Nguyệt Quế - Gia vị và Cây thuốc

Lá Nguyệt Quế thường được kết thành vòng hoa cho người chiến thắng, là một gia vị trong nhiều món ăn Âu-Mỹ và đồng thời cũng là một cây thuốc với nhiều đặc tính trị liệu đáng chú ý. Tên Nguyệt Quế bằng Anh ngữ: Bay, bay laurel gây nhiều ngộ nhận vì 'Bay' cũng được dùng để gọi nhiều cây gia vị khác.Tên Việt Nguyệt Quế cũng tạo những ngộ nhận cần được phân biệt rõ ràng khi muốn sử dụng làm cây thuốc.

Tên thực vật: Laurus nobilis thuộc họ Lauraceae Laurus tiếng Latin = khen ngợi; nobilis= cao quý, nổi tiếng, tráng lệ. Tên gọi tại các nước trên thế giới: Laurier (Pháp), Lorbeer (Đức), Alloro (Ý), Tây Ban Nha (Laurel).

Vấn đề định danh: Theo Anh ngữ, Nguyệt Quế được gọi dưới nhiều tên như Bay, Bay laurel, laurel, Mediterranean laurel, noble laurel, poet's laurel, Roman laurel, royal bay, sweet bay… Danh từ Bay có thể dùng để chỉ toàn cây hoặc gọi lá khi làm gia vị. Tên Bay gây những nhầm lẫn và cần phân biệt với: - Bayberry (Myrica pensylvanica) một cây thuộc vùng Bắc Mỹ, cung cấp tinh dầu dùng trong kỹ nghệ dầu thơm, làm nến - California bayberry (Myrica californica), cây thuộc vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ. - California bay (Umbellularia californica), cây của Bắc Mỹ, cũng thuộc họ Lauraceae, và dùng làm gia vị nhưng nồng hơn có thể gây 'nhức đầu' nên còn gọi là 'headache tree'. - West Indian bay (Pimenta racemosa) cây thuộc vùng Caribbean, dùng trong kỹ nghệ tinh dầu và làm rượu bay rum. Tên Laurel gây những nhầm lẫn nguy hại hơn: - Mountain laurel (Kalmia latifolia), một cây có độc tính của vùng Bắc Mỹ, trồng làm cây cảnh, độc tố andromedotoxin rất mạnh có thễ gây độc cả trong mật ong khi ong tạo mật từ những hoa của cây. - Cherry laurel (English laurel) (Prunus laurocerasus), cây của Âu châu và Đông Á. Nhầm lẫn nguy hại vì lá chứa độc tố loại hydrocyanic acid. - Portuguese laurel (Prunus lusitanica) cũng chứa hydrocyanic acid. Tại Việt Nam, có sự nhầm lẫn do các nhà trồng hoa gọi chung các tên Nguyệt Quế với Nguyệt Quới và Nguyệt Quý. Nguyệt quới (Murraya paniculata) thuộc họ thực vật Rutaceae, được trồng làm cây cảnh. Murraya paniculata, tên Anh-Mỹ Orange Jessamine, Mock Orange, Lakeview Jasmine, lại được gọi trong danh mục thực vật của Trung Hoa là Chiu-li-hsiang = Cửu lý hương. Những bài báo tại Việt Nam viết về cây cảnh Nguyệt Quế (cây cây đáng giá đến 10 tỷ đồng VN, như tại Cai Lậy) không phải là Laurus mà là Murraya (Nguyệt Quới). Trong thơ văn Việt Nam tuy dùng tên Nguyệt Quế nhưng hoa mô tả lại là Nguyệt Quới: 'Tháng Bảy dật dờ mưa Đong đưa mùi Nguyệt Quế' - (Điều mãi là có thật của Thanh Thanh Ngọc) ' Hương Nguyệt Quế ngây ngất Quyện vào đêm, tỏa ngát bên thềm ' - (Nguyệt Quế của Sương Sương)

Nguyệt Quý (Ruta graveolens) còn được gọi là Vân hương và Nguyệt quý hoa là một tên gọi của Hoa hồng. Tên Tàu: Yueh-kuei (Dã quế) được dùng để gọi lá Cassia.

