Nén Nhang Tưởng Niệm

VÀI KỶ NIỆM VỀ TIẾN SĨ MAI- VĂN- LỄ

Thanh Thương Hoàng

Thấm thoát đã 100 ngày anh Mai Văn Lễ “ra đi”. Vì đường trường xa xôi lại thêm tuổi tác, sức yếu nên tôi và một số bạn bè thân thiết của anh như các anh Nguyễn Văn Canh, NguyễnThủy Phương, Đoàn Thanh Liêm… và các “đệ tử” cũ của anh như Nguyễn Thành, Lê Đình Cai, Trần Minh Lợi… không thể đến tiễn đưa anh lần chót về Nước Chúa. Anh Mai Văn Lễ tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh Tế tại Paris (Pháp) về nước vào năm 1956 (hay 1957?) Anh giữ chức Khoa Trưởng Luật tại trường đại học Huế thời Linh mục Cao Văn Luận làm Viện trưởng. Sau đó anh chuyển vào Saigon dạy luật (cao học) cho tới 30 tháng Tư năm 1975. Anh bị cộng sản bắt trên đường vượt biển. Trong lúc đã lên tầu ở bãi biển Bình Tuy, tầu nổ máy sắp sửa khởi hành thì anh nhìn thấy một người đàn bà bế đứa con nhỏ lội nước cố chạy theo tầu giữa những luồng sóng nhấp nhô, đứa nhỏ sợ hãi khóc thét. Động mối từ tâm, anh Lễ vội nhẩy xuống nước để lôi kéo mẹ con người đàn bà đang bị sóng xô đẩy ngả nghiêng lên tầu vừa lúc đó bọn công an cộng sản ào tới . Thấy động, tầu phóng chạy để lại anh Lễ với hai mẹ con người đàn bà cho bọn công an. Anh bị bắt giam ở Bình Tuy một thời gian thì bị dẫn giải về Saigon, nhốt tại trại T20 Phan Đăng Lưu trước chợ Bà Chiểu. Lúc đó tôi đang bị biệt giam (cachot) số 11 khu C. Nghe tiếng phòng bên cạnh (số 12) mở khóa lách cách, tôi ghé mắt qua khe hở cánh cửa phòng thấy một người đàn ông râu ria nham nhở, gầy nhom, mặc bộ quần áo bà ba đen cũ kỹ đã bạc mầu bị đẩy vào phòng biệt giam. Hôm sau nhờ anh em tù ở phòng tập thể đối diện (cách khu biệt giam khoảng 4 mét) báo cho tôi biết người vào hôm qua là tiến sĩ Mai Văn Lễ. Tôi đợi lúc vắng mặt gã công an trực liền nói qua ô cửa sổ nhỏ giữa cánh cửa phòng: “Lễ, tao Thanh Thương Hoàng đây”. Lễ mừng lắm ồ lên một tiếng rồi nói: “Mày có cách gì thông tin cho gia đình tao biết là tao đã về đây?”. Tôi hứa khi gặp gia đình sẽ nói lại. (Tới đây xin lỗi bạn đọc về lối xưng hô mày tao thân mật của chúng tôi, mặc dầu Lễ hơn tôi 4 tuổi). Thời Cộng Hòa chúng tôi chỉ quen biết chứ không thân lắm vì hai nghề nghiệp của hai người ít liên quan, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở quán cà phê “Cái Chùa” đường Tự Do tán gẫu chuyện thời sự. Tới đây tưởng cũng nên nói thêm nhốt cùng dẫy biệt giam C1 có hai vị Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ. Linh Mục Đỗ Bác Ái, Nhà văn Doãn Quốc Sĩ, Nhà báo Hồ Văn Đồng (các vị này đều vào biệt giam sau tôi. Biệt giam số 1 có “tướng phục quốc” Việt Hưng lãnh án tử hình. Tôi là một trong mấy người “mở hàng” dẫy biệt giam mới làm này. Sau gần năm nhốt biệt giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, chúng tôi được chuyển sang Sở An ninh nội chính (Nha Cảnh sát Đô thành cũ). Anh Lễ và các ông Vũ Quốc Thông (và vài người nữa tôi quên tên) bị tống vào biệt giam. Tôi may mắn thoát