Kỷ niệm từ một chuyến đi dài ngày

Tôi vừa hoàn thành một chuyến đi trải dài suốt ba tháng vào Mùa Xuân Quý Tỵ 2013 và trở về nhà ở miền Nam California vào ngày 18 tháng 6. Trong cuộc viễn du này, tôi đã sử dụng đến 3 chuyến bay và hàng chục chuyến xe lửa, xe hơi qua rất nhiều thành phố trong các tiểu bang ờ miền Đông và miền Trung Tây nước Mỹ. Và đặc biệt là đến thăm viếng và cư ngụ tại nhà của khá đông bà con cũng như bạn hữu khắp nơi – mỗi nhà tôi ở trong dăm ba ngày, gọi là những cuộc “vãng gia” (home visit).

Nói chung, thì ở đâu tôi cũng đều được bà con đón tiếp và chăm sóc thật ân cần chu đáo. Qua những cuộc vãng gia như thế, tôi có nhiều thời gian chuyện trò tâm sự thân mật với bà con - nhờ vậy mà có thêm được sự hiểu biết cụ thể hơn, chính xác hơn về sự việc cũng như về con người. Và nhất là xiết chặt hơn nữa cái mối tình cảm gắn bó giữa chúng tôi với nhau. Dưới đây, tôi xin được lần lượt ghi lại một ít kỷ niệm khó quên từ chuyến đi này.

* Trước hết là chuyện về những người bạn mà cùng có họ Đoàn như tôi.

Trong dịp thăm viếng bạn hữu ở tiểu bang Pennsylvania và Texas, tôi đã gặp được hai bạn đều có cùng một họ Đoàn như tôi. Đó là các anh Đoàn Hữu Phương ở thành phố Pittsburgh và Đoàn Văn Bằng ở thành phố Houston. Gia đình mỗi anh đều gây cho tôi một ấn tượng khó quên.

1 – Anh Phương là một dược sĩ ở Việt nam từ trước năm 1975, anh đã vượt biên qua đến Mỹ từ năm 1980. Anh đi học lại và tiếp tục hành nghề về Dược khoa trên đất Mỹ và hiện đã nghỉ hưu – trong khi bà xã là chị Bạch Liên còn trẻ tuổi hơn, thì vẫn còn làm bác sĩ tại một bệnh viện ở Pittsburgh. Anh chị Phương Liên có hai cháu là Phương Bảo và Kim Chi đều đã trưởng thành và đi làm ở xa. Anh Phương và tôi đều là những cựu lưu trú sinh tại cư xá sinh viên có tên là Câu Lạc Bộ Phục Hưng ở đường Nguyễn Thông Saigon từ thời những thập niên 1950 – 1960.

Họ Đoàn của anh Phương đã lập nghiệp từ nhiều đời tại vùng Mỹ Tho Bến Tre, anh cho biết các cụ xưa xuất phát từ miền Trung vào định cư ở miệt đồng bằng sông Cửu Long. Anh thúc giục tôi nên xúc tiến việc nghiên cứu về mối liên hệ giữa các chi tộc họ Đoàn theo cái đà Nam Tiến của đất nước qua bao nhiêu thế hệ trong các gia đình người Việt - thọat tiên từ miền Bắc, rồi di chuyển tới miền Trung và vào miền Nam để lập nghiệp sau này. Lý do anh Phương nêu ra khiến tôi khó mà chối từ công việc này, anh nói : “Anh Liêm có mối liên hệ quen biết với nhiều người ở khắp nơi (connections) – thì anh dễ có điều kiện để thực hiện việc nghiên cứu này. Vậy, tôi xin anh lưu tâm đến chuyện này giùm nha...” Tôi trả lời anh Phương : “ Kể ra công việc này cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công phu đi sưu tầm tìm hiểu đấy – và tôi hy vọng sẽ kiếm thêm được người phụ giúp với mình “.

Anh Phương còn nói : “Họ Đoàn chúng ta xưa nay chưa bao giờ có ai làm vua cả. Mà chỉ có một số nhân vật có tên tuổi về văn học như Đoàn Như Hài, Đoàn Thị Điểm v.v... Họặc giả làm giặc như anh em Đoàn Trưng với cuộc làm lọan gọi là “Giặc Chày Vôi” dưới triều Tự Đức ấy. Và mới đây, thì có vụ Đoàn văn Vươn chống đối việc giải tỏa đất đai ở Hải phòng – vụ này hiện còn đang gây xôn xao dư luận...”

