Những hậu quả tiêu cực của phong trào khuynh tả tại Tây phương(2)

Hủy bỏ nền kỹ nghệ

Khi so sánh giữa nước Đức và nước Anh, người ta đã nhìn thấy được một sự khác biệt quá rõ ràng: Một bên thì nền kinh tế phồn thịnh, mọi tầng lớp dân chúng đều sống trong ấm no giàu có; còn một bên thì nền kinh tế bị phá sản, nên ngoài gia đình hoàng gia và tầng lớp thượng lưu giàu có, còn đại đa số dân chúng đều phải sống trong cảnh thiếu thốn. 

Hiện tượng đó đã khiến người ta phải tự hỏi: Đâu là lý do của sự khác biệt như thế giữa hai quốc gia hàng đầu tại lục địa Âu châu? Câu trả lời thật đơn giản: Trong khi Đức quốc là một nước sản xuất, thì Anh quốc lại là một nước tiêu thụ. 

Thật ra, sự khác biệt giữa Đức quốc và Anh quốc như ngày nay không hề là vấn đề „định mệnh“ đã thiết đặt cho hai quốc gia này theo kiểu „may rủi“. Anh quốc từng là một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhờ vào các lãnh vực nổi trội như có đông đảo hàng ngũ các chuyên gia kỹ thuật tài giỏi, công nghệ đóng tàu phát triển. Anh quốc cũng từng là một quốc gia sản xuất xe hơi và xe gắn máy lớn nhất Âu châu. Nhưng tại sao một Anh quốc phú cường lại xuống dốc một cách „không phanh“ như thế? 

Chúng ta đừng quên rằng trong quá khứ Anh quốc đã từng hãnh diện là một nước có thuộc địa nhiều nhất trên khắp các châu lục, đến nỗi họ đã tự hào là „mặt trời không bao giờ lặn trên nước Anh“. Chính các thuộc địa ấy là „hậu phương“ vĩ đại cung cấp mọi thứ tài nguyên – từ lúa gạo, trà, cà phê cho tới vàng, bạc, sắt, thép, vv.. – một cách dồi dào cho „mẫu quốc.“ Vì sống bám một cách bất công vào sức lao động, vào mồ hôi và xương máu của các dân tộc bị họ đô hộ như thế, nên người Anh đã lơ là với công việc sản xuất trong nước. Do đó, nền kỹ nghệ Anh quốc đã tiệm tiến sa sút dần. 

Nhất là hầu hết các lãnh tụ nghiệp đoàn ở Anh quốc kể từ thập niên 1950 cho đến thập niên 1980 đều là cán bộ cộng sản hay những thành phần thân cộng, những người đã thành công trong việc liên tục tổ chức các cuộc đình công và kêu gọi công nhân nghỉ việc. Còn phía những người công nhân, họ cảm thấy các lãnh tụ nghiệp đoàn là những người đứng về phía họ để lo lắng và tranh đấu cho quyền lợi của họ. Vì thế, một khi các lãnh tụ nghiệp đoàn kêu gọi đình công hay nghỉ việc là họ hồ hởi hưởng ứng ngay. Nhưng những người công nhân chất phác kia đâu ngờ được rằng những cuộc đình công liên tục và không có lý do chính đáng như thế là nguyên nhân chính làm kiệt quệ nền kinh tế quốc gia và qua đó chính họ đã tự mở ra con đường dẫn đưa dân tộc họ, gia đình họ và chính họ vào cảnh sống đói nghèo và khốn cùng. Nhất là họ đâu biết được hậu ý thâm hiểm của các lãnh tụ nghiệp đoàn khi tổ chức các cuộc đình công liên miên như thế. Vâng, thực sự khi kêu gọi đình công nghỉ việc, các lãnh tụ nghiệp đoàn cộng sản hay thiên cộng ấy luôn núp dưới danh nghĩa là để tranh đấu cho quyền lợi và nhân phẩm của tầng lớp công nhân, nhưng trên thực tế không phải vì quyền lợi giai cấp công nhân thợ thuyền như họ luôn gào thét, mà là ngược lại, tức nhằm cốt phá hoại nền kỹ nghệ, làm cho nền kinh tế quốc gia sa sút và người dân phải rơi vào cảnh thất nghiệp đói khổ, và qua đó đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn vô chính phủ, các tệ đoan xã hội bùng phát và gây ra bất an, hầu qua đó họ sẽ có thời cơ thuận lợi cho việc cướp đoạt chính quyền tại Anh.

