ngày một ngày hai “nhà không vườn trống’’ 100% được, vì ai ai cũng biết quân Pháp chưa chắc đến làm đồn làm bót trong làng, vì xa trục giao thông và tiếp tế. Nhưng thật ra thì Việt Minh muốn cho nghèo cả đám, bình đẳng tư dưới đáy.
Ngoài ra Việt Minh, từ đầu đã có thành kiến đối với nhà giàu hay chủ điền trong Nam và người Công giáo, họ đều cho là Việt gian hết, mà trong Long Thuận có hai gia đình Công giáo chủ điền : Gia đình bác sáu Huỳnh kim Miêng và gia đình tôi.
Nhưng sứ mạng, nhỏ lớn gì cũng là sứ mạng !
Bây giờ nghĩ lại thấy tất cả đều được quan trọng hóa.
Nhưng chính sự kiện chánh trị nhỏ bé địa phương nầy đã làm tôi suy nghĩ, biết đâu đây là tượng trưng cho một bi kịch to lớn có tính cách dân tộc, tính cách quốc gia, đó là sự chia rẽ dân tộc hay quốc gia VN làm hai mặt trận, rồi đây sẽ cấu xé nhau, một thứ huynh đệ tương tàn. Vì chỉ trước đây có mấy tháng thôi tôi thấy Bải xan và Nhị Long, bên nội bên ngoại tôi không có gì khác nhau, tôi đi qua đi lại như là cùng một xóm một làng. Bây giờ hai làng, một sớm một chiều thấy khác nhau vô cùng, chỉ nói chuyện bắt cóc, chém giết nhau. Mò tôm là một công việc kiếm những con tôm con tép thật to thất béo, đem về nướng làm gởi hay nấu tôm rim đỏ au, ăn thật ngon… bây giờ thành ra một động từ nghe đến là thấy buồn nôn, ghê tởm đáng ghê sợ muốn té đái trong quần.
Tết nguyên đán xong, khoảng giữa tháng 2 duơng lịch, 1946, chú Tám Huỳnh kim Châu định ngày tôi phải đi Bải xan.
Một đêm tối trời, ủy ban Kháng chiến/Hành chánh quận Càng Long cho người mởi tôi đến ủy ban lúc bấy giờ còn lưu động đang đóng ở Đình đôi, trên sông Càng Long và cho hai cán bộ
giao liên bơi xuồng ra vàm Rạch bàng, cũng gọi là vàm Cái hóp, để rồi cập theo sông Cổ chiên và bỏ tôi lên bờ ngay mặt trận Đức Mỹ do anh ba Sử con dì Mười tôi đang chỉ huy.
Sau một đêm vui mừng gặp lại bà con, tôi được anh ba Sử đưa xuống nhà cha sở để gặp tất cả anh em trong ủy ban chống Việt Minh, do anh Nguyễn văn Thọ chủ tọa, đang khi cha Nghiệm vắng mặt, cha đi Trà Vinh gâp Đại úy Tỉnh trưởng để xin súng đạn.
Sau vài tiếng đồng hồ tranh luận với nhau, tôi phải nhìn nhận sứ mạng hòa giải của mình hoàn toàn thất bại vì 2 lẽ nầy:
a) Chính chú Tám và tôi không dè Bải xan đã đi quá xa, không còn đường trở lại được, cha Nghiệm đã đi xin súng đạn cùa Pháp. Dù không đi rước quân đội Pháp về đóng đồn ở Bải xan để làm bàn đạp để đánh phá Chiến khu Gò cà như chủ tịch Ủy ban Hành chánh /Kháng chiến lo sợ, nhưng Bải xan đã khởi sự tự võ trang với súng đan của địch dù là để tự vệ, thì được xem là Việt gian rồi!
Về điểm nầy tôi không hoàn toàn đồng ý với anh em họ đạo Bãi xan.
b) Ngoài ra các thành viên của Ủy ban Chống Việt Minh đều có người bà con xa gần bị Việt Minh sát hại hay bắt cóc và nhiều bà con của tôi đã sẵn sàng đăng lính Partisans để đánh lại Việt Minh, gọi là trả thù, điển hình nhứt là hai thằng Khâm và Phục, con trai cậu Sáu của tôi đang sửa soạn đi Trà Vinh đăng lính cho Pháp...
Về điểm nầy, tôi thấy khó ăn nói với họ, vì chính tôi cũng hoàn toàn bất mãn với chủ trương sắt máu của Việt Minh như là phương pháp khủng bố tinh thần, dùng sợ hãi để điều động quần chúng
Kết luận:
- Tụi nầy, tụi em...tin chú, tin anh, nhưng không bao giờ tin hứa hẹn gì của Việt Minh được. Dứt khoát như vậy! Anh ở đây, đừng đi dâu, có người quá khích, cho anh là thuyết khách! Ngày mai sẽ có người đưa anh, đưa chú đi Trà Vinh, gặp cha Nghiệm, nói chuyện với cha! Với tụi nầy, không đội chung trời với Việt Minh, với Cộng sản là điều đã quyết định, không thay đổi được nữa!
Thế là sau đó tôi bị giữ lại và bắt nhốt trong phòng của cha sở cả một ngày một đêm. Để rồi sáng sớm ngày hôm sau, Ủy ban cho người đem tôi ra sông Cổ chiến, may mà không phải đi mò tôm, mà cho ghe 4 tay chèo đưa tôi đi gặp cha Nghiêm ở Trà Vinh, có 6 thanh niên tháp tùng, như là dẫn giải. Anh ba Sử bảo thằng Khâm thằng Phục cùng đi theo giữ an ninh cho tôi, vì sợ dọc đường có đứa nào làm bậy, xô tôi xuống sông, không cứu kịp.
Thật ra 6 thanh niên nầy đi Trà Vinh để đăng tên đi lính Partisan cho Pháp.
Đến Trà Vinh, thì mới hay cha Nghiệm đã ngược chiều đi đừơng bộ về Bải xan, sau khi gặp tỉnh trưởng và xin súng ống đạn dược gì đó đã xong.
Đến Trà Vinh, không biết làm gì với tôi, nên anh trưởng toán quyệt định giao tôi cho Hiến binh Pháp giữ như là tù binh. Không dè 3 tuần lễ làm tù binh của quân Pháp lại thành ra 3 tuần lễ dưỡng bệnh ở Nhà thương Trà Vinh, nhờ các Xơ chữa bệnh rét rừng kinh niên.
Và trong 20 ngày ở Nhà thương tôi có đủ thời giờ để nghĩ lại chuyện của mình trong một năm qua ở Chiến khu Gò cà, để đi đến kết luận là sẽ không trở về Gò cà nữa và phải tìm cách trở về thành, cách nầy hay cách nọ.
Vốn từ ngày Pháp trở lại, thần chết lảng vảng khắp nơi ở các tỉnh miền Tây, mạng sống của con người sao mà rẻ không tưởng tưởng được! Từ chiến khu Việt Minh ra, Tây bắt được là bắn ngay, Việt Minh hay không Việt Minh thì cũng vậy! Từ thành về Chiến khu, mạng sống con người còn rẻ hơn thập bội!
Thế là phải tùy số mạng thôi! Và số tôi kể ra cũng khá lớn,vì từ chiến khu về thành, bị Tây bắt, mà nhờ chứng bệnh kinh niên cứu thoát rất dễ dàng, để rồi trở về Chiến khu cũng thoát khỏi bàn tay sắt máu của Trinh sát Việt Minh như chơi.
Vốn khi ở nhà thương, các Xơ lo cho khỏi bệnh và có Xơ người Pháp can thiệp với quan ba Pháp thả tôi ra. Tránh các trục giao thông đường liên tỉnh, tôi phải băng đồng về Nhị Long nội trong 1 đêm và lo cho chị em cùng về thành với nhau an toàn.
Thế là qua tháng 4 dl 1946, tôi đã có mặt ở Vĩnh Long và làm một giảng viên của trường Trung học/Chủng viện của Đức cha Ngô đình Thục, cùng một lúc trờ lại con đường tu đạo đã gãy gánh dọc đường gần 2 năm qua. (6)
(6) Bỏ chiến khu Việt Minh về thành đi dạy học, tôi bắt đầu viết về Việt Minh, trong số học sinh đọc bài viết của tôi có` Nghị sĩ Lê châu Lộc, hiện sống ở Nam Cali, chắc còn nhớ những gì tôi viết về Việt Minh, về Cộng sản theo kinh nghiệm sống của tôi ở trong chiến khu Gò cà, làng Nhị long của tôi.
Bài viết khá dài, cả trăm trang giấy học trò, nhưng kết luận rất ngắn, chỉ 2 từ thôi: Láo và sắt máu!
Toàn là láo và sắt máu! Cộng sản đến đâu là thiên đàng thành ra địa ngục. Làng Nhị Long của ông cha chúng tôi đúng là một tiểu thiên đàng, vì ở đó có tình tự làng xóm, đầy tình người. Việt Minh đến lập chiến khu là một sớm một chiều thành ra địa ngục. Địa ngục là gì nếu không phải là một nơi mà chỉ có nơm nớp lo âu, sợ sệt, chết chóc, ghen ghét và hận thù, không còn tình nguời mà còn mất cả tính người !
Láo. Không cần phải đợi đến Nguyễn văn Thiệu (1975) và Gourbachew (1989) mới biết Cộng sản là gian dối, là láo có nghệ thuật, có hệ thống.
Sắt máu. Không cần phải đợi đến Cải cách ruộng đất ở Bắc (1952-55) hay tết Mận Thân (1968) ở Huế mới biết Cộng sản sắt máu đến mưc nào.
Không cần phải đợi đến tháng 04 Đen 1975 mới biết thế nào là Thiên đàng XHCN, một Hỏa ngục Trần gian, đúng là một cái láo tày đình cố hữu của Cộng sản VN, cũng là một cái không tưởng của chủ nghĩa Mác-xít.
 
