Cùng các anh chị cá rằm,
Chúng tôi là loài cá sặt, thuộc vùng nước ngọt miền Tây ruộng lúa ngày nào! Thật tình ra, giữa hai họ cá sặt và cá rằm nơi sông rạch miền Tây từ hồi còn lúa mùa, chúng ta rất gần gũi nhau. Có lúc cùng sống chung với nhau nơi khúc kinh này hoặc búng đập kia, do vậy mà chúng mình không xa lạ gì nhau cho lắm! Tuy vậy, qua lời tự sự của các anh chị, chúng tôi mới hiểu thêm được phần nào về những bất trắc của các anh chị theo từng mùa nước lên, nước giựt.
Như các anh chị biết, loài cá sặt chúng tôi vốn là loại cá đồng, còn các anh chị dù tháng nước ngập, các anh chị vẫn sinh sống ở trên đồng nhưng khi nước giựt thì các anh chị lại theo nước về lại kinh rạch của mình, bởi vì các anh chị vốn là loại cá sông. Ngoài việc phân biệt giữa cá đồng, cá sông, dân quê ở các vùng đồng ruộng này còn phân biệt cá trắng, cá đen và họ xếp các anh chị vào loại cá trắng ấy vì vảy của các anh chị màu trắng bạc. Còn chúng tôi, mặc dù sống chung đìa bàu với các anh chị cá đen như cá rô, cá trê, cá lóc nhưng người ta xếp chúng tôi cùng loại cá trắng như các anh chị, vì vảy của chúng tôi không đen đúa gì cho lắm.
Từ hồi tạo thiên lập địa tới giờ, nhất là vào lúc đất phương Nam này còn là đất lâm trùng trùng điệp điệp. Chúng tôi đã có mặt rồi và sanh sôi nẩy nở nhiều đời nhiều kiếp mà nhiều lúc chúng tôi cũng không làm sao nhớ ra cho hết được. Chỉ biết, hồi đời xưa, sách vở có ghi rằng: “Sặt là cá đất bưng dẹp mình mà nhỏ”(1).” Chỉ đơn giản vậy! Mà “đất bưng”, như các anh chị biết là những vùng đất thấp đầy lung vũng ngập nước tư niên bốn mùa hoặc còn gọi là “bưng trấp”, tức là nơi nước không bao giờ cạn và cỏ lác dày đặc. Vì nước ao tù không thông thương như nước rạch nước sông. Nếu không muốn nói là chúng tôi hồi thời chưa ai khai mở đất lâm là chúng tôi chịu đựng cảnh phèn chua, nước cỏ đỏ lòm triền miên rồi. Chúng tôi chỉ biết quẩn quanh nơi lung trấp của mình thôi, chứ không bơi lội như các anh chị trên những kinh rạch thông thương nơi vùng đất thuộc, nên so với các anh chị chúng tôi còn quê mùa dữ lắm!
Cá sặt vàng với cặp trứng no tròn gần tới ngày mớm bọt làm ổ - hình tác giả cung cấp
Mãi cho tới sau này, những năm thập niên 1930-1940, đất lâm được nông dân khắp nơi tìm cách khai khẩn thêm nên diện tích đất mới nới rộng ra nhiều thêm. Và vì nhu cầu cần tháo nước phèn cho lúa khỏi bị phèn làm nên tình trạng lúa chết vì bị bịnh “tim”(2), người ta mới đào thêm những mương nhỏ tháo nước phèn, và gọi tắt là “mương phèn”. Chúng tôi mới biết chút ít thế nào là nước sông, nước ngọt. Và rồi, nhờ đó mà cuộc đời giống cá sặt chúng tôi mới bắt đầu thong dong trên những kinh rạch quanh vùng gần bưng trấp mà nghe thơ thới trong lòng! Nhưng những ngày tháng thong dong ấy cũng không kéo dài được bao lâu thì thời cuộc lại loạn lạc, giặc giã nổi lên tứ phía và rồi dân tình lại bỏ nhà, bỏ của, bỏ vườn, bỏ ruộng lo tản cư chạy giặc. Nên ruộng đất lại một lần nữa bỏ lâm và vùng nào lung vũng nhiều thì lại bị các loài cỏ đa niên như năn, lác voi, lác nước, u du, rau muống, sậy, đế tung hoành. Và chúng tôi lại bắt đầu lại những ngày sống quanh năm trong các lung vũng chứa nước tư niên bốn mùa ấy nữa!