Truyền thuyết và lịch sử: Theo thần thoại Hy Lạp, Nguyệt Quế được xem là cây của Thần Apollo (vị Thần của tiên tri, thi ca và y học). Truyện kể rằng: Apollo đã có lần la mắng Cupid về sự phá phách nên Cupid để tâm báo thù, dùng mũi tên vàng bắn Apollo (mũi tên này gây cho người bị bắn trúng sẽ say mê người phụ nữ đầu tiên mà anh ta nhìn thấy), đồng thời Cupid bắn phát tên thứ nhì vào một cô tiên nhỏ tên Daphne (mũi tên gây cho cô nàng sự ghê sợ và lẩn tránh người theo đuổi mình). Apollo khi vừa thấy Daphne đã say mê liền và Daphne thì lẩn tránh và chạy trốn; còn Apollo thì theo đuổi bắt, Daphne đã phải cầu khẩn cha nàng là thần Sông Peneus biến nàng thành cây Nguyệt Quế. Khi biết người mình 'si mê' đã thành "Laurel bay", Apollo si tình, quyết định cho cây trở thành một 'cây linh thiêng' và dùng cành lá kết lại thành một vòng đội trên đầu để luôn luôn yêu và nhớ Daphne (Tại Hy lạp, Nguyệt Quế được gọi là 'Daphne tree'). Vòng Nguyệt Quế đã được đặt trên đầu những người thắng giải trong cuộc thi đấu Pythian và cuộc tranh tài Thế Vận đầu tiên vào năm 776 trước Tây lịch (BC) để tôn vinh Apollo. Do sự tin tưởng là Nguyệt Quế tạo khả năng nhìn được tương lai để tiên tri nên các nữ tu Hy Lạp tại Đền Delphi (nơi thờ Apollo) đã nhai lá Nguyệt Quế để tăng khả năng tiên đoán. Vòng Nguyệt Quế đã được khắc trên tiền cổ La Mã từ năm 342 trước Tây lịch (BC). Tại La Mã, vòng nguyệt quế không chỉ biểu tượng cho chiến thắng, cho tài năng xuất sắc nhưng còn được xem như một thứ 'bùa' bảo vệ chống sấm sét: Hoàng Đế Tiberius (42 BC- A.D 37) đội nguyệt quế, chui trong chăn để tránh sấm sét khi trời mưa giông. Hoàng Đế Nero (A.D 37-68) đội nguyệt quế, khi di chuyển từ Roma về Laurentium để tránh dịch hạch với tin tưởng là hương thơm nguyệt quế sẽ trừ được bệnh dịch.

Tại vùng Palestine và Trung Đông, Nguyệt Quế đã được biết và ghi chép trong Thánh kinh: Nguyệt Quế sống và phát triển ra lá xanh tươi tại vùng sa mạc khô cằn: ' I have seen the wicked in great power and spreading himself like a green bay tree' (Psalms 37:35) Vua Do Thái David rất chuộng Nguyệt Quế: ông dùng gỗ Nguyệt Quế làm đồ mộc, làm ván cho vách phòng riêng và hình ảnh lá Nguyệt Quế đã được đắp trên những phù điêu tại thành Jerusalem. Từ thời Trung Cổ, những học giả tài năng và những y sĩ 'trẻ tuổi tài cao' được trao tặng vòng lá và quả Nguyệt Quế: bacca lauri= quả mọng, berries- laurel và được gọi là baccalaureates. Danh từ này sau đó được dùng để gọi những văn bằng biểu thị cho trình độ học vấn đạt được như Baccalaureat = Tú Tài (Pháp); Bachelor degree (Mỹ). Tuy tại Ý, Nguyệt Quế được xem là có tính cách bảo vệ và đem lại may mắn, nhưng tại Anh theo dị đoan thì cây Nguyệt Quế đang trồng mà bị héo chết thì điều không may, xui xẻo sẽ xẩy đến. Văn hào Shakespeare đã viết trong Richard II (Act II, Scene IV): 'Tis thought the King is dead ; we will not stay The bay trees in our country are all wither'd '