7.- Đà Lạt
 
Nhưng tôi không có số tu nên một lần nữa phải ra đi. Lên Đà Lạt, thất nghiệp vài ba tháng, học thêm được một hai cái nghề chơn tay (hớt tóc và may âu phục), sau cùng vớ được việc làm như là công chức kế toán cho ty Ngân khố Pháp.
a) Để rồi gặp ông Ngô đình Nhu và cha F. Parrel, thầy dạy Pháp văn cũ ở Sài Gòn, hai ông giao cho tôi giữ chức Thư ký (1948-50) cho hội Nghiên cứu Xã hội học của hai ông vừa thành lập, gom tụ được đôi mươi trí thức gọi là của vùng Cao nguyên, trong đó có ông Trần văn Lý, ông Nguyễn Đệ (chưa đi Pháp).
Thời gian ở trong chiến khu Gò cà là một thời gian học hỏi và kinh nghiệm với Việt Minh, với Cộng sản, lên đây tôi tiếp tục học hỏi thêm về Chủ nghĩa Mác-xít với Gs Triết Messmer của trường trung học Yersin và nhứt là với ông Nhu và cha Parrel về thuyết Nhân vị của E. Mounier, Kinh tế Nhân bản của cha L.Lebret...
Mỗi tuần chúng tôi hội lại 1 lần. Luôn luôn cha Parrel chủ tọa và thuyết trình viên thay phiên nhau là 3 vị nói trên. Chương trình, ngoài phần lý thuyết và thảo luận, có mục tin quan trọng trong nước và quốc tế. Không dè thời gian tôi ở Đà Lạt là thời gian vận mệnh của VN phải qua một giai đoan mới với giải pháp Quốc gia (Bảo Đại), để đương đầu với giải pháp Cộng sản (Hồ Chí Minh) mà Pháp vì tình thế chánh trị thế giới (Mỹ, Nga, Tàu) áp lực Pháp phải nghĩ tới một cách miễn cưỡng, mà cũng không đồng nhứt, vì chánh quyền ở mẫu quốc Pháp kẻ (tả) nói gà người (hữu) nói vịt, dù cả hai đều phải nhìn nhận là khó chơi với Cộng sản VN lắm:
Vốn sau Hiệp định ký kết giữa Bảo Đại và cao ủy Bollaert ở Hạ Long ngày 5-06-48, qua năm sau Bảo Đại chỉ định tướng Nguyễn văn Xuân thành lập chánh phủ quốc gia (tháng 31- 05-48) để tranh thủ độc lập với Pháp. Qua năm sau (08-03-49) Bảo đại ký với TT Vincent Auriol Văn kiện xác nhận VN là một nước độc lập và thống nhứt trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày 25 tháng 04,1949 Bảo Đại về nước, lập văn phòng Quốc trưởng ở Đà Lạt. Tất nhiên đem đến cho Đà Lạt một không khí chánh trị triều đình rất nhộn nhịp và kinh tế địa phương bộc phát bất thường...
Chúng tôi trong hội Nghiên cứu đều rất bi quan, khi biết VN mới được Pháp cho độc lập (nửa vời, vì không có ngoại giao và quốc phòng) với một Thủ tướng (NVX) không biết nói tiếng Việt, và một ông Quốc trưởng về VN để đi săn bắn hơn là lo việc nước. (4)
(4) Đây là một chuyện thật. anh Vĩnh Huyên đã kể cho người viết khi còn ở Đà Lạt (1949-50) lúc anh làm Chánh võ phòng của Bảo Đại. Ngày đó, anh Vĩnh Huyên không nói rõ, anh mang đến cho Quốc trưởng ký sắc luật thành lập quân đội Quốc gia VN thì gặp Ngài đang đứng chùi một khẩu súng săn:
- Gì đó? Ngài hỏi, vẫn không nhìn anh.
- Thưa Ngài, sắc luật thành lập quân đội Quốc gia VN, Thủ tướng xin trình ngài...
- Đâu?
Anh Vĩnh Huyên hai tay đưa ra, Bảo Đại vụt vải chùi súng, với lấy cây viết trên bàn và quẹt chữ ký trên trang giấy... tay trái vẫn cầm cây súng... không liếc qua xem mình ký cái gì.
Đang khi Pháp vẫn cố chấp bần tiện, keo kiệt đeo đuổi chánh sách Thực dân đến chỗ ngu xuẩn... thì ngày VN độc lập thật sự và hoàn toàn xem ra còn xa vời... tuy cũng còn được một chút hi vọng!
Nhưng cái tin làm chúng tôi lo sợ nhứt, chính ông Ngô Đình Nhu nêu lên là ngày Hồng quân của Mao trạch Đông vào Bắc Kinh (cuối năm 1949) , làm chủ Đại lục Trung hoa hoàn toàn, tức là VN sẽ có một láng giềng khổng lồ, lại là cùng đồng chí với Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản ĐD (Komintern). Ngay lúc đó nguời viết đã nhận thấy ông Ngô Đình Nhu là một con người rất trầm ngâm, nói ít, không lưu loát lắm, nhưng gần như toàn là những câu ý nghĩa thật cô đọng. Tuy nhiên sau vài lần nghe ông trinh bày một đề tài và bình luận, tôi biết ngay ông đang ôm ấp một hoài bão to lớn cho đất nuớc và một viễn kiến sâu xa về tình hình Đông Nam Á châu. Ông nói:
- Trong nửa thế kỷ 20 tới đây, Trung cộng sẽ là vấn đề quan trọng nhứt và quyết định ở Đông Nam Á châu, tại hại là trong đó có VN. Ngày nào mà Việt Nam bị Việt Minh hay Cộng sản chiếm lấy là bắt đầu ngày mất nước, vì khi đó một nước VN Cộng sản là cùng một tổ chức Komintern với Trung cộng. Và nguy hơn nữa, từ 4 ngàn năm qua Trung hoa dù có hóa ra Trung cộng đi nữa thì tinh thần Hán tộc vẫn dominant (chủ động), mà tinh thần Hán tộc là tinh thần xâm lược cố hữu, nhứt là khi vấn đề nhân mãn người Tàu không giải quyết được..
Có thể Chính đề VN ông Ngô Đình Nhu đã quan niệm từ lâu, khi còn ở trên Đà Lạt (1946-1952) để rồi sáu mươi năm sau, ở hải ngoại nầy nầy một số anh em có nhắc đến khi có người muốn đạo văn. Thật ra tôi không biết ông Nhu viết khi nào, nhưng khi gặp ông ở trong hội Nghiên cứu Xã hội học Đà Lạt (1949) và sau nầy trong đảng Cần Lao, quan niệm Chính đề VN đã manh nha và phát triển trong những bài viết, bài nói chuyện của ông rồi! Tôi thấy ông có viễn kiến hay thấy trước cái hiểm họa mất nước về tay Hán tộc do chính Cộng sản VN làm nội tuyến, chỉ vì cùng trong một khuôn khổ tổ chức chặt chẽ Komintern, Cộng sản VN có muốn thóat ra không phải là một chuyện dễ! Chính đề VN, viễn kiến của ông Ngô Đình Nhu chỉ có thế, nghĩa là VN mình có cơ mất nước một khi mà bị Cộng sản cai trị !.
