ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI VỚI VIỆT NAM
I. ĐỨC BIỂN ĐỨC TUYÊN BỐ TỪ NHIỆM.
Lúc 11 giờ ngày 11.02.2012, Công nghị Hồng y được Đức Thánh Cha triệu tập với nghị trình nguyên thủy là thảo luận về 3 cuộc phong thánh. Nhưng trong Diễn từ, Người đã tuyên bố rời bỏ sứ vụ Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó. Từ ngày 28.02.2013 lúc 20 giờ, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng y để bầu vị Giáo Hoàng mới.
Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa toàn năng, với Lý trí siêu việt, đã hoàn tất tiến trình tác thành trời đất và tạo dựng nên nhân loại. Người có Tự do toàn quyền trao ban sự hiện hữu và sự sống cho con người chúng ta. Chính vì vậy, mọi người nam hay người nữ đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và là dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo khác (x. số 26 Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo). Vì giống Thiên Chúa, con người cũng có Lý trí và sự Tự do. Do đó, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói : « Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi… » và « Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ…», phù hợp với Giáo luật điều 332 khoản 2: « Nếu Giáo Hoàng Rôma từ nhiệm, muốn cho hợp lệ thì việc từ nhiệm này phải được thực hiện cách tự do và phải được bầy tỏ đúng cách, chứ không cần được bất cứ ai chấp nhận ».
Sau đó, Đức Hồng y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, nói với Đức Thánh Cha : « Sứ điệp cảm động của Ngài đã vang lên trong Hội trường này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp, như thể không tin được. Trong những lời Đức Thánh Cha, chúng con nhận thấy có lòng yêu mến nồng nhiệt của Ngài đối với Hội thánh Chúa, Giáo hội mà Ngài yêu mến dường nào… Nhân danh Hồng y đoàn, những cộng sự viên quí mến của Đức Thánh Cha, để nói rằng chúng con gần gũi với Ngài hơn bao giờ hết như đã gần gũi với Ngài tám năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của Ngài… »
Lúc 17 giờ ngày 13.02.2013, Đức Biển Đức 16 đã cử hành Lễ Tro và cũng là Thánh Lễ cuối cùng trước sự hiện diện đông đảo tín hữu, trong tư cách Giáo Hoàng. Đồng tế với Đức Thánh Cha có lối 60 Đức Hồng y và Đức cha. Nhiều vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh tham dự Thánh Lễ với đông đảo giáo hữu.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cho biết truyền thống rất cổ kính cử hành chặng thứ I Mùa Chay tại Vương cung thánh đường thánh Sabina trên đồi Avventino, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt, để nhiều người có thể tham dự cùng cầu xin sự cầu bầu thánh Phêrô với Vị Mục Tử Tối Cao là Chúa Kitô, nên được dời về đây. Đức Thánh Cha nói: « Đối với tôi, đây là cơ hội thuận tiện để cám ơn tất cả mọi người, nhất là các tín hữu thuộc giáo phận Roma, trong lúc tôi sắp kết thúc sứ vụ Phêrô, và tôi xin mọi người đặc biệt nhớ đến tôi trong kinh nguyện ».
Các lãnh đạo tôn giáo và chính trị khắp thế giới đều bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng tôn kính, trước tin Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tuyên bố từ nhiệm vì lý do sức khoẻ. Thủ tướng Đức, quê hương Đức Thánh Cha, Angela Merkel cho biết bà vô cùng tôn kính quyết định khó khăn đó của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng Người là một trong những nhà tôn giáo vĩ đại nhất thời đại chúng ta. Phát ngôn nhân ngoại vụ Giáo hội Chính thống Nga nhận xét sẽ không có đổi thay nhiều trong chính sách Toà Thánh Vatican sau khi Đức Giáo Hoàng từ chức. Trưởng Giáo sĩ Do thái Yona Metzger ca ngợi Đức Giáo Hoàng trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Do thái giáo và Công giáo vốn giúp làm giảm tình trạng bài Do thái trên toàn cầu.
Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc (Strasbourg, Pháp) : « Thán phục bởi lẽ thứ nhất quyết định này cách đây 600 năm mới xảy ra. Thứ hai vì đây là cái mới mẽ. Người ta chờ đợi nơi Ngài là một vị Giáo Hoàng luôn luôn tuân thủ cái truyền thống đã 600 năm. Bây giờ thấy cái cử chỉ của Ngài lần này tỏ ra Ngài là người có can đảm: trung thành với quan điểm Ngài, đồng thời tuân phục luật của Giáo hội nên người ta rất thán phục. »
Trước những trào lưu tục hóa Tôn giáo, lập trường bảo vệ Tín lý Công giáo của Đức Thánh Cha thật vững vàng và sáng ngời. Luận án Tiến sĩ của Ngài là về Thánh Augustin, một vị Thánh lớn của Giáo Hội, Giám mục Tiến sĩ. Đức Biển Đức đã thông suốt đời sống thế tục hiện sinh của vị Thánh này. Do đó, Ngài sẳn sàng đối đáp với những trào lưu tấn công vào Giáo hội Công giáo. Lập trường của Ngài rất rõ rệt về những vấn đề của thời đại: Gia đình, được xây dựng bởi hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nền tảng của xã hội, trường học về đạo và đời, nơi sự sống con người bắt đầu từ khi thụ thai và chết một cách tự nhiên.
Đức Thánh Cha luôn vững tin nơi mình và sẵn sàng tìm hiểu vấn đề để giải quyết. Trong những thập niên 60, 70 và 80 thế kỷ trước, Phong trào Thần học Giải phóng nổi lên tại Nam Mỹ châu do ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản đang thịnh hành, nhằm tấn công vào Vatican còn mạnh hơn những vấn đề thời nay. Đức Hồng y Giuse Ratzinger, Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, đã quyết tâm chống lại Phong trào này và, ngày nay, Thần học Giải phóng gần như không còn được nghe đến nữa. Khi làm việc tại Roma, nhất là về việc bảo vệ Đức Tin, người ta nhận thấy nơi Ngài hình ảnh của con người Giáo điều, được mệnh danh là con người bảo thủ. Nhưng với sự từ nhiệm này, Ngài đã làm một hành động cách mạng, xứng đáng là một bài học cho những lãnh đạo tôn giáo và chính trị khi nhận biết sự vô năng của mình và tự do quyết định.
Thời gian gần tám năm thi hành trách vụ Giáo Hoàng, với tấm lòng thương yêu Dân tộc Việt, Ngài luôn ước muốn mọi công dân đất Việt được hưởng sự Tự đo, Dân chủ như Dân tộc các quốc gia khác trên thế giới. Nhà nước cộng sản không thể giam cầm đồng bào trái luật, xúc phạm thân thể và đánh chết người dân. Bởi thế, Đức Biển Đức XVI đã vui lòng tiếp đón các Lãnh đạo Việt Nam, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng, người mà, gần đây, chính phủ Ba Tây từ chối tiếp vì ông chỉ là Tổng thư ký đảng cộng sản.
II. ĐỨC BIỂN ĐỨC TIẾP CÁC GIỚI CHỨC CẦM QUYỀN.
Trong buổi triều yết ngày 27.04.2005, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa niên hiệu Biển Đức XVI : « Tôi chọn niên hiệu Biển Đức để nhớ đến Đức Biển Đức XV đã lèo lái con thuyền Giáo hội trải qua thời buổi nhiễu nhương Thế chiến thứ I. Theo chân Ngài, tôi muốn làm hòa và tạo sự hòa hợp giữa con người với nhau và giữa các dân tộc. Danh hiệu Biển Đức còn là tên thánh lập dòng Biển Đức chiêm niệm nữa ».