Cách đây chưa lâu, ký giả Douglas Eden đã viết trên tờ báo „The Spectator“ về mưu đồ phá hoại an ninh của các nghiệp đoàn tại Anh quốc cũng như ý thức hệ thiên Sô viết của họ đã được hầu hết các Thủ Tướng thuộc Công Đảng (Labour party) phê chuẩn. Mãi cho tới khi nữ chính trị gia Margret Thatcher thuộc Đảng Bảo Thủ được bầu vào chức vị Thủ Tướng vào năm 1979, thì tình trạng kinh tế-chính trị Anh quốc mới bắt đầu được chỉnh đốn và khởi sắc trở lại. Bởi vậy, ngay từ đầu, nữ tân Thủ Tướng Thatcher đã bị nhóm khuynh tả tự do hết sức ghen ghét, vì bà đã thẳng tay dẹp bỏ tình trạng gây rối loạn của các nghiệp đoàn, hạn chế quyền hành của họ bằng các đạo luật cứng rắn và hợp lý, và bà đã dành được chiến thắng cuối cùng, đem lại trật tự và sự thịnh vượng cho đất nước. Và cũng qua đó bà đã đánh tan giấc mơ hão huyền muốn thiết lập chủ nghĩa quốc tế cộng sản trên đất Anh của những thành phần cộng sản tại đây.

Hủy bỏ cơ cấu gia đình

Chủ nghĩa nữ quyền hay chủ nghĩa duy nữ (Feminismus), một đơn vị của phong trào khuynh tả, thường được coi là mặt trận của phái yếu chống lại phái mạnh, là mặt trận liên đới các tầng lớp nữ giới chống lại nam giới, nhưng trên thực tế họ còn nhằm tới một mục đích rộng lớn hơn nhiều. Ý thức hệ duy nữ chủ yếu nhằm hủy bỏ cơ cấu gia đình, vì các gia đình là một đơn vị xã hội tương đối độc lập, tự túc tự cường, và do vậy, quyền hạn nhà nước bị giới hạn phần nào. Trong khi đó theo chủ nghĩa xã hội thì nhà nước phải tuyệt đối nắm trọn quyền kiểm soát mọi đơn vị và mọi cơ cấu trong xã hội, vì thế cơ cấu gia đình truyền thống phải được hủy bỏ tận gốc.

Những thành phần nòng cốt một thời khét tiếng như Betty Friedan, Simone de Beauvoir và Germaine Greer của phong trào duy nữ luôn cuồng nhiệt ủng hộ và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản tại các nước Tây phương. Họ lấy những phát biểu của Friedrich Engels trong cuốn „Der Ursprung der Familie, des Privateigentums und des Staates“ (Nguồn gốc gia đình, quyền tư hữu và nhà nước) làm điểm tựa cho ý thức hệ đầy phiêu lưu và vô trật tự của họ, ví dụ những câu Engels viết: „Gia đình riêng tư tân thời đều được xây dựng một cách công khai hay kín đáo trên sự nô lệ của người phụ nữ … Trong phạm vi gia đình ông ta thì ông ta là thành phần tư sản còn vợ ông ta lại thuộc thành phần vô sản.“ Germaine Greer hoàn toàn nhất trí với quan điểm ấy của Engels. Cuốn sách với tựa đề „Der weibliche Eunuch“ (Vị hoạn quan nữ) của Germaine Greer thực chất là một lời công khai tuyên chiến nhằm phá hoại, gây rối loạn vô chính phủ và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, như được dẫn chứng trong câu sau đây: „Công cuộc giải phóng người phụ nữ, dù cho qua đó gia đình theo chế độ phụ quyền bị loại bỏ, tức một cơ cấu quan trọng của một nhà nước chuyên quyền bị loại bỏ và khi một nhà nước như thế gục chết, thì bấy giờ Các Mác hoàn toàn có lý. Vậy, chúng ta hãy cứ thế mà tiến lên!“ Germaine Greer còn viết tiếp: „Nhưng nhân loại đã phạm phải một sai lầm quan trọng (…) người ta đã để cho chị em phụ nữ tham gia chính trị và làm các nghề sinh sống. Bọn bảo thủ, những kẻ vốn coi những điều đó như là sự xuống dốc của nền văn hóa và là con đường cùng của nhà nước cũng như của hôn nhân, lại hoàn toàn có lý. Vậy, đã đến lúc phải bắt đầu phá hoại tất cả!“

Giờ đây, sự phá hoại không chỉ đã được bắt đầu, nhưng nó đang luôn âm ỉ đục khoét cuộc sống „an cư lạc nghiệp“ của con người, vốn từng được bao thế hệ các gia đình và xã hội gầy dựng nên, và để lại bao hậu quả tiêu cực khôn lường. Những công trình nghiên cứu đã chứng minh cho thấy rằng những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong các gia đình truyền thống bình thường vẫn luôn phát triển lành mạnh trong lãnh vực thể lý cũng như tâm lý. Trong khi đó, trong thế giới chủ nghĩa xã hội, hay nói đúng hơn trong thế giới cộng sản, tầng lớp trẻ thường bị rơi vào tình trạng khủng hoảng và chới với trước các vấn đề tinh thần và luân lý đạo đức, vì họ thiếu đi điểm tựa tinh thần chắc chắn, thiếu đi các mô phạm luân lý đáng tin cậy. Hằng ngày họ phải đối mặt với những thực tế trái ngược: Các bậc anh chị, các bậc thầy cô hay các bậc hướng đạo của họ, chỉ nói mà không làm hay nói một đàng làm một nẻo, đôi khi hoàn toàn trái ngược nhau. Trước cảnh mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn ấy, họ đã mất tin tưởng và phải tự đi tìm kiếm cho mình một lối sống riêng. Từ đó cuộc sống của họ phải đối mặt với những thách đố khủng khiếp trong cả hai lãnh vực tâm sinh lý, và họ thường phải trả cho những kinh nghiệm sống của mình bằng những cái giá rất đắt, có khi bằng chính cuộc đời họ nữa. 