Nhưng đó là chuyện xa vời, có thế ông Ngô Đình Nhu đã thấy trước. Còn chuyện gần nhứt là khi VN có một láng giềng không lồ lại là Cộng sản, nghĩa là đồng chí với Hồ Chí Minh thì nếu Cộng sảnVN có một hậu cần vô cùng hùng hậu như Trung cộng (đó là cái chắc) để đánh với Pháp, thì Pháp sẽ phải mất Bắc kỳ! Trừ phi Mỹ phải can thiệp đúng lúc! Nhưng đây lại là điều không chắc lắm! Vì quyền lợi ưu tiên # 1 của Mỹ từ khi Do thái lập quốc (1945) là Trung Đông, không phải là Thái bình dương nữa!
Cho nên chắc chắn từ nay quan hệ Pháp/Việt một phần rất lớn sẽ bị quan hệ Mao/Hồ Chí Minh quyết định. Rất tiếc chánh trị giữa Pháp và VN không tốt đẹp lắm, chỉ vì Thực dân Pháp còn chi phối chánh sách Pháp đối với VN, nghĩa là Pháp còn nắm níu thuộc địa của mình, khó rứt khó bỏ như đỉa trâu, càng lâu càng làm mất lòng dân, làm ngả lòng dân và càng củng cố “chính nghĩa cứu nước” của Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN. Đó là một điều người quốc gia không bao giờ tha thứ De Gaulle và nước Pháp của ông.
Còn đối với phía Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN, khi đứng ra lãnh đạo kháng chiến đánh Pháp để giải phòng dân tộc VN, thì chính GS Messmer, một người Pháp có hỏi chúng tôi là người VN:
- Tại sao Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản VN phải dựa thế Cộng sản Quôc tế (Komintern), dùng võ trang để giải quyết vấn đề giải phóng với Thực dân Pháp hơn là giải pháp dân tộc ôn hòa như các nuớc Thuộc địa Anh?
Không dè hai đối thủ (De Gaulle và Hồ Chí Minh) đều rất giống nhau ở một điểm: Cả hai đều không thức thời, cả hai đều ngu xuẩn như nhau. Sau thế chiến thứ hai, trong trật tự hoàn vũ mới, quan niệm thuộc đia của thế kỷ 19 không còn có chỗ nữa, vì thuộc địa thành độc lập cũng như nuớc thua trận được phục hồi sẽ lợi ich cho sự phát triển chung hơn vô vàn, Có một người bạn giàu sang hoàn toàn có lợi hơn là có một thằng đầy tớ khố rách áo ôm. Kế hoạch Marshall của Mỹ và Ấn độ được độc lập đã chứng minh điều đó! De Gaulle ngu xuẩn là ở chỗ đó. Ngoài ra chiến tranh chỉ thiệt cho cả hai bên, đối với VN thiệt hại lại quá lớn, làm bại hoại cả sức sống của dân tộc. Có phải chỉ vì Hồ Chí Minh nghe lời xúi dại ''ăn cứt gà sáp'' của các đồng chí đàn anh?
Lúc đó chiến tranh chưa kết thúc, chưa làm kết số: tích sản (actifs.asssets) bao nhiêu và nhứt là bao nhiêu tiêu sản (passifs/liabilities) chúng tôi chỉ biết trả lời được có phân nửa:
- Vì chánh sách thực dân lỗi thời ngu xuẩn của De Gaulle bắt buộc phải thế!
Nhưng lâu sau nầy tôi mới thấy còn phân nửa phải trả lời mới đầy đủ được!
Đó là sự ngu xuẩn không thức thời của Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN, chỉ biết dựa vào cái thế Đồng chí (Komintern) để giải quyết vấn đề giái phóng dân tộc, hoàn toàn bỏ qua cái thế Đồng bào, như các nước thuộc địa khác của Pháp. Các nước nầy chỉ dựa vào cái thế dân tộc hay đồng bào mà họ thu hồi độc lập không tổn thất như VN mà còn không nợ nần ngập đầu như VN nợ các Đồng chí Nga Tàu, nợ đến đỗi phải cầm cố cả tuơng lai của dân tộc, chưa biết bao giờ mới thanh toán xong, chính 4 cái Tốt + 16 chữ vàng là Giấy nợ, Cộng sản VN không bao giờ xóa được! Trả bằng đất bằng biển, bằng cả con trai con gái... cũng không bao giờ trả cho hết, đó là cái chắc! (5)
(5) Thành thử bậy giờ chống Tàu mà không lo diệt Cộng trước, thì đúng là đặt cái cày trước con bò!
Hai năm ở Đà Lạt, không phải là dài gì cho lắm, nhưng nhờ gặp được 3 nhân vật tuyệt vời (Cha Parrel. ông Ngô đình Nhu và Gs Messmer) đáng bậc thầy, tôi học được rất nhiều, chỉ nói về kiến thức về chánh trị về xã hội.... Tuy nhiên tôi nhận thấy còn thiếu rất nhiều, cần phải tìm học hỏi thêm, nhứt là về kinh tế học, mà trong chương trình giáo dục văn hóa của Pháp ở VN hoàn toàn thiếu hẳn. Đó là một lý do thối thúc tôi nên xuất dương, bỏ lại sau bao nhiêu là hứa hẹn giàu sang và hạnh phuc gia đình. (5)
(5) Chuyện cô Tám Niệm, cô của hai anh em Bình và An, học trò tôi kèm thi tú tàii. Ký ức HVL, Tập I
Ngoài ra ''một bước đàng là một sàng khôn'' nhứt là những bước đường Âu Mỹ! Ngoài ra bản thân tôi cũng có một chút óc giang hồ thích phiêu lưu!'
Hay muốn kéo thuyền con ra biển rộng
Để tung hoành sóng gió với trùng dương?
Muốn chim ngàn vỗ cách khắp 10 phương,
Tiếc chi nữa một xó rừng chật chội?
Lúc ra đi, khi từ giã hội Nghiên cứu xã hội học, tôi cũng có nói : rất bi quan về tình trạng của đất nước, ra đi một thời gian để học hỏi thêm, sau sẽ về giúp nước, tất có lợi hơn là ở nhà trong lúc nầy... Làm một công chức như bây giờ, không phải là sự nghiệp của tôi!
 