vì biệt giam hết chỗ! Mấy tháng sau Lễ được ra khỏi biệt giam và tình cờ lại vào khu tập thể A với tôi. Anh kể khu biệt giam nơi này đúng là địa ngục trần gian. Anh không thể hiểu làm sao mà còn sống được. Biệt giam xây từ mấy chục năm trước nên coi như hư hỏng hết. Khi trời mưa nước từ cầu tiêu trào lên với phân người nổi lềnh bềnh và các chú chuột cống rất to long sù sì nham nhở gớm ghiếc cũng theo nước ngoi lên và cứ nhè chân người mà gặm (tại đói quá). Thế là cả đêm đó phải ngủ đứng trong làn nước hôi thối. Thời điểm này Linh Mục Hoàng Quỳnh chết trong biệt giam. Rồi thời gian đưa đẩy, hơn năm sau bọn tôi (gần 200 người,(đa số thuộc thành phần hình sự và phục quốc), có khoảng 10 anh em văn nghệ sĩ (có “thành tích nợ máu nhân dân chống cộng ở thượng từng kiến trúc”) và các giáo sư Mai Văn Lễ, Vũ Quốc Thông, Nguyễn Sỹ Tế, Bác sĩ Phạm Huy Cơ…) được đưa lên xe chở heo chuyển tới trại “lao động cải tạo” Gia Trung thuộc khu rừng già miền Cao nguyên Pleiku lạnh giá. Trại tù Gia Trung là một trại tù nổi tiếng ác ôn vào hàng nhất nhì toàn quốc. Bọn văn nghệ chúng tôi và các vị giáo sư đều bị bọn công an trại giam “quan tâm” và “săn sóc đặc biệt”. Chúng tôi thường xuyên bị bọn “ăng ten” báo cáo (láo) bị bọn công an hành hạ đủ điều. Rồi khi quân Trung cộng đánh biên giới miền Bắc, không hiểu vì nguyên do gì cộng sản trại giam tống vào “ nhà đá” và còng chân suốt ngày đêm hơn 10 người trong số có anh Mai Văn Lễ, Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh và một số sĩ quan. “Nhà đá” là một dẫy biệt giam nhỏ sau trại giam, mỗi “phòng” ngang gần 1 mét dài 2 mét, kín mít, chỗ nằm là nền xi măng (không chiếu)hai tay hai chân đều bị còng. Cái còng này là 2 thanh sắt dài suốt từ đầu dẫy tới cuối dẫy, xuyên qua tường, giữa hai thanh sắt là những cái còng tròn (để tù cho chân vào vừa khít, khóa lại). Bữa ăn chỉ có 1nắm cơm hay 2,3 khúc khoai mì nhỏ và 1 ca nhỏ nước lã không đủ uống, khát phải lấy nước tiểu của mình uống. Trời lạnh giá không chăn chiếu với manh áo mỏng và đói ăn nên rất nhiều tù chết.Trước đó may mắn tôi đã chuyển sang trại K3 nên thoát nạn! Sau gần nửa năm các anh được thả và được đưa sang K3. Nhìn thấy Mai Văn Lễ chống gậy lê lết từng bước tôi không cầm được nước mắt. Đó đúng là một lão ăn mày gầy đét, da bọc xương, thân thể, quần áo bẩn thỉu rách rưới hôi hám (đến buồn nôn vì mấy tháng trời không tắm rửa). Đây là sự khốn cùng và bi thảm nhất tôi chưa từng thấy. Tôi rùng mình cảm tưởng Anh như một thây người chết lâu ngày đang vất vưởng đi trên mặt đất! Tình cờ anh lại được đưa vào phòng tôi. Anh nói không ra hơi xin tôi nước uống và kêu đói. Tôi còn chút bột Bích chi pha nước đưa anh uống. Thế mà anh tỉnh táo trở lại trong giây lát. Hai ngày sau họ bắt anh đi làm “nghĩa vụ lao động là vinh quang” liền. May cho anh được đưa vào đội đan lát. Tuy sống trong khu tập thể mấy chục người (trong 1 phòng) nhưng anh sống cô đơn như kẻ câm điếc, không