Những người đàn bà duy nữ quá khích kia đâu muốn nhìn nhận thực tế đau buồn về các hậu quả tai hại mà các ý tưởng ngông cuồng của họ gây ra cho bao thế hệ thanh thiếu niên nam nữ, khi họ chủ trương hủy bỏ cơ cấu gia đình truyền thống và hoàn toàn được tự do luyến ái như thời tiền sử, lúc con người còn ăn lông ở lỗ và chưa có ý thức đầy đủ về đạo đức luân lý. Vì sau những cuộc luyến ái cuồng loạn ấy sẽ có bao đứa trẻ được sinh ra không có cha và không bao giờ biết được cha mình là ai, luôn phải sống một cuộc đời vô cùng bất hạnh, trống vắng và mất hẳn sự cân bằng tâm lý. Đa số những đứa trẻ ấy đã trở nên gánh nặng cho xã hội, và không chỉ về mặt kinh tế là phải nuôi nấng chúng khi chúng còn nhỏ, mà cả khi chúng lớn lên sẽ là một đe dọa to lớn cho cả xã hội bằng những phạm pháp khó tránh.

Tiếp đến, trên thực tế một số lớn người phụ nữ Anh quốc đã từng được nhóm duy nữ tẩy não và bị thấm nhiễm những tư tưởng lệch lạc của bọn họ, như lấy việc phá thai và nghề nghiệp làm quan trọng hơn cả thiên chức làm mẹ của mình. Và cũng từ lý do ấy, dân số nước Anh đã càng ngày càng giảm thiểu đi, mỗi năm trung bình 25%. Xét về mặt kinh tế, điều đó muốn nói rằng Anh quốc sẽ dần dà thiếu đi tầng lớp trẻ lao động, tức thiếu đi những người đóng thuế, nguồn lợi tài chính cần thiết để nâng cao nền kinh tế của đất nước và nuôi sống tầng lớp người già cả. 

Hủy bỏ tôn giáo

Một điều đã được lịch sử nhân loại chứng minh một cách rõ ràng là các nền văn minh phát triển rực rỡ của nhân loại luôn đều xuất phát từ các tôn giáo quan trọng. Chẳng hạn nền văn minh và văn hóa Tây phương đã được xây dựng trên nền tảng Do Thái-Kitô giáo. Vì thế, khi người ta muốn hủy bỏ một nền văn hóa, trước hết người ta phải hủy bỏ những cột trụ chính của ngôi nhà văn hóa ấy đã. Tư tưởng này đã trở thành chủ trương chỉ đạo cụ thể của ý thức hệ quốc tế cộng sản. Vì thế, nếu dựa trên nguyên tắc thì Kitô giáo và chủ nghĩa cộng sản không bao giờ có thể hòa đồng với nhau được, tương tự như lửa và nước hay ánh sáng và bóng tối. Vì một bên hữu thần và duy linh, còn một bên lại vô thần và duy vật. Theo giáo lý Kitô giáo thì mỗi người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hành động, lời nói và tư tưởng tốt xấu của mình trước chính lương tâm của chính mình. Và sau cùng, người ấy không chỉ phải chịu mọi trách nhiệm trước tòa án lương của mình, mà còn trước tòa án Thượng Đế, quan án tối cao nữa, Đấng cầm cân nảy mực cho mọi hành động, lời nói và tư tưởng của con người. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng sản lại chủ trương tất cả mọi trách nhiệm hoàn toàn mang tính cách cộng đồng dựa theo pháp luật nhà nước mà thôi. Những gì Đảng chỉ đạo thông qua pháp luật nhà nước đều được phép, chứ người thi hành không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai khác. Chính Các Mác đã xác định: „Những nguyên tắc về xã hội của Kitô giáo rao giảng sự khiếp nhược, thái độ tự khinh, tự hạ thấp, sự tùng phục, sự nhịn nhục. Tôn giáo là tiếng rên rỉ của những tạo vật bị đàn áp, là con tim của một thế giới vô tâm và là linh hồn của những điều vô hồn. Đó chính là thuốc phiện mê dân!“ 

Những người cộng sản cho rằng Mười Điều Răn Kitô giáo mang tính cách một loại „luân lý giai cấp“, chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp tư sản mà thôi. Anatole Lunarcharsky, một Ủg viên ngành giáo dục Nga Sô đã tuyên bố thẳng thừng:„Chúng tôi thù ghét Kitô giáo và các Kitô hữu … họ rao giảng tình yêu tha nhân và ơn thánh, những điều hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc của chúng tôi. Tình bác ái Kitô giáo là một cản trở cho sự phát triển của cách mạng! điều chúng tôi mong muốn là hận thù, vì chỉ với hận thù chúng tôi mới có thể chiếm đoạt được thế giới.“