Các anh chị biết không, những năm tháng loạn lạc ấy người ta sống thưa thớt lắm mà bưng trấp nhiều, nên ít ai tìm cách bắt giống cá sặt nhỏ con mình dẹp lép chúng tôi làm gì. Nên những ngày loạn lạc của dân quê lại là những năm tháng thanh bình của loài cá sặt! Hằng năm cứ tới mùa mưa già là chúng tôi rủ nhau theo những đám cỏ dày làm ổ. Ổ cá rằm của các anh chị, chúng tôi không biết rõ các anh chị làm ổ bằng cách nào, nhưng loài cá sặt làm ổ vui lắm nhe các anh chị! Vào Tháng Tư mưa dầm, khi cặp trứng trong bụng các chị cá mái bắt đầu vàng hực là các anh chị trong bầy từng cặp từng cặp rủ nhau vào các bụi năn, bụi lác chỗ nước cạn xây tổ uyên ương. Như các anh chị biết, người xưa bảo rằng: “Loài cá mớm bọt cho nhau, khi nào lưng nhỏ thì hóa”(3).
Do vậy, loài cá sặt làm ổ bằng cách mớm bọt cho nhau mà đẻ trứng sanh cá con, giống như các loài cá khác. Các anh chị thấy chỗ này nổi bọt, chỗ kia nổi bọt cá sặt. Những cái ổ ấy lúc đầu còn nhỏ và bọt nước màu trắng. Sau vài ngày ổ lớn dần và khi bọt nước trở màu ngà ngà vàng là cá con sắp nở. Và cứ thế trong các lung trấp hằng hằng lớp lớp bọt cá sặt cả một vùng đồng ruộng bao la bát ngát. Vào Tháng Bảy, những bầy cá sặt mới nở vài tháng trước ấy làm thành mùa cá sặt non. Giống như các loài cá khác trong vùng cũng có mùa cá non như cá linh non, cá rô non vậy.
Cá sặt điệp - hình tác giả cung cấp
Có một đặc điểm nữa, không biết các anh chị còn nhớ hay không khi chúng ta còn sống chung nhau trên những cánh đồng lúa mùa ngày xưa là việc kiếm mồi. Các anh chị thì thích ăn mồi ngầm như các sinh vật nhỏ cùng rong rêu dưới đáy nước; còn chúng tôi thì thích ăn những bông cỏ hoặc những phiêu sinh vật nhỏ li ti trôi trên mặt nước. Và vì vậy có lẽ ngày nào người ta cũng thấy chúng tôi thường nổi trên mặt nước từng bầy, từng bầy với cặp môi mở ra hút lấy những bọt nước mà sống qua ngày rất thư nhàn, giống như ếch thời Tô Đông Pha ăn nắng vậy!
Vốn không ăn những miếng mồi lớn vì miệng loài cá sặt trời sanh ra nhỏ xíu, và nhờ vậy nên chúng tôi không bị ai dùng miếng ăn dụ được mình. Dân quê sống ở đồng ruộng nhiều lúc họ cũng chán chúng tôi về điểm khó dụ khị này lắm. Nhưng qua kinh nghiệm về các loài chim cá. Sau nhiều năm sống cùng thiên nhiên nơi đồng ruộng từ đời này qua đời khác nên họ biết loài lươn, loài lịch thì thổi “mà” và họ gọi là “mà lươn”, “mà lịch”(4). Loài rắn ở hang, loài tôm thì đi lui, loài chim bay ngược gió, loài cá chúng mình thì lội ngược nước. Từ đó, họ nghĩ ra cách chận đường mình đi để bắt cá sặt bằng cách đặt lờ.