Mô tả thực vật: Cây thuộc loại tiểu mộc, khi mọc hoang có thể cao đến 18m nhưng thường khi trồng chỉ cao trong khoảng 0.9-3.2 m. Thân mọc thẳng; vỏ nhẵn màu xám bóng. Phiến lá nguyên hình ngọn giáo (bàu dục, thuôn), bóng, màu xanh lục xậm, có mùi thơm, dài 4-12 cm rộng 2-4 cm. Lá dầy, cứng và không lông. Cuống lá khoảng 5-10 mm. Cây đơn tính, hoa đực và hoa cái mọc riêng trên cây khác nhau. Hoa mọc thành tán từ 3-5 hoa nhỏ tại nách lá, lớn cỡ 3 mm. Lá bắc tròn, cánh hoa màu vàng-trắng, hay xanh nhạt. Quả dạng quả mọng, màu xanh khi còn non, chuyển sang đen hay tím xậm khi chin, hình bàu dục, lớn cỡ quả cerise, đường kính 15 mm. Cây trổ hoa vào tháng Tư. Một số chủng trồng (cultivar) đã được lai tạo như Aurea, có lá màu vàng nhạt khi còn non; Augustifolia (còn gọi là willow-leaf bay), lá thuôn dài, và Undulata, mép lá lượn sóng Nguyệt Quế được xem là có nguồn gốc tại vùng Địa Trung Hải, mọc nơi ven biển của 3 lục địa bao quanh, đồng thời cũng phát triển xa hơn trong nội địa về hướng Hắc Hải, ven biển Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyệt Quế hiện được trồng tại nhiều nơi trên thế giới, nơi những vùng khí hậu cận nhiệt đới không chỉ quanh Địa Trung Hải mà cả vùng Caribbean, Trung Mỹ và Bắc Mỹ. Đa số lá 'thương phẩm' trên thị trường thế giới là từ cây mọc hoang. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đứng đầu về buôn bán lá Nguyệt Quế, theo sau là Hy Lạp và những nước nuôi trồng khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý. Một số nhỏ được trồng tại California nhưng hương vị được xem là kém thơm. Lá được thu hoạch bằng tay trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối Hè; lá được hái lúc sáng sớm và phơi khô trong bóng râm để giữ màu sắc tự nhiên (khi phơi dưới nắng, lá đổi thành màu nâu và mất tinh dầu). Khi phơi lá thường được giữ ép thẳng, đè bằng ván để tránh bị cong và quắt, soăn lại.

Thành phần hoạt chất và giá trị dinh dưỡng - Thành phần hóa học (theo PDR for Herbal Medicines 3rd Ed) Lá Nguyệt Quế chứa: Tinh dầu dễ bay hơi (1-3 %) trong đó chất chính là 1,8-cineol Lactones loại sesquiterpene: dehydrocostuslactone, costuno lide, hợp chất eremanthin, laurenobiolide. Alkaloids loại isoquinoline như reticuline, boldine, isodomesticine, neolitsine, nandergine Flavonoids: khoảng 10 flavonoid O-glucoside, 1 flavonoid C-glucoside, Catechin và Cinnamtanin B1 (Journal of Medicinal food Số 2-2009) Quả Nguyệt Quế chứa: Tinh dầu dễ bay hơi (1-4%) trong đó có nhiều chất như 1,8-cineol, alpha và beta-pinene, citral và methylcinnamate. Lactones loại sesquiterpene (như trong lá) Dầu béo (25-55%) trong đó có những acid béo như lauric, palmitic, oleic Tinh dầu Nguyệt Quế: Tinh dầu lấy bằng cách chưng cất lá chứa alpha-pinene, beta-pinene, phellandrene, myrcene, limonene, linalool, methylchavicol, neral, alpha-terpineol, geranyl acetate, eugenol, cavicol Theo Natural Products Research (Số 26-2012), tinh dầu Nguyệt Quế tại Bồ đào Nha chứa: Eucalyptol (27.2 %), alpha-terinenyl acetate (10.2 %), linalool (8.4 %), methyleugenol (5.4 %), sabinene (4.0 %) và carvacrol (3.2 %) Tinh dầu từ hạt có thành phần chính là beta-ocimene, 1-8-cineol, alpha-pinene và beta-pinene.