1.- Đáp lời mời của Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng Ý Romano Prodi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm nước này và ngày 25.01.2007, đã hội kiến với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đa số dư luận trong nước ‘hồ hởi’ cho rằng ‘chắc chính phủ Việt Nam muốn có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, như một bước tiếp theo logic của những nỗ lực hội nhập của mình vào cộng đồng thế giới’ vì ‘Việt Nam chứng tỏ đầy đủ khả năng để thực hiện cuộc hội nhập vào cộng đồng quốc tế, uy tín của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng hơn nữa, sau khi Việt Nam vừa mới được trở thành thành viên thứ 150 của WTO hôm 07.11.2006, tổ chức thành công Hội nghị APEC 12-19.11.2006. Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã đưa nước này ra khỏi danh sách những nước đáng quan tâm về mặt tự do tôn giáo hồi tháng 11/2006. Kết quả, Sự Thật không như vậy do suy luận dựa trên những lý do không thật : Việt Nam chỉ được chấp nhận vào WTO sau khi Trung cộng đã là thành viên của tổ chức thương mại này và Hoa kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước đáng quan tâm về mặt tự do tôn giáo vì khi cần phiếu cử tri gốc Việt để Tổng thống Bush ‘con’ có nhiệm kỳ hai và bỏ khi cần có một quà để Bush tặng cho Việt Nam khi đến dự Hội nghị APEC.
Quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh không thấy thiết lập và, cuối năm 2007, chỉ thấy việc cướp đất tại Tòa Khâm sứ cũ. Sáng ngày 30.12.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Tòa Tổng Giám mục Hà nội để gặp và trao đổi với Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt về những gì đang xảy ra xung quanh vụ việc Toà Khâm Sứ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, Đức Tổng Giám mục và Thủ tướng đã sang quan sát hiện trường và nghe Đức Cha giải thích. Thủ tướng cũng thấy những người đang cầu nguyện và ký tên vào kiến nghị yêu cầu trả nhà đất Toà Khâm sứ… Điều chắc chắn là cuộc cầu nguyện và hát ‘Kinh Hòa Bình’ không là một hành vi phạm pháp vì chẳng lẽ Thủ tướng lại đến thăm viếng một nơi đang xảy ra những diễn tiến bất hợp pháp ? Ngày 01.02.2008, hãng tin AsiaNews cho biết, theo nguồn tin từ Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhà cầm quyền đã quyết định để cho người Công giáo sử dụng cơ sở nói trên mà theo nguyên văn bài báo AsiaNews là ‘để tỏ thiện chí và sự kính trọng của nhà cầm quyền đối với Đức Thánh Cha’.
Sau đó, thư của Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh gửi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, được công bố. Theo đó, Ngài bày tỏ sự khâm phục đối với giáo dân Hà nội và những cuộc biểu dương ôn hòa của họ, đồng thời Ngài cũng bày tỏ mối quan ngại về cuộc biểu dương có thể vượt khỏi sự kiểm soát. Vì lý do này Đức Hồng y thúc giục mọi người trở về tình trạng bình thường. Nhân danh Đức Thánh Cha, Ngài thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xảy ra, Đức Hồng y xin Đức cha vui lòng can thiệp, để tránh được những hành động có thể gây mất trật tự công và để có thể tái lập cuộc đối thoại với giới Cầm quyền hầu tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này. Đức Hồng y đoan chắc rằng Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, sẽ luôn chuyển đạt những nguyện vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam lên Chính phủ nước của Đức cha. Cuối cùng, Tòa Khâm sứ cũ và, sau đó, một phần đất Giáo xứ Thái Hà đều biến thành những ‘vườn hoa công cộng’.
2.- Sáng ngày 11.12.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến Chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong 35 phút. Sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm vào gặp Đức Thánh Cha trước khi 9 vị khác trong đoàn tùy tùng được mời vào chào Ngài. Tiếp theo, ông Nguyễn Minh Triết đã gặp Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng. Phái đoàn rời Vatican lúc 12 giờ 10, sau hơn một giờ viếng thăm và hội kiến.