7.- Paris-Quebec-Chicago
 
Với hai năm làm thư ký Ngân khố Đà Lạt và đi dạy tư + số vàng má để lại + giúp đỡ của chị Tư... tôi có được một số tiền có thể tự túc du học ở Âu Mỹ 3, 4 năm, nếu có thêm học bổng thì chắc chắn còn dư ít nhiều.
Và ngày 15 tháng 08,1950 tôi xuống tàu Champollion của Nessageries Maritimes đi Marseilles. Trên tàu tôi quen biết anh Hòang anh Tuấn, anh Ngô trọng Anh, anh Nguyễn quang Lệ, anh Nguyễn văn Tùng và hai chị Kỳ Mỹ và Như Cầu... là những bạn sẽ còn gặp lại ở VN năm bảy năm sau, kỳ dư không còn gặp lại một ai nữa. Như thế cũng có nghĩa là trên 240 sinh viên đi du học với tôi trên chiếc tàu Champollion chỉ có 3% trở về giúp nước, cũng gọi là trả nợ xã hội... Như thế đúng là một cuộc đầu tư hoàn toàn thua lỗ của xã hội!
Sau Paris (50-51), tôi qua Québec học kinh tế học và xã hội học (51-54) để rồi được học bổng học học Econometrics ở đại học Chicago từ đầu năm 1954.
Và đang đi làm hè thì được tin Hiệp định Genève 20-07-54 chia đôi đất nước, chúng tôi hoàn toàn bỡ ngỡ đến tuyệt vọng: Cộng sản đã chiếm được phân nửa đất nước, rồi đây cũng đến ngày lấy cả phân nửa còn lại. Không biết làm gì trước một biến cố vô cùng tai hại cho đất nước và cho chính tương lai của mình, tôi vội bỏ cả việc đang thầu, bay đi Washington DC để kêu gọi anh em sinh viên về biểu tình để phản đối Mỹ và các cường quốc đã nỡ lòng chia đôi quê hương đất nước của chúng tôi. Và chúng tôi đã biểu tình trước White House ngày 21 07-54 và trước Liên hiệp quốc (UN) ở New York ngày hôm sau!
Bây giờ nghĩ lại thấy mà buồn cười, vì chuyện đã rồi của ''người lớn'', chuyện của mình chỉ còn là chuyện trẻ con, như là giận dỗi. Tuy nhiên sau khi suy đi nghĩ lại, tôi nghĩ VN bị các cường quốc chia đôi hoàn toàn là lỗi của Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN vì không thức thời hay ngu xuẩn đã chọn giải pháp chiến tranh cũng gọi được là giải pháp Đồng chí (do các Đồng chí trong Komintern xúi dại ''ăn cứt gà xáp''), hơn là giải pháp ôn hòa dựa vào cái thế của Quốc dân, của Đồng bào như các nuớc thuộc đia khác....Và càng ngày tôi càng thấy ý nghĩ trên càng đúng, nhứt là sau đó bao nhiêu là hệ lụy vô cùng khốn nạn đã xảy đến cho miền Bắc, dưới sự cai trị của Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN...cho đến ngày 30 tháng tư Đen 1975....
Sau khi biểu tình và nói trên các đài truyền hình ý chí của mình, tôi phải bay trở về Chicago để hoàn thành công tác thầu lợp kiếng của mình là vào giữa tháng 08-54, để rồi còn phải đi phó hội các Sinh viên VN ở Mỹ ở St Marys College ngày 20 cùng tháng.
Đại hội hôm đó là đại hội thường niên, nhưng phải gọi là bất thường, hầu hết thành viên đều lo buồn, chỉ vì là người Việt, tinh thần đương nhiên ít nhiều khủng hoảng vì đất nước mình đã bị chia đôi, có nghĩa là rồi đây một dân tộc hay anh em ruột thịt một nhà sẽ đánh đá nhau cho mà coi! '
Nhưng qua cơn khủng hoảng tinh thần, ngay sau cơm tối giữa lúc anh em sinh viên bầu cử ban quản trị cho niên khóa 54-55, đầu óc tôi còn vẩn vơ đâu đâu... Bỗng chốc tôi sực tỉnh khi giữa vòm trời mưa bão như thác đổ, một chiếc xe Cảnh sát Chicago với còi hụ, đèn pha xé màn đêm đến đậu trước phòng hội, cha Tuyên úy E. Jacques vội ra đứng ở ngưỡng cửa để nghe 2 anh Cảnh sát viên to tiếng:
- Chúng tôi muốn gặp ông Huỳnh Văn Lang !
Cảnh sát tìm người giữa đêm khuya, mưa gió nhự vậy, chắc phải có gì ghê gớm lắm!
Và đúng vậy! Ghê gớm thật, vì họ đến để đưa tôi lên một nẻo đường đầy phiêu lưu và thử thách!
Cha Jacques gọi tôi ra:
- Tôi là Huỳnh Văn Lang đây!
- Thưa ông Lang, chúng tôi được lệnh bộ Ngoại giao đến tìm ông và dùng mọi phương tiện để đưa ông đi Washongton DC nội trong đêm nay, nếu ông bằng lòng...
- Xin đợi tôi mươi phút!
Vào phòng hội, tôi thưa vời cha Jacques:
- Con phải đi Washington ngay! Linh tính báo con phải về VN giúp chánh phủ Ngô Đình Diệm, cha nghĩ sao, có nên về hay không?
- Theo cha, thì không, con đang có học bổng quá tốt, bỏ học lúc này, cha nghĩ chưa phải lúc, học cho xong, thì về là hay hơn, nhứt là lúc này chánh phủ Ngô Đình Diệm không có gì vững chắc hết!
- Nhưng con nghĩ, khi ra đi là trông có ngày về giúp nước! Co thể đây là cơ hội. Con e học xong có bằng PHD rồi, không còn nước nữa để mà giúp! (Lúc đó tôi đinh ninh sau khi chiếm phân nửa đất nước, phần chắc là sẽ chiếm nốt phần còn lại trong nay mai) ...
Thế là tôi vội vã từ giã cha Jacques và anh chị em đang ngồi bàn tán và chờ tin: Thật là lưu luyến, chỉ mới làm thân với nhau lại vứt áo ra đi như chạy trốn hay bị dẫn độ về đâu... Tôi vội lấy nón chạy ra dưới mưa, chui vào xe Cảnh sát và nhờ đưa về Chicago, để lấy áo quần và giấy tờ hộ thân...
Và đúng nửa đêm, Cảnh sát đưa tôi lấy máy bay, để rồi sáng sớm hôm sau tôi xuống phi trường National air port, Washington DC. Đến phi trường thì có cô Dung, trưởng nữ của Chánh văn phòng Nguyễn Đệ, đang là đệ nhứt tham vụ tòa Đại sứ VN đứng chờ sẵn:
- Ông Lang có điên tín của thủ tướng Ngô Đình Diệm cho gọi ông về VN. Chiều nay, ông lên phi trường Iddlewild New York, tôi đã giữ chỗ cho ông ở Air France, chuyến 7 giờ đi Paris... Ông không có nhiều thì giờ lắm! Bây giờ tôi phải đưa ông đi ra sở thuế (IRS) để lấy giấy Clearance, trước khi ra khỏi nước Mỹ...
Thật là quá chu đáo!
Rất tiếc ! Vì mưa bão quá lớn, phi cơ Taxi của chúng tôi không đến New York kịp giờ, nên chúng tôi chỉ về đến Paris ngày hôm sau, để rồi ngày 24 tháng 5, 1954 chúng tôi mới về đến Sài Gòn. Chiều hôm đó chúng tôi đã có mặt tại dinh Gia long và ăn cơm tối với thủ tướng Ngô Đình Diệm...
 
8.- Bên thủ tướng Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.
 
Tôi đã biết người anh, Đức cha Ngô đình Thục và người em, ông Ngô đình Nhu, nhưng chưa bao giờ gặp Thủ tướng Ngô Đình Diệm, nhưng vì không có người, anh bí thư cố hữu Võ văn Hải phải thay thế anh chánh văn phòng Bùi xuân Bào, ngẫu nhiên Thủ tướng bảo tôi làm bí thư cho ông, không dè ngay trong lúc chánh phủ gặp khủng hoảng ''một mất một còn'' do tướng Nguyễn văn Hinh gây ra, tức là đầu tháng 9. Nhờ tài ba và mưu lược của hai người Anh Em mà cuộc khủng hoảng được giải quyết trong vòng 2 tháng. Không ngờ sự nghiệp sau nầy của tôi lại do biến cố chánh trị nầy định đoạt một phần lớn, vì hai người Anh Em biết được tánh tình và khả năng của tôi hơn, cũng như tôi biết được bản lãnh của hai người rõ ràng hơn. Thành ra sẽ có một sự tin tưởng lẫn nhau làm căn bản cho sự hợp tác lâu dài, nhưng bao lâu vẫn còn là một câu hỏi? (7)
(7) Đọc Ký ức Tập II người viết có ghi lại đầy đủ sự hợp tác hơn là phụng sự của tôi từ đó cho đến cuối năm 1962
Vốn trong thời gian 45 ngày khủng hoảng Nguyễn Văn Hinh cũng là thời gian tôi làm bí thư cho thủ tướng Ngô Đình Diệm, tuy rất ngắn ngủi nhưng tôi có thể khẳng định được một việc: Nếu không có một Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu mà với một thủ tướng khác, như một Bửu Lộc đang dự bị trở lại...thì rất có thể Hồ Chí Minh và đảng Cộng sảnVN đã ăn ngủ ở dinh Độc lập từ năm 1955, trước sự cuốn gói ra đi dứt khoát của Thực dân Pháp rồi, mà Mỹ chưa chắc gì nhảy vào để can thiệp kịp lúc!
Sự vững mạnh của chánh phủ Ngô Đình Diệm đã làm cho thế cờ quốc tế Nga Tàu một sớm một chiều phải thay đổi, nếu không nói là đảo ngược, chính Mỹ và Cộng sản Hà Nội cũng không dè được! Cho nên có nhà sử học Mỹ nào đó dám viết về một phép lạ Ngô Đình Diệm không phài hoàn toàn sai lạc.
Để rồi từ đó đã có một Địa đàng ở dưới vĩ tuyến 17, dưới thời Đệ nhứt Cộng hòa ít ra sáu bảy năm. Rất tiếc là Cộng sản Hà Nội quá láo và sắt máu, cộng với sự quá ngây ngô hay ngu ngơ của chính người dân miền Nam, trong đó có rất nhiều chánh trị gia, trí thức, thầy chùa và cha cố... đã manh tâm phá vỡ từ căn bản một chế độ, tuy không có mấy lỗi lầm, nhưng phải kể là tương đối rất tốt, mà VN chưa bao giờ có và chưa chắc gi sẽ có được trong tương lai, nhứt là sau khi Địa đàng đã bị Cộng sản biến thành Địa ngục lâu cả 3-4 thế hệ, làm kiệt quệ sức sống, làm tiêu ma tánh bổn thiện của dân tộc!
 