Tìm hiểu thêm về cuộc nổi lọan “Giặc Chày Vôi” này, ta thấy người chủ mưu chính yếu là Đoàn Hữu Trưng (thường gọi là Đoàn Trưng), ông là con rể của Tùng Thiện Vương. Vì không chấp nhận việc triều đình Huế phế lập Hồng Bảo là con trưởng mà lại phong Hồng Nhậm là con thứ lên làm vua với danh hiệu Tự Đức, nên Đoàn Trưng đã đứng ra tổ chức móc nối với nhiều bạn hữu cùng thân nhân – lôi kéo được số đông công nhân bị áp chế khắc nghiệt trong công trình xây lăng mộ gọi là “Vạn Niên” dưới triều Tự Đức – để khởi lọan. Vào năm 1866, Trưng và hai người em là Đoàn Tư Trực, Đòan Hữu Ái cùng với nhiều đồng bạn đã nổi dậy, kéo quân xông vào cung điện nhà vua nhằm đưa Đinh Đạo là con trưởng của Hồng Bảo lên thay thế vua Tự Đức. Nhưng việc bất thành và bị đàn áp thẳng tay tàn bạo.

Vào năm 1866, thì đất Nam kỳ đã ở trong tay người Pháp, nên có thể suy đoán rằng có thể có một số bà con họ Đoàn sợ bị liên lụy trong vụ vua Tự Đức trả thù “Lọan Chày Vôi” này đã chạy trốn từ miền Trung vào miền Nam – trong đó có một số là tổ tiên của anh Đoàn Hữu Phương chăng?

2 – Anh Bằng là người tôi mới gặp gỡ quen biết tại Houston vào giữa tháng 6 năm 2013 qua sự giới thiệu của một người bạn khác là anh Phạm Văn Tuynh cũng mới từ Florida di chuyển về thành phố có rất đông bà con người Việt trong tiểu bang Texas. Ở vào tuổi 60, anh Đoàn Văn Bằng vẫn còn đi làm cho cơ quan chính quyền của Houston – nhưng anh đã dành ra cả một ngày để chở tôi đi thăm người này, người nọ ở cái thành phố rộng mênh mông này.

Điểm đáng ghi ở đây là trong gia đình họ Đoàn của anh Bằng, thì có nhiều anh chị kinh doanh về ngành trồng các giống cây cảnh, cây ăn trái và cả rau thơm mà người Mỹ gọi là “Nursery”. Từ lâu, tôi đã được nghe đến một cơ sở có tên là Đòan Nursery ở thành phố Dallas, thì nay qua anh Bằng, tôi mới được biết rõ ràng hơn về cả một hệ thống những Nursery do anh chị em trong gia đình họ Đòan của anh đứng ra kinh doanh tại vùng Dallas – Houston từ mấy chục năm nay. Người anh cả là Đòan Thanh Hùng đã đi tiên phong trong việc gây dựng cơ sở lấy tên là Đoàn’s Nursery ở Dallas. Ông Hùng là một trong số những người Việt có cơ sở kinh doanh đầu tiên ở Texas – cơ sở trồng cây này rất thành công đến nỗi vào năm 1987, ông Hùng được Tổng thống Reagan cấp bằng Tưởng thưởng công nhận là một doanh gia xuất sắc trong Ngành Small Business (Kinh Doanh Nhỏ). Vào ngày Chủ nhật 16 tháng Sáu, anh Bằng đã chở tôi từ Houston lên Dallas để thăm viếng cơ sở giao dịch cung ứng cây trồng được đặt tại thành phố Irving gần kề với phi trường quốc tế Dallas/Fort Worth. Bữa đó, ông Hùng đi vắng xa, nên rất tiếc tôi đã không được gặp gỡ con người có danh tiếng này.

Nhưng tại Houston, thì tôi lại được anh Bằng dẫn đi thăm Joseph’s Nursery do gia đình của người chị điều hành. Cơ sở này có diện tích trên 30 acres và sản xuất đủ mọi thứ cây cảnh cũng như rau thơm – với nhiều dãy nhà kiếng “Greenhouses” và đủ lọai thiết bị về nông nghiệp do một số khá đông nhân công người Việt cũng như người Mễ phụ trách chăm lo việc vun trồng thường ngày. Trang trại có lối đi khá ngăn nắp mà phải dùng lọai xe riêng mới có thể đi hết vào các ngõ ngách được. Tôi thật chóang ngợp trước quy mô họat động rộng lớn, hiệu quả và thật là ngăn nắp của cơ sở nông nghiệp này.