Cũng như khi Đức Thánh Cha tiếp Thủ tướng Việt Nam, trước cuộc gặp gỡ, đã có nhiều sự đồn đoán. Có người cho rằng đây là một bước đi thiện chí phía Nhà nước Việt nam trên bước đường hội nhập quốc tế. Có người cho rằng đây là thiện chí của Vatican trên con đường hòa hợp, hòa giải để mưu cầu những điều kiện tốt hơn cho nhân dân Việt nam nói chung, nhất là đối với giáo dân. Trước khi đặt chân đến điện Vatican, ông Nguyễn Minh Triết đã nói: « Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh ». Sau cuộc gặp gỡ, Vatican đã đánh giá là có tiến bộ mới trên bước đường quan hệ giữa hai bên.
3. Sáng ngày 22.01.2013, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, khi ông hướng dẫn phái đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước công du Tây Âu. Sau khi hội kiến chừng 30 phút, Đức Thánh Cha đã chào gặp chung 10 người trong đoàn tháp tùng. Tiếp theo, họ đã gặp gỡ và hội kiến với Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, với sự hiện diện của Đức cha Dominique Mamberti, Ngoại trưởng, và các viên chức cao cấp Bộ ngoại giao Tòa Thánh. Khi nói chuyện, Tòa Thánh ước muốn những vấn đề còn tồn động sớm được sớm được giải quyết và sự cộng tác phong phú hiện nay cần được củng cố.
Giới quan sát nhận định Đức Thánh Cha thường không tiếp ai vào ngày thứ ba và, rất hiếm, Ngài tiếp riêng các chính khách không phải là nguyên thủ quốc gia hay Thủ tướng chính phủ. Nhưng Đức Thánh Cha, Người của Hòa bình, không ngần ngại ‘phá lệ’ để tiếp một lãnh tụ cộng sản vì Hạnh phúc cho người dân một nước độc đảng và nhà nước độc tài. Một điểm khác, hành động này của Ngài vô tình tạo sự quân bình về ngoại giao giữa Tổng Bí thư Đảng và Thủ tướng đang tranh châáp từ sau Hội nghị Trung ương Đảng từ ngày 01 đến 15.10.2012. Người ta cũng lưu ý về việc phái đoàn ông Trọng cũng đã đi vào Vatican qua ngõ Quảng trường Thánh Phêrô, một đặc ân chỉ dành cho nguyên thủ các quốc gia hay lãnh đạo chính phủ. Không như tại các quốc gia dân chủ, tại Việt Nam, trước ông Trọng, các Tổng Bí thư Đảng đầy quyền lực, được gọi là nhân vật số 1. Chuyến đi của ông tới Vatican ít được báo chí nhà nước nhắc tới như các chuyến đi của hai ông Dũng và Triết.
Ngoài ra, nhân dịp Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Trung tướng Phạm Dũng dẫn đầu tham dự khóa họp lần thứ 81 Interpol (Cảnh sát quốc tế) diễn ra tại Roma. Ngày 07.11.2012, khi phái đoàn đang họp với Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, Tổng thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc (Bộ Truyền giáo), có sự hiện diện của Đức Giám quản Giáo phận Rôma và ông Saverio Ruperto, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ý, trên đường đến dự buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã dừng lại chào một số thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam.
III. NHÓM LÀM VIỆC CHUNG TÒA THÁNH VÀ VIỆT NAM.
Sau khi chiếm Sàigòn ngày 30.04.1975, ngày 05.06.1975, chánh quyền cộng sản yêu cầu Đức cha Henri Lemaître, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam, rời nhiệm sở và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican.
Sau khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Hiển Thánh cho 117 Á Thánh Tử Đạo Việt Nam, mùa hè 1989, Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và Hội đồng Giáo hoàng ‘Cor Unum’ (Đồng Tâm, cơ quan Bác ái Tòa Thánh, đã thăm viếng mục vụ Việt Nam. Sau đó phái đoàn Toà Thánh đã có chuyến thăm ‘chính thức’ đầu tiên vào năm 1990, và chuyến thăm thứ 14 và cuồi cùng đã diễn ra từ ngày 09 đến 15.06.2008.