8.- 20 năm (1954-1975)
 
Do lời kêu gọi của thủ tướng Ngô Đình Diệm về giúp nước, tôi đã về và làm những gì để giup nước?
1.- Dù chưa có một chức vụ chánh thức trong chánh phủ Ngô Đình Diệm, vừa về đến VN chúng tôi đã khởi sự mở các trường Bách khoa Bình dân, chuyện dạy nghề cho giới Bình dân hiếu học, nhưng thiếu phương tiện, mà con số được theo học hoàn toàn miễn phí và ra trường có chứng chỉ đầy đủ chỉ với các truờng Bách Khoa Bình Dân Sài Gòn/Cholon trong 10 năm người viết trục tiếp điều hành đã lên trên 37,000 người, chưa kể các trường Bách Khoa Bình Dân khác ở các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Bến Tre, Ban Mê Thuột... Ngoài hệ thống trường Bách Khoa Bình Dân, người viết cũng là người sáng lập tạp chí Bách khoa, chủ nhiệm kiêm chủ bút một thời gian 6 năm đầu, cùng một Thư viện nhỏ...
Trên đây là những công tác văn hóa, nguời viết có quyền hãnh diện phần nào, vì thật sự có chút công giúp một số lớn đồng bào, tức là giúp nước, mà chỉ có ở trong một chế độ dân chủ, nguời viết mới thực hiện được và thành công được. Nếu ở trong một chế độ độc tài độc đảng độc quyền như ở VN ngày nay, thì chắc chắn những sáng kiến và những tấm lòng tha nhân của chúng tôi sẽ không bào giờ có cơ tồn tại, nói chi là phát triển.
2.- Với chánh phủ Ngô Đình Diệm, tôi giữ chức Giám đốc Viện Hối đoái Quốc gia từ giữa năm 1955 đến cuối năm 1962, nhờ sự tin cậy không giới hạn của Thủ tuớng sau là Tổng thống Ngô Đình Diệm và hậu thuẫn chơn thành của hội đồng tối cao Tiền tệ và tín dụng, người viết đã ổn định được thị trường hối đoái, cũng có nghĩa là giữ vững giá trị đồng bạc trong một thời gian dài...
3.- Nhưng ở đây người viết muốn nhấn mạnh đến việc làm với ông Ngô Đình Nhu, Tổng bí thư Cần Lao nhân vị Cách mạng đảng, khi tôi nhận lãnh (tháng 04-1055) trách nhiệm phát triển đảng Cần Lao trong Nam và tôi đã đứng ra thành lập Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt (Bắc ở đây được giới hạn trong pham vi Bắc kỳ di cư, cũng như hoàn toàn đứng ngoài miền Trung, chỉ trong Nam từ Phan rang trở vào). Nhờ tổ chức Liên kỳ nầy ở Lục tỉnh mà tôi theo dõi được lực lượng Cộng sản nằm vùng cho đến khi Cộng sản Hà Nội khai sinh ra Mặt trận Dân tộc Giài phóng miền Nam là cuối năm 1959. Rất tiêc là đến khi đó thì Liên kỳ đã bị Tổng bí thư Ngô Đình Nhu giải tán vi những lý do vớ vẫn.
Thật đáng tiếc ! Nếu không thì chắc chắn Đệ nhứt Cộng hòa đã không thua trận ở Trảng sụp, đêm Giáng sinh 1959, bởi Việt cộng sẽ không có yếu tố ''bất chợt'' đánh úp trung đoàn BB của trung tá Trần thanh Chiêu, vì trong 3 năm Liên kỳ đã phát triển từ Tịnh Biên, đồn điền Cao su Chup... đến tận Tây Ninh, thì làm sao Việt cộng có thể điều động cả trung đoàn mà qua mắt cán bộ của Liên kỳ được.
Ngoài ra người viết còn có thể cường điệu để phỏng đoán, nếu Liên kỳ không bị giải tán, thì chưa chắc có biến cố 01-11-63, làm sụp đổ tất cả kiến trúc của một chế độ dân chủ, dù có một vài sai lầm, nhưng thật sự vì dân vì nước. Vì nhân vật đóng vai trò quan trọng nhứt trong biến cố đó lại không ai khác hơn là cán bộ Cần lao Liên kỳ truớc kia. Và nếu có xảy ra thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra một cách thê thảm như nó đã xảy ra với bao nhiêu hệ lụy vô cùng tai hại dài dài của nó, mà biết đâu VN lại không xẩy ra ngày 30 tháng tư Đen 1975!
Trên đây, người viết có thể phỏng đoán dựa trên cứu cánh tối hậu của Liên kỳ là Chống cộng và Củng cố chế độ để cải thiện xã hội theo chủ thuyết Nhân vị và Kinh tế Nhân bản. Dù tôi không thành công như ý muốn, nhưng nhờ đó mà tôi hiểu biết đối thủ của chúng tôi hơn.
Cuối năm 1955, tôi lập gia đình. Ba tháng sau nhơn dịp Tết Nguyên đán tôi muốn dẫn vợ về giới thiệu với bà con bên chồng ở ấp Long thuận, nằm ngay bên tả con đường liên tỉnh số 4. Con đường vào ấp ở ngay cóng Hội đồng Huyến (tên riêng của ông nội Hùynh kim Thịnh của tôi), bây giờ thành ra cầu Cây cách, tôi đỗ xe lại và dự định đi vào ấp, thì may thời gặp chị hai Tới, chị nuôi của tôi, nhà chi ở ngay bên đường! Mừng mừng tủi tủi, hai chi em gặp lại sau gần 10 năm xa nhau:
- Chị mạnh không? con Đây con Thanh bao lớn rồi?
- Tụi nó có chồng về thành phố hết, còn mình chị ở lại dưới nầy! Em đi về hồi nào?
- Hơn 1 năm rồi ! Em muốn dẫn vợ về thăm mộ cha má...
- Em không thể vào làng được! Họ sẽ bắt giữ em lại! Không nên vào làng, bây giờ cũng như trước kia! Việt Minh vẫn như cũ, vẫn như còn trong Chiến khu Gò cà. Ban đêm họ vẫn sinh hoạt không khác gì năm 1945-46.
- Nghĩa là sao?..
- Nghĩa là vẫn còn khủng bố, giết chóc! Bà con mình chia ra hai phe, người theo Cộng sản, bắt bớ người không theo... ai chống đối vẫn còn sợ bị gõ cửa ban đêm. May mà có người được phép ra vô được, đó là những người đi hàng hai...
Thì ra tuy thời gian có đổi thay nhưng Cộng sản vẫn đi đến đâu là chia rẽ đến đó! Cộng sản nói đoàn kết là chia rẻ, chia rẽ từ trong gia đình, từ trong làng xã... Thiên đàng XHCN đúng là Địa ngục, vì ở đó chỉ có chia rẽ, chém giết nhau, mất cả tình tự gia đình, tình tự đồng bào từ hạ tầng cơ sở...
Đúng vậy, tôi là một con dân nước Việt, một người yêu nước rất tầm thường, tôi yêu đại gia đình họ Huỳnh chúng tôi, tôi yêu người làng xóm, tôi yêu làng Nhị Long của chúng tôi, văn hóa miệt vườn của chúng tôi, con sông Láng thé, cái kinh Đùng đình...Lòng yêu nước của tôi bình thường như vậy, tôi không phải là một nhà ái quốc tầm cỡ Trương công Định, Thủ khoa Huân hay một Phan chu Trinh, một Phan thanh Giản hay một Ngô đình Diệm. Nhưng khi Việt Minh đến lập chiến khu Gò cà trong làng, gọi là đánh Pháp giành lại chủ quyền Quốc gia, song với một cái giá mà chúng tôi cho là quá đắt, vì cái thiên đàng nhỏ bé của chúng tôi một sớm một chiều hóa ra một địa ngục, vì ở đó không còn tình tự gia đình, tình tự hàng xóm nữa, ở đó tiếng khóc đã lấn áp tiếng cười rồi!
Chồng sau của chị hai Tới là một cán bộ Cộng sản, chị biết rõ tình hình trong làng, cũng là tình hình trong miền Nam lúc bấy giờ và như tôi biết sẽ kéo dài cho đến tháng tư Đen, 1975. Cũng có nghĩa là sau Hiệp định Geneve 20-07-54, Cộng sản Hà Nội vẫn còn nắm giữ một phần lớn hạ tầng cơ sở miền Nam, nhờ một số cán bộ vừa trung kiên vửa lão luyện như Lê Duẫn, Phạm Hùng...do sắc luật 02-05-45 của chánh phủ Trần trọng Kim phóng thích. Họ vẫn tiếp tục họat động dưới sự che chở dấu giếm của những nguời quốc gia trong đó có rất nhiều cha cố thầy chùa, tri thức, cả điền chủ ngu ngơ nuôi ong trong tay áo... cho đến khi (1959) Cộng sản Hà Nội khai sinh ra Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam, một thủ đoạn siêu đẳng của Cộng sản Hà Nội. Đau đớn nhứt! Đó là một tổ chức quân dân chính, dù là do Hà Nội sản sinh ra, nhưng 99% thành viên là dân miền Nam, gồm đủ các thành phần xã hội Nam kỳ lục tỉnh. Vì đại nghĩa nhưng kỳ thực là một chiêu bài giả dối, Cộng sản Hà Nội tha hồ giựt dây để dân miền Nam chém giết dân miền Nam, dọn đường cho Cộng sản miền Bắc đánh chiếm và đô hộ miền Nam.(9)
(9) Chỉ mỗi một năm 1960, Mặt trận đã ám sát, đã thủ tiêu trên 4,000 cán bộ của Đệ nhứt Cộng hòa.
Cộng sản Hà Nội hoàn toàn thành công còn phải ghi nhận và vinh danh thành phần thứ ba, chính thủ tướng Võ văn Kiệt đã xác nhận điều đó. Và những ai là thành phần thứ ba. Danh sách đã quá dài, không cần phải viết lại, vì đó là một bằng chứng của cái dại ''không cái dại nào hơn cái dại nầy'', mà ngày nay ở hải ngoại nầy bao nhiêu người là tị nạn Cộng sản lại muốn lập lại. Như là kiến nghị, như là đối thoại, như là bỏ cờ vàng 3 sọc, như là hòa giải hòa hợp...
Ngày (30-04-75) Cộng sản thuợng cờ Mặt Trận lên trên nóc dinh Độc lập đã đánh dấu một biến cố lịch sử: thay thế chế độ thực dân Pháp bằng một thứ chế độ thực dân khác tham tàn hơn, ác nghiệt hơn và triệt để hơn vạn bội, mà có nhà báo Pháp nào đó gọi là tự đô hộ, người viết lại gọi là 1/2 dân tộc nầy đô hộ phân 1/2 kia. Người viết không kỳ thị như một Âu trường Thanh, nhưng đây là một sự thật vô cùng phũ phàng, vì nguời miền Nam (Mặt trận) như nói trên đã làm cỗ sẳn cho dân miền Bắc đô hộ dân miền Nam từ ngày ấy! (10)
(10) Nói như trên cũng là xác nhận ngày đó đã đánh dấu sự tan vỡ một chiến công vĩ đại của TT Ngô Đình Diệm cùng các chiến sĩ quốc gia đã trường kỳ tranh thủ giành lại được chủ quyền Quôc gia, tự do Dân tộc trên tay Thực dân Pháp. Hôm đó là ngày 09-09-54 tướng Paul Ely cao ủy Pháp thay mặt Thực dân Pháp đã trao trả dinh toàn quyền Norodom cho chánh phủ Ngô Đình Diệm. Người viết tháp tùng TT Ngô Đình Diệm và có mặt lúc truớc kỳ đài cờ tam tài Pháp được hạ xuống và cờ vàng 3 sọc Quốc gia VN được kéo lên thay thế. Đó là giờ phút mà người viết ghi nhận VN bắt đầu được hoàn toàn độc lập. Nghi lễ trao trả hôm đó không được quan trọng hóa vì cũng là lúc tướng Nguyễn văn Hinh phát động mưu đồ lật đổ chánh phú Ngô Đình Diệm.
 