Ở Anh quốc, Kitô giáo chưa bị tẩy chay, chỉ bị bài bác, bị nhạo cười và nhiều khi việc thực hành đạo của các Kitô hữu bị khiêu khích và sách nhiễu, mặc dầu ở Anh quốc Anh giáo từng được coi như quốc giáo vậy. Tình trạng các Kitô hữu ở Anh quốc bị nhũng nhiễu, nếu không muốn nói là bị bách hại, đã đạt tới một mức độ đáng báo động, đến nỗi vào năm 2010 Lord Carey, cựu Tổng Giám Mục Canterbury, cùng với sáu vị Giám Mục cao cấp khác của Anh Giáo đã phải viết một bức thư ngỏ gửi Chính phủ do Công Đảng lãnh đạo, trong đó các vị Giám Mục đã xác nhận: „Chúng tôi hết sức bức xúc ái ngại trước sự kỳ thị công khai đối với các Kitô hữu và chúng tôi yêu cầu chính phủ phải chỉnh đốn lại tình trạng nguy hiểm này. Trong một số trường hợp những nguyên tắc căn bản của đức tin Kitô giáo về hôn nhân, về lương tâm và về việc tôn thờ Thiên Chúa đã hoàn toàn không được tôn trọng. Một số không nhỏ các Kitô hữu thực hành đạo đã bị sa thải, vì lý do là họ không còn chỗ đứng trong một nước văn minh nữa.“ 

Có lẽ Lord Carey thực sự đã nhận ra được rằng những phần tử Mác-xít hàng đầu tại Anh quốc đã cùng có chung một lý do với những người cộng sản trong việc thù ghét các Kitô hữu. Thêm vào đó, đài BBC còn tuyển chọn ông Aaqil Ahmed, một người Hồi giáo có lý lịch đầy nghi ngờ, làm giám đốc điều hành phân bộ phụ trách các vấn đề Tôn giáo. 

Tiếp đến, vào năm 2006 đài BBC đã phải một phen bị bẽ mặt, vì phải viết lại một bản văn dành cho các học sinh, nhưng lại mang nặng tính cách bài Kitô giáo và phò Hồi giáo. Trong bản văn ấy Kitô giáo được trình bày như một tôn giáo chủ trương kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phái tính, phò chủ nghĩa đô hộ, nô lệ hóa con người và gây ra chết chóc, trong khi đó Hồi giáo, một tôn giáo cho phép áp đặt hôn nhân, được phép sát hại kẻ nào làm tổn hại đến danh dự Hồi giáo cũng như danh dự gia đình và nữ giới được coi là tín đồ hạng hai qua luật Scharia đầy bất công và khắc nghiệt, thì lại được đánh giá là một tôn giáo phò nữ giới. Quả thật, giới lãnh đạo nhóm khuynh tả tự do người Anh đã công khai coi Kitô giáo là một cản trở cho ý thức hệ của họ về một con người xã hội chủ nghĩa mới, mà họ cương quyết muốn tìm cách xóa bỏ. 

Hủy bỏ luân lý đạo đức

Đối với người mác-xít và người cộng sản, là cả một việc khôi hài khi chủ trương hủy bỏ tôn giáo mà đồng thời lại không tìm cách hủy bỏ nền luân lý đạo đức trong xã hội. Vì thế, họ đã bày ra chủ nghĩa tương đối hóa luân lý, nghĩa là trong cuộc sống con người không hề có vấn đề đúng hay sai, tốt hay xấu cả. Chính Lê-nin đã khen ngợi chủ nghĩa tương đối hóa luân lý này, nhưng ông ta đã bày tỏ quan điểm của mình một cách rất khôn khéo và kín đáo hơn, khi tuyên bố: „Luân lý đạo đức là điều thúc đẩy cách mạng càng tiến xa hơn.“ Ngày nay, những người mác-xít và khuynh tả tự do đang kiểm soát các cơ sở giáo dục và truyền thông ở Anh quốc đều biết rõ là trước hết cần phải tìm mọi cách tạo ra cho bằng được tình trạng hỗn loạn vô chính phủ, một điều đã từng được György Lukács chủ trương. Đàng khác, một phương tiện chắc chắn có thể sử dụng để tạo ra được một tình trạng hỗn loạn mong muốn, đó chính là tìm cách tách rời tầng lớp thanh thiếu niên ra khỏi các quy phạm xử thế và các luật lệ đạo đức đang hiện hành trong xã hội, mà tôn giáo và luân lý đang rao giảng và đòi hỏi. 