Trong các chuyến viếng thăm thế này, phái đoàn Toà Thánh thường đề cử danh sách các ứng viên giám mục cho các giáo phận còn trống toà. Theo thoả thuận giữa Vatican và Việt Nam, ứng viên được Toà Thánh chỉ được bổ nhiệm nếu chính phủ chấp thuận. Khi ứng viên đó bị từ chối, thì một người khác sẽ được đề cử. Trong thực tế, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm tân giám mục và chính phủ Việt Nam công bố "nihil obstat". Các nhân viên kiểm duyệt của Giáo hội thường dùng cụm từ Latin này, có nghĩa là ‘không gì ngăn trở’, để cho phép phát hành sách.
A.- Cuộc họp đầu tiên Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican (Vietnam-Holy See Joint Working Group, tiếng Anh và Groupe de travail entre le Vietnam et le Saint-Siège, tiếng Pháp) về quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã kết thúc, đúng như chương trình dự liệu, sau hai phiên làm việc: chiều 16 và sáng 17.02-2009.
Ngày 18-02-2009, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin (tóm tắt) : Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican đã trao đổi một cách sâu rộng và tổng thể các vấn đề trong quan hệ giữa hai bên trong đó có các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam theo chiều hướng phát triển đáng khích lệ, mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh từ năm 1990 tới nay, một bước tiến mới quan trọng. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành phiên họp thứ hai vào thời gian và địa điểm sẽ được xác định sau. Cuộc họp đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.
Trước đó, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh cũng cho biết quan điểm của Ban Tôn giáo về những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên: « Trước hết là sự tôn trọng lẫn nhau, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, pháp luật Việt Nam, vừa cùng chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt, vừa cùng thể hiện tinh thần thiện chí để tìm ra những điểm đồng thuận mới. Thứ hai, muốn có kết quả trong quan hệ thì phải bảo đảm sự hài hòa về lợi ích mỗi bên. Thứ ba, cả hai bên đều phải quyết tâm cùng nhau hướng tới sự phát triển một cách trong sáng và lành mạnh, trong đó việc duy trì và khẳng định đường hướng đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không để bị tác động bởi những ý nghĩ và hành vi tiêu cực từ bất cứ phía thứ ba nào ». Bàn về cuộc thảo luận, Đức ông Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Trưởng đoàn Vatican, cho biết hai bên đã có những cuộc thảo luận tốt đẹp và rất hài lòng về điều này. Nhưng Đức ông không cho biết rõ tiến trình thảo luận sẽ còn kéo dài bao lâu, chi nói rằng kết quả sẽ là việc thiết lập quan hệ ngoại giao, điều cả hai bên cùng mong ước ».
Trong bản tin ngày 19-02-2009, trang tin điện tử Voanews.com (Tiếng nói Mỹ quốc cho biết : « Đức ông Parolin hy vọng Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm Việt Nam năm nay… ». Tuy nhiên, Đức ông nói thêm là khó vì điều này phụ thuộc vào nhiều việc cần phải thảo luận và suy nghĩ. Phía Việt Nam, một nhân viên ngoại giao nói là Hà nội chưa nhận được một đề nghị chính thức cho một chuyến viếng thăm như thế cả. [Đến giờ phút này, chắc chắn chuyến viếng thăm này không có khả năng thực hiện].
B.- Khóa họp thứ 2 Nhóm Làm Việc chung Việt Nam-Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 23 đến 24.06.2010, dưới sự chủ tọa của Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Tòa Thánh, và ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Việt Nam. Việt Nam nhắc lại đường hướng trước sau như một của chính sách Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như các qui định pháp lý bảo đảm việc thực thi tự do đó. Phái đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận giải thích đó và yêu cầu đảm bảo thêm những điều kiện để Giáo hội tham gia hữu hiệu hơn vào sự phát triển đất nước, nhất là trong lãnh vực tinh thần, giáo dục, y tế, xã hội và từ thiện. Qua các giáo huấn, Giáo hội mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt và dấn thân cho Công ích.
Hai phái đoàn đã ghi nhận những phát triển khả quan trong các lãnh vực của đời sống Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt về Năm Thánh. Ngoài ra, cả hai nhắc đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 trong dịp các Giám Mục Việt Nam về Roma viếng mộ các Thánh Tông Đồ năm 2009 và đồng ý rằng các giáo huấn này của Đức Thánh Cha sẽ được dùng làm hướng đi cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam trong những năm tới đây.