Lờ cá sặt như các anh chị biết nó khác với lờ đặt tôm. Vì tôm đi lui, nên các anh chị này không cần nhìn thấy mình lờ, mặt lờ bóng hay không bóng, mà chỉ nhìn thấy miếng mồi dừa trắng lấp lánh trong lờ là cứ quay càng, quay đầu ra ngoài. Và đưa cái đuôi vô mặt lờ rồi cứ thế lần lần cả cái mình con tôm lọt vào hom lờ tôm hồi nào không hay biết. Các anh chị ấy cứ thế mà loay hoay với miếng mồi dừa trắng phau hấp dẫn treo tòn ten trong lờ, quên cả lối “dìa”! Còn muốn bắt cá sặt bằng lờ thì dân quê phải chuốt nan tre cho bóng, mặt lờ, hom lờ, mình lờ cũng phải đan cho bóng thì mới dụ chúng tôi vô lờ được. Và cũng để cho chắc ăn, người ta làm lờ cá sặt có hai mặt và hai hom ở cả hai đầu, để phòng khi nước chảy vô hoặc nước chảy ra, chúng tôi lội ngược nước từ hướng nào cũng bị cái lờ cản đường ráo trọi thì đành phải chui vô hom lờ thôi!
Sau khi chuẩn bị mình lờ, hom lờ và mặt lờ xong xuôi, người ta mới bắt đầu ráp các bộ phận ấy lại thành cái lờ. Trước tiên người ta lấy bốn góc mình lờ cóp lại thành hình ống, làm sao cho bốn góc lờ lệch về mình lờ hơi nhiều một chút, nhằm để thân lờ chỗ giáp mối ấy nhô lên như cái bánh ú ngay chính giữa thân lờ và tạo thành một lỗ trống nhỏ chừng năm ba phân, dùng làm miệng lờ để trút cá ra xuồng khi đi dỡ lờ. Ngày trước, vì đời sống dân quê gắn liền với cá tôm vùng lúa mùa nên nhà nào cũng có lờ cá như vậy. Người nào làm nghề đặt lờ chơi chơi để kiếm ăn thì đan vài ba chục cái lờ; nhà nào chuyên nghiệp sống bằng nghề đặt lờ bán để sống thì số lờ nhiều hơn, số lượng có khi lên tới vài ba trăm cái lờ cá sặt bóng hới ấy.
Cá sặt bướm với lớp vảy màu sáng và có những chấm vàng ở vi và kỳ.
Do chúng tôi cứ rủ nhau lội ngược nước kiếm ăn, nên những nơi nào có đường nước chảy nhè nhẹ với năn lác lưa thưa, người ta dọn nền đặt cái lờ ngay đường nước ấy, rồi lấy cỏ tủ kín miệng lờ nằm ngay trên thân lờ. Lờ tôm thì cũng đặt theo hướng nước chảy nhưng đặt ngầm, còn lờ cá sặt thì đặt nổi. Đặt nổi có nghĩa là đáy lờ cũng chạm đất nhưng phần thân lờ với miệng lờ để đổ cá ra phải cách mặt nước chừng một tấc. Vì miệng lờ nằm ngay trên thân lờ, nên làm như vậy cá khi vô lờ không bị ngộp và cũng không chui ra được.
Nhưng các anh chị biết không, khi chúng tôi vô lờ khá đông thì chúng tôi cũng leo nheo lóc nhóc dữ lắm! Lớp cá trong lờ đỏ con mắt, lớp cá ngoài lờ lại ngúc ngắc muốn vô. Nên lúc bấy giờ nếu có ai chống xuồng đi qua vì hiếu kỳ muốn nhóng cái lờ lên coi thử cá sặt vô lờ nhiều hay ít, thì đó cũng là dịp rất may cho chúng tôi! Họ chính là ân nhân của chúng tôi! Chúng tôi nói đó là dịp may vì hồi đời xưa, cá tôm nhiều, nên người ta nhóng lờ lên khỏi mặt nước xem cá nhiều cá ít để coi chơi thôi, chứ không ai đổ lờ bắt cá trộm làm gì. Nằm trong lờ ngâm dưới nước lâu, khi được đưa lên khỏi mặt nước, chúng tôi để ý biết hom lờ nằm chỗ nào và khi lờ được đặt lại vị trí cũ, lúc bấy giờ chúng tôi mới rủ nhau tìm miệng hom và lội trở ra bên ngoài ráo trọi. Chúng tôi rất cảm ơn những ân nhân ấy và ngược lại, người nông dân đặt lờ lại hổng được vui cho lắm! Họ trách những người hiếu kỳ, rắn mắt nhóng những cái lờ để xem cá nhiều hay ít ấy làm cho cá ra ngoài hết trọi nhưng rồi mọi việc cũng qua mau, không để bụng lâu vì bản chất hiền lành nơi các dân quê làm cho họ mau quên những gì nhỏ nhặt.