Tiếp theo anh Bằng còn dẫn tôi đến thăm nhà riêng của anh chị Phúc là chủ nhân của cơ sở Joseph’s Nursery nói trên. Khu nhà anh chị Phúc cũng rộng mênh mông – dễ đến 30 acres – anh chị có ý dành cho các con mỗi gia đình đều xây cất nhà liền với nhau trong khu này. Nhưng cho đến nay, thì mới chỉ có hai gia đình người con xây nhà liền sát với nhà của anh chị. Anh Phúc cho biết là các con khác đi làm ở xa – mà cũng không có ý định xây cất nhà riêng trong khu vực này, vì lý do giá cả của mỗi căn nhà xây cất riêng như vậy lại đắt gấp bội so với căn nhà xây cất trong nội ô thành phố. Nhưng anh chị lại có sự an ủi là hằng ngày các con đều gửi lũ cháu khá đông cho ông bà coi sóc – và buổi chiều đều đến ăn cơm chung cả đại gia đình trước khi đón các cháu về lại nhà riêng mỗi gia đình. Thành ra chị Phúc luôn luôn bận rộn với chuyện là “babysitting” cho cả một đạo quân lũ cháu hiện có đến 10 em lớn nhỏ dưới 8 tuổi.

Và điều đáng ghi nhận hơn cả nơi các gia đình kinh doanh lọai Nursery này, đó chính là tất cả đều tham gia đóng góp rất nhiều cho công cuộc xây dựng các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, chủng viện … của giáo hội công giáo ở Việt nam. Anh Bằng cho biết mỗi năm sự đóng góp này có thể lên đến con số tổng cộng đến hàng chục vạn mỹ kim. Thật ít có gia đình người Việt nào mà có sự đóng góp đều đặn liên tục mà to lớn như thế cho sinh họat tôn giáo ở Việt nam trong thời gian gần đây vậy.

Được biết gia đình họ Đòan này xuất thân từ vùng Quỹ Nhất thuộc huyện Nghĩa Hưng trong cùng tỉnh Nam Định với tôi ở miền Bắc nơi đồng bằng sông Hồng. Vùng này có số đông dân là người công giáo thuộc các giáo khu nổi tiếng là giáo phận Bùi chu và giáo phận Phát diệm. Vì thế mà ta có thể hiểu được sự gắn bó của các thành viên trong gia đình này đối với Giáo hội công giáo – đặc biệt là vì họ thông cảm sâu sắc đối với những bà con đồng đạo, đồng hương của mình là những nạn nhân khốn khổ của chính sách đàn áp thâm độc đối với tôn giáo ròng rã suốt bao nhiêu năm nay của chính quyền cộng sản ở miền Bắc sau năm 1954.

3 – Về sự liên hệ gắn bó giữa các chi tộc họ Đoàn.

Theo chỗ tôi được biết, thì họ Đoàn không phải là một họ có đông người như các họ Nguyễn, Lê, Trần, Lý v.v… Tuy vậy, ở khắp các miền Trung, Nam, Bắc, thì đều có các người mang họ Đoàn như các anh Đoàn Hữu Phương, Đoàn Văn Bằng tôi vừa ghi ở trên. Nhưng tôi chưa được biết đến có một sự liên lạc gắn bó nào giữa các chi tộc họ Đoàn hiện sinh sống rải rác khắp nơi trong nước – tương tự như có một tổ chức giữa các chi tộc họ Phạm được thành hình sau năm 1975 lấy tên là “Liên Hiệp các Gia Đình họ Phạm” – mà một trong những người họat động năng nổ nhất là nhà sử học Phạm Quế Dương, vị Đại tá được nhiều bà con biết đến và khâm phục sự dũng cảm của ông trước áp lực chuyên chế của đảng cộng sản.

Vì thế, nhân có sự thúc đảy của anh Đoàn Hữu Phương hiện ở Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, tôi cũng xin kêu gọi các bà con cùng họ Đoàn như chúng tôi, thì cũng cho biết thêm tin tức về những cố gắng mở rộng mối liên hệ gắn bó giữa các chi tộc họ Đoàn hiện đang sinh sống khắp nơi – trong nước cũng như ngòai nước. Chúng tôi rất vui mừng được đón nhận sự đáp ứng thuận lợi của bất kỳ thành viên nào mà cùng thuộc về một chi tộc họ Đoàn như mình vậy. Xin được cảm ơn trước nhã ý của quý bà con./

 

Costa Mesa, cuối tháng Sáu năm 2013

Đoàn Thanh Liêm