9.- Trên đây là chuyện tôi biết về đảng Cộng sản VN với những “thành tích” tiêu cực của nó trong Nam, chuyện ngoài Bắc, tôi chỉ nghe kể lại của những chứng nhân đáng tin cậy được, nhứt là khi nhiều người nói như nhau và giống nhau hay là qua sách báo Việt ngữ như ngoại ngữ.
 
Bần cùng hóa nhân dân.
Đó là những tội ác tày đình của đảng Cộng sản VN với đồng bào ruột thịt của mình, chớ không phải với ai khác. Mà lại là theo lời chỉ đạo của các đồng chí Nga Tàu. Thử lấy mỗi một chiến dịch Cải cách ruộng đất ngoái Bắc mà Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN theo chỉ thị của Mao chủ tịch đã phát động từ năm 1952 đến năm 1955, mà kết quả cụ thể là 127,008 nạn nhân mà phần rất lớn là hoàn toàn vô tội, chính những con số mà ngày nay Cộng sản Hà Nội đã phải nhìn nhận, tức nhiên là tối thiểu. Đối với một dân số mười mấy triệu đã là quá lớn, nhưng phương pháp hay thể thức để thi hành lại càng đáng sợ hơn nữa, bởi nó quá sức hiểu biết của một con nguời bình thường, vì nó vượt quá xa mọi tiêu chuẩn luân lý văn hóa của người Việt, nếu không nói là của con người, nó đã khuấy lên những cặn bã xấu xí hôi tanh nhứt của giai cấp bần cố nông vô giáo dục mà chính những tên Cộng sản có chút học thức cũng phải nôn ọe ghê tởm.
Hồ Chí Minh đã xin lỗi, đã khóc... nhưng chắc chắn 100% là nước mắt cá sấu, vì chính ông ta quả quyết ông Stalin, ông Mao của mình không bao giờ sai lầm kia mà!
Trong vụ nầy Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN đã đánh lừa giai cấp vô sản hay bần cố nông, đã đưa họ vào con đường sắt máu như là một dụng cụ để làm “Kách mạng”, nhưng kết cuộc làm “kách mạng” cho một giai cấp khác thụ huởng quyền lực và quyền lợi. Vốn dân tộc VN là dân tộc chuyên nông nghiệp, ước mơ cỏn con duy nhứt của nông dân là làm chủ một thưở đất nhỏ để canh tác mà dưới chế độ Cộng sản của Hồ Chí Minh người nông dân không bao giờ có được, nếu có chăng thì cũng sẽ bị tước đoạt một cách đại qui mô hay từng trường hợp nhưng có hệ thống như đang xảy ra ở VN hiện giờ!
Thật sự Cộng sản VN, khi chủ truơng giai cấp đấu tranh là để bần cùng hóa tất cả các giai cấp trừ ra giai cấp đảng viên, để Đảng Cộng sản lần lần làm chủ cả kinh tế tài chánh của đất nước, như đã và đang thực hiện ở VN hiện giờ rõ ràng!
Đó là chánh sách Cộng sản cai trị bằng chi phối cái bao tử.
Ngoài Bắc còn có vụ Nhân văn Giải phẩm, là chiến dịch đánh trí thức, bãi bỏ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận...tức là chủ trương ngu dân. Cả mấy trăm đài truyền thanh truyền hình, cả 7, 8 trăm tờ báo giấy....tất cả phải viết phải nói, phải viết cái gì và nói và viết làm sao! Đúng là một phương pháp ngu dân triệt để và hiệu nghiệm vô cùng!
Năm 1995, người viết có về VN để lo cải táng ông bà sơ Huỳnh văn Viễn. Sau bữa cơm tối, bà con trên dưới 50 trai tráng đàn ông đàn bà ngồi lại dưới sân nhà chú Huỳnh văn Hải để hàn huyên cho thỏa thích! Có một câu hỏi làm cho tôi thương hại cho bà con tôi cũng như dân chúng VN vô cùng:
- Chú Tám, ông Tám... thật sự nguời Mỹ có lên được mặt trăng không?
Lần khác, lúc ở Huế nguời ta đem cha Nguyên văn Lý ra xử và có người công an thường phục bịt miệng cha Lý không cho nói, mà tấm hình đó đã đi cùng thế giới đến cả Congo., Phi châu. Thế mà có một linh mục xưa kia là học trò của tôi ở Vĩnh Long và đang làm cha sở một họ đạo nhỏ ơ trong tỉnh Trà Vinh, có qua Mỹ nầy và có ghé thăm tôi ở Connecticut. Thấy tôi đọc một tờ báo có in tấm hình cha Lý đang bị bịt miệng, linh mục nầy cũng hỏi tôi:
- Có thật vậy không Thầy, sao con không hay biết gì hết?
Chủ trương ngu dân hay là cai trị bằng cách chi phối cái đầu.
Để củng cố chủ trương nầy Cộng sản VN đã và đang áp dụng một chế độ giáo dục mà Ts NĐD dám nhận định như là một cái chợ kẻ mua nguời bán, với những định luật rất cay nghiệt, lấy kỳ thị làm phương châm, lấy đơn vị đồng tiền để tính toán, có khi lấy cả cái trinh để mặc cả.... Vì thế mà ông khuyên bạn của ông nên cho con đi học ở nuớc ngoài, vì ít ra nó cũng được thành nguời. Thế thì có câu hỏi:
- Nếu ở nhà học thì nó sẽ thành gì? Không lẽ trờ lại thành ngưởi vượn đứng thẳng (homo erectus) ư?
Cộng sản VN cai trị bằng cách chi phối cái đầu cũng như chí phối cái bao tử là thế!
Ngoài những chánh sách phụ thuộc nói trên, Cộng sản VN trước sau vẫn một mực ''láo và sắt máu'' để cai tri càng ngày càng ác nghiệt hơn. Láo trong tất cả mọi đường lối phát triển, hào nháng phô trương hơn là vững chắc, thiết thực, hữu ích cho người dân. Làm một con đường cao tốc để lấy le, vì dân làm gì có xe để chạy, còn làm là để có cơ rút ruột và làm đầu nầy vừa xong là phải sửa chữa đầu kia... Đó chỉ là đơn cử một ví dụ!
Cón sắt máu là lẽ đương nhiên của một chế độ độc tài. Muốn tồn tại thì cần phải có một lực lượng Công an hùng hậu tối đa với một đường lối ''Công an là cha mẹ dân'', hơn là đầy tớ của dân như chính Hồ Chí Minh đã láo !
 