Ngoài ra, nghe các anh chị kể về mùa nước giựt các anh chị ra sông sau cùng, loài cá sặt chúng tôi cũng tủi thân lắm vì có sông đâu mà ra, mà “dìa”! Chúng tôi là loài cá đồng mà và mãi mãi sẽ ở lại với những cánh đồng lúa mùa. Các anh chị biết hông, hồi thời xưa mình cứ ở lưu lại trên những bưng trấp ngập nước bốn mùa ấy nên đường đi nước bước đã quen. Rồi sau này nông dân làm lúa mùa mỗi năm một vụ thì lung vũng cũng còn nhiều nhưng người ta vẫn nghĩ cách đào đìa cho cá xuống đìa khi tới mùa nước giựt khô đồng. Tới lúc lúa thần nông ngự trị thì lúa mùa cũng hổng còn, do vậy mà đìa bàu cũng đâu có còn bao nhiêu; mà nhứt là cái nạn thuốc trừ sâu rầy trên những cánh đồng lúa thần nông là một đại nạn cho muôn loài. Trong đó có các loài cá của chúng mình nữa! Thời kỳ làm lúa thần nông là thời kỳ tận diệt mọi loài cá tép chưa từng thấy trong trời đất này bao giờ các anh chị à! Chúng tôi chết gần hết, có còn chăng là còn trong các chỗ cá nuôi thôi chứ cá thiên nhiên thì chẳng còn được mấy mống!
Nhớ lại thời ở đìa bàu những năm tháng cũ vui lắm. Hồi đó cứ tới Tháng Chạp, Tháng Giêng là chúng tôi xuống đìa hết rồi. Sáng tối gì chúng tôi cũng lên ngớp, ụp móng văng nước tứ tung như mừng những ngày mùa lúa mới sắp tới nơi. Dân gian Việt Nam hồi xưa cũng có câu ca dao vui vui về hiện tượng ụp móng này: “Cạn đìa mới biết lóc, trê. Còn ụp móng biết đâu rô, sặt”. Không khí trong đồng ngày ấy trong lành lắm. Gió hiu hiu thổi mỗi chiều đưa hương lúa mới bay xa; sương mù se se lạnh vào mỗi sớm mai làm hương lúa mới như nén lại cái tinh khiết của đất trời chứa trong từng hạt ngọc của trời đất mang tặng cho con người.. Cái không gian thuở ấy vừa gần gũi mà thanh cao, vừa bao la mà êm đềm ấm áp lắm! Sang Tháng Hai, Tháng Ba mùa vụ cắt gặt đâu đó xong xuôi, lúa thóc ví đầy bồ rồi mà cánh đồng đầy gốc rạ vẫn còn phảng phất hương thơm ngạt ngào của mùa lúa mới. Các anh chị có còn nhớ lúc bấy giờ vùng đồng quê bắt đầu vào mùa tát đìa làm mắm không?
Ôi thôi, vào mùa này cá tôm muôn trùng! Mặt cá danh giá nhất vẫn là cá lóc, cá trê và mặt cá nhiều nhất vẫn là cá rô, cá sặt! Hồi đó cá nhiều quá nên người ta tính cá bằng giạ, chỉ khi bán buôn mới tính ký. Riêng mặt cá sặt mỗi miệng đìa ngang chừng năm thước, dài khoảng mười hai hoặc mười lăm thước thì trung bình khoảng năm hoặc mười giạ cá sặt là thường. Cá tát đìa hồi xưa nhiều lắm nên không ai mang vác gì nổi mà phải dùng cộ trâu, cộ bò kéo cá về nhà có khi tới khuya-lơ khuya-lắc mới xong.