dám trò chuyện với ai, cả đến cái thở dài cũng bị báo cáo! Thỉnh thoảng có những ngày lễ (2 tháng 9, 1 tháng 5, têt nguyên đán) chúng tôi được phép găp gỡ chuyện trò tâm sự…vụn. Lễ đã kể tôi nghe những ngày tháng du học ở Pháp, đậu Tiến sĩ về nước với tham vọng đào tạo những lớp thế hệ sau phục vụ quốc gia dân tộc. Ngày 30 tháng Tư 1975, anh cho vợ con di tản, còn anh ở lại hy vọng chế độ mới để anh tiếp tục hành nghề đào tạo những nhân tài cho đất nước. Nhưng anh (và rất nhiều người) đã lầm, cộng sản coi trí thức không bằng cục phân! Anh kể tôi nghe một người bạn anh cùng học ở Pháp nhưng khi về nước, anh ta (nghe lời tuyên truyền của CS) lại về Hà nội để “phục vụ quê hương”. Sau 30.4 (lúc Lễ chưa bị bắt) anh ta “chuồn” vào Saigon gặp Lễ ngay. Câu đầu tiên anh ta hỏi: “Có phải mày là tiến sĩ không?”. Lễ ngạc nhiên: “Mày hỏi gì lạ vậy?”. Người bạn nói to: “Tao đã ngu, lỡ nghe lời rủ rê xui khôn xui dại về với “chúng nó” để cả đời khốn khổ mà mày ở trong này có đầy đủ tin tức để thấy, biết rõ về cộng sản và thừa điều kiện để đi, thấy “chúng nó” vào mà còn ở lại thì đúng là ngu hơn chó! Thôi liệu tìm đường chạy ngay đi. Còn tao coi như đời vứt đi rồi nên tao ở lại sống cho hết kiếp chó!”. Lễ gật gù nói với tôi: “Tao đúng là ngu hơn chó thật”. Một lần Lễ tỏ ra tức giận lắm, nói với tôi: “Mày xem thế này có tức không? Nó bằng tuổi thằng cháu nội tao mà nó dám mắng tao sa sả với những lời lẽ vô học mất dạy”. Thì ra anh bị một tên công an cai tù khoảng 20 tuổi “lên lớp” anh vì cái “tội” anh có vợ trẻ bằng tuổi con anh lên thăm nuôi anh làm nó ghen tức. Tôi nói: “Thì mày cứ coi như nghe một bài hát không hay, hơi trối tai một chút nhưng không sao. Chứ cứ để bụng tức giận uất ức đau khổ mãi chỉ tổ chết sớm thôi”. Anh Lễ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Phải, tao nghe mày! Trước đây khi còn bên Pháp đọc sách báo của các nhà văn hóa, các nhà văn chống cộng tao cho là họ cường điệu bịa đặt, bây giờ mới thấy những điều họ viết còn thua xa thực tế nhiều lắm. Nơi này đúng là địa ngục trần gian tầng chót và bọn cộng sản Việt Nam đúng là những hung thần thời trung cổ, dã man tàn bạo nhất thời đại! ”. Từ đó tôi thấy anh tươi tỉnh hơn và thỉnh thoảng đãi tôi một chầu cà phê pha đi pha lại (cái bã) tới nước thứ… 9!. Nhờ những buổi “tâm sự vụn” này đã tạo tôi cảm hứng viết cuốn tiểu thuyết “Tiến Sĩ Lê Mai” (xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1999). Nhân vật chính của truyện là Mai Văn Lễ, do đó tôi mới lấy tên là Lê Mai (tên của Mai Văn Lễ nói ngược lại, hơn nữa thường ngày chúng tôi vẫn gọi đùa anh là “Lê Văn Mãi” ). Sau này khi sang Hoa Kỳ mấy năm, một hôm Lễ phone cho tôi nói: ”Ông cậu tao (ngoài 90 tuổi) vừa phone cho tao chửi một mách vì cuốn truyện của mày”. Tôi ngạc nhiên: “Vì lý do gì?”