Và bước kế tiếp là tìm cách gieo vào đầu tầng lớp trẻ một ý niệm hoàn toàn mới lạ về luân lý đạo đức, đó chính là đạo đức cách mạng. Bởi vậy, khi chúng ta nghe người cộng sản nói về đạo đức, như „đạo đức cách mạng“ hay kêu gọi dân chúng „học theo tấm gương đạo đức của các lãnh tụ“ của họ, thì chúng ta đừng hiểu chữ „đạo đức“ trong những trường hợp này theo nghĩa phổ quát về đạo đức như người ta vẫn hiểu, nhưng phải hiểu theo nghĩa đặc thù riêng biệt của người cộng sản. Có thế, chúng ta mới hiểu được những cảnh trớ trêu, chèo chống và mâu thuẫn trong khi phải sống chung với người cộng sản, như khi chúng ta thấy họ nói một đàng lại hành động một nẻo. Một đàng, ngày đêm họ ra sức tuyên truyền và học tập về tinh thần đoàn kết, về tình nhân ái, nhưng một đàng khác trên thực tế người cộng sản lại gây chia rẽ, gây nghi ngờ giữa các thành phần trong xã hội cũng như trong các gia đình, nhất là khi phải đối mặt với những ai bất đồng quan điểm với họ, họ luôn sử dụng bạo lực để giải quyết sự bất đồng ấy. 

Tại sao lại có tình trạng quá mâu thuẫn trớ trêu như thế nơi những người cộng sản? Tại người cộng sản gian dối lật lọng: nói một đàng quàng một nẻo? Hay tại chúng ta chưa hiểu đúng ý niệm đạo đức của người cộng sản? Câu trả lời là thoạt đầu có lẽ tại cả hai, nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn thì câu trả phải là tại chúng ta chưa nắm bắt được ý niệm đạo đức đúng theo nghĩa của người cộng sản. 

Ý niệm đạo đức theo nghĩa phổ quát và đúng đắn của nó thì phải được xây dựng trên nguyên tắc bất di dịch „Finis bonus non justificat media mala“ – Mục đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu được. Ví dụ, nếu tôi muốn giúp đỡ một người nghèo khổ nào đó (mục đích tốt), và nếu trường hợp tôi không có tiền bạc, tôi không bao giờ được phép lấy trộm hay cướp dật tiền bạc của kẻ khác (phương tiện xấu) để đem giúp đỡ người nghèo kia được. Muốn đạt tới mục đích tốt đòi hỏi, cần phải sử dụng các phương tiện tốt.

Trong khi đó, ý niệm đạo đức của người cộng sản hoàn toàn ngược lại: mục đích tốt luôn biện minh cho mọi phương tiện cần thiết, tốt hoặc xấu. Nói cách khác, các phương tiện tốt hay xấu không thành vấn đề, miễn sao dành được chiến thắng sau cùng. Trong một ý nghĩa nào đó, cũng tương tự như nguyên tắc kinh tế của Đặng Tiểu Bình: „Miễn là mèo bắt được chuột là đủ, chứ không kể mèo trắng hay mèo đen.“ Vâng, đối với người cộng sản chân chính là phải đưa cách mạng, đưa chủ nghĩa cộng sản tiến nhanh, tiến tới chiến thắng cuối cùng, đó là mục tiêu tiên quyết, chứ các phương tiện đều được phép. Tuyên truyền, dụ dỗ, nói dối, lừa đảo, hay sử dụng các thủ đoạn phản luân lý, như bạo lực, bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu, v.v… đều không quan trọng, miễn sao đưa được cách mạng tới thành công, hay miễn sao chế độ của họ có thể đứng vững và không bị đe dọa là đủ. 

Đó là sự khác biệt cơ bản về ý niệm đạo đức giữa ý nghĩa phổ quát của nó và ý nghĩa theo quan niệm người cộng sản. Vì thế, để ý niệm về đạo đức của họ độc quyền, thì người cộng sản và các thành phần thân cộng luôn tìm cách hủy bỏ nền luân lý đạo đức theo nghĩa phổ quát và truyền thống. 

Hủy bỏ cộng đồng

Tương tự như cơ cấu gia đình, cơ cấu cộng đồng cũng ít nhiều mang khuynh hướng độc lập, tự túc tự cường – vì thế, người VN mới nói: „lệnh vua thua lệ làng“ – và là đơn vị nền tảng của một quốc gia nhà nước. Quả thực, cộng đồng là một cái khâu trong một sợi xích dài kết thành một nhà nước hay một quốc gia – gia đình, cộng đồng, làng xã, thôn xóm, các tỉnh lẻ, các đô thị rộng lớn, các tiểu bang, các vùng, miền. – Các cộng đồng cùng hợp lại tạo nên một nhà nước. Nhưng điều đó đi ngược lại nguyên tắc cơ bản „tam vô“ của một thế giới đại đồng, thế giới cộng sản, trong đó chẳng những không hề còn chỗ đứng cho gia đình và tôn giáo, nhưng cũng không có chỗ cho nhà nước hay quốc gia tồn tại. Bởi vậy, cần phải loại bỏ cộng đồng.

Nhưng người ta phải thực hiện mục đích ấy như thế nào? Theo những người khuynh tả quá khích thủa ban đầu, là phải:

1. Loại bỏ những đường sá, nơi đang có những căn nhà chung cho cả gia đình và bắt đầu xây lên những căn hộ cho từng cá nhân.

2. Đóng cửa các trường học và bệnh viện hiện tại, để xây dựng lên các căn nhà đa dụng và giao cho những cán bộ duy hình thức cố chấp xa lạ điều khiển, chứ không giao cho những người địa phương quen biết.