Khi cá về tới nhà thì cá lóc, cá trê phần nào làm mắm thì làm, còn phần nào để dành thì đổ xuống hầm rộng để đó, rồi sau này bắt lên để ăn từ từ. Hồi xưa dường như không có chủ đìa nào bán cá tát đìa mà chỉ rộng cá để dành ăn thôi. Riêng cá sặt dù là cá đồng nhưng chúng tôi cùng với các anh chị thuộc họ cá nhỏ, cá bổi nên lên khỏi mặt nước là chúng tôi chết hết rồi, chỉ có nước là làm mắm, làm khô thôi! Do vậy mà ở vùng quê hồi đó nói tới mắm, không thể không nhắc tới mắm cá sặt. Trùng trùng điệp điệp mắm là mắm, nhà nào cũng cụ bị vài hũ đường, vài ba khạp da bò, vài ba lu mái đầm, mái vú (5) mắm cá lóc, cá rô, cá sặt, cá rằm, cá linh, cá chốt, cá trèn nhưng mắm cá sặt có lẽ là thông dụng nhất, không biết có phải vì thời ấy mặt cá sặt nhiều hơn các mặt cá khác chăng?
Cá sặt điệp đang nghĩ ngợi về cuộc đời…
Cuộc đời từ cá sang tới mắm là những gian nan của một đoạn đời mà các anh chị và chúng tôi đã từng trải qua rồi, nên chúng tôi không muốn nhắc lại làm gì thêm đau lòng! Nhưng có lẽ cũng kể để các anh chị nghe chơi một chút về loài cá sặt chúng tôi có gốc gác thế nào. Về điều này, như phần mở đầu chúng tôi có nhắc qua là chúng tôi vốn sống trong các bưng trấp, nhưng cũng có lúc chúng tôi có sống trên các kinh rạch vùng nước ngọt nữa. Ở kinh rạch hay ở trên các lung vũng đìa bàu thì có loại cá sặt bướm, cá sặt điệp. Ngoài ra, dòng họ chúng tôi còn có các anh chị cá sặt rằn với bộ vảy có vằn không đều tạo thành chỗ đậm chỗ lợt và chính các anh chị cá sặt rằn này mới thay mặt chúng tôi mỗi khi có khách tới nhà hoặc nói chuyện với người ngoài về giá trị của mình..
Hồi đời trước, cách nay sáu bảy chục năm, tại các vùng đất lâm như Luỳnh Huỳnh, Cầu Số Năm, miệt Tám Ngàn, Tri Tôn, Đìa Bèo, Định Mỹ thuộc Long Xuyên, miệt Bình Di- Bắc Nam thuộc An Phú, miệt Đồng Tháp Mười hay xuống miệt Thứ vùng Rạch Giá, Cà Mau cá sặt rằn được dân các địa phương ấy ưa làm khô lắm. Tại các vùng kể trên còn đặt thêm tên loại cá sặt rằn lớn con hơn hết là “cá sặt dày tho” hoặc “cá sặt lò tho”. Các anh chị này ngoài bộ vảy có rằn đen không rõ lắm thì dưới bụng các anh chị có thêm cặp râu dài. Loại cá sặt dày tho này thuộc hàng anh chị trong dòng họ cá sặt chúng tôi rồi, chắc khỏi phải bàn bạc gì thêm!Ngày nay, thời buổi văn minh kỹ thuật quá mức tưởng tượng của loài người nên làm cho con người sống phải chạy theo vận tốc văn minh nhiều lúc muốn chóng mặt. Mỏi mệt quá với văn minh, người ta mới tìm về với thiên nhiên qua nuôi cá kiểng hầu làm giảm bớt sự căng thẳng quá mức trong cuộc sống mỗi ngày. Chính vì vậy mà dân các thành thị mới nhớ tới cá rằn các anh chị cũng như cá sặt chúng tôi mà mua về nuôi chơi và nhờ vậy mà cá rằn, cá sặt ngày nay có giá. Một con cá rằn, cá sặt chúng mình nhỏ xíu, bây giờ cũng từ năm tới bảy đô la chứ hổng ít. Còn đời xưa mấy anh em mình rẻ rề. Cũng chính vì vậy mà dòng họ cá sặt chúng tôi cũng bị các nhà chuyên môn cung cấp cá nghiên cứu lai tạo chúng tôi nhiều giống khác nhau.