Về quan hệ song phương, đôi bên đánh giá cao những phát triển tích cực từ sau Khóa họp thứ I và cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi tháng 12.2009. Để đào sâu những quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam cũng như giữa Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo địa phương, như một bước đầu, hai bên thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một vị Đại Diện không thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam. Ừ Sau đó, Linh mục Federico Lombardi sj, Phát ngôn viên Tòa Thánh đã giải thích rằng, chức vị mới này không hình thành nên các quan hệ ngoại giao toàn diện và đầy đủ giữa hai bên Toà Thánh Vatican và Việt Nam, vì chức vị mới này không phải là một vị Sứ Thần hay vị Khâm sứ Thường trực tại Việt Nam.
C.- Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đại diện không thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Đức Thánh Cha tuyên bố trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 10.01.2011: « Tôi hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để tôi chỉ định một Đại Diện, qua các cuộc viếng thăm cộng đồng Công giáo quý mến tại nước này, vị ấy sẽ bày tỏ sự quan tâm ân cần của Người Kế Vị Thánh Phêrô ».
Ngày 13.01.2011, Đức Thánh Cha cử Đức cha Leopoldo Girelli, sinh ngày 13.03.1953 tại Predore, Giáo phận Bergamo (Ý), thụ phong linh mục năm 1978, được tấn phong Đức cha ngày 17.06.2006 bởi Đức Hồng y Angelo Sodano, Tổng Giám mục hiệu tòa Capreae, Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia, kiêm nhiệm Sứ thần tại Singapore, Khâm sứ tại Malaysia và Brunei vào sứ nhiệm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Ngày 18.06.2011, Đức cha được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ ngày 16.01.2013, Đức cha Leopoldo Girelli chỉ còn nhiệm vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam.
D.- Nhóm làm việc chung Tòa Thánh và Việt Nam họp lần thứ 3.
Ngày 24.02.2012, Linh mục Federico Lombardi sj., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, loan báo: « Chiếu quyết định trong cuối cuộc gặp gỡ thứ hai của Nhóm Làm Việc này tại Vatican trong hai ngày 23 và 24.06.2010, cuộc gặp gỡ thứ 3 của Nhóm sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28.02.2012. Sau một số cuộc viếng thăm do vị Đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam, cuộc họp tới đây sẽ giúp đào sâu và phát triển các quan hệ song phương ».
Ngày 28.02.2012, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Lombardi đã công bố Thông cáo chung về cuộc gặp gỡ này của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà nội. Trưởng phái đoàn Tòa Thánh là Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, với sự hiện diện của Đức cha Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, và hai Đức ông Nguyễn văn Phương (Bộ Truyền giáo), Cao minh Dung (Bộ ngoại giao) tháp tùng. Các phiên họp được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi thanh Sơn và Đức ông Ettore Balestrero. Hai bên đã cứu xét những vấn đề quốc tế, trao đổi tin tức về tình trạng liên hệ, phân tích những tiến bộ đã thực hiện trong quan hệ Việt Nam và Tòa Thánh từ lần họp trước và đã thảo luận về những vấn đề liên hệ tới Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích Giáo hội Công giáo tại Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, kinh tế và xã hội hiện nay. Về phần mình, Phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận những quan điểm đó, nhưng có đồng ý như vậy hay không là chuyện khác. Nhưng Phái đoàn Tòa Thánh bày tỏ sự trân trọng mối quan tâm của chính quyền đối với hoạt động của Giáo hội Công giáo, đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh 2010, và trong các cuộc viếng thăm mục vụ của vị Đại diện không thường trú, Tổng giám mục Leopoldo Girelli.
