Bài thuyết trình về giáo hội Á Châu của vị cựu Tổng Thư Ký HĐGM Á Châu

Cứ vài ba năm, Dòng Đức Mẹ Lên Trời lại tổ chức cho một số tu sĩ trẻ trong Dòng từ nhiều quốc gia khác nhau sống chung một thời gian để hiểu biết các nền văn hóa khác, để rồi sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng. Thuật ngữ được diễn tả bằng tiếng Pháp gọi là CAFI (Communauté Assomptioniste de Formation Internationale). Năm nay, cuộc hội ngộ được tổ chức chủ yếu cho anh em Á Châu, tại Camilian Pastoral Center, Latkrabang Bangkok, Thái Lan.

Trong khuôn khổ của những ngày diễn ra CAFI 2013, vào ngày 01 tháng 8 năm 2013, Đức tổng giám mục Orlando B. Quevedo thuộc giáo phận Cotabato, Philippins, là cựu tổng thư ký liên hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đã hiện diện và có bài thuyết trình liên quan đến Giáo Hội tại Á Châu.

Với cương vị là tổng thư ký Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu suốt hai nhiệm kỳ, và với những kinh nghiệm quý giá có được sau nhiều năm làm giám mục, Đức Orlando B. Quevedo đã cho các tham dự viên có một cái nhìn thực tế, cụ thể và sâu sắc về Giáo Hội tại Á Châu.

Dựa vào tài liệu cuối cùng của cuộc họp Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á Châu vào tháng 12 năm 2012 tại Gp. Xuân Lộc – Việt Nam, ngài đã phân tích những thực trạng cũng như những định hướng mục vụ tại Á Châu, đặc biệt vấn đề như toàn cầu hóa, người nghèo, tự do tôn giáo, giáo dân, môi trường, mục vụ giới trẻ, v.v.

Đức Tổng Giám mục cho biết: Toàn cầu hóa ảnh hưởng lên toàn bộ đời sống của con người; ngoài những lợi ích mà toàn cầu hóa mang lại như làm cho con người sống gần gủi nhau hơn, nó làm đảo lộn hệ thống chính trị, văn hóa, tôn giáo và nhất là đời sống đức tin của người tín hữu; có hai loại: toàn cầu hóa kinh tế và toàn cầu hóa văn hóa. Chúng ta cần đi ra khỏi cái gọi là tự do trao đổi hàng hóa, vì thực chất nó chỉ là lý tưởng, đặt người nghèo ra ngoài lề xã hội, làm rạn nứt tình liên đới; còn toàn cầu hóa về văn hóa có nguy cơ phá hoại nền văn hóa bản địa, nhiều chủ thuyết từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa... Đức tổng giám mục khẳng định: Đó không phải là toàn cầu hóa. Ngài nói thêm: Hiện nay có rất đông người di cư và nhập cư. Điều này đã tạo nên sự xáo trộn về khung cảnh đời sống đức tin và cả về phương diện văn hóa xã hội. Nhiều giá trị văn hóa, tôn giáo và nhân bản đã bị chủ nghĩa thế tục làm lu mờ; đồng thời, những giá trị gia đình cũng bị đẩy ra ngoài đời sống xã hội…

Còn liên quan đến người nghèo, vị cựu thư ký Hội đồng Giám mục Châu Á cho hay: Ở Á Châu, sự nghèo khó được nhìn một cách rất khác. Có nhiều nhà chuyên môn nói rằng có những con hổ đã nổi dậy ở Á Châu như In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Nhưng trong thực tế, chúng ta thấy, đời sống của những người dân nơi những đất nước này vẫn còn rất nghèo khổ… Họ nghèo vì thiếu nhận thức, nghèo về kỷ thuật, và nghèo vì nạn mại dâm, ma túy, thất nghiệp; và ngày nay, nơi những người nhập cư, tị nạn, chúng ta cũng thấy thêm một hình thức nghèo mới – “nô lệ mới trong xã hội”. Ngài nói rõ: Những người công nhân nhập cư, họ bị bách hại cả thể xác lẫn tinh thần, bị tịch thu hộ chiếu, bị lạm dụng tình dục, và có thể bị giết. Có những người đã chết trên đường chạy tới tòa đại sứ để kêu cứu”. Đức tổng giám mục nói chậm rãi.