Các giống cá sặt mới này nó khác với các giống cá sặt ở bưng, ở vũng, ở đìa bàu đời trước dữ lắm! Chẳng hạn đời xưa làm gì có cá sặt màu vàng, màu hường, màu xám, màu đỏ và nhiều màu khác nữa mà chính chúng tôi cũng hết biết đường mò giống cá sặt nào là có bà con cật ruột gần gũi với mình nữa nhe các anh chị!
M à nghĩ lại cho cùng, so với cái chung trong cả hai loài cá nhỏ bé của chúng mình đâu phải ai ai cũng được người ta mua về làm cá kiểng hết đâu các anh chị, nên việc được giá như vừa kể cũng chỉ là những trường hợp “năm khi mười họa”, “năm thuở mười thì” hoặc “ngàn năm một thuở” mới có một vài anh chị được người chơi cá đoái hoài thôi! Thế nên, chúng tôi chưa bao giờ dám mừng vì cá sặt bây giờ đắt giá như vừa kể nhe các anh chị!
Rồi chúng tôi cũng nghe các anh chị nhắc lại thời kỳ bị bắt làm cá mồi cho mấy bác ngồi xuồng nhấp cá lóc Tháng Chạp, Tháng Giêng mà nhớ lại thời kỳ 1945-1946 còn loạn lạc. Lúc bấy giờ nơi các làng quê vùng Tân Bình (Lấp Vò) người ta bỏ nhà tản cư ráo trọi. Thành ra cảnh vườn hoang nhà trống làm cho không khí các làng quê lúc bấy giờ buồn bã lắm! Sông rạch thì lác voi, u du, rau muống, cỏ xước, nghể lông, cỏ mồm lông, cỏ mồm mỡ cùng nhau bò phủ phục khắp các mặt rạch. Rồi còn nạn lục bình không ai bơi xuồng qua lại nên các anh chị này chiếm gần hết các mặt nước của các lòng kinh, lòng rạch cạn. Tuy vậy, khi tản cư đi xa thì ai ai cũng nhớ nhà nhớ vườn thế rồi cũng có vài người lâu lâu họ liều mạng lại lén bơi xuồng về thăm nhà. Có người làm gan cất chòi ở lại coi vườn tược đôi ba ngày và họ thấy cá lăng, cá kết, cá trê trắng, cá lóc, cá bông, cá leo lên dọi nhiều quá nên họ bèn nghĩ ra cách đặt lờ bắt cá sặt làm mồi giăng câu, cắm câu.
Hồi đó các anh chị có biết họ giăng câu bằng cách nào không? Vì cỏ lác bò phủ phục các kinh rạch nên họ phải chịu khó dọn luồng bủa câu. Mỗi luồng câu dài chừng năm sáu thước và mỗi luồng như vậy họ tóm chừng bốn hoặc năm lưỡi câu là vừa miễn làm sao hai lưỡi câu cách nhau chừng một thước là được. Khi bủa câu họ cắm hai đầu hai đài câu bằng nhánh tre mỡ và giường câu phải canh thế nào cho lưỡi câu vừa chấm mí nước là đúng điệu giăng câu mồi chạy. Sở dĩ họ làm thế vì khi họ móc chúng tôi làm mồi để sao cho chúng tôi lội vừa chấm mí nước thôi mới hấp dẫn các anh chị cá lớn, chứ còn lưỡi câu ngập dưới mặt nước sâu quá, chúng tôi đành phải lội ngầm, thì ít mời gọi mấy anh chị cá lăng, cá kết, cá leo này.