- Thành phần dinh dưỡng: (dùng làm gia vị) (theo USDA và Whole Foods Companion của Dianne Onstad) Khi dùng làm gia vị, lá nguyệt quế đã được phơi khô: 100 g lá khô 1 thìa càphê - Calories 313 2 - Chất đạm 7.61 g 0.05 g - Chất béo 8.36 g 0.05 g - Chất sơ (fiber) 26.32 g 0.16 g - Calcium 834 mg 5 mg - Sắt 43 mg 0.26 mg - Magnesium 120 mg 1 mg - Phosphorus 113 mg 1 mg - Potassium 529 mg 3 mg - Sodium 23 mg - Kẽm 3.7 mg 0.02 mg - Đồng 0.416 mg - Manganese 8.169 mg - Beta-Carotene (A) 6.185 IU 37 IU - Thiamine (B1) 0.009 mg - Riboflavine (B2) 0.421 mg 0.003 mg - Niacin (B3) 2.005 mg Về phương diện dinh dưỡng, lá Nguyệt Quế được xếp vào loại 'thực phẩm' có nhiều ưu điểm: Lá tươi chứa nhiều Vitamin C (46.5 mg/100 g), chứa lượng cao folic acid (180 mg/100 g), là nguồn cung cấp nhiều Vitamin A và các vitamin nhóm B. Lá khô cũng được xem là có nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể, nhất là những yếu tố vi lượng.

Đặc tính dược học và các nghiên cứu Lá Nguyệt Quế có một số hoạt tính dược học. Những hoạt tính này có thể do những hoạt chất riêng rẽ ly trích từ lá, hoặc do tinh dầu và do ở toàn cây (khi dùng chung). Hoạt chất Lauroside B một glycoside loại megastigmane ly trích từ lá có khả năng gây tiến trình apoptosis (tế bào mã hóa để tự hủy) nơi một số giòng tế bào ung thư độc loại melanoma (A375, WM115 và SK-Mel-28) bằng cách ức chế sự khởi động NF-kB (một yếu tố quan trọng trong việc tạo di căn và kháng thuốc của tế bào ung thư melanoma) (Journal of Natural Products Số 74-2001) Trong lá có 5 megastig mane-glucoside, gọi chung là Lauroside và được ghi ký hiệu từ A đến E. Costunolide, khi thử trên chuột cho thấy có tác dụng gây khởi hoạt phân hóa tố glutathione-s-transferase nơi gan (Fac Natural Medicines Số 51-1997) Tinh dầu từ lá và hạt ức chế đuợc sự tăng trưởng của các tế bào ung thư loại K562 (Human chronic myelogenous leukaemia) ở các nồng độ IC 50 là 95 microgram/mL (lá) và 75 mcg (hạt) (Natural Product Research Số 26-202) Tinh dầu từ lá Nguyệt Quế có hoạt tính làm giảm đau và chống sưng khi thử trên chuột nhà và chuột nhắt: Tác dụng giảm đau được thử bằng các test phản ứng quậy đuôi và test sưng phù do chích formalin. Thử nghiệm dùng morphine và piroxicam làm đối chứng (Phytotherapy Research Số 7-2003) Dịch chiết từ lá bằng những dung môi khác nhau như methanol, chloroforme cho thấy có những hoạt tính chống oxy-hóa và hoạt tính bảo vệ màng nhày bao tử khi thử trên chuột. Hoạt tính được chứng minh bằng các thử nghiệm mô học (histological) (Journal of Medicinal Food Số 14-2011). Hoạt tính chống oxy-hóa của các dịch chiết từ lá, vỏ thân và quả Nguyệt Quế bằng methanol, được thử nghiệm bằng phản ứng peroxy-hóa lipid nơi liposomes tạo ra bằng dùng hệ thống Fe 2+/ Ascorbate cho thấy dịch chiết từ vỏ thân bằng methanol có hoạt tính mạnh nhất (1mg trich tinh thô ức chế sự peroxy-hóa đến 70.5%) (Fitoterapia Số 74-2003) Dịch chiết từ lá có khả năng bảo vệ tế bào gan của chuột chống lại nhưng hư hại gây ra bởi 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin, một độc tố có trong môi sinh ô nhiễm, giúp làm bớt các tác hại xẩy ra nơi DNA. Dịch chiết từ lá, sau khi phân đoạn, cho một lactone loại sesquiterpene: deacetyl laurenobiolide có hoạt tính kháng sinh trên các vi khuẩn Actynomyces viscosus, Porphyromo nas gingivalis, Prevotella intermedia; các vi khuẩn gram+ như Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes và các nấm gây bệnh như Candida albicans, Cryptococcus neofor mans (Natural Product Research Số 4-2011) Nước sắc từ lá ngăn chặn được phản ứng tiêu chảy gây ra bởi dầu hạt thầu dầu, khi thử trên chuột. Liều tạo hiệu ứng được định: EC50 = 162 mg/kg. Nước sắc cũng ngăn được sự chuyển vận qua ruột thực phẩm có chứa than hoạt và tạo sức giãn nơi cơ trơn của ruột (Journal of Medicinal Food Số 15-2012)

