Đọc báo VC: Chuyện này ai chịu trách nhiệm? Chính quyền? Hay dân? Hay đế quốc bỏ bom rồi cấm vận cách đây nửa thế kỷ? Có đáng đặt vấn đề để "có tiến bộ" kg?
Ghi chú: VN$ 600.000 = US$ 28.00 một tháng, chưa tới US$ 1.00 một ngày, được Nhà Nước coi như "trung lưu", không trợ giúp gì.
HL
Sau một tháng toan tính kỹ lưỡng, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân,
38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau quyết định… chết.
Chị chọn quyên sinh là giải pháp cuối cùng với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo.
Đau đớn đến mức trong lá thư để lại, chị còn nhắn chồng đi xin hòm về liệm, dành tiền đóng học cho con.
Nghẹn uất xót thương
Chiều 24/4/2013, xứ An Xuyên bàng hoàng, thảng thốt bởi cái tin chị Nhân treo cổ chết.
Trước khi thắt cổ chết một tháng, chị đã nói với chồng, với con, với nhiều người hàng xóm về kế hoạch chết của mình.
Chị khẳng định với chồng là chỉ còn một con đường duy nhất duy trì việc học cho các con.
Đó là chị phải chết đi để mọi người đến phúng viếng mới có tiền trang trải cho các con học, giảm gánh nặng cho chồng,
lấy linh hồn phù hộ cho chồng con… trúng số độc đắc.
Người chồng đau khổ nhưng bất lực trước ý chí sắt son của người vợ.
Trong suốt hai ngày đám tang của chị Nhân, người ta không nghe anh Bảo trách vợ một tiếng nào.
Hơn ai hết, anh là người thấu hiểu tấm lòng của vợ.
Anh nói trong nước mắt: “Vợ tôi đã cố gắng đến hơi sức cuối cùng”.
Hơn 20 năm làm vợ chồng với nhau, anh Bảo chưa bao giờ thấy vợ mình đáng trách.
Ngược lại, anh luôn cảm phục tấm lòng và nghị lực của vợ.
Chị làm lụng đến tối tăm mặt mũi, không từ công việc gì miễn kiếm được tiền.
Cả những công việc nặng nhọc tưởng chỉ đàn ông mới đảm đương nổi, chị cũng không nề hà.
Đến khi bị bệnh tật hành hạ, chị vẫn cố gắng đi làm, không dám chữa trị vì tiền kiếm được còn phải để đóng học cho con.
Người phụ nữ nghị lực "đã gõ mọi cánh cửa"
Chị còn được xóm làng ngợi khen về tính đảm đang tháo vát hơn người.
Chị chưa bao giờ bỏ qua một cơ hội kiếm tiền chính đáng.
Nghe nói Nhà nước có chính sách cho sinh viên, học sinh vay tiền đi học, chị đích thân đi tìm hiểu và làm thủ tục xin vay.
Người ta trả lời phải là hộ nghèo, hoặc hộ cận nghèo mới được cho vay.
Chị về hỏi chính quyền địa phương xin được xét cấp sổ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bà Nguyễn Thị Nhu, Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp 5, xã An Xuyên kể:
“Ngày 18/11/2012, khi họp dân ấp nhân ngày đại đoàn kết và xét chọn hộ nghèo, cận nghèo, Mỹ Nhân có đến dự.
Tôi nhớ rất rõ lời nói của nó hôm đó.
Nó nói “hoàn cảnh tôi quá khó khăn, xin được cấp sổ hộ nghèo để vay tiền cho các con ăn học”.
Khi đó, Trưởng ấp ghi nhận nhưng chỉ hứa là sẽ xem xét sau, vì đã qua đợt xét hộ nghèo”.
Chị cũng đã tìm hiểu ra và làm thủ tục cho con trai nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với sinh viên học ngành hóa chất độc hại.
Chị cũng đã tranh thủ góp hụi, vay tiền từ Hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, thậm chí vay "nóng" bên ngoài.
Anh Từ Văn Nguyễn, công an ấp 5, kể thêm:
“Cách đây một tháng, chị Nhân đi kêu một bà để bán nhà và đất đang ở.
Bà này trả lời là để bàn lại với người thân, chứ đất đai đâu phải nói mua là mua liền.
Chị Nhân năn nỉ bán trả chậm, 2 triệu một tháng cũng được để có tiền đóng học phí cho các con.
Bà này không chịu, chị Nhân nói nếu không chịu thì vài bữa nữa đi đám ma của tôi”.
Trước khi thắt cổ chết 3 ngày, chị Nhân hay tin có ông Trần Đại Đoàn, một người bà con mới về làm bí thư xã An Xuyên.
Chị lập tức lên xã gặp ông Đoàn để xin được xét cấp sổ hộ nghèo.
Ông Đoàn ghi nhận và hứa sẽ xem xét để cấp sổ hộ nghèo cho chị khi đến đợt xét tới đây.
Đến lúc chị qua đời, anh Bảo vẫn chưa hay biết việc chị đã lên xã xin anh Đoàn cái sổ hộ nghèo.
Tâm thư tuyệt mệnh
Bên cạnh xác chết của chị, người ta đã tìm thấy những bức tâm thư tuyệt mệnh.
“Anh Bình! Hoàn cảnh em quá khổ.
Em chết, anh chôn em cặp Hà (em trai chị – PV), trên đất của cha mẹ.
Em chết, anh thỉnh bàn thờ mẹ về nhà anh thờ.
Mong anh đừng làm khó em, để em yên thân nằm cạnh Hà.
Gia đình mình sống quá khổ, từ đời của cha mẹ đến đời con, không có ý nghĩa gì hết”.