TP 05/08/2012 - Tân Nam tử Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) chủ bút báo Đăng Cổ tùng báo có ba bà vợ với 15 người con. Nhưng gắn bó với ông suốt 36 năm, chịu đựng biết bao khốn khó, chia sẻ với ông những niềm vui và tủi cực… chỉ có bà. Sách vở viết về ông rất nhiều, nhưng hầu như không có mấy dòng viết về bà.
Ông như con ngựa (tuổi Nhâm Ngọ), phi trên thảo nguyên, tung hoành, ngang dọc. Còn bà giữ bếp lửa trong chiếc lều phía sau…
Bà Đinh Thị Tính, quê quán làng Phượng Dực, Phú Xuyên, (nay thuộc Hà Nội) là người vợ tao khang, tấm cám của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Lớn hơn chồng một tuổi, bà tuổi Tân Tỵ. Tử vi phán: nữ mạng Tân tỵ cuộc đời tân toan âu lo, không được sung túc vào trung vận. Tình duyên buồn bực, lao đao.
Tử vi cũng báo hậu vận an nhàn, hợp duyên với Nhâm Ngọ… Chẳng biết hư thực ra sao, nhưng lớn lên, năm 1900, vào tuổi 19, bà lấy chồng.
Chồng bà làm thông phán. Cưới xong, hai vợ chồng về Hải Phòng sinh sống. Một căn nhà nhỏ gọn ghẽ ở phố Cầu Đất là tổ ấm của cặp vợ chồng công chức.
Năm 1901 sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Hải. Mấy năm sau, Nguyễn Văn Vĩnh chuyển về tòa công sứ Bắc Giang, bà lại đi theo. Tại đây, năm 1904 lại thêm con trai thứ hai, đặt tên Nguyễn Giang để kỷ niệm nơi lấy giấy khai sinh.
Chồng bà là người thông minh, siêng năng công việc, rất có thiện cảm với thượng cấp, được sủng ái. Nên khi Công sứ Bắc Giang Hauser được bổ nhiệm làm Đốc lý Hà Nội, ông đã đưa cả vợ chồng bà Vĩnh về Hà Nội.
Sau nhiều năm tần tảo, dành dụm từ Hải Phòng, Bắc Giang được ít tiền, bà Vĩnh đã mua được một ngôi nhà nhỏ ở số nhà 39 phố Mã Mây. Nhà có hai tầng, bên dưới dùng làm nơi sinh hoạt cho gia đình. Tầng trên là phòng làm việc ông Vĩnh. Một gian gác nhỏ để tiếp khách
Ngôi nhà phố Mã Mây đã gắn bó với ông bà Vĩnh 15 năm, kể từ khi ông được theo Công sứ Bắc Giang về Hà Nội. Cũng ngôi nhà này, đã chứng kiến bao nhiêu niềm vui, mỗi khi bà Vĩnh khai hoa. Và theo lẽ tự nhiên vốn có tạo hoá ban phát cho con người, những người con của ông bà nối tiếp nhau ra đời:
Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1907
Nguyễn Thị Nội , sinh năm 1910
Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1913
Nguyễn Dương , sinh năm 1914
Nguyễn Phổ, sinh 1917
Nguyễn Kỳ, sinh 1918
Nguyễn Thị Mười, 1919
Nguyễn Dực, 1921
Nguyễn Hồ, sinh 1923.
Những người con của bà, đều là nam thanh nữ tú. Trong đó Nguyễn Thị Vân xinh đẹp có năng khiếu âm nhạc, chơi dương cầm tài năng, đến nỗi có lần người Pháp đánh tiếng mai mối cho Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại sau này).
Nguyễn Giang vừa là nhà thơ, vừa là họa sĩ, điêu khắc, có tên tuổi trong cuốn Thi nhân Việt Nam. Nguyễn Dực, có công lắp đặt hệ thống âm thanh cho Lễ tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 tại Ba Đình, rồi thành một trong những người mở đầu ngành phát thanh đất nước. Đặc biệt Nguyễn Phổ từng làm công tác tình báo, từng chịu đa truân…
Trọn 36 năm làm vợ của một công chức, rồi làm chủ những tờ báo, bà Vĩnh đã trải qua những niềm vui hãnh diện, tự hào. Nhưng thật trớ trêu, cuộc đời mang đến cho bà những khổ đau, vò xé và có những khi không tài nào đứng dậy được. Bà phụng thờ nhà chồng, trọn đạo làm vợ, làm mẹ.