Đôi bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức cha Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn và đã nhắc đến giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có sự cộng tác giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền dân sự, để thực thi một cách cụ thể và thực tế, những giáo huấn ấy trong tất cả mọi hoạt động. Ngoài ra, hai bên đã đồng ý về thẩm định theo đó các quan hệ giữa hai nước đã tiến triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ và thỏa thuận sẽ gặp lại nhau tại Vatican cho vòng 4 mà thời điểm sẽ được thiết định qua đường ngoại giao.
Một điều rất quan trọng trong thông cáo là: « Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau ». Khi ngôn ngữ ngoại giao dùng từ ngữ ‘thẳng thắn’ có nghĩa là có những bất đồng lớn, và dĩ nhiên là ‘tôn trọng lẫn nhau’ cũng có nghĩa là ‘bên anh nói anh nghe, bên tôi nói tôi nghe’! Như vậy, cũng có nghĩa là những vấn đề nhậy cảm như tự do tôn giáo, đất đai và cơ sở của Giáo hội.
IV. ĐỨC THÁNH CHA TIẾP CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM.
Phái đoàn 3 Đức Tổng Giám mục và 26 Đức Giám mục Việt Nam đã đến Rôma để thực hành cuộc ‘Ad limina’ khởi sự từ ngày 22.06.2009. Mỗi vị được Đức Thánh Cha tiếp riêng trong vòng 15 phút và tiếp chung lúc 12 giờ ngày 27.06.2009, tại Sảnh đường Công Nghị, trong dinh Tông Tòa.
Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đọc lời chào mừng bằng tiếng Pháp, tựa đề ‘Hành trình đức Tin trong đức Mến và đức Cậy’ : « … khi tưởng nhớ Tổ tiên chúng con trong đức Tin, các vị mục tử tận tụy, cách riêng những chứng nhân tử vì đạo trung kiên mà máu đào đổ ra đã làm gia tăng con số các tín hữu và khơi dậy biết bao ơn gọi linh mục và tu sĩ cho đến tận hôm nay. Chính việc tưởng nhớ đó mời gọi chúng con sống ân huệ đức Tin một cách sâu sắc và tiếp nối sự làm chứng của các Ngài cho Phúc Âm giữa lòng thế giới và giữa lòng một xã hội đầy ắp những hứa hẹn cũng như những thách đố. » Rồi Đức cha nói đến một giấc mơ: Đức Thánh Cha đến La Vang. Các Giám mục vỗ tay tán đồng.
Trong đáp từ, Đức Thánh Cha nói Ngài vui mừng được gặp các Giám mục Việt Nam vì biết các tín hữu Việt Nam ‘liên kết sâu xa với Hội Thánh và Đức Giáo Hoàng bằng lòng trung thành và lòng yêu mến’. Vì đang ở trong năm Linh mục, Ngài muốn cảm ơn các linh mục và tu sĩ đã dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và nỗ lực hoạt động để thánh hóa Dân Chúa và lưu ý các Giám mục ‘lưu tâm đến việc đào tạo linh mục cho tốt, bằng nâng cao đời sống đức Tin cũng như trình độ văn hóa, để có thể phục vụ đắc lực Hội Thánh và xã hội’.
Trong quan hệ giữa Giáo hội và xã hội, Đức Thánh Cha nói: « Hội thánh mời gọi mọi con cái chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Hội thánh không hề có ý chiếm chỗ của các nhà chức trách, chỉ muốn tham dự đúng mức vào đời sống đất nước nhằm phục vụ nhân dân, trong tinh thần đối thoại và cộng tác chân thành. Hội thánh không bao giờ được miễn chuẩn thi hành đức bác ái… đồng thời không bao giờ có một hoàn cảnh nào người ta không cần đến đức bác ái của từng Kitô hữu, vì vượt trên công bằng, con người cần và luôn luôn cần đến yêu mến. Cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào nồng nhiệt đến các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, toàn thể giáo dân, đặc biệt là những người nghèo và những người đau khổ phần xác hay tinh thần. Ngài khích lệ mọi người trung thành với Đức Tin, quảng đại làm chứng cho Chúa trong những hoàn cảnh nhiều khi khó khăn, luôn kiên cường vì điều này đã được Tông Huấn Ecclesia in Asia coi là nét đặc trưng.