 
 
Trên đây là sơ lược phác họa cái bộ mặt cả cái tâm hồn của Cộng sản VN mà người viết đã phát hiện từ ngày còn ở trong chiến khu Gò cà, nhưng một cách mờ lạt thôi. Để rồi càng ngày càng thấy nó rõ rệt và đậm nét hơn! Nó không có thay đổi, nếu có thay đổi là thay đổi đúng như một con rắn hổ mang lột da để lớn hơn, để hung tợn hơn, nhưng rắn hổ mang vẫn là rắn hổ mang. Chỉ có ngu ngơ hay ngây thơ như trẻ con mới ngộ nhận thành ra con rắn rằn ri cá hay con rắn bông súng...
Cũng có người quả quyết là Cộng sản VN không còn là Cộng sản nữa, chỉ là một loại siêu Mafia thôi! Nguời viết không đồng ý, vì Mafia dù là siêu Mafia đi nữa thì làm gì có đến 3 triệu đảng viên, 3 triệu quân lính và Công an cảnh sát, làm gì có kinh tế (cả trăm công ty quốc doanh), làm gì có 700 tờ báo vâng vâng, có quốc hội dạ dạ, làm gì có đạo Phật với cả ngàn thầy chùa quốc doanh và đạo Chúa với cả trăm giáo phẩm (Hierarchie) quốc doanh, tất nhiên là chưa hoàn toàn 100%, nhưng rồi sẽ tới!
Bạn đọc cứ nên tin TT Yetsin đi: Chỉ có đào thải để thay thế thôi, vì Cộng sản không bao giờ thay đổi! Nguời viết có thể bổ túc như sau: Người Cộng sản có thể thay đổi, nhưng chế độ Cộng sản không bao giờ. Cho nên đối thoại với người (cá nhân) còn có thể được, nhưng đối thoại với người đại diện cho chế độ là không được, vì là dialogue des sourds (giữa hai thằng điếc), vì chế độ Cộng sản là một chế độ siêu cực đoan, đến chỗ thành ra cristalisation (thành đá), chỉ còn phải đập đổ mà thôi! Ví dụ: có muốn bài trừ tham nhũng, thì đố mà bài trừ đuợc!
Tóm lại: Cộng sản lấy chia rẽ làm phương châm hoạt động, láo & sắt máu làm phương pháp để phát triển và tồn tại, bần cùng hóa và ngu dân làm phương tiện để cai trị bằng cái bao tử và cái đầu.
 
Đến khi thống nhứt được đất nuớc rồi (1975), Cộng sản VN vẫn xử dụng những phương châm, phương pháp hay... phương tiện nói trên một cách tinh vi hơn, toàn diện hơn, ác nghiệt hơn đến trình độ nghệ thuật và một nghệ thuật siêu đẳng.
Từ chiến khu Gò cà (1945), đến Hiệp định Geneve (1954), đến ngày Thống nhứt đất nước (1975), Cộng sản VN thay đổi rất nhiều, nhưng thay đổi là thay đổi trình độ ác nghiệt hơn, gian manh hơn, độc hại hơn... đi từ chỗ dã man mất tình người đến chỗ mất tính người!
Cộng sản VN thay đổi là thế! Thay đổi đến nổi làm mụ cả những cái đầu to lớn tự cho mình là trí thức thức thời, như thành phần thứ ba chẳng hạn! (11)
(11) Nhưng thực ra thành phần thứ ba phần lớn là trí thức, nhưng đúng là trí ngủ ngu dốt nhứt, vì không học được bài học lịch sử để lại! Bài học nào? Đó là bài học trung lập của ba nhà chánh trị khổng lổ Nehru, Tito và Sokarno. Trung lập là cái gì hơn là một cái không tuởng, cũng có nghĩa là ba xạo, to mồm lớn tiếng mà không làm được một cái gì nên thân, vì không có trung lập thật sự, vì thực tế là không ngả qua bên này ít nhiều thì lại ngả về bên kia nhiều ít.
Còn trường hợp VN thì chúng ta đã rõ như đã nói ở trên, vì chính đốí phương chẳng những là công khai nhìn nhận mà còn vinh danh nữa là khác, đó là dụng cụ để Cộng sản Hà Nội chia rẽ và làm yếu hèn hàng ngũ lực lượng Quốc gia, đến chỗ đánh mất nước của mình về tay Cộng sản Hà Nội! Đâu rồi các tên thành phần thứ ba đã vênh vênh váo váo tự phụ cho mình hơn người nay còn đâu? Hay là họ đã chết hết rồi và còn để lại hình ảnh những bộ mặt ngơ ngác sau 1975 và lép xẹp như miếng chanh vắt hết nước vứt vào thùng rác, nhơ nhuốc đến con ruồi con dòi cũng phải chê. Thế mà ngày nay ở hải ngoại nầy còn có người tị nạn Cộng sản lại muốn học đòi theo gương những con người ''ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản'' đáng khinh bỉ lại tự cho mình có lập trường! Nhưng khi tôi than phiền với một nhà sử học thì được trả lời như sau:
- Nào họ có lập trường con khỉ gì đâu ! Chẳng qua chỉ vì…, như một tướng NCK, một Gs họ Phó hay một Gs họ Lê...
- Nếu quả vậy thì còn đáng buồn hơn!
 
10.- Đến đây người viết đã nói vắn tắt về những thủ đoạn đến lưu manh, về những tội ác của Cộng sản VN kể như là trong quá khứ ! Dù các thầy chùa thuyết pháp từ bi, dù các cha cố rao giảng bác ái, quên hận thù, lấy ân báo oán v.v... tôi cố tình ghi lại để cảnh cáo người khác và nhứt là để đòi công lý lại cho các nạn nhân...
Ngoài ra để am hiểu Cộng sản VN hơn trong hiện tại, cũng gọi được là ''ôn cố tri tân''! Nhưng hiện tại thế nào, thiết nghĩ bạn đọc có thể biết hơn tôi, có kinh nghiệm với Cộng sản hơn tôi nhiều. Như tôi làm sao hiểu rõ thế nào là chế độ tù cải tạo bằng anh NBT, 13 năm tù. Tuy nhiên e rằng có lắm người ký ức qúa ngắn, như một người có cha mẹ bị tố khổ trong vụ Cải cách ruộng đất (1952-55) ngày nay lại to mồm tuyên truyền cho Cộng sản Hà Nội nào là nhân đạo, nào là anh hùng... Như một anh HO lại đi cửa hậu (hay hậu môn ?) của Tổng lãnh sự quán ở Houston để nhận lấy 1,500USD, không biết để làm gì?
Thật sự hiện tại phải kể như là từ năm 1975 đến giờ, Cộng sản VN đã và đang lập lại không sao kể hết những tội ác, những sai trái Cộng sản VN đã làm cho dân miền Nam nói riêng, cũng là cho dân tộc VN nói chung.
 