3. Đóng cửa các tụ điểm, nơi những người già cả và những người không công rồi nghề thường hằng tuần tập họp lại để giải khuây và ngồi lê mách lẻo.

4. Loại bỏ thói hút thuốc và làm cho giá cả ở các tửu quán thật đắt, để ít ai dám đến đó nữa. Vì theo họ, các tửu quán có thể tiềm ẩn những mối đe dọa nguy hiểm, nơi các phần tử phản động chống đối có thể gặp gỡ nhau một cách hợp pháp.

Nói tóm lại, nhóm khuynh tả tìm mọi cách tách rời và cô lập dân chúng, để mỗi người dân luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé, lẻ loi và bất lực trước một nhà nước cộng sản uy quyền tuyệt đối với một bộ máy công an, mật vụ và quân đội hùng mạnh, luôn đủ khả năng và luôn sẵn sàng đập tan ngay mọi mầm mống chống đối trong dân chúng, mà họ cho là „những thế lực phản động.“ Những người cộng sản chân chính luôn bảo thủ quan điểm của mình một cách cố chấp, vì họ xác tín rằng chỉ quan điểm của họ mới đúng, mới chân chính, còn mọi quan điểm của những người khác đều sai lầm, đều nặng óc phong kiến, đều phản tiến bộ và đều phản động. Vì thế, người cộng sản không bao giờ chấp nhận đối lập. Hoặc một mình họ hoặc chết, chứ không có sự dung hòa hay hòa hợp với quan điểm người khác.

Huy bỏ giai cấp trung lưu

Liền sau khi bị bắt, bị cầm tù, vì tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, và về sau đã được bầu làm Tổng thống nước Tiệp Khắc khi chế độ cộng sản cáo chung ở nước này vào năm 1989, ông Václav Havel, một nhà văn và một nhà tranh đấu thời danh của phong trào dân chủ nước Tiệp đã tuyên bố rằng, công cuộc tái xây dựng lại đất nước đã từng bị chế độ chủ nghĩa xã hội tàn phá và làm kiệt quệ trong suốt 40 năm trời, cả về kinh tế lẫn luân lý đạo đức, chỉ có thể, nếu một khi giai cấp trung lưu mới lại được tái thành lập. Đó là một nhận xét hoàn toàn đúng. Vâng, giai cấp trung lưu là cái trục giúp cho bộ máy dân chủ lưu hành tốt. Họ là đơn vị đóng thuế nhiều nhất, góp phần vào việc giáo dục và đào tạo tầng lớp trẻ, họ thành lập các ủy ban và các hội đoàn gây lợi nhuận, họ quyên góp tiền bạc cho các dự án ở các địa phương, họ là đơn vị tự túc tự cường nên ít có hay không bao giờ có những yêu sách này nọ gây gánh nặng cho nền kinh tế của đất nước.

Nhưng trước mắt nhóm khuynh tả và những người cộng sản thì giai cấp trung lưu với tình trạng khá độc lập đối với nhà nước như thế là cả một đe dọa nguy hiểm, vì chứa đựng tiềm tàng trong đó sức chống đối và phản kháng chống lại Đảng và nhà nước do Đảng lãnh đạo. Bởi vậy cần phải xóa bỏ giai cấp trung lưu bằng mọi giá, đúng như câu khẩu hiệu hành động của họ đã nêu ra: „Trí-Phú-Địa-Hào đào tận góc, tróc tận rễ“. Tất cả mọi giai cấp và mọi tiềm lực trong nước phải nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng. Và dưới lớp son hấp dẫn „để tiến tới một xã hội vô giai cấp“, giai cấp trung lưu ở Anh quốc luôn bị thóa mạ và bị tiêu diệt một cách rất khoa học và có hệ thống, bởi lẽ họ luôn bị những thành phần khuynh tả cho là đại diện cho giới trưởng giả bóc lột qua các lợi nhuận họ thu được từ công việc kinh doanh, mặc dầu Đảng cộng sản chưa cướp được chính quyền tại Anh quốc.

Hủy bỏ giai cấp công nhân

Từ nhiều thập niên qua, Anh quốc đã thu nhận những thành phần lao động không được đào tạo nghề nghiệp có bài bản từ các nước thiếu phát triển vào trong lãnh thổ của mình, và đồng thời lại thuyên chuyển những công việc không cần tới những thợ chuyên môn ra ngoại quốc. Bởi vậy, trong khi những nhân viên của BBC thuộc nhóm khuynh tả lãnh lương cao và thuê được những bà vú cũng như những phụ nữ ngoại quốc làm người giúp việc trong nhà với tiền lương rẻ mạt, thì tầng lớp thợ thuyền người Anh phải trực tiếp tranh dành công ăn việc làm với những người di cư ngoại quốc với những điều kiện mà họ không sao đủ sức cạnh tranh nổi. Ví dụ một người thợ xây đến từ Pakistan, anh sẵn sàng chấp nhận làm công việc với số lương bằng một nửa số lương của một người thợ bản xứ, vì anh có được những lợi điểm mà người thợ bản xứ không có, đó là anh không phải đóng thuế nhà đất, không phải nuôi gia đình sinh sống trên đất Anh với chi phí đắt đỏ, còn chỗ trọ thì anh có thể thuê ở chung với ba bốn người trong một căn phòng. Và như thế, sau một thời gian dăm ba năm làm việc như thế, anh đã có được một số vốn nhất định trong túi và khi trở lại quê hương anh sẽ có thể đưa số vốn ấy ra làm kinh tế. 