Còn cắm câu thì người ta nghĩ ra cách chặt chuối cây kết lại làm cái phao, vuông vức đâu chừng năm tấc hoặc một thước tây là vừa, và cắm câu trên cái bè chuối ấy với mồi là các bạn cá sặt non chúng tôi vừa mới dính lờ. Ban đêm ban hôm thời loạn lạc người ta không dám đi thăm câu và để mãi tới trời sáng tỏ mặt người ta mới bắt đầu chống xuồng thăm các luồng câu này. Vậy mà rồi mỗi lưỡi mỗi con cá lăng hoặc cá kết, cá lóc hoặc cá trê trắng; con nào con nấy ú-ù cả ký có hơn! Thời kỳ ấy mỗi khi tối trời vườn hoang nhà trống công thêm tiếng chó tru dài vang vang trong xóm nữa, cảnh nhà quê buồn đến não ruột, dù được cá nhiều như vậy nhưng các bác nông phu này cũng chẳng lấy gì làm vui cho lắm!
Cặp cá sặt vàng vào mùa trứng già - Ảnh do tác giả cung cấp
Cùng các anh chị cá rằm,
Dòng đời chúng tôi còn dài, dài lắm vì trải qua hằng mấy trăm năm từ lúc khẩn hoang tới giờ và vùng đất miền Tây Nam nước Việt này cũng trải qua biết bao biến đổi. Thời cuộc biến đổi, xã hội biến đổi, con người biến đổi, thời tiết biến đổi, mùa màng biến đổi từ lúa mùa mỗi năm một mùa rồi tới lúa Thần nông mỗi năm hai ba mùa, dĩ chí tới cách cày bừa, cách sạ lúa, cách cấy lúa, cách cắt gặt mỗi thời kỳ cũng biến đổi khác nhau. Đồng ruộng ao hồ sông rạch cũng không nguyên vẹn như hồi cũ nữa. Thế rồi tới cách ăn cách ở của con người cũng biến đổi theo những vụ mùa thì làm sao loài cá sặt chúng tôi nay có thể giữ nguyên gốc gác của mình cho được!
Thành ra có dịp chia sẻ cùng các anh chị vài ba nỗi niềm cũng là dịp để nhớ lại chính mình, nhớ lại cái thời chúng tôi ở trên những lung vũng bưng trấp đìa bàu nước cỏ, nước phèn ấy mà biết mình dù có đổi sắc, đổi màu thế nào đi chăng nữa mình vẫn là mình thôi. Cá sặt vẫn là cá sặt thôi các anh chị à! Cái gì cũng không qua cái gốc gác của mình! Chúng tôi cũng tâm niệm với chính mình hoài như vậy, nhưng không biết có còn đủ sức lực để giữ nổi cái niềm tin vào cái gốc gác ấy mãi được hay không nữa đây! Chỉ biết cầu Trời Phật vậy!
HT - Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 10 tháng 01 năm 201
LTT
Chú Thích
(1) Theo “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của, Sài Gòn, 1895. Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không thấy ghi năm, trang 292.
(2) “Lúa tim” là hiện tượng cây lúa bị sâu đục thân hoặc bị chất phèn quá chua làm cho rễ cây lúa bị thúi gốc không hút phân từ đất được rồi lá lúa có nhiều đốm vàng xuất hiện và dần dần cây lúa bị lụn xuống rồi chết.
(3) Sách Trang Tử nói: “Loài ô thước (chim quạ và chim khách) nó mến nhau, loài cá mớm bọt cho nhau, khi nào lưng nhỏ thì hóa”. Lại chua rằng: “Loài ô thước giao đuôi nhau mà hóa, cá mớm bọt cho nhau mà hóa, con ong không có con cái mà hóa” (hóa là không giao cấu mà sinh).[Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Qúy Đôn, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2006, mục 279, chương IX: Phẩm Vật, trang 456.]
(4) “Mà lươn”, “Mà lịch”: Các giống lươn, lịch ở đâu thì chúng thổi lớp bùn non lên trên mặt bùn gọi là “mà lươn”, “mà lịch”. Tức là dấu hiệu cho biết chỗ ấy có hang lươn, hang lịch ở.
(5) Mái vú: Mái là lu to bụng phình ra, đáy túm nhỏ lại. Mái vú là cái mái có bốn cục u ở gần miệng lu để khi người ta muốn khiêng dời cái lu từ nơi này qua nơi khác có chỗ mà vịn, mà nắm cho dễ.