a.- Láo : Sau hai chục năm láo với dân miền Bắc, đến nỗi dân miền Bắc không biết dân miền Nam có thật nhiều đồng hồ có cửa sổ, có bao nhiêu là cái cốc ngồi trên cái nồi và ăn cơm không có bát, chỉ có gáo chén dừa... Thế cũng lạ, toàn dân Bắc kỳ sau 1975 biết Cộng sản láo như vậy, mà hiện giờ còn lắm người Bắc kỳ tin Cộng sản như tin Chúa, tin Phật...
b.- Đánh chiếm miền Nam và cướp giựt tài sản của dân miến Nam, từ chiếc quần lót đàn bà, đến những cơ xưởng khu kỹ nghệ Biên hòa...thì lại tuyên bố là đi giải phóng. Có phải vì thế mà tôi cố chấp bo bo giữ cái ID Chạy giặc Cộng sản (giặc đồng nghĩa với cướp bóc hảm hiếp...) hơn là Tị nạn Cộng sản?...
c.- Tù cải tạo là một cái nhục cho người thắng trận, làm mất hết khí tiết của nguời thắng trận cùng một lúc bại lộ chân tướng mất hết tình người. Kinh tế mới cũng thế, mà còn hơn nữa là thủ đoạn cướp giựt nhà cửa tài sản của nguời thua trận, có khi cướp cả vợ con khi họ bị tống ra đường!
d.- Sau đó là hai vụ đổi bạc, cũng chỉ là tiểu xảo để cướp giựt tiền tiết kiệm của dân miền Nam. Đến chuyện cho người Tàu vượt biên chánh thức để bóc lột công khai vàng bạc của họ, cũng như tổ chức cho người Việt vượt biên, có khi để bắt lại làm tiền lần thứ hai, có khi con nhẫn tâm hơn nữa là cho họ ra khơi để rồi thủ tiêu cả người cả chứng tích.
e.- Sau khi đánh trí thức, còn bắt chước Tần thủy Hòang đốt sách báo dân miền Nam đã đọc đã học trong nhiều năm qua. Tuy nhiên tôi phải kể lại chuyện nầy. Năm 1995 về VN tôi có đến thăm anh Lê ngộ Châu, cựu Chủ bút tạp chí Bách khoa (1963-75) và anh có kể cho tôi hai chuyện.
Tôi hỏi thăm thư viện của tôi giao cho Bách khoa cất giữ ở đâu?
- Tôi sợ quá nên đem bán ve chai hết, không thì cũng bị Vũ Hạnh đến chở đi hỏa thiêu thôi.. Tuy nhiên có một chuyện an ủi anh được. Năm 1976, Nguyễn Tuân và Đào duy Anh có đến tìm thăm tạp chí Bách Khoa và có nhờ tôi ''mua cho trọn bộ 423 số, gíá nào cũng mua cho kỳ được. Tụi nầy ở ngoài Bắc 50 năm chưa có được một tờ báo như tờ Bách Khoa của các anh trong Nam ''.!
Thư viện Văn hóa của hội Văn hóa Bình dân cũng phải chịu chung một số phận hỏa thiêu. Tất nhiên... đỉnh cao trí tuệ loài người thì cần gì phải có sách báo, nhứt là sách báo của Tư bản, của Ngụy, cần gì phải học, phải đọc! Nhưng cũng có một sự thật khác thật hơn như một thượng tọa ở Nha trang đã viết đại tự trước cửa chùa: Ngu mà biết mình ngu là trí, Ngu mà tưởng mình trí thì chính đó mới thật là ngu''.
Toàn là dân lớp ba từ trong rừng mới ra, không muốn cho ai giỏi hơn mình! Đốt sách báo của miền Nam cũng chỉ vì mục đích ngu dân và ngu dân một cách triệt để để dễ cai trị!
f.- Nghe theo lời của TT Goubachew, ''không đổi mới là chết''. Truớc khi đổi mới, Cộng sản Hà Nội đã bỏ đói dân miền Nam trên 10 năm. Các con em dân miền Nam sanh ra trong khoảng thời gian 1975-85 đều đẹt hết, vì mẹ không có sữa nuôi con, nhiều người mẹ phải ăn củ chuối, ăn cả bông Thiên tuế để thay cơm.
Đến khi “đổi mới” (1989) thì đảng Cộng sản VN chủ trương phát triển theo kinh tế thị trường như các nước tư bản, nhưng thêm cái đuôi ''theo định hướng XHCN'', có nghĩa là quyền lực Đảng phải là cứu cánh tối hậu của mọi hình thức phát triển kinh tế, kinh tế phải phụng sự Đảng hơn là phụng sự người dân. Chính đó là căn nguyên đủ thứ mâu thuẫn kinh tế chánh trị xã hội, mà hệ lụy đương nhiên là tham nhũng từ hạ tầng đến chóp bu, người bóc lột người dưới danh nghĩa Cách mạng, nhưng chung qui chì còn có một giá trị là đồng tiền, đồng tiền trở thành cứu cánh của Cách mạng...
Thành ra với danh nghĩa Cách mạng mà đảng Cộng sản VN cho phép mình làm bất cứ việc gì dù giết cha giết mẹ, hãm chị hãm em, miễn là có lợi cho đảng là đạo đức Cách mạng. Cho nên nếu phải bán nước, cầm cố tất cả tài sản tổ tiên để lại, miễn là phát triển và củng cố được quyền lực của Đảng vì đảng là con đường duy nhứt để làm “Cách mạng”....
Nhưng đến một lúc phải láo hơn nữa là đồng hóa Đảng với dân tộc. Đảng với dân tộc! Yêu Đảng là yêu nước, trung thành với Đảng là trung thành với dân tộc!
Và Đảng thành ra tiêu chuẩn để do luờng trình độ đạo đức Cách mạng, như chính Hồ Chí Minh đã khẳng định.
g.- Ở nước có truyền thống dân chủ, chúng ta có thể khẳng định dân nào chánh quyền nấy.. Nhưng ở một nước độc tài, độc đảng, độc quyền và toàn trị như ở VN, thì sau hai thế hệ (50 năm) chúng ta có thể khẳng định mà không sợ lầm lẩn: Chánh quyền nào là dân nấy!
Hằng ngày chỉ ở VN mới xảy ra những tội ác quá kỳ cục, quá man rợ, quá ghê tởm... Tình trạng đó nói lên cái g nếu không là hình dung cái chân tướng nhà cầm quyền Cộng sản, cái bản chất của chế độ Cộng sản hiện giờ!
 
Kết luận:
 
Tôi kỳ quyết chống chế độ Cộng sản ở nước nhà, cho đến khi nào nó bị giải thể hoàn toàn như ở các nước Đông Âu, vì trong quá khứ cũng như hiện tại Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản VN đã phạm quá nhiều điều tiêu cực cho bà con, cho đồng bào ruột thịt của chúng tôi, cho quê hương xứ sở của chúng tôi. Hơn nữa, đảng Cộng sản VN đã cầm cố tất cả tài sản vật chất của tổ tiên chúng ta để lại, đã cầm cố cả tương lại của cả một dân tộc. Tương lai của dân tộc dưới chế độ cộng sản là gì nếu không phải là những con trai phải đi ở đợ và con gái bị bán ra ngoại quốc... Tương lai của đất nước dưới chế độ cộng sản là gì nếu không phải là đất và nước, là rừng, là hầm mỏ của tổ tiên rơi vào tay ngoại bang...
Đó là những lý do chúng ta phải chống chế độ Cộng sản ở quê nhà cho kỳ cùng! Ở hải ngọai nầy, chúng ta không còn dùng súng được, thì có gì thì hãy dùng cái đó, có mồm thì đánh võ mồm, vì không có một cuộc Cách mạng nào mà không có võ mồm, có chơn thi đi xuống đường, có cây viết thì hãy viết ra tố cáo tội ác của Cộng sản, tố giác bọn tay sai nằm vùng v.v. Nhứt là phải kêu gọi và khuyến khích đồng bào ở trong nước bị oan ức, bị tước đoạt, bị bóc lột quá lâu ngày phải vùng dậy, phải nổi lên xóa bỏ một chế độ không bao giờ vì dân...
Đồng bào ơi, đừng bao giờ để bị cộng sản và tay sai đánh lạc hướng! Bây giờ chỉ còn có một hướng đi duy nhất đúng là lật đổ chế độ Cộng sản càng sớm càng tốt để cứu nước. Đó là ưu tiên số 1, kỳ dư là thứ!
Delenda Est Carthago!
Thân thương!
Huỳnh Văn Lang
 
 
Đỗ Tiến Đức
Báo Thời Luận
 
P.O. Box 954
Westminster, CA  92684
Tel: (323) 823-4561
Fax: (888) 549-5923