Nguyệt Quế và Tiểu đường: Dịch chiết từ lá Nguyệt Quế có thể làm tăng hoạt tính của insulin gấp ba lần, do đó có thể dùng trong cách ăn uống của người bệnh tiểu đường và cần theo dõi mức đường nơi bệnh nhân chích insulin (nếu muốn dùng nguyệt quế) (Professional's Handbook of Complementary & Alternative Medicines - Charles Fetrow & Juan Avila) Liều lượng và vài yếu tố an toàn: Theo FDA, những liều dùng để được xem là an toàn (Generally recognized as safe=GRAS) : - Lá: 1000 ppm; tinh dầu: 200 ppm. Có thể dùng 1-2 thìa càphê lá /trong 200 ml nước mỗi ngày 3 lần. - Lá và quả Nguyệt Quế có thể gây ra lở ngoài da do dị ứng. Công dụng: Lá Nguyệt Quế, ngoài công dụng như một gia vị trong nấu nướng, còn dùng để trích tinh dầu, sử dụng làm mùi thơm trong công nghiệp savon, nuớc hoa, làm nến

Dược học dân gian: Dược học dân gian dùng lá Nguyệt Quế để trị một số bệnh về bao tử như đầy hơi gây khó chịu. Lá Nguyệt Quế cũng được xem là lợi tiểu, kích thích vị giác. Tinh dầu Nguyệt Quế được dùng làm thuốc thoa bóp trị đau nhức sưng xương khớp, phong thấp Tại Anh: dầu được thoa trị vết bầm, sưng do chấn thương; quả dùng điều kinh, gây trụy thai Tại Pháp: lá trị đầy hơi. Tại Do thái: nước sắc từ quả và lá dùng uống để ngừa tiêu chảy, dầu từ quả để thoa bóp trị sưng, đau. Lá nguyệt quế dùng chung với lá rue, savory, sage để xông hơi trị cảm. Nước nấu lá dùng gội đầu để nuôi tóc, làm thơm cơ thể chống mùi mồ hôi. Tại Liban: thổ dân vùng cao dùng quả để gây trụy thai, dùng vỏ thân và lá ngâm rượu, phơi nắng rượu sau đó dùng làm thuốc thoa bóp hay điều kinh Trong khoa trị bệnh bằng Hương Liệu (Aromatherapy), tinh dầu Nguyệt Quế được xem là có khả năng giúp ổn định tinh thần, làm tăng sự tự tin, sự can đảm, giúp tập trung tinh thần chịu đựng những thử thách và chấp nhận những ý kiến mới (Valerie Ann Worwood trong Aromatherapy for the Soul)