Hơn hai chục năm, sinh nở 12 bận, nuôi con mình, con chồng, lần lượt tất cả hơn chục đứa, đứng mũi chịu sào, chèo chống, nuốt nhịn những nỗi cay đắng âm thầm. Ấy là hai lần ông Vĩnh lấy thêm vợ bé. Mà những người đến sau, đều tài năng trẻ đẹp hơn hẳn mình.
Bà vẫn tìm được cách để sống chung, để không làm lỡ sự nghiệp của chồng. Ngần ấy năm, bà lẽo đẽo theo chồng đồng cam cộng khổ. Lúc ra Hải Phòng buôn bán, khi lên Bắc Giang heo hút gió rừng. Tất cả là vì chồng, vì sự nghiệp của ông mà bà đứng đằng sau làm hậu thuẫn.
Năm ông Vĩnh mất, bà vào tuổi 55, chẳng còn trẻ nhưng cũng chưa thể già. Lại một mình đưa con thuyền đi lên phía trước, khi bánh lái đã gãy!
Rồi cái đận, ông Vĩnh và các con Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Ngược Pháp (tức nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, con riêng của chồng), Nguyễn Thị Loan nối tiếp nhau bỏ bà tìm về nơi vĩnh viễn, bà tan nát cõi lòng.
Trọn 10 năm (1932-1942), bà Vĩnh 5 lần chít khăn tang, một lần tang chồng, bốn lần tang con. Những vành khăn trắng buốt lạnh cứ chồng đè lên nhau, quặn thắt trên đầu người đàn bà khổ hạnh.
Kinh hoàng nhất là những ngày tháng năm 1936. Đúng là họa vô đơn chí. Đám tang ông Vĩnh ngày 8-5, thì chỉ 4 tháng sau, (tháng 9 năm 1936), giữa lúc mồ chưa xanh cỏ, đất chưa khép liền… thì người mua được số tài sản phát mại, đòi quyền sử dụng đất và ép gia đình bà phải chuyển ngay mộ đi, trả lại khuôn đất.
Đã đến lúc sa cơ thất thế, chẳng còn đường nào khác. Con cháu đành phải đào mộ lên để chuyển về quê. Mỗi nhát cuốc bập xuống mồ, như mũi dao khía vào trái tim bà.
Nhìn những bàn tay nhợt nhạt, run rẩy chuyển thi hài ông từ chiếc quan tài bằng kẽm, sang chiếc quan tài gỗ, bà như đứt từng khúc ruột, bởi như thế có khác chi ông Vĩnh bị chết hai lần?
Đất làng Phượng Dực thuộc vùng chiêm trũng. Ngôi mộ lúc mới hung táng, còn nằm trên mảnh đất khô khan. Mùa mưa úng lụt đã biến thành cái hồ mênh mông nước. Ông Vĩnh nằm chìm trong dòng nước của quê mình. Những ngày ấy, bạn hữu, gia đình có muốn thắp cho ông nén hương, cũng đành đứng từ xa bái vọng.
Câu ca “Sống ngâm da, chết ngâm xương” chỉ những vùng chiêm trũng, bây giờ vận vào ông… Hình ảnh ấy bà Vĩnh còn chôn chặt trong lòng….
Bà cũng chưa thể cắt nghĩa tại sao cuộc đời ông lại rất gần với nước? Ngày đầu tiên mua ngôi nhà Mã Mây, rất gần sóng nước sông Hồng. Lần chuyển đến ở số 25 Nguyễn Gia Thiều, thì lưng nhà quay về hồ Thiền Quang ngày đêm thì thầm tiếng sóng. Rồi chuyển đến nhà 13-15 Thụy Khuê, hướng bốn mùa sóng nước Tây Hồ. Cho đến lúc ông chết, là chết trên sông, chứ không phải một cái túp lều nào trên đất.