Ngày 13.02.2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã thay mặt Giáo hội Công giáo Việt Nam gởi thư bằng tiếng Pháp bày tỏ tâm tình kính mến và hiệp thông đến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Trong 8 năm qua, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bổ nhiệm 16 Giám mục Việt Nam cho 14 Giáo phận tại Quê Hương cùng 2 Đức Giám mục phụ tá các Tổng Giáo phận Hải ngoại (Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Toronto, Canada và Vinh sơn Nguyễn Văn Long, Melbourne, Úc đại lợi).
V. ĐỨC THÁNH CHA VỚI ĐỨC HỒNG Y P.X. NGUYỄN VĂN THUẬN.
Ngày 30.11.2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố Thông điệp ‘Niềm Hy vọng Kitô giáo’ (Spe Salvi). Trong đó, Ngài nhắc đến hai người Việt Nam như chứng nhân hy vọng : Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, tử đạo năm 1857.
- Kinh nghiệm của Đức Hồng y Thuận về sự cầu nguyện trong tù và tình trạng cô độc. « Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi. Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quí giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen cô đơn. » (số 32)
« … lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, trong quyển sách của ngài về luyện đàng thiêng liêng, nói với chúng ta rằng trong cuộc đời ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được và ngài đã phải bám lấy những kinh nguyện của Giáo Hội như kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng và các kinh nguyện phụng vụ. Cầu nguyện phải luôn luôn có sự pha trộn giữa lời cầu nguyện chung và cá nhân. Đây là cách thế chúng ta có thể thân thưa với Chúa và Chúa nói với chúng ta. » (số 34)
- Kinh nghiệm vui tươi của Thánh Tịnh giữa những cực hình của cuộc bách hại. « Không phải là bỏ ra ngoài hoặc trốn tránh khỏi sự khổ đau là chúng ta được chữa lành, nhưng chính là do khả năng của chúng ta chấp nhận nó, trưởng thành với nó và tìm ra ý nghĩa qua việc kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu thương khó với tình yêu vô biên. Trong ý nghĩa này, tôi muốn trích một đoạn từ lá thư của vị tử đạo Việt Nam, Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, († 1857) trong đó ngài diễn đạt sự biến hóa đau khổ qua quyền năng hy vọng, phát sinh từ đức tin như sau: ‘Tôi, Phaolô, bị gông cùm vì danh Chúa Kitô, ước mong kể lại cho các con những thử thách mà cha chịu hằng ngày, để nhờ đó các con có thể bùng lên ngọn lửa yêu mến Chúa và hợp với cha ngợi khen Chúa, vì lượng từ bi Chúa hải hà muôn đời (Tv 136 [135])’. » (số 37)
Ngày 16.09.2007, năm năm sau ngày Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận về Nhà Cha, tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, dành cho Đức Hồng y tại Rôma), Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Đức Hồng y Renato Raffael Martino, Chủ tịch Hội đồng, chủ tế để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng, đã chịu giam cầm 13 năm tại quê hương Người và công bố mở dự án phong Chân phước. Nhân dịp này, một buổi triều yết đã diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói : « Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám mục Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình. Nguời đã hoàn thành ‘Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện ngay của Người? Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết Ngài để quảng bá Học thuyết xã hội Hội thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục đia Á châu của Ngài, khả năng Ngài điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Ngài làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.
Đức Hồng y Văn Thuận là một con người của Hy vọng, Ngài sống bằng Hy vọng, Ngài phổ biến Hy vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy vọng đã nâng đỡ Ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn Giáo phận Ngài. Hy vọng giúp đỡ Ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xẩy đến cho Ngài - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.
Tin về bệnh ung thư Ngài, căn bệnh đưa Ngài tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Đức Gioan Phaolô II đặt Ngài làm Hồng y, vị Giáo Hoàng này bày tỏ với Đức Hồng y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao. Đức Hồng y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiên tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc từ bỏ trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngài. Và làm sao có thể xảy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao?
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: « Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương Đức cố Hồng y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em. »