Ẩm thực: Lá Nguyệt Quế được dùng làm gia vị trong khoa nấu nướng nhiều món ăn tại Âu Châu và Bắc Phi. Lá được xem là có mùi thơm mạnh pha trộn giữa hương của chanh và đinh hương và vị gần như là sự pha trộn của hạt thông, hạt nutmeg và hạt tiêu. Hương vị càng gia tăng khi lá được vò hay giã nát, tuy nhiên lá tươi chưa hẳn được mọi người ưa thích vì còn vị tương đối đắng, vị này mất dần khi phơi khô. Những 'đầu bếp khó tính' thường chọn những lá 'vừa phơi khô vài ngày' để nấu nướng (lá phơi khô chỉ giữ được mùi hương trong vòng 6-7 tháng dù đựng trong bình hay bao hàn kín). Lá Nguyệt Quế là một gia vị quan trọng trong nghệ thuật nấu ăn của vùng Địa Trung Hải, tuy vẫn được sử dụng tại nhiều vùng khác trên thế giới. Chỉ cần một lá là đủ tạo hương-vị cho một món ăn như súp, món thịt, cá kho. Lá được thêm (nguyên lá, vò vụn hay xay thành bột) vào nhiều món như súp, cháo đặc (chowder), thịt hầm, sốt, ngâm dấm, thích hợp với rau trộn (salad), các món thịt bò, gà, cá. Bột lá dùng trong patê gan, trong các món bò đóng thành bánh (corned beef), gà đóng bánh (chicken loaf), súc xích mortadella Bột lá cũng được trộn trong xốt (sauce) barbecue. Tinh dầu bay dùng trong thương mại, tạo hương cho gia vị ngâm dấm, muối mặn và cũng dùng trong công nghiệp rượu, bánh ngọt, thịt và súp đóng hộp. Cần thận trong khi dùng lá Nguyệt Quế để nấu ăn vì lá giữ nguyên trạng, không rã dù nấu trong thời gian lâu: nên lấy lá khỏi món ăn khi nấu xong đễ tránh bị tổn thương cổ họng hay ruột khi nuốt lá bị bể vụn nhưng còn cạnh sắc bén trẻ em có thể bị hóc. Lá không bị tiêu hóa nên có thể gây tắc ruột (The Dangers of Cooking with Bay Leaves- JAMA Số 250-1983).

Danh từ Pháp: Bouquet garni là một nhóm rau thơm cột chung thành bó dùng tạo hương vị cho các món ăn như Boeuf Bourguignon, Boullabaisse Nguyệt Quế là thành phần chính trong bouquet này (thường gồm thêm các lá thyme, sage, cần tây, basil ) Court bouillon là một hỗn hợp pha chế sẵn gồm nước, muối, rượu nho trắng, rau thơm như cần, hành thêm hương vị của bouquet garni và tiêu đen.

Công dụng khác: Mùi hương của Nguyệt Quế có thể 'đuổi' được một số loài côn trùng nhất là sâu gạo, mọt ngũ cốc (weevils). Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lá bay khô được bọc quanh trái vả khi xuất cảng. Tại Ý, lá bay dùng bọc cam thảo khi đóng gói gửi hàng. Tại Trung Hoa, lá để trong gạo và hạt ngũ cốc khác để chống mọt. Dầu Nguyệt Quế cũng dùng trong công nghiệp savon.

Tài liệu sử dụng: Whole Foods Companion (Dianne Onstad) Top 100 Exotic Food Plants (Ernest Small) The Book of Spices (Frederic Rosengarten) PDR for Herbal Medicines Duke's Handbook of Medicinal Plants of the Bible