Cuối cùng khi về với cố hương, ông Vĩnh vẫn cứ chìm trong nước. Hóa ra số ông sống chết với nước?
Những tưởng đến ngày hòa bình, là yên hàn, gia đình được đoàn tụ. Ai ngờ hoàn cảnh thận phận mỗi người lại tạo nên cảnh chia lìa. Nguyễn Dương, Nguyễn Hải và mẹ con bà ba Suzanne và Nguyễn Hiến vào Nam, Nguyễn Phùng thì ở Pháp, kẻ đông người tây, tan đàn xẻ nghé.
Rồi 2 cú sét quất xuống gia đình năm 1955 cải cách ruộng đất: Nguyễn Dực con trai bà bị bắt suýt nữa bị tử hình, may được cứu thoát. Còn Nguyễn Phổ thì bị đi tù, với lời thị phi làm gián điệp nằm vùng phá hoại miền Bắc… Bà Vĩnh đã vào tuổi 74 xưa nay hiếm.
Bấy giờ ngoài Bắc chỉ có 4 người: Nguyễn Giang đã về nước, sống bằng vẽ tranh, Nguyễn Kỳ 37 tuổi, Nguyễn Thị Mười 36 tuổi, Nguyễn Hồ 32… mỗi người có thân phận riêng. Họ sống co mình lại. Bà Vĩnh như con chim sợ cây cong, lúc nào cũng thon thót giật mình.
Khốn khổ nhất là cái lần con trai Nguyễn Phổ bị đi tù, liên can đến vụ cháy nhà máy in Tiến Bộ năm 1955 (mà sau 23 năm, Nguyễn Phổ mới được giải oan, được trả lại quyền lợi, được phân nhà và tặng thưởng Huân chương kháng chiến).
Ngôi nhà số 25 Nguyễn Gia Thiều bị tịch thu, bà phải về ở nhà con trai Nguyễn Giang số 59 - Trần Quốc Toản. Sống chung với vợ chồng con trai được vừa 8 năm (1955-1963), thì tự nhiên nhà chức trách yêu cầu thu lại, vì ngôi nhà không đủ cơ sở pháp lý. Cũng may họ đổi cho hai căn hộ khác.
Một là căn hộ rộng 24m2 ở số 34 phố Lê Đại Hành, và một nhà khác ở 119 phố Triệu Việt Vương, có 2 buồng, rộng 36m2. Bà cụ già goá bụa, lúc ấy 82 tuổi, không thể sống một mình ở căn nhà 24m2, càng không thể về sống chung với vợ chồng Nguyễn Giang, bởi quá chật chội. Các con trai bà lại bàn nhau đưa mẹ về nhà Nguyễn Dực ở 43 Hàng Bài.
Khổ thay, ngôi nhà này lại là của bố vợ Nguyễn Dực cho con gái và con rể ở nhờ!
Năm 1964. Tiếng máy bay Mỹ bắt đầu gầm rú ở Vịnh Hạ Long, dư âm của một cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ phát động, đang đến gần. Đâu đó người ta rục rịch bàn nhau câu chuyện sắp đi sơ tán.
Trong bối cảnh ấy, người vợ cả của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đành phải chia tay các con cháu, bỏ lại phía sau đất Hà thành, từng gắn bó bao nhiêu kỷ niệm, cả niềm vui và cay đắng, cả thiên đường và địa ngục, trở về quê chồng Phượng Dực (Hà Đông cũ) sinh sống, thoát khỏi những ánh mắt nhìn ghẻ lạnh của người đời.
Bà về đây sống với người con nuôi của chú ruột chồng, tên là Nguyễn Văn Vần. Đây là đất hương hoả từ đời các cụ để lại. Ông Vần đã giữ gìn, để bây giờ bà quả phụ học giả Nguyễn Văn Vĩnh mới có chốn nương thân.