. Lễ đáp: “ Cụ bảo tao là sao mày bất lương đến thế, có con, dù là con rơi cũng là giọt máu của mày, sao mày không bảo lãnh nó sang Mỹ để nó phải sống khốn khổ làm thằng công an quèn coi tù ở chốn rừng Pleiku. Dù nó có đối xử tệ hại với mày vẫn là con mày. Thôi, giờ làm giấy tờ bảo lãnh nó đi. Thì ra vì cái đoạn kết cuốn truyện của mày ông cụ tưởng thật nên mới chửi tao”. Thật bất ngờ, vì đoạn kết cuốn truyện hoàn toàn do tôi hư cấu, tôi đã cho tên công an trực trại (nổi tiếng tàn ác đã đánh Mai Văn Lễ nhiều trận đòn nhừ tử trong “nhà đá” (biệt giam) là con rơi của Lê Mai trong một cuộc tình của tuổi thanh niên lúc ở ngoài Bắc. Sau khi Lê Mai trút hơi thở cuối cùng gã mới nhận ra đó là cha đẻ của mình. Lễ nói thêm: “Tao đã nói với ông cụ đó là tiểu thuyết, không phải sự thật. Nhưng ông cụ cứ khăng khăng nhất định không chịu tin vì “Nếu không có thì làm sao người ta viết thành sách! Thế có “chết” tao không!”Sau 10 năm tù tôi được tha về và mấy ngày sau Lễ cũng được tha về (hình như hai chúng tôi có “duyên” với nhau?). Tôi bị trình diện hàng tuần 5 năm liền ở Sở An ninh nội chính (đường Trần Hưng Đạo, gần nhà Lễ), nên thường xuyên ghé nhà Lễ ăn cơm trưa (do Lễ nấu). Khi bị bắt, nhà Lễ (nhà lầu mặt tiền) bị Nhà nước “mượn” làm lớp mẫu giáo, sau cho cán bộ ở. Lễ về không có chỗ ở, “chủ nhà”mới đành cho anh ở nhờ dưới bếp. Sống vài năm ở nhà tù lớn anh được gia đình bảo lãnh sang Mỹ. Anh không kiếm được chân dạy học (mặc dầu anh có tu nghiệp ở Mỹ và có nhiều bạn bè người Mỹ làm lớn). Anh đã đến nhiều Thành phố, đã làm nhiều việc để sống. Cuối cùng tới tuổi gần 80 (có lẽ thấm mệt) hết vùng vẫy được nữa, anh trở lại Houston sống một mình trong một căn phòng chung cư. Vài năm sau anh mắc chứng Alzheimer nên về sống với người con trai trưởng. Lúc mới chớm bệnh anh vẫn còn thỉnh thoảng lái xe đi lại và hàng ngày làm bạn với sách báo cũng như điện thoại thăm hỏi bạn bè, trả lời rành mạch đâu ra đó. Ba năm trở lại đây thì bắt đầu lú lẫn. Anh con trai không cho l ái xe nữa vì nhiều lần anh đi lạc, quên cả đường về nhà. Tôi phone tới thăm hỏi anh trả lời lung tung. Hơn 10 năm trước, khi hay tin tôi tới Hoa Kỳ, anh đã một mình lái xe hơi từ Houston sang thăm tôi, dẫn tôi đi chơi với anh chị Luật sư Nguyễn Thủy Phương (trước cùng làm trong văn phòng luật với anh) và ngoạn cảnh khắp San Fracisco. Lúc đó anh còn phong độ lắm, lái xe sang cả Canada thăm cô con gái nhỏ (với bà vợ lấy sau khi tù về). Anh Mai Văn Lễ mất ngày 6 tháng 2 năm 2013 tại Houston Texas, hưởng thọ 86 tuổi để lại tiếc thương cho nhiều bạn bè, nhất là với những “đệ tử” của anh, giờ rất nhiều người đã thành công trong sự nghiệp. Dù muốn dù không anh đã đào tạo mấy thế hệ nhân tài phục vụ cho đất nước. Anh đã giữ được tư cách một nhà trí thức trong những ngày tháng tù đầy “uy vũ bất năng khuất”. Anh mất đi để lại bao thương tiếc của anh em bạn bè và các học trò của Anh. Nay nhân 100 ngày anh Mai Văn Lễ mất (15.5 2013) tôi viết bài này thay lời cầu nguyện linh hồn Anh thênh thang cất bước trên con đường về Nước Chúa.

Thanh Thương Hoàng