Trong khi đó, tất cả những thuận lợi của những người công nhân ngoại kiều và những bất lợi của giới công nhân người Anh trên đây không hề liên quan gì tới các công ty rộng lớn. Đối với những chủ nhân các công ty, lợi nhuận là trên hết, chứ ai làm công cho họ không thành vấn đề, nếu không muốn nói là khi thuê được nhân công người ngoại quốc với tiền lương rẻ thì họ còn mừng là đàng khác. Riêng nhóm khuynh tả tự do thì tất nhiên là họ rất phấn khởi khi tầng lớp công nhân người Anh bị thất nghiệp triền miên như thế, vì đó là „mảnh đất phì nhiêu“ cho họ gieo những tư tưởng „cách mạng“ thâm độc của họ, vì đó là đất dụng võ của họ qua những cuộc tổ chức biểu tình, xuống đường, để „bênh vực“ cho anh chị em công nhân thợ thuyền, và như thế họ thu được cảm tình của đám người này và rồi chắc chắn họ sẽ thu lượm được nhiều lá phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Và cứ thế, tầng lớp công nhân nghèo đói vẫn là những con mồi ngon cho nhóm khuynh tả và cộng sản tại Anh quốc lợi dụng để thủ lợi một cách đê hèn và vô nhân đạo. 

Hủy bỏ nhà nước

Hiện Liên Hiệp Âu châu còn phải đối mặt với nhiều rắc rối khác nữa, chứ không chỉ với những xung đột và khó khăn của nội tình chính trị tại Anh quốc. Những Ủy viên không hề được dân chúng bầu chọn đang điều hành bộ máy hành chánh của Liên Hiệp Âu châu đã ý thức được một cách rõ ràng là họ hoàn toàn không thể kiểm soát được khả năng điều hành trong nội bộ các nước thành viên. Bởi vậy, nước Anh đã được chia ra thành 12 vùng miền. Chính phủ do Công Đảng cầm quyền trước kia còn muốn đi xa hơn thế nữa, tức họ muốn cắt cử mỗi vùng miền như thế một vị bộ trưởng điều hành. Thế là tất cả sẽ có thể diễn biến đúng với kế hoạch của nhóm khuynh tả tự do và cộng sản tại Anh quốc, nghĩa là rất có thể không lâu nữa tên gọi „England-Anh quốc“ sẽ biến khỏi bản đồ Liên Hiệp Âu châu. Âu đó cũng là nguyên tắc quen thuộc xưa nay của nghệ thuật cai trị dân: „chia để trị!“ 

Kết luận

Nói tóm lại, chỉ vì mục đích ích kỷ vô vọng của phe nhóm họ là muốn nhuộm đỏ, muốn tóm gọn toàn bộ các nước Âu châu và thế giới vào trong gông cùm sắt máu của họ, phong trào khuynh tả tại Anh quốc nói riêng và tại Tây phương nói chung đã và đang tiếp tục gây ra bao rắc rối và khó khăn cho các chính quyền và dân chúng tại lục địa này. Mãi cho tới nay đã trên ba thập niên trôi qua, khi chủ nghĩa cộng sản đã bị đào thải và bị khai tử một cách êm đẹp trên chính sào huyệt của nó là Sô Viết cũng như tại các nước Đông Âu, nhưng một nhóm không nhỏ thuộc các thành phần khuynh tả và cộng sản Âu châu vẫn còn mê muội chưa nhận ra được rằng ý thức hệ của họ đã quá lỗi thời, đã quá lạc hậu, phản văn hóa và phản nhân bản trong một thế giới văn minh tiến bộ như thế giới ngày nay. Vâng, với những kỹ thuật thông tin điện tử cao độ như hôm nay, người ta không còn phải nói đến giờ hay phút nữa trong việc cập nhật mọi tin tức trên khắp toàn cầu, nhưng là tính bằng giây, bằng một vài tíc tắc mà thôi. Vì thế, việc tuyên truyền dối trá, lật lọng, đổi trắng ra đen đổi đen thành trắng sẽ bị lật tẩy, sẽ bị điểm mặt một cách nhanh chóng

Thật ra, chủ nghĩa cộng sản nếu chỉ dựa theo lý thuyết và kèm theo những lời tuyên truyền khôn khéo ngọt ngào của các cán bộ, thoạt nghe qua là một ý thức hệ có sức lôi cuốn khủng khiếp, đặc biệt đối với tầng lớp nông dân đơn thuần chất phác và tầng lớp công nhân ít văn hóa và luôn bị giai cấp chủ nhân bóc lột chèn ép, nhưng nhất là đối với tầng lớp thanh niên thiếu nữ mới lớn, những người chưa một chút kinh nghiệm đời, còn dạt dào lý tưởng, còn thuộc thành phần „ngựa non háu đá.“ Những đơn vị dân chúng này thường hành động theo những gì họ cảm nhận được qua lỗ tai, chứ không phải qua sự suy luận của lý trí. 