Và, ngài đã nói trong hy vọng: “Tuy nhiên, nơi người nghèo, chúng ta thấy được những điểm tích cực: Họ là những người tiên phong trong việc đứng lên ủng hộ và bảo vệ giáo xứ; họ giúp đỡ người trẻ bằng cách tham gia dạy giáo lý…; ngoài ra, nơi họ, chúng ta thấy được sự liên đới trong đời sống ngang qua việc làm ‘trạng sư’ cho nhau trước những vấn đề xã hội, vi phạm nhân quyền,… Còn những người nhập cư, họ lấp đầy nhà thờ Công Giáo ở những nơi họ tới, đến với nhau để cùng học hỏi giáo lý…”

Ngoài ra, với tính hài hước và năng động, bằng những mẫu chuyện rất thực tế, Đức tổng giám mục còn giúp các tham dự viên hiểu biết về thực trạng của một số đất nước tại Châu Á. Sau đó, ngài trả lời những vấn đề mà các tham dự viên chất vấn.

Buổi chiều cùng ngày, Đức Cha Orlando B. Quevedo đã chủ tế thành lễ. Trong bài giảng, một lần nữa, ngài kêu gọi mọi người hãy can đảm đối thoại với những người nghèo ngang qua việc sống như họ đang sống. Ngài nói: “Khi tôi làm bề trên cộng đoàn học viện, tôi khuyến khích các thầy tới khu ổ chuột để cùng sống với những người ở đây và đi lấy nước với họ. Mỗi khi trở về cộng đoàn, mùi hôi thối của khu ổ chuột loang ra khắp cả cộng đoàn... Chúng ta cần sống với những người nghèo. Khi sống với họ, ta nhận ra được câu chuyện của họ về những sinh hoạt, đời sống cầu nguyện và họ cách thể hiện tình cảm”.

Cuối cùng, ngài nhắc nhở: “Con đường của người nghèo rất khác; lối sống của người nghèo có thể thay đổi đời sống của chúng ta là những tu sĩ, linh mục; và lời cầu nguyện của người nghèo là những lời cầu nguyện thấu lên tới Thiên Chúa”.

Tạ ơn Chúa, cám ơn sự hiện diện cũng như những chia sẻ chân tình của Đức Tổng Giám Mục.

Như đã nói ở trên, CAFI 2013 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8. Năm nay, trong CAFI, các vấn đề như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo và đời sống của những người tín hữu tại Á Châu được đề cập một cách cụ thể; để nhờ đó, các cộng đoàn Đức Mẹ Lên Trời tại lục địa này có những định hướng cho việc đào tạo các tu sĩ cũng như tìm ra phương cách tốt nhất để thực thi sứ mạng tông đồ.

Ngoài các thành viên đại diện của các cộng đoàn tại Á Châu (bao gồm Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam), CAFI còn có sự tham dự của cha Marcelo, trợ lý tổng quyền; cha Miguel, giám tỉnh tỉnh dòng Bắc Mỹ-Philippines, cha Juan Carlos, đến từ cộng đoàn Argentina và một số anh em là người Châu Á nhưng đang tu học và phục vụ tại các nước ở các châu lục khác nhau.

Đặc biệt, để CAFI thực sự có kết quả tốt nhất, ban tổ chức đã mời cha Jacques và nhà báo Asnaud là những người chuyên viên về Á Châu trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa và tôn giáo. Với tính chuyên nghiệp và những kinh nghiệm có được sau nhiều năm làm việc trên lục địa này, các nhà chuyên môn đã giúp các tham dự viên có được những cái nhìn cụ thể về Châu Á…

Ước gì triều đại Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta !

Fx. Phan Dương, a.a.