Bà Vĩnh sống âm thầm như thế, đến năm 1965 thì qua đời, hưởng thọ 84 tuổi, không dám nghĩ tới ngày gặp lại người con bị oan sai mà tù tội. Bà Vĩnh cũng chẳng ngờ rằng, người con dâu của bà (vợ Nguyễn Phổ) phải vào tận miền nam sinh sống, rồi đến tuổi 62 còn xuống tóc tu ở tịnh xá Tòng Lâm, Sài Gòn, với pháp danh Trí Tuệ, tới chức Tỳ kheo.
Lúc còn sống bà từng chịu quá nhiều đàm tiếu. Người ta đồn thổi rằng Nguyễn Văn Vĩnh không làm tay sai cho Tây, làm sao có nhiều tiền tài, sản nghiệp lớn đến vậy? Ý nói ngôi nhà số 13-15 Thụy Khuê bên cạnh hồ Tây…
Thực ra ông Schneider, một công chức Pháp, từng công tác với Nguyễn Văn Vĩnh về làm báo. Sau 38 năm làm việc ở Việt Nam, năm 1918 ông đến tuổi về hưu. Vì cảm phục, yêu mến Nguyễn Văn Vĩnh, mà trước khi về Pháp, Schneider đã nhượng lại cho ông Vĩnh toàn bộ nhà in, cơ sở thiết bị và hai tờ báo (Trung Bắc tân văn và Học báo - tức Đông Dương tạp chí đã bị Toàn quyền Sarraut đóng cửa). Ông trở thành chủ nhà in, chủ nhiệm hai tờ báo nói trên.
Nhờ có vốn, ông Vĩnh tậu ngôi nhà 13 và 15 ở Thụy Khuê, hướng gió mát Tây hồ để cho vợ con sinh sống. Nhưng đến năm 1935 thì bị ngân hàng phát mại, hóa giá.
Bãi bể nương dâu, thời vận xoay vòng, cuối cùng nhà của ông chủ báo Đăng Cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí… sau nay vẫn được chọn làm Tòa soạn một tờ báo ngành của nước ta.
Khúc Hà Linh
Ái nữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh
TP 28/01/2009 - Bộ phim tài liệu "Mạn đàm về Người Man di hiện đại" (do con cháu gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) đầu tư thực hiện với sự giúp đỡ của Đạo diễn NSND Trần Văn Thuỷ ra mắt 7/2007) như một lời chiêu tuyết cho cuộc đời của người có công khai sáng chữ quốc ngữ cho người Việt đầu thế kỷ XX.
Trong 4 tập phim thời lượng 215 phút, từng góc chân dung thần đồng tiếng Pháp, nhà báo tiên phong, học giả, người yêu nước, tân Nam tử (người nước Nam mới) và người đàn ông hào hoa có số phận bi tráng Nguyễn Văn Vĩnh được hé mở.
Tự nhận mình là "Người Man di Hiện đại", nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh luôn có cách nhìn mới trong từng vấn đề lớn-nhỏ của đời sống xã hội. Phẩm chất "Tân Nam tử" của cụ Vĩnh gây ảnh hưởng đặc biệt đến những người con, đặc biệt với 5 người con gái.
Cụ Vĩnh có 3 người vợ chính thức với 10 người con trai, 5 người con gái, trong đó có nhiều người nổi tiếng: Nhà thơ Nguyễn Giang, Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp có tên trong Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Phổ - tình báo quân sự, luật sư Nguyễn Phùng – GS. Đại học Luật Montpellier, kỹ sư vô tuyến điện Nguyễn Dực…
Cụ Vĩnh và người vợ cả có tình yêu đặc biệt với con gái, thiên vị con gái hơn con trai - một điều khác thường so với xã hội nước Nam. Cũng vì tình yêu đặc biệt với con gái mà khi sinh người con thứ 3 được là nữ có tên Nguyễn Thị Loan, cụ Vĩnh mở chuyên mục "Nhời đàn bà" trên tờ "Đăng cổ tùng báo", tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ 1907 và lấy bút danh Đào Thị Loan.