Vào tiền bán thế kỷ XX, học thuyết Mác-xít ra đời với những chủ trương mang tính cách mới mẻ và đượm màu sắc „giải phóng“ hấp dẫn vào thời điểm lúc bấy giờ, chẳng hạn:

• Về nhà nước: Phủ nhận sự hiện hữu của các nhà nước, để tìm cách thiết lập một thế giới đại đồng, thế giới cộng sản, một thế giới không còn giai cấp nữa.

• Về Kinh tế: Phủ nhận quyền tư hữu. Tất cả phải là của nhân dân, do Đảng lãnh đạo và quản lý. Mọi người đều bình đẳng. Mọi người đều được hưởng quy chế „làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu.“

• Về tôn giáo: Phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và các thần linh. Từ ban đầu đã có vật chất và chỉ có vật chất. Chính vật chất nẩy sinh ra vật chất qua sức đối kháng tiềm ẩn trong nó. Vì thế học thuyết mác-xít được mang nhãn hiệu „chủ nghĩa vô thần duy vật.“

• Về gia đình: Phủ nhận cơ cấu gia đình truyền thống. Được tự do luyến ái, không bị bất cứ luật lệ luân lý nào ràng buộc cả.

Đó là một số chủ trương cốt lõi của chủ thuyết mác-xít và nó đã một thời có sức cuốn hút vô cùng mãnh liệt, đặc biệt đối với tầng lớp trẻ ngây thơ cả tin và biến họ thành những thành phần quá khích và mù quáng, sẵn sàng dấn thân chết cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng giải phóng nhân loại, để thiết lập một thế giới đại đồng, thiên đàng cộng sản. Thế nhưng, một khi con người đã trải qua giai đoạn nông nổi và hiếu thắng của tuổi trẻ để bước vào lứa tuổi „tứ thập nhi bất hoặc“, vào lứa tuổi từng trải và chín chắn, lứa tuổi biết sống theo lý trí và biết tránh được các sai lầm giả trá, thì người ta sẽ bóc trần được dễ dàng những sai lầm cơ bản và nguy hại trong chính những chủ trương cốt lõi của học thuyết mác-xít hay của chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, ông Milovan Djilas (1911-1997), cựu thành viên bộ chính trị, cựu phó chủ tịch nhà nước và cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Nam Tư đã nhận xét: „Nếu vào tuổi 20 mà không theo cộng sản là không có con tim, nhưng vào tuổi 40 mà còn theo cộng sản là không có cái đầu.“

Thế sao trong hàng ngũ cộng sản luôn có những người không chỉ thuộc tuổi „tứ thập nhi bất hoặc“, mà còn thuộc tuổi „ngũ thập nhi nhỉ thuận“ và „lục thập nhi tri thiên mệnh“ và cao hơn nữa? Có rất nhiều lý do đã khiến những người vào các thứ tuổi ấy mà vẫn còn ở trong hàng ngũ cộng sản. Rất có thể họ nhận chân được sự thật, nhưng vì quyền lợi, vì danh dự, vì bát cơm manh áo hay vì sự sống và sự sống còn của bản thân và của gia đình họ, họ đành phải nín hơi „ngậm miệng qua sông“ hay „chịu đấm ăn xôi.“ Dĩ nhiên, cũng rất có thể những người ấy đã bị nhồi sọ và trở nên quá mù quáng đến bất trị. 

Đó cũng là những lý do cắt nghĩa tại sao cả đến hôm nay, khi cả nhân loại đã bước vào kỷ nguyên điện tử A-còng, nhóm khuynh tả và các chế độ cộng sản vẫn còn sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền và thông tin những dối trá của họ. Họ cứ tưởng là họ vẫn có thể đánh lừa được nhân loại như ba bốn thập niên về trước. Nếu thế thì họ đã lầm to. Điều mà ngày nay nhân loại văn minh tiến bộ đang chờ đợi và đánh giá cao là sự thật, là nhân quyền, là tinh thần nhân ái và sự liên đới huynh đệ đầy thông cảm giữa chính quyền và nhân dân, giữa các công dân trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Đó cũng là điều mà vào ngày 28.9.2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại khóa họp thứ 68 của Liên Hiệp Quốc vừa qua tại New York, khi ông cho rằng Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào công cuộc xây dựng một thế giới hòa bình ấm no hạnh phúc, một thế giới không còn bạo lực, không còn chiến tranh nữa! Mong sao điều ấy chóng được hiện thực trên khắp thế giới và trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta! 

Nhưng một điều minh nhiên không thể phủ nhận được là tất cả những gì phong trào khuynh tả tại Tây phương đã và có lẽ đang tìm cách thực hiện, sẽ để lại những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng trong dư luận, trong lịch sử nhân loại và nhất là trong cuộc sống thực tế của người dân Âu châu.