Qua chuyên mục này, cụ Vĩnh bày tỏ nhiều quan niệm văn minh về thân phận người phụ nữ nông thôn và thành thị. Sau cô Loan, cụ Vĩnh còn có 3 con gái Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Mười với người vợ cả và một cô con gái út Nguyễn Thị Thu Hương với người vợ Pháp - Suzane.
5 ái nữ của gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh đẹp nổi tiếng nhưng 4 người trong số họ mệnh bạc - đã mất từ khi còn trẻ.
Ký ức tuổi thơ với các chị em gái, về người cha tài hoa trong gia đình đa truân giờ đây còn được lưu giữ bởi người con gái duy nhất còn lại của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ở tuổi 90, bà Nguyễn Thị Mười vẫn tỉnh táo và giữ chất "người nước Nam mới" - có được từ người cha của mình.
Bà nhớ lại…
"Thầy tôi đi vắng suốt nhưng mỗi khi về nhà ông đều thể hiện sự quan tâm chiều chuộng các con. Cách hai ba tuần ông đỗ xe ở cửa nhà và gọi bọn trẻ ra ôm sách báo mới (tiếng Pháp) vào. Hôm đó là ngày hội của từng đứa trẻ lớn, bé. Có đủ báo cho người lớn, thanh niên, trẻ con. Đó là những tờ tạp chí tranh ảnh đẹp, những thông tin trong đó là cả thế giới với bọn tôi. Gần như mười mấy anh em trưa hôm ấy bỏ cơm để ngốn ngấu đọc báo".
"Chúng tôi lớn lên bằng những câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, tiểu thuyết của Molière, Victor Hugo, Balzac, Alexandre Dumas… do cha dịch từ tiếng Pháp. Vì cha tôi dịch La Fontaine thành những câu thơ vần điệu rất dân gian nên hồi nhỏ tôi luôn nghĩ đó là những chuyện xảy ra ở quanh mình. Sau này những triết lý châm biếm cái xấu, cái vô lý của cuộc đời tôi vẫn tìm thấy ở La Fontaine".
"Vì cha tôi ít khi ở nhà nên tụi nhỏ chúng tôi tìm ra một thần tượng riêng để dựa dẫm. Anh Nguyễn Nhược Pháp lớn lên cùng chúng tôi từ năm lên 2 tuổi sau khi mẹ anh tự vẫn (do thầy tôi cưới vợ ba 17 tuổi là người Pháp).
Tụi tôi luôn nghĩ anh Pháp là con ruột của mẹ, yêu quý và bám anh Pháp bất cứ lúc nào có thể. Anh Pháp đẹp trai nhất nhà, thông minh, nhạy cảm và luôn là linh hồn trong mọi cuộc vui gia đình.
Anh nghĩ ra các trò chơi đánh trận giả, làm xiếc cho lứa em nhỏ, viết và dựng kịch diễn trong nhà. Gặp đoạn văn tiếng Pháp khó là cầu cứu anh. Anh được mẹ ưu tiên xếp cho một phòng riêng để làm việc.
Mỗi cô em gái lại thích một bài thơ khác nhau của anh Pháp, có người thích bài “Chùa Hương", riêng tôi thích bài "Sơn tinh Thủy tinh" và còn mong được anh chuyển thể thành phim hoạt hình.
Anh Pháp mất năm 1938, chồng chất thêm một nỗi buồn đau trong chuỗi bi kịch mất 3 người thân của gia đình - chị Nội mất 1932, cha tôi mất năm 1936, chị Vân mất cùng năm 1936".
5 người con gái cụ Vĩnh mỗi người đẹp một vẻ, bà Nguyễn Thị Loan có nét đẹp sắc sảo khuôn mặt xinh nhất trong 5 chị em nhưng bà Nguyễn Thị Vân lại được nhiều người hâm mộ hơn vì là nghệ sỹ dương cầm, mà đúng thời đó kiểu đẹp mơ mộng như thế đang rất được chuộng.
Bà Nguyễn Thị Nội đẹp kiểu "khuôn trăng đầy đặn", bà Nguyễn Thị Mười mang vẻ thanh tú, cô Nguyễn Thị Thu Hương (con bà Suzane) có nét lai, nụ cười tươi và cặp mắt sáng ngời.
"Trong 5 người con gái, chị Nội tôi được thầy mẹ yêu nhất. Chị Nội thông minh, học rất giỏi, tính tình dễ thương. Năm 22 tuổi chị tôi mang bệnh nặng, lúc chị nhắm mắt cha tôi ngồi kế bên vuốt mắt và hôn lên trán. Mẹ tôi thương nhớ chị suốt 3 năm, đêm nào cụ cũng đi xuống vườn đứng dưới những tán cây hoa trắng khóc con gái".
"Trong nhà chỉ một mình chị Vân tôi có tài năng âm nhạc, những người khác cũng thử học nhưng không ai theo được. Chị được nhiều người yêu mến nhưng chưa bao giờ thấy ưng ai, trong đó có bạn của anh Nguyễn Nhược Pháp là nhà thơ Đoàn Phú Tứ.
Có lần Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội để thực hiện ý định muốn qui phục thầy tôi phải thực sự phục vụ cho chính sách của Chính phủ Thuộc địa đã tổ chức bữa tiệc mời cụ Vĩnh với sự sắp đặt để Hoàng tử Vĩnh Thụy vừa từ Pháp về (sau là vua Bảo Đại) có mặt và đề nghị thầy tôi cho chị Vân đến chơi đàn piano, thực chất để Hoàng tử xem mặt. Thầy tôi đã từ chối.
Cả nhà biết chuyện đã trách cứ Thầy tôi, các anh tôi còn nói: “Thầy lạ thật, làm Hoàng hậu còn không muốn thì còn muốn gì nữa?!”, Thầy tôi nói: “Thầy mà gả cái Vân cho Vĩnh Thụy thì khác nào thầy chấp nhận triều đình Huế, một triều đình như vậy làm sao chấp nhận được!”.
Chị Vân lâm bệnh năm 23 tuổi, trước khi chị mất, anh Đoàn Phú Tứ có mong muốn vào thăm chị lần cuối nhưng gia đình không đồng ý…".
"Từ năm 1931 trở đi, Chính phủ Thuộc địa thực sự bất bình với những hoạt động của thầy tôi, o ép thầy tôi bằng mọi cách dẫn đến sự phá sản, buộc thầy tôi phải chọn con đường đi đầy sang Lào với lý do: đi tìm vàng để trả nợ! chỉ sau một tháng ông mất ở tuổi 54 trong con thuyền độc mộc trên dòng sông Sêpôn, một tay vẫn nắm chặt cây bút còn tay kia là tập giấy đang viết dở phóng sự “Một tháng với những người đi tìm vàng”.
Chị Loan, chị gái cả tôi lấy chồng người Pháp, trong giai đoạn gia đình túng quẫn, chị tôi đã giúp đỡ mẹ và các anh em bằng tiền lương y tá Hồng thập tự của chị tại bệnh viện Đồn Thuỷ. 3 năm sau khi cha tôi mất, chị Loan cũng từ giã cõi đời ở tuổi 35.
"Với cô em gái út Thu Hương chúng tôi gần như không gặp vì khi cô ấy được sinh ra (năm 1931) tôi đã đi lấy chồng, lúc cha tôi mất cô Hương mới 5 tuổi. Hương mất năm 17 tuổi”.
“Sau khi cha mất, anh em chúng tôi và gia tộc bước vào đời với bao ấm ức, buồn tủi vì bị người đời coi khinh là con cháu của “tay sai” “bồi bút” thực dân Pháp”.
Hơn 50 năm trong “tranh tối tranh sáng”, câu chuyện cuộc đời và những cống hiến của học giả Nguyễn Văn Vĩnh mới được người đời nhìn nhận khách quan.
Bông Tố
* Bài viết dựa theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mười-con gái và ông Nguyễn Lân Bình- cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh
http://www.tienphong.vn/van-nghe/150342/Ai-nu-cua-hoc-gia-Nguyen